SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 877, CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – B, 03/12/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 13, 33-37)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”

Đó là lời Chúa.

.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Người Giữ Của Phải Canh Thức Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Hãy Làm Tốt Công Việc Được Giao Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Tỉnh Thức Để Tự Cứu Mình Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Tỉnh Thức Hạt Nắng Trg 9
Khát Vọng Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Tỉnh Thức M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Bóng Đêm Và Ánh Sáng Nắng Sài Gòn Trg 12
Đánh Thức A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

—————————————

 

Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.

Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ. Đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người. Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra. Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.

Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã. Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến. Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng. Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác. Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc. Người lẫn vào giữa đám đông vô danh. Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội. Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi. Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Phải tỉnh thức lắm mới gặp được Người.

Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động. Chúa như ông chủ đi vắng. Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt. Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.

Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng. Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa. Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.

Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Đức Kitô. Đừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Đừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực. Đừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang. Dung mạo đích thực của Đức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.

Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hi sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại. Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ. Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Đức Giêsu. Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.

Lạy Chúa, xin giữ hồn con tỉnh thức để con nhận biết Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1. Tỉnh thức là đừng mê ngủ. Hãy kể ra những bóng tối khiến ta mê ngủ?
2. Tỉnh thức là tỉnh táo phân định. Làm thế nào để nhận ra khi Chúa đến?
3. Tỉnh thức là phải hành động. Muốn tỉnh thức, bạn phải làm những gì?
4. Mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì để tỉnh thức?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

—————————————-

 

Người Giữ Cửa Phải Canh Thức

Hai anh em chuyên viên Kinh Thánh Bernard và Louis Hurault chú giải về đoạn Tin Mừng hôm nay như sau: “Đây là một đoạn thu gom dụ ngôn những yến bạc (Mt 25:14…) và dụ ngôn mười trinh nữ (Mt 25:1…). Đoạn văn dạy chúng ta phải biết chờ đợi Chúa đến bằng cách hoàn tất công việc Người giao phó. Người giữ cửa tượng trung cho các người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội; họ không phải là chủ, nhưng chỉ là người nắm giữ chìa khóa của Hội Thánh” (Christian Community Bible).

Quả đúng như thế! Đối tượng trực tiếp nhất của mệnh lệnh ‘phải tỉnh thức và sẵn sàng’ mà Đức Giêsu gióng lên cách thành khẩn chính là các tông đồ hoặc các môn đệ thâm tín nhất của Người; cho dầu sau này có được mở rộng cho hết thảy mọi người: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” Chính vì thế mà khi chọn đoạn Tin Mừng này để khai mở cho một năm phụng vụ mới (năm B), Hội Thánh hầu như muốn nhắc nhở cho chính mình trước hết về phận vụ then chốt được Đức Kitô giao phó là‘phải canh thức!’ vì chính Đức Giêsu ví các kẻ tin vào Người như những người giữ cửa. Ông chủ trong dụ ngôn đã không trao chìa khóa cho người giữ cửa để thi hành trách nhiệm cai quản và sắp đặt mọi việc trong nhà. Chính ông trước khi “trẩy đi phương xa, để lại nhà, trao quyền cho các đầy tớ mình, chỉ định cho mỗi người một việc”; việc cắt đặt và xác định phận vụ từng người trong Vương Quốc hoàn vũ thuộc về Ông Chủ mà thôi. Riêng với người giữ cửa, ông ra lệnh: “Phải canh thức!” Như vậy phận vụ của người giữ cửa không phải để duy trì trật tự trong nhà, điều động các đầy tớ chu toàn công việc đâu ra đó. Người giữ cửa phải canh thức vì một mục đích duy nhất: ‘… khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng…” sẽ nhận ra ông ngay, và mở toang cánh cửa chào đón; “kẻo lỡ chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ”. Thế thì đã rõ: công việc chính của tập thể các môn đệ nói chúng tức là Hội Thánh, và của hàng giáo phẩm lãnh đạo nói riêng chính là: luôn sẵn sàng và tỉnh táo để nhận ra Ông Chủ, cho dầu Ông chợt đến bất cứ lúc nào. Các gia nhân khác đều có việc riêng của họ, duy người giữ cửa được cắt đặt để làm phận vụ này! Như vậy trách nhiệm chính của Hội Thánh phải là, luôn tỉnh táo để nhận ngay ra khuôn mặt của Thiên Chúa từ nhân khi Người đến, vào bất cứ lúc nào, dưới bất kì hình thức nào…, và mở tung cánh cửa để đón tiếp Người.

Và nếu ông chủ sau chuỗi ngày đi xa có trở về với một diện mạo khác lạ… bơ phờ và nhọc mệt chẳng hạn, thì người giữ cửa lại càng phải canh chừng, vì trọng trách của anh quả là quá lớn đối với mọi gia nhân trong nhà; anh là người duy nhất có khả năng nhận ra, và mau mắn mở cửa tiếp đón Ông Chủ. Ông Chủ mà Hội Thánh phải canh thức và tỉnh táo chờ đón có diện mạo nhân ái và giầu lòng xót thương của một Thiên Chúa cứu độ đã được Đức Giêsu giáng thế mạc khải. Diện mạo này không ai khác có thể nhận ra, trừ những người đã đón nhận Tin Mừng cứu độ: trước hết là Phêrô cùng với các tông đồ, rồi đến mọi cấp phẩm trật trong Hội Thánh…, họ là những người giữ cửa, họ nắm giữ chìa khóa cánh cửa đón nhận Thiên Chúa cứu độ. Trách vụ này không hệ tại ở việc họ phải lo khóa kín cửa để bảo vệ ơn cứu độ khỏi mất mát, hoặc chỉ hé mở cho một thiểu số chọn lọc được lọt vào, nhưng là để nhận ra ngay Ông Chủ nhân ái và mở cửa đón ông. Như thế bổn phận chính của Hội Thánh là, phải canh thức và tỉnh táo để mau mắn nhận ra một Thiên Chúa yêu thương, và giới thiệu Người cho nhân loại. Chỉ sợ người giữ cửa lúc đó quá lo toan, quá say mê sắp đặt công việc trong nhà, tâm trí bị thu hút vào các vấn đề bề bộn linh tinh khác, tựa như “… đang ngủ”, để rồi quên bẵng diện mạo độc đáo của Ông Chủ và không nhận ra khi Người đến cách bất chợt nhất; nguy cơ này là rất lớn và có thể xảy ra cho Hội Thánh ở bất cứ thời đại nào’.

Phải chăng Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Công Đồng Chung Vatican II đã muốn canh tân Hội Thánh chính ở điểm mấu chốt này, khi kêu gọi mọi Kitô hữu, nhất là những ai có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội, hãy không ngừng tỉnh thức để nhận ra các ‘dấu chỉ thời đại’ như những nét chứng tỏ sự hiện diện sống động của Thiên Chúa tình yêu giữa loài người? Giữa lòng nhân loại, chỉ duy Hội Thánh có thể tỉnh táo nhận ra được khuôn mặt nhân ái của Thiên Chúa và lắng nghe được tiếng Người yêu thương mời gọi, phát ra từ tất cả các ‘dấu chỉ’ đó, cho dầu đôi lúc chúng chỉ gồm các biểu hiện tiêu cực như: chiến tranh, thiên tai, nghèo đói, bất công… hoặc mang nặng tính thế tục như kinh tế, chính trị, truyền thông, di dân…. Ta nên nhớ rằng, khả năng này, trước Công Đồng Vatican II, có lẽ đã bị suy yếu lắm rồi, ngay cả đối với nhiều vị lãnh đạo trong Hội Thánh.

Như vậy mệnh lệnh ‘phải tỉnh táo và canh thức’ cần vang vọng mạnh mẽ ra xa hơn nữa, đặc biệt phải thấu tới tai những ai được trao phó công việc ‘giữ cửa’. Sứ điệp Mùa Vọng quả là cấp thiết, cách riêng cho tôi – một linh mục của Chúa, và cho mọi mục tử trong Hội Thánh, những người có bổn phận quan trọng nhất là: “Người giữ cửa phải tỉnh thức!”

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân ái, Đấng đang và sẽ đến với nhân loại cách bất chợt, và cải trang dưới muôn hình muôn vẻ. Chúa cho con tham gia vào công việc giữ cửa để nhận ra và chào đón Chúa khi Người đến. Xin cho Mùa Vọng khởi đầu năm phụng vụ hôm nay nhắc nhở con về trách vụ con phải thi hành trong suốt đời Kitô hữu và linh mục của mình, đó là nhận ra khuôn mặt nhân ái của Chúa để trước hết chính con đón tiếp, rồi lên tiếng giới thiệu cho hết mọi người con có dịp tiếp xúc. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

——————————————–

 

Hãy Làm Tốt Công Việc Được Giao

Nhân loại hôm nay đang sống trong bể khổ trần ai. Sự dữ leo thang bởi chiến tranh, loạn lạc và đói nghèo. Nhiều lúc ta vẫn hỏi: “Chúa ở đâu sao không đến giải cứu chúng con?”. Chúa vẫn đang ngủ trên con thuyền nhân gian hay Chúa bỏ quên dân Ngài?

Thật ra Thiên Chúa đã đến và mãi mãi ở cùng chúng ta. Và Người luôn ở bên chúng ta, ở trong chúng ta; nhưng chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện và hành động của Người. Nhiều lúc chúng ta muốn kêu lên như ngôn sứ Isaia: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan”. Chúng ta mong Chúa đến để Ngài cứu loài người, nhất là những người nghèo, những người bé mọn khỏi cảnh bất công, áp bức, nghèo khổ, và sự chết.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và nhẫn nại trông đợi sự can thiệp của Thiên Chúa vì Người là Đấng trung thành với lời giao ước. Ngài là Đấng dựng nên loài người và rất gần gũi với nhân loại chúng ta. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì yêu thương vô bờ. Dầu dân riêng bội thề, nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành với tình yêu của mình, đến nỗi Isaia đã phải thốt lên: “chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình”.

Vì thế, trong bóng tối của sự dữ bủa vây, Ngài vẫn can thiệp để giải cứu nhân loại khỏi ác thần sự dữ. Ngài như một ông chủ đã giao việc cho gia nhân và tưởng chừng như ông chủ không đoái hoài đến họ cũng như công việc của họ. Thực ra, ông chủ luôn có kế hoạch, chương trình hành động của mình, vì thế, với bổn phận của gia nhân là hãy sống tin cậy, phó thác và tỉnh thức vì không biết lúc nào ông chủ sẽ trở về. Ngày ông chủ trở về, không ai biết được đó là ngày nào, vì ông sẽ trở lại bất thình lình. Cho nên tốt nhất là các gia nhân, đầy tớ chăm chỉ chu toàn công việc được giao và luôn luôn tỉnh thức: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào ông chủ đến”.

Bởi lẽ, thế giới này do Chúa làm nên. Con người được Thiên Chúa trao cho quản lý. Ma quỷ lại luôn tìm cách phá huỷ công trình của Chúa. Đây là lý do sự dữ luôn tràn lan trên địa cầu. Ma quỷ tưởng đã thành công khi dụ dỗ Adam để rồi vì tội Adam mà con người khi sinh ra phải đau khổ và phải chết. Nhưng Thiên Chúa từng bước thực hiện chương trình cứu độ trần gian qua các ngôn sứ và thời sau hết là chính Con Một của Ngài.

Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài để cho con người tự do quyết định phận số của mình, nên nhiều lúc chúng ta có cảm tưởng là Người vắng bóng. Thật ra Người vẫn luôn có mặt và Ngài như ông chủ sẽ trở về kịp thời, kịp lúc để bảo vệ gia nhân và gia sản của mình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tin cậy, phó thác và tỉnh thức ngóng đợi để không bị lỡ mất cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa. Hãy làm tốt công việc của mình để khi ông chủ trở về sẽ ban thưởng hạnh phúc thiên đàng cho những ai tín trung với bổn phận được giao. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————-

Tỉnh Thức Để Tự Cứu Mình

Vào thời Xuân Thu, khoảng 500 năm trước Chúa giáng sinh, vua nước Việt (một trong nhiều nước tại Trung Quốc thời đó) tên là Câu Tiễn muốn đánh bại vua Ngô là Phù Sai để phục thù mối nhục lớn, nhưng nước Ngô rất hùng mạnh, còn nước Việt thì yếu kém; vua nước Việt biết mình không thể thắng Ngô bằng sức mạnh quân sự nên phải dùng những mưu kế sau đây, cốt làm cho vua Ngô trở nên mê muội, mất tỉnh táo mà phải bại vong.

Thứ nhất là làm “mù mắt” vua Ngô, khiến cho nhà vua hoá ra tối tăm, mê muội, chẳng còn tỉnh táo để thấy nguy cơ mất nước.
Để thực hiện kế hoạch nầy, Câu Tiễn dâng cho vua Ngô nhiều gái đẹp, đặc biệt là Tây Thi, được xem là phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc thời Xuân Thu, để làm cho vua Ngô ngày đêm say đắm sắc đẹp và lạc thú mà không nhìn thấy nguy cơ mất nước.
Đồng thời, Câu Tiễn dâng cho vua Ngô nhiều thợ giỏi và gỗ quý để vua Ngô xây dựng lâu đài thật nguy nga tráng lệ, khiến cho ngân quỹ triều đình cạn kiệt, đồng thời lâu đài nầy là nơi cuốn hút vua Ngô vui hưởng lạc thú mà bỏ bê công việc triều đình.

Thứ hai là “bịt tai” vua Ngô, tìm cách làm cho vua bỏ ngoài tai những lời cảnh báo khôn ngoan của Ngũ Viên là vị quan đại thần có lòng giúp vua giữ nước.
Để thực hiện âm mưu nầy, Câu Tiễn mua chuộc một vị đại thần có tính xu nịnh trong triều đình vua Ngô tên là Bá Hi, để ông nầy xui khiến vua Ngô đừng nghe lời can gián sáng suốt của Ngũ Viên là vị quan trung thành cương trực, rồi dần hồi, bức tử Ngũ Viên.

Lâm vào diệu kế của Câu Tiễn, vua Ngô đâm ra mê đắm sắc đẹp của Tây Thi, ngày đêm vui chơi hưởng lạc quên việc triều đình; lại nghe lời nịnh hót của Bá Hi mà bức tử trung thần Ngũ Viên. Thế là từ đó, mắt nhà vua bị che chắn, không còn thấy được tại hoạ trước mắt; tai nhà vua bị đóng lại, không thể nghe được lời cảnh báo của Ngũ Viên về viễn ảnh nước mất nhà tan. Kết cục là vua Ngô bị Câu Tiễn đem quân đánh bại và cuối cùng phải tự sát.
Như thế, bí quyết quan trọng để đánh bại một địch thủ hùng mạnh hơn mình là phải làm cho đối thủ đó trở nên mê muội, không thấy, không nghe.

Tương tự như thế, để đánh bại chúng ta, ma quỷ cũng dùng chiến thuật làm cho chúng ta ra mê muội, mắt không thấy những điều nguy hại để xa lánh, tai không nghe những lời răn khuyên để sửa mình.
– Ma quỷ làm cho con mắt tâm hồn của chúng ta hoá mù, không thấy được những thói hư tật xấu của mình, mà vì không thấy nên không tìm cách sửa chữa. Thế là chúng ta cứ mang thói hư tật xấu suốt đời cho đến chết.
– Ma quỷ cũng tìm cách bịt kín đôi tai để chúng ta không nghe được những lời Chúa dạy và lời Hội thánh truyền, không chịu nghe tiếng nói lương tâm cũng như lời hay lẽ phải của bao người thiện chí. Thế là vừa bị mù, vừa bị điếc, chúng ta sẽ lâm vào thảm hoạ bất cứ lúc nào.

Để cứu chúng ta khỏi mê muội, mất tỉnh táo, Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kêu gọi chúng ta phải tỉnh thức thường xuyên, nghĩa là giữ cho “đôi mắt” của trí khôn được tinh tường, cho “đôi tai” được sáng rõ, phải tỉnh táo như người tôi tớ canh giữ cửa nhà cho chủ, không để quân gian đột nhập vào nhà, để bất cứ giờ nào chủ về cũng gặp chúng ta đang tỉnh thức.

Lạy Chúa Giêsu. Dù đã từng nghe Chúa mời gọi canh phòng, tỉnh thức nhiều lần, nhưng chúng con không để cho Lời Chúa ngấm vào tâm hồn, như vua Ngô ngày xưa không chịu nghe lời khôn ngoan của Ngũ Viên. Như thế, chúng con sẽ không tránh khỏi những tai hoạ chụp xuống bất cứ lúc nào.

Xin cho chúng con ghi khắc Lời Chúa dạy, luôn tỉnh táo canh phòng, không để cho đôi mắt tâm linh mù tối vì dục vọng và những lôi cuốn thế tục, đồng thời không để cho đôi tai tâm hồn đóng lại trước những lời răn dạy khôn ngoan, nhờ đó, chúng con có thể tự cứu mình khỏi nanh vuốt huỷ diệt của tà thần. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————

 

Tỉnh Thức
CN I MV – B – (Mc 13, 33 – 37)

Thiên Chúa nhân từ đến thăm ta

Không chiêng kèn trống, lẫn phèng la

Âm thầm, khiêm tốn như hành khất

Lặng lẽ, đơn sơ cách chủ nhà

Tỉnh thức, định phân hầu diện kiến

Ngủ mê, bạc nhược chẳng nhìn ra

Quên mình phục vụ tha nhân tính

Dung mạo Tình Yêu tỏa sáng lòa.

Hạt Nắng

—————————————-

 

Khát Vọng
CN I MV – B – (MC 13, 33, 37)

Cuộc đời con đong đầy khát vọng,
khát nhà cao cửa rộng bằng người.
Khát đời sống được sáng tươi,
quyền uy danh vọng cho đời lên hương.

Ôm khát vọng tìm đường lách lối,
chỉ thấy toàn giả dối phù du.
Lý trí bao phủ mây mù,
nhân cách đạo đức bỏ tù lương tâm.

Mùa Vọng về thì thầm tiếng Chúa,
nhắc nhở con tu sửa tâm hồn.
Nguyện cầu xin Chúa thêm ơn.
tỉnh thức chiến đấu chẳng sờn gian nan.

Quyết từ giã nẻo đàng bất chính,
đường lối Chúa minh định hướng đi.
Công bằng chân lý duy trì,
tha nhân đồng loại thực thi nghĩa tình.

Nhận ra Chúa giáng sinh nhập thế,
giữa cuộc đời dâu bể khổ đau.
Nơi người cùng khổ âu sầu,
dung mạo Thiên Chúa nhiệm mầu viếng thăm.

Khao khát Chúa ngự trong tâm …

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————

 

Tỉnh Thức
CN I MV – B – (Mc 13, 33, 37)

Trong bóng đêm con khát khao, một vì sao,
trong tối tăm con ngước trông, ánh mặt trời hồng.
Nơi hố sâu bao thú vui, ru hồn con say ngủ,
cơn lãng du trong xót xa, chợt nghe tiếng Chúa vang xa.

Con lắng nghe trong gió êm, lời âu yếm,
hãy bước ra trong xót xa, giấc ngủ miệt mài.
Ơn thánh ân, ơn Chúa ban cho con nguồn ánh sáng,
ơn xót thương bao vấn vương, lay con tỉnh giấc miên trường.

Tỉnh thức con nhận ra,
Chúa đến bên con bất chợt bên đường.
Tỉnh thức con nhận ra,
Chúa đến bên con nơi người nghèo khổ.
Tỉnh thức con nhận ra,
Chúa đến trần gian mở đường cứu độ.
Tỉnh thức con nhận ra,
Dung mạo Tình Yêu nhân ái huyền siêu.

Con bước đi trong nắng mai, tình nhân ái,
con bước vui trong gió reo, chia sẻ phận nghèo.
Trong khát khao con ước mong, công bình xây cuộc sống,
nơi thẳm sâu mỗi trái tim, tình yêu Thiên Chúa đong đầy.

M. Madalena Hoa Ngâu

————————————–

 

Bóng Đêm Và Ánh Sáng
CN I MV – B – (Mc 13, 33 – 37)

Bóng đêm cuộc đời đưa con vào lạc thú,
quấn chặt hồn con trong tấm lưới vô hình.
Phú quí bạc tiền che mờ con mắt tâm linh ,
danh vọng, quyền uy,
là hố sâu giam kiếp sống ngục tù.

Chúa vẫn lặng thầm theo con từng ngày tháng,
nhắc nhở hồn con mau tỉnh thức quay về.
Tội lỗi đoạn tuyệt giã từ kiếp sống u mê,
giấc mộng phù du,
theo lá bay chết trong gió chiều thu.

Tỉnh thức, đợi chờ nhận ra Chúa đến bên con,
dáng người héo hon, xanh xao bên đường khốn khổ.
Tỉnh thức, đợi chờ nhận ra ánh sáng Kitô,
dung mạo tình yêu đến bên con trong kiếp đơn nghèo.

Bóng đêm lùi dần đưa con vào nguồn sáng,
trách nhiệm Ngài trao siêng năng giữ trung thành.
Gian khó chẳng sờn vào đời yêu mến tha nhân,
phục vụ, hy sinh
ơn Chúa ban con biết sống quên mình.

Nắng Sài Gòn

——————————————

 

Đánh Thức
CN I MV.B – (Mc 13,33-37)

Chúa đánh thức con những tháng ngày mê ngủ,
đam mê bạc tiền, mê danh vọng, quyền uy.
Chỉ cơn gió thoảng qua, con còn lại được gì,
ngày Chúa đến,
con tỉnh thức, hay vẫn ngủ vùi trong tội lỗi?

Tính tự mãn con ngại ngùng đổi mới,
ngại dấn thân con quen thói ù lì.
Tự cho mình đã giữ đủ lễ nghi,
như người biệt phái, thượng tế, kinh sư,
đã không nhận ra ngày Chúa đến.

Ngày Chúa đến khắp trần hoàn cung tiến,
chỉ những tâm hồn bé nhỏ sống khiêm cung,
mới lắng nghe được tiếng nhạc oai hùng.
Cùng tiếng hát của vô vàn Thiên Sứ,
cất vang lời tôn vinh Thiên Chúa.

Như mục đồng đơn sơ hồn vui mừng chan chứa,
nhận ra Chúa Hài Nhi nơi máng cỏ nghèo hèn.
Như bao cõi lòng mong vượt thoát đêm đen,
của người thu thuế, của cô gái điếm,
lòng khắc khoải mong tìm về nẻo chính.

Chúa đánh thức con hồn bàng hoàng thức tỉnh,
mau nhập cuộc với Ngài bằng hành động yêu thương.
Bác ái với tha nhân theo ánh sáng dẫn đường,
sống tỉnh thức, đợi chờ ngày Chúa đến.

AP. Mặc Trầm Cung