SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 864, CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – A, 03/09/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 16, 21-27)

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Mất Trước Được sau ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Xatan Là Ai? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Google Map Có Khi Dẫn Sai Đường Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Đầu Tư Cho Cuộc Sống Mai Sau Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Đường Sự Sống Hạt Nắng Trg 8
Tiếng Vọng Trong Đêm Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Đường Tình Con Đi M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Đường Tình Cho Con Đi A.P Mặc Trầm Cung Trg 11

————————————

 

Mất Trước Được Sau

Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm. Vì không phải cứ thu vào là được. Không phải cứ buông ra là mất. Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Đó hầu như là qui luật trong đời sống hằng ngày. Ta dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư. Vốn lớn thì lời mới lớn.
Muốn được phải chịu mất trước. Đời sống đạo đức không đi ra ngoài qui luật đó. Chúa Giêsu dạy ta: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Đi theo Chúa là đi vào con đường của Chúa.

Con đường của Chúa là con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên Chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Đức Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả.

Con đường của Chúa là con đường thánh giá. Người đã ôm lấy thánh giá và vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người. Thánh giá kiếp người. Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người đã ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người đã có lần muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường.
Nhưng nếu đường của Chúa Giêsu chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Chúa Giêsu kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một định mệnh diệt vong. Không! con đường của Chúa còn là con đường phục sinh. Định mệnh của Chúa là một định mệnh vinh quang.

Con đường thánh giá là con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn tới vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Thánh Phaolô đã hiểu biết tường tận con đường của Chúa nên đã nói: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chuá mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 6-11).

Cũng thế, khi mời gọi ta bước theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn. Nên Người nói tiếp: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Mất trước được sau. Bạn áp dụng câu này trong đời sống đạo thế nào?
2) Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo”. Bạn nghĩ sao về đòi hỏi này của Chúa, có quá khắt khe không?
3) Hạnh phúc không có sẵn nhưng phải phấn đấu mới đạt được. Bạn có tâm đắc điều này không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————–

 

Xatan Là Ai?

“Xatan, lui lại đàng sau Thầy!”
Đó là lần duy nhất trong đời, Đức Giêsu trực tiếp nguyền rủa một người là Xatan, và người đó không may lại là Phêrô, người môn đệ ruột vừa được Người ca ngợi và tin tưởng trao phó sứ mệnh lớn là trở nên đá tảng của Hội Thánh Người. Tại sao lại thế nhỉ?

Trong xã hội Do Thái cũng như xã hội chúng ta ngày nay, biệt danh Xatan luôn mang một nội dung bỉ ổi, dành để ám chỉ những con người rất xấu xa đê tiện, những con người không những phạm đủ mọi thứ tội trên đời mà còn có dã tâm lôi kéo, cám dỗ người khác phạm tội, chống lại uy quyền của Thiên Chúa. Nếu quả thật là như thế thì trong trường hợp cụ thể này, việc Đức Giêsu gán danh xưng này cho Phêrô – người môn đệ trung kiên nhất đang nhiệt tình và chân thành can gián Thầy mình khỏi những rủi ro bất hạnh, điều này không ai trong chúng ta muốn chấp nhận, vì nó quá là bất công. Hoặc Đức Giêsu đã quá lời, hoặc chỉ là lối diễn tả đặc trưng của người Do Thái, hoặc là chúng ta phải chỉnh sửa lại quan niệm của mình về Xatan và tội lỗi sao cho ăn khớp với suy nghĩ của Đức Giêsu.

Điều duy nhất mà Phêrô đã làm để bị Đức Giêsu nguyền rủa ‘Xatan’ chính là việc, ông đã cố ngăn cản Người thực hiện điều chứng tỏ đích thực Người là đấng Kitô. Trước đó khi tuyên xưng “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” chắc hẳn Phêrô vẫn chỉ luẩn quẩn trong cái quan niệm phổ biến mà nhiều người Do Thái thời đó, do bối cảnh chính trị xã hội, đã có về đấng Kitô; ngài phải là một người đầy quyền uy được Thiên Chúa sức dầu tấn phong để giải phóng và lãnh đạo dân riêng được tuyển chọn; do đó Đấng này phải là một vị thống lãnh oai hùng và hiển hách. Chính để chống lại khái niệm ‘Kitô’ như thế, mà Đức Giêsu đã nhiều lần phải lên tiếng ‘cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là đấng Kitô’. Và cũng kể từ đó, một trong các nội dung quan trọng nhất của việc huấn luyện các môn đệ chính là: làm sao thay đổi được quan niệm họ vốn có về đấng Kitô. Không dưới ba lần các Phúc Âm đã ghi nhận điều này; Người giới thiệu cho các ông về một đấng Kitô ‘phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết…’ Bất cứ động thái nào đi ngược lại việc chấp nhận diện mạo đấng Kitô như thế, Người sẽ không dung tha; chẳng hạn như trường hợp hai anh em nhà Giêbêđê xin lửa bởi trời xuống đốt cháy làng mạc Samari vì đã không tiếp đón Thầy mình (Lc 9:51-55). Đối với các môn đệ có gốc gác Do Thái thì việc chỉnh đổi này là rất thiết yếu, nó đánh dấu một chuyển biến trong suy tư quan trọng từ Cựu Ước qua Tân Ước, từ một đấng Kitô thống trị qua một đấng Kitô tự hiến và yêu thương. Tôi thiết nghĩ: bài học này sẽ còn là dài dài cho tất cả các môn đệ Kitô qua mọi thời đại, bắt đầu từ hai môn đệ trên nẻo đường Emmau được ông khách đồng hành cặn kẽ giải thích… cho tới Kitô hữu chúng ta sống trong thời đại hôm nay.

Như vậy, cùng với việc chỉnh đổi khái niệm về đấng Kitô, hình như quan niệm về Xatan và tội lỗi cũng có một chuyển biến sâu sắc từ Cựu Ước qua Tân Ước. Đối với Tin Mừng của Đức Giêsu, Xatan và tội lỗi không còn mang nặng yếu tố chống đối uy quyền và sự thánh thiện của Thiên Chúa cho bằng chống lại hay không chấp nhận một Thiên Chúa tự hiến cứu rỗi và xót thương. Theo tiêu chuẩn đó, Đức Giêsu đã không lên tiếng kết án hoặc loại trừ thậm chí một người đàn bà tội lỗi ‘bị bẩy quỉ ám’. Đối với Người, tiêu chuẩn thánh thiện hay nhân đức không còn phải là trung thành nắm giữ các lề luật hay qui tắc luân lý, mà là mở rộng cõi lòng đón lấy tình yêu tha thứ và cứu độ Thiên Chúa ban. Cũng tương tự như thế, tiêu chuẩn của việc đáng bị luận phạt hay được thưởng công cũng đã bị đảo lộn toàn diện; chính vì thế mà sự khác biệt căn bản giữa ‘thánh’ Phêrô và ‘thằng’ Giuđa sẽ không hệ tại ở việc trung thành hoặc phản bội Thầy, nhưng ở việc biết mở rộng hay đóng kín cõi lòng trước lòn thương xót và cứu độ Thầy ban tặng. Bất luận con đường nào dẫn đến việc chân thành tiếp nhận tình thương xót cứu độ, đều được Người trân trọng đề cao, thậm chí cả con đường: ‘được tha nhiều nên yêu nhiều hơn’ (Lc 7:36-50). Và như thế thì, Xatan sẽ không còn là kẻ xâm phạm hay cám dỗ kẻ khác xâm phạm và chối bỏ sự thánh thiện hay uy quyền của Thiên Chúa nữa, mà là kẻ ‘cản lối Thầy’, tức là tự mình chối bỏ, và còn lôi kéo kẻ khác chối bỏ kế hoạch tự hiến yêu thương Người đang thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Nếu quả là như thế, thì Xatan của Tân Ước sẽ không hiếm hoi đâu! Qua trường hợp điển hình của Phêrô, Đức Giêsu cho thấy nó có thể xuất hiện ngay giữa hàng ngũ những người được mệnh danh là cột trụ của Giáo hội, trong số các người được coi là môn đệ thâm tín nhất của Người, bất cứ khi nào “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”. Cũng tương tự như thế, ‘tiên tri giả’ mà Người lên tiếng cảnh giác cũng có thể là bất cứ hạng người nào: tất cả những ai lôi cuốn người khác xa rời lòng nhân ái của Thiên Chúa cứu độ.

Trong tư cách linh mục, tôi cũng nên tự hỏi: có thể chính mình đôi khi cũng nằm trong số những Xatan hoặc tiên tri giả đó chăng, khi mà tôi chỉ lo vun xới nơi tâm hồn các tín hữu nỗi lo sợ bị Chúa luận phạt, và đẩy xa khỏi tâm hồn họ sự tín thác tuyêt đối vào lòng thương xót vô bờ của Chúa từ nhân?

Lạy Thiên Chúa từ nhân, qua Thập Giá Chúa, con nhận ra trong ánh sáng Tin Mừng cứu độ có một loại thiên thần mới và một sự thánh thiện mới, đó là chấp nhận và cộng tác vào chương trình cứu độ đầy yêu thương của Chúa. Xin cho con, như Mẹ Maria, nhận thức được rằng: bước đầu tiên và căn bản nhất của sự thánh thiện Tân Ước phải là khiêm cung nhìn nhận con người yếu đuối của mình, hầu có thể hoàn toàn rộng mở đón nhận kế hoạch yêu thương của Chúa. Xin cũng giúp con, một linh mục của Chúa, biết cộng tác đưa được nhiều người, nhất là các tội nhân, vào con đường thánh thiện mới mẻ này. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

—————————————

 

Google Map Có Khi Dẫn Sai Đường

Ở thời đại của google map, của định vị, chúng ta chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh thì chẳng bao giờ lo lắng mình đi lạc đường. Nhưng vệ tinh vẫn có lúc mất tín hiệu, cũng có lúc mạng bị treo nên google cũng dẫn ta đến một nơi xa lạ và khi dừng lại để xem thì hỡi ơi mình đã lạc một quãng đường rất dài.
Và ở trong đường đời càng sống lâu, càng trải nghiệm mới thấy có khi người thân hay chính mình cũng đang đi lạc trên con đường đời.

Có khi vì mải mê kiếm tìm danh vọng, quyền bính ta đã lạc vào trong ma trận của thị phi, thù hận, loại trừ, giả dối . . . đến lúc nào đó ta đã không nhận ra mình ngày xưa ngoan hiền, trung thực và bao dung. Con người chúng ta chỉ còn loay hoay trong những chuyện được, mất, ăn, thua…

Có khi vì miếng cơm manh áo, chúng ta bon chen trong chốn chợ đời đầy thói hư tật xấu, đến một lúc nào đó chợt nhận ra mình đã nhiễm đục tâm hồn đến nỗi không còn là mình của ngày xưa trong trắng, ngây thơ, bởi chúng ta đã lạc vào những a dua dễ dãi, lâu dần thành thói quen truỵ lạc và đã lạc mất chính mình.

Cái lạc của đường đi chỉ làm ta mất thời gian đôi chút để quay lại, nhưng cái lạc của đường đời sẽ biến đổi con người ta không còn là mình của ngày xưa, và đã trở thành một con người rất khác, khiến người thân cũng bàng hoàng lo sợ về sự lạc lối của chúng ta.

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài. Ngài mời gọi chúng ta luôn quy hướng về Ngài, như hoa hướng về mặt trời mới toả sắc, toả hương, thì con người cũng phải luôn hướng về Chúa mới sống đúng phẩm giá của mình là hoạ ảnh của Chúa. Không hướng về Chúa nghĩa là đã quay lưng để đi vào bóng tối của ma quỷ sẽ khiến ta xa lìa Chúa mãi mãi đến vô cùng.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đi theo con đường của Chúa thì sẽ không lạc đường. Con đường của Chúa Giêsu là con đuờng vâng theo ý Chúa Cha, vui lòng đón nhận ý Chúa Cha, dầu phải thiệt thòi, phải hy sinh, phải vác thập giá ngoài ý muốn, phải uống chén đắng cuộc đời, nhưng đó là la bàn để chúng ta không lạc xa Chúa. Đó là cách quy hướng về Chúa để không bao giờ bị lầm lạc trong đam mê tội lỗi hay những ý hướng nghịch lại đường lối Chúa.

Cuộc đời không phải là một cuộc đua. Nó là một hành trình để chúng ta từng bước đi trong sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Một sự tự do không còn bị đam mê ràng buộc, níu kéo. Một sự tự do tiến tới sự trọn lành như Thiên Chúa mong muốn. Hành trình cuộc đời chỉ tiến tới vinh quang khi chúng ta từ bỏ những cám dỗ tội lỗi, những níu kéo của vinh hoa trần thế đểchọn Chúa là lẽ sống, là gia nghiệp và là cùng đích của cuộc đời ta.

Xin Chúa giúp giúp chúng con biết tiếp bước con đường thập giá của Chúa mỗi ngày với lòng quảng đại vì yêu mến Chúa. Xin giúp chúng con trung thành bước theo Chúa và đừng bao giờ lạc xa Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————

Đầu Tư Cho Cuộc Sống Mai Sau
Đầu tư không đúng chỗ
Hầu như mọi hoạt động, mọi nỗ lực của nhiều người đều quy về việc củng cố, đầu tư cho thân xác, cho cuộc đời tạm thời vắn vỏi của mình. Người ta dành trọn 24 giờ mỗi ngày để chăm lo cho thân xác: giờ ăn, giờ ngủ, giờ giải trí vui chơi, giờ làm việc nuôi thân xác…
Và cứ thế cho đến mãn đời.

Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực… đều được dốc ra để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ đời nầy, để rồi đến lúc cuối đời, người ta thu hoạch được một nắm xương hay chỉ là một lọ tro tàn sau khi thiêu xác!
Nhưng làm sao để tránh khỏi kết cục bi thảm nầy? Làm cách nào để đạt tới một thành quả tươi sáng hơn?

Đầu tư cho đời sống mai sau
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề nghị một giải pháp khôn ngoan. Ngài dạy chúng ta đầu tư đúng hướng để được hưởng lợi nhuận vững bền. Đó là đầu tư cho đời sống mai sau bằng cách từ bỏ mình và vác thập giá.
Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
– “Từ bỏ chính mình” tức là đừng dồn tất cả mọi vốn liếng ta có để vun đắp cho cuộc sống đời nầy; không dành toàn bộ công sức, thời gian, tài năng, trí tuệ để phụng sự thân xác. – “Vác thập giá mình” là chấp nhận hy sinh, là khước từ những đam mê tội lỗi… để dành thời giờ và khả năng để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Sở dĩ Chúa Giêsu dạy như thế là vì: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Chúa, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26).

Thánh Phanxicô Xaviê lúc còn thanh xuân muốn đầu tư hết tài năng, sức lực để chiếm hữu địa vị xã hội và vinh hoa thế gian. May thay, Thiên Chúa đã gửi đến cho anh người bạn tốt, đó là thánh Inhaxiô. Inhaxiô thường dùng lời vàng Chúa dạy hôm nay để nhắc bảo Phanxicô: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”
Ánh sáng của Lời Chúa đã loé lên trong tâm hồn chàng trai đầy tham vọng trần thế và đã xoay chuyển cuộc đời anh. Phanxicô không còn theo đuổi phù du ảo ảnh đời nầy để dấn thân không mệt mỏi vào những vùng đất xa xôi, chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa nên đã được hạnh phúc vinh hiển muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho Lửa Thánh Linh soi chiếu tâm hồn để chúng con nhận ra rằng con người gồm cả hồn lẫn xác. Thân xác nầy nay còn mai mất và rốt cục chỉ còn là tro bụi thì chỉ cần đầu tư vừa phải. Còn linh hồn trường tồn bất diệt thì phải đầu tư cho hồn nhiều lần hơn để mai sau được hưởng vinh phúc muôn đời với Chúa. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————–

 

Đường Sự Sống
CN XXII – TN.A – (Mt 16, 21 – 27)

Kiếm tìm hạnh phúc giữa trần gian

Thập giá cuộc đời lắm đa đoan

Mê muội đắm chìm hồn xáo động

Khôn ngoan vượt thắng dạ bình an

Con đường nhỏ hẹp con đường sáng

Hướng lộ thênh thang hướng lộ tàn

Phục vụ quên mình vui bổn phận

Dẫn nguồn sự sống hưởng vinh quang.

Hạt Nắng

——————————————-

 

Tiếng Vọng Trong Đêm
CN XXII TN. A – (Mt 16, 21 – 27)
“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi,
và vác thập giá mình mà theo Thầy.”

Gió nhẹ nhàng ru êm đêm vắng,
lời thì thầm văng vẳng bên tai.
Vọng vang từng nhịp khoan thai,
tiếng Ai mời gọi theo Ai lên đường.

Đường nhọc nhằn một sương hai nắng,
đường gian nan, cay đắng, sầu đau.
Đường hy sinh, ý nhiệm mầu,
con đường thập giá nhịp cầu bước qua.

Đường từ bỏ vinh hoa trần thế,
đường truân chuyên, dâu bể, chông chênh.
Như thuyền gặp sóng bồng bềnh,
giữa bao giông tố lênh đênh giữa đời.

Đường chông gai máu rơi lệ đổ,
biết quên mình từ bỏ ý riêng.
Chu toàn trách nhiệm thánh thiêng,
thập giá bổn phận ưu tiên trung thành.

Đỉnh Núi Sọ sáng danh Thánh Ý,
lời “Xin Vâng” ý chí trung kiên.
Thiên thần vang khúc tiếp liên,
Phục Sinh vinh hiển ơn thiêng đất trời.
***
Hồn con một nửa chơi vơi,
một nửa ray rứt lời mời của Ai.
Băn khoăn tiếng vọng đêm dài …

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————-

 

Đường Tình Con Đi
CN XXII TN.A – (Mt 16, 21 – 27)

Một thời con đi hoang,
chạy theo phù vân, hoa héo nhụy tàn.
Từng chiều con lang thang,
chút bạc tiền, xé nát tâm can.
Nhục nhằn trong hoang mang,
đưa hồn con đi vào mộng ảo.
Lệ tình rơi, ăn năn,
giấc mộng vàng lạc chốn hư danh.

Một thời con u mê,
bóng tối trần gian phủ kín đường về.
Đường đời bao nhiêu khê,
bước chân buồn nặng trĩu, tái tê.
Nồng nàn, Ai bên con,
thầm gọi con, con đường sự sống.
Đường tình yêu năm xưa,
soi bóng Ngài, thập giá trung kiên.

Thập giá, Ngài bước đi,
nắng chiều nghiêng theo từng bước chân buồn.
Mồ hôi, máu rơi tuôn,
đưa đời con đến nguồn tươi sáng.
Thập giá, Người đã trao,
khúc tình ca rung từng nốt xôn xao.
Tình yêu, hiến dâng Cha
quyết theo Ngài, dù đời lắm lao đao.

Một chiều xưa Can-vê,
bóng tối trần gian gục ngã ê chề.
Đường đời bao nhiêu khê,
Dấu chân Ngài nhịp bước bên con.
Nồng nàn, con say mê,
đường tình yêu, con đường thập giá.
Đường tình bao điêu linh,
theo gót Ngài, nguyện ước trung trinh.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————–

 

Đường Tình Cho Con Đi
CN XXII TN.A – (Mt 16, 21 – 27)

Bước đường trần con mưu cầu hạnh phúc,
sự sống vĩnh hằng cùng đích của đời con.
Chúa tạo dựng nên con,
thông ban ân phúc vuông tròn.
Ngài chỉ lối, đường Thập Tự mà Chúa đã đi,
Chính là đường Sự Thật,
đường Tình Yêu và là đường Sự Sống.

Đường chông gai, không thả mồi bắt bóng,
Ai muốn theo phải từ bỏ chính mình.
Vác thập giá mình, đón nhận mọi hy sinh,
Vì chính Con Thiên Chúa,
cũng phải đổ mồ hôi và máu,
can đảm bước đi trong tâm tình dâng hiến.

Đường Mầu Nhiệm, điều Chúa luôn tìm kiếm,
Thánh Ý Cha khi nhập thể vào đời.
Tìm cách tỏ bày cho nhân loại muôn nơi,
về Tình Yêu Thiên Chúa,
một tình yêu bao la vô bờ bến.

Giêrusalem không ngại ngần bước đến,
can đảm lên đường vượt qua mọi chông gai.
Đón nhận nhục hình để cứu chuộc trần ai,
để chứng minh về Con Đường Tình Yêu Tự Hiến.

Đường Thập Tự, gợi lòng con xao xuyến,
mời gọi con sống trọn đạo yêu thương.
Đòi hỏi con luôn dũng cảm kiên cường,
chấp nhận nghiệt ngã,
gập ghềnh, thách đố,
đôi chân vững chãi,
mắt luôn nhìn thẳng,
hướng về một chân trời tươi sáng.

Bụi hồng trần phủ hồn con u ám,
danh vọng, tiền tài che mờ lối con đi.
Chúa ơi! Xin xót thương, nâng đỡ, phù trì,
cúi đầu vâng phục,
chu toàn Thánh Ý,
hạnh phúc vĩnh hằng,
đường mở lối Quê Trời,
chính là Đường Thánh Giá.

AP. Mặc Trầm Cung