SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 891, CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – B, 10/03/2024

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 3,14-21)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.

Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ.
Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa.

Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Nhìn Lên Ánh Sáng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Giương Cao Con Rắn Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Con Người Ngày Nay Mê Bóng Tối Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Tình Yêu Thiên Chúa Vô Biên Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Nguồn Sáng Nắng Sài Gòn Trg 9
Tình Yêu Giương Cao Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Tri Ân Tình Yêu Thập Giá M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Tôn Vinh Tình Yêu Nắng Sài Gòn Trg 12
Giã Từ Bóng Tối A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

 

————————————

Nhìn Lên Ánh Sáng

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

1) Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.
2. Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?
3. Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

———————————————-

 

 

Giương Cao Con Rắn

Thiên Chúa có bộ mặt nào? – Thánh thiện, quyền phép, thông minh hay công thẳng…? Ai mà biết được khuôn mặt thật của Người nếu như Người không đích thân mặc khải cho biết!

Người Do Thái tin rằng họ biết rất rõ bộ mặt thật của Đức Chúa; họ gọi Ngài là Giavê (theo ký tự YHWH), một tên vừa nói lên bản chất tự hữu mang tính triết học, lại vừa diễn tả quyền phép vô song của một đấng tạo dựng muôn loài, mang tính lịch sử. Khuôn mặt hiển hách đó, theo họ, đã lộ rõ qua các dấu lạ điềm thiêng mà Môsê nhân danh Ngài thực hiện trong cuộc Xuất Hành giải phóng kiêu hùng, sau khi đã hoàn toàn khuất phục quyền lực thần thánh của Pharaô được coi là vô địch thời bấy giờ. Thế nhưng Đức Giêsu lại khẳng định rằng, khuôn mặt đó chưa hoàn toàn chính xác! Lý do thật đơn giản: đó vẫn chỉ dựa trên suy đoán của loài người, vì thật sự đã có ai từng sống với Thiên Chúa để biết rõ Ngài thế nào đâu; “không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11:27)

Vấn đề ở đây là: diện mạo Thiên Chúa mà ‘Con Người muốn mạc khải cho’ là thứ diện mạo nào? Trước hết Đức Giêsu đưa ra một hình ảnh có sẵn trong Cựu Ước, nhưng rất ít được người Do Thái thời đó quan tâm: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc”. Quả vậy câu truyện được kể trong chương 21 sách Dân Số đã không được các luật sĩ và biệt phái thời đó quan tâm giải thích. Họ cho rằng đó chỉ là một giai thoại mang tính sự kiện lịch sử; dân phạm tội kêu trách Môsê, và thế là Đức Chúa đã báo oán qua việc cho rắn độc bò ra cắn hại dân khiến nhiều người Israel phải chết. Rồi Môsê chủ động khẩn cầu cho dân, và Đức Chúa truyền cho ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống!” (Ds 21:6-9) Câu chuyện không nhằm vẽ lên khuôn mặt Đức Chúa từ nhân và xót thương; có vẻ ngược lại là đàng khác, Ngài lộ rõ diện mạo nghiêm khắc, trừng phạt; ‘Dân kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê… và Đức Chúa cho rắn độc bò ra cắn chết họ’. Nếu dân có được cứu thì chẳng qua là do lời khẩn cầu của Môsê, tôi trung của Ngài. Còn tại sao lại giương cao con rắn là biểu tượng của hình phạt, để ‘hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên đó’ thì được cứu sống, thì không ai giải thích nổi, vì… đơn giản Đức Chúa muốn như thế! Khi Đức Giêsu dùng chính hình ảnh này để công bố mạc khải vĩ đại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” thì xem ra lại càng rối mù hơn. Nicôđêmô, hay bất cứ người Do Thái nào cũng vậy thôi, sẽ cho điều đó là hoàn toàn vô lý, không thể chấp nhận, nhất là sau dẫn chứng sự kiện hình phạt rắn độc cắn: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án”.

Riêng đối với Kitô hữu chúng ta, tất cả đều biết một điều căn bản: Tin Mừng chính yếu hệ tại ở điều này, đó là Thiên Chúa yêu thương thế gian, là Thiên Chúa không lên án, là Thiên Chúa không đánh phạt, một khi Đức Kitô đã được giương cao trên thập giá. Đó là diện mạo đích thực của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã thân hành vẽ lên bằng chính thập giá của Người. Chỉ cần ‘tin vào Con của Người’, chỉ cần ngước nhìn lên Thập Giá cứu độ với lòng khiêm tốn và cậy trông, chỉ cần ‘sống theo sự thật và đến cùng ánh sáng’, thì cũng đã đủ để bất cứ ai, cho dầu tội lỗi tới mấy, cũng sẽ không bị lên án chết. Và ‘sự thật’ của Tin Mừng đơn giản chỉ là, căn cứ lời quả quyết của môn đệ Gioan – người được coi là hiểu biết Thiên Chúa tình yêu rõ hơn ai hết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1Ga 1:8-10). Và thật lạ lùng, bản án nếu có bị tuyên, sẽ không căn cứ vào tội lỗi đã phạm, mà chỉ dựa trên một điều duy nhất xem ra chẳng mấy nhằm nhò gì: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng…” ‘Bóng tối’ và ‘ánh sáng’ Gioan đề cập tới sẽ không mang nội dung luân lý của tội lỗi hay nhân đức, mà chỉ là từ khước hoặc tin nhận Tin Mừng về một ‘Thiên Chúa yêu thương thế gian tới nỗi…’. Nói cách khác, bóng tối là vẫn nhắm mắt tin vào một Thiên Chúa công thẳng và luận phạt, một Thiên Chúa chỉ biết lên án và trừng trị. Ai cứ cố chấp ở lì trong bóng tối đó, chắc chắn sẽ bị lên án thôi. Lý do là vì mọi việc người ấy làm, cho dầu trong cái nhìn của con người có là tốt lành thánh thiện tới mấy đi nữa, thì cũng vẫn chưa phải là được thực hiện trong Thiên Chúa tình yêu xót thương và cứu độ. Còn ánh sáng đơn giản sẽ là nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình, để mở lòng đón nhận ơn cứu độ đầy từ tâm của Thiên Chúa

Trong tư cách Kitô hữu, nhất định mỗi người chúng ta phải sống theo sự thật, và chân thành đi trong ánh sáng của ‘Thiên Chúa yêu thương thế gian…’ thôi, đặc biệt trong thời khắc cuối của mùa chay thánh, để trong niềm tin vào Đức Kitô thập giá cứu độ, chúng ta không còn chút sợ hãi nào bị lên án nữa.

Lạy Chúa Giêsu được giương cao trên thập giá, xin cho con biết không ngừng chiêm ngắm Thánh Giá để thấu hiểu, ‘Thiên Chúa đã yêu con tới nỗi đã phó nộp…’, và để nhờ nhận biết trong tin yêu điều này, con sẽ ‘không bị lên án’, cho dẫu có tội lỗi và bất toàn tới mấy. Xin cho con cùng với Phaolô, biết tập trung trọn đời mình vào duy nhất một mình Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh mà thôi. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

—————————————————

 

 

Con Người Ngày Nay Mê Bóng Tối

Thế giới văn minh cũng được gọi là kỷ nguyên của ánh sáng. Ánh sáng giúp con người cởi bỏ sự lạc hậu để bước vào thế giới văn minh. Sự văn minh sẽ đẩy lùi bóng tối. Sự văn minh là khắc tinh của bóng tối. Và ở đời người ta thường đi tìm ánh sáng và chẳng mấy ai thích bóng tối, vì bóng tối là dấu hiệu của lạc hậu, của thiếu văn minh.
Nhưng cũng có những người có sở thích khác lạ. Họ thích bóng tối. Họ đi vào bóng tối. Họ sống trong bóng tối và sợ ánh sáng. Có khi họ còn phải bỏ tiền để mua được bóng tối trong các quán bia ôm, trong nhà hàng karaoke, trên sàn nhảy vũ trường. . . Bóng tối đồng loã với họ khi làm chuyện gian dối, gian dâm, bất chính. . . Bóng tối bao bọc, che dấu họ khỏi cái nhìn của thế gian.
Như thế, bóng tối của không gian không đáng sợ bằng bóng tối của lòng người. Mọi điều tốt hay xấu đều xuất phát từ tâm mà ra. Nếu tâm u mê chỉ thích ở trong bóng tối sẽ dẫn đến những việc làm bất chính và tội lỗi. Và dường như trong tâm hồn tôi vẫn còn những ngõ ngách u tối mà ánh sáng Thiên Chúa không soi thấu. Ðó là những ngõ ngách chứa đựng sự gian dối, hay gian dâm tội lỗi. Ðó là nơi sự hận thù rình rập. Ðó là nơi tính kiêu căng, gây gổ, chia rẽ, đố kỵ ẩn núp.
Mùa Chay là mùa mời gọi chúng ta bỏ bóng tối để bước vào ánh sáng của Chúa. Hãy để ánh sáng phúc âm dẫn dắt, uốn nắn, sửa đổi chúng ta. Hãy để ánh sáng Lời Chúa dẫn đưa chúng ta vào trong tình yêu của Đấng đã chết để cứu chuộc chúng ta. Ngài sẽ dẫn chúng ta đi trong ánh sáng để cứu thoát chúng ta khỏi cảnh trầm luân đời đời.
Đáng tiếc, “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga.3:19). Nhiều người hôm nay vẫn từ chối đến với ánh sáng và sự thật, chỉ vì đời họ chìm trong bóng tối tội lỗi đam mê dục vọng. Họ như Adam – Eva cứ trốn chạy ánh sáng. Càng trốn chạy, càng lẩn tránh, càng bất an và khổ đau tâm hồn. Con người cấn nhất sự bình yên tâm hồn, nên cách lẩn trốn sự thật sẽ làm cho chúng ta mãi bất an, chỉ có một cách duy nhất ra khỏi bóng tối đó là trở lại với ánh sáng bằng cách ngước nhìn lên Đấng chịu đóng đinh vì tội lỗi chúng ta. Ngài đến tìm con người không phải để luận phạt mà là để cứu chuộc, để chữa lành và đưa về nguồn ánh sáng tình thương của lòng thương xót Chúa.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga.3:16). Tin vào tình yêu Chúa mời gọi chúng ta can đảm đến với ánh sáng dù biết mình đang chìm trong bóng tối; hay đúng hơn, vì biết mình nô lệ cho bóng tối mà ta khao khát vươn tới ánh sáng. Như người đang ngụp lặn trong nước chỉ cần giơ tay lên để người cứu hộ giải cứu, thì những ai đang ở trong bóng tối cũng cần mạnh dạn hướng về ánh sáng thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi và ánh sáng lòng thương xót Chúa sẽ tràn ngập nơi chúng ta.
Dân Do Thái xưa trong sa mạc đã được chữa lành nhờ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ. Ngày nay, chúng ta được cứu độ, được sự sống đời đời là nhờ tin tưởng nhìn lên Ðức Giêsu bị treo trên thập giá. Chính nơi thập gía Chúa ta thấy một luồng sáng của lòng thương xót Chúa kêu mời ta hãy đến cùng Ngài để được giải thoát, được đổi mới và được bình an.
Xin Chúa giúp chúng ta mạnh dạn đến với lòng thương xót Chúa để được tái sinh trong ơn nghĩa cùng Chúa hầu xứng đáng làm con cái Chúa và được chung hưởng gia nghiệp bên Chúa muôn đời. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

——————————————

Tình Yêu Thiên Chúa Vô Biên

Thiên Chúa tạo dựng nên vạn vật trong vũ trụ và Ngài điều hành vũ trụ bằng các quy luật bất di bất dịch. Ví dụ, theo quy luật thì nước phải chảy về chỗ trũng, khi gặp nóng thì bốc thành hơi, khi gặp lạnh dưới 0 độ thì đông cứng như đá… Cứ thế, nước luôn tuân hành quy luật đó không bao giờ sai chạy.

Và loài người cũng phải tuân theo quy luật mà Thiên Chúa đã an bài, một trong những quy luật đó là: Tội lỗi gây ra sự chết. Ai có tội thì người đó phải chết (nghĩa là phải chịu cực hình trong hỏa ngục đời đời.)

Quy luật nầy đã được tiên tri Êdêkiên công bố từ ngàn xưa: “Ai phạm tội, người ấy phải chết” (Êdêkiên 18,20).
Quy luật nầy lại được thánh Phaolô lặp lại trong thư Rôma: “Chỉ vì một người mà tội lỗi đã đột nhập trần gian và tội lỗi gây nên cái chết” (Rm 5, 12. Rm 6, 23. Galat 6,7).

Điều đáng tiếc là mọi người sinh ra trên đời đều có tội và chiếu theo luật thì tất cả đều phải bị án chết. Họ chỉ thoát khỏi án chết nếu có ai đó có đủ tư cách chết thay cho họ.

Thế là, Thiên Chúa Cha đã cho Con Một của Ngài xuống thế làm người, trở nên Anh cả của loài người, trở nên người đại diện chính thức của loài người, nhờ đó, Ngài mới có thể nhận tội, đền tội và chết thay cho muôn dân.

Đây quả là một giải pháp tuyệt vời: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 50).

Tình yêu Thiên Chúa vô biên
Thế là Chúa Giêsu, Con Một của Thiên Chúa Cha, chấp nhận xuống thế làm người để gánh lấy tội lỗi thế gian và Ngài phải mang lấy hậu quả của tội, là bị kết án như một tên gian phi, chịu chết treo trên thập giá để đền tội cho muôn người.

Thánh Phêrô đã xác nhận điều này như sau:
“Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi Ngài đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (I Pr 2, 24).

Khi chịu khổ nạn đau thương và chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đền tội cho chúng ta, chết thay cho chúng ta. Nhờ Ngài phải chịu cực hình đau thương mà chúng ta được tha tội, nhờ Ngài chịu chết thay mà chúng ta thoát khỏi án chết mà được sống đời đời.

Từ đó, thập giá Chúa Giêsu trở thành biểu tượng cao nhất của tình yêu.
Nơi đây vang lên sứ điệp yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một, để ai tin vào con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Nơi đây cũng vọng lên sứ điệp yêu thương bất tận của Chúa Con: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng cho bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
Yêu thương đến nỗi hiến thân chịu chết cho người khác quả là một tình yêu hết sức cao vời và đó là tột đỉnh của tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Chúa tể quyền năng, là Vua thống trị muôn loài, là Đấng vô cùng cao cả; trước mặt Ngài, con người chỉ là tro bụi thấp hèn bé mọn, thế mà vì yêu thương, Ngài đã hạ mình xuống thế làm người và hiến thân chết thay cho loài người thấp hèn tội lỗi chúng con. Chúa đã dành cho chúng con một tình yêu vô lượng vô biên. Xin cho chúng con cố gắng sống tốt, sống đẹp, sống thánh thiện mỗi ngày, để đền đáp phần nào tình yêu cao vời của Chúa.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

——————————————

 

Nguồn Sáng
CN IV MC.B – (Ga 3, 14 – 21)

Núi Sọ chiều nao Chúa hiến trao

Tình Yêu Cứu chuộc đã giương cao

Hy sinh mạng sống tình thanh khiết

Hiến lễ dâng mình nghĩa lớn lao

Nhục nhã, chê cười mang tội lỗi

Vinh quang, tán tụng phúc tuôn trào

Ngắm nhìn Thánh giá nên công chính

Ánh sáng chan hòa dạ khát khao.

Hạt Nắng

 

——————————————-

 

Tình Yêu Giương Cao
CN IV MC.B – (Ga 3, 14 – 21)

Đời băng hoại ngập chìm tội lỗi,
kiếp ngục tù bóng tối u mê.
Xiềng xích ràng buộc tứ bề,
làm sao gội sạch uế nhơ tâm hồn!!?

Hồn hoang mang, bồn chồn, khắc khoải,,
chiêu thức nào giải thoát đời con.
Bơ vơ, lạc lõng, héo hon,
đường về nghẽn lối mỏi mòn ước mong.

Từ đồi cao nắng hồng chiếu tỏa,
Lễ Tình Yêu xóa sạch tội đời.
Ánh sáng lan tỏa muôn nơi,
Ngai Vàng Thánh Giá – Ngôi Lời lên ngôi.

Cành khô héo đâm chồi nảy lộc,
hoa úa tàn phút chốc hồi sinh.
Đêm tàn nhường ánh bình minh,
đời con tìm thấy lộ trình yêu thương.

Đường Thánh Giá con đường sự sống,
Lễ Toàn Thiêu sống động chiều nao.
Ngắm nhìn Chúa được giương cao,
dâng lời tán tụng, ngọt ngào tri ân.

Kéo con lên, kết tình thân ….

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

—————————————–

 

Tri Ân Tình Yêu Thập Giá
CN IV MC.B – (Ga 3, 14 – 21)
*******
“Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất,
Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32),

Con lang thang giữa màn đêm tăm tối,
hồn bơ vơ, lạc lõng giữa chợ đời.
Giữa lòng người nhận toàn những dối gian,
kiếp phù du ngập chìm trong tội lỗi.

Trong cô đơn khúc sầu thương, sám hối,
nhìn trời cao dâng lầm lỗi, tội tình.
Chúa thương tình ánh sáng chiếu tâm linh,
soi đường về giải thoát đời buông trôi.

Thánh giá đồi cao, hiến lễ chiều nao,
Chúa đã chết cho con.
Hy lễ huyền siêu, minh chứng tình yêu,
cho con nguồn sức sống.
Ánh sáng tình yêu, chiếu sáng niềm tin,
tình Chúa quá bao la.
Bóng tối lùi xa, khúc hát giao hòa,
nâng bước đường về Nhà Cha.

Xin tri ân mối tình yêu thập giá,
Ngài giương cao giang tay, kéo con về.
Ngắm nhìn Ngài niềm hạnh phúc say mê,
đem Tin Mừng loan báo ngàn dặm xa.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

——————————————–

 

 

Tôn Vinh Tình Yêu
CN IV MC.B – (Ga 3, 14 – 21)

Chúa chiếu sáng yêu thương tình Ngài, Chúa ơi!
khi trần gian ngập chìm trong bóng tối.
Chúa đã kéo con lên cùng Ngài, Chúa ơi!
khi đời con ngụp lặn vũng lầy bợn nhơ.
Tình Chúa sao vô bờ!
gánh lấy tội lỗi trần gian, tội lỗi đời con,
Chúa chết đau thương để cứu muôn dân,
thịt máu tuôn rơi chữa lành vết thương mọi người.

Tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa,
vinh quang tình yêu của Ngài,
dâng trái tim yêu hiến mình làm hy lễ.
Còn tình nào lớn lao hơn,
còn tình nào thiết tha hơn,
hy sinh mạng sống vì người mình yêu.

Con ngước mắt trông lên tìm Ngài, Chúa ơi!
trên đồi cao một chiều tim rướm máu.
Chúa cất tiếng xin vâng trọn tình hiến dâng,
đưa trần gian trở về tháng ngày ban sơ.
Tình Chúa, con tôn thờ!
hiến lễ ban phát tình yêu ơn thánh trào tuôn,
ánh sáng yêu thương soi chiếu tâm linh,
xóa hết tội tình cho con vững vàng niềm tin.

Nắng Sài Gòn

 

—————————————-

 

Giã Từ Bóng Tối
CN IV MC.B – (Ga 3, 14 – 21)

Sống thỏa hiệp chạy theo danh vọng,
thích bóng đêm coi trọng tiền tài.
Xích xiềng trói chặt tương lai,
ngục tù sự chết hình hài uế nhơ.

Đời lầm lạc tôn thờ ngẫu tượng,
thích thênh thang ưa chuộng thế gian.
Tâm hồn trăn trở nát tan,
linh hồn biến dạng lầm than ê chề.

Trong đau khổ tìm về ánh sáng,
bao tháng năm mù quáng lạc đường.
Ngước nhìn Thiên Chúa tình thương,
chết treo Thánh giá mở đường cứu con.

Chịu đớn đau roi đòn oan ức,
nát hình hài tủi nhục đắng cay.
Vì yêu Chúa chịu chết thay,
cứu con thoát cảnh đọa đày trầm luân.

Chúa yêu con u buồn mong đợi,
chờ đợi con vời vợi tháng ngày.
Nép mình con đến quỳ đây,
chiêm ngắm Thánh giá lệ đầy hoen mi.

Tình yêu Chúa từ bi nhân ái,
ánh sáng ban từ trái tim Ngài.
Hồn reo đón ánh ban mai,
giã từ tăm tối hát bài “Phục Sinh”.

AP. Mặc Trầm Cung