SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 875, CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN – A, KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, 19/11/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9, 23-26)

Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Đó là lời Chúa.

Chúa Nhật XXXIII TN.A

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 25, 14-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.
“Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.
“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: ‘Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác’. Ông chủ bảo người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi’. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: ‘Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác’. Ông chủ bảo người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi’.
“Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: ‘Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Đây của ông, xin trả lại cho ông’. Ông chủ trả lời người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng'”.

Đó là lời Chúa.

.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Chứng Nhân Tình Yêu & Con Đường Hạt Lúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Gặp Gỡ Ông Chủ Hà Khắc Hay Từ Nhân? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 7
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 9
Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 10
THƠ TIN MỪNG
Nén Bạc Hông Ân Hạt Nắng Trg 11
Nén Bạc Hông Ân Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Nén Bạc Hông Ân M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Nén Bạc Hông Ân Nắng Sài Gòn Trg 14
Nén Bạc Ân Tình & Dũng Khí Hùng Anh A.P Mặc Trầm Cung Trg 15

———————————-

 

Chứng Nhân Tình Yêu

Thánh lễ hôm nay đỏ một mầu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt nam.

Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí. Máu dường như toả hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.

Tình yêu Thiên Chúa.
Các thánh tử đạo Việt nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó.

Tình yêu của các ngài là tình yêu hi sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ Đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa.

Tình yêu của các ngài là tình yêu chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao lô: Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8:35-39).

Tình yêu của các ngài là tình yêu cao quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15:13).

Tình yêu cuộc sống.
Các ngài là những người yêu mến cuộc sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý tưởng, như tình yêu, lòng trung tín. Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất. Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hi sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và xây dựng.

Tình yêu nhân loại.
Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê Văn Phụng hoặc thánh nữ Lê Thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê Văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất là không có vị nào thù ghét các lý hình.

Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen).

Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hi vọng được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt nam làm chứng cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì đạo.

Lạy các thánh tử đạo Việt nam, xin chúc lành cho quê hương và Giáo hội Việt nam. Amen

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

—————————————

 

Con Đường Hạt Lúa

Khi đến Rôma, tôi thích đi viếng những hang toại đạo. Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma. Những hang hầm dài nhiều cây số. Không phải chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất. Không khí trong hang thật lạnh lẽo. Hơi lạnh từ lòng đất toát ra cộng với hơi lạnh từ những nấm mồ càng làm cho khu hầm mộ trở nên lạnh lẽo đáng sợ. Người sống phải đấu tranh với cái chết. Sự chết luôn đe doạ rình rập cướp lấy mạng sống con người. Tại nơi đây, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong 3 thế kỷ. Có lẽ thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng đã từng đi lại sinh hoạt trong những hang này. Người tín hữu sơ khai đã phải sống trong những điều kiện như thế để bảo vệ đức tin của mình.

Nhưng thật kỳ diệu. Các vua chúa của đế quốc Rôma hùng mạnh đã tìm cách tiêu diệt một nhóm người nghèo khổ yếu ớt không một tấc sắt tự vệ. Không phải chỉ bắt bớ trong một chiến dịch ngắn hạn mà là một chủ trương kéo dài suốt 300 năm. Vậy mà các vua chúa qua đi rồi, nhóm người nghèo khổ yếu ớt đó không những chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đi dưới lòng hang toại đạo tôi mới thấm thía ý nghĩa của lời Chúa nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Hạt giống Giáo Hội đã bị chôn chặt dưới 3, 4 tầng đất. Hạt giống đức tin đã bị vùi sâu đến 300 năm. Tất cả các thánh Tông đồ, các tín hữu sơ khai đã bị mục nát. Và các ngài đã làm trổ sinh cả một mùa gặt dồi dào phong phú. Cả châu Âu đã tin theo Chúa.

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, ta cũng thấy có sự tương tự. Khi đạo Chúa mới được truyền vào Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến bắt bớ. Cuộc bắt bớ kéo dài khoảng 300 năm. Đủ mọi hình thức để tiêu diệt đạo. Nào là cấm cách bắt bớ. Nào là đe doạ bạc đãi. Nào là xua đuổi ra khỏi những vùng trù phú phồn vinh. Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ, anh chị em trong một gia đình bắt đi sống riêng rẽ trong các gia đình ngoại đạo. Nào là lấy thép nung đỏ khắc chữ “tả đạo” trên má ngưới có đạo. Và nhất là lên án tử hình những người có đạo. Người tín hữu trung thành với đức tin phải trốn chạy chết trên rừng thiêng nước độc. Nếu bị bắt có thể bị chết trong tù. Nếu không cũng bị xử án tử hình. Có đấng bị chém đầu. Có đấng bị trói chân tay vào chân ngựa. Bốn con ngựa kéo về bốn góc xé nát xác vị tử đạo. Có đấng bị kết án cho voi dày. Thê thảm nhất có lẽ là án bá đao. Cứ sau một hồi chiêng trống, đao phủ xẻo một miếng thịt cho đến khi chết.

Dù các vua chúa đã dùng đủ mọi cách tiêu diệt nhóm người bé nhỏ yếu ớt trong 300 năm. Trong 3 thế kỷ đó có khoảng 100 ngàn người chịu chết vì đạo. Nhưng số người tin Chúa ngày càng gia tăng. Từ một nhóm nhỏ người bị bắt bớ, nay số tín hữu tại Việt Nam đã hơn 6 triệu người. Hạt giống đức tin gieo trồng vào quê hương Việt Nam đã bị vùi sâu, đã bị mục nát, và nay đã trổ sinh một mùa gặt phong phú. Một lần nữa chúng ta lại xác tín lời Chúa dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Nhìn lại lịch sử, ta càng thêm tin tưởng vào Lời Chúa. Nếu đang gặp khó khăn trong đời sống đạo, ta hãy an tâm. Như Đức Giêsu đã chịu gian nan khốn khó, phải chịu bắt bớ, nhục mạ, phải chịu chết tủi hổ trên Thánh giá, các môn đệ con cái Chúa không thể đi con đường nào khác ngoài con đường Thánh giá. Như các bậc tiền nhân xưa đã chịu vất vả khổ cực để xây dựng một Giáo Hội vững mạnh như ngày nay, ta tin tưởng những gian nan khốn khó của ta rồi cũng sẽ trôi qua. Nếu ta biết chịu đựng những đau đớn, khó khăn, vất vả vì Chúa. Nếu ta vẫn trung thành với Chúa, với đức tin qua mọi gian nan thử thách, chắc chắn Chúa sẽ ban cho ta một mùa gặt bọi thu, kết quả phong phú ngoài sức tưởng tượng của ta.

Lạy Các Thánh Tử đạo Việt Nam, xin dạy con noi gương bắt chước các ngài, luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1. Khi mới khai sinh Giáo Hội đã bị bách hại trong 3 thế kỷ. Nhưng Giáo Hội vẫn phát triển. Điều này dạy ta điều gì?
2. Hãy tóm tắt 3 thế kỷ đầu của Giáo Hội Việt Nam.
3. Muốn đạo Chúa phát triển ta phải làm gì?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

—————————————

 

Gặp Gỡ Ông Chủ Hà Khắc Hay Từ Nhân?

Rõ ràng chủ đề của cả ba dụ ngôn Mát-thêu kể trong chương 25 đều liên quan tới thời cánh chung khi mỗi người chúng ta phải giáp mặt với ‘Con Người đến trong vinh quang của Người’ (Mt 25:31). Thế nhưng nếu Con Người đó vẫn luôn mãi là Thiên Chúa của tình yêu và cứu độ, kể cả (hay đúng hơn nhất là) khi Người đến trong vinh quang của Người, và nếu thời cánh chung là cao điểm của Tin Mừng đầy vui mừng và hy vọng chứ không phải là cao điểm của sợ hãi âu lo, thì việc tôi phải khám phá ra ý nghĩa đích thực của ba câu chuyện dụ ngôn này, nhất là dụ ngôn những yến bạc, là điều cần thiết; nhất là khi Hội Thánh, trong các tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, đang muốn gởi tới tôi một thông điệp có tầm quan trọng lớn lao cho toàn thể đời sống Tin Mừng của tôi.

Câu chuyện những yến bạc gợi ta nhớ tới đoạn Tin Mừng Luca Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến nhiều (xem Lc 7:36-50), trong đó Đức Giêsu khảng định với một người Pharisêu có tên là Simon mời ngài dùng bữa tại nhà ông: “Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều… Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”.

Trước hết số yến bạc có là năm, hai, hay một (NB: dụ ngôn này trong Luca có chi tiết hơi khác, đó là mỗi đầy tớ nhận được một nén bạc như nhau, nhưng sau đó đã làm sinh lời khác nhau, xem Lc 19:11-27) mà các đầy tớ nhận được đều là của cải ông chủ giao phó cho cả. Vậy thì, của cải đích thực Thiên Chúa tình yêu và cứu độ giao phó cho tôi là gì? Đấng Tạo Hóa đương nhiên là giao cho tôi sự sống, trí tuệ, năng khiếu… và nhiều điều khác nữa; thế nhưng Kitô hữu chúng ta còn biết: Thiên Chúa cứu độ trao ban cho chúng ta một thứ còn quí báu và vĩ đại hơn nhiều đó là tình yêu tha thứ, và nén bạc này thì mọi người ai cũng nhận được hết. Chính Đức Giêsu Kitô đã dùng cả cuộc đời Người để minh chứng điều này: kho báu quý giá nhất mà Kitô hữu tìm thấy chính là ‘ơn cứu độ’ Chúa ban. Mỗi Kitô hữu chúng ta đều tự biết mình đã nhận được số yến bạc tha thứ của Ông Chủ là bao nhiêu; từ ngày rửa tội và trong suốt năm tháng cuộc đời, kẻ năm, người hai… tùy theo nhận định riêng. Tuy nhiên vẫn có những kẻ cho rằng mình chỉ nhận được có một ít ỏi. Trong câu chuyện dụ ngôn, hai người trước biết mình nhận được một số yến bạc nào đó, đã làm sinh lợi ra nhiều yến bạc khác; “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm (hai) yến, tôi đã gây lời được năm (hai) yến khác đây”, còn người thứ ba, vì cho rằng mình nhận được quá ít nên đào lỗ chôn giấu. Đúng là “người được tha nhiều thì yêu nhiều hơn, còn ai được tha ít (đúng hơn cho là mình được tha ít) thì yêu mến ít” (Lc 7:43.47).

Thái độ và lời hỗn xược của người thứ ba này càng làm ta phải suy nghĩ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi… Vì thế tôi đâm sợ…” Đúng là nếu có kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa thương xót cứu độ thứ tha, thì cũng có không ít người suy nghĩ ngược lại, họ cho rằng Thiên Chúa quá đòi hỏi và nghiêm khắc. Rất có thể người tội lỗi hơn lại dễ nhận ra mình được tha nhiều và do đó yêu nhiều, trong khi lắm kẻ đạo đức thánh thiện hơn lại cho rằng mình được tha ít (hay đúng hơn ít cần được tha) nên yêu mến ít hơn, và đôi khi còn sống trong sợ hãi. Đức Giêsu đã lặp đi lặp lại ý kiến này nhiều lần tới độ một số kinh sư và các Biệt Phái cảm thấy bực tức khó chịu, phải chăng chỉ vì họ cảm thấy mình đã quá tốt qua việc trung thành giữ đạo để mà không cần gì tới lòng nhân lành tha thứ của Thiên Chúa (xem Ga 9).

Như thế tới ngày chung thẩm, khi ra trước Con Người của tình yêu và cứu độ, điều quan trọng hơn cả sẽ là: tôi nhận ra mình đã được Ông Chủ tha thứ bao nhiêu, để rồi tôi yêu lại bấy nhiêu. Lúc đó lời phán quyết của Ông Chủ sẽ là “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”. Sẽ không có khác biệt giữa năm hay hai, quan trọng là đã nhận ra mình được tha nhiều để đáng vào hưởng tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Cũng vậy, vào ngày đó điều bất hạnh lớn nhất chính là cảm thấy mình được tha quá ít; và vì nhận thức hẹp hòi này mà tôi vẫn coi Con Người quang lâm chỉ là một ông chủ đòi hỏi và keo kiệt, một thẩm phán công thẳng và xét nét. Thái độ của đầy tớ ra trước mặt Ông Chủ sẽ chỉ vỏn vẹn là mình đã giữ luật sòng phẳng, đã trong sạch và không phạm tội… “đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” để rồi phải nghe phán quyết nghiêm thẳng của Con Người quang lâm: hãy rút lại lòng thương xót đã trao, và sử với nó theo đúng luật công bằng: “hãy lấy yến bạc khỏi tay nó… quang ra chỗ tối tăm bên ngoài”, đời đời sẽ “khóc lóc nghiến răng’, vì sẽ không còn tha thứ và cứu độ nữa đối với hạng người như thế.

Kitô hữu sẽ là những người ngày cánh chung “đứng thẳng và ngẩng đầu lên!” (Lc 21:28), không phải vì họ đã thánh thiện và đạo đức hơn nhiều người khác, hoặc vì thấy chẳng có chi phải sợ Ông Chủ vì mình đâu có phạm tội lỗi gì quá đáng, nhưng chỉ vì “anh em sắp được cứu chuộc”. Họ vui mừng và hy vọng vì đã từng nghiệm thấy trong suốt đời Kitô hữu của mình lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Tội lỗi đã từng phạm không hề làm họ sợ hãi, vì hơn lúc nào hết, họ biết mình đã được tha nhiều nên yêu nhiều, và họ yên lòng ‘ngẩng đầu’ tiến đến trước mặt ‘Ngài Quan Án’ từ nhân, giầu lòng thương xót, và hay thứ tha.

Lạy Thiên Chúa của lòng nhân ái, con đã từng hãi sợ cái chết và sự phán xét chỉ vì cứ tối mặt nhìn vào tội lỗi con đã phạm. Con biết thái độ đó đối với Tin Mừng là cả một sai lầm lớn lắm! Xin cho con biết luôn ‘đứng thẳng và ngẩng đầu lên’ với niềm xác tín: con đã từng được tha thứ rất nhiều trong đời, và vì thế không có gì phải sợ hãi giáp mặt Đấng con sẽ yêu nhiều hơn. Trong những ngày cuối năm phung vụ này, xin cho niềm hy vọng và mừng vui tràn ngập tâm hồn con cũng như mọi anh chị em tín hữu, vì chúng con đã nếm cảm được tình Chúa xót thương. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

———————————–

 

Bao Nhiêu Người Từng Chối Chúa?

Hôm nay chúng ta mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài dám đối diện với cực hình, bị tù đầy, tra tấn, đòn roi và kể cả cái chết vẫn một lòng tin yêu Chúa đến cùng.
Con số tín hữu Việt Nam chết vì Đạo ước tính: dưới thời các Chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; nhưng dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại. Trong số này đã được tôn phong lên bậc hiển thánh là 117 vị Tử Đạo Việt Nam.
Tạ ơn Chúa nhờ biết bao chứng nhân anh dũng nơi các Thánh Tử Đạo mà Giáo Hội Việt Nam phát triển không ngừng, đúng như lời của giáo phụ Tertuliano đã nói: “Máu các vị tử đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”.
Tạ ơn Chúa về một truyền thống đức tin anh dũng sắt son để rồi chúng ta cũng duy trì và phát huy tinh thần ấy để truyền lại cho thế hệ mai sau một kho tàng đức tin sâu xa với những chứng tá sống động qua mọi thời kỳ.
Ngày nay không còn những sắc lệnh ngăn cấm sinh hoạt tôn giáo hay bắt giam cầm những người tin vào Chúa. Thế nhưng, ma quỷ lại dùng những thú vui trần gian để cám dỗ người tin theo Chúa bỏ đạo để được bổng lộc trần gian.
Nhìn vào những tín hữu đã và đang bỏ đạo ta thấy ma quỷ đã thành công khi không dùng chiêu thức làm đổ máu mà dùng chiêu thức ban bổng lộc để từng bước xa lìa Chúa, xa lìa Giáo Hội.
Những nguyên nhân chối Chúa, bỏ đạo mà ta thấy trong xã hội xưa và nay như:
– Vật chất và địa vị: nhiều người đã bị cám dỗ bỏ đạo khi họ đặt tiền bạc và địa vị lên hàng đầu để từng bước lạc xa Chúa.
– Thú vui và giải trí: nhiều người có thể dễ dàng dành nhiều thời gian cho những hoạt động giải trí như truyền hình, mạng xã hội, game thay vì dành thời gian cho cầu nguyện và thờ phượng dần dần họ không còn giờ cho Chúa.
Giáo Hội không thống kê số người đã từng bỏ đạo thời bị bách hại, nhưng có lẽ con số ấy sẽ gấp nhiều lần so với người dám chết vì đạo. Và hôm nay, chúng ta cũng không thể thống kê có bao nhiêu người đã bỏ Chúa để chạy theo địa vị, tiền bạc , thú vui trần thế mà chối Chúa, mà rời xa Giáo Hội là bao nhiêu? Nhưng cách sống đạo hời hợt, chỉ mang danh Công Giáo nhưng không sống theo lề luật của Chúa, hay đã xa rời Giáo Hội bởi danh lợi thú trần gian.
Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay là lời nhắc nhở chúng ta đang còn mắc nợ các ngài về đức tin. Các ngài đã dùng cả tính mạng mình để gìn giữ gia sản đức tin ấy mà truyền lại cho con cháu. Các ngài đã chịu trăm bề khổ đau để nêu gương chứng nhân can trường cho muôn thế hệ. Và hôm nay, di sản đức tin ấy chúng ta có dám bảo vệ bằng tinh thần anh dũng dám từ chối bổng lộc trần gian để sống trung thành với lề luật của Chúa hay không?

Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam giúp chúng ta là con cháu biết kế thừa tinh thần can trường của cha ông để sống và làm chứng cho xã hội hôm nay. Xin đừng vì ích kỷ, lợi lộc bản thân mà rời xa Chúa, rời xa Giáo Hội nhưng luôn chọn Chúa làm gia nghiệp hơn là những danh lợi thú mau qua. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————-

Cuộc Bách Hại Hôm Nay

Từ năm 1580 và đến 1888, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã trải qua chặng đường lịch sử đau thương: Có hàng trăm tín hữu Công giáo đã bị nhà cầm quyền bách hại dưới nhiều hình thức và có hơn 100.000 người đã chịu chết vì đạo, trong số đó có 117 vị được Giáo hội chính thức tuyên thánh.
Hôm nay, dù không bị nhà cầm quyền bắt bớ, tống ngục hoặc xử tử ngoài pháp trường vì theo đạo thánh Chúa như các tín hữu ngày xưa, nhưng lại có những “thế lực vô hình” tiềm ẩn trong thâm tâm mỗi người xui khiến, thúc đẩy chúng ta bỏ Chúa, bỏ đạo cách âm thầm, lúc nào không hay biết.
Trước hết, cần nhớ rằng đạo Chúa là đạo yêu thương.
Đạo Chúa là đạo yêu thương vì yêu thương là cốt lõi của đạo Chúa.
Đạo Chúa là đạo yêu thương vì yêu thương là điều luật quan trọng nhất, là trung tâm của mọi lề luật, như Thánh Phaolô dạy: “Ai yêu thương là chu toàn mọi điều luật dạy” (Rm 13,9-10).
Đạo Chúa là đạo yêu thương vì mục tiêu hàng đầu của đạo Chúa là xây dựng thế giới nầy trở thành thế giới yêu thương, huynh đệ, sống đùm bọc nhau như anh chị em một nhà.
Và hơn hết, đạo Chúa là đạo yêu thương vì chỉ có ai có lòng yêu thương mới là môn đệ thật của Chúa, như lời Chúa Giêsu dạy: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Như chúng ta vừa đề cập trên đây, hiện nay có những “thế lực” mạnh mẽ lôi kéo, xô đẩy chúng ta từ bỏ đạo yêu thương. Vậy đó là những quyền lực nào?
Đó là những sức mạnh nằm ngay trong lòng ta, chi phối tâm hồn và cuộc sống của ta, hằng thôi thúc ta bỏ đạo yêu thương: Chủ yếu là hai thói xấu sau đây:

Thứ nhất là lòng ghen ghét, hận thù.
Khi ta để cho lòng giận ghét oán thù nung nấu trong lòng ta, xui khiến mình xúc phạm người khác, chà đạp danh dự, nhân phẩm của người khác… là ta chối bỏ đạo yêu thương.
Thứ hai là tính vô cảm vô tâm.
Người vô cảm chỉ mưu cầu lợi ích cho bản thân mình, không quan tâm giúp đỡ người khác, không có lòng thương xót ai… Thế là họ đã từ bỏ điều cốt lõi của đạo yêu thương và không còn là môn đệ Chúa nữa.
Ngoài ra, còn rất nhiều “quyền lực” khác, tuy vô hình, nhưng có sức mạnh lớn lao, đã hoặc đang xâm chiếm tâm hồn ta, làm chủ cuộc sống ta, luôn tìm cách lôi kéo, xô đẩy ta ra khỏi đạo yêu thương.
Đây là những cơn bách hại lâu dài và sẽ còn tiếp tục kéo dài suốt cả cuộc đời, nếu ta không chiến đấu chống lại chúng, chúng ta phải thua trận và trở thành người bỏ đạo lúc nào không hay.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
Các ngài thà chết chứ không từ bỏ đạo yêu thương. Xin cầu bầu cho chúng con trong cuộc sống hôm nay, can đảm chấp nhận thua thiệt và đau khổ chứ không để cho hận thù ghen ghét, vô cảm… lôi kéo, xô đẩy chúng con từ bỏ đạo yêu thương của Chúa. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————-

Nén Bạc Hồng Ân
CN XXXIII – TNA – (Mt 25, 14 – 30)

Hiện diện giữa đời bao thánh ân

Ơn thiêng phước lộc đổ muôn phần

Thông minh, năng khiếu tình dâng hiến

Trí tuệ, tài năng sống dấn thân

Hãnh diện, tự hào phình bản ngã

Khiêm nhu, giản dị phúc tăng dần

Vui đời phục vụ tha nhân quí

Nén bạc hồng ân chính nghĩa nhân.

Hạt Nắng

—————————————

 

Nén Bạc Hồng Ân
CN XXXIII – TNA – (Mt 25, 14 – 30)

Sinh ra đời trong tình yêu Chúa,
Ngài ban cho chan chứa hồng ân.
Nén bạc trao tặng ân cần,
mong con sinh lợi chung phần phúc vinh.

Được giáo dục, thông minh trí tuệ,
chút tài năng, ân huệ rộng ban .
Bao điều thuận lợi bản thân,
để con phục vụ tha nhân sinh lời.

Gánh trách nhiệm giữa đời phục vụ,
biết sẻ chia phong phú tình yêu.
Nén bạc Chúa gởi cho nhiều,
sinh lợi quá ít là điều bất trung.

Cảm tạ Chúa bao dung, nhân ái,
dạy con biết quảng đại, yêu thương.
Tình yêu Chúa đã nêu gương,
như hạt lúa miến khiêm nhường trổ sinh.
***
Những nén bạc phát sinh lời lãi,
là hương thơm hoa trái dâng Cha.
Phận tôi trung sống thật thà,
chung hưởng hạnh phúc với Cha muôn đời.

Nén bạc Cha tặng muôn người …

Bâng Khuâng Chiều Tím

———————————

 

Nén Bạc Hồng Ân
CN XXXIII – TNA – (Mt 25, 14 – 30)

Ân tình Cha mến thương, ban cho muôn ơn lành,
ngày con nên hình hài, hoài thai lòng thân mẫu.
Nén bạc Cha mến trao, niềm tin yêu chân thành,
tình yêu bước lâm hành, đổ tràn muôn ơn thánh.

Con giật mình, xuyến xao, khi màn đêm buông dần,
ngày Cha gọi con về, tính sổ tình nhân thế.
Nén bạc Cha đã trao, nằm im bám bụi trần,
chơ vơ bên vệ đường hay chìm sâu trong thú đau thương?

Nén bạc hồng ân, Cha trao con vào đời,
đắp xây tình người, điểm tô trời đất mới.
Lạc bước u mê, say sưa quên lời thề,
nén bạc không sinh lời, đau xót hồn chơi vơi.

Cha ơi! Tình Cha đầy xót thương,
khoan dung, cho một đời lầm lỡ.
Cha ơi! Hồn con sầu vấn vương,
con quỳ đây, mong tình Cha đoái thương,
đi tìm lại nén bạc xưa, con quyết chí sinh lời.

Ân tình Cha mến thương, con nay quay trở về,
Trung trinh trọn lời thề, dựng xây tình nhân thế
Nén bạc Cha mến trao, giờ đây đã sinh lời
Điểm tô cho đất trời, cho tình người thắp sáng muôn nơi.

M. Madalena Hoa Ngâu

———————————————

 

Nén Bạc Hồng Ân
CN XXXIII – TNA – (Mt 25, 14 – 30)

Nén bạc Cha trao cho con khi mới chào đời,
bản thiện Cha gieo, ơn thiêng, ban nguồn sống mới.
Trí tuệ, tài năng, thông minh,
đất trời nở hoa tươi xinh,
đưa con vào đời, một niềm tin phơi phới.

Gió bụi trần gian, con say, lạc chốn giang hồ,
nén bạc hồng ân, Cha trao, chôn vùi xuống lỗ.
Nắng tàn, mây đen, mưa giông,
nát đời phù dung bên sông,
sắc hương lụi tàn, đắng đót một vần thơ.

Cha ơi! Lòng Cha thương xót vô bờ, rất nhân từ,
đời con bao lần chơi vơi, chôn nén bạc, thói đời thực hư.
Tình lượng thứ, lòng Cha thương xót nhân từ, mến yêu nhiều,
nén bạc đào lên, quyết sinh lời, dâng kính Cha.

Nén bạc hồng ân, Cha trao, con quyết sinh lời,
phục vụ tha nhân, yêu thương, vui nguồn sống mới.
Bước đường chông gai, hy sinh,
dẫu ngàn hiểm nguy, trung trinh,
khúc hát ân tình, nối kết lại vần thơ.

Nắng Sài Gòn

—————————————–

 

Nén Bạc Ân Tình
CN XXXIII TN.A – (Mt 25, 14 – 30)

Giữa thời đại ngập đầy bao bất công,
Áp bức, khổ đau cứ mãi chất chồng.
Đòi hỏi con loan truyền Tình Yêu Chúa,
Thiên Chúa nhân hiền,
Làm no thỏa mọi khát mong.

Căng thẳng, hãi hùng, niềm ước vọng tàn phai,
Tăm tối trần gian,
Ôi, kiếp sống đọa đày.
Bạo lực, cuồng ngông, hận thù gây chống đối,
phúc âm hóa giữa đời nguồn hy vọng tương lai.

Nén bạc ân tình, tin tưởng Cha thương trao,
ân sủng trời cao, Cha ban tặng dồi dào.
Can đảm, nghị lực, thông minh cùng tài trí,
nghĩa vụ sinh lời hầu nguồn vốn tăng cao.

Sứ điệp Tin Mừng sống động giữa trần gian,
nén bạc đức tin ươm gieo khắp đại ngàn.
Hoa trái trổ sinh dạt dào nguồn ơn thánh,
can đảm lên đường, “Thầy đã thắng trần gian”

Chọn mặt gởi vàng, gởi cả mối tình Cha,
cần mẫn, siêng năng, dẫu Cha có vắng nhà.
Tỉnh thức, tín trung, mến yêu tình con thảo,
nhạc khúc ngày về rộn rã tiếng hoan ca.

AP. Mặc Trầm Cung

 

Dũng Khí Hùng Anh
Mừng kính lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Máu đào tô thắm khắp non sông,
dũng khí hùng anh máu lạc hồng.
Sống động đức tin làm nhân chứng,
bách hại tù đày vững cậy trông.

Quyết không thỏa hiệp để an thân,
niềm tin sắt đá vững tinh thần.
Dỗ lời ngon ngọt không nao núng,
đày đọa cực hình chẳng phân vân.

Anh dũng kiên cường chết vì yêu,
tay mang xiềng xích dáng tiêu điều.
Pháp trường mạnh bước nguồn hoan lạc,
theo dấu chân Người, ơn huyền siêu.

Sức mạnh bởi trời, ơn siêu nhiên,
hạt lúa ươm gieo đất tinh tuyền.
Chấp nhận nát tan tình dâng hiến,
nảy mầm bừng sáng tỏa ơn thiêng.

Cảm tạ hồng ân Chúa thương ban,
dũng khí cha ông trước bạo tàn.
Hội thánh Việt Nam xây bằng máu,
Anh Hùng Tử Đạo chí hiên ngang.

A.P Mặc Trầm Cung