SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 866, CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – A, 17/09/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 18, 21-35).

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả’. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: ‘Hãy trả nợ cho ta’. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh’. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?’ Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Tha Thứ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Thương Xót Là Thứ Tha Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Làm Sao Quên Được Sự Xúc Phạm Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Phúc Cho Người Biết Thứ Tha Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Tuyệt Đỉnh Tình Yêu Hạt Nắng Trg 9
Khó Nói Lời Tha Thứ? Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Bài Học Thứ Tha M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Nét Đẹp Tình Yêu A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

———————————-

 

Tha Thứ

Thánh Gandhi nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời. Kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp thiết của tha thứ.

Phải tha thứ vì con người là bất toàn. Có những xúc phạm cố ý. Nhưng rất nhiều khi xúc phạm chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ bỏ qua, không chấp nhất. Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không bao giờ bình an. Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ chẳng còn sống với ai được. Tôi sẽ mất hết bạn bè. Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù. Và tôi sẽ trở thành cô đơn.

Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi có biết bao lầm lỗi. Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm nhiều đến anh em. Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi đã bị khai trừ khỏi xã hội. Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi đã chết từ lâu. Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh em.

Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha thứ cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Matthêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).

Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.

Sau cùng ta cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là người Cha rất nhân từ và rất hay tha thứ. Chúa Giêsu đã khắc họa rất rõ nét chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha.

Chúa Giêsu xuống trần gian cho ta được chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu nhân từ hay tha thứ của Chúa Cha. Suốt cuộc đời trần thế, Người không ngừng tha thứ cho kẻ tội lỗi. Nhất là những kẻ đã xúc phạm đến Người. Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng Người bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ. Còn lời nào đẹp hơn lời Người cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm, làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và khi từ cõi chết sống lại, Người đã tha thứ cho Phêrô dù môn đệ thân tín này đã chối Người. Người đã tha thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Người trong lúc gian nan.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Vẻ đẹp tự chế. Vẻ đẹp khoan dung. Vẻ đẹp của tâm hồn vượt lên trên chính mình. Vẻ đẹp đề cao giá trị con người.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới. Một thế giới cảm thông, chan hòa. Một thế giới chứa chan tình huynh đệ. Một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————–

 

Thương Xót Là Thứ Tha

“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Môn đệ Phêrô đặt câu hỏi như thế cho Đức Giêsu: con ‘phải tha đến mấy lần?’ Cũng chẳng lạ gì, vì ta vẫn thường quan niệm lỗi phạm và tha thứ như những hành vi có thể cân đong đo đếm; chính vì thế mà khi xét mình ta vẫn muốn xét kỹ xem: đã phạm bao nhiêu lần và nặng nhẹ ra sao. Hơn thế nữa, ở đây rõ ràng Phêrô đang đề cập tới trường hợp ‘cố tình’ chứ không phải vô tình xúc phạm; nói cách khác, xúc phạm đã đi xa hơn một hành động mà trở thành như một thái độ. Trong đời sống thường ngày, nếu rất phổ biến những lần vô tình lỗi phạm, có nghĩa là không do chủ tâm, do hoàn cảnh hay điều kiện gì đó bên ngoài, thì cũng không hiếm trường hợp lỗi phạm là cố tình hay hữu ý, có nghĩa là ít nhiều đã trở thành một thái độ, một trạng thái của tâm hồn. Điều Phêrô nêu lên ở đây chắc hẳn hàm ý trường hợp thứ hai; vì thế câu hỏi được đặt ra là con phải tha thứ ra sao, hay phải có thái độ nào, trong tư cách một người môn đệ trước thái độ cố tình lỗi phạm đó? Trước thái độ ‘cứ xúc phạm’ mà một người có thể có đối với tôi, tôi sẽ phải hành xử ra sao, hay đúng hơn Tin Mừng dạy tôi phải có thái độ phản hồi nào? Và câu trả lời của Đức Giêsu cho Phêrô (và cho mỗi chúng ta) cũng thật rõ ràng: không thể lấy cân đong đo đếm để hồi đáp một ‘thái độ’, mà chỉ có thể bằng một thái độ khác mà thôi, đó là ‘thái độ của tình yêu tha thứ không giới hạn’.

Câu trả lời của Đức Giêsu: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” cho thấy số lần tha không còn là quan trọng, mà thái độ tha thứ mới là chính yếu. Câu chuyện dụ ngôn Người kể tiếp theo đó minh họa cho điều này: điều được đòi hỏi không chỉ là tha mà còn hơn thế nữa, phải có thái độ xót thương. Đàng sau hành động tha thứ còn đòi có thái độ hay lòng thương xót. Điều này được tìm thấy trước hết nơi chính Thiên Chúa! Người không chỉ đơn giản tha thứ, nhưng quan trọng hơn: Người nhân ái xót thương. Ông chủ đã tha và xóa món nợ lớn cho tên đầy tớ chỉ vì ‘ông chạnh lòng thương, cho y về, và tha luôn món nợ’, và đó là điều ông thật sự mong muốn các gia nhân của ông cũng phải nhận ra: họ cũng phải có cùng một lòng thương xót đó trong tương quan đối xử với nhau. Trong số các đầy tớ ít nhiều đã được tha và xóa nợ vẫn còn có những kẻ không hề nhận biết lòng thương xót của ông chủ, và đó chính là điều khiến ông phải lên tiếng trách mắng: “đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”

Đức Giêsu Nhập Thể không chỉ để lại cho chúng ta giới luật yêu người, trong đó có đòi hỏi phải tha thứ cho nhau, Người làm mọi cách để biểu lộ cho chúng ta thái độ thương xót tuyệt vời của Thiên Chúa, cả khi đứng trước sự cố chấp của tội lỗi con người; ngay cả trước những kẻ rắp tâm tiêu diệt Người bằng mọi giá, kể cả sử dụng các thủ đoạn đê tiện nhất, Người vẫn đáp lại bằng một thái độ thương xót vô biên, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Chính vì thế mà việc chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa, thông qua biểu hiện của Đức Giêsu Thập Giá, phải là phần thiết yếu nhất trong đức tin và sống đạo của mọi Kitô hữu. Tự nó và trong thực tế, yêu thương và tha thứ cho kẻ thù cố chấp không hề dễ chút nào, vì nó nghịch lại mọi suy luận và tình cảm tự nhiên, là bước đầu của cái phi lý chống lại định luật nhân quả và công bằng. Nhưng với Kitô hữu, những người hằng được chiêm ngắm và cử hành Thập Giá Đức Kitô, thì việc không nhận ra lòng thương xót từ ái của Thiên Chúa, để rồi cũng chẳng bao giờ có được thái độ xót thương đối với người anh em lỗi phạm để mà tha thứ cho họ, mới là điều đáng kinh ngạc. Không may cái điều đáng kinh ngạc này lại vẫn cứ xảy ra, và xảy ra khá thường xuyên trong đời sống của nhiều tín hữu thuộc mọi cấp bậc. Thật là một nghịch lý khi mà, những kẻ xây dựng niềm tin của mình dựa trên việc cử hành các bí tích Rửa Tội và Hòa Giải, nhất là bí tích Thánh Thể, tức là các dịp để đón nhận sự tha thứ đầy xót thương của Thiên Chúa, mà lại không hề nhận ra lòng thương xót vô biên của Người, để rồi vẫn cứ thấy việc tha thứ cho người anh em cố tình lỗi phạm đến mình là điều không thể thực hiện được! Điều này cho thấy: ‘hết lòng tha thứ cho người anh em mình’ chỉ khả thi khi ta không ngừng chiêm ngắm Giêsu Thập Giá, Đấng đã không những tha thứ mà còn xót thương mọi kẻ có tội. Đối lại với thái độ cố tình lỗi phạm của con người thì chỉ có thái độ cứ tiếp tục thứ tha của lòng nhân ái vô biên của Thiên Chúa mới có thể tìm thấy được lời giải đáp tận căn.

Nếu như thế thì tôi sẽ phải tự hỏi mình rằng: việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày trong suốt hơn 40 năm qua có làm tôi hội nhập được phần nào vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa hay chưa? Hơn nữa việc linh thánh đó có cho phép tôi bén rễ tới đâu trong thái độ tha thứ trước những lỗi phạm cố tình của những người anh em mà tôi chung sống với, ngay trong đời tu sĩ và linh mục của mình?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn cần thiết nhất là học biết ngày càng sâu sắc hơn lòng thương xót Chúa dành cho con và cho các tội nhân, nhất là khi con cứ liên tục xúc phạm tới Chúa. Chỉ khi nào con bắt đầu có khả năng thương xót người anh em và tha thứ các lỗi phạm cố chấp của họ, thì con mới có thể xác quyết rằng: mình đã biết chiêm ngắm và cử hành Thập Giá Chúa cách đích thực. Xin cho con trong giờ chết được nghe lời đầy an ủi này: “Cha của Thầy cũng đối sử với con như thế, nếu con đã hết lòng tha thứ cho các người anh em con”. Lạy Chúa, xin hãy muôn đời hòa tan con trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

———————————-

 

Làm Sao Quên Được Sự Xúc Phạm

Tha thứ là điều chúng ta dễ khuyên người khác nhưng lại khó thực hành với bản thân. Bởi tha thứ đòi phải buông bỏ giận dỗi, thù hận mà người khác làm tổn thương đến ta. Tha thứ là quên đi sự xúc phạm để có thể tiếp tục sống vui vẻ với người xúc phạm đến chúng ta. Tha thứ là để duy trì mối quan hệ đã mang lại đau khổ cho chúng ta nhiều hơn là hạnh phúc. Thế nên, tha thứ là điều rất khó thực hành trong cuộc sống.

– Có cô vợ bị chồng đánh đến sưng cả mắt. Đau khổ cô đến trình sự việc với cha xứ. Cha xứ gợi ý sẽ mời anh chồng lên nhà xứ để xin lỗi vợ. Cô vợ liền nói: “mắt sưng như vầy làm sao mà cha nói con tha thứ cho anh ta được”. Cha xứ nói: “chị phải tha thứ, vì lỡ đêm nay Chúa gọi chị về với Chúa thì sao?”. Cô vợ nói: “Vậy con tha cho đêm nay, nếu mai Chúa chưa gọi thì con sẽ kiện chồng con tội hành hung, chứ con không nhịn nữa đâu”.
– Rồi cũng có anh chồng lỡ say nắng một lần, thế mà nhiều năm trôi qua, cô vợ mỗi lần giận chồng lại tiếp tục mang lỗi lầm ra đá xiên đá xéo, nhắc tới nhắc lui khiến cho bầu khí gia đình trở nên ngột ngạt, rồi dẫn đến lời qua tiếng lại…

Ở đời ai mà không ít lần có lỗi với tha nhân, hoặc không ít lần bị người khác làm tổn thương. Do vậy, để có một cuộc sống chung cũng đòi ta phải chấp nhận cái khuyết điểm của nhau trong yêu thương và tha thứ. Không tha thứ thì chỉ còn loại trừ. Một khi đã loại trừ lẫn nhau sẽ làm khổ mình và khổ nhau cả đời. Vì vậy, điều mà Chúa muốn nơi người Công Giáo là đạo yêu thương thì phải tha thứ bao dung cho anh em của mình. Tha thứ như Chúa dạy là phải tha đến bảy mươi lần bảy.

Trên thực tế, không ai đếm hoặc nhớ số lần người ta xúc phạm đến mình. Ở đây, Chúa muốn nói sự tha thứ là vô giới hạn, không kể số lần, cũng không cần đếm. Hội Thánh là những người luôn được Chúa tha thứ nên cũng phải biết tha thứ. Chúng ta còn sống là còn phạm lỗi nên chính bản thân chúng ta vẫn còn cần đến sự tha thứ của Chúa. Do vậy, là con cái của Chúa khi được Chúa tha thứ thì cũng hãy sẵn lòng tha thứ cho anh em.
Câu chuyện người mắc nợ được Chúa tha thứ là nguyên tắc Chúa nhắc nhở chúng ta cũng phải biết tha thứ cho anh em. Chúa biết sự tha thứ rất khó nên Chúa cũng nhắc chúng ta cần phải biết xin ơn trợ giúp của Chúa qua lời kinh: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có tội với chúng con”.
Hãy học nơi Chúa Giêsu bài học bao dung. Chính Ngài đã luôn sống điều đó. Ngài luôn cảm thông với những lầm lỗi của tha nhân. Ngài dùng tình thương tha thứ để sửa lại lỗi lầm con người. Tình thương ấy Ngài đã mang lại cuộc đời mới cho Giakêu, cho Madalêna, cho Phaolô . . . Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ là tha cho kẻ đã hành hạ và kết án Ngài.
Là người Kitô hữu chúng ta phải sống tình thương tha thứ. Tha thứ để sửa đổi anh em. Tha thứ để xóa đi những vết hận thù trong lòng chúng ta. Tha thứ để ta nên hoàn thiện như Cha là Đấng tốt lành luôn cho mưa thuận gió hòa trên người lành và kẻ xấu.

Xin cho chúng ta luôn biết hoàn thiện mình như Cha chúng ta. Hoàn thiện con người không làm điều gì tổn thương với tha nhân. Hoàn thiện còn để lòng mình xóa đi những ghen tương, đố kỵ để sống bao dung với nhau. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

—————————

Phúc Cho Người Biết Thứ Tha

Nhiều nghiên cứu y học cho thấy sự tức giận gây nhiều tác hại nghiêm trọng lên sức khỏe như gây hại cho tim mạch, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ, tổn hại gan, viêm loét dạ dày, làm suy giảm hệ miễn dịch, rút ngắn tuổi thọ và nhiều chứng bệnh khác… Ngoài ra, giận hờn còn gây xáo trộn tâm lý, khiến người ta cảm thấy bực bội, mất ăn mất ngủ, rồi trút nỗi bực dọc của mình lên đầu những người vô tội chung quanh.

Như vậy, giận hờn người khác là tự hủy hoại sức khỏe mình, tự rước bệnh vào thân, làm cho cuộc đời bất hạnh.

Tuy nhiên, muốn giải tỏa mọi thứ giận hờn để sống khỏe mạnh và hạnh phúc là điều không dễ.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề ra một giải pháp tốt đẹp giúp ta xóa bỏ giận hờn, tìm lại bình an cho tâm hồn, đó là hãy tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha.

Giải pháp nầy được Chúa Giêsu trình bày qua dụ ngôn sau đây:
Một tên đầy tớ mắc nợ vua một món nợ khổng lồ. Vua truyền cho anh ta phải tự bán thân mình, cùng với tất cả gia tài vốn liếng, bán luôn cả vợ con để trả cho hết nợ.
Anh khẩn khoản nài xin vua cho khất nợ một thời gian… Thấy thế, vua động lòng thương xót, tha hết nợ cho anh.

Thế rồi, khi anh ta vừa ra khỏi công đường, gặp một người bạn mắc nợ anh một số tiền nhỏ, anh túm lấy và buộc người đó phải trả nợ ngay. Người nầy cũng khẩn thiết nài xin anh cho khất một thời gian. Anh không chấp nhận, tống giam người bạn kia vào ngục.

Khi nghe biết sự việc đó, vua truyền cho anh đến và bảo:
“Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta. Sao ngươi không tha nợ cho bạn người như ta đã tha cho ngươi? Thế rồi vua nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày trả hết nợ cho ông.”

Rồi Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).

Như vậy, nếu không tha thứ cho người khác, chúng ta phải gánh lấy hậu quả đáng sợ biết chừng nào!

Có tha thứ thì mới được thứ tha là một điều kiện phải có để được tha tội. Luật nầy được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Khi dạy ta cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu nói:
“Xin Cha tha tội cho chúng con cũng như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.”

Rồi Chúa Giêsu diễn giải rõ ràng minh bạch ý nguyện nầy như sau:
“Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,12-15).

Và qua Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu dạy tiếp:
“Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).

Như thế, khi giận hờn người khác mà không sẵn lòng tha thứ cho nhau, người ta sẽ rước họa vào thân, tự đày đọa thân xác mình, làm cho cuộc sống mất bình an và điều tai hại nhất là không được Thiên Chúa tha tội cho. Vậy thì chúng ta phải xóa bỏ giận hờn và sẵn sàng tha thứ cho nhau.

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, không giận hờn oán trách ai và sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm chúng con như Chúa đã tha thứ cho những kẻ lăng nhục và kết án Ngài trên thập giá. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

———————————–

 

Tuyệt Đỉnh Tình Yêu
CN 24TNA – (Mt 18, 21 – 35)

Tuyệt đỉnh tình yêu lời thứ tha

Chân dung phác họa bóng hình Cha

Nhẹ nhàng thông cảm lòng thanh thản

Trĩu nặng oán hờn dạ xót xa

Hoàn thiện nẻo đường trong khốn khó

Trọn lành lối bước giữa phong ba

Can-vê vang vọng lời tha tội

Hoàn vũ ngập tràn hương sắc hoa.

Hạt Nắng

———————————–

 

Khó Nói Lời Tha Thứ?
CN 24TNA – (Mt 18, 21 – 35)
“Lạy Cha, xin tha cho họ,
vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)

Thật khó quá Chúa ơi! Để nói lời tha thứ,
giữa cuộc đời đầy dẫy những dối gian.
Bóc lột, tham lam, ách thế lực bạo tàn,
tham nhũng, bất công trước muôn vàn thủ đoạn.

Mái ấm gia đình cũng nguy cơ nứt rạn,
khi giá trị tình người được đo bằng vật chất phù du.
Hạnh phúc gia đình phủ màu tối âm u,
tiền bạc lên ngôi,
dục vọng lạc bờ,
cái “tôi” bùng nổ,
bao uẩn khúc, tâm hồn mang sầu khổ.

Tha thứ sao Chúa ơi! Khi tình yêu đổ vỡ,
thua thiệt, đắng cay trước lối sống gian tà.
Chúa dạy con luôn quảng đại thứ tha,
Bảy mươi lần bảy, ôi, sao mà khó quá!

Tiếng vọng đồi cao, lời tình yêu đáp trả,
dâng lên Cha, xin tha thứ cho kẻ bất tri.
Giọt máu cuối cùng như giọt nước tràn ly,
hồn tín thác, tuôn tràn hồng ân cứu rỗi.

Đấm ngực, ngậm ngùi nhận ra mình tội lỗi,
tội với Trời, tội đối với tha nhân.
Chúa chết vì con, để con được thông phần,
họa lại dung mạo Tình Yêu của Cha từ ái.

Nét đẹp tình yêu, lòng khoan dung, quảng đại,
tha thứ cho chính mình, và tha thứ cho anh em.
Chúa đã nêu gương,
trong đêm đen, con nhìn thấy ánh đèn,
từ đồi Canvê chiếu tỏa,
bài học về tình yêu tha thứ.

Biển đời trần gian dẫu còn nhiều sóng dữ,
tha thứ cho đời,
tha thứ cho người,
tha thứ cho mình,
sao khó quá, Chúa ơi!

Bâng Khuâng Chiều Tím

———————————–

 

Bài Học Thứ Tha
CN 24TNA – (Mt 18, 21 – 35)

Bài học thứ tha, con đã nghe chính Chúa gọi mời,
bài học khoan dung, giữa trần gian còn đầy giông tố.
Giận hờn chi nhau, chỉ thêm buồn, chuốc lấy sầu vương,
gieo oán thù, chồng chất oán thù,
đời cô đơn, mây mù giăng lối.

Bài học thứ tha, Ngài đưa con đến với cuộc đời,
tình Ngài khoan dung, khi đời con ngập đầy tội lỗi.
Nồng nàn yêu thương, đưa con về suối mát tình thương
không trách hờn, ban phát ơn thiêng
tình nên duyên, cùng Chúa lên thuyền.

Khoan dung, niềm vui cuộc sống,
trao nhau tình yêu tha thứ,
đem tin yêu cho người lữ thứ,
vui hân hoan trong ánh nắng hồng.

Can-vê, chiều xưa hy lễ,
Giêsu, dâng mình hiến tế,
gương hy sinh, tình yêu tha thứ,
xin Cha tha người vướng tội tình.

Bài học thứ tha, mang trong tim đến với mọi người,
dịu dàng, bao dung khi đời ai lầm đường lạc lối.
Ngược dòng trên sông, đưa nhau về bến mát tình thương,
vui chan hòa, thế giới tươi xinh
tình đệ huynh chan chứa ân tình.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————-

 

Nét Đẹp Tình Yêu
CN XXIV TN.A (Mt 18, 21 – 35)

Hoa tươi nở cho đời hương sắc,
chim reo ca trời đất hân hoan.
Tình người vui sống bình an,
khoan dung tha thứ kiện toàn tình yêu.

Chúa năm xưa một chiều nắng đổ,
trên đồi cao bộc lộ con tim.
Giữa bao nghịch cảnh lặng chìm,
Lời Vàng Tha Thứ (*) mong tìm chiên hoang.

Phận con người bất toàn, lầm lỗi,
không loại trừ, kết tội, lánh xa.
Tình yêu tột đỉnh, thứ tha,
chân dung khắc họa Tình Cha nhân từ.

Như ông chủ không thu món nợ,
lệnh buông tha cả vợ con y.
Chạnh lòng thương xót, từ bi,
nâng cao phẩm giá thực thi nghĩa tình.

Bài học yêu công minh chính trực,
họa bức tranh trung thực về Cha.
Thắm tình huynh đệ vui ca,
tạo một thế giới chan hòa niềm vui.

Tha nhân chia sẻ ngọt bùi …

(*)“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)

AP. Mặc Trầm Cung