SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 847, CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – A, 07/05/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14, 1-12)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”.
Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”.
Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha’? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm.
Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Đường Giêsu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Ai Biết Tôi Là Biết Chúa Cha Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Con Đường Giêsu Hạt Nắng Trg 8
Đường Sự Sống Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Đường Tinh Con Đi M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Đường Sự Sống A.P. Mặc Trầm Cung Trg 11

 

————————————

 

Đường Giêsu

Băn khoăn về nguồn cội con người, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, thao thức truy tìm cứu cánh của đời người đã tiếp nối bằng bao thế kỷ mà không có được câu trả lời thoả đáng. Con người bơ vơ giữa ngã ba không biết phải đi về đâu. Khi xuống trần, Chúa Giêsu đã cho ta biết nguồn cội của Người là Đức Chúa Cha, ý nghĩa đời Người là thi hành thánh ý Chúa Cha, và cùng đích đời Người là trở về với Chúa Cha. Muốn về với Đức Chúa Cha, ta phải theo một con đường. Đường ấy có tên là GIÊSU. Đường này chắc chắn an toàn đi đến nơi về đến chốn vì Chúa Giêsu là người mở đường. Người chính là con đường và Người là tâm điểm của đích tới.

Chúa Giêsu là người mở đường.
Đi đâu cũng cần có đường. Không con đường nào tự nhiên có. Phải có người mở đường.
Có người mở ra những con đường vật chất, nhờ có óc phiêu lưu mạo hiểm, có tầm nhìn bao quát, có óc tính toán thực tế.
Có người mở ra những con đường suy tư triết học, sáng tác nghệ thuật, nhờ trí tuệ thông minh xuất chúng, có tư duy sáng tạo, có trực giác bén nhạy, có trí tưởng tượng phong phú.

Nhưng không ai có thể mở con đường lên trời. Đường lên trời hoàn toàn vượt khả năng con người. Phải có Đấng, ấy là Chúa Giêsu, Người đã đến từ Đức Chúa Cha, nay Người trở về cùng Đức Chúa Cha. Người lại hứa dọn chỗ cho ta trong Nhà Cha. Với những thông tin như thế, Người đã cho ta biết Trời chính là Nhà Cha. Quê Trời trở thành Quê Cha. Nước Trời trở thành một cõi đi về thân thương của con người. Con đường đi về ấy, chính Chúa Giêsu đã mở.

Chúa Giêsu là đường.
Không chỉ là người mở đường. Chúa Giêsu chính là con đường. Để về Nhà Cha, ta không chỉ đi theo, đi với mà còn phải đi trong Người. Không chỉ đi trong đường lối, trong tinh thần, nhưng trong chính bản thân Người. Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống của thân nho. Như bánh rượu tan hoà vào trong máu thịt trở nên thành phần của bản thân ta. Như bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính loài người trong bản thân Người. Đi trong Người để ta ở trong Người như Người ở trong Chúa Cha. Đi trong Người để ta mang hình ảnh của Người, để ai thấy ta cũng như thấy Người, như “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.

Chúa Giêsu là đích tới của con đường.
Đi trong Chúa Giêsu là một hành trình dài. Đi suốt cả đời chưa chắc đã tới.
Để đi trong Chúa Giêsu ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Người, cũng như Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, để trở nên một với Chúa Cha.
Khi đã hoàn toàn từ bỏ hết ý riêng và trở nên một với Người cũng là lúc ta đạt tới đích điểm, là lúc ta gặp được Chúa Cha, là lúc ta ở trong Nhà Cha, là lúc ta đạt tới Quê Hương yêu dấu trên trời.

Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết đi trong con đường của Người.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn hãy thử tìm ra những đặc điểm của con đường Giêsu (Vd: hiền lành, khiêm nhường…)
2) Bạn còn xa hay đã gần con đường Giêsu?
3) Bạn có mong đi trọn vẹn trong con đường Giêsu không? Nếu muốn, bạn cần những điều kiện nào nữa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————-

 

Ai Biết Tôi Là Biết Chúa Cha

“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”, thiết tưởng lời thỉnh cầu của tông đồ Philipphê cũng đồng thời diễn tả ước nguyện sâu xa của mỗi người chúng ta, các Kitô hữu hôm nay. Như biết bao người ‘có đạo’ khác, tôi vẫn đinh ninh rằng: mình thật sự tin có Thiên Chúa, và mình có trách nhiệm phải nói, phải chứng minh, phải thuyết phục để mọi người cùng tin rằng: thật sự có Thiên Chúa, Thiên Chúa thực sự hiện hữu. Thế nhưng thú thật, khi làm công việc đó tôi thấy mình cần phải là một triết gia, một nhà lý luận hơn là một tín hữu; đồng thời cũng nhận ra rằng, cho dầu có học hành thông thái tới mấy chưa chắc mình có thể thuyết phục nổi ai. Nhiều người trong chúng ta đã từng có lần tự vấn: có thật tôi biết, tôi tin cách xác thực Thiên Chúa, như thể tôi đã tận mắt thấy Ngài chưa? Trong thâm tâm biết bao người trong chúng ta vẫn thầm ấp ủ mộng ước một ngày nào đó mình sẽ được ‘thấy’ Thiên Chúa, qua một phép lạ nhãn tiền chẳng hạn, khi Ngài tỏ lộ cách công khai quyền năng và thượng trí khôn ngoan của Ngài…
Có thể cũng tương tự như thế đối với các môn đệ, cụ thể hai tông đồ Tôma và Philipphê; mong muốn được biết cách sâu hơn về Thiên Chúa đã là ước vọng hai ông ấp ủ từ lâu, đồng thời cũng là mục đích của việc các ông đi theo Thầy Giêsu. Chắc chắn các ông đã từng được nghe Thầy nói nhiều về Chúa Cha; tuy nhiên giữa những gì Thầy trình bày và khái niệm các ông có về Đức Chúa Cựu Ước xem ra chẳng mấy ăn khớp với nhau. Trong thâm tâm các ông vẫn mơ ước một ngày nào đó Đức Giêsu tỏ cho các ông được thấy Chúa Cha trong quyền uy sáng láng, như hình ảnh các ông vẫn có về Đức Chúa. Các ông đinh ninh rằng, chỉ như thế các ông mới cảm thấy toại nguyện: “xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!”
Đức Giêsu tỏ thái độ vô cùng kinh ngạc trước lời thỉnh nguyện của các ông: “Tại sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?” Quả thật, Người ngạc nhiên có lẽ vì vẫn yên trí rằng: sự hiện diện trần thế của Người hiển nhiên là để mạc khải Chúa Cha, rằng Người chính là Lời của Cha. Người coi như minh nhiên việc các môn đệ phải hiểu được điều căn bản đó. Vậy mà cho tới giờ này các ông vẫn hoàn toàn mù tịt! “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà… anh chưa biết thầy ư? Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người… Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.
Cuộc đối thoại trên cho chúng ta thấy: có rất nhiều cách để một người tin hoặc biết về Thiên Chúa; sơ đẳng nhất vẫn là người ta mơ hồ biết rằng có Thiên Chúa; sau đó người ta có thể biết thêm một vài yếu tính của Ngài như Ngài tự hữu, Ngài tạo dựng trời đất, Ngài quyền năng, thông minh, thánh thiện vô cùng… Đầu óc suy luận của con người có thể dẫn chúng ta tới một niềm tin, hay hiểu biết về Thiên Chúa đại loại như thế (các tôn giáo khác đều ít nhiều tin như vậy). Thế nhưng có một thứ ‘biết’ khác, thứ biết mà Tin Mừng sử dụng, đó là biết trong tương quan sống động và mật thiết mà chỉ có tiếp xúc trực tiếp mới có. Thứ ‘biết’ này nhất thiết cần ‘chạm tới’, hay ít ra qua một cầu nối cụ thể…, và như thế thì chỉ duy nhất một mình Giêsu Nazareth, Đấng từ cung lòng Thiên Chúa mà đến, mới có thể cho biết được: “Không ai đã lên trời (để mà thật sự hiểu biết được Thiên Chúa là ai), ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13). Thiên Chúa mà người Kitô hữu tin khác xa một trời một vực với Thiên Chúa của triết học, hay của các tôn giáo khác. Vì thế cho nên, dầu không phủ nhận những khái niệm về Đức Chúa Giavê của người Do Thái đương thời, Đức Giêsu, bằng lời giảng dạy nhưng nhất là bằng chính cuộc sống và cái chết thập giá của Người, đã tỏ lộ cho các môn đệ thấy một Thiên Chúa vô cùng độc đáo: “Ngài yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một… Ngài không lên án thế gian… nhưng muốn thế gian được cứu độ” (Ga 3:16-17).
Trong cụ thể, một linh mục như tôi đã bao giờ được ‘thấy’ Thiên Chúa như thế chưa, hay ít ra tôi đã có ‘hiểu biết’ nào về Người?; Cái ‘biết’ nào chi phối cuộc sống tôi và làm nền tảng cho những gì tôi trình bày cho giáo dân trong hướng dẫn mục vụ? Rất có thể hình ảnh và hiểu biết mà tôi có về Thiên Chúa, sau bao năm tu học, vẫn quá nặng tính triết lý hay thần học, hay quan niệm cũ của Cựu Ước, chứ chưa thực sự là diện mạo mà Đức Giêsu rắp tâm trình bày? Tôi vẫn thấy một Đức Chúa hùng mạnh, thưởng phạt công minh vừa dễ hiểu lại vừa thiết thực hơn, nhất là trong việc dạy cho các tín hữu làm lành lánh dữ…; thậm chí đôi lúc tôi còn dám đối kháng chính Đức Giêsu với Cha của Người khi khẳng định: cái chết của Người trên thập giá là để làm nguôi cơn thịnh nộ công thẳng của Chúa Cha?! Chính cái lôgích hạ đẳng, lối suy nghĩ cách nhân cách hóa Thiên Chúa đó đã bị Đức Giêsu thẳng thừng gạt bỏ, vì nó phá vỡ nội dung Tin Mừng của sứ điệp cứu độ: Người và Chúa Cha chỉ là một, không thể bị chia cắt hay đối kháng nhau; “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”.
Khi khẳng định Thiên Chúa là Đấng từ bi và giầu lòng thương xót, chúng ta không ngụ ý chỉ nói riêng về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên thập giá để cứu độ chúng ta! Cái chết đó là một khẳng định hùng hồn rằng, chính Thiên Chúa – toàn bộ Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, là giầu lòng thương xót, là từ bi nhân hậu. Ta nghe biết điều đó qua những lời giảng dạy của Đức Giêsu; ta đã thấy điều đó trong cái chết Thập Giá tự hiến của Người, và ta gọi điều đó là Tin Mừng, là niềm tin cất chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi, kể cả trong trường hợp ta có lỗi phạm và sa ngã vào những tội tày trời. Thấy và biết một Thiên Chúa như thế sẽ làm cho toàn bộ đời sống ta trở thành một niềm vui bất tận, cho dầu vẫn tồn tại nơi bản thân những yếu đuối và thất bại nặng nề. Tông đồ Phaolô, trong chương 5 thư gửi các tín hữu Rôma, khẳng định với chúng ta rằng: niềm tin Kitô hữu chính yếu hệ tại ở điều này.
Như thế trong tư cách Kitô hữu, tôi không cần cầu xin được thấy Chúa Cha…, vì Đức Giêsu đã cho tôi thấy tất cả rồi. Người cho tôi được thấy tỏ tường bộ mặt thật của Thiên Chúa qua Thập Giá và cái chết tự hiến của Người, và đó là bộ mặt rất thực của một Thiên Chúa nhân hậu, từ bi và cứu độ!

Lạy Chúa từ nhân, kể từ lần được thoáng gặp Chúa qua biến cố chết lâm sàng tại Mongolia vào cuối năm 2007, con mới thực sự được‘thấy’ Chúa, trước hết như một Thiên Chúa vô cùng nhân từ và hay thương xót. Lẽ ra con đã phải nhận biết điều này từ lâu trước rồi, từ những năm tháng khi con học giáo lý và thần học. Tạ ơn Chúa vì đã cho con được‘thấy’ với cảm nghiệm, Chúa Cha là như thế, và điều đó đã đủ cho con lắm rồi. Con cầu xin để tất cả các Kitô hữu đều cùng con có sự hiểu biết qua cảm nghiệm rằng: Thiên Chúa của Đức Giêsu là như thế; để niềm vui của chúng con được nên trọn vẹn, và để chúng con vui mừng lên đường loan báo Tin Mừng về một Thiên Chúa yêu thương cứu độ cho hết thảy mọi người. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

—————————————

 

Xin Chúa Dẫn Con Về Trời

Người Việt xưa vẫn quan niệm về “cõi âm”- “cõi dương” trong cuộc sống con người. Cõi âm thì lạnh lùng kinh hãi nhưng không thực. Cõi dương là cõi thật, là nơi con người đang sốngnhưng lại lắm thị phi của ghen ghét, lừa lọc, mà Nguyễn Du nói rằng:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Ở trong “cõi người ta” ấy có những khi đâu khác “địa ngục ở miền nhân gian”’ đầy bất công, đầy sa đọa, Con người sống không còn để yêu nhà mà để lợi dụng nhau, chèn ép nhau và gây tổn thương cho nhau như câu thơ đã viết:
Nước trôi hoa rụng đã yên,
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian.

Con người ai cũng mơ ước được sống ở “miền nhân gian” là những năm tháng bình yên, hạnh phúc, nhưng tiếc thay, chính con người lại xây dựng một thứ địa ngục trần gian bằng những bất công, hận thù, chia rẽ dẫn đến “Hết nạn nọ đến nạn kia” do chính con người gây nên.

Sống trong “địa ngục trần gian” nên con người ai cũng có những ước mơ, có những niềm hạnh phúc cho riêng mình. Kẻ thì mơ cảnh giàu sang, người thì mơ được thông minh, xinh đẹp, người khác lại mơ được nổi tiếng… Và khi phải đối diện với “miền nhân gian” đầy bất công và khổ đau thì con người lại ao ước cho mình sớm rời khỏi cõi nhân gian bể khổ này.

Và có lẽ ước mơ muôn thuở của loài người qua mọi thời đại là được đến một cõi bình yên sau khi chết. Cõi ấy không còn đau khổ của tranh chấp, hận thù, không còn bất công và gian dối. Cõi ấy bình yên vĩnh cửu và hạnh phúc ngàn thu.

Chúa Giêsu trước khi về Trời đã mạc khải cho chúng ta cõi ấy là “Nước Thiên Chúa”, cõi ấy là “Nước thiên đàng”. Nơi ấy luôn có đủ chỗ cho những ai cùng bước đi theo Chúa. “Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”. Tuy nhiên, để bước vào cõi Trời và thông hiệp sự sống thần linh của Thiên Chúa thì ngay từ đời này con người cần phải sống theo thánh ý và giáo huấn của Chúa.

Nói cách khác, chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi đến hơi thở cuối cùng. Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Calve. Đó là con đường của tình yêu, tận hiến và hy sinh như Thầy Chí Thánh Giêsu. Đường tình yêu là con đường duy nhất để về Trời. Và Ngài còn nhấn mạnh chỉ những ai thực thi huấn lệnh yêu thương mới là môn đệ đích thực của Thầy Giêsu: “Căn cứ điều này để người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau”.

Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh ghé mắt thương xem cuộc sống chúng ta vẫn còn đó những khổ đau và nước mắt. Xin nâng đỡ những yếu đuối để chúng ta luôn trung thành bước đi theo Chúa trong tín thác xin vâng, để mai sau chúng ta cũng được về quê trời vinh hiển với Ngài. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Gắn Bó Mật Thiết Với Đoàn Con

Đứa con là kho báu quý nhất đời mẹ nên mẹ luôn sống khắn khít với con. Mẹ nào cũng muốn ôm ẵm vỗ về con trong vòng tay thân ái, nuôi con bằng dòng sữa tiết ra từ máu thịt mình, âu yếm con bằng những lời êm đềm thân ái, chăm sóc con từng li từng tí và không hề muốn lìa xa bé bao giờ.

Nếu có việc quan trọng phải xa nhà ít lâu, mẹ không đành để con thơ ở nhà, e rằng phải quay quắt nhớ con… Thế nên, bà phải ẵm con theo mình, dù phải vượt qua muôn dặm đường xa, để mẹ ở đâu thì con cũng ở đó.

Chúa Giêsu cũng gắn bó mật thiết với đoàn con của Ngài như vậy. Ngài muốn Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó. Ngài mong muốn sống cùng, sống với, chia sẻ mọi sự với đoàn con thân yêu. Ước vọng “ở với, ở cùng, ở lại…” với chúng ta được Chúa Giêsu bày tỏ nhiều lần qua Tin Mừng.

– Mở đầu trích đoạn Tin mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời tâm huyết của Chúa Giêsu, trước khi từ giã các ông để chịu khổ nạn. Ngài an ủi các ông rằng:
“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Thầy đi dọn chỗ cho anh em…. Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Y như mẹ hiền gắn bó mật thiết với con thơ.
– Và khi cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con. ”, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Ngài muốn sống gắn bó mật thiết, không hề lìa xa đoàn con mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. Như mẹ hiền không muốn rời con thơ.
– Rồi khi tạm biệt các môn đệ để về Trời, Chúa Giêsu cũng hứa với các ông: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” , như mẹ hiền khắn khít với con thơ.
– Và để thể hiện lời hứa ở cùng các môn đệ mọi ngày, Chúa Giêsu lập nên Bí tích Thánh Thể, để tiếp tục ở với, sống với… đoàn con của Ngài trên dương gian. Nơi Bí tích cực thánh nầy, có Chúa Giêsu toàn vẹn, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, đang thực sự hiện diện dưới hình tấm bánh để ở với chúng ta và trao ban chính mình Ngài cho chúng ta.
Thế là Chúa Giêsu sống đúng với danh hiệu của mình là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài sống mật thiết với đoàn con như hình với bóng, như mẹ hiền ấp ủ con thơ, luôn luôn gắn bó bền chặt với nhau trong tình thương mến.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn sống với chúng con, thế mà nhiều lúc trong đời, chúng con không tưởng gì đến Chúa.
Chúa muốn ấp ủ chúng con như mẹ hiền bồng ẵm con thơ, nhưng chúng con muốn tách lìa xa Chúa để được tự do sống theo đam mê, dục vọng của mình.
Xin cho chúng con đừng bội bạc với tình thương Chúa, nhưng biết sống gắn bó mật thiết với Chúa qua từng phút sống mỗi ngày. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

———————————–

Con Đường Giêsu
CN 5PS.A (Ga 14, 1 – 12)

Con Đường Sự Thật dẫn đời ta

Nẻo chính đường ngay thoát ách tà

Ý riêng từ bỏ luôn thắm thiết

Ý Cha vâng phục chẳng phôi pha

Tình yêu thể hiện tâm bừng sáng

Đau khổ chứng từ chí vượt qua

Thập giá đời mình vui gánh vác

Hân hoan nhịp bước tới Nhà Cha

Hạt Nắng

———————————

 

Đường Sự Sống
CN 5PS.A (Ga 14, 1 – 12)

Đường trần gian thênh thang rộng bước,
đường quyền uy thắng được yếu thua.
Nghĩa nhân mưa nắng theo mùa,
con đường sự chết đánh lừa nhân sinh.

Đường Sự Sống thắm tình cứu độ,
đường Giêsu chính lộ bình an.
Đưa con đến cõi thiên đàng,
nơi Cha mong đợi vô vàn nhớ thương.

Giêsu mở con đường Sự Thật,
đường hiên ngang bất khuất niềm tin.
Con đường thập giá trung trinh,
hy sinh, từ bỏ, quên mình, dấn thân.

Đường tình yêu thông phần cứu chuộc,
mời gọi con nối bước theo Ngài.
Dẫu đường có lắm chông gai,
trong Ngài “Nên Một” dặm dài vững tin.

Nên hình ảnh Tình Yêu Thiên Chúa,
được thấy Cha, chan chứa niềm vui.
Tha nhân, chia sẻ ngọt bùi,
bình minh ló dạng đẩy lùi bóng đêm.

Đường Giêsu, tình dịu êm …

Bâng Khuâng Chiều Tím

————————————-

 

Đường Tình Con Đi
CN 5PS.A – (Ga 14, 1 – 12)

Đường tình con đi tràn ngập nắng hồng,
đường tình con đi dạt dào sức sống.
Vì đường con đi theo đường của Chúa,
có Chúa đồng hành vượt mọi núi sông.

Ngày nào năm xưa con lạc lối về,
lạc loài, bơ vơ giữa dòng nhân thế.
Ngài đã yêu thương mở đường chỉ lối,
ánh sáng ngập tràn tình thắm hương quê.

Con tuyên xưng: Chúa Là Đường – Đường Cứu Rỗi,
Ngài là Sự Thật – Giải phóng cuộc đời.
Con tuyên xưng: Chúa Là Đường – Đường Sự Sống,
dẫn lối con về – Quê Trời thắm tươi.

Đường tình hôm nay song hành với Ngài,
vào đời con gieo công bình – bác ái.
Đường tình năm xưa con đường thập giá,
Chúa đã dạo đầu khúc hát thiên thai.

M. Madalena Hoa Ngâu

————————————–

 

Đường Sự Sống
CN 5PS.A –(Ga 14, 1 – 12)

Phân vân giữa ngã ba đường cuộc sống,
đường thế trần đầy phú quý, vinh hoa.
Đường giầu sang lắm nhung gấm, lụa là,
hồn nghiêng ngả chập chờn con vui thú.

Đường Chúa gọi theo Ngài, con lưỡng lự,
ai muốn theo phải từ bỏ chính mình.
Yêu thập giá mình, đón nhận mọi hy sinh,
chim có tổ, chồn có hang …
theo Ngài nơi gối đầu hằng đêm không có.

Nếu theo Ngài chấp nhận nhiều sóng gió,
mọi rủi ro, nguy hiểm bước đường đi.
Luôn tín trung, phó thác, sống kiên trì,
tiêu diệt cái “tôi”,
chấp nhận cái “chết”,
vui lòng bước vào “con đường hẹp”.

Đường Ngài đi không ru đời mộng đẹp,
lắm chông gai, hoa thập tự sẵn chờ.
Nhưng lại chính là đường mạc khải những ước mơ,
về Mầu nhiệm Thiên Chúa, Tình Cha nhân ái.

Đường Ngài đi, dẫn tới bình an thư thái,
nguồn sự sống dư đầy nồng ấm, đắm say.
“Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”,
nỗi sợ hãi xuyến xao sẽ không tồn tại.

Thân lạy Chúa! Con khấu đầu bái lạy,
Tuyên xưng: “Thầy là Đường,
là Sự Thật, là Sự Sống” giữa trần ai.
Là ánh lửa hồng xua tan bóng đêm,
chiếu rọi nắng ban mai,
là con đường duy nhất,
dẫn con đến cùng Chúa Cha,
nguồn sự sống sung mãn,
vô biên và vĩnh cửu.

Tạ ơn Chúa toàn năng hằng hữu,
mạc khải cho con đường chân lý tuyệt vời.
Chúa đã làm người,
Tin Mừng chiếu giãi muôn nơi,
khai mở đường Cứu Độ,
đưa nhân loại tiến về đường Sự Sống thiên thu.

AP. Mặc Trầm Cung