SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 850, CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, 28/05/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-23)

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Ra Đi – Tha Thứ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nguồn Nước Hằng Sống Tuôn Chảy &
Hãy Nhận Lấy Thánh Thần Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chúa Ngôi Ba – Đấng Bị Lãng Quên Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 8
Tác Động Của Chúa Thánh Thần Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 9
THƠ TIN MỪNG
Suối Tình Hạt Nắng Trg 11
Hồi Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Lửa Hồng & Khát Vọng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Suối Tình Yêu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 14

 

Ra Đi – Tha Thứ

Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?
2. Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?
3. Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?
4. Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————–

 

Lễ Vọng
Suy niệm Tin Mừng Ga 7:37-39

Nguồn Nước Hằng Sống Tuôn Chảy

Vào ngày bế mạc tuần Lễ Lều, ngày mừng long trọng nhất, một đám rước đi đến hồ nước Silôác để lấy nước theo nghi lễ, đó chính là dịp để Đức Giêsu loan báo về ‘ân huệ’ Thiên Chúa ban các tín hữu, đó là ‘nước hằng sống’: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Xem chú giải Ga 7:33… của Christian Community Bible). Tuy nhiên, để nắm bắt được nội dung và ý nghĩa của lời tuyên bố này, ta cần nghiên cứu sâu rộng thêm nữa. Người Do Thái biết và hiểu ra ngay, lời đó ám chỉ điều mà ngôn sứ Isaia đã muốn nói tới trong Is 58:11, nhưng cách nói và bối cảnh nói thì họ ngầm hiểu Người đang muốn đề cập tới một điều gì đó có tầm quan trọng vô cùng lớn lao.

Ngay từ khởi thủy, khi trời đất mới được tạo thành, sách ‘Khởi Nguyên’ đã ghi nhận: “Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất” (Kn 1:7). Thần khí lúc đó, theo cách hiểu của Cựu Ước, chính là sức sống mà Thiên Chúa tuôn đổ trên vạn vật. Sau này khi ‘thần khí’ được hiểu như sức mạnh hay uy lực đặc biệt mà Đức Chúa thông ban cho một số người, thì câu trên được hiểu là thời đại nào Thiên Chúa cũng cho xuất hiện các ngôn sứ, các bậc anh hùng kỳ tài; nói cách khác, thần khí Chúa luôn tác động nơi những tâm hồn ngay chính và được chọn lọc. Khi sức dầu phong Saun làm vua, ngôn sứ Samuen đã nói với ông: “Bấy giờ thần khí Đức Chúa sẽ nhập vào ông, ông sẽ lên cơn xuất thần ngôn sứ cùng với họ, và ông sẽ biến thành một người khác” (1Sm 10:6). Chính trong cách hiểu đó mà Môsê đã từng mơ ước sẽ tới một ngày “Đức Chúa ban thần khí của Người trên toàn toàn dân của Người, đề họ đều là ngôn sứ, vì Đức Chúa đã ban thần khí của Người trên họ” (Ds 11:29). Thần khí theo nội dung này vẫn luôn hoạt động cho tới ngày hôm nay trên toàn thế giới, nơi mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa và truyền thống khác nhau… trong tất cả mọi lãnh vực như kinh tế, nghệ thuật, chính trị, khoa học v.v… chứ không chỉ trên lãnh vực tôn giáo.

Thế còn Thần Khí của Đức Kitô mà Kitô hữu vẫn quen gọi là Chúa Thánh Thần thì sao? Người được ban cho ai, và ai mới là người có khả năng đón nhận? sau nữa, để đón nhận được Người ta cần có các điều kiện nào? Nếu trả lời được các vấn nạn trên tức là ta đang xác lập cho mình nền móng vững chắc của đời sống Kitô hữu vậy! Trước hết ta hãy nghe tác giả Gioan khẳng định: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”. Qua câu nói trên Gioan rõ ràng đang đưa ra lời giải đáp dứt khoát cho các vấn nạn trên.

Thần Khí này được ban cho những ai, và ai mới là người có khả năng đón nhận? – Thưa cho tất cả những ai đặt niềm tin vào Đức Kitô Giêsu Cứu Chúa. Kitô hữu chúng ta biết rằng, Thần Khí được ban sau khi Ngôi Lời – Con Thiên Chúa xuất hiện; và cũng như Ngôi Lời đến với tất cả mọi người thì mọi người cũng sẽ được thông ban Thần Khí của Người. Nói như thế có nghĩa là: bất cứ Kitô hữu nào cũng có thể đón nhận Thần Khí, chỉ vì họ đã đón nhận Lời. Thế nhưng Lời Chúa không được hiểu như những lời dạy dỗ được viết ra trong các Sách Thánh hay luật lệ Giáo Hội, mà Lời đây là chính Đức Kitô – Ngôi Lời mạc khải tình yêu của Chúa Cha. Ai tiếp nhận Lời đó mới có tư thế đón nhận Thần Khí của Lời, vì Thần Khí chính là mạc khải và tín thác vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa là Cha trong Đức Kitô. Theo nội dung này thì Thần Khí chỉ có thể được ban cho các Kitô hữu – mọi Kitô hữu, vì họ là những người duy nhất trên trần gian đón nhận Lời tình yêu cứu độ.

Trong điều kiện nào ta mới có thể đón nhận Thần Khí? – Thưa Gioan khẳng định: “thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần khí”. Điều đó có nghĩa là: cho tới lúc đó ngay cả các môn đệ và nhóm mười hai đi theo Chúa vẫn chưa ai nhận được Thần Khí, chính xác hơn, chưa ai có khả năng đón nhận vì chẳng ai hội đủ điều kiện. Và lý do là: “… vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”. Vậy thì khi nào thì Người mới được tôn vinh? – Về vấn nạn này thì đoạn văn Ga 11:20-33 đã cống hiến cho ta lời giải đáp từ cửa miệng của chính Đức Giêsu; Người gọi giờ phút tiến lên nhận lấy cái chết Thập Giá là “giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 13:31-32), và không riêng Người, đó cũng là giờ mà cả Chúa Cha từ nhân cũng được tôn vinh nữa. Có lẽ chính vì thế mà chỉ sau khi đã sống lại, trong lần hiện ra đầu tiên với các môn đệ, Người mới “thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận Thánh Thần” (Ga 20:22). Phần trao ban là như thế, còn phần các môn đệ đón nhận thì sao? Trong dịp lễ Ngũ Tuần sau khi Người về trời, các ông mới ‘được giác ngộ’ về sự tôn vinh Thập Giá nhờ hiệp ý với nhau cầu nguyện cùng với thân mẫu Đức Giêsu; và chỉ lúc đó Thánh Thần mới thật sự được ban cho các ông (Cv 1:12-14; 2:1-4).

Đối với Kitô hữu chúng ta thì, ngày Rửa Tội phải chính là ngày ‘được giác ngộ’ để khởi sự tôn vinh Đức Kitô Thập Giá và Chúa Cha nhân lành trong cuộc sống mình! Chính vì thế mà Hội Thánh ngay từ thuở ban đầu, đã luôn coi Phép Rửa là thời điểm trao ban và lãnh nhận Thánh Thần (điển hình, xin tham khảo Công Vụ Các Tông Đồ chương 10 về việc Phêrô ban Phép Rửa cho gia đình Cônêliô, và chương 9 về việc Phaolô lãnh Phép Rửa sau khi trở lại). Tuy nhiên không phải cứ lãnh Phép Rửa cách máy móc là được trao ban Thần Khí đâu, mà chỉ khi nào ta thật sự tôn vinh Đức Kitô Thập Giá trong đời sống mình, lúc đó ta mới thật sự lãnh nhận. Thần Khí lúc đó mới đích thực là sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa nhân hậu được ban cho từng người chúng ta.

Như Môsê, hôm nay tôi cũng có quyền mơ tới một ngày, khi ‘Đức Kitô tuôn ban Thần Khí của Người trên toàn thể Kitô hữu từng người một, để họ trở thành chứng nhân tình yêu nhân ái, vì Đức Kitô Thập Giá đã ban Thần Khí của Người khi họ lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Người’, như thế cũng có nghĩa là, tôi mơ ước mọi người sẽ biết tôn vinh Đức Kitô thập giá trong đời sống mình.

Lạy Thánh Thần của Đức Kitô tự hiến trên Thập Giá, xin cho con biết không ngừng tôn vinh Thập Giá Đức Kitô trong cuộc sống, để con hội đủ điều kiện lãnh nhận Thần Khí Chúa cách trọn vẹn hơn, đồng thời cũng có khả năng cộng tác với Người để trở nên chứng nhân tình yêu nhân ái của Chúa cho hết mọi người con gặp gỡ. Amen

Đại Lễ
Suy niệm Tin Mừng Ga 20:19-23

Hãy Nhận Lấy Thánh Thần

Trước khi về với Chúa Cha, và trong quyền năng của Đấng Phục Sinh, Đức Giêsu đã “thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Qua hành vi này các môn đệ chắc chắn đã nhận được một sức mạnh, một quyền lực thực sự của Đấng Phục Sinh. Thế nhưng điều quan trọng chính là: phải hiểu ‘quyền năng’ đó hệ tại ở điều gì, nói cách khác, ta phải hiểu sao cho đúng vai trò của Thánh Thần – Đấng được phái đến hầu hỗ trợ ta thi hành quyền năng đó; “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18). ‘Quyền năng’ này của Chúa Phục Sinh nhiều khi được ta ngầm hiểu theo chiều hướng chính trị xã hội mang tính cơ cấu, tổ chức. Cựu Ước luôn hiểu sức mạnh của Đức Chúa theo nghĩa đó, và thần khí Chúa chính là biểu hiện của sức mạnh hay quyền lực của Đức Chúa Giavê. Kitô hữu thì hiểu sức mạnh của ‘Chúa Kitô Phục Sinh’ theo hướng hoàn toàn khác: Đức Giêsu bị chết treo trên thập giá biểu lộ sức mạnh vô địch của tình yêu cứu độ, biểu dương quyền lực vô song của lòng nhân hậu xót thương của Thiên Chúa. Vì lẽ đó Người áp dụng cho chính mình trước hết danh xưng ‘Đấng Bảo Trợ’ (tiếng Hy Lạp Parakletos, tiếng Anh Paraclet) khi nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một ‘Parakletos’ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Tông đồ Gioan trong thư thứ nhất còn viết rõ hơn nữa, khi gọi Đức Kitô Giêsu là Parakletos: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha; đó là đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2:1). Như vậy quyền năng của Đức Giêsu là: quyền năng Bảo Trợ những kẻ tội lỗi, quyền năng cứu độ và tha thứ. Phục Sinh của Người là một khẳng định rằng: quyền năng này là vô địch và vĩnh cửu.

“Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em!” Câu nói trên hàm ý: sứ mạng sai đi mà các môn đệ nhận được là cùng một sứ mạng mà Đức Giêsu đã nhận từ Cha. Về sứ mạng này Người khẳng định nội dung nó như sau: “Quả vậy Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ” (Ga 3:17). Và với người nữ ngoại tình bị xã hội loài kết án, Người đã ôn tồn: “Tôi không lên án chị đâu!” điều này cho thấy: Parakletos đích thị là sứ mạng của Đức Giêsu trong cuộc sống nơi dương thế, và sứ mạng đó sẽ mãi được tiếp tục nhờ vào việc sai các môn đệ Kitô lên đường. Do đó sứ mạng chính của người môn đệ, cá nhân cũng như tập thể Hội Thánh, không phải là cầm cân nảy mực hay xét xử trần gian, không phải để vạch trần và kết án các sai trái, cho dầu có tệ hại tới mấy; vì là tiếp nối sự nghiệp của Đức Giêsu Kitô cho nên, sứ mệnh của họ là phải trở nên parakletos cho nhân loại trong suốt dòng lịch sử, trong niềm cảm thông sâu sắc nhất dành cho các kẻ lỗi lầm. Và để bảo đảm chu toàn được sứ mệnh này, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha gởi Thần Khí của của Người xuống, một Parakletos khác sẽ ngự trị trong họ và ở luôn giữa họ. Hiểu Chúa Thánh Thần như thế quả là điều quan trọng khôn lường: Ngài là Thần Chân Lý, vì là Đấng duy nhất có thể dạy cho tín hữu thấu hiểu: Thiên Chúa là Đấng đầy từ tâm và hay xót thương; “Đấng đó sẽ dạy anh em biết mọi điều” (Ga 14:26).

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần – Parakletos đã bốc cháy dữ dội trên các tông đồ và mọi kẻ tin, tâm điểm là Đức Maria; và thế là niềm tin vào Giêsu Kitô – Paraclet cũng bắt đầu bùng nổ trên khắp mặt đất. Hội Thánh từ nay sẽ trở thành một tập thể những con người được Thánh Thần tác động để tuyên xưng và loan báo cho mọi người nhận biết: “Giêsu Kitô là Cứu Chúa”. Chính trong chức năng này của Thánh Thần mà Đức Maria, đệ nhất Kitô hữu, đã được các thế hệ sau này khẩn cầu dưới tước hiệu ‘trạng sư’ (advocata nostra), tước hiệu rất xác đáng với Mẹ, đồng thời cũng phải rất thích hợp với Mẹ Hội Thánh, và trong đó thích hợp với từng Kitô hữu chúng ta.

Và nó lại càng phải thích hơp cách chính xác với cả tôi nữa, một linh mục của Đức Kitô trong Thần Khí! Trước hết, tôi phải là người đầu tiên xác tín rằng, chính mình hằng được bênh vực và bảo lãnh, bởi vì với những lỗi tội đã phạm, hơn bất cứ ai khác tôi rất đáng bị trầm luân. Tôi biết: Thần Khí – Parakletos hoạt động mãnh liệt nơi tôi không phải chỉ khi tôi trong sạch thánh thiện, nhưng chính xác hơn, lúc tôi nhìn nhận thân phận hèn yếu và tội lỗi của mình. Trong sứ vụ linh mục, tôi là người được sai đi trong Thần Khí, do đó sứ mệnh trước hết của tôi phải là bênh vực ủi an các kẻ tội lỗi yếu đau, như Đức Giêsu đã từng khẳng định khi khởi đầu sứ mệnh của Người: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2:17). Chỉ trong cách thức đó, phải, chỉ như thế tôi mới có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng, tôi là một linh mục đang được Thần Khí – Parakletos tác động!

Don Bosco đã từng là linh mục parakletos như thế đối với biết bao thanh thiếu niên nghèo khổ và bị bỏ rơi; Mẹ Têrêxa Calcutta cũng vậy đối với những kẻ nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ bị xã hội loại bỏ; là môn sinh của các ngài, tôi không thể nào sống khác hơn được; tôi cũng phải trở thành một parakletos trong Thần Khí mà thôi!

Lạy Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ! xin hãy ở lại trong con bằng sức mạnh yêu thương của Người; xin hãy nối kết con với Đức Giêsu Thập Giá để con được đón nhận cách trọn vẹn sự bảo trợ thần linh. Trong và nhờ sự dẫn dắt của Mẹ Maria, xin hãy biến cải con, và mọi phẩm trật trong Hội Thánh, được trở thành các tác nhân mang lại niềm hy vọng và cậy trông cho mọi người, nhất là những kẻ tội lỗi – yếu đuối và nghèo hèn nhất… nhờ tác động của Thần Khí ủi an – Parakletos đang hiện diện nơi thẳm sâu cõi lòng con. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————–

 

Chúa Ngôi Ba
Đấng Bị Lãng Quên

Ở Việt Nam hiện nay thường xuyên tổ chức những ngày đặc biệt dành cho phụ nữ. Trong ngày đó họ tặng hoa, tặng quà cho những người nữ. Đây là điều rất tốt. Bởi vì trong mái ấm gia đình nào cũng có bóng dáng một người phụ nữ âm thầm lo lắng, vun vén cho gia đình. Đó là một người vợ luôn sẻ chia và thấu hiểu cùng chồng đến nỗi người ta nói rằng: “đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có sự hy sinh của người vợ hiền”. Đó cũng là một người mẹ luôn ân cần và hy sinh cho đàn con.

Nhưng đáng tiếc là việc tổ chức những ngày này thường là do các cơ quan đoàn thể nhà nước tổ chức. Thế nên, nhiều ông, nhiều anh chỉ lo mua hoa tặng quà cho đồng nghiệp, cho khách hàng và cùng vui chơi tiệc tùng với cơ quan mà bỏ quên người phụ nữ đã luôn hy sinh cho mái ấm gia đình lại đang cô đơn, buồn tủi vì bị lãng quên…

Sách Kinh Thánh kể rằng: Khi thánh Phaolô đặt chân tới kinh thành Hy Lạp, ngài đã rảo qua một vòng phố xá, ngài nhận thấy dân chúng ở đây sùng mộ một thần minh, nhưng họ lại không biết là ai nên đặt một tấm bia viết rằng: “Kính thần Vô Danh”. Và ngài bắt đầu bài giảng về Đức Kitô như thế này: “Vị thần Vô Danh mà quí vị thờ kính nhưng lại không biết đến, thì giờ đây tôi xin loan báo để quí vị được rõ: Vị thần Vô Danh ấy chính là Đức Kitô”.

Và có lẽ, điều thánh Phaolô nói về Đức Kitô với người Hy Lạp, thì bây giờ chúng ta cũng có thể nói như vậy về Chúa Thánh Thần. Phải, Chúa Thánh Thần chính là vị Thiên Chúa mà chúng ta vẫn lãng quên Ngài. Dầu Ngài là Đấng khai sinh Hội Thánh. Dầu Ngài là Đấng dẫn dắt Hội Thánh và là Đấng đã thánh hóa chúng ta nên con cái của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta lại ít cám ơn Ngài.
Đây là thời đại của Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt. Vì trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì Ba ngôi Thiên Chúa sẽ không trọn vẹn và niềm tin của chúng ta sẽ bị thiếu sót. Thực vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha, nhưng Chúa Thánh Thần mới là Đấng áp dụng công phúc cứu độ ấy cho chúng ta.

Kinh nghiệm cho thấy, người càng nói ít thì hành động càng nhiều. Đấng ở trong thinh lặng thì sẽ càng biểu lộ yêu thương. Trong tiếng gió rì rào êm ả, trong tiếng sóng nhè nhẹ vỗ về, Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện hữu và điều khiển thế giới.
Thế giới văn minh người ta tưởng sẽ không cần Thiên Chúa, Thế nhưng, qua đại dịch và chiến tranh lan tràn, thì con người lại càng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự dữ để nhờ đó biết bám vào Chúa, biết trông cậy vào sự bảo vệ của Chúa hơn.

Lạy Chúa Thánh Thần, có lẽ với con, Ngài là Thiên Chúa bị lãng quên thực sự. Xin giúp con, một lần biết tín thác, một lần biết đặt trọn vẹn niềm tin vào Ngài. Để rồi từ đây, con cứ dạn dĩ bước đi, dưới sự hướng dẫn, dưới sức mạnh và khôn ngoan của Đấng là Ngôi Ba Thiên Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————

Tác Động Của Chúa Thánh Thần

Phaolô tàn phá Hội thánh
Thánh Phaolô là vị tông đồ rất đặc biệt. Ngài không được Chúa Giêsu tuyển chọn từ đầu, không trực tiếp nghe lời Chúa Giêsu giảng như các tông đồ khác, không biết Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến… nên đã kịch liệt chống lại Ngài, quyết triệt hạ đạo thánh Chúa và đã ra tay bắt bớ những người tin Chúa cách tàn bạo.

Chính thánh Phaolô xác nhận hành vi tàn phá Hội Thánh của mình như sau:
“Tôi đã bắt bớ Đạo nầy, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà…. giải về Giêrusalem trừng trị” (Cv 22, 4-5).
“Tôi đã dùng mọi cách để chống lại Đức Giêsu người Nazareth… Được các thượng tế uỷ quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ” (Cv 26, 10-11).

Thế mà Chúa Thánh Thần đã hoán cải Phaolô từ một người chưa hề nghe Chúa Giêsu giảng dạy trở thành một bậc thầy thông thạo giáo lý của Ngài, từ một hung thần diệt Đạo trở thành một tông đồ hăng say, nhiệt thành, sẵn sàng chịu đựng vô vàn đau thương khốn đốn để rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh và xây dựng Đạo Thánh. Như thế, Chúa Thánh Thần có vai trò rất quan trọng trong cuộc đời thánh Phaolô.

Tác động của Chúa Thánh Thần
Khi Chúa Thánh Thần chưa hiện xuống trên các tông đồ, các ngài đều e dè sợ hãi, co cụm với nhau như những xác không hồn trong phòng đóng kín vì sợ người Do Thái, chẳng ai dám đi ra làm chứng cho Chúa Phục Sinh.

Thế rồi sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần trong lễ Ngũ tuần, nhờ Chúa Thánh Thần tác động, các tông đồ trở nên những chiến sĩ can trường dũng cảm, hăng hái lên đường, sẵn sàng chấp nhận lao tù, đòn vọt và hy sinh chịu chết để loan Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.

Nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần mà Phêrô, từ một người nhát đảm từng chối Chúa ba lần, đã dũng cảm đứng lên giữa đám đông quần chúng, rao giảng cho mọi người biết Chúa Giêsu là Đấng cứu độ và có đến ba ngàn người tin và lãnh nhận Phép Rửa ngày hôm ấy.

Tại Việt Nam trước đây, khi các linh mục thừa sai Châu Âu mới đặt chân lên đất nước chúng ta loan báo Tin Mừng, ông bà tổ tiên chúng ta chỉ được nghe các ngài dạy đạo cách vắn gọn đơn sơ, nên chẳng hiểu nhiều về Thiên Chúa, lại phải bị nhà cầm quyền cấm đoán, bắt bớ, giết hại… trong suốt hơn 300 năm. Vậy mà nhờ Chúa Thánh Thần tác động, các ngài đã sống đạo sốt sắng nhiệt thành, có sức truyền đạo mạnh mẽ và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Đạo Thánh.

Ngoài 117 vị tử đạo Việt Nam được Giáo hội chính thức tuyên thánh, còn có đến trên 130.000 tín hữu khác đã vui lòng chịu chết vì đức tin.

Và hôm nay, có nhiều tín hữu đơn sơ chất phác, không có cơ hội học đạo nhiều, thế mà nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, họ vẫn có lòng tin mạnh mẽ, có lòng mến Chúa thiết tha, lòng đạo đức sâu xa… rất đáng khâm phục.

Lạy Chúa Thánh Thần. Xin ngự xuống tâm hồn chúng con như trên các tông đồ hôm xưa và đốt lên trong lòng chúng con lửa mến nhiệt thành, để chúng con sẵn sàng và mạnh dạn mang Tin Mừng Chúa đến với bao người chung quanh. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————

 

Suối Tình
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Lửa hồng sưởi ấm trái tim côi

Thanh luyện tâm can sáng rạng ngời

Nhút nhát, yếu hèn neo bến đậu

Vững vàng, can đảm quyết ra khơi

Bước đường tăm tối lời câm lặng

Vạn nẻo chiếu soi tiếng gọi mời

Sức sống thần linh ơn bảo trợ

Khơi nguồn mạch mới tới muôn nơi.

Hạt Nắng

——————————–

 

Hồi Sinh
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Mơ danh vọng tranh giành cao thấp,
ham tiền tài bất chấp mưu mô.
Lưu linh kiếp sống mơ hồ,
con tim băng giá cơ đồ bấp bênh.

Ánh lửa thiêng Thánh Thần soi sáng,
chiếu hồn con ngày tháng u mê.
Biến đổi thân xác nặng nề,
thoát vòng trần tục nhiêu khê cuộc đời.

Sự sống mới đâm chồi nảy lộc,
nguồn bình an thoáng chốc hồi sinh.
Hoa tươi đón ánh bình minh,
hồn con đón Đấng Thần Linh hộ phù.

Đời nhân chứng chu du khắp chốn,
dẫu gian nan, thiếu thốn, hiểm nguy.
Dứt tình tham – hận – sân – si,
Công bình – bác ái thực thi Tin Mừng.

Trời đất mới tưng bừng rộn rã,
tiếng tình yêu giục giã lên đường.
Loan truyền đi khắp muôn phương,
niềm vui Cứu Độ Chúa thương nhân trần.

Đàn reo Khúc Hát Chứng Nhân …

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————–

 

Lửa Hồng
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Đêm lang thang, giữa dòng đời hiu quạnh,
xóm nhỏ khuya lầy lội ngập lối về.
Trong đêm đen ngọn lửa hồng lấp lánh,
chiếu soi lòng đốt cháy những đam mê.

Hoa xinh tươi ngậm từng giọt sương vàng,
khẽ tỏa hương hòa nhịp cùng nắng hồng.
Trong yêu thương con nhận nguồn ánh sáng,
sưởi ấm lòng tan băng giá đêm đông.

Nguồn sức sống hồi sinh cánh hoa tàn,
Chúa Thánh Thần nguồn hạnh phúc bình an.
Ngọn lửa mến đốt hồn con sốt mến,
Thần Khí Chúa đồng hành con vui bước hân hoan.

Loan tin vui ơn cứu chuộc muôn người,
Chúa Tình Yêu gánh tội, thập giá buồn.
Trong tin yêu xây dựng đời sống mới,
giữa cuộc đời vun đắp tình yêu thương.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————-

 

Khát Vọng
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Như hoa dại gục đầu mong đợi,
mưa đầu mùa diệu vợi nơi nao.
Nguyện xin trời đổ mưa rào,
cho hoa ngửa mặt đón chào bình minh.

Em như kẻ bạc tình ảo vọng,
phụ tình Chàng xây mộng trời mơ.
Thân em tơi tả bơ phờ,
Chàng yêu vẫn đợi vẫn chờ tình em.

Chàng là Gió êm đềm rung động,
ru đời em tỉnh mộng cơn say.
Ru em thoát kiếp đọa đày,
nhìn ra Sự Thật tháng ngày trôi qua.

Trời lạnh giá xót xa thân phận,
Ngọn lửa Chàng sưởi ấm lòng em.
Lửa hồng soi sáng đêm đen
xua tan tăm tối dậy men ân tình.

Chàng là Nước hồi sinh nhân cách,
tẩy bụi trần, rửa sạch đam mê.
Rửa hết nỗi nhục ê chề,
thoát cơn bĩ cực lối về hân hoan.

Chàng là Đấng Ủi An, Dũng Lực,
là Trạng Sư, Bênh Vực vỗ về.
Theo em khắp nẻo sơn khê,
dìu em từng bước đi về Nhà Cha.

Đất trời nở rộ muôn hoa…

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————-

 

Suối Tình Yêu
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Tình yêu huyền nhiệm Chúa Thánh Linh,
Như suối ngọt êm mát ân tình,
Như dòng thác đổ nguồn ân sủng,
Hạnh phúc ơn trời tỏa lung linh.

Nhận biết điều lành ơn Khôn Ngoan,
Khai sáng tâm can sống kiện toàn,
Củng cố đức tin, niềm hy vọng,
Thập giá trung thành dẫu đa đoan.

Sự thật Tin Mừng Chúa truyền ban,
Giáo Hội ngàn năm vẫn vững vàng,
Ngài thương! Xin xuống ơn Hiểu Biết,
Vững bước hành trình sống bình an.

Ý nghĩa cuộc đời kiếp nhân sinh,
Vàng- thau, đen – trắng vướng tội tình,
Ý CHÚA kiếm tìm trong nghịch cảnh,
Ánh sáng soi đường ơn Thông Minh.

Vất vả xoay tìm của nuôi thân,
Lao đao, gian khó đuối tinh thần,
Ơn Biết Lo Liệu, Ngài trợ giúp,
Khắc phục vuông tròn mọi khó khăn.

Sứ vụ hằng ngày con thực thi,
Nguồn ơn Sức Mạnh chớ lo gì,
Đối diện với muôn vàn nguy khó,
Chịu đựng can trường vững bước đi.

Mến yêu Thiên Chúa hết tâm hồn,
Danh Chúa ngàn trùng con suy tôn,
Nguyện xin chúc phúc ơn Đạo Đức,
Chia sẻ tình người giữa xóm thôn.

Tuyệt đối tôn thờ Thiên Chúa thôi,
Trần gian lạc thú dẫu gọi mời,
Hấp lực tách rời xa Thiên Chúa,
Ơn Kính Sợ Người luôn sáng tươi.

Dòng sữa ngọt ngào, con ngước trông,
Ngài ơi! Xin biến đổi cõi lòng,
Ân huệ dồi dào Ngài giáng phúc,
Suối nguồn đặc sủng con khát mong.

AP. Mặc Trầm Cung