SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 849, CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH – A, CHÚA THĂNG THIÊN, 21/05/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 28, 16-20)

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Sự Sống Mới – Hiện Diện Mi ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Hãy Đi – Vì Có Thầy Ở Cùng! Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Cõi Trời Ở Đâu? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chúa Lên Trười Dọn Chỗ Cho Chúng Ta Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Vinh Thắng Hạt Nắng Trg 9
Lên Đàng Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Tình Ca Nhân Chứng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Bài Sai A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12

 

Sự Sống Mới – Hiện Diện Mới

Có lẽ nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: sao trong bài Phúc Âm lễ Thăng Thiên hôm nay, chẳng thấy nói gì đến trời, đến bay lên? Thắc mắc như vậy là hợp lý. Ta vẫn quen gọi hôm nay là lễ Chúa Giêsu lên trời. Và theo quan niệm bình dân, không gian chia làm ba tầng. Tầng dưới đất là âm ty, địa ngục, dành cho người chết. Tầng mặt đất mà ta đang sống là dương gian. Và tầng trên mặt đất là trời. Chúa Giêsu đã sống trên mặt đất, khi chết Người bị chôn trong lòng đất, đi vào cõi âm ty. Sống lại, Người trở lại mặt đất. Và hôm nay Người được đưa lên trời, bay lên đám mây, ngự bên hữu Chúa Cha.

Đó chỉ là một lối diễn tả bình dân. Thực ra, trời đâu phải là một nơi chốn. Con người có thân xác, bị giới hạn trong không gian, cần một nơi chốn để cư ngụ. Thiên Chúa không bị giới hạn trong không gian thì đâu còn bên tả bên hữu gì nữa.

Vậy, tại sao ta nói Chúa Giêsu lên trời? Lên trời ở đây có ý nghĩa gì?
Trời không phải là một nơi chốn, nhưng là một trạng thái, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hoà yêu thương. Sự sống của Thiên chúa không giống sự sống của cây cỏ. Cũng không giống như sự sống của động vật hay loài người. Đó là sự sống thần linh. Sự sống vượt không gian, vượt thời gian, không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất. Sự sống không còn bị hao hụt, giảm thiểu bởi đau đớn, bệnh tật, đói khát. Đó là sự sống viên mãn tràn đầy. Được tham dự vào sự sống ấy là một hạnh phúc vô song. Đó chính là thiên đường.

Lên trời hay lên thiên đàng như vậy không phải là thay đổi nơi chốn nhưng là thay đổi sự sống. Đó là chuyển đổi sự sống hữu hạn của con người sang sự sống vô hạn của Thiên Chúa. Đó là rời bỏ thế giới hữu hạn của loài người để bước vào thế giới vô hạn của Thiên Chúa. Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Giêsu về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, sống cuộc sống Thiên Chúa. Lên trời không phải lên theo chiều cao trong không gian vật lý. Nhưng là lên theo cấp độ sự sống, là sống cao hơn, mạnh mẽ hơn, tràn đầy hơn.

Chính vì thế, Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới, để đi vào xa vắng mịt mù. Nhưng Người đi vào một hiện hữu mới để hiện diện mãnh liệt hơn. Không còn bị kềm chế trong không gian, giờ đây Người hiện diện ở khắp mọi nơi. Không còn bị lệ thuộc vào một thân xác, giờ đây Người có thể hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Người ở đó trong những trang Sách Thánh đầy lời lẽ nhiệm mầu để dạy cho ta biết con đường về với Thiên Chúa. Người ở đó trong Bí tích Thánh Thể huyền diệu để nuôi linh hồn ta, để kết hợp với ta, để giúp ta đủ sức mạnh đi hết con đường trần gian khổ. Người ở đó trong những người anh em đồng tâm nhất trí cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Người ở đó trong những anh em bé nhỏ nghèo hèn đang chờ chúng ta mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay nhân ái. Người ở đó trong những người hiến thân phục vụ anh em, trong những người hy sinh bản thân mình cho công bình, cho chân lý, cho một thế giới tươi đẹp hơn. Người có mặt trên khắp mọi nơi nẻo đường, trong tất cả mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Người có mặt trong mọi thời gian đúng như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu: Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bây giờ chúng ta đã hiểu lên trời không phải là bay bổng lên không gian. Nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, hay là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.
Bây giờ thì chúng ta đã hiểu, lên trời không phải là vắng mặt, là xa vắng nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.

Chúa Giêsu là người mở đường cho nhân loại. Người tiến về một thế giới sự sống viên mãn, cao cả để cho ta thêm niềm tin tưởng rằng: vận mệnh của Người cũng sẽ là vận mệnh của ta. Ta cũng sẽ được cùng Người bước vào sự sống thần linh vĩnh cửu, miễn là ta đi vào con đường của Người: con đường khiêm nhường phục vụ. Miễn là ta vâng giữ lời Người truyền dạy: Hãy yêu tha nhân như chính bản thân mình.

Lạy Đức Giêsu, xin hãy nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn có cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày?
2) Bạn làm cách nào để mọi người cảm thấy Chúa Giêsu đang hiện diện mãnh liệt trong thế giới?
3) Bạn làm gì để xây dựng Nước Trời?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————————–

 

Hãy Đi… Vì Có Thầy Ở Cùng!

Có một vấn nạn không dễ gì lý giải: địa điểm Chúa lên trời thực sự ở đâu: Galilêa hay Giêrusalem, hai địa điểm cách xa nhau tới vài trăm cây số? Tác giả Luca khẳng định rất rõ ràng: tại Giêrusalem, địa điểm đó gần Bêtania (Lc 24, 47.50; Cv 1, 4-12), trong khi Matthêu lại xác định: một ngọn núi miền Galilêa (Mt 28, 16). Tôi đã đặt câu hỏi này cho hướng dẫn viên chuyến hành hương Đất Thánh năm 2005, giáo sư Coffele của đại học UPS, và tôi nhận được câu trả lời lấp lửng: ‘truyền thống’ luôn xác định là Giêrusalem (lúc đó chúng tôi đang viếng đền thờ Thăng Thiên do người Hồi Giáo quản lý, có cả tảng đá in vết chân Chúa khi Người được cất lên trời!). Điều đó cho thấy: khi Kinh Thánh đề cập tới bất cứ biến cố nào thì điều quan trọng nhất cần lưu tâm vẫn là nội dung của sứ điệp hơn là chính sự kiện; đoạn Tin Mừng hôm nay cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Về biến cố Đấng phục sinh thăng thiên thì: chỉ có Luca mới tường thuật cách tương đối chi tiết, trong khi các tác giả khác, hoặc không đề cập gì (Gioan và Matthêu), hoặc chỉ thoáng qua mà thôi (Marcô).

Tin Mừng Matthêu chúng ta đọc hôm nay, thay vì mô tả chính biến cố Chúa về trời, thì chỉ đơn giản ghi lại những lời căn dặn và trăn trối đầy tâm huyết cuối cùng Đức Giêsu gửi gấm các môn đệ thân yêu trước khi vĩnh viễn rời xa họ.

Trong giờ phút ly biệt chấm dứt sự hiện diện trần thế của mình, Đức Giêsu long trọng công bố: Vương Quốc Người chính là quyền lực yêu thương của Thập Giá đã được vĩnh viễn xác lập và bao trùm; “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Đồng thời Người cũng căn dặn các môn đệ còn ở lại, và truyền cho họ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Như vậy Thăng Thiên, như Matthêu mô tả, trước hết phải được hiểu như một ‘lệnh lên đường’ ra đi để mở rộng vương quốc Kitô. Chúa về trời là để tạo điều kiện cho các môn đệ có thể tự do lên đường; “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em hơn” (Ga 16:7); Chúa về trời là để vương quốc tình yêu của Người được mở rộng tới mọi nơi, tới mọi cõi lòng. Hướng nhìn của biến cố ‘Chúa lên trời’ không phải là đưa tầm mắt về không gian vũ trụ vô tận, mà là đi sâu vào niềm tin bên trong tâm hồn mỗi con người; “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” (Cv 1:11) Sự hùng vĩ và huy hoàng của ‘lên trời’ không phải là một thứ ánh sáng chói lòa của tinh tú hay mây trời, nhưng là “anh em nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em… anh em là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Như vậy việc mừng ‘Chúa lên trời’ đối với Kitô hữu sẽ phải đồng nghĩa với việc xác định lại niềm tin vào quyền lực yêu thương của Thầy Giêsu, và khẳng định lại quyết tâm mở rộng vương quốc tình yêu đó tới mọi tâm hồn và cho tới tận cùng trái đất. Do đó Thăng Thiên chính là một biến cố nội tâm sâu xa nhất, một lệnh truyền dõng dạc và một đòi hỏi khắt khe nhất đối với niềm tin của mỗi chúng ta.

“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” – lời trăn trối tâm huyết làm sao, chính vào lúc hình bóng Thầy Giêsu Kitô lặng lẽ bị mây trời che khuất! ‘Xa mặt thì cách lòng’, thói đời vẫn thế…! Đức Giêsu thì khẳng định ngược lại, khi ‘các ông không còn thấy Người nữa’ thì lại là lúc Người ‘cận lòng’ và gần gũi thắm thiết với từng môn đệ hơn bao giờ hết. Thậm chí sự gần gũi thắm thiết này còn được hiện thân hóa bằng cả một nhân vật kỳ diệu được Người sai phái đến: Thần Khí – Đấng Bảo Trợ – Thần Chân lý. Các môn đệ mừng vui là phải, bởi vì ‘Chúa về trời’ đâu phải là mất mát, là xa cách; các ông được lợi, lợi rất nhiều, nhiều tới mức sung mãn nhất! Các ông được sở hữu Thầy Giêsu cách trọn vẹn và vĩnh viễn, qua sự hiện diện phong phú tột cùng của Thánh Thần đổ tràn vào tâm hồn: “Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em…” (Ga 14:17). Câu Đức Giêsu nói với tông đồ Tôma ngày nào: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20:29) đang lộ rõ nội dung cụ thể, phong phú và thâm sâu nhất, có giá trị cho hết mọi thời… tới tận thời đại chúng ta hôm nay.

Như thế mừng Chúa Thăng Thiên không phải là: mừng vì Đức Kitô được vinh thăng, mà thực chất là mừng cho người môn đệ, vì… qua biến cố đó, mỗi Kitô hữu chúng ta đều được cất nhắc lên cách tuyệt diệu. Niềm vui đó ta có được, không phải vì chăm chú nhìn lên trời cho dầu đó là thiên đàng đi nữa, để mà mơ ước mà chờ đợi, nhưng là vì đi sâu vào nội tâm – nơi Thần Khí Đức Kitô Giêsu hiện diện và tác động, để nghiệm thấy tình yêu mạnh mẽ của Người, và sẵn sàng để cho tình yêu đó thúc bách ta lên đường công bố niềm vui Phục Sinh cho hết mọi tạo vật.

Lạy Chúa Thăng Thiên vinh hiển, con xin được ca ngợi Chúa đã lên trời trong âm thầm lặng lẽ hơn là trong hoành tráng phô trương. Con cảm tạ Chúa đã ra đi vĩnh viễn để niềm tin con tập trung hơn vào Thần Khí đã được Người sai đến, và đang ngự trị trong thẳm sâu cõi lòng con. Do đó, xin cho con luôn xác tín rằng: Chúa hằng ở cùng con, và sức mạnh tình yêu của Người luôn thôi thúc con lên đường rao giảng Tin Mừng cứu độ. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————

 

Cõi Trời Ở Đâu?

Ở đời ai cũng mơ ước sau khi kết thúc quán trọ trần gian này thì linh hồn sẽ bay về trời, sẽ về “cõi trời” để vui hưởng hạnh phúc đời đời.
Vậy “cõi trời” ở đâu?
Thưa, cõi trời hay còn gọi là thiên đàng. Trong kinh “Lạy Cha” câu mở đầu nói rõ: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Cha chúng ta là Đấng ở trên trời, và những ai sống theo ý Chúa cũng sẽ được về trời như Mẹ Maria đã lên trời, như các thánh nam nữ luôn chúc tụng Chúa trên các tầng trời”…

Thế nhưng, thiên đàng là “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không thể nghĩ tới, lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (1cor 2:9).

Do đó, cõi trời ấy không phải là một nơi thể lý có thể nhìn thấy được mà là một tình trạng trọn hảo về vẻ đẹp, về hạnh phúc, về tính bất tử vượt thời gian…

Chúng ta biết về “cõi trời” ấy là nhờ lời chứng của Chúa Giêsu. Ngài đã từng nói rằng Nhà Cha của Ngài có nhiều chỗ, và Ngài đi trước để dọn chỗ cho ”chúng ta” , để Ngài ở đâu thì ”chúng ta” cũng ở đó với Ngài.

Hôm nay chúng ta mừng Chúa về Cõi Trời. Mừng Chúa đã hoàn tất cuộc đời trần thế của mình trong vâng phục thánh ý Chúa Cha là cứu độ trần gian. Và hôm nay Ngài khải hoàn về cõi trời để nhận lãnh triều thiên chiến thắng. Ngài đã chiến thắng ngục tù của thần chết để tự mình sống lại. Ma quỷ đã bị đánh bại. Cửa phục sinh đã được mở ra. Cuộc sống con người sau những bể dâu cuộc đời cũng có một bến bờ yên bình hạnh phúc là quê Cha trên Trời.

Chúa về Trời cho chúng ta niềm hy vọng sẽ được lên trời với Chúa nếu biết đi trên con đường của Chúa. Con đường của hy sinh phục vụ. Con đường dấn thân cứu đời. Con đường sống vì lợi ích của tha nhân. Con đường ấy luôn để cho thánh ý Chúa Cha được thực hiện.

Cuộc sống con người là một hành trình. Nếu hành trình ấy cứ loanh quanh không điểm đến sẽ làm cho cuộc sống mỏi mệt, chán nản và thất vọng. Niềm tin Kitô cho chúng ta biết điểm tới của kiếp người chính là “cõi trời”. Đó là nơi không còn đau khổ, không còn những tham sân si mà là nơi hoàn hảo trọn vẹn. Đó là nơi con người đạt tới sự sung mãn hạnh phúc trên cõi trời với Chúa.

Xin cho chúng ta luôn theo gương Chúa Giêsu tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa Cha.

Xin đừng vì những đam mê trần thế là danh lợi thú mà bỏ bê bổn phận của người con với Cha trên trời. Xin Chúa giúp chúng ta biết hoàn tất sứ vụ cuộc đời của mình thật tốt đẹp để xứng đáng nhận phần ân phúc trong Nước Trời mai sau. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————-

Chúa Lên Trời Dọn Chỗ Cho Chúng Ta
Con thuyền không bến
Một chiếc thuyền lênh đênh giữa đại dương bao la, hết ngày nầy qua ngày khác, hết năm nầy đến năm kia, thuyền cứ trôi nổi bồng bềnh trên sóng nước mà không có bến đậu cho đến ngày mục nát… thì thật đau buồn!
Thế giới hôm nay cũng có lắm mảnh đời có chung số phận như con thuyền không bến nầy. Người ta sống mà chẳng biết mình sống vì mục đích gì, chết rồi sẽ ra sao… Cuộc đời của họ như thuyền trôi lênh đênh, không mục đích, không định hướng, không tương lai, không hy vọng… Vì thế, họ thấy cuộc sống là vô nghĩa và phi lý… Sống như thuyền không bến thì bi đát biết bao!
Cuộc phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu đem hy vọng cho thế giới
Chúa Giêsu là Thiên Chúa xuống thế làm người và đã sống trọn vẹn thân phận con người như chúng ta.
– Ngài đã đi đến tận cùng đau khổ khi bị hành hình như một tội đồ gian ác nhất và chịu chết tủi nhục, thê thảm trên thập giá.
– Ngài đã cảm nếm sự cô đơn cực độ khi hấp hối trên thập giá, bị người đời ghét bỏ, nhạo cười và cảm thấy dường như cả Chúa Cha cũng từ bỏ mình.
– Ngài đã rơi vào tối tăm bi thảm của kiếp người khi trở thành một thi hài không còn sự sống và chịu mai táng trong mồ hoang lạnh!
Thế rồi,
Nhờ quyền năng Chúa Cha, Ngài đã sống lại và lên trời vinh hiển.
Qua việc phục sinh và lên trời vinh hiển, Chúa Giêsu khai mở cho nhân loại một con đường tiến vào thiên đàng hồng phúc, nơi không còn đau khổ, tang thương, chết chóc nhưng tràn đầy hoan lạc và bình an.
Chúa Giêsu lên trời không phải để rời xa chúng ta, nhưng Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta như lời Ngài nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).
Thế là từ đây, cửa trời đã được mở ra, vương quốc trường sinh đã được dọn sẵn để đón nhận muôn dân muôn nước vào hưởng phúc đời đời.
Từ đây, đời người không phải như những con thuyền không bến, mà có một bờ bến tuyệt vời là thiên đàng, là chốn hạnh phúc thiên thu vạn đại đang chờ đón họ.
Nhờ sự lên trời vinh hiển, Chúa Giêsu cho thấy cuộc đời rất đáng sống vì những chuỗi ngày ở trần gian là những bậc thang dẫn đưa nhân loại tiến đến quê trời.
Hướng lòng về thượng giới
Biến cố Chúa Giêsu lên trời hướng lòng trí chúng ta về quê hương đích thực của mình trên thiên quốc và thúc đẩy chúng ta phấn đấu để đạt tới mục tiêu cao quý nầy. Thánh Phaolô trong thư Côlôxê kêu gọi chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, thì hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới…” (Col 3,1-2).
Lạy Chúa Giêsu. Sự phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa đã đem lại cho đời người một hướng đi, đó là tiến về thiên quốc, đã mang lại cho đời sống con người một ý nghĩa cao đẹp, đã khơi lên trong lòng người niềm hy vọng mai đây được vui sống hạnh phúc trên thiên đàng.
Xin cho chúng con hôm nay luôn hướng lòng về thượng giới, cố gắng sống tốt lành thánh thiện để mai sau, được cùng nhau sum họp bên Chúa trên thiên quốc. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————-

 

Vinh Thắng
Lễ Chúa Thăng Thiên – A – (Mt 28, 16 – 20)

Sự sống siêu nhiên cao quí thay

Nhiệm mầu phong phú hồn mê say

Không gian vô thủy không ràng buộc

Thời khắc vô chung viên mãn đầy

Hạnh phúc Nước Trời vui hiện tại

Bình an Thần Khí vững tương lai

Con đường thập giá tình nhân chứng,

Vinh thắng thăng thiên nối gót Thầy.

Hạt Nắng

———————————————

 

Lên Đàng
Lễ Chúa Thăng Thiên – A – (Mt 28, 16 – 20)

Trời đất mới chan hòa ánh sáng,
nguồn tình yêu viên mãn, bình an.
Thăng thiên giờ khắc vinh quang,
Thầy đi mở lối vĩnh hằng cho con.

Đường thập tự vuông tròn thánh ý,
đường khiêm nhu, chí khí kiên trung.
Thần Khí Thiên Chúa ở cùng,
ra đi gieo rắc Tin Mừng muôn nơi.

Sự sống mới rạng ngời bất diệt,
nối kết con thắm thiết với Ngài.
Đường gian khổ, lắm chông gai,
có Thầy nhịp bước đường dài trần gian.

Tình Ca Nhân Chứng Lên Đàng …

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————–

 

Tình Ca Nhân Chứng
Lễ Chúa Thăng Thiên – A (Mt 28, 16 – 20)

Lòng hân hoan con bước lên đàng,
dầu phía trước còn lắm gian nan.
Nhìn trời mây, ánh nắng huy hoàng,
Chúa đã Thăng Thiên mở lối thiên đàng.

Đồi Can-vê Chúa đã can trường,
đường thập giá hiến tế yêu thương.
Bài học “Yêu” Chúa đã mở đường,
nâng đỡ chân con vững bước kiên cường.

Trời đất mới đã mở ra,
cho con hoan ca đi vào thế giới.
Thần Khí Chúa bước chung đôi,
Đưa con ra khơi, vào giữa cuộc đời.

Lòng hân hoan, rộn rã tưng bừng,
vào thế giới Danh Chúa tuyên xưng.
Dầu chông gai có Chúa ở cùng,
chí khí trung kiên loan báo Tin Mừng.

M. Madalena Hoa Ngâu

—————————————–

 

Bài Sai
Lễ Chúa Thăng Thiên – A
(Các con hãy đi giảng dạy muôn dân – Mt 28, 19)

Đăm đăm ngước nhìn trời xanh thẳm,
nghĩa Thầy trò sâu đậm đầy vơi.
Ngẩn ngơ con đứng nhìn trời,
nhớ bao kỷ niệm nhớ lời Thầy trao.

Lời di chúc ngọt ngào trong sáng,
sống yêu thương sứ mạng loan truyền.
Muôn dân nhận biết ơn thiêng,
nhận ơn cứu chuộc, nhận thuyền ra khơi.

Đường Thập Tự gọi mời nhân chứng,
đường khổ đau minh chứng tình yêu.
Chiên non hoang dại còn nhiều,
đưa về đoàn tụ sớm chiều dạy khuyên.

Phút chia tay tình riêng ban tặng,
ơn Thánh Linh thầm lặng thiêng liêng.
Lên đường rao giảng lời thiêng,
Tin Mừng cứu độ trung kiên đá vàng.

AP. Mặc Trầm Cung