TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 12.2020

TƯ LIỆU HỌC TẬP CỦA HIỆP HỘI THÁNH MẪU
LƯU HÀNH NỘI BỘ

NỘI DUNG

TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 12/2020
I.THƯ LM GH TH 12/20: NĂM MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2021- ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.
II.HỌC SỐNG NHÂN BẢN TH 12/20: CHÍNH CHÚA GIÊ-SU ĐÃ CHO TÔI SỨC MẠNH.
III. XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GĐ TH 12/20: ĐI TÌM MỘT TÌNH YÊU THỰC SỰ?
IV.TƯ LIỆU HIỆP SỐNG TH 12/20: HSTM CN 2 VỌNG B.- HSTM CN 3 VỌNG B.- HSTM CN 4 VỌNG B.- HSTM LỄ GIÁNG SINH.- HSTM CN LỄ THÁNH GIA.
V.HUẤN LUYỆN H. TRƯỞG TH 12/20: CÔNG TÁC CỦA HỘI VIÊN HHTM.
VI.THƯ GIÃN TH 12/20: LÝ DO BỊ VỢ XUA ĐUỔI.
VII.NHỎ TO HỮU ÍCH TH 12/20: CÔNG DỤNG- CÁCH DÙNG VÀ BẢO QUẢN MẬT NHO.
VIII.SINH HOẠT HIỆP SỐNG THÁNG 12/2020:
A.THÔNG TIN LIÊN HỘI HHTM TH 12
B.SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN BÁC ÁI HHTM TH 12
C.SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM TH 12
D.SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM TH 12

I. LÁ THƯ LM GIÁM HUẤN THÁNG 12/2020
VỀ NĂM MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2021
ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

I. NGƯỜI TRẺ ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA: Lc 24,13-35.
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 15 đã nhìn nhận hành trình Emmau (Lc 24,13-35) như là một văn bản kiểu mẫu để hiểu sứ vụ của Hội thánh trong tương quan với các thế hệ trẻ và giúp tái hiện lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với người trẻ hôm nay. Kiểu mẫu này mong muốn gửi đến người trẻ bài học về sự trưởng thành đức tin thông qua tiến trình 3 bước theo diễn biến tâm lý của hai môn đệ trên hành trình Emmau là:
1. Để Chúa Giêsu bước vào trong đêm tối của cuộc đời.
2. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra.
3. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh.
II. Ý NGHĨA LOGO NĂM MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Nội dung của Logo năm Mục Vụ Giới Trẻ nhằm diễn tả ý nghĩa đồng hành với Chúa Giê-su để xây dựng gia đình mình được bình an hạnh phúc và chu toàn sứ vụ tích cực loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người như sau:
1. Logo mang hình dáng ngôi nhà: Đây là hình ảnh về gia đình, nơi mà người trẻ được sinh ra, được chăm sóc và dạy dỗ nên người. Và cũng là nơi mà hai người trẻ nam và nữ yêu thương nhau cùng nhau gây dựng nên những hoa trái tốt đẹp, tạo nên những gia đình mới cho Mẹ Giáo Hội.
Hình ảnh hai thanh ngang hợp lại tạo thành hình mái nhà: Đây là hình ảnh mang ý nghĩa gia đình, nơi mà người nam và người nữ kết hợp với nhau tạo thành một gia đình trẻ, tiếp tục sứ vụ ươm mầm và nuôi dạy thế hệ tương lai.
2. Khối ba hình ảnh con người:
– Hình người chính giữa: là hình ảnh cách điệu Chúa Giêsu Phục Sinh trong trang phục áo thụng dài với mảnh vải hình chữ S vắt qua vai.
– Hình người hai bên phải trái: tượng trưng cho hai môn đệ trên đường Emmau. Cánh tay vươn lên cao như cách thể hiện sự vui mừng, hoan hỷ của hai môn đệ vì được Chúa Giêsu nắm giữ và đồng hành với họ trên đường Emmau. Nó cũng diễn tả sự vươn lên và trưởng thành về Đức tin của hai môn đệ sau khi được gặp gỡ Chúa.
– Sự liền mạch của kết cấu 3 người trong logo qua cánh tay muốn diễn tả và truyền đi thông điệp về ước mong của người trẻ trong sự gắn kết với sự sống của Đức Kitô và cùng Ngài sống lại và sống mãi. Người trẻ khao khát mình được sống lại như hai môn đệ xưa kia, được Chúa đồng hành, thêm sức, ủi an để vượt qua và đứng vững trước mọi thách đố trong đời; những trở ngại phải trải qua được ví như những con đường quanh co, núi đồi trắc trở. Điều đó cũng diễn tả hành trình mà người trẻ mong muốn được Chúa hướng dẫn để được trưởng thành toàn diện trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường nhật.
+ Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ cũng diễn tả sự quan tâm, quan phòng của Chúa luôn đoái nhìn mỗi người chúng ta. Cuộc đối thoại đó cũng nhắc nhớ người trẻ về ước mong được trò chuyện với Chúa mỗi ngày, và khao khát đón nhận sự đồng hành của Giáo hội trong cuộc sống đời thường.
+ Phía trước họ là con đường khúc khuỷu – diễn tả hành trình Emmau mà họ đang đi. Và con đường đó dẫn về Thánh Giá, như nhắc mỗi người chúng ta cùng bước trên con đường Ngài đã đi qua, dám dấn thân, tin tưởng vào Ánh Sáng Phục Sinh đang lan tỏa và hướng chúng ta về quê trời.
3. Những tia sáng và thánh giá đi ra khỏi đường tròn của logo thể hiện tính siêu việt và phá vỡ những giới hạn mà sự Phục Sinh của Chúa mang đến cho người trẻ. Điều đó mang lại hy vọng rằng những giới hạn của bản thân sẽ được phá vỡ khi chúng ta tin vào Ánh Sáng Phục Sinh, tin vào sự đồng hành của Chúa trên tiến trình thăng tiến của mỗi người cách riêng là người trẻ. Sự phát triển toàn diện nhằm hướng người trẻ và mời gọi người trẻ chia sẻ khả năng, sử dụng nén vàng Chúa trao để can đảm dấn thân loan báo Tin mừng như hai môn đệ.
LM GIÁM HUẤN HHTM
Đaminh ĐINH VĂN VÃNG

II. HỌC SỐNG NHÂN BẢN THÁNG 12/2020
MẪU GƯƠNG THA THỨ CỦA «EM BÉ NAPALM» NĂM XƯA

1. LỜI CHÚA: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả…” (1 Cr 13,8).
2. CÂU CHUYỆN: CHÍNH CHÚA GIÊ-SU ĐÃ CHO TÔI SỨC MẠNH.
PHAN THỊ KIM PHÚC, hay còn được gọi là “EM BÉ NAPALM”, sinh năm 1963, người Canada gốc Việt, nổi tiếng với bức ảnh được trao Giải Pulitzer chụp ngày 8 tháng 6 năm 1972 tại Trảng Bàng, do nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng thông tấn Associated Press, ghi lại hình ảnh một cô bé chín tuổi, da thịt và áo quần bị đốt cháy do bị bỏng nặng bởi bom napalm, khi em đang di tản khỏi ngôi làng của mình.
Với bức hình này, cô gái đã là biểu tượng cho cuộc chiến tranh tương tàn ở Việt Nam. Cô làm cho lương tâm chúng ta nhức nhối. Bây giờ cô là đại sứ cho hòa bình.
Bức hình đen trắng này được giải Pulitzer và được chọn là “hình của năm” trong cuộc tranh giải World Press Photo của Năm 1972. Bức hình trở thành biểu tượng cho những chuyện khủng khiếp của cuộc chiến ở Việt Nam, của sự tàn ác của tất cả mọi chiến tranh tác hại trên trẻ em và thường dân.
Dù phải mang những cái sẹo sâu hoắm trong da, cô theo học ngành y, khi còn học năm thứ hai ở Đại học Sài Gòn, cô bắt gặp được quyển Tân Ước trong thư viện trường đại học. Cô đi theo Chúa Giêsu Kitô và nhận ra Chúa có một dự án cho đời của cô. Năm 1997, cùng với chồng, cô thành lập Quỹ Quốc tế Kim ở Mỹ trong mục đích cung cấp thiết bị y khoa và trợ giúp về mặt tâm lý cho các trẻ em nạn nhân chiến tranh. Dần dần chương trình này được lan rộng và nhiều trung tâm khác đã được thành lập.
Trở lại Ki-tô giáo và sức mạnh của tha thứ:
Chính nhờ việc trở lại Kitô giáo đã cho cô có sức mạnh để tha thứ. Bây giờ Kim Phúc đã 50 tuổi, bà sống cùng chồng, cũng người Việt Nam, và hai con trai Thomas và Stephen ở Toronto, Canada. Bà dành trọn đời mình để cổ động cho hòa bình, cung cấp thiết bị y khoa và hỗ trợ về mặt tâm lý cho các trẻ em nạn nhân chiến tranh ở các nước khác nhau như: Ouganda, Timor phương Đông, Rumania, Tadjikistan, Kenya, Ghana và Afghanistan. “Tha thứ đã giúp tôi thoát ra được hận thù, bà viết trong quyển tiểu sử của mình ‘Cô gái trong bức hình’ (The Girl in the Picture). “Tôi còn rất nhiều sẹo trong cơ thể và vẫn còn những cơn đau rất nhiều gần như mỗi ngày, nhưng tâm hồn tôi đã được thanh tẩy”.
Về sau, Kim Phúc kể lại những ngày tháng đau thương khi bà cố gắng phục hồi vết bỏng do bom napalm: “Đau đớn không thể nào tưởng tượng được. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình sẽ chết đi. Tôi cảm thấy tức giận, cay đắng. Tôi vô vọng, mọi thứ đều tiêu cực. Tôi biết mình không thể sống như thế này mãi mãi. Nhưng sức mạnh sâu thẳm bên trong của một cô gái nhỏ đã giúp tôi vượt qua”.
Đó là một bước ngoặt mà bà muốn kể lại để truyền tải một tinh thần “hòa bình và hy vọng”. Bà cho biết, trong cuốn sách của bà, bà không hề nói về tôn giáo, nhưng nói về niềm tin, về chính đức tin của bà, về cách mà bà được tự do trong tâm hồn. Theo bà, trong hình trình cuộc sống đầy biến động từ Việt Nam tới Cuba bà phải đối diện với những cuộc phiêu lưu, những đau khổ; và bốn năm qua bà đã trải qua 11 lần điều trị bằng laser nhưng với ý chí và niềm tin mạnh mẽ bà đã vượt qua tất cả. Người phụ nữ cười nhẹ nhàng, lịch sự nói: “Chính Chúa Giêsu cho tôi sức mạnh”.
Bom napalm cực mạnh nhưng đức tin, tha thứ và tình yêu còn cực kỳ mạnh hơn. Chúng ta sẽ không bao giờ còn chiến tranh nếu mọi người học để sống với tình yêu đích thực, với hy vọng và với lòng tha thứ.” Nếu “cô gái trong bức hình” làm được thì chúng ta cũng hãy tự hỏi: “Tôi không làm được như vậy sao?”
3. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Xin cho mỗi tín hữu chúng con thêm đức Tin vào Chúa Giê-su, và biết thể hiện đức tin qua đức Cậy là sự tín thác vào quyền năng của Chúa, và qua đức Mến là mở rộng tình thương chia sẻ vật chất tinh thần cho những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh, để chúng con xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa.- AMEN.

III. MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH THÁNG 12.2020
ĐI TÌM MỘT TÌNH YÊU THỰC SỰ
1. LỜI CHÚA:
Tô-bi-a đã nguyện rằng: “Giờ đây, lạy Chúa, Chúa biết không phải vì dục tình mà tôi cưới em này làm vợ, song chỉ vì muốn có con cái nối dòng, để danh Chúa được chúc tụng muôn đời”.
Sara cũng nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng tôi, xin thương xót chúng tôi,
xin cho hai chúng tôi được an khang trường thọ”. (Tb 8, 7)
2. CÂU CHUYỆN: ĐI TÌM MỘT TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC:
Một người đàn ông và một người đàn bà liên lạc với nhau qua hệ thống internet và không hề thấy mặt nhau. Dù vậy, sau một thời gian, những trao đổi giữa hai người đã biến thành những lá thư tình nồng thắm nhất, và bằng mọi giá, họ muốn thấy mặt nhau.
Từ hai thành phố khác nhau, họ hẹn nhau tại phi trường Chicago. Họ sẽ đáp máy bay đến phi trường này cùng vào một giờ như nhau. Vì chưa hề thấy mặt nhau, cho nên người đàn bà cho biết bà sẽ đeo một khăn quàng cổ màu xanh, đội chiếc mũ màu xanh và dĩ nhiên cũng gắn lên chiếc áo khoác của mình một đóa hoa cẩm chướng màu xanh. Tất cả những dấu hiệu xanh ấy không thể nào khiến bà bị nhận lầm với một người nào khác được. Người đàn bà cho biết chuyến bay của bà sẽ sớm hơn một thời gian ngắn, và như vậy, bà có thể đứng trước cổng đến của chuyến bay của người đàn ông.
Vừa ra đến cổng, người đàn ông hồi hộp rảo mắt nhìn từng người trong đám đông đi đón thân nhân. Chỉ trong nháy mắt, ông đã nhận ra được người đàn bà với chiếc khăn quàng cổ màu xanh, chiếc mũ màu xanh và cánh hoa cẩm chướng cũng màu xanh trên áo khoác. Nhưng cũng chỉ trong nháy mắt, người đàn ông muốn độn thổ hoặc quay trở lại máy bay tức khắc, bởi vì người yêu mà ông mong được gặp mặt từng giây từng phút lại là một người đàn bà xấu chưa từng thấy.
Nhưng cuối cùng, người đàn ông cũng lấy hết can đảm tiến về phía người đàn bà, mỉm cười và tự giới thiệu. Người đàn bà cũng ngạc nhiên không kém, bà mở tròn đôi mắt và hỏi người đàn ông:
– Ông làm gì thế, tôi không biết ông là ai!
Rồi bà ta chỉ tay về phía một người đàn bà khác đang đứng lấp ló sau một cây cột lớn và nói:
– Người đàn bà đó cho tôi hai Mỹ kim, và bảo tôi mang vào người tất cả những thứ màu xanh này. Bà ta nói với tôi rằng điều tôi đang làm rất quan trọng cho bà.
Người đàn ông nhìn về hướng cây cột lớn, và nhận ra một người đàn bà đẹp chưa từng thấy. Ông tiến lại gần và hai người nhận ra nhau ngay tức khắc.
Người đàn bà giải thích như sau:
– Suốt đời tôi, người đàn ông nào cũng tìm đến với tôi chỉ vì sắc đẹp của tôi. Chính vì thế, tôi đã quyết định liên lạc trên hệ thống internet, để tìm một người đàn ông không đến với tôi chỉ vì sắc đẹp của tôi mà chỉ vì giá trị nội tâm của tôi .
\/ăn hào Pháp Victor Hugo có nói: “Niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc sống là khi chúng ta xác tín rằng chúng ta được yêu thương vì con người chúng ta, hay đúng hơn, chúng ta được yêu cho dẫu chúng ta có là gì đi nữa “.
3. SUY NIỆM:
Thánh Gio-an định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” .Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt. Ngài yêu thương mọi người không phải vì tài năng đức độ của họ. Dù nghèo hèn xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người đều có một chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu của Chúa. Vậy tình yêu vợ chồng cần có phẩn chất thế nào?
1. Một tình yêu hiệp nhất:
Tình yêu vợ chồng trước hết hướng đến việc kết hợp nên một: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể” (St 2,24; Mt 19,5). Trước khi lấy nhau, họ là hai thế giới khác biệt với những vấn đề, những khát vọng, những niềm vui, nỗi buồn riêng tư. Giờ đây, khi đã lấy nhau, hai thế giới đó được hoà trộn vào nhau, thành một xương một thịt và một tâm hồn, chia sẻ một vận mệnh và một cuộc sống. Sự kết hợp đó sâu xa đến nỗi chỉ cái chết mới có thể chia lìa. Chính vì vậy, tình yêu hôn nhân đòi hỏi sự độc nhất (một vợ một chồng) và bất khả phân ly (Không được ly hôn)
2. Tình yêu dâng hiến:
Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi ân ái dành riêng cho vợ chồng. Tính dục là sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng. Nhờ đó hai người tạo hạnh phúc và niềm vui cho nhau. Sự trao hiến trọn vẹn giúp đôi bạn đời kết hợp mật thiết với nhau, một lòng một ý với nhau.
3. Tình yêu chung thủy
Tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải luôn chung thuỷ với nhau. Do giao ước hôn nhân, họ không còn là hai, nhưng đã trở nên một xương một thịt. Nhờ biết chung thủy với nhau, vợ chồng sẽ làm chứng cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa. Cần tránh những giao tiếp bất chính dễ dẫn đến chia sẻ tình cảm, làm sứt mẻ tình yêu vợ chồng.
4. Tình yêu mở ngỏ cho sự sống
Truyền sinh vừa là một ân huệ, vừa là một mục tiêu căn bản của hôn nhân. Vì tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng tới việc sinh sản con cái. Vì thế, mọi hành vi ân ái phải mở ngỏ cho việc truyền sinh. Tránh áp dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo trái với tự nhiên.
Khi có lý do chính đáng, đôi vợ chồng cũng có quyền kéo dài khoảng cách giữa những lần sinh con. Việc sinh sản giãn cách này không do sự tính toán ích kỷ, nhưng do tinh thần trách nhiệm, không để gia đình mình trở thành gánh nặng cho xã hội.
4. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương Hội Thánh đến nỗi sẵn sàng chịu chết để đền tội thay và ban ơn cứu độ cho Hội Thánh. Xin giúp các thành viên trong gia đình chúng con biết thông cảm, nhân hậu, khiêm tốn, hiền hòa và nhẫn nại đối với nhau; biết tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh để bước theo con đường yêu thương của Chúa đến cùng. Amen.
LM ĐAN VINH – HHTM

IV. TƯ LIỆU HỌC SỐNG LỜI CHÚA THÁNG 12/2020

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG B
Is 40,1-5.9-11 ; 2 Pr 3,8-14 ; Mc 1,1-8
DỌN TÂM HỒN ĐÓN ĐẤNG THIÊN SAI GIÊ-SU
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Mc 1,1-8
(c 1) Khởi đầu Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. (c 2-3) Chiếu theo lời đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (c 4-5) Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép Rửa cho họ trong sông Gio-đan. (c 6) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. (c 7-8) Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép Rửa cho anh em nhờ nước. Còn Người, Người sẽ làm phép Rửa cho anh em trong Thánh Thần.
2. Ý CHÍNH:
Sách Tin Mừng thứ hai bắt đầu với lời rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả. Mác-cô giới thiệu Gio-an là vị tiền sứ của Đức Giê-su, có sứ mạng đi trước để dọn đường cho Người (c 2-3). Gio-an thực hiện sứ mạng bằng việc rao giảng để kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và chịu thanh tẩy nhờ phép rửa dìm mình trong nước sông Gio-đan. Cuối cùng chính Gio-an đã giới thiệu về con người và sứ mạng của Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Mc 1,7-8).
3. CHÚ THÍCH:
– (c 1) Tin Mừng: Một từ ngữ Hy Lạp (Euaggelion) có nghĩa là Tin vui, Tin mừng. Ta có thể hiểu Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo hai nghĩa: Một là chính Tin mừng đã được Đức Giê-su rao giảng. Hai là Tin mừng về Đức Giê-su được Hội Thánh công bố. Như vậy, Đức Giê-su vừa là người rao giảng Tin mừng, lại vừa là đối tượng của Tin mừng được rao giảng (x. Mc 8,38;10,29). + Giê-su: có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ (x. Mt 1,21). Đức Giê-su là một nhân vật lịch sử có thật, quê tại làng Na-gia-rét miền Ga-li-lê (x. Mc 1,9), làm nghề thợ mộc, là con của bà Ma-ri-a, là anh em bà con với các ông Gia-cô-bê, Giu-se, Giu-đa và Si-mon (x. Mc 6,3). + Ki-tô: Ki-tô hay Mê-si-a có nghĩa là Đấng được xức dầu hay được thánh hiến. Trong Cựu Ước có ba chức vị được xức dầu tấn phong là: vua, tư tế và ngôn sứ. Chẳng hạn: Đa-vít được ngôn sứ Sa-mu-en xức dầu phong làm vua (x. 1 Sm 16,13), A-a-ron được Mô-sê xức dầu phong làm tư tế (x. Lv 8,12), Ê-li-sê được Ê-li-a xức dầu phong làm ngôn sứ (x. 1 V 19,16). Qua câu này, Mác-cô quả quyết Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai hay Đấng Mê-si-a cũng gọi là Ki-tô mà người Do-thái đang mong đợi (x. Cv 10,38; Lc 4,18-19). + Con Thiên Chúa: Tước hiệu Con Thiên Chúa tương đương với tước hiệu Con Vua Đa-vít (x. Mc 14,61-62a). Với sự xuất hiện của Đức Giê-su, thời đại hoàng kim của nhân loại đã khởi đầu: Từ đây nhân loại sẽ được giải thoát khỏi ách nặng nề của lề luật, khỏi làm nô lệ cho ma quỉ, nhưng được trở nên con cái của Thiên Chúa (x. Mt 5,9), được gọi Chúa là “Áp-ba, Ba ơi ! ” (x. Gl 4,6), được nên nghĩ̃a tử của Thiên Chúa nhờ tin yêu kết hiệp với Đấng Ki-tô (x. Gl 3,26-28).
– (c 2-3) Lời đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: Đây là một đoạn Lời Chúa trích ra từ sách ngôn sứ I-sai-a (40,3). Qua câu này, Mác-cô muốn ám chỉ Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Người được Thiên Chúa trao cho sứ mạng làm Mô-sê Mới của thời Tân Ước để thực hiện một cuộc Xuất Hành Mới. Người sẽ dẫn đưa dân Ít-ra-en Mới là Hội Thánh vượt qua sa mạc trần gian để về miền Đất Hứa là Nước Trời đời sau. + Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con: Vị sứ giả đây chính là Gio-an Tẩy giả. Ông đã được trao sứ mạng tiền hô, nghĩa là công việc của người đi trước hô to lên cho mọi người biết và dẹp đường để đón Đấng Thiên Sai sắp đến.
– (c 4-5) Phép rửa của Gio-an Tẩy giả: Gio-an làm phép rửa để giúp người ta tỏ lòng sám hối tội lỗi và cầu xin Chúa tha tội. Đồng thời, cũng để chuẩn bị giúp họ đón nhận ơn cứu độ của Đấng Thiên Sai. Nghi thức phép rửa của Gio-an gồm việc khiêm nhường xưng tội trước khi được Gio-an dìm mình dưới nước sông Gio-đan.
– (c 7-8) Bí tích Rửa tội của Đức Giê-su: Sau khi được Gio-an dìm mình dưới nước sông Gio-đan, Đức Giê-su đã được Chúa Thánh Thần lấy hình chim câu ngự xuống trên mình. Qua cuộc thần hiện này, Người đã thiết lập bí tích rửa tội để ban cho những ai có lòng sám hối và có đức tin sẽ được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa (x. Mt 28,19). Trong nghi lễ rửa tội, sau khi tuyên bố từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin, người chịu phép sẽ được vị chủ sự dìm mình trong giếng nước hay được dội nước trên đầu, và còn được xức dầu thánh để nên dưỡng tử của Thiên Chúa.
4. CÂU HỎI:
1) Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô có ý nghĩa thế nào?
2) Ý nghĩa của hai từ Giê-su và Ki-tô khác nhau ra sao?
3) Phân biệt giữa phép rửa do Gio-an thực hiện với phép rửa tội do Đức Giê-su thiết lập giống và khác nhau như thế nào?
4) Người giáo dân có được quyền ban phép rửa tội cho một người lương lớn tuổi muốn theo đạo, hay cho một trẻ mới sinh sắp chết hay không và cách thức rửa tội trường hợp đó như thế nào?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (c 3).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHÚA MUỐN THA TỘI LỖI CHO LOÀI NGƯỜI CHÚNG TA:
Vào một đêm lễ Giáng Sinh kia, Giê-rô-ni-mô đang cầu nguyện trong một hang đá ở trong rừng vắng và suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Đột nhiên Chúa Giê-su hiện ra hỏi ngài: “Giê-rô-ni-mô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày sinh nhật của Ta sắp tới không?”. Ngài thưa: “Lạy Chúa, con xin dâng Chúa trái tim của con”. Chúa nói: “Còn gì khác nữa không?”. Ngài thưa: “Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể”. Chúa lại hỏi: “Còn điều gì khác nữa không?”. Ngài thưa: “Lạy Chúa, con mới dịch sách Thánh Kinh xong, con xin dâng Chúa bản dịch là kết quả công lao vất vả của con”. Chúa nói: “Tốt lắm, con còn điều gì nữa không?”. Ngài thưa: “Lạy Chúa, con còn gì khác nữa đâu?”. Chúa bảo: “Còn sự yếu đuối và tội lỗi của con, con hãy dâng những thứ ấy cho Ta”. Giê-rô-ni-mô hốt hoảng thưa: “Lạy Chúa, làm sao con dám dâng những thứ xấu xa ấy cho Chúa?”. Chúa nói: “Được chứ, Ta muốn con dâng những cái đó cho Ta để Ta tha thứ cho con. Đó là điều Ta mong đợi nơi con”.
Chúng ta cần có tâm hồn sám hối để xứng đáng được Chúa tha thứ. Chúa Giê-su chính là hiện thân của lòng tha thứ. Ngài đến trần gian để đón nhận tất cả tội lỗi của loài người. Bởi vậy, chẳng có gì quá đáng khi nói: Món quà Thiên Chúa mong đợi nhất nơi con người là hãy dâng các tội lỗi lên cho Chúa để được Người tha thứ và ban ơn cứu độ cho chúng ta.
2) SÁM HỐI – ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CHÚA THA TỘI:
Một hôm, vị Phó Vương xứ Naples là công tước d’ Osone khi mới lên nhậm chức, ông quyết định sẽ ân xá cho các tù nhân có biểu hiện sám hối thực sự. Ông đã đích thân đến thăm nhà ngục và xét hỏi từng người để sẽ ban lệnh ân xá cho họ. Khi được hỏi, hầu hết tù nhân đều kêu mình bị oan. Riêng chỉ có một người là sẵn sàng nhận tội, và còn nói lẽ ra mình phải chịu mức án nặng hơn mới đáng với tội của mình. Thấy phạm nhân thành tâm nhận lỗi, vị công tước liền nói với anh như sau: ”Anh đã nhận mình là tội nhân đang khi nhiều người khác lại chối tội. Như vậy nhà tù này không hợp với anh, nên anh được ân xá và sẽ lập tức được trở về nhà”.
Một người phàm như công tước xứ Naples mà còn có lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ cho một tù nhân có lòng khiêm hạ sám hối, phương chi Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót lại không tha thứ lỗi lầm cho những hối nhân sám hối và quyết tâm cải tà quy chính hay sao ? Bởi vì nếu bản tính của loài người là kẻ yếu hèn và dễ phạm tội, thì Thiên Chúa lại là “Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Ngài không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (TV 103,8-10).
3) CẦN THAY ĐỔI TỪ BẢN THÂN TRƯỚC:
Một vị thiền sư Ấn giáo tuổi cao niên đã phát biểu cảm nghĩ về cuộc đời của ông từ nhỏ tới lớn mà ông đã từng trải qua như sau :
– Lúc còn trẻ, tôi là một thiếu niên có những suy nghĩ táo bạo và đầy quyết tâm. Khi nhìn thấy thế giới chung quanh đầy tội lỗi gian ác, tôi đã mạnh dạn cầu nguyện với Thượng Đế như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con đủ khôn ngoan để biến đổi thế giới tội lỗi xấu xa này trở nên thánh thiện tốt đẹp hơn”.
– Rồi khi đến tuổi trưởng thành, tôi đã nghiệm ra rằng: Tôi đã trải qua nửa đời người rồi mà vẫn chưa biến đổi được ai nên tốt hơn. Lúc đó, tôi đã thay đổi lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin cho con đủ sức biến đổi mọi người trong gia đình và bè bạn của con nên tốt hơn. Và như vậy là con đã thỏa mãn rồi”.
– Nhưng giờ đây đến tuổi xế chiều, “răng nong tóc bạc”, khi ngày tháng đời tôi sắp kết thúc, tôi mới nhận ra rằng: tôi thật khờ dại biết bao! Tôi đã chẳng làm được điều tốt nào cho ai cả. Bây giờ tôi chỉ còn biết khiêm tốn cầu nguyện với Chúa như sau: “Lạy Chúa, xin giúp con đủ nghị lực để biến đổi chính bản thân con”… Giả như tôi đã sớm nhận biết và cầu nguyện như vậy ngay từ lúc còn trẻ, thì tôi đã không uổn phí bao nhiêu thời gian cách vô ích rồi”.
4) GƯƠNG SÁNG THUYẾT PHỤC HIỆU QUẢ HƠN LỜI NÓI:
Vào thế kỷ 12, nhiều tệ đoan đã xảy ra trong nội bộ Hội thánh, nhiều bè phái đã nổi lên ở khắp nơi phê phán chỉ trích nếp sống xa hoa của nhiều chủ chăn. Lúc đó hai thánh Phan-xi-cô thành Át-si-si và thánh Đa-minh đã được Thiên Chúa sai đến với sứ mạng thức tỉnh và canh tân Hội thánh. Các ngài đã không lớn tiếng phê phán mà ăn năn sám hối từ chính bản thân của mình. Các ngài không khoe khoang thành tích, không tham lam của cải địa vị, không sống đạo đức giả tạo… Tuy cả hai vị đều thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng các ngài đã từ bỏ tất cả địa vị danh vọng tiền của vật chất để chọn lối sống khó nghèo, hiền hòa và khiêm tốn phục vụ người nghèo noi gương Chúa Giê-su…. Thánh Đa-minh đã lập dòng “Anh em thuyết giáo” (OP), còn thánh Phan-xi-cô lập dòng “Anh em hèn mọn” (OFM). Các tu sĩ của hai dòng khổ tu này có nếp sống đơn giản: ăn mặc quần áo vải thô, ngày ngày đi chân đất qua các xóm làng khất thực và đến tối lo dạy giáo lý cho người lớn và trẻ em tại các nhà thờ bị bỏ hoang, tổ chức những tuần tĩnh tâm cho các tín hữu. Chẳng mấy chốc tiếng lành đồn xa, cuộc sống nghèo khó và đạo đức của các ngài đã được nhiều vị chủ chăn và các tín hữu nhận biết nể phục. Nhiều tội nhân và người theo lạc giáo đã được ơn Chúa hồi tâm sám hối trở về với Hội thánh Công giáo. Nhờ sự quyết tâm canh tân vừa bằng lời giảng kèm theo gương sáng của các ngài và các tu sĩ nam nữ trong dòng mà con thuyền Hội Thánh đã vượt qua các cơn phong ba bão táp có nguy cơ bị chìm đắm.
5) PHẢI CHIẾN ĐẤU VỚI NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NÀO ?
Vào một buổi chiều kia, cha bề trên đã hỏi một tu sĩ trong dòng được tiếng là người đạo đức: « Hôm nay con đã làm gì? » Tu sĩ liền trả lời: “Thưa cha, cũng như mọi ngày, hôm nay con rất bận làm việc mà nếu không có ơn Chúa, con sẽ không thể chu toàn. Đó là mỗi ngày con đều phải canh chừng hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu, giữ một con sấu, trị một con gấu và quan tâm săn sóc cho một bệnh nhân”.
Bề trên cười hỏi lại : « Con nói gì thế? Trong dòng chúng ta đâu có những con thú dữ như con vừa nói ? ». Tu sĩ trả lời : « Thưa cha thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con mắt của con mà con phải giữ để chúng khỏi nhìn những vật cấm kỵ. Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi để chúng không đi vào con đường xấu. Hai chim diều hâu là hai bàn tay mà con phải bắt nó làm những việc có ích. Còn con cá sấu là cái lưỡi mà con phải kìm hãm để khỏi nói ra những điều lỗi bác ái. Con gấu chính là trái tim mà con phải canh chừng để khỏi ích kỷ và tự cao tự đại. Còn bệnh nhân là chính thân xác của con mà con cần luôn đề phòng để cho nhục dục khỏi vùng lên.
Ngày xưa Gio-an Bao-ti-xi-ta đã sống như thế để dọn đường đón Đấng Thiên Sai. Nếu mỗi người chúng ta cũng biết sống như vậy trong Mùa Vọng này, chúng ta sẽ biến tâm hồn mình trở thành con đường đón Chúa đến thăm vào lễ Giáng Sinh sắp tới.
3. SUY NIỆM:
Tin Mừng Chúa Nhật 2 Mùa Vọng hôm nay thuật lại việc Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ mạng tiền hô đi trước dọn đường cho mọi người đón Đấng Thiên Sai. Noi gương ngôn sứ I-sai-a xưa, Gio-an đã đến sông Gióc-đan rao giảng như sau: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,5). Ông cũng làm phép rửa dìm mình trong nước sông Gióc-đan cho những ai thành tâm sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Thiên Sai sắp đến.
1) SỨ MẠNG CỦA GIO-AN TẨY GIẢ:
Thiên Chúa đã gọi Gio-an là con của tư tế Gia-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét làm ngôn sứ và trao sứ mạng đi trước dọn đường cho người ta đón Ðấng Thiên Sai sắp đến. Gio-an đã thi hành sứ mạng bằng một cuộc sống khổ hạnh: mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông đã từ bỏ mọi tiện nghi vật chất để nêu gương sống siêu thoát hầu thi hành sứ mạng tiền hô cho Đấng Thiên Sai. Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước. Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8). Qua đó, Gio-an xác nhận rõ vai trò sứ giả của ông. Ông chỉ là người đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Ông đã nói với mọi người rằng: Tôi không phải là Đấng Thiên Sai, nhưng chỉ là tiếng kêu trong hoang địa để mọi người dọn đường đón Người đến. Người cao trọng hơn tôi và là Đấng mà dân chúng đang trông đợi. Gio-an đã xác nhận vai trò tiền hô của mình: “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi!” Ông đã thực hiện sứ mạng đúng như lời tuyên sấm của ngôn sứ Ma-la-ki-a và I-sai-a như sau: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1) và “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is 40,3).
2) GIO-AN ĐÃ THI HÀNH SỨ MỆNH BẰNG LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM:
Gio-an Tẩy Giả đã nêu bốn phương thế giúp don đường đón Chúa đến:
– Một là vào sa mạc: Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch.
– Hai là hồi tâm sám hối: Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép Rửa cho họ trong sông Gio-đan (Mc 1,4-5).
– Ba là sống đơn sơ trong cách ăn mặc và khổ chế: Ông Gio-an ‘mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1,6).
– Bốn là ăn ở khiêm tốn và phục vụ tha nhân: Gio-an tiên báo về Đấng Thiên Sai: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép Rửa cho anh em nhờ nước. Còn Người, Người sẽ làm phép Rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8).
3) MỖI NGƯỜI CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ CỤ THỂ TRONG NHỮNG NGÀY NÀY ?
Sau khi được xem gương sáng và nghe lời Gio-an giảng, đám đông dân chúng đã hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì ?”. Gio-an đã trả lời cho dân Do Thái và cũng cũng cho chúng ta hôm nay như sau:
– Hãy vào nơi thanh vắng: Mỗi ngày hãy dành ra ít phút khi vừa thức dậy để dâng ngày mới cho Chúa; Buổi tối hãy xét mình ăn năn sám hối trước khi nghỉ đêm; Trong ngày hãy đến nhà thờ dự lễ và tham dự các buổi Tĩnh Tâm Mùa Vọng tại nhà thờ…
– Hãy làm cho Chúa được lớn lên: Trước khi làm một việc gì, hãy tự hỏi mình: Tôi làm việc này để tôn vinh danh Chúa và vì phần rỗi các linh hồn, hay để tìm tiếng khen ?
– Hãy chọn lối sống đơn giản: Trong mùa Vọng này, hãy không mua sắm thêm quần áo giày dép nếu không thực sự cần thiết; Không hoang phí trong việc tổ chức ăn uống… để học sống đơn giản noi gương Gio-an và Chúa Giê-su (x. Mt 8,20).
– Hãy sống công minh chính trực: Những người làm nghề buôn bán cần nói năng lễ độ thật thà và ân cần tế nhị khi tiếp xúc với khách hàng. Tránh khoe khoang về mình nhưng hãy khen ngợi và thực lòng đề cao người khác lên.
– Hãy quảng đại chia sẻ niềm vui và tình thương của Chúa: Gửi thiệp Noel cho bạn bè và người thân để nói lên thái độ quan tâm và đi bước trước đến với mọi người; Đóng vai ông già Noel để đi thăm viếng phát quà các trẻ em đường phố hay các mái ấm nuôi trẻ mồ côi, các trại nuôi người khiếm thị hay khuyết tật, các người già liệt giường, thăm bệnh nhân nghèo tại bệnh viện…
4. THẢO LUẬN: 1) Đến ngày tận thế, Chúa Giê-su sẽ tái lâm để biến đổi trần gian nên “Trời Mới Đất Mới”. Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta phải cộng tác với Chúa để biến gia đình mình ngày một an vui hạnh phúc hơn, khu xóm mình ngày một an toàn sạch đẹp hơn, đất nước mình ngày một văn minh, an bình và thịnh vượng hơn? 2) Ta cần dọn lòng đón chúa đến với mình thế nào trong những ngày này?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong những ngày Mùa Vọng này, xin cho chúng con biết siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ, để qua đó, chúng con sẽ “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Chúa sẽ đến thăm chúng con trong lễ Giáng Sinh, và sẽ lại đến trong giờ chết của mỗi người chúng con cũng như trong ngày tận thế của toàn nhân loại. Xin cho chúng con biết dọn lòng đón Chúa mỗi ngày đến bằng việc sám hối, loại bỏ các thói hư, mỗi ngày làm ít là một việc bác ái cho tha nhân kèm theo một lời nguyện tắt… Nhờ đó chúng con sẽ góp phần thi hành sứ mạng đem Chúa đến cho mọi người như lời chúc mừng Giáng Sinh: “Chúc mừng một mùa Giáng Sinh vui tươi và hạnh phúc”.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN 3 MÙA VỌNG B
Is 61,1-2a.10-11 ; 1 Tx 5,16-24 ; Ga 1,6-8.19-28
LÀM CHỨNG VỀ ÁNH SÁNG NOI GƯƠNG GIO-AN
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 1,6-8.19-28:
(c 6) Có một người được Chúa sai đến, tên là Gio-an. (c 7-8) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (c 19) Và đây là lời chứng của ông Gio-an: Khi người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?”. (c 20) Ông tuyên bố thẳng thắn. Ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô”. (c 21) Họ lại bảo ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải”. -“Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không”. (c 22) Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”. (c 23) Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. (c 24) Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. (c 25) Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép Rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?”. (c 26) Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép Rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. (c 27) Người sẽ đến sau tôi, và tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người”. (c 28) Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép Rửa.
2. Ý CHÍNH:
Gio-an Tẩy Giả có sứ mạng đến trước dọn đường cho Đấng Ki-tô Cứu Thế. Ông đã thi hành sứ mạng bằng việc làm chứng cho Đấng Ki-tô là ánh sáng như sau: Ông không phải là Đấng Ki-tô mà chỉ là “Tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường đón Đức Chúa sắp đến” như I-sai-a đã tuyên sấm. Gio-an dọn đường cho Đấng Thiên Sai bằng lời nói và việc làm: Ông kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối để dọn lòng đón Đấng Thiên Sai. Sám hối bằng việc ăn năn thú tội và chịu phép rửa dìm mình trong nước sông Gio-đan. Gio-an làm chứng về Đấng Thiên Sai là Đấng đã đến và đang ở giữa mọi người và ông không đáng làm đầy tớ cởi quai dép cho Người.
3. CHÚ THÍCH:
– C 6: + Gio-an: Là con trai của hai ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét đã thụ thai cách lạ nhờ quyền năng Thiên Chúa (x. Lc 1,59-60). Tên Gio-an có nghĩa là “Chúa ban ơn”. Tên này do sứ thần Chúa khi hiện ra trong Đền thờ đã truyền cho ông Da-ca-ri-a phải đặt cho con trẻ (x. Lc 1,13). Ngoài tên gọi Gio-an, ông còn có hai biệt danh là Tiền Hô và Tẩy Giả. Tiền hô hay Tiền Sứ là người “đi trước dọn đường cho Đấng Ki-tô” (x. Lc 1,17); Tẩy Giả là người “làm phép Rửa cho những người đang mong chờ ơn cứu chuộc Ít-ra-en” (x. Lc 3,3).
– C 20-23): + Ê-li-a: Theo sách Ma-la-ki-a (3,1-2) và Gíao Sĩ (48,10-11) thì Ê-li-a sẽ trở lại trước khi Đấng Thiên Sai xuất hiện. Gio-an Tẩy Giả không nhận mình là Ê-li-a theo nghĩa đen đó. Điều này không trái ngược với lời Đức Giê-su khẳng định: “Gio-an chính là Ê-li-a, đấng phải đến trước” (x. Mt 11,14). Gio-an xuất hiện trong tinh thần của Ê-li-a, chứ không phải là chính con người Ê-li-a bằng xương bằng thịt. + Ngôn sứ: Thực ra, Gio-an cũng là một ngôn sứ của Thiên Chúa (x. Đnl 18,15). Nhưng ông không phải là ngôn sứ giống như ông Mô-sê mà sách Đệ Nhị Luật đã nói đến. + “Thế ông là ai…?”: Gio-an Tẩy Giả đã trả lời rằng: ông chỉ là người Tiền Hô, đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai.
– C 24-27: + “Vậy tại sao ông làm phép rửa…?”: Gio-an trả lời rằng: Ông chỉ làm phép rửa để thanh tẩy người ta bằng nước, chuẩn bị chờ đón Đấng Ki-tô sắp đến. Còn Đức Ki-tô mới làm phép rửa thanh tẩy cho người ta trong Thánh Thần. Người là Đấng quyền năng mà Gio-an không xứng đáng làm tôi tớ cởi quai dép để hầu hạ Người.
4. CÂU HỎI: 1) Gio-an trong Tin mừng hôm nay là ai? Tên Gio-an nghĩa là gì và ai đã đặt tên này cho ông? 2) Đức Giê-su đã khẳng định “Gio-an chính là Ê-li-a, đấng phải đến trước” (x Mt 11,14). Vậy tại sao chính Gio-an lại nói mình không phải là Ê-li-a hay ngôn sứ? 3) Gio-an tự xưng là gì và lý do nào khiến ông làm phép rửa cho dân chúng?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin”(Ga 1,6).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHỈ VUI THỰC SỰ KHI CÓ CHÚA LÀ TÌNH YÊU TRONG TÂM HỒN:
Tại một thành phố kia có một nghệ sĩ hài nổi tiếng. Người nào dù đang buồn đến đâu, khó tính đến mấy nếu được xem nghệ sĩ biểu diễn thì thế nào cũng phải bật cười.
Cũng trong thành phố ấy có một bác sĩ tâm lý nổi tiếng chữa được mọi thứ tâm bệnh. Ngày nọ có một người đàn ông lớn tuổi, vẻ mặt buồn rầu đến xin bác sĩ tâm lý tư vấn. Ông ta nói: “Thưa bác sĩ, tôi là một con người bất hạnh. Cuộc đời tôi đầy những sự chán chường. Bác sĩ có cách nào làm cho tôi vui lên được không?”
Bác sĩ tâm lý liền hỏi: “Thế ông có bị túng thiếu về tiền bạc không?”
Ông ta đáp: “Thú thật, tôi là người thành đạt và khá giầu có”.
Nhà tâm lý lại hỏi tiếp: “Thế còn gia đình vợ con thì sao?”
Ông ta gật đầu thừa nhận: “Tôi có một người vợ vừa đẹp người lại vừa đẹp nết và có mấy đứa con ngoan ngoãn dễ thương”.
Sau khi hỏi để biết thêm một số điều khác, viên bác sĩ tâm lý đã đề nghị cho ông ta một giải pháp: Tôi nghĩ ông nên đến xem các buổi biểu diễn của một nghệ sĩ hài danh tiếng ngay trong thành phố. Chắc chắn ông sẽ cảm thấy cười vui thỏa thích và sẽ không còn buồn nữa.
Nhưng viên bác sĩ lại rất ngạc nhiên khi nghe thân chủ của mình nói: “Thưa bác sĩ, xin cám ơn bác sĩ. Nhưng… tôi chính là nghệ sĩ hài nổi tiếng trong thành phố mà bác sĩ vừa nói đó!”
Câu chuyện nghe có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế đúng như vậy. Một người có biệt tài chọc cười người khác lại là nạn nhân của sự buồn chán. Mặc dù ông ta sở hữu mọi thứ ưu điểm mà mọi người đều mong ước, nhưng do trong lòng không có nguồn vui thì làm sao có thể cảm thấy vui thực sự được ? Niềm vui đích thực chỉ đến từ nơi « Thiên Chúa là Tình yêu. Ai yêu thương thực sự thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy ». Chỉ những ai trong lòng chứa đầy tình yêu vị tha nhân ái mới cảm thấy bình an và vui tươi thực sự.
2) GƯƠNG SÁNG CAN ĐẢM TRUNG THỰC CỦA THÁNH GIO-AN PHAO-LÔ II:
-Trong thời gian chuẩn bị mở Đại Năm Thánh 2000, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II đã kêu gọi mọi thành phần trong Hội thánh phải thành tâm sám hối. Vào tháng 05 năm 1995, tại nước cộng hòa Xéc (Tchèque), ngài đã nêu gương can đảm và trung thực khi công khai đại diện Hội thánh Công Giáo nhận lỗi như sau: “Hôm nay tôi, Giáo Hoàng của Giáo Hội Rô-ma, nhân danh tất cả những người Công giáo, tôi xin lỗi về những lầm lỗi đã gây ra cho người không Công giáo trong lịch sử sóng gió của các dân tộc ấy”.
– Thực vậy, trong lịch sử gần 2000 năm, do lỗi của một số các chủ chăn, Hội thánh ít nhiều đã phạm phải một số lỗi lầm cần phải trung thực nhìn nhận và quyết tâm sám hối như sau:
+ Hội thánh cũng có một phần trách nhiệm trong sự phân rẽ nội bộ thành bốn tôn giáo Ki-tô như: Công giáo, Chính thống, Tin lành và Anh giáo.
+ Thời kỳ trung cổ Hội thánh đã có lần buộc phải phát động thánh chiến để giải phóng Đất Thánh đã bị người Hồi giáo xâm chiếm trước đó. Do cuộc thánh chiến này mà đã có rất nhiều người của hai bên bị thương vong.
+ Thời kỳ Trung cổ, Hội thánh có toà án “Qui Tà” để xét xử và ra những bản án nặng nề như kết án hỏa thiêu một số người hành nghề phù thủy và những người dị giáo chống lại Hội thánh.
+ Về phạm vi khoa học, Hội thánh có lần đã lập tòa án tôn giáo kết án oan sai cho một nhà khoa học vô tội là Ga-li-lê-ô…
Qua việc công khai thừa nhận những sai sót của Hội Thánh trong quá khứ, Đức Thánh Cha muốn cho thấy quyết tâm canh tân Hội thánh công giáo để giúp Hội Thánh bước vào thiên niên kỷ thứ ba với một tinh thần mới theo sát Tin Mừng của Chúa Giê-su hơn và phù hợp với giai đoạn mới của lịch sử nhân loại hơn.
– Trong những ngày Mùa Vọng này, noi gương Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì cụ thể để chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh, chờ đón Chúa Cứu Thế đến trong giờ chết mỗi người cũng như đến chung trong ngày cùng tận của thế giới?
3) HÃY THẮP LÊN ÁNH SÁNG TIN YÊU CHO THA NHÂN:
Một ngày kia mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã đi thăm một ông lão nghèo không ai biết đến. Ông sống trong một căn phòng tồi tệ, đồ đạc ngổn ngang bụi bặm. Căn phòng không cửa sổ và tối tăm vì không một bóng đèn. Mẹ Tê-rê-sa liền bắt tay vào việc thu dọn đồ đạc. Ông lão kia nói to: “Xin cứ để yên cho tôi”. Nhưng mẹ vẫn tiếp tục làm công việc quét dọn. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp sạch sẽ, mẹ Tê-rê-sa đã tìm thấy một chiếc đèn dầu nằm trong một góc phòng. Chiếc đèn bám đầy bụi bặm, chứng tỏ đã lâu ngày không có ai đụng đến. Mẹ liền lau chùi chiếc đèn sạch sẽ rồi hỏi: “Lâu nay ông đã không thắp đèn phải không ?”. Ông ta đáp: “Thắp đèn làm chi ? Nào có ai thèm đến thăm tôi đâu ? và tôi cũng chẳng cần phải tiếp xúc hay nói chuyện với ai”. Mẹ lại hỏi: “Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên nếu có các nữ tu của tôi đến thăm ông không?”. Ông đáp: “Vâng, nếu tôi nghe có tiếng người đến thì tôi sẽ thắp đèn lên”.
Từ đó, mỗi ngày, đều có hai nữ tu của mẹ Tê-rê-sa được cử đến thăm ông lão và thu dọn giúp đỡ cho ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy như sau: “Bây giờ tự tôi đã biết thu dọn phòng của tôi rồi. Nhưng xin chị làm ơn về nói với bà bề trên rằng: Ngọn đèn mà bà đã thắp lên trong ngày đầu đến thăm tôi, đến nay vẫn không ngừng cháy sáng”.
Hãy thắp lên Ánh sáng Tình Yêu Thiên Chúa–Ánh sáng Chúa Ki-tô–Ánh sáng Lời Chúa–Ánh sáng yêu thương. Chắc chắn cây đèn đức tin ấy sẽ luôn cháy sáng đức ái trong lòng người đón nhận.
4) GƯƠNG SÁNG BÁC ÁI TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ:
Linh mục Anthony de Mello có kể một câu chuyện sau đây:
Có gia đình kia đi nghỉ hè một thời gian dài tại bờ biển. Ngày nọ, mấy đứa con đang nô đùa, xây những lâu đài bằng cát trên bãi biển, thì có một bà lão xuất hiện. Tóc bà rối bời trong gió, áo quần nhàu nát rách rưới. Bà vừa lẩm bẩm, vừa cúi nhặt những vật gì đó trên mặt cát bỏ vào trong giỏ.
Cha mẹ lũ nhỏ liền gọi chúng lại gần và dặn chúng hãy tránh xa mụ đàn bà kia. Khi đi ngang qua chỗ gia đình này, bà lão nghèo khổ đã mỉm cười với họ, nhưng mọi người làm như không nhìn thấy bà.
Nhiều tuần lễ sau, cả gia đình mới được người biết chuyện kể câu chuyện về bà lão nghèo này: Đã từ lâu, bà đã tình nguyện đi làm công việc lượm các mảnh thủy tinh và rác rến rơi vãi trên bãi cát, để bọn trẻ chạy chơi trên bãi khỏi bị đứt chân.
Bà lão chính là hiện thân của Đức Giê-su Cứu Thế mà người ta không nhận biết, như ông Gio-an Tẩy Giả đã nói với các đầu mục Do thái từ Giê-ru-sa-lem tới như sau: “Giữa các ngươi có một Đấng mà các ngươi không biết” (Ga 1,26). Đây cũng là lời mời gọi chúng ta noi gương bà lão này.
5) HÀNH ĐỘNG TỐT CÓ SỨC THUYẾT PHỤC HƠN LỜI NÓI HAY:
Một vị linh mục đã thuật lại về chuyến đi du lịch của ông tại Trung quốc cách đây ít năm. Trong thời gian đi du lịch đó đây, ông đã gặp và trao đổi với đôi vợ chồng già đều là bác sĩ. Họ đã học chung với nhau ở Đại học Y khoa, quen nhau, rồi yêu nhau và quyết định cưới nhau. Bà vợ là người công giáo, còn ông chồng không theo đạo nào. Đã nhiều lần bà vợ cố thuyết phục chồng theo đạo Công giáo, nhưng ông không quan tâm. Có lẽ vì chưa thấy đạo công giáo có gì tốt hơn các đạo khác.
Rồi đến thời kỳ tại Trung Quốc diễn ra những biến cố chính trị lớn lao, cùng với một số nhà trí thức khác, người chồng bác sĩ đã bị gọi động viên nhập ngũ phục vụ trong quân đội. Sự xa cách đã gây ra nhiều khó khăn cho người vợ ở nhà. Hằng ngày chị vừa phải phục vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, rồi đêm về lại phải chăm sóc cho đứa con trai nhỏ dại mà chị đã nhờ ông bà trông coi ban ngày. Ngoài nỗi cô đơn, chị vợ còn bị các đoàn thể trong cơ quan hối thúc li dị chồng và bỏ đạo công giáo, để có điều kiện thăng quan tiến chức. Nhưng chị chỉ giữ thái độ im lặng. Mỗi ngày, sau khi từ bệnh viện về nhà, hai mẹ con đều đọc kinh tối chung trước khi nghỉ đêm, để xin Chúa giúp sớm đoàn tụ với chồng.
Vào cuối thập niên 1970, ông chồng mãn hạn phục vụ quân đội trở về nhà. Nhận được tin nhắn, hai mẹ con từ sáng sớm đã ra sân ga đón đoàn tàu trở về. Nhưng hai mẹ con lại là gia đình duy nhất ra đón người thân, vì hầu hết các phụ nữ khác do không chịu đựng được cảnh chia ly lâu ngày nên đều đã li dị chồng và đã tái hôn. Trước tấm lòng yêu thương chung thủy của vợ, ông chồng rất cảm động và sau đó đã tình nguyện học giáo lý để chịu phép rửa tội trong đạo công giáo. Ông đã cảm nghiệm được giá trị của đức tin qua hành động chung thủy của bà vợ thân yêu. Đó chính là bằng chứng hùng hồn cho thấy giá trị của đức tin công giáo.
3. THẢO LUẬN: Mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để chiếu sáng tin yêu cho những người nghèo khổ cô đơn gần bên, để làm chứng cho ánh sáng Tình Yêu của Thiên Chúa cho những người bất hạnh trong Mùa Giáng Sinh này?
4. SUY NIỆM:
1) MÙA VỌNG LÀ THỜI GIAN CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐÓN MỪNG CHÚA ĐẾN:
Trong phụng vụ Chúa nhật thứ nhất Mủa Vọng, Tin mừng Mat-thêu đã ghi lại Lời Chúa mời gọi mọi người tỉnh thức và cầu nguyện: “Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42). Sang đến Chúa nhật thứ II, tiếng hô của ngôn sứ I-sai-a trong hoang địa ngày xưa đã được Gio-an Tẩy Giả thực hiện qua lời rao giảng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa. Sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3). Hôm nay trong phụng vụ Chúa Nhật thứ III màu sắc đã chuyển từ tím sang hồng, chúng ta được nghe lời thánh Phao-lô khuyên như sau: “Hãy vui lên, vì Chúa đã gần đến” (1 Tx 5,16). Tin Mừng Gio-an cũng giới thiệu cho chúng ta một mẫu gương chứng nhân của ánh sáng là Gio-an Tẩy Giả: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên ông là Gio-an, ông đã đến để làm chứng, để chứng thực về sự sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng là người làm chứng cho sự sáng”. Gio-an đã dùng lời nói, việc làm và cả cái chết của mình để làm chứng cho ánh sáng Sự Thật là Đức Ki-tô.
2) PHẢI CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA ĐẾN BẰNG CÁCH NÀO ?
– Phải đón chờ Chúa đến trong niềm vui: Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu Thes-sa-lo-ni-ca như sau: ”Anh em hãy vui mừng luôn mãi” (1 Tx 5,16). Khi Đấng Cứu thế đến, Người không chỉ chữa lành những đau đớn bệnh tật thể xác, mà còn chữa lành những căn bệnh tâm hồn và lấp đầy những khát vọng buồn chán trong lòng mỗi chúng ta như lời tuyên sấm của I-sai-a: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Trong những ngày này, mỗi người chúng ta cần thể hiện niềm vui mong chờ Chúa đến bằng việc năng đến nhà thờ dự lễ và tham dự các sinh hoạt đạo đức như tĩnh tâm Mùa Vọng để ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
– Hãy vui luôn trong Chúa: Thánh Phao-lô cũng khuyên các tín hữu như sau: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).
Trong những ngày này, mỗi người chúng ta cũng phải năng dâng lời ca tụng tình thương cứu độ của Chúa khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại… vì “Tất cả đều là hồng ân”. Khi gặp phải những tai nạn trái ý, chúng ta hãy luôn ý thức rằng: “Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng” và “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, vì « Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành ». Do đó chúng ta đừng bao giờ thất vọng dù gặp phải bất cứ hoàn cảnh nào, vì luôn tin có Chúa cùng đồng hành và sẽ ban ơn nâng đỡ chúng ta vượt mọi khó khăn.
– Hãy gặp gỡ Chúa là niềm vui: Thai nhi Gio-an mới được sáu tháng tuổi trong dạ mẹ cũng đã nhảy mừng khi gặp được Thai Nhi Cứu Thế Giê-su như bà Ê-li-sa-bét đã nói với Đức Ma-ri-a: « Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng » (Lc 1,44). Đức Giê-su chính là niềm vui của Thiên Chúa. Từ cung lòng Chúa Cha, Người đến trần gian đem tin vui cho nhân loại, giải thoát họ khỏi mọi nỗi đau khổ do tội lỗi và sự chết gây ra. Khi Chúa giáng sinh trong hang đá Bê-lem, các thiên thần đã hân hoan ca hát rằng : «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương » (Lc 2,14).
Nếu chúng ta có gặp thất bại cũng đừng vội chán nản, nhưng hãy vững tin chạy đến với Chúa là niềm vui. Hãy cầu nguyện để chia sẻ mọi nỗi lo toan cho Chúa. Người sẽ lắng nghe và ban ơn giúp chúng ta tìm thấy niềm vui trong tâm hồn. Người sẽ biến đổi cuộc đời của chúng ta nên tốt và nhờ đó chúng ta sẽ tìm thấy bình an trong tâm hồn.
– Hãy chia sẻ niềm vui cho tha nhân cách cụ thể : Trong những ngày Mùa Vọng này, chúng ta hãy đón nhận Chúa Giê-su là nguồn vui bất tận, và đem chia sẻ niềm vui của Chúa đến cho tha nhân như lời bài hát của nhạc sĩ Se-bas-ti-an Bach: “Lạy Chúa Giê-su. Xin cho niềm vui trong con luôn tồn tại, để con có thể đem niềm vui ấy cho tha nhân”.
Vậy mỗi người chúng ta sẽ làm gì để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh cho những người thân trong gia đình, những người nghèo khổ bệnh tật và cô đơn gần bên? Để thắp lên ánh sáng tin yêu của Thiên Chúa cho những ai đang bị bất hạnh, để họ có được niềm vui trong Mùa Giáng Sinh sắp tới ? J. Bas-quin cũng nói: “Sống chứng nhân không phải là chạy đuổi theo các tâm hồn, mà là sống thế nào để các tâm hồn phải yêu mến chạy đuổi theo chúng ta”.
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi xưa Mẹ Ma-ri-a đã sống bác ái, trong tinh thần xin vâng và phục vụ. Mẹ đã mở cửa lòng đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể qua lời thưa “Xin Vâng” với sứ thần. Mẹ đã đem Chúa đến thăm viếng gia đình Gia-ca-ri-a để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho gia đình này. Xin Chúa giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón Chúa đến với chúng con trong Đêm Giáng Sinh. Xin giúp chúng con chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa bằng một lối sống đạo đức thực sự, thể hiện qua thái độ vị tha, quảng đại chia sẻ và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Nhờ đó, người đời sẽ nhận biết tin yêu Chúa để cũng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH-HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
2 Sm 7,1-5.6b-12.14a.16 ; Rm 16,25-27 ; Lc 1,26-38
CÙNG MẸ ĐÓN CHÚA ĐẾN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38.
(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Ma-ri-a. (c 28) Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
(c 34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” (c 35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (c 37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
(c 38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu cần có để chuẩn bị đón Chúa đến ban ơn cứu độ.
3. CHÚ THÍCH:
– (c 26) + Gáp-ri-en: là một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).
– (c 27) + Trinh nữ: Từ này không xác định về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn giản chỉ là một cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-a được khẳng định qua lời thưa với sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Ma-ri-a được chọn cho thấy lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng nghiệm nơi Đức Ma-ri-a (x. Is 7,14 ; Mt 1,23). + Đã đính hôn: Từ khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đa-vít: Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc Giê-sê là cha của vua Đa-vít (x. Is 11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê hương của Đa-vít (x. Mk 5,1). + Ma-ri-a: hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Cv 1,14).
– (c 28) + “Mừng vui lên”: Đây không phải là cách chào giữa những người dân bình thường, nhưng là lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “Đầy ân sủng”: Tước hiệu dành riêng cho Đức Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở cùng.
– (c 29) + “Bà bối rối và tự hỏi”: Khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Da-ca-ri-a (x. Lc 1,12), ở đây Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của lời Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
– (c 31) + Giê-su: nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11).
– (c 32) + Con Đấng Tối Cao: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua dòng tộc Đa-vít. Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.
– (c 34) + “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’ đến người nam!”: “Biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Câu thắc mắc của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh như có người lầm tưởng. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc mắc làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc này được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ thành hôn làm vợ ông Giu-se về mặt luật pháp, và chưa được Giu-se tổ chức lễ cưới để rước dâu về nhà.
– (c 35) + Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà…”: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do quyền năng Thánh Thần, để ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a: Đấng Cứu Thế sẽ do một gái đồng trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng: hay tỏa bóng. Đây là Kiểu nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong thời gian con cháu Gia-cóp vượt qua sa mạc để về miền Đất Hứa: Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa, giống như chim phượng hoàng sải cánh bao phủ và che chở Ít-ra-en là con dân của Người (x. Tv 17,8). + “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.
– (c 36) + Kìa bà Ê-li-sa-bét…: Sứ thần chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới nay đã được sáu tháng.
– (c 38) +“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a biểu lộ đức khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”: Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động làm cho Ma-ri-a thụ thai, mà không cần tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời” của Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính: vừa có tính Thiên Chúa vừa có tính người phàm.
HỎI: Thắc mắc của Đức Ma-ri-a và của ông Da-ca-ri-a (x. Lc 1,18) có giống nhau hay không?:
ĐÁP: Cả hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc của Da-ca-ri-a biểu lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt phải cấm khẩu không thể nói được. Sự cấm khẩu này là dấu chỉ bà Ê-li-sa-bét chắc chắn sẽ có thai khác thường (x. Lc 1,20). Còn lời thắc mắc của Đức Ma-ri-a biểu lộ tâm trạng tin tưởng: Ma-ri-a muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân phúc hằng làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1,30) và được bà Ê-li-sa-bét khen ngợi là “diễm phúc, vì đã tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện” (x. Lc 1,45).
4. CÂU HỎI: 1) Thánh Kinh cho biết có mấy Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì? 2) Tại sao Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một “Trinh nữ” làm mẹ Đấng Cứu Thế? 3) Lúc thưa “Xin vâng” để thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn với thánh Giu-se chưa? 4) Câu thắc mắc của Đức Ma-ri-a khác với thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra sao? 5) Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà”?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
2. CÂU CHUYỆN:
1) ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU NHỜ MẸ MA-RI-A (AD JESUM PER MA-RI-AM):
Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN (FULTON OURSLER), một tín hữu bị mất đức tin đã bỏ nhà thờ nhiều năm, đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp quá nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi ngang qua đại lộ Nhà thờ chính toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy có một sức mạnh vô hình nào đó cuốn hút ông đi vào nhà thờ và đẩy ông đến quỳ trước tượng Đức Mẹ. Sau một lát im lặng, tự nhiên Phun-tơn đã thốt ra một lời cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một lát nữa thôi là con sẽ lại đổi ý để tiếp tục bài bác chế diễu các việc đạo đức con đang làm và quay trở lại con đường vô tín. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp nhiều khó khăn nan giải. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban thêm đức tin cho con”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều lạ lùng kỳ diệu xảy ra nơi bản thân, biến ông trở thành một con người mới: Ông đã có lại đức tin ! Từ đây, ông luôn sống kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa Giê-su bằng một cuộc sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha bác ái. Chính nhờ Mẹ mà ông đã đến được với Chúa Giê-su và tin vào Người.
2) THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG CỤ THỂ ĐỂ NÊN CON THIÊN CHÚA:
Vào một buổi tối mùa đông lạnh lẽo trước lễ Giáng Sinh, một bé trai khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài cửa sổ của một cửa hàng quần áo. Cậu bé không có giày nên phải mang đôi dép cùn, còn quần áo của cậu đã bị cũ rách.
Một phụ nữ trẻ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt xanh của cậu. Chị liền đến bên nắm lấy tay cậu bé dắt vào trong cửa hàng, bỏ tiền ra mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm rồi nói: “Bây giờ cháu có thể về nhà rồi và chúc cháu một lễ Giáng Sinh vui vẻ hạnh phúc”.
Cậu bé chăm chú nhìn người phụ nữ trẻ và hỏi: “Cô có phải là Chúa không?”.
Người phụ nữ nhìn cậu bé mỉm cười trả lời: “Không đâu cháu à. Cô chỉ là một trong số những đứa con của Chúa thôi”.
Quả thực, mỗi người chúng ta đều là con của Thiên Chúa, là môn đệ của Chúa Giê-su. Chúng ta phải làm gì để người đời nhận ra chúng ta là con Thiên Chúa, là môn đệ thực sự của Chúa Giê-su giống như người phụ nữ trẻ trong câu chuyện trên ?
3) KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ: ĐIỀU KIỆN THÀNH CÔNG TRONG MỌI VIỆC:
Đọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới đang nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông liền ra lệnh: « Này thằng bé kia, mau xuống nước nhặt chiếc dép lên cho ta ». Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép rồi kính cẩn trao lại cho cụ già. Cụ cầm lấy, không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi mà không được, rồi cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: « Thằng bé, xuống nước nhặt dép lên cho ta ». Trương Lương vẫn vui vẻ làm giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão tự nhủ: « Thằng bé này dạy được đây ». Thì ra ông lão là một vị cao nhân lỗi lạc đã nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương sau này trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.
Trương Lương gặp được thầy giỏi phần nhờ cơ may, nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường sẵn sàng phục vụ tha nhân của ông. Đức Ma-ri-a cũng nhờ đức khiêm nhường thể hiện qua lời thưa « Xin vâng » với sứ thần truyền tin, nên Ngài đã được phúc trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế.
3. THẢO LUẬN: 1) Noi gương Thánh Mẫu Ma-ri-a xưa, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để luôn thưa “Xin Vâng” theo thánh ý Thiên Chúa, dù gặp phải nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay những điều trái ý cực lòng? 2) Bạn nên làm gì để động viên người khác thưa xin vâng thánh ý Chúa khi gặp những điều rủi ro trái ý như: thi rớt đại học, có người thân mới qua đời, gặp tai nạn giao thông phải nằm điều trị trong bệnh viện, làm ăn thua lỗ thất bại…?
4. SUY NIỆM: LẮNG NGHE LỜI CHÚA VÀ XIN VÂNG Ý CHÚA:
Hôm nay là Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Hội Thánh chọn Tin Mừng Lu-ca (Lc 1,26-38) về việc sứ thần đến truyền tin cho Đức Ma-ri-a, qua đó trình bày cho chúng ta về tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu chúng ta cần thực hiện để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giê-su đến ban ơn cứu độ cho chúng ta.
1) CẢM TẠ HỒNG ÂN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA:
– Trong Cựu Ước, sách Xuất Hành dã thuật lại: “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34). Nhà Tạm là nơi dân Do-thái đặt Hòm Bia Giao Ước, trong hòm chứa hai phiến đá khắc ghi mười giới răn đã được Đức Chúa ban cho dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê trên núi Xi-nai xưa. Hòm bia Giao Ước là hình ảnh của Đức Ma-ri-a của thời Tân Ước.
– Trong biến cố truyền tin, sứ thần Gáp-ri-en đã hiện đến chào kính Đức Ma-ri-a là đấng đầy ân sủng luôn được Thiên Chúa ở cùng. Rồi sứ thần báo tin vui Ma-ri-a đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Hài nhi Cứu thế Giê-su. Khi Ma-ri-a thắc mắc làm sao mình có thai được khi « không biết đến việc vợ chồng ». Bấy giờ sứ thần đã mặc khải cho Ma-ri-a về mầu nhiệm trinh thai: cô sẽ được thụ thai do quyền năng Thánh Thần, hầu ứng nghiệm sấm ngôn của I-sai-a: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).
– Câu chuyện sứ thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a cho thấy tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người. Trong những ngày này chúng ta hãy năng dâng những lời nguyện tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Đấng “Em-ma-nu-en” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23), để chúng ta có thể gặp gỡ, tâm sự và đón nhận được hồng ân cứu độ do Người đến ban cho chúng ta.
2) KHIÊM NHƯỜNG XIN VÂNG Ý CHÚA:
Điểm nổi bật của Mẹ Ma-ri-a mà Hội Thánh muốn các tín hữu suy niệm và học tập trong mùa Vọng này là thái độ khiêm nhường thể hiện qua sự phó thác và xin vâng thánh ý Thiên Chúa như sau :
– Khiêm nhường : Trái với thái độ kiêu ngạo không vâng lời của E-và kết hợp với A-đam xưa trong vườn địa đàng, Đức Ma-ri-a là E-và Mới thời Tân Ước đã cộng tác với A-đam Mới là Chúa Giê-su để lắng nghe Lời Chúa, khiêm tốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và thưa “Xin Vâng”. Ngay sau lời thưa này, Chúa Thánh Thần đã tác động làm cho Ma-ri-a thụ thai, như lời kinh truyền tin: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng tôi”. Từ đây, Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ các biến cố xảy ra và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19). Mẹ đã cùng Thai Nhi đi thăm viếng gia đình Gia-ca-ri-a và làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng trong lòng mẹ là bà Ê-li-sa-bét (Lc 1,41). Sau này Mẹ còn “xin vâng” khi đứng dưới chân thánh giá dâng Con yêu là Chúa Giê-su lên cho Chúa Cha để đền tội thay cho loài người chúng ta.
– Phó thác: Qua biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương Mẹ để cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Ngày nay việc giúp những người không tin nhận biết tin thờ Thiên Chúa, chừa cải các thói hư nơi bản thân và góp phần xóa bỏ các tệ nạn xã hội như xì-ke ma-túy, cờ bạc đĩ điếm, lừa đảo cướp giật… không dễ thực hiện. Nhưng thực ra lại không khó chút nào trước Thiên Chúa, vì: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vậy để việc tông đồ truyền giáo đạt kết quả, chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a năng thưa chuyện với Chúa Giê-su và thực hành lời Người dạy, như trong tiệc cưới Ca-na Mẹ đã cầu bầu cho đôi tân hôn: “Họ hết rượu rồi” và đã dạy các người giúp việc đám cưới phải vâng lời Chúa Giê-su: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,3-5).
– Tất cả đều là hồng ân: Khi gặp sự may lành, chúng ta dễ dàng cúi đầu cảm tạ hồng ân Chúa ban. Nhưng ngay cả những lúc gặp cơn gian nan thử thách, chúng ta cũng vẫn phải cảm tạ và thưa “Xin Vâng”, vì biết rằng: mọi sự Chúa để xảy ra đều hữu ích cho phần rỗi chúng ta. Vì Chúa có thể « rút từ sự dữ ra sự lành », Chúa không bao giờ triệt đường sống của chúng ta như có người đã nói: “Chúa đóng cửa chính, nhưng lại mở cửa sổ” và lời thánh Phao-lô: “Tất cả đều là hồng ân” (x. 1 Cr 15,10).
5. LỜI CẦU:
– LẠY CHÚA, chỉ còn ít ngày nữa là tới đại lễ Giáng Sinh. Chung quanh chúng con, người người đang tấp nập mua sắm và trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị mừng ngày Đại lễ. Nhưng có lẽ điều Chúa muốn chúng con làm lúc này là chuẩn bị tâm hồn để trở thành hang đá thanh sạch và đầy tràn ánh sáng, xứng đáng đón rước Chúa vào Đêm Giáng Sinh. Xin Chúa giúp chúng con thật lòng ăn năn sám hối tội lỗi, quyết tâm khiêm nhường phục vụ tha nhân, biết chia sẻ tình thương cho những người nghèo khổ … để xứng đáng đón rước Chúa đến ban hồng ân cứu độ cho chúng con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ ĐÊM GIÁNG SINH ABC
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14.
LOAN BÁO TIN MỪNG GIÁNG SINH THẾ NÀO ?
1. LỜI CHÚA: “Này tôi báo cho anh em một Tin mừng trọng đại, cũng là Tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHÚA CỨU THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA:
Ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) có lòng bác ái yêu thương những người nghèo khổ bệnh tật. Mỗi ngày hoàng tử dành nhiều thời giờ đến thăm hỏi và sẵn sàng rộng tay giúp đỡ những ai cần được trợ giúp. Có điều lạ là hoàng tử thấy dân chúng lại tỏ vẻ dửng dưng và thờ ơ khi thấy chàng đến thăm. Về sau hoàng tử được biết sở dĩ dân chúng không mấy phấn khởi khi gặp chàng vì chàng không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của họ. Từ đó hoàng tử A-lếch-xích tìm cách giúp dân chúng cách thiết thực hơn.
Sau một thời gian, một hôm dân chúng lại thấy một người ăn mặc đơn sơ đến thăm họ. Anh ta thuê một túp lều trong hẻm sâu làm nơi trú ngụ. Hàng ngày anh đến từng nhà và khám bệnh bốc thuốc miễn phí cho các người nghèo. Chẳng bao lâu sau, anh ta gây được thiện cảm của mọi người chung quanh. Uy tín anh ngày một gia tăng khiến nhiều người nghe tiếng đã tìm đến nhờ anh giúp đỡ giải quyết những khó khăn đang gặp phải. Hôm nay anh dàn xếp được một cuộc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Hôm sau, anh lại làm cho một đôi vợ chồng sắp ly hôn làm hòa với nhau và yêu thương nhau như trước. Anh động viên mọi người tương trợ lẫn nhau và nhờ đó ai cũng yêu mến anh vì anh đã hy sinh tận tình giúp đỡ cho họ.
Thật ra ông thầy lang ấy chính là hoàng tử A-lếch-xít. Hoàng tử đã rời bỏ cung điện phú quí, đến sống giữa đám dân nghèo đói dốt nát, và hòa mình với họ. Về sau khi biết được ông thầy lang chính là hòang tử A-lếch-xít hóa thân thì dân chúng lại càng quý trọng hòang tử gấp bội.
Hoàng tử A-lếch-xít trong câu chuyện trên là hình ảnh của Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Người đã giáng sinh trong cảnh nghèo hèn để chia sẻ cảnh nghèo khổ với lòai người chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và tình nguyện xuống trần gian để ban lại cho chúng ta sự sống đời đời.
2) NGƯỜI VỐN DĨ VÔ TỘI NHƯNG ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI NHÂN VÌ CHÚNG TA:
Một vị quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen đến dự tiệc mừng sinh nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến dự buổi liên hoan đều ăn mặc sang trọng và có xe ngựa sang trọng đưa rước. Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của quan chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe, chẳng may ông bị trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần đó đều cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt đang nhạo cười mình và quyết định lên xe ra về. Viên quản gia hiện diện đã đến năn nỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào trong nhà dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai còn dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã nắm tay vị khách quý mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn viện lý do gì để từ chối nữa.
Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa nhưng lại hạ mình xuống làm một phàm nhân. Người đã trở nên giống như chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.
3. SUY NIỆM:
1) ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG:
– Vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe những bài hát du dương thánh thót có khả năng lay động lòng người, nhất là bài SAI-LÂN NAI, HÔ-LI NAI (Silent Night, Holy Night), lời Việt là “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng”. Quả thực, đêm Giáng Sinh thật là một Đêm thiêng liêng, vì là giờ phút linh thiêng, đất trời hòa hợp nhờ việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Mùa Vọng là thời gian trông mong Đấng Cứu Thế đến. Hôm nay, Thiên Chúa đã đáp lại sự mong mỏi của nhân loại bằng việc sai Con Một xuống thế làm người, đầu thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, trở thành một con người “giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ không có tội” (Dt 4,15).
– Làm sao hiểu được chuyện đó ? Làm sao Thiên Chúa lại trở thành một phàm nhân yếu đuối nghèo nàn ? Làm sao Đấng Vô Cùng lại có thể trở thành một con người hữu hạn ? Làm sao Đấng siêu thời gian lại đi vào trong thời gian và chịu sự chi phối của thời gian ? Làm sao Đấng Tạo Hóa hằng sống lại phải trở thành một loài thụ tạo hay chết ? Tóm lại: Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh làm người ? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Tất cả là do Tinh Thương.
2) GIÁNG SINH LÀ LỄ CỦA TÌNH THƯƠNG:
– Vì yêu thương loài người chúng ta và vì muốn cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã xuống thế để ở cùng chúng ta, để dạy loài người chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng nên mình và mở ra cho loài người một con đường sống, để về trời hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã thể hiện tình thương của Thiên Chúa bằng việc thiết lập một Nước Trời là Hội Thánh, và đã chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho loài người, rồi sống lại để trả lại sự sống cho loài người. Tóm lại đêm nay kỷ niệm “Con Thiên Chúa giáng trần làm con loài người, để con loài người được nên Con Thiên Chúa”.
– Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của tình thương. Tin mừng trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay công bố sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương loài người nên đã sai Con Một xuống thế để công bố cho loài người biết tình thương bao la của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta đáp lại tình thương của Ngài bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
3) DẤU CHỈ NHẬN BIẾT ĐẤNG THIÊN SAI LÀ SỰ NGHÈO KHÓ:
– Chúa Giáng Sinh là một Tin mừng cho mọi người thiện tâm trên trần gian. Dấu chỉ để các mục đồng nhận ra Người là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
– Các mục đồng sau khi được thiên thần báo tin đã lập tức lên đường tìm kiếm Hài Nhi và cuối cùng đã gặp được Người. Rồi họ lại đi loan Tin mừng cho kẻ khác. Đấng Cứu Thế đã chọn mang thân phận nghèo hèn đến với nhân loại, để chia sớt nỗi khổ đau với những người nghèo.
4) THI HÀNH SỨ VỤ LOAN TIN VUI GIÁNG SINH:
Ngày nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua những dấu chỉ khiêm tốn và nghèo hèn. Người trở thành một tấm bánh với vẻ bề ngoài tầm thường, Người hiện thân trong những kẻ tàn tật què quặt đui mù, Người đến trong những người nghèo khó bị người đời hắt hủi bỏ rơi.
– Trước dấu chỉ nghèo khó này, các chủ quán giàu có ở Bê-lem đã xua đuổi hai ông bà Giu-se Ma-ri-a khỏi nhà trọ của họ đang khi các mục đồng nghèo hèn lại vui mừng đón nhận Tin mừng Giáng Sinh của Người. Còn chúng ta sẽ đối xử thế nào đối với người nghèo là hiện thân của Chúa Giê-su?
– Qua cách ứng xử với tha nhân mà chúng ta biết mình thuộc hạng người nào: Là chủ quán giàu có ở Be-lem khi thiếu lòng từ tâm xua đuổi người nghèo ra đường giữa đêm khuya? Hay là các mục đồng nghèo khó, sẵn sàng đón nhận Tin mừng Chúa Giáng Sinh và đi tìm kiếm Chúa ? Chúng ta sẽ làm gì để giới thiệu Chúa là Tin Mừng Cứu Độ cho tha nhân chung quanh chúng ta ?
4. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Cách đây hơn 20 thế kỷ, Chúa đã giáng sinh làm người trong âm thầm lặng lẽ giữa đêm khuya, khi người đời đang chìm trong giấc điệp. Chúa đã đến với chúng con để ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúa đến để dạy loài người con đường lên trời là đường chật hẹp, gai chông và ít người chịu đi, nhưng lại là đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời. Chúa đến để nối kết mọi người trên trần gian lại với nhau, trở thành anh chị em của nhau vì cùng có chung một Cha trên trời. Xin cho chúng con biết luôn nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó, những cụ già neo đơn không người chăm sóc, những trẻ em mồ côi bụi đời… để chúng con ân cần thăm hỏi và sẵn sàng khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ nên môn đệ đích thực của Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN SAU GIÁNG SINH
LỄ THÁNH GIA B
Hc 2,3-6,12-14; Cl 3,12-21; Lc 2,22-40
XÂY DỰNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH HÔM NAY
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG : Lc 2, 22-40:
(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là thánh, dành cho Chúa, (24) và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con. (25) Và này đây tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo. Ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. (26) Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. (27) Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu tòan tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, (28) thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: (29) Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này, được an bình ra đi. (30) Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, (31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. (32) Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngọai, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài”. (33) Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về Người. (34) Ông Si-mê-Hon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. (35) Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”. (36) Lại cũng có một ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-en, thuộc chi tộc A-sê. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, (37) rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. (38) Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. (39) Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét miền Ga-li-lê. (40) Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
2.Ý CHÍNH:
Tin mừng ghi lại việc Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se nêu gương sáng cho các bậc cha mẹ trong việc tuân giữ Luật Thiên Chúa qua việc các ngài đã dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa trong Đền thờ. Tại đây Hài Nhi Giê-su đã tỏ mình là Con Thiên Chúa cho ông gìa Si-mê-on và bà ngôn sứ An-na, đồng thời tỏ mình là một phàm nhân khi mang thân phận một trẻ thơ yếu đuối.
3.CHÚ THÍCH:
-C 22-24: +Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê: Luật Mô-sê dạy rằng: đàn bà sinh nở bị nhơ uế nên cần được thanh tẩy trong Đền thờ. Vì Hài Nhi Giê-su là con trai nên Đức Ma-ri-a phải lên Đền thờ làm lễ thanh tẩy vào ngày thứ 40 sau khi sinh theo như Luật dạy. +bà Ma-ri-a và ông Giuse đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là thánh, dành cho Chúa: Vì được Thiên Chúa cứu khỏi bị chết ở nước Ai cập trước biến cố Xuất Hành, nên sau này Luật Mô-sê qui định các con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa và phải được dâng cho Thiên Chúa (x Xh 15, 2 và 12). +và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con: Theo luật Mô-sê (Lv 12,6-8) sản phụ phải dâng lễ vật để làm của lễ toàn thiêu và đền tội thay cho mình. Ở đây Ma-ri-a dâng lễ vật là một đôi chim câu, chứng tỏ ông bà thuộc thành phần nghèo. Việc dâng lễ vật này cho thấy Đức Ma-ri-a có lòng khiêm tốn vâng phục Luật Chúa truyền dạy, dù Mẹ đã được thụ thai và sinh con bởi quyền năng Thánh Thần, nên vẫn bảo tòan được đức trinh khiết.
-C 25-28: +Và này đây tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo. Ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông: Si-mê-on là một người công chính và có lòng kính sợ Thiên Chúa thể hiện qua việc luôn tuân giữ Luật Mô-sê. Ông đang chờ đợi niềm an ủi của dân It-ra-en là sắp được đón nhận Đấng Thiên Sai. +Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu tòan tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người: Si-mê-on được Thánh Thần soi sáng cho biết: ông sẽ được nhìn thấy Đấng Cứu Thế trước khi nhắm mắt. Quả thật, chính Thánh Thần đã thực hiện lời hứa khi thôi thúc ông đi lên Đền thờ đúng vào lúc cha me Hài Nhi Giê-su đưa Người lên Đền thờ để dâng tiến cho Thiên Chúa.
-C 29-32: +Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này, được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngọai, là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài”: Khi bồng ẵm Hài Nhi trên tay, Si-mê-on đã thốt lên bài ca mà ngày nay vẫn được Hội Thánh đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày. Bài ca này gồm hai ý chính : Một là Si-mê-on đã được thỏa mãn khi bồng ẵm Đấng Cứu Thế được hứa sẽ đến, nên ông sẵn sàng nhắm mắt trong bình an thư thái. Hai là sứ mệnh của Đấng Cứu Thế dành cho mọi dân tộc chứ không chỉ dành riêng cho dân Do thái. Người sẽ trở thành ánh sáng chiếu soi muôn dân, phá tan mọi tăm tối để giúp mọi người nhận biết chân lý.
-C 33-35: +Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về Người: Hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a kinh ngạc khi nghe ông già Si-mê-on cho biết sứ mệnh cao cả của Hài Nhi Giê-su là sẽ cứu độ muôn dân, là ánh sáng cho muôn dân. Đây là điều Ma-ri-a chưa được sứ thần Gáp-ri-en cho biết khi truyền tin. +Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng: Si-mê-on tiết lộ cho Ma-ri-a về cách thế người đời đối xử với Chúa Ki-tô. Khi xuất hiện, Đức Giê-su sẽ chia thế giới thành hai phe: một phe tin yêu Người, còn phe kia thù ghét Người. Chính sự yêu hay ghét đó sẽ bộc lộ tâm tư của con người, cho thấy họ đứng về phía sự sự công chính chân thật hay ngả theo sự bất lương dối trá. +Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra: Riêng bà Ma-ri-a khi chứng kiến tất cả những sự thù ghét chống đối đó, sẽ bị đau khổ trong tâm hồn giống như bị một lưỡi gươm sắc bén đâm thâu vậy.
-C 36-40: +Lại cũng có một ngôn sứ tên là An-na…: Bà An-na được mệnh danh là ngôn sứ hay tiên tri, vì bà đã làm công việc của một ngôn sứ là tuyên sấm lời Thiên Chúa để kêu gọi người ta ăn năn sám hối và động viên họ phải làm việc thiện theo đường lối của Thiên Chúa. +Bà không rời bỏ Đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa: Bà An-na thực là một người đạo đức khi bà chuyên cần phục vụ Đền thờ và năng ăn chay cầu nguyện. +Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem: Bà được Thánh Thần soi sáng nhận biết Đấng Cứu Độ của dân Ít-ra-en. Bà cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa và đã đi loan báo tin mừng về Hài Nhi Cứu Thế cho hết những ai đang trông chờ ơn cứu độ của dân Ít-ra-en biết. +trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét miền Ga-li-lê: Từ đây Na-da-rét trở thành quê hương của Đức Giê-su và luôn gắn liền với tên gọi của Người. Sau này Phi-la-tô đã truyền gắn bản án ghi “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái” trên cây thập giá.
4.CÂU HỎI: 1) Bài Tin Mừng hôm nay nhằm dạy bài học gì về bản tính của Chúa Giê-su? 2) Luật Mô-sê quy định thế nào về sự nhơ uế của người phụ nữ sau khi sinh? 3) Luật Mô-sê dựa vào đâu để quy định khỏan luật về mọi con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa nên phải dâng cho Thiên Chúa trong Đền thờ? 4) Qua lễ vật dâng cho Thiên Chúa để chuộc lại Hài Nhi Giê-su, chứng tỏ hai ông bà Giuse Ma-ri-a thuộc hạng giàu có hay nghèo khó trong xã hội Do thái đương thời? 5) Ông già Si-mê-on nói tiên tri thế nào về sứ mệnh của Hài Nhi Giê-su và về tương lai của Đức Ma-ri-a Mẹ Người? 6) Do đâu tác giả Tin mừng gán cho bà An-na danh hiệu ngôn sứ hay tiên tri? 7) Tại sao Đức Giê-su được gọi là Giê-su Na-da-rét?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1.LỜI CHÚA: Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (Mt 2,14) :
2.CÂU CHUYỆN:
1) ĐÂU LÀ BỨC CHÂN DUNG HOÀN HẢO:
Một hôm hoàng đế của một vương quốc hùng mạnh có sở thích sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật của nhân loại đã truyền mở một cuộc thi nghệ thuật kèm theo phần thưởng rất hậu hĩ. Nội dung của cuộc thi là khắc họa chân dung của nhà vua bằng các chất liệu khác nhau. Nghệ nhân từ khắp các nước nghe tin đã lũ lượt kéo đến tranh tài. Các nghệ nhân Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các loại đá hoa cương quí hiếm. Nghệ nhân người Ác-mê-ni thì mang theo một loại đất sét đặc biệt. Các nghệ nhân Ai Cập lại mang đủ loại đồ nghề và các khối đá cẩm thạch. Sau cùng, người ta rất ngạc nhiên khi thấy đoàn nghệ nhân Hy Lạp đến với một gói thuốc đánh bóng.
Mỗi phái đoàn được bố trí làm việc trong một phòng riêng. Khi thời gian thi kết thúc, hoàng đế cùng văn võ bá quan đã đi đến từng gian phòng của nghệ nhân để chấm điểm. Hoàng đế đã hết lời khen ngợi bức họa chân dung của ông được các nghệ nhân Ấn độ vẽ rất giống. Ông càng thán phục hơn khi nhìn thấy các pho tượng của mình được nghệ nhân Ai Cập và Ac-mê-ni điêu khắc. Sau cùng, nhà vua đến phòng trưng bày của người Hy Lạp đã rất ngạc nhiên khi thấy chỉ có một bức tường bằng đá của căn phòng được đánh bóng đến độ khi nhìn vào bức tường, nhà vua đã nhìn thấy hình ảnh của mình được hiện lên rõ nét. Dĩ nhiên, giải nhất được trao cho đoàn nghệ nhân Hy Lạp, vì theo họ chỉ có nhà vua mới có thể họa được chân dung của chính mình.
Muốn họa lại chân dung của Chúa Ki-tô, mỗi người chúng ta cần phải mài giũa đánh bóng tâm hồn của mình sạch mọi tội lỗi và các thói hư. Một khi tâm hồn chúng ta đã nên trong sáng như gương, chúng ta sẽ có thể phản chiếu hình ảnh của Chúa khi nghe Lời Chúa và đón nhận Thánh Thể Chúa và giới thiệu Chúa cho tha nhân.
2) GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ MỘT THIÊN ĐÀNG TRẦN GIAN:
Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau.
Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.
3) LÒNG ĐẠO ĐỨC LÀ BẢO ĐẢM CHO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC VÀ BỀN VỮNG:
Vào năm 1975 Đức Cha Arthur Tonne đã ghi nhận kết quả một cuộc điều tra xã hội tại Mỹ về sự bền vững của hôn nhân gia đình như sau:
Người ta đã lựa chọn một số gia đình và xếp loại theo ba tiêu chuẩn như sau:
– Loại 1: Không dự lễ Chúa nhật + Không cầu nguyện.
– Loại 2: Có dự lễ Chúa nhật + không cầu nguyện.
– Loại 3: Có dự lễ Chúa nhật + có đọc Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi ngày.
Sau 3 năm kết quả bền vững của các gia đình nói trên như sau:
* Đối với những đôi vợ chồng loại 1: không dự lễ Chúa Nhật và không cầu nguyện chung thì cứ 4 đôi có 1 đôi ly hôn. Tỷ lệ 1/4. Khá cao!
* Đối với những đôi vợ chồng loại 2: Năng dự lễ Chúa nhật, nhưng không cầu nguyện chung thì cứ 57 đôi thì một đôi ly hôn. Tỷ lệ 1/57.
* Đối với những đôi vợ chồng loại 3: Vừa năng dự lễ Chúa nhật, lại vừa đọc Thánh Kinh và cầu nguyện hằng ngày thì kết quả rất tốt đẹp. Cứ 500 cặp mới có một cặp ly hôn. Tỉ lệ 1/500.
Thật không còn nghi ngờ gì nữa: Đạo đức là yếu tố căn bản của hạnh phúc gia đình. Không có lòng đạo đức thì gia đình có nguy cơ tan vỡ. Không có lòng đạo đức thì gia đình sẽ khó có thể tồn tại. Không có đạo đức thì sớm muộn gia đình cũng sẽ bị lâm vào hoàn cảnh bế tắc không tìm thấy lối ra. Không có đạo đức gia đình sẽ biến thành một địa ngục ở trần gian.
4) PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CON CÁI HỮU HIỆU: LÀM TRƯỚC DẠY SAU:
Một hôm có một phụ nữ dắt theo một bé gái đến gặp MA-HÁT-MA GĂNG-ĐI (Mahatma Gandi) để xin ông một lời khuyên, để con bà bỏ thói hay ăn quà vặt. Găng-đi liền nói : Bà hãy đem nó về nhà và ba tuần sau hãy mang nó trở lại đây cho tôi”. Sau đúng ba tuần, bà ta lại dắt con đến như đã hẹn. Bấy giờ Găng-đi đã khuyên bảo đứa bé đúng như bà mẹ đã yêu cầu, rồi cho hai mẹ con về. Nhưng trước khi ra về, bà mẹ nêu thắc mắc: “Thưa ngài, tôi tưởng là ngài phải làm gì nhiều hơn chứ. Nếu chỉ là việc cho con gái tôi một lời khuyên thì sao ngài lại bắt tôi phải chờ đến ba tuần làm chi?” Bấy giờ Găng-đi mới ôn tồn trả lời: “Thưa bà, lần trước nghe lời bà yêu cầu, tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ, vì chính tôi cũng đang mắc tật xấu hay ăn quà vặt như con gái bà. Vì thế tôi không thể khuyên cháu đừng làm điều mà chính tôi đang mắc phải. Do đó, tôi đã phải hẹn với bà ba tuần sau trở lại, để trong ba tuần lễ đó, tôi cố bỏ tật xấu ấy, rồi mới dám cho cháu bé một lời khuyên như bà đã thấy”.
3.SUY NIỆM:
1) THÁNH GIA- GƯƠNG MẪU CỦA CÁC GIA ĐÌNH TÍN HỮU:
a) Tinh thần trách nhiệm lo cho gia đình và luôn cậy trông Thiên Chúa: Bấy giờ khi Hài Nhi Giê-su bị vua Hê-rô-đê tìm kiếm giết hại, Giu-se được sứ thần mộng báo đã lập tức trỗi dậy ngay lúc đêm tối, đem vợ con chạy trốn sang bên Ai-cập. Sau khi Hê-rô-đê băng hà, Giu-se lại vâng lệnh sứ thần đem Con Trẻ và Mẹ Người về làng Na-da-rét, để tránh vua mới là Ác-khê-lao tiếp tục tìm kiếm giết hại. Qua sự kiện này, ta thấy gia đình chúng ta cũng không tránh khỏi những cơn phong ba bão tố vùi dập. Các bậc gia trưởng hãy noi gương thánh Giu-se để luôn tin cậy tuân phục thánh ý Thiên Chúa.
b) Vợ chồng cùng nhau cộng tác vượt qua nghịch cảnh: Trong cuộc sống, thánh gia cũng không tránh khỏi có những lúc gặp sóng gió, tưởng như con thuyền gia đình sắp tan vỡ. Chẳng hạn : Giu-se đã từng có lúc suy nghĩ và quyết định rời bỏ Ma-ri-a; Cũng có lúc khốn cùng, khi giu-se đưa Ma-ri-a về quê Be-lem khai sổ nhân danh, Ma-ri-a đã tới lúc sinh con, nhưng hai ông bà không tìm được chỗ nghỉ trong quán trọ, Giu-se phải đưa Ma-ri-a nghỉ tạm trong hang chiên cừu ngoài đồng vắng, và Hài Nhi Giê-su đã được sinh ra trong cảnh bần cùng. Có những lúc hai ông bà Giu-se Ma-ri-a phải chạy đôn chạy đáo lo lắng tìm Hài nhi bị lạc mà mãi ba ngày sau mới tìm thấy trong Đền Thờ. Nhất là có lúc Đức Ma-ri-a như bị dao sắc thâu qua trái tim, khi đứng dưới chân thập giá, chứng kiến người con yêu hấp hối và khi chết rồi còn bị tên lính cầm lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn… Như vậy, Thánh Gia cũng chẳng được ưu đãi hơn so với các gia đình khác, cũng phải trải qua nhiều nghịch cảnh… để nêu gương phấn đấu cho các gia đình tín hữu hôm nay.
2) NHỮNG NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GÂY ĐỔ VỠ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:
Các gia đình hôm nay cũng có có thể gặp nguy cơ bị đổ vỡ hạnh phúc:
a) Do thái độ ích kỷ, lười biếng và vô trách nhiệm: khi vợ chồng không biết lo cái ăn cái mặc hay chỗ ở cho gia đình, dẫn đến thái độ vợ chồng khinh thường tranh cãi và giận hờn nhau.
b) Do các thói hư như rượu chè, cờ bạc, trai gái hút chích… Khi hai người ứng xử thiếu lịch sự tế nhị với nhau và với người thân, không thống nhất về cách nuôi dạy con cái, không tôn trọng nhau thể hiện qua việc một mình quyết định những việc quan trọng trong gia đình.
c) Do thiếu tình thương yêu giữa hai vợ chồng: Do không hâm nóng khiến tình yêu lâu ngày bị phai lạt, thể hiện qua việc không nói chuyện với nhau, mỗi người đi tìm thú vui với bạn bè ngoài gia đình hoặc chia sẻ tình cảm với người thứ ba… Nữ tu Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã nói về vấn đề này như sau: “Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng ý thức về tầm quan trọng của gia đình. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì chắc chắn thế giới này sẽ khác”.
Thậy vậy, thế giới băng hoại vì có nhiều gia đình thiếu tình thương. Giới trẻ sở dĩ rơi vào thói xấu nghiện hút ma túy, phần lớn là do cha mẹ đã thiếu quan tâm dạy dỗ. Ước gì các gia đình chúng ta trở thành những mái ấm đầy tình yêu của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
3) LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIA ĐÌNH LUÔN SỐNG HÒA HỢP HẠNH PHÚC?
a) Mỗi người cần chu toàn trách nhiệm đối với gia đình: Một tờ báo ở Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc điều tra các ông chồng, yêu cầu các ông thành thật trả lời câu hỏi: “Trong gia đình bạn, ai là người thực sự có quyền làm chủ gia đình ?” Kết quả cho thấy có 80% câu trả lời: “Vợ tôi làm chủ”, 19% trả lời “Mẹ vợ tôi làm chủ”. Chỉ có 1% trả lời: “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời !” Như vậy, không lạ gì khi thấy sau Hoa Kỳ, Anh quốc có số gia đình ly hôn tỷ lệ cao nhất: Mỗi năm cứ hai đám cưới thì có một đám ly hôn.
b) Hãy chịu đựng nhau và tha thứ cho nhau : Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng có nhiều bà vợ tham dự. Tới phần làm phép thánh giá, cha giảng phòng nói: “Ai có cây thánh giá cần làm phép yêu cầu mang lên gần gian cung thánh để được làm phép”. Bấy giờ một ông lão thay vì mang cây thánh giá thì lại cõng bà vợ bị tê liệt lên. Khi tới phiên, thay vì giơ cây thánh giá lên cho cha rẩy nước thánh thì ông lão lại bồng bà cụ lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói: “Thưa cha, đây là thánh giá của con. Xin cha làm phép để con vác thánh giá này đến trọn đời !”.
c) Hãy biết tôn trọng nhau, năng trao đổi bàn bạc để thống nhất trong mọi việc như: Về cách giao tiếp với tha nhân, cách nuôi dạy con cái, sự mua sắm các vật dụng, công việc làm ăn sinh sống… Vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” và “Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.
d) Gia đình phải có bàn thờ Chúa: Cần lập một bàn thờ Chúa ở nơi trang trọng như tại phòng khách và duy trì giờ kinh tối gia đình hằng ngày. Trong giờ kinh tối tuy ngắn gọn, nhưng luôn có phần lắng nghe Lời Chúa và lần hạt chung cầu cho gia đình.
Tóm lại: Nếu gia đình có “Thiên Chúa là Tình Yêu” ngự trị, chồng yêu vợ, vợ yêu chồng, con cái thảo kính cha mẹ, anh chị em trong nhà biết nghĩ đến nhau và quan tâm đến nhau… thì chắc gia đình sẽ vượt qua được mọi thử thách, sẽ vui sống thuận hòa với nhau và gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
4.THẢO LUẬN: 1) Nguyên nhân thường gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình là gì và phải làm gì để phòng tránh? 2) Bạn có đồng ý với câu người ta thường nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” hay không? Tại sao?
5.NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU, mỗi lần tham dự thánh lễ hôn phối, con thấy đôi tân hôn thật hạnh phúc. Với nét mặt rạng rỡ trong bộ y phục trắng tinh khôi, con thấy cô dâu sánh bước bên chú rể tiến đến trước bàn thờ cử hành hôn lễ như đang bước vào thiên đàng hạnh phúc. Nhưng rồi với năm tháng qua đi, con lại thấy gia đình họ trở thành hỏa ngục trần gian, khi “kẻ thì khóc lóc, người lại nghiến răng”. Xin giúp các đôi vợ chồng trẻ biết cách duy trì được tình yêu thuở ban đầu. Xin cho họ biết “cho đi hơn là nhận lãnh”, biết ân cần phục vụ lẫn nhau, quảng đại tha thứ và chịu đựng nhau… Nhờ đó gia đình tín hữu chúng con sẽ trở thành một thiên đàng tình yêu, là dấu chỉ sau này chúng con sẽ cùng được hưởng hạnh phúc trên Thiên đàng.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

V. TƯ LIỆU HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG HHTM TH 12/2020
CÔNG TÁC CỦA HỘI VIÊN HHTM
1. LỜI CHÚA: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngòai cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,13-16).
2. BỔN PHẬN CỦA HỘI VIÊN:
a) LOAN BÁO TIN MỪNG: Noi gương Mẹ Ma-ri-a hiệp công với Chúa Giê-su để góp phần cứu độ loài người, Hội Viên sẽ thi hành các bổn phận và công tác theo mục đích truyền giáo của Hiệp Hội Thánh Mẫu bằng các việc phù hợp mục đích HHTM như sau:
+ Thánh hóa bản thân: Mỗi ngày Hội Viên kết hiệp với Mẹ Maria dâng ngày buổi sáng lên Chúa Cha và cám ơn Ngài buổi tối trước khi nghỉ đêm, tạ ơn Chúa trước và sau khi dùng bữaxin vâng theo ý Chúa khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Hội Viên năng hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a dâng lời nguyện tắt lên Chúa Cha nhờ Chúa Giê-su: Hội Viên năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể và chu toàn việc bổn phận hằng ngày. Năng đọc, suy niệm và thực hành theo Lời Chúa dạy.
+ Cải thiện xã hội: Hội Viên tổ chức giờ kinh tối tại các gia đình mình hằng ngày theo chiều hướng canh tân để thánh hóa gia đình, truyền bá việc đọc kinh tối đến các gia đình khác trong khu vực. Nhờ năng đọc kinh tối gia đình và quyết tâm sống Lời Chúa dạy, Hội Viên sẽ đạt 3 mục đích của HHTM là thánh hóa bản thân và gia đình, cải thiện môi trường xã hội là khu xóm mình đang sống ngày một sạch đẹp hơn, góp phần loại trừ các tệ nạn xã hội như tội phạm hình sự, cờ bạc, say xỉn, đĩ điếm, ma túy… Nhờ đó sẽ đạt được mục đích làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi các linh hồn.
+ Phục vụ Giáo Hội: Hội Viên yêu mến Giáo Hội thể hiện qua thái độ tôn kính vâng lời các vị chủ chăn là Đức Giám Mục Giáo Phận, Linh Mục Chính Xứ và hết những ai dạy dỗ mình. Hội Viên luôn cổ võ tinh thần hiệp thông nội bô; Gia nhập vào Hội Đồng Mục Vụ và hợp tác với các đoàn thể tông đồ khác. Hội Viên phải trở thành cánh tay nối dài của Linh Mục Chính Xứ bằng việc chu toàn các công tác được ngài trao như: phục vụ Nhà Chúa và cộng đoàn, dạy giáo lý trẻ em, dự tòng hay hôn nhân, thăm viếng hòa giải các gia đình lục đục bất hạnh, đưa những người lạc giáo trở về với Hội Thánh Công Giáo, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, cầu nguyện cho anh em lương dân và giúp họ sớm nhận biết tin thờ Thiên Chúa để cùng được hưởng ơn cứu độ như mình…
b) CÔNG TÁC PHỤC VỤ: Hằng tuần Trưởng Gia Đình sẽ phân công tác cho từng tiểu tổ như: Lau dọn Nhà Chúa; Thăm cảm tình viên để mời vào Gia Đình, thăm người già cô đơn và bệnh nhân đau nặng, thăm người lương có thiện cảm với đạo và dạy giáo lý cho dự tòng, phúng viếng để chia sẻ nỗi mất mát người thân rồi đọc kinh tại gia và tham dự Thánh lễ cầu cho người mới qua đời.
Nhờ tích cực chu toàn các bổn phận đạo đức và thực hành các công tác trên dưới ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần mà Hội Viên Hiệp Hội Thánh Mẫu sẽ có điều kiện nên thánh và cộng tác với Chúa Giê-su loan báo Tin Mừng Nước Trời noi gương Mẹ Ma-ri-a.
c) BÁO CÁO CÔNG TÁC:
HHTM là một Hội Đòan Công Giáo Tiến Hành, nhằm mục đích thánh hóa Hội Viên, giúp họ sống theo lý tưởng “làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hôn” bằng việc tích cực góp phần cải thiện xã hội và phục vụ Giáo Hội. Để đạt được mục đích này, Hiệp Hội Thánh Mẫu dùng nhiều phương pháp, đặc biệt Phương Pháp Phân Công Phân Nhiệm, nghĩa là phân công cho Hội Viên thực hiện một số công tác cụ thể và sau đó báo cáo kết quả đạt được.
3. THẢO LUẬN: 1- Hội Viên cần làm công tác và báo cáo công tác với ai đại diện cho Chúa Giêsu? 2- Nên báo cáo thế nào cho trung thực và khiêm tốn?
4. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Cha giàu lòng từ bi nhân ái. Xin cho các Hội Viên HHTM chúng con luôn ý thức về sứ mệnh kết hiệp với Chúa Giêsu noi gương Mẹ Maria để cộng tác vào chương trình cứu độ lòai người. Xin cho chúng con biết “xin vâng” làm các công tác do các vị chủ chăn nhờ cậy và khiêm tốn báo cáo với các ngài. Nhờ đó chúng con có thể chu tòan sứ mệnh Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh trước khi về trời là: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). – AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
VI. THƯ GIÃN THÁNG 12/2020
1. LÝ DO BỊ VỢ XUA ĐUỔI:
Sáng sớm, ông An thấy ông Bi bạn hàng xóm ngồi thẫn thờ trước cửa nhà. Nghi có chuyện chẳng lành, anh liền chạy sang hỏi han.
– Sao ông lại ngồi ở đây thế?
Ông Bi nhìn ông bạn, vẻ mặt rầu rĩ kể lại câu chuyện:
– Hôm qua tôi và vợ cãi nhau. Sau một buổi chiều bỏ ra quán cà phê ngồi suy nghĩ, tôi rất hối hận.
Ông An nóng ruột hỏi tiếp:
– Rồi sao nữa?
Ông Bi thở dài, mắt ngấn lệ nói:
– Tôi liền quyết định đi mua cho vợ một sợi dây chuyền để tỏ lòng xin lỗi cô ấy.
– “Vậy sao anh lại vẫn phải ngồi trước cửa nhà?” Ông An thắc mắc.
Ông Bi ấm ức kể lại sự việc trong nước mắt:
– Tôi không biết nên mua sợi dây chuyền dài ngắn sao cho vừa, nên nhân lúc cô vợ đang ngủ, tôi liền lấy sợi dây thừng vòng qua cổ cô ấy để đo cho chính xác. Thế nhưng tôi thấy cô ấy lập tức lập tức bật dậy và đã tống cổ tôi ra khỏi nhà. Phụ nữ thật khó hiểu phải không? Tôi chỉ tỏ thiện chí muốn hòa với cô ấy thôi mà!
2. CHỌN CHIẾC TÚI NÀO?
Có một chàng thanh niên lần đầu tiên xin đến ra mắt bố vợ. Bố vợ của anh là người rất có lòng đạo đức. Gặp anh con rể tương lai, ông liền hỏi:
– Nếu người ta đưa ra cho anh 2 chiếc túi: một túi đựng tiền, một túi đựng ơn nghĩa Chúa thì anh sẽ chọn chiếc túi nào?
Anh chàng liền vội trả lời:
– Con sẽ chọn túi đựng tiền bố ạ!
Nghe vậy, ông bố vợ không mấy vui liền nói:
– Thanh niên các anh thời nay chán thật. Điều quan trọng nhất của con người là ơn sủng của Chúa thì các anh lại coi thường. Nếu là tôi thì tôi sẽ phải chọn chiếc túi ân sủng của Chúa.
Chàng thanh niên vội chống chế:
– Thưa bố, theo con nghĩ thì ai đang thiếu cái gì thì sẽ chọn lấy cái đó ạ !!!
SƯU TẦM TRÊN INTERNET
VII. NHỎ TO HỮU ÍCH THÁNG 12/2020
THÔNG TIN TỔNG QUÁT VỀ MẬT NHO
Mật nho là phần hỗn hợp giữa tinh chất của nho và đường, được nấu trong một thời gian dài. Sau đó tạo thành dung dịch có màu sánh mịn, có vị ngọt thanh của nho. Loại mật này có thể dùng cho tất cả mọi người từ trẻ em cho đến người già.
Ở nước ta, mật nho nổi tiếng nhất là ở Ninh Thuận. Tại đây, nho được trồng và thu hoạch rồi đưa thẳng vào những nhà máy sản xuất mật. Vậy nên, nó được làm từ những quả nho tươi, có vị ngọt thanh mát.
1. MẬT NHO DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
Mật nho có thể được xem là một loại giải khát tuyệt vời cho những ngày hè năng nóng. Bạn sẽ cảm nhận được hương nho, vị ngọt ngào của mật và sự thanh mát mà nó mang lại.
Ngoài chức năng giải nhiệt ra thì nó còn có rất nhiều công dụng khác có lợi đối với sức khỏe như sau:

2.CÔNG DỤNG CỦA MẬT NHO
1. Nạp năng lượng giúp cơ thể tỉnh táo
Nếu bạn đang cần nạp năng lượng để lấy lại sự tỉnh táo cho cơ thể thì bạn nên uống một ly mật nho. Vì trong nó có chứa hàm lượng đường rất cao, có thể chuyển hóa thành Glucose (chất thiết yếu để duy trì các hoạt động). Đây sẽ là sự lựa chọn phù hợp cho những bạn làm việc ngoài trời hoặc cơ thể đang suy kiệt.
Bên cạnh đó, trong loại mật này có chứa hàm lượng chất sắt rất cao. Nên có tác dụng tăng cường sự tập trung, chống mệt mỏi và hạn chế tình trạng tăng huyết áp.
2. Rất tốt cho thận
Trong cơ thể người có chứa rất nhiều loại axit uric khiến thận phải liên tục thải chúng ra ngoài. Vì vậy thận sẽ chịu áp lực rất lớn, dễ gây ra các loại bệnh khác nhau. Và khi ta uống nhiều mật nho sẽ giúp tống một phần axit uric ra khoải cơ thể. Đây là cách giảm áp lực cho thận, vì nó sẽ không cần phải hoạt động liên tục .
3. Ngăn ngừa loãng xương
Một trong những tác dụng lớn nhất của mật nho là khả năng ngăn ngừa loãng xương hiệu quả. Với những hợp chất dinh dưỡng như sắt, đồng, mangan có trong tinh chất nho sẽ giúp xương chắc hơn. Đồng thời chất sắt giúp sản sinh tế bào hồng cầu có lợi cho máu.
4. Chống lão hóa, giảm bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu, hợp chất polyphenon có trong mật nho giúp giảm thiểu nguy cơ xơ vỡ động mạch. Đồng thời giảm thiểu máu nhiễm mỡ, tăng sự tuần hoàn của máu trong tế bào. Nhờ đó mà những người già có thể tránh bị đột quỵ, lên cơ tim.
Bên cạnh đó, tinh chất nho sẽ giúp máu không bị vón cục, giảm những cholesterol xấu trong cơ thể. Đặc biệt, mật nho có tác dụng chống oxi hóa, hạ lipid và chống viêm.
5. Ngăn ngừa ung thư hiệu quả
Theo các nghiên cứu cho thấy mật nho có tác dụng ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả. Khi sử dụng 1 đến 2 ly mỗi ngày thì sẽ giảm 20% so với những người không sử dụng.
Vì trong tinh chất nho có chất chống oxi hóa rất mạnh có tên gọi là polyphenol. Loại chất này có đặc tính chống vui và chống lão hóa hiệu quả. Và trong mật nho này còn có Resveration làm chậm và ngăn chặn sự phát triển của khối u. Đặc biệt là các khối u trong bạch huyết, gan, dạ dày, đại tràng, ung thư da và bệnh bạch cầu.
6. Giảm hấp thụ chất béo
Các chuyên gia người Nhật Bản đã phát hiện mật nho có tác dụng chống hấp thụ chất béo. Khi sử dụng trong một thời gian dài thì đường ruột sẽ hấp thụ tương đối kém với chất béo.
Vậy nên, nếu bạn đang muốn giảm cân hoặc giảm lượng chất béo trong cơ thể thì hãy sử dụng. Đây được xem là một cách giảm cân an toàn mà hiệu quả.
3.CÁCH SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN MẬT NHO NGUYÊN CHẤT
1. Cách dùng
Một trong những cách dùng mật nho đơn giản và tiện lợi nhất là làm nước giải khát. Bạn có thể bỏ 1 đến 2 muỗng mật vào nước khấy đều để hòa tan hoàn toàn. Nếu bạn muốn hương vị thêm đậm đà thì hãy cho một ít tinh chất chanh hoặc cam để tạo mùi hương.
Nếu dùng trong những ngày hè oi bức thì bạn nên bỏ thêm một ít đá vào hỗn hợp. Điều này làm tăng thêm độ thanh mát, giúp giải nhiệt cơ thể. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng loại nước này cho gia đình của mình, để tăng cường sức khỏe.
2. Cách bảo quản
Bạn nên để mật nho ở những nơi khô ráo, thoáng mát với nhiệt độ không quá cao. Điều này giúp tránh được sự xâm nhập của kiến và các loại côn trùng khác.
Nếu để ở nhiệt động thông thường thì hạn sử dụng của nó chỉ trong thời gian 6 tháng. Nhưng khi được bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh thì mạt này có thể sử dụng trong vòng 1 năm.
KẾT LUẬN
Mật nho là phần tinh chất được chiết xuất từ những quả nho tươi mát. Nó thường được dùng để tạo nên những loại nước giải nhiệt cho cơ thể. Ngoài ra, loại mật này còn có những lợi ích to lớn đối với sức khỏe như chống lão hóa, giảm bệnh về tim mạch và ngăn ngừa ung thư hiệu quả. Mật nho có thể dùng cho tất cả mọi người ở mọi độ tuổi khác nhau, nên bạn có thể sử dụng nó cho cả gia đình của mình.
SƯU TẦM TRÊN INTERNET

VIII. THÔNG TIN HIỆP SỐNG THÁNG 12.2020
A. THÔNG TIN LIÊN HỘI HHTM TGP SAI-GON TH 12.
I. THÔNG BÁO
Trích Yếu: V/V MỪNG LỄ VÔ NHIỄM BỔN MẠNG
LIÊN HỘI HHTM VÀ NT THÁNH MẪU.

Kính gửi: Hội Đồng Quản Trị các cấp và Hội Viên HHTM thuộc 3 Liên Đoàn: Bác Ái HHTM, Gia Đình HHTM, và Giới Trẻ HHTM/TGP.
Trong phiên họp tháng 10/2020 tại Nhà Sinh Hoạt Mục Vụ GX Sao Mai dưới sự chủ tọa của cha Tổng Giám Huấn và cha Phụ Tá HHTM, Hội Đồng Quản Trị Liên Hội HHTM TGP đã nhất trí tổ chức lễ mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn Mạng Liên Hội HHTM và Nhà Thờ Thánh Mẫu Trung Ương vào 16g30 Thứ Hai 07/12/2020 tại Nhà Thờ Thánh Mẫu số 3-5 Chữ Đồng Tử Ph 7 Tân Bình như sau:
Trong Thánh Lễ , sẽ ra mắt “ Xứ Đoàn sinh viên Lưu Xá HHTM” Nhà Thờ Thánh Mẫu.
Tĩnh Tâm 19g00 Thứ sáu 27/11/2020 tại NT Thánh Mẫu (số 3-5 Chữ Đồng Tử, Ph 7 TB) do Cha An-tôn Nguyễn Thanh Hà Phụ trách.
CHUẨN BỊ:
1.BÓ HOA THIÊNG:
Hội viên các Xứ Đoàn sẽ thực hiện một Bó Hoa Thiêng Dâng Mẹ bắt đầu từ ngày nhận được Thông Báo này đến ngày đại lễ. Nội dung Bó Hoa Thiêng gồm một số việc lành như sau:
-Dự lễ và rước lễ.
-Lần chuỗi Mân Côi Sống: Mỗi người sẽ suy niệm một mầu nhiệm (Vui, Sáng, Thương, Mừng) và đọc một chục kinh Mân Côi liên kết với nhau làm thành tràng chuỗi Mân Côi.
-Công tác thăm viếng: Đi thăm một người lương mới quen có cảm tình với đạo.
-Công tác bác ái: Mỗi Xứ Đoàn sẽ tổ chức công tác chia sẻ bác ái tại một nhà nuôi người già neo đơn, đi thăm bệnh nhân đau liệt lâu ngày tại tư gia hay bệnh viện, thăm trai nuôi người khuyết tật…
Các việc trên của Hội Viên thực hiện sẽ được Ban Chấp Hành Xứ Đoàn cộng chung lại và ghi vào một tờ giấy làm thành “Bó Hoa Thiêng Nhờ Mẹ Dâng Tiến Chúa” khi dâng lễ mừng Bổn Mạng nói trên.
2) ĐĂNG KÝ SĨ SỐ THAM DỰ:
Nhằm giúp Ban Tổ Chức chuẩn bị Bữa Tiệc Liên Hoan sau lễ, đề nghị BCH các Xứ Đoàn đăng ký số Hội Viên của XĐ đi tham dự có dự Liên hoan về cho Ban Chấp Hành Liên Đoàn, để báo về cho Ban Tổ Chức qua Thủ Quỹ BCH Liên Hội (Thanh Hương. ĐT 0908 751 702).
3) DIỄN TIẾN:
-15g00: Tập trung trong Nhà Thờ để sinh hoạt.
-16g20: Các phần việc trong thánh lễ xếp hàng đi rước.- Đọc Dẫn Lễ.
-16g30: Thánh lễ Đồng Tế Mừng kính Mẹ Vô Nhiễm.
-17g30: Chụp hình lưu niệm và liên hoan.
4) PHÂN CÔNG:
– Dẫn chương trình: Đại Diện BCH Liên Hội.
– Tập hát trước giờ lễ
– Đọc Dẫn Lễ: Đại diện BCH Liên Hội.
– Bài Đọc I: Đạị Diên BCH LH.
– Bài Đọc II: Đại diện Ban Phục Vụ NT Thánh Mẫu.
– Lời nguyện Cộng Đoàn: 4 Đại Diện (BCH LH; LĐBA; LĐGĐ; LĐGT).
– Dâng lễ vật: Liên Đoàn Gia Đình.
– Tâm tình Hiệp Lễ: BCH Liên Hội.
– Chụp hình quay phim: Cô Hương (BCH/LH).
– Xin tiền thau NT: Thủ Quỹ BCH/LH.
– Giữ xe và phục vụ nước uống: Ban Phục Vụ NT TM.
– Hát lễ: Ca đoàn NT Thánh Mẫu.
– In ấn phụng vụ và soạn Lời nguyện Cộng Đoàn: Chị Nhiễu (BCH/LH).
– Soạn Dẫn Lễ và Tâm Tình sau rước lễ: BCH/LH.
– Phụ trách sinh hoạt: BCH/LH.
5) THỨ TỰ ĐOÀN RƯỚC:
– Thánh giá nến cao: BCH/LH.
– Trống khẩu: Đai diện XĐ Bác Ái HHTM Bùi Phát.
– Thánh giá nến cao: Ban Phục Vụ NT Thánh Mẫu.
– Cờ Liên Hội: Đại diện LĐ Gia Đình HHTM.
– Hai người Đọc Sách Thánh: Đại diện BCH LH và Ban PV NT Thánh Mẫu.
– Phụ trách Lời nguyện CĐ: 4 Đại Diện (BCH LH; LĐBA; LĐGĐ; LĐGT).
– Đoàn dâng lễ vật: LĐ Gia Đình HHTM.
– Đọc Tâm Tình Hiệp Lễ.
– Lễ Sinh.
– Đoàn Đồng Tế: LM TGH HHTM- LM Phụ tá HHTM;- Các LM Đồng tế.
Trong tinh thần Hiệp Sống Xin Vâng Phục Vụ, BCH Liên Hội mời các Huynh Trưởng và Hội Viên HHTM về tham dự đông đủ để mừng Bổn Mạng của Liên Hội và Nhà Thờ TM.
Làm tại Nhà Thờ Thánh Mẫu ngày 14 tháng 10 năm 2020.

DUYỆT TM BCH LH HHTM TGP

LM TỔNG GIÁM HUẤN HHTM LIÊN HỘI TRƯỞNG

Đa-minh ĐINH VĂN VÃNG GB. NGUYỄN QUANG MINH
II. MỪNG BỔN MẠNG THÁNG 12/2020:
1) Ngày 03/12 kính thánh PHANXICÔ XAVIÊ:
Bổn Mạng quý Cha Giám Huấn và các Huynh Trưởng HHTM như sau:
– Cha Fx Đậu Nguyễn Hoàng Linh: Chính xứ Giám Huấn HHTM GX Nam Hòa,
– Ông Phanxicô X. Nguyễn Duy Hinh: Nguyên Tr BPV NT Thánh Mẫu
– Anh Phanxicô X. Đỗ Công Minh – Tr Ban Nghiên Huấn Liên Hội
– Anh Phanxicô X. Vũ Quốc Thông – Ù.v BCH GĐ HHTM Lạc Quang
Kính chúc: Quý Cha, quý Ông, quý Anh nhận thánh Phanxicô Xavie làm Bổn Mạng được đầy lòng mến Chúa để hăng say loan báo Tin Mừng noi gương ngài.
2).Ngày 08/12 kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên TộI:
– Bổn mạng Liên Hội HHTM TGP, Bổn mạng Bậc Nhất Nhà Thờ Thánh Mẫu Trung Ương Và BM của các thành viên BCH Liên Hội như sau:
– Chị Maria Hoàng T Nhiễu – Liên Hội Phó BCH/LH Đặc trách LĐ Gia Đình HHTM TGP.
– Chị Maria Hoàng Thị Thanh Hương – Thủ Quỹ BCH Liên Hội HHTM
– Chị Maria Vũ Thị Thu Thủy – Thư ký Liên Hội HHTM TGP.
Chúc mừng BCH Liên Hội, Ban Phục Vụ NT Thánh Mẫu Trung ương và quý Hội viên Hiệp Hội Thánh Mẫu nhận Mẹ Vô Nhiễm làm Bổn Mạng được thêm lòng mến Chúa để ngày một nên thánh noi gương Mẹ Vô Nhiễm.
B. THÔNG TIN CỦA LIÊN ĐOÀN BÁC ÁI HHTM/TGP TH 12
I. MỪNG BỔN MẠNG THÁNG 12/2020:
1) Ngày 3/12 Lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê:
– Bổn mạng cha Phanxicô Xaviê Đậu Nguyễn Hoàng Linh – Giám huấn Xứ Đoàn Bác Ái HHTM Nam Hòa.
Kính chúc Cha nhận được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa qua lời cầu bầu của thánh Bổn Mạng.
2) Ngày 8/12 : Lễ Đức Mẹ vô nhiễm
– Bổn mạng Liên Hội HHTM TGP/SG và Nhà Thờ Thánh Mẫu Trung Ương.
– Bổn mạng Xứ đoàn Bác Ái HHTM Lộc Hưng
– Bổn mạng Xứ đoàn Bác Ái HHTM Hợp An
– Bổn mạng Bà Maria Ngô Thị Hiếu – Thư ký Liên Đoàn Bác Ái Tổng Giáo Phận, kiêm Thư ký Xứ đoàn Bác Ái Nam Hòa.
– Bổn mạng Bà Maria Bùi Thị Định – Đoàn trưởng Xứ đoàn Nam Hưng.
– Bổn mạng Bà Maria Nguyễn Thị An -Thư ký Xứ đoàn Nam Hưng.
– Bổn mạng Bà Maria Vũ Thị Nhàn – Thư ký Xứ đoàn Bùi Môn.
– Bổn mạng Bà Maria Phạm Thị Yến – Đoàn phó 1 Xứ đoàn Lộc Hưng.
– Bổn mạng Bà Maria Vũ Thị Hiền – Đoàn phó Xứ đoàn Lạng Sơn.
Kính chúc BCH Liên Hội HHTM, BPV Nhà Thờ TM, các Xứ đoàn, cùng quý Bà được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Vô Nhiễm.
3) Ngày 13/12 : Lễ Thánh Lucia – Trinh nữ Tử Đạo
– Bổn mạng Bà Lucia Hoàng Thị Minh Nguyệt – Đội trưởng Xứ đoàn Lộc Hưng
– Bổn mạng Bà Lucia Phạm Thị Liên – Đoàn trưởng Xứ đoàn Sao Mai
– Bổn mạng Bà Lucia Nguyễn Thị Thu – Thũ quỹ Xứ đoàn Sao Mai
– Bổn mạng Bà Lucia Nguyễn Thị Lan – Đoàn phó II Đoàn Học Sống Lời Chúa.
– Bổn mạng Bà Lucia Vũ Thị Thúy Liên – Thư ký Đoàn Học Sống Lời Chúa.
Kính chúc quý Bà được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa qua lời cầu bầu của thánh Bổn Mạng.
II. BÁO CÁO CÔNG TÁC THỰC HIỆN CỦA LĐ/BA HHTM – TGPSG
– Các Xứ đoàn thực hiện lần chuỗi Mân Côi hàng ngày.
– Thực hiện công tác bác ái, thăm hỏi các hội viên đau yếu, có hoàn cảnh khó khăn.
– Các hội viên tham dự thánh lễ và đọc kinh luân phiên tại các gia đình.
1) Tháng các linh hồn: Hội viên các Xứ đoàn tiếp tục thực hiện công tác phục vụ nhà Chúa, quét dọn, lau rửa, phụ nấu ăn sáng cho các cháu thiếu nhi học giáo lý và nấu bữa ăn cho người nghèo.
2) Công tác bác ái: Được sự chấp thuận của Cha TGH, Cha phụ tá và sự hỗ trợ hợp tác của BCH Liên Hội, trong tháng 11, BCH LĐ Bác Ái HHTM và BCH các Xứ đoàn đã thực hiện công tác bác ái từ thiện tại Lộc Nam – Bảo Lộc:
– Liên đoàn Bác ái đã đến chia sẻ với đồng bào dân tộc K-Ho 100 phần quà trị giá 26.300.000 và hỗ trợ công tác truyền giáo 5.000.000 đ
– Giúp Giáo xứ La Vang xây dựng phát triển : 5.000.000
3) Về số tiền đóng góp:
a- Các Xứ Đoàn:
+ Xứ đoàn Tân Hưng ( Xóm Mới ) : 11.000.000
+ Xứ đoàn Học Sống Lời Chúa : 10.000.000
+ Xứ đoàn Hợp An : 2.000.000
+ Xứ đoàn Bắc Dũng : 2.000.000
+ Xứ đoàn Bùi Phát : 2.000.000
+ Xứ đoàn Nam Hòa : 2.000.000
+ Xứ đoàn Sao Mai : 1.500.000
+ Xứ đoàn Lộc Hưng : 1.500.000
+ Xứ đoàn Trung Chánh : 1.550.000
Số đóng góp của các Xứ đoàn : 33.550.000 đ
b- Các Cá nhân :
+ Bà Chiến – Ban Bảo trợ LĐBA đã hỗ trợ 5 thùng sữa và nhiều quần áo.
+ 2 ân nhân : 5.000.000
+ Bà Hương – TGLH : 500.000
+ Bà Vinh – Xứ đoàn Sao Mai : 500.000
+ Bà Nhung – TQLĐBA : 300.000
Số đóng góp của cá nhân : 6.300.000.-
Tổng số thu 39.850.000
+ Chi quà cho người nghèo : 26.300.000
+ Chi hỗ trợ công tác truyền giáo: 10.000.000.-
Tổng số chi : 36.300.000
– Tiền xe, tiền ăn, nơi ngủ ( Anh chị em tham gia tự góp thêm)
– BCH LĐBA xin cảm ơn Cha TGH, Cha phụ tá HHTM và Cha Giám Đốc Dòng Thừa Sai Đức Tin cũng như BCH-LH ; Ban Chấp Hành và hội viên các Xứ đoàn HHTM cùng quí Ân nhân đã tích cực hỗ trợ và đồng hành để chuyến đi bác ái từ thiện đạt kết quả tốt, nói lên sự hợp nhất, yêu thương và phục vụ theo linh đạo HHTM, và cũng chuẩn bị cụ thể để mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm sắp tới.
4) Công tác tháng 12 của LĐBA – HHTM
– Các Xứ đoàn thực hiện công tác báo cáo, hội họp sinh hoạt tại các giáo xứ
– Các Xứ đoàn tham gia tại Nhà thờ Thánh Mẫu để mừng Kính Mẹ Vô nhiễm nguyên tội ngày 7/12/2020. Thực hiện hy sinh, hãm mình làm bác ai để dâng Mẹ.
– Hội viên các Xứ đoàn tiếp tục lần chuỗi Mân Côi luân phiên tại các gia đình.
– Thăm hỏi anh chị em hội viên đau ốm, nằm liệt trên giường bệnh.
– Các hội viên thực hiện công tác phục vụ nhà Chúa, lau dọn, cắm hoa, phục vụ bữa cơm người nghèo.
– Hội viên các Xứ đoàn chuẩn bị tâm hồn để đón mừng Chúa Giáng Sinh năm 2020.
– BCH LĐBA và BCH các Xứ đoàn chuẩn bị tổng kết công tác năm 2020 và nêu ra phương hướng sinh hoạt năm 2021.
III.BÁO CÁO SINH HOẠT CÔNG TÁC:
1) Đoàn Bác Ái HHTM Tân Hưng ( Hạt Xóm Mới ):
– BCH và hội viên đã đến phúng viếng dự lễ an táng, đóng góp cho 2 hội viên qua đời.
– Bà Anna Nguyễn Thị Miên qua đời ngày 02/11/2020
– Bà Anna Nguyễn Thị Hường qua đời 6/11/2020
– Vệ sinh nhà Chúa: 4-6 người/ 4 lần
– BCH và hội viên đọc kinh vào buổi sáng sau giờ lễ và đọc kinh giỗ tại gia đình hội viên vào buổi tối lúc 19 giờ.
– Xứ đoàn đóng góp 5.000.000 để góp phần với Giáo xứ sửa chữa tượng đài Thánh Giuse tại Nghĩa trang.
– BCH chuẩn bị báo cáo công tác hoạt động năm 2020.
2) Xứ Đoàn Học Sống Lời Chúa ( Nhà thờ Thánh Mẫu ):
– Viếng xác : 2 người
– Giúp Dòng Thừa sai Đức tin : 5.300.000
– Giúp HH Thánh Phaolo Tông đồ dân ngoại : 13.000.000
Tổng chi công tác Bác ái : 31.000.000
3) Xứ Đoàn Bác Ái HHTM Nam Hòa:
– Thăm chị Đoàn Trưởng nằm viện
– Quét dọn Nhà Chúa : 4 lần / 4 người
– Phục vụ đọc lời Chúa: 4 lần
– Viếng xác : 2 lần
– Thăm người già neo đơn: 2 lần
– Đóng góp bếp sữa cho thiếu nhi : 500.000
4) Xứ Đoàn Bác Ái HHTM Hợp An:
– Đọc kinh các buổi sáng trong tuần
– Thăm hỏi bệnh nhân và người già yếu
– Vệ sinh nhà Chúa
5) Xứ Đoàn Bác Ái HHTM Lộc Hưng:
– Họp và đọc kinh cầu nguyện cho các hội viên đã qua đời vào thứ ba đầu tháng.
– Trực quét nhà thờ 8 ngày
– Thăm hội viên đau yếu.
6) Xứ Đoàn Bác Ái HHTM Bùi Môn:
– Đọc kinh cho các hội viên đã qua đời và thăm hỏi các hội viên đau yếu
7) Xứ Đoàn Bác Ái HHTM Bắc Dũng:
– Đọc kinh và hội họp, xin lễ cầu nguyện cho hội viên đã qua đời
– Thăm các hội viên đau yếu và neo đơn.
8) Xứ Đoàn Bác Ái HHTM Sao Mai:
– Đọc kinh và cầu nguyện cho các ân nhân và hội viên đã qua đời vào các ngày thứ bảy hàng tuần.
– Quét Nhà thờ : 4 lần/ 8 người
IV . TIN BUỒN :
Trong tháng 10, Đại diện BCH-LĐBA đã đến viếng cụ Bà Anna Nguyễn Thị Miên- Nguyên Đoàn Trưởng Bác ái Hiệp Hội Thánh Mẫu Giáo xứ Tân Hưng đã qua đời.
Cầu cho linh hồn Anna Nguyễn Thị Hường Giáo xứ Tân Hưng, linh hồn Maria Giáo xứ Nam Hòa, linh hồn Catarina và Anna Giáo xứ Lộc Hưng.
Xin Thiên Chúa sớm đưa các linh hồn về hưởng tôn nhan Thiên Chúa.
V . THƯ MỜI HỌP :
Mời các anh chị Xứ Đoàn trưởng và thành viên BCH các Xứ đoàn thuộc LĐBA/ HHTM đến tham dự buổi sinh hoạt tháng 12/2020 tại Nhà thờ Thánh Mẫu Trung Ương : Số 3 – 5 Chữ Đồng Tử, P7, Q.Tân Bình , vào lúc 15g00 Thứ Hai, ngày 28 / 12 / 2020.
Đề nghị các anh chị em đến tham dự đầy đủ và đúng giờ.

C. THÔNG TIN CỦA LĐ GIA ĐÌNH HHTM TGP SG TH 12
I. MỪNG BỔN MẠNG:
– Ngày 22/11/2020 Mừng kính Thánh Xê-xi-li-a: Bổn mạng Ca đoàn Hiệp Hội Thánh Mẫu Xứ đoàn Lạc Quang.
– Ngày 08/12/2020 Lễ Mừng Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên Tội: Bổn mạng của :
* Xứ đoàn GĐ HHTM Bắc Hà (Củ Chi).
* Bà Maria Lê Thị Thục.
* Chị Maria Lê Thị Thu Nguyệt: nguyên TQ Gia đình Lộ Đức.
– Ngày 13/12 /2020 mừng kính thánh Lu-xi-a là Bổn mạng:
* Chị Lucia Hà Thị Đào: Đoàn Phó XĐ GĐ/HHTM Hà Nội.
Chúc Mừng: Quý Bà, Quý Chị nhận Bổn Mạng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thánh nữ Luxia được tràn đầy ơn Chúa, chu toàn nhiệm vụ của người Mẹ trong gia đinh, thành viên trong Giáo xứ và chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng.
II. SINH HOẠT LĐ GIA ĐÌNH HHTM :
1. Trong tâm tình uống nước nhớ nguồn :
Ngày 04/11: Với xe 16 chỗ, BCH Liên đoàn Gia đình HHTM Gp và một số Anh chị en Hội viên đã hành trình xuyên suốt viếng mộ cha nguyên TGH Giacobe, cha Phanxico phụ tá , hai cha giám huấn HHTM xứ đoàn Bắc Hà Củ Chi.- Các Huynh Trưởng tiền nhiệm: bà Catarina Bích Lan , hai chị trưởng Tâm Nga, và xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn: cha cố, Các Cha và hội viên, ân nhân, thân nhân HHTM đã qua đời.
2. Về nhân sự :
Qua một năm sinh hoạt, vì chị Liên đoàn phó Ngoại định cư nước ngoài, anh cố vấn Ngọc bịnh, chị Ủy viên Bác ái Thu Nguyệt đau, Chị TT Kim Vân ung thư nặng, nên Ban Chấp Hành Liên đoàn Gia đình TGP NK 2020- 2024 đã bổ sung nhân sự như sau :

. LĐ Trưởng : Chị Maria Hoàng Thị Nhiễu.– DD: 0983043997
. LĐ Phó Ngoai: Chi Maria Trần Hoàng Châu.- DD: 0908244905.
. LĐ Phó Nội: Anh Hierônimô Nguyễn Đức Vĩnh – 0976930634.
. THƯ KÝ: Chị Maria Nguyễn Thị Bạch Tuyết.- DD: 01212019876.
. THỦ QUỸ: Chị Maria Hoàng Thị Dung,- DD: 0987054405
. CỐ VẤN: Ông Valentine Phạm Văn Ngọc.- DD: 0917502977.
. Ủy viên Thông Tin : Chị Anna Dương Thị Thu Hợp 04389702142.
. Ủy viên Bác ái : Anna Nguyễn Thị Hằng. 0395436959.
Hy vọng anh chị em trong Ban chấp hành Liên đoàn Gia đình bổ sung sẽ nhiệt tâm cộng tác làm việc để Liên Đoàn Gia Đình ngày một thăng tiến.
3. Về công tác bác ái:
Trưởng và Phó Liên đoàn GĐ đã đến thăm anh Liên Hội trưởng bị tai nạn đang điều trị.
4. Tin buồn :
Được tin ông Đa Minh- Nhạc Phụ của Đoàn trưởng Xứ đoàn HHTM Lạc Quang qua đời tại Biên Hòa, BCH Liên đoàn Gia đình đã xin lễ cầu nguyên, và cử chị Hợp đại diên BCH Liên đoàn Gia đình cùng anh chị XĐ GĐ HHTM Lạc Quang về Biên Hòa phúng viếng và chia buồn với tang quyến của Xứ Đoàn trưởng Nguyễn Dũng .
III. SINH HOẠT CÔNG TÁC CỦA CÁC XỨ ĐOÀN THÁNG QUA :
1.XĐ Gia đình HHTM Sao Mai- Hạt Chí Hòa:
– Hằng tuần học Lời Chúa tối thứ năm
– Tập Hát tối thứ hai
– Hát lễ chiều thứ bảy
– Đóng góp chia sẻ với đồng bào miền Trung : 1 500 000đ
2.XĐ Gia đình HHTM Matthêu- Chí Hòa :
– Hằng tuần học Lời Chúa tối thứ hai tại hội trường gx Sao Mai
– Dâng lễ sáng thứ bày tại nhà Thánh Mẫuvà cử HV đọc sách vào tuần lễ thứ 2
– Trong tháng 11 anh chị em GĐ Matthêu đã cùng BCH LĐ Gia đình đi viếng đất thánh cầu nguyện cho các cha Giám Huấn và các Huynh Trưởng HHTM đã qua đời.
3.XĐ Gia đình HHTM Lộ Đức- Chí Hòa :
– Hằng tuần dâng lễ sáng thứ bảy tại nhà thờ Thánh Mẫu .
– Phụ phát cơm trưa tại Bịnh Viện 115 từ thứ Hai đến thứ sáu hàng tuần.
– Phụ mua thức ăn mái ấm Chỉ Hòa hằng tuần thứ bảy và chủ nhật
-Ngày 4/11 kết hợp cùng BCH Liên đoàn viếng mộ Cha Gia cô bê Nguyên giám đốc HHTM. Cha Phụ tá Fx và các vị tiền nhiệm khi con sống đã phục vụ cho HHTM
-Ngày 21/11 Dự buổi Thảo luân tại Tòa tổng GM SG đề tài : ” Phát cơm cho bịnh nhân tại bệnh viện “.
4.XĐ Gia đình HHTM Mẫu Tâm- Chí Hòa :
– Hằng tuần :Thứ sáu họp đoàn : lần chuổi kinh mân côi, đọc tin mừng , chia sẻ lời Chúa , tập hát,
– Hát lễ 5g30 sáng thứ bảy tại nhà thờ Mẫu Tâm.
– Chủ nhật : Phục vụ thiếu nhi guiáo lý bữa sáng.
– Thăm Cha cố An Tôn Luận
– Mừng bổn mạng Cha xứ 1triệu
– Phục vụ làm sạch đẹp nhà Chúa.
– Cắm hoa Nhà Chờ phục sinh đầu tháng.
– Đọc kinh tại gia đình nhà hiếu 2 đám tang (ông Nhật và bà Pháo).
5. XĐ Gia đình HHTM Tân Hưng– Q 12:
– Ngày 2/11, tham dự thánh lễ tại nghĩa trang giáo xứ cầu cho các linh hồn.
– Tham dự thánh lễ tại Nhà Chờ PS của giáo xứ để cầu nguyện cho các linh hồn.
– Dự lễ giỗ và đọc kinh giỗ 100 ngày cho linh hồn Giuse là bố chồng của chị Ngoan.
– Duy trì làm sạch đẹp nhà xứ .
– Thứ sáu 31/10, dự giờ chầu Thánh Thể tại nhà nguyện theo lịch được phân công.
6. XĐ Gia đình HHTM Lạc Quang – Q 12
– Các Sáng thứ bảy hát lễ , sau lễ sinh hoạt thông tin nội bộ.
– Quét dọn làm sạch Nhà Thờ.
– Phụ trách hát 2 thánh lễ tại nghĩa trang Gx Lạc Quang.
– Ngày 22/11 hát lễ kính thánh Xecilia và mừng bổn mạng ca đoàn HHTM.
– Viếng 2 đám tang.
– Chủ nhật 29/11: Phụ trách xin tiền cho giáo xứ
– Ngày 07/12: Rước kiệu và hát lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm mừng bổn mạng Giáo Khu 2.
7. XĐ Gia đình HHTM Châu Bình – Thủ Đức :
– Tháng 11 Đọc kinh luân phiên gia đình hội viên
– Đầu tháng : hát lễ – quét dọn nhà thờ – giữ xe.
– Dự Thánh lễ tại nghĩa trang.
– Mừng 28 năm thành hôn của Anh Chị Thủ Quỹ
– Đọc kinh tân gia và chúc mừng Anh phó Hoà.
– Mừng lễ Mẹ Dâng Mình bổn mạng chung HHTM GX
– Tĩnh tâm tại bãi dâu Mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình- bổn mạng chung 3 ngành của Xứ đoàn HHTM Châu Bình
– Hát lễ và dâng lễ vật trong thánh lễ bổn mạng :
– Ngày 28/11/2020 cử đại diện HHTM tham dự ngày hội thánh nhạc của TGP.
– CN 29/11/2020 Hội viên tham dự ngày chầu lượt của giáo xứ Châu Bình.
8. XĐ Gia đinh Bắc Hà – Củ Chi :
– Viếng và cầu nguyện cho mẹ chồng chị Cúc là hội viên HHTM XĐ Bắc Hà đã qua đời.
– Quét dọn nhà thờ.
– Hát lễ sáng các ngày thường trong tuần.
– Thăm chị Kiểm (hội viên) đang nằm bệnh viện.
– Đọc kinh giỗ ( 2 lần)
9. XĐ Gia đình HHTM Hồng Ân:
– GĐ Hồng ân tham dự Lễ Tạ ơn tại Đan Viện Thiên Phước.
– Ngày 22/11/2020: thăm viếng nghĩa trang đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn.
– Thăm viếng chia sẻ Bác ái cho bệnh nhân tai biến và mổ bướu cổ trong GĐ Hồng ân.
IV .DỰ KIẾN SINH HOẠT THÁNG 12 CỦA LĐ GĐ HHTM GP SG :
1.Tĩnh tâm mừng Bổn Mạng Mẹ Vô Nhiễm: Để chuẩn bị mừng lễ Bổn mạng Liên Hội và Nhà Thờ Thánh Mẫu, hội viên LĐ Gia Đình HHTM đã động viên nhau tham dự buổi tĩnh tâm vào hồi 19g thứ sáu 27/11/2020 tại Nhà Thờ Thánh Mẫu.
2. Tĩnh Tâm Mùa Vọng: Để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Giáng Sinh, thân mời Hội Viên HHTM các XĐ thuộc Liên Đoàn Gia đình: GĐ Thánh Mẫu SM. GĐ Mat thêu. GĐ Lộ Đức và GĐ Hồng Ân tham dự 3 thánh lễ tĩnh tâm tại NT Sao Mai vào hồi 19g30 các ngày Thứ hai 14/12, Thứ ba 15/12, Thứ tư 16/12/2020.
Chủ đề : MARANATHA: KHÁT VỌNG VÀ HY VỌNG
Cha Phêrô Lâm Phước Hùng OP chủ tế thánh lễ tĩnh tâm.
Đề nghị anh chi HHTM tham dự tĩnh tâm mặc đồng phục và ngồi ở hàng ghế đầu.
3. Tặng quà năm 2021:
Chị Liên đoàn trưởng Liên đoàn Gia đinh đã trình Cha Đa Minh Tổng Giám huấn duyệt cuốn “SỔ BIÊN BẢN HỌP“ dày 100 trang, tiện dùng làm biên bản cho các buổi hội họp XĐ.
BCH LĐ hân hạnh được trao tặng Sổ Biên Bản cho BCH các Xứ đoàn sử dụng.
4. Về việc phân công phụ trách đọc bài đọc tháng 12/2020 Năm B
-Thứ bảy , 05/12/2020 : GĐ Sao Mai ( Is 30, 19-21,23-26 )
-Thứ bảy , 12/12/2020 : GĐ Mat-thêu (Hc 48,1- 49-11 )
-Thứ bảy , 19/12/2020 : GĐ Lô Đức ( Tl 13,2-7,24 )
-Thứ bảy , 26/12/2020 : GĐ Hồng Ân (Lễ Thánh Stê-pha-nô Tử đạo )
D. THÔNG TIN LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM/TGP TH 12
TÌNH HÌNH CỦA LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM:
Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM TGP Saigon gồm 6 Xứ Đoàn đang hoạt động như sau:
• Xứ Đoàn Giới Trẻ Sao Mai.
• Xứ Đoàn Giới Trẻ Thạch Đà.
• Xứ Đoàn Giới Trẻ Châu Bình.
• Xứ Đoàn Giới Trẻ Thái Bình.
• Xứ Đoàn Giới Trẻ Bình Thái.
• Xứ Đoàn Giới Trẻ Bình An.
Hiện Xứ Đoàn Sinh Viên Nhà Thờ Thánh Mẫu Trung Ương đang trong giai đoạn hình thành và chuẩn bị ra mắt vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm sắp tới.
Trong thời gian này BCH Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM tiếp tục củng cố sinh hoạt LĐ bằng việc đi thăm sinh hoạt chung với các Xứ Đoàn.

TRUYỀN THÔNG HHTM

XIN TẢI TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 12.2020. TẠI DƯỚI.

BẢN-IN-TẬP-SAN-HIỆP-SỐNG-TH-12.-2020