SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 865, CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – A, 10/09/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 18, 15-20)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Sửa Lỗi Anh Em ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Một Hội Thánh Thứ Tha Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Bao Che Là Đồng Loã Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Giúp Nhau Sửa Chữa Lỗi Lầm Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Vun Đắp Yêu Thương Hạt Nắng Trg 9
Yêu Thương Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Khúc Hát Yêu Thương M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Sứ Giả Tình Thương A.P Mặc Trầm Cung Trg 12

————————————-

 

Sửa Lỗi Anh Em

Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.

Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.

Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.

Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc?

Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.

Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.

Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.

Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.

Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.

Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ
1/ Sửa lỗi anh em, góp ý phê bình, dễ hay khó?
2/ Khi biết anh em lầm lỗi, bạn làm gì? Vạch mặt chỉ tên hay giả điếc làm ngơ?
3/ Trong gia đình, trong xứ đạo bạn, đã có sự góp ý tốt đẹp chưa?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————–

 

Một Hội Thánh Thứ Tha

Hội Thánh mà Đức Giêsu thành lập trên nền đá tảng Phêrô, ngoài việc tuyên xưng niềm tin vào Giêsu ‘là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’, còn phải sống quên mình trong tinh thần tự hiến như Thầy Giêsu, Đấng ‘phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết’. Chính vì lẽ đó mà trong Hội Thánh ấy, hành vi sửa lỗi ‘các người anh em trót phạm tội’, và thái độ khoan dung đối với tội nhân phải rất khác, so với các đoàn thể hoặc tổ chức khác của nhân loại. Đoạn Lời Chúa được đọc lên hôm nay tiếp liền ngay sau câu chuyện về tìm kiếm chiên lạc (Mt 18:12-14) mà theo tác giả Matthêu, không chỉ là dụ ngôn nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa như trong Luca 15, mà còn về cộng đoàn Hội Thánh (đặc biệt hơn, các vị phụ trách) phải đặc biệt quan tâm đến những kẻ bé mọn, nhất là những ai đang gặp thử thách thất bại mọi mặt. Cũng như Cha trên trời, cộng đoàn Hội Thánh này không chấp nhận để cho bất cứ ai trong các kẻ bé mọn ấy, dù chỉ một mà thôi, phải hư mất (Mt 18:12 trong Christian Community Bible).

Trong mạch tư tưởng này, việc sửa lỗi ‘người anh em của anh trót phạm tội’, trong tất cả trình tự của nó, làm lộ rõ ý nghĩa cũng như nội dung của vấn đề. Qua trình tự rất hợp lý ấy, điểm nhấn không phải là thái độ của Hội Thánh chuyển từ bao dung tới nghiêm khắc trừng trị, mà là sự cố chấp của chính phạm nhân khước từ lòng thương xót tha thứ ngày càng chai lì, không chỉ đối với Thiên Chúa của lòng xót thương mà cả đối với Hội Thánh là tập thể hữu hình của Người. Matthêu lập lại ở đây câu tuyên bố Đức Giêsu đã nói khi thành lập Hội Thánh của Người (Mt 16:19): “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”. Thương xót và tha thứ là quyền mà Chúa Cha đã trao cho Đức Giêsu, để rồi Người trao lại cho Hội Thánh; và nếu quyền tha thứ đó là vô tận nơi Thiên Chúa thì nó cũng phải là vô tận cả nơi Hội Thánh của Người. Ngược lại, kẻ nào cố chấp khước từ quyền tha thứ và thương xót của Hội Thánh, ‘nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe’, thì kẻ đó cũng đồng thời chối bỏ ‘quyền thương xót’ này nơi chính Chúa Cha, Đấng đã trao nó cho Đức Kitô Giêsu.

Với khẳng định điều này, Đức Giêsu cho thấy: mối liên kết bền chặt giữa Cha Ngài – Đấng giầu lòng thương xót và Hội Thánh của Người. Sự liên kết bền chặt được thể hiện qua cầu nguyện là hành vi then chốt mà Hội Thánh không ngừng thực hiện. Hội Thánh cầu nguyện, không chỉ để thờ lạy tôn vinh Đức Chúa như dân Israel đã từng thực hiện nơi đền thánh Giêrusalem; mà còn để mở lòng đón nhận điều quan trọng và quí giá hơn nhiều từ nơi ‘Cha Thầy, Đấng ngự trên trời’, đó là lòng thương xót thứ tha. Theo Đức Giêsu, trong số các ân huệ Hội Thánh nhận được, trọng đại nhất chính là được tham dự vào lòng nhân từ của Cha; “Anh em hãy xót thương như Cha anh em trên trời là đấng thương xót” (Lc 6:36), Đấng “không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”. Như thế, nếu hiểu được vai trò chính yếu của Hội Thánh là: thể hiện lòng thương xót thứ tha của Chúa Cha, thì ta mới hiểu hết được sức mạnh của lời cầu nguyện mà Hội Thánh hằng dâng lên Cha để cầu xin cho các tội nhân; “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”.

Mỗi khi đọc câu “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”, tôi liên tưởng ngay tới lời cầu nguyện của Đức Giêsu được Gioan ghi lại trong chương 15: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng…” (Ga 15:12). Tôi tự hỏi: khi một cộng đoàn thật sự họp lại cầu nguyện nhân danh Đức Kitô Giêsu, và một khi đã có Người hiện diện giữa họ, thì điều gì chắc chắn sẽ phải xảy ra? -Thưa, cộng đoàn đó sẽ cầu nguyện để ‘các người anh em đã trót phạm tội’ sẽ được canh giữ, để không ai trong số họ phải hư mất… với niềm xác tín thâm sâu rằng: điều cầu xin đó chắc chắn sẽ được Cha của Đức Kitô Giêsu nhận lời ban cho. Điều này được bảo đảm kể cả trong những trường hợp bất khả kháng, khi mà Hội Thánh buộc phải công khai hóa sự cố chấp của một phần tử lỗi phạm, phải ‘kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế’; vì chính những lúc đó, việc Hội Thánh cần làm nhất vẫn sẽ là kết hiệp với Đức Giêsu cầu nguyện… để ‘không một ai phải hư mất’.

Mong rằng Hội Thánh đích thực của Đức Kitô Giêsu, mong rằng mọi cộng đoàn mà Người qui tụ nhân danh Chúa Cha, nhất là các cộng đoàn tu sĩ và giáo xứ, sẽ luôn mãi là như thế: những cộng đoàn cầu nguyện để tha thứ và cứu vớt tội nhân!

Lạy Chúa Cha nhân từ, con cầu nguyện cho Hội Thánh, và cho chính con là một phần tử trong lòng Hội Thánh, được luôn biết kết hiệp với Chúa Giêsu, Con Cha trong lời cầu nguyện hàng ngày cho các tội nhân. Có lẽ chính con đã từng là đối tượng của lời cầu nguyện này, và vì thế mà giờ đây, con càng phải khiêm tốn hiệp thỉnh. Xin cho con được cùng Hội Thánh không ngừng dâng lên Cha lời khẩn nguyện tha thiết cho kẻ có tội, đặc biệt trong các trường hợp tuyệt vọng nhất. Trong Hội Thánh, một khi ‘hai ba người họp lại nhân danh Thầy’, con tin chắc rằng, ơn tha thứ Cha dành cho các tội nhân, nhân danh và cùng với Đức Kitô Con Cha, sẽ không bao giờ vơi cạn. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————-

 

Bao Che Là Đồng Loã

Ở đời người ta sống vì chữ tình nhiều hơn vì lý. Vì tình nên dễ dàng xí xoá cho nhau “chín bỏ làm mười”. Vì tình mà người ta làm ngơ lỗi lầm của nhau, có khi còn bao che lỗi lầm cho con cháu hay thuộc hạ như câu ca dao xưa đã nói:
Yêu nhau củ ấu cũng tròn
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Thái độ bao che lắm lúc cũng được thể hiện dưới thái độ im lặng, bởi “im lặng là vàng”. Bởi tội người kia cũng giống tội mình, nên im lặng cho qua. Bao che dưới mọi hình thức, từ ngôn ngữ đến hành động, hầu tạo vây cánh, tạo nhóm lợi ích chung nên không sửa sai mà còn che đậy cho nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến những bất công cho xã hội khi người xấu vẫn được ban thưởng chức tước, người tốt thì bị loại trừ.

Sự bao che ta vẫn thấy bàn bạc trong cuộc sống khi cha mẹ bao che, bênh vực con cái một cách mù quáng. Một câu nói kinh điển mà cha mẹ hay dùng để bao che cho con cái là: ‘trẻ con không biết gì’. Khi cha mẹ nói trẻ nhỏ không biết gì nghĩa là họ đang đồng tình với cái sai của con cái. Họ không sửa dạy cho con nghĩa là họ đang để đánh mất nhân cách của con từng lần để đi tới sa đoạ, phạm pháp.

Sự bao che ta vẫn thấy khi người ta bỏ qua lỗi lầm của nhau vì tiền, vì tình để làm ngơ cho cái xấu lên ngôi, và người công chính lại là kẻ bị hại. Chính vì làm ngơ, hay bỏ qua cái sai của người thân nên kẻ xấu lại lộng hành, không coi ai ra gì, vì đã có chỗ chống lưng, bao che nên “coi trời bằng vung” hay nói theo trend là “mày có biết bố mày là ai không?”

Hôm nay Chúa nhắc chúng ta phải sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi là một trách nhiệm phải làm để giúp anh em sửa sai. Sửa lỗi cũng cần có lòng bác ái để rồi tìm cách nói nhỏ cho nhau sửa đổi. Sửa lỗi trái ngược với bỏ mặc, và bao che cho nhau. Không được làm ngơ cho cái ác, cái xấu lên ngôi, nhưng trong tinh thần bác ái và yêu thương chúng ta phải có bổn phận sửa lỗi cho nhau. Cha mẹ sửa lỗi cho con cái. Vợ chồng sửa lỗi cho nhau. Thầy cô sửa lỗi cho học trò. Bạn bè sửa lỗi cho nhau. Bề trên sửa lỗi bề dưới. . . Tất cả phải có bổn phận giúp nhau thăng tiến. Giúp nhau từ bỏ cái sai để sống đúng tin mừng của Chúa.

Sửa lỗi cũng cần thời gian và tiệm tiến. Sửa lỗi cách kín đáo bằng lời chân tình góp ý thẳng ngay với nhau. Nếu thất bại cần thêm lời của nhân chứng để người được sửa lỗi càng nhận biết lỗi lầm của mình hơn. Nếu vẫn thất bại thì cần đến cộng đoàn để nhờ sức mạnh của cộng đoàn giúp kẻ có lỗi ăn năn sửa đổi.

Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm sửa lại những lỗi lầm. Biết bỏ đi tính tự ái, cố chấp để lắng nghe lời góp ý chân thành của tha nhân. Xin đừng vì cố chấp mà trở thành kẻ ngang bướng làm hại đến cộng đoàn. Và xin cho chúng ta cũng can đảm sửa lỗi cho nhau hầu kiến tạo một mặt bằng công bằng và yêu thương cho môi trường sống của chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————–

 

Giúp Nhau Sửa Chữa Lỗi Lầm
Nếu bạn phát hiện có ngọn lửa đang bén vào phía sau một ngôi nhà gỗ, có nguy cơ bùng cháy lớn, nhưng chủ nhà ngồi phía trước nên không hay biết… thì bạn ứng xử thế nào?
Một là phớt lờ bỏ đi, vì nghĩ rằng việc ai người đó lo; hơi sức đâu mà lo chuyện người khác!
Ứng xử như thế thì thật đáng trách và sẽ bị người đời lên án.
Hai là tức tốc báo tin cho chủ nhà biết để dập tắt ngọn lửa kịp thời, trước khi quá muộn.
Làm như thế, bạn là người đạo đức, tốt lành, đáng khâm phục.

Ngoài thứ lửa vật chất thường thấy, còn một thứ “lửa” vô hình có thể thiêu rụi nhân cách, danh dự, lòng đạo đức con người… Đó là tội lỗi, như tội ngoại tình có thể thiêu rụi hạnh phúc gia đình; tội tham lam có thể đưa đến giết người, cướp của; tội bài bạc có thể làm gia đình tan nát và rất nhiều thứ tội khác có thể hủy hoại phẩm chất cao đẹp của con người…
Vì thế, báo cháy cho chủ nhà biết để dập lửa kịp thời là việc quan trọng thì việc giúp cho người khác thấy tội của họ để ăn năn sửa mình, để cứu mình khỏi “cháy” là điều quan trọng ngàn lần hơn.

Khó nhận ra lầm lỗi của mình
Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào nên việc nhận ra lầm lỗi của bản thân là điều rất khó.
Vua Đavít phạm tội ngoại tình với bà Bátsêba là vợ của Urigia, sau đó, vua ra lệnh giết Urigia là chồng của bà nầy và chính thức cưới bà về làm vợ! Vậy mà vua vẫn ung dung, không nhận ra tội ác tày trời của mình. Thế là nhân đức của vua đã bị “cháy”!

May thay, có ngôn sứ Natan đến cảnh tỉnh nhà vua, giúp nhà vua nhận ra tội lỗi của mình. Bấy giờ vua mới hết lòng ăn năn sám hối (2 Samuel, 11-12).

Vì nhiều người không nhận ra lầm lỗi của mình nên việc giúp họ nhận biết được tội lỗi của bản thân để sửa mình là một việc làm rất cần thiết.

Sửa lỗi cho người khác là một bổn phận
Đối với các tín hữu của Chúa, việc sửa lỗi cho người khác không những là việc cần làm mà còn là một bổn phận bắt buộc, không được thoái thác.

Lời Chúa trong sách ngôn sứ Êdêkiên đòi buộc cách quyết liệt như sau: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi” (Edêkiên 33, 7-9). Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu truyền dạy: “Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó …” không phải một lần mà nhiều lần, cách nầy không được thì phải vận dụng cách khác, cố sao giúp người anh em sửa được lỗi lầm (Mt 18,15).
Cần sửa lỗi cách tế nhị và đầy lòng yêu thương
Ai cũng ái ngại khi phải giúp người khác sửa lỗi vì sợ người đó giận hờn, oán ghét. Tuy nhiên, khi người phạm lỗi được ta nhắc nhở cách tế nhị, bằng những lời lẽ đượm tình yêu thương, người đó không cảm thấy bị tổn thương, không tỏ ra buồn phiền hay oán hận, nhưng sẵn sàng đón nhận với tấm lòng biết ơn và hoán cải.

Lạy Chúa Giêsu. Nhiều lần chúng con muốn sửa lỗi cho người khác nhưng ngần ngại không làm vì sợ người khác oán ghét mình.
Làm như thế thì khác gì thấy nhà người khác đang cháy mà không báo động, không ra tay cứu giúp.
Xin cho chúng con có đủ yêu thương để nói lời xây dựng, có đủ can đảm để cứu giúp những anh chị em lỗi lầm, nhờ đó, mỗi người chúng con được trở nên tốt lành thánh thiện và sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————–

 

Vun Đắp Yêu Thương
CN XXIII TN.A – (Mt 18, 15 – 20)

Chân tình nồng thắm tiếng yêu thương

Nâng đỡ ủi an chớ chán chường

Nghiêm khắc, loại trừ gieo thảm họa

Thờ ơ, lãnh đạm rắc tai ương

Ôn tồn, tế nhị người lầm lỗi

Cởi mở, khoan dung kẻ lạc đường

Bầu khí tươi vui bừng đức ái

Hoa lòng hé nụ tỏa thơm hương.

Hạt Nắng

—————————————-

 

Yêu Thương
CN XXIII TN. A (Mt 18, 15 – 20)

Lòng khoan dung, tâm hồn quảng đại,
với anh em bác ái yêu thương.
Ai kia lạc lối dặm trường,
kiên trì sửa lỗi mở đường hối nhân.

Lời ôn tồn tình thân rộng mở,
không loại trừ, chẳng nỡ bàng quan.
Không để sự xấu tràn lan,
quan tâm nâng đỡ ủi an thắm tình.

Cần can đảm phê bình lầm lỗi,
dẫu giận hờn, rắc rối, phản công.
Lời sự thật dễ mất lòng,
phải biết trân trọng thanh danh con người.

Lời tế nhị vui tươi bầu khí,
làm khai thông tri kỷ tình thân.
Tình huynh đệ xích lại gần,
cộng đoàn phát triển hồng ân tuôn tràn.

Đời ai không một lần phạm lỗi,
đừng vô tâm kết tội anh em.
Đức Ái bừng sáng ngọn đèn,
tình yêu sáng tỏ, ghét ghen lụi tàn.

Tâm hồn thư thái bình an …

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————–

 

Khúc Hát Yêu Thương
CN XXIII TN.A – (Mt 18, 15 – 20)

Ngọn gió ru êm, dịu mát tâm hồn,
tiếng Ai thì thầm, dịu dàng nỉ non.
Nhẹ nâng bước con về bên suối mát,
hòa chung cùng ràn chiên vui ca hát,
tung tăng vui đùa đồng cỏ xanh non.

Tội lỗi năm xưa, nước mắt nhạt hòa,
tiếng Ai thì thầm, ngàn lần thứ tha.
Lòng Ai xót thương, thương đời lầm lỡ,
vòng tay dịu hiền ôm con thương nhớ,
đưa con vào đời khúc hát hoan ca.

Ôi! Thật nhiệm mầu, tình yêu tha thứ,
lòng khoan dung vô bờ của Chúa nhân từ.
Vượt xa ngàn tinh tú,
mênh mông khắp đất trời,
vượt muôn ngàn trùng khơi,
cho con ấm tình Người.

Hạnh phúc hôm nay, con bước vào đời,
thắm tô tình người, nụ cười trên môi.
Tình trao mến thương, thương người lầm lỗi,
anh em một nhà, cùng Cha nhân ái,
theo gương Ngôi Lời, rực sáng tương lai.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————-

 

Sứ Giả Tình Thương
CN XXIII TN.A – (Mt 18, 15 – 20)

Sống giữa đời tránh sao điều lầm lỗi,
bởi yếu hèn, bao cám dỗ, đam mê.
Bởi bóng đêm trên vạn nẻo đường về,
thần dữ rình mò,
rắc gieo lòng nghi kị.

Nay Lời Chúa dạy con điều tuyệt mỹ,
lấy tình thương sửa lỗi nơi anh em.
Trái tim yêu bao phủ những yếu hèn,
tránh lời xúc phạm,
xây dựng tình thân,
bằng những lời dịu dàng êm ái.

Biết tôn trọng nhau dù lắm điều ngang trái,
chuyện riêng tư, giữ cẩn mật chân tình.
Gợi tâm tình bằng lời lẽ công minh,
lòng cởi mở, lời yêu thương thuyết phục.

Gặp thất bại, vẫn giữ tràn cảm xúc,
vài người thân tìm hiểu góp lời khuyên.
Nếu chưa nghe, trình báo với giáo quyền,
tính công khai hóa,
vẫn trong giới hạn,
phạm vi của cộng đoàn Hội thánh.

Vẫn ngoan cố, đừng vội vàng xa lánh,
kẻo vô tình lỗi phạm Đức Yêu Thương.
Bởi Chúa luôn thương xót kẻ lầm đường,
Ngài hằng mong đợi,
bằng lời cầu nguyện,
bằng sự khoan dung,
bằng tình tha thứ,
và bằng muôn ân sủng,
kẻ lạc bước, hồi tâm,
quay về trong vòng tay Giáo Hội.

Đức Ái là nền tảng trong tâm tình sửa lỗi,
Cầu Nguyện kiên trì trong liên kết hy sinh.
là Muối, là Men, là Ánh Sáng ân tình,
là Sứ Giả Tình Thương,
loan báo Tin Mừng Bình An và Tha Thứ.

AP. Mặc Trầm Cung