SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 867, CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – A, 24/09/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 20, 1-16a)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.
Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.
Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Lý Lẽ Của Trái Tim ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Công Bằng Của Lòng Từ Nhân Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Vui Với Người Vui Trong Tinh Thần Kitô Giáo Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Bằng Lòng Với Khả Năng Chúa Ban Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Luật Trái Tim Hạt Nắng Trg 9
Thợ Vườn Nho Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Con Đi Làm Vườn Nho M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Đừng Ghen A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

 

——————————————–

 

Lý Lẽ Của Trái Tim

Khi nghe dụ ngôn này có nhiều người thắc mắc: Chúa có công bằng không khi ban thưởng cho người làm ít cũng bằng người làm nhiều? Hỏi như thế là chưa hiểu rằng đây chỉ là một dụ ngôn. Dụ ngôn không phải là một chuyện có thật. Nhưng chỉ là một câu chuyện dùng làm hình ảnh để giải nghĩa giáo lý của Chúa. Trong dụ ngôn, Chúa không có ý dạy về những kiến thức trần gian, nhưng muốn nói về những chân lý Nước Trời. Những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua dụ ngôn ‘Người thợ làm vườn nho giờ thứ mười một’ này là:

1) Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được ơn cứu độ.
Vườn nho tượng trưng cho Nước Chúa. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Người được thuê là người được mời gọi vào Nước Chúa. Tiền lương là sự sống trong Nước Chúa. Hình ảnh ông chủ ngày ngày ra chợ tìm thuê thợ là hình ảnh của Chúa yêu thương. Không phải ta đi tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm ta. Không phải tìm một lần mà tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ khác. Nếu những người được thuê vào buổi sáng sớm tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn người, thì những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả năng, bị thiệt thòi trong xã hội. Việc Chúa thuê hết mọi người từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ người sang đến kẻ hèn, từ người tài giỏi đến những người kém cỏi, từ người khỏe mạnh đến người yếu kém, tất cả nói lên lòng yêu thương của Chúa. Chúa muốn mời gọi hết mọi người, mong muốn hết mọi người được ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.

2) Hạnh phúc Nước Trời là ân huệ Chúa ban.
Nếu Chúa không kêu gọi thì không ai có thể được vào vườn nho của Chúa, được vào Nước Chúa. Nếu Chúa không ban hạnh phúc Nước Trời thì chẳng ai có thể tự mình chiếm lấy được. Việc Chúa ban thưởng cho những người được thuê mướn cuối cùng trước những người được thuê mướn đầu tiên làm nổi bật chân lý này: Nước Trời là ân huệ Chúa ban. Ân huệ phát xuất từ tình thương của Chúa chứ không do công đức của ta. Vì thế chẳng ai có quyền đòi hỏi. Hơn nữa, ơn Chúa ban vượt quá sức, quá lòng mong ước của ta. Hiểu biết điều này, ta sẽ không ngừng tạ ơn Chúa.

3) Chúa yêu thương và mong ta biết yêu thương như Chúa.
Những người thợ làm từ sáng sớm không có gì để kêu trách Chúa về tiền lương, vì đã được thỏa thuận từ trước. Họ chỉ kêu trách vì thấy người làm ít cũng được như mình. Họ kêu trách lòng nhân từ của Chúa. Đó là điều vô lý. Và Chúa đã nêu rõ điểm vô lý đó: Tại sao kêu trách vì tôi tốt bụng? Phần mình đã được rồi, tại sao không vui mừng vì những anh em kém cỏi, kém may mắn cũng được ân huệ vào phút chót. Qua điều này Chúa muốn dạy ta hãy biết yêu thương những người kém cỏi, bé nhỏ, nghèo hèn. Một xã hội muốn tốt đẹp phải biết giúp đỡ những người bé nhỏ. Một xã hội chỉ thực sự văn minh khi biết quan tâm tới những người kém may mắn. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình ta sẽ thấy cuộc đời chỉ toàn bất công. Nếu biết nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy cuộc đời thật đẹp đẽ vì chan chứa tình người.

Qua dụ ngôn này ta thấy tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người. Cách cư xử của Nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Không tìm lợi lộc cho bản thân nhưng lo tìm hạnh phúc cho người khác. Không trọng sang khinh hèn, nhưng để ý yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim, một con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người. Chúa mong con cái Chúa cũng hãy có tư tưởng của Chúa, cư xử như Chúa và yêu thương như Chúa. Như thế mới có thể làm cho Nước Chúa mau lan rộng.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu được đường lối Chúa và cho con luôn đi trong đường lối của Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Công bình tuyệt đối có làm cho con người hạnh phúc không, hay là còn cần tới bác ái nữa?
2. Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy tôi điều gì?
3. Nếu bạn là người tàn tật, yếu ớt, thất bại, bạn mong chờ điều gì nơi xã hội: công bình hay bác ái?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————————

 

Công Bằng Của Lòng Từ Nhân

“Mấy người sau chót chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”, câu chuyện dụ ngôn về tiền công trả cho các người làm vườn nho, nói gì thì nói, vẫn khó nuốt trôi nhất là khi ta tự đặt mình vào tư thế các lao động nhóm một, những người đã làm lụng vất vả ròng rã suốt 12 tiếng đồng hồ. Lời ông chủ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn…” xét về mặt pháp lý thì không ai cãi được, thế nhưng vẫn còn đó một điều gì không ổn, đăng đắng trong ruột gan… Ít nhiều phần đa chúng ta vẫn thấy lời phàn nàn của đám thợ làm sớm có phần nào chính đáng! Nếu Nước Trời thật sự giống như câu chuyện này thì quả thật, nó đang hàm chứa một điều gì quá bất thường, một điều mà bình thường không thế nào chấp nhận nổi.

Hầu như mọi tôn giáo đều tuân thủ cặn kẽ luật nhân quả: có nguyên nhân thì phải có hậu quả, ai làm thiện thì được thưởng sự lành, còn ai làm ác thì phải gánh chịu sự dữ. Người Công giáo cũng vậy, họ được dạy dỗ từ tấm bé (chẳng hạn như qua kinh ‘ngày Chúa Nhật hôm nay’), để rồi xác tín như đinh đóng cột rằng: ai làm việc lành phước đức càng nhiều thì công phúc trên thiên đàng càng lớn, còn nếu sống tội lỗi và làm điều dữ thì sẽ bị trầm luân trong hỏa ngục đến muôn đời muôn kiếp. Đó là lẽ công bằng thường tình thôi vì đó chính là định luật nhân quả hợp lý đã in sâu vào tâm khảm con người, không dễ gì xóa nhòa.

Khi kể câu chuyện dụ ngôn về ông chủ trả lương các người làm công theo cách thức đó, hẳn Đức Giêsu chủ tâm cho thấy: một đàng công bằng vẫn được tôn trọng, “Tôi đâu có xử bất công với bạn…”, đàng khác đã bắt đầu xuất hiện một yếu tố ‘cào bằng’ rất kì lạ, một đặc trưng tuyệt vời của Nước Trời đang đến: “Tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng bằng bạn đó…” Thoạt tiên việc ‘cào bằng’ này xem ra như phá vỡ nền tảng công bằng của luật nhân quả: công nhiều thì thưởng nhiều, công ít thì thưởng ít, hay dữ nhiều thì phạt nặng, dữ ít thì phạt nhẹ. Và đó là lý do ta đòi sự công bằng khi mình đã nỗ lực sống tốt lành nhân đức suốt cả một đời, ta thấy khó chịu khi có một kẻ khác chẳng tốt lành gì lại được coi trọng hơn mình. Tuy nhiên, chính sự vô lý đó mà ta khám phá ra nét độc đáo có một không hai của Tin Mừng cứu độ: “Tôi tốt bụng” – Thiên Chúa nhân lành – Chúa Cha đầy từ tâm.

Qua câu chuyện dụ ngôn Đức Giêsu đang vẽ lên diện mạo của một Thiên Chúa là Cha, rất khác với hình ảnh Đức Chúa của Cựu Ước, hình ảnh của một Ngọc Hoàng truy xét con người với tầm sét Thiên Lôi. Sự công bằng của Tin Mừng là công bằng của lòng từ nhân và thương xót là như thế đấy! Nếu không thấu hiểu và chấp nhận công bằng này, một công bằng mà chỉ mình Đức Giêsu mới có thể mạc khải cho nhận loại, và mạc khải bằng cái giá là chính cuộc sống và cái chết của Người, thì có thể ngay cả linh mục – tu sĩ – Kitô hữu cũng sẽ bất mãn để rồi cằn nhằn ghen tức Thiên Chúa mất thôi: “Mấy người sau chót chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Còn nếu Nước Trời chính là công bằng của lòng từ ái (tốt bụng) của Thiên Chúa, thì đúng là tôi cũng sẽ bị liệt vào hạng ‘những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót…’ Đáng đáng tiếc một điều là, trong dụ ngôn, các người thợ của giờ thứ nhất đã không kịp khám phá ra điều này, để rồi họ cằn nhằn với ông chủ và ghen tức với đồng bạn! Lẽ ra họ phải rất tự hào và sung sướng vì đã được diễm phúc làm lụng cho Ông Chủ tốt bụng suốt 12 tiếng đồng hồ, trong khi lấy làm tiếc cho các bạn khác vì chỉ được gần gũi phục dịch Người trong có một tiếng – một thời gian quá ngắn ngủi như thế.

Nếu không khám phá ra Thiên Chúa của Đức Kitô là một Thiên Chúa ‘tốt bụng’, thì niềm tin và việc giữ đạo của Kitô hữu chúng ta có nguy cơ trở thành một chuỗi những ‘công việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ta lúc đó cũng sẽ rất dễ phàn nàn và ghen tức khi thấy rằng: bất chấp các nỗ lực sống gương mẫu và đạo hạnh, mình cũng chẳng được ưu đãi hay nhận được ân huệ gì hơn những kẻ ‘tội lỗi và dân ngoại’.

Khi áp dụng các phản ứng này cho chính mình, tôi nhận ra rằng: nhiều khi tôi cũng cảm thấy vui sướng và hãnh diện tạ ơn vì nhận được các ân huệ đặc biệt như trở thành tu sĩ, linh mục…, vì cho rằng đó là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng tu luyện của mình; đồng thời mỗi khi gặp thử thách gian nan, tôi cũng dễ dàng chao đảo và mất lòng cậy trông. Thi thoảng khi thoáng nhận ra Thiên Chúa tốt bụng với kẻ này người nọ…, tôi cũng rơi vào tình trạng “hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Chính vì thế mà tôi vẫn thấy rất lý thuyết và xa vời cái tâm tình tạ ơn không ngừng của mình; ‘tất cả đều là hồng ân’ chỉ là khẩu hiệu đầu môi chóp lưỡi không hơn không kém…, vì nhiều lúc tôi chẳng thấy có lý do nào để mà vui mừng cảm tạ. Ôi thật đáng thương cho tôi, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, vì Tin Mừng tôi sống sẽ chỉ là một mớ bòng bong dang dở, một chuỗi các khó nhọc vất vả, và một dẫy nhưng phiền trách than van và sợ hãi!

Lạy Chúa từ nhân, con không muốn là người thợ ‘đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót’. Xin ban cho con ơn huệ vĩ đại là không ngừng nhận biết Chúa là Ông Chủ công bằng giầu lòng xót thương, nhờ đó con sẽ có khả năng cảm tạ Chúa không ngừng trước bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống mình; và vui mừng vì nhận ra: Chúa xót thương hết thảy mọi người, nhất là những kẻ thấp hèn tội lỗi. Xin hãy giúp con luôn biết khiêm tốn dâng lời ca khen lòng nhân hậu Chúa đến muôn đời. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————————-

 

Vui Với Người Vui Trong Tinh Thần Kitô Giáo

Kitô giáo là đạo của yêu thương. Tình yêu thương đòi hỏi phải sống liên đới, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong tinh thần: “Hãy vui với những người vui, khóc với những người khóc. Hãy sống hòa thuận nhau” (Rm 12:15-16).
Khi ta sống vui với người vui, khóc với người khóc đòi hỏi ta phải thoát ra khỏi cái tôi ích kỷ để sống hoà mình với tha nhân. Thật là khó khi ta bỏ cái tôi để có thể vui với những thành công của người khác. Bởi vì, theo lẽ tự nhiên ta dễ dàng chia sẻ cho người kém may mắn hơn ta, nhưng lại rất khó chia vui với người may mắn hay tài giỏi, thành công hơn ta.
Điều ấy ta vẫn thấy dễ dàng trong cuộc sống, khi một người thành công thì sẽ có khối người ganh tỵ, dèm pha, nói xấu đủ điều. Người càng thành công lại có càng nhiều kẻ ghen ghét. Người càng nhiều may mắn thì lại có càng nhiều người dè bỉu , chê bai…
Quả thực, với bản tính con người ta khó có thể vui với người vui, khóc với người khóc nhưng khi ta uốn mình trở nên giống Thầy Chí Thánh Giêsu ta mới có thể vừa “hòa thuận”, vừa “hòa mình”, “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc”. Khi ta trở nên giống như Đức Kitô trở nên mọi sự cho mọi người, ta sẽ dễ dàng chạnh lòng thương với những ai đang khổ đau, và cùng chung lời tạ ơn với những ai thành công, như Đức Kitô khi thấy đoàn dân đói khổ thì chạnh lòng thương, và khi các môn đệ ra đi loan báo tin mừng trở về kể cho nhau nghe về thành công của mình thì Ngài cùng các môn đệ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Hôm nay, Chúa trách những người làm công vườn nho đã không thể vui với người vui mà còn sinh lòng ganh tỵ: “chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay là các ông vì thấy tôi tốt bụng mà đâm ra ghen ghét?
Chúa trách là bởi vì ai cũng đã có phần của mình như nhau, nhưng lại không muốn người khác được phần bằng mình. Khi tính ích kỷ ghen ghét ngự trị thì tình người sẽ mất. Cuộc sống chỉ còn là cạnh tranh được mất hơn thua của “cá lớn nuốt cá bé” mà không có sự chia sẻ yêu thương.
Qua đây, Chúa mạc khải về ân sủng của Thiên Chúa là quà tặng nhưng không dành cho con người. Ngài ban phát cho người thợ giờ thứ nhất cũng bằng người thợ giờ thứ mười một, khôngtheo công trạng của họ mà là do lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Hiểu theo nghĩa ân huệ là quà tặng thì kẻ nhận lãnh phải biết cám ơn. Cám ơn vì Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một đồng yêu thương thì con người cũng phải đáp lại bằng yêu thương và chia sẻ với nhau. Thiên Chúa đã trở nên mọi sự cho chúng ta thì chúng ta cũng hãy trở nên mọi sự cho nhau để xoá bò sự ganh tỵ mà sống hoà thuận yêu thương nhau.
Đón nhận ân sủng của Chúa với lòng biết ơn thì con người cũng biết đón nhận nhau với lòng kính trọng và biết ơn. Khi tất cả những mối quan hệ trong gia đình, nơi trường học, tại chỗ làm việc, trong cộng đoàn, và chúng ta đều nhận ra với lòng biết ơn sẽ hình thành trong cộng đoàn sự hỗ tương để có thể vui với người vui, và khóc với người khóc.
Ước gì chúng ta cũng nhận ra tình thương của Chúa vẫn dành cho chúng ta, dù rằng chúng ta không xứng đáng để nhờ đó mà sống tâm tình tạ ơn Chúa. Ước gì chúng ta cũng biết vui với người vui, khóc với người khóc trong tinh thần tương thân tương ái thay cho tính ghen tương, ích nhỏ nhỏ nhoen thường tình. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————–

Bằng Lòng Với Khả Năng Chúa Ban

Khi những người làm thuê được gọi vào làm vườn nho từ sáng sớm, thấy những người khác vào làm muộn hơn cũng được lãnh tiền công bằng mình thì đâm ra ganh tị, phàn nàn, tức tối…
Ganh tị là căn bệnh trầm kha phát sinh từ thời kỳ đồ đá và sẽ tồn tại mãi cho tới ngày tận thế.
Ngay khi loài người có mặt trên địa cầu là bắt đầu có ganh tị. Sau khi hai anh em Cain, Aben dâng lễ vật cho Thiên Chúa, Cain nổi cơn ganh tị vì lễ vật của Aben được Chúa vui nhận còn lễ vật của mình thì không. Lòng ganh tị bùng lên mãnh liệt trong lòng đã xui khiến Cain giết chết người em vô tội của mình.

Trong xã hội hôm nay, lòng ganh tị cũng đang nhen nhúm trong tâm hồn khi người ta thấy người khác đẹp hơn, giàu có hơn, sang trọng hơn, thành công hơn, nổi bật hơn mình… Ganh tị sinh ra ganh ghét, ganh ghét sinh ra chia rẽ, hận thù, bất hòa, bất thuận.

Diệt trừ lòng ganh tị
Ganh tị là căn bệnh trầm kha, rất khó diệt trừ. Tuy nhiên, bệnh nào cũng có thuốc chữa. Vậy chúng ta thử xem có phương thế nào có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa chứng bệnh này không.
Nguyên nhân sinh ra ganh tị là vì thấy mình thua kém người khác. Vậy thì cách tốt nhất để xóa bỏ ganh tị là nhận biết rằng dù ta thua kém bạn về mặt nầy nhưng có thể hơn bạn về mặt khác.
Mỗi người được sinh ra trên đời là một nhân vật độc đáo, độc nhất vô nhị; mỗi người một vẻ, không ai giống ai; mỗi người đều có tính cách riêng, sứ mạng riêng, trách nhiệm riêng…
Trong khu vườn có trăm hoa đua nhau khoe sắc. Mỗi cụm hoa đều có nét đẹp riêng, hương sắc riêng. Hoa Cúc không nên ganh tị với hoa Hồng vì không tỏa hương thơm ngát như Hồng, nhưng hãy bằng lòng với những nét đẹp đặc thù của mình mà hoa Hồng không có.
Tương tự như thế, mỗi người chúng ta sống trong xã hội như một cánh hoa trong khu vườn rộng lớn có trăm hoa đua nở. Mỗi người có một số khả năng riêng, một tính cách riêng, không ai giống ai. Một thi sĩ có thể sáng tác những vần thơ tuyệt tác nhưng lại bó tay trước những bài toán khó; trong khi những người giải được bài toán khó lại không biết làm thơ. Ta có thể thua kém người khác về lĩnh vực nầy nhưng có thể giỏi hơn họ trong lĩnh vực khác.

Vì thế, hãy bằng lòng với khả năng Chúa ban cho mình, trau dồi thêm khả năng đó để phục vụ tốt hơn.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa ban cho mỗi người có một số khả năng riêng, cũng giống như cho mỗi thứ hoa một hương sắc đặc thù.
Xin cho chúng con bằng lòng với ân huệ Chúa ban và phát huy khả năng Chúa ban cho mình để tôn vinh Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————

 

Luật Trái Tim
CN XXV TN.A – (Mt 20, 1 – 16a)

Công bằng phát xuất bởi yêu thương

Hoa thắm ân tình tỏa ngát hương

Ghen tị, than phiền hàng ích kỷ

Mừng vui, chúc tụng bậc cương thường

Vườn Nho rộng cửa người hèn mọn

Hội Thánh mở lòng kẻ gió sương

Ân sủng Cha ban tùy Thánh Ý

Địa cầu hồng phúc khắp muôn phương.

Hạt Nắng

—————————————–

 

Thợ Vườn Nho
CN XXV TN.A – (Mt 20 1 – 16a)

Đời nghiệt ngã, lang thang phố chợ,
nắng hoàng hôn buông đổ vấn vương.
Ngẩn ngơ giữa ngã ba đường,
ngậm ngùi, lạc lõng sầu thương cuộc đời.

Tiếng AI đó gọi mời tha thiết,
làm Vườn Nho khúc chiết tính công.
Ngày lương thỏa thuận một đồng,
con vào giờ cuối “Một Đồng” được trao.

Lòng quảng đại xiết bao từ ái,
tình Cha thương con dại bơ vơ.
Bao năm thuyền lạc xa bờ,
đưa về bến đỗ ước mơ đong đầy.

Được sống trong vòng tay Giáo Hội,
nhựa sống từ nguồn cội Tình Yêu.
Tâm hồn con hết hoang liêu,
tình mến huynh đệ sớm chiều hiệp thông.

Nguyện tri ân, một lòng trung tín
chùm nho tươi chín mọng dâng Cha.
Làm tận tụy, sống thật thà
an lòng cương vị chan hòa tình thân.

Không ganh tị, vui nhận phần …

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————–

 

Con Đi Làm Vườn Nho
CN XXV TN.A – (Mt 20, 1 – 16a)

Kìa dáng ai trên đường, khi nắng chiều tà dần buông,
thẩn thờ Người tìm con, bên vệ đường sầu trăm hướng.
Dịu dàng mời gọi con, đi làm Vườn Nho Chúa không?
nước mắt tuôn khơi dòng, suối ân tình, lệ trinh trong.

Ngày tháng xưa giã từ, con sống trong Tình Yêu Cha,
vạn nẻo đường hoan ca, con đi làm Vườn Nho Chúa.
Dầu học nhằn gian lao, không sờn lòng, luôn vững tin,
khúc hát vui lên đường, loan Tin Mừng, mãi vang xa.

Vườn Nho của Chúa, trong trái tim con,
trong xóm thôn con, trong môi trường con đang sống.
Vườn Nho của Chúa, liên đới tha nhân,
Kiếp sống nhân sinh, luôn thắm tươi tình đệ huynh.

Chiều nắng buông vội vàng, con trở về trình diện Cha,
bao nhọc nhằn phôi pha, vui quan tiền con nhận lãnh.
Dịu dàng lòng khoan dung, Cha nhân lành, thương xót con,
hạnh phúc vui tuôn tràn, nơi thiên đàng, tình Cha ban.

M. Madalena Hoa Ngâu

—————————————–

 

Đừng Ghen!
CN XXV TN.A – (Mt 20, 1 – 16a)

Lòng hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỷ,
chỉ so đo ghen tị với người.
Thấy ai thắng lợi giữa đời,
vinh quang, nổi bật, sục sôi bất bình.

Lòng Cain u minh, chai đá
giết Aben thỏa dạ hờn ghen.
Saun lòng dạ tối đen,
tìm giết Đavít thấp hèn lương tri.

Lòng ghét ghen tị hiềm tức tối,
làm ố hoen các mối tương quan.
Khát vọng tìm kiếm cao sang,
phát sinh tiêu cực lỗi đàng chính trung.

Để thế giới túng nghèo thoát khỏi
cần có người tài giỏi thông minh.
Hiệp thông mầu nhiệm thân mình,
thoát cảnh lạc hậu văn minh rạng ngời.

Hãy hân hoan, vui tươi, phấn khởi,
khi anh em vượt trội thành công.
Niềm vui lợi ích cộng đồng,
Thánh Linh tác hợp đồng lòng chia san.

Tình yêu Chúa đầy tràn thương xót,
chớ ghen tuông lòng tốt của Ngài.
Quan tiền ban tặng cho ai,
Thần khí ân sủng tùy Ngài khứng ban.

Tri ân Chúa cao quang, thánh thiện,
đã gọi con làm việc Vườn Nho.
Con tim thổn thức tình thơ
trung thành tận tụy không chờ trả công.

AP. Mặc Trầm Cung