SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 837, CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – A, 26/02/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 4, 1-11)

Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'”.
Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Đền thờ, rồi nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu đáp: “Cũng có lời chép rằng: ‘Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi'”.
Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'”. Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Những Cơn Cám Dỗ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Thử Thách Đức Tin Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Làm Sao Giữ Vẹn Lời Thề? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Theo Ađam Hay Theo Chúa Giêsu? Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Tín Thác Hạt Nắng Trg 10
Gương Chiến Đấu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Sa Mạc Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Cám Dỗ A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13

 

Những Cơn Cám Dỗ

Có nhiều người thắc mắc: Ăn chay là gì? Phải chăng là để dằn vặt thân xác, hành khổ con người cho Chúa vui lòng? Hỏi như vậy là chưa hiểu đạo, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc ăn chay. Chúa đâu phải quá độc ác, bệnh hoạn, vui lòng khi thấy con người chịu khốn khổ. Ăn chay một phần để hy sinh đền tội, nhưng mục đích chính của việc ăn chay là để thao luyện tâm hồn chống lại quỷ dữ.
Ngày nay người ta quên sự có mặt của ma quỷ. Nhưng ma quỷ vẫn có đó và vẫn tích cực hoạt động nhằm phá huỷ thế giới, tiêu diệt con người. Ma quỷ rất tinh ma xảo quyệt nên người ta khó nhận ra âm mưu, dấu vết của chúng.
Nhìn vào ba cuộc ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu, ta thấy ma quỷ rất tinh khôn. Nó có kế hoạch, có chiến thuật, tấn công nhiều đợt, nhiều bước.
Thoạt tiên ma quỷ tấn công vào những bản năng sơ đẳng nhất nơi con người: bản năng sinh tồn, bản năng thống trị, bản năng đối nghịch. Những bản năng ấy gắn liền với những nhu cầu căn bản, chính đáng của con người.
Kéo chú ý của người ta vào những nhu cầu rồi, ma quỷ tiến bước thứ hai, đó là phóng đại những nhu cầu đó lên, làm cho người ta lầm tưởng rằng, đó là những nhu cầu cấp bách, phải thoả mãn ngay tức khắc.
Khi ta đã hoàn toàn mê mẩn vì cái bẫy nhu cầu, ma quỷ mới đẩy ta đến bước thứ ba, đó là tìm thoả mãn những nhu cầu theo ý riêng mình. Cách giải quyết đó ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích sau cùng của ma quỷ là xúi giục ta phản loạn, không sống tâm tình người con hiếu thảo với Chúa, chống lại Chúa và sau cùng lìa xa Thiên Chúa.
Ông bà nguyên tổ đã rơi vào bẫy của ma quỷ nên đã không sống tâm tình của người con hiếu thảo, muốn lìa bỏ cha mình, muốn ngang bằng cha mình, muốn chống lại cha mình.
Chúa Giêsu, trái lại, đã sáng suốt vạch trần âm mưu của ma quỷ và kiên quyết sống tâm tình của người con hiếu thảo.

Khi ma quỷ phóng đại nhu cầu, muốn cho Chúa Giêsu tưởng rằng con người chỉ là vật chất, chỉ sống nhờ bánh vật chất, vật chất là tất cả đời sống. Chúa Giêsu đã sáng suốt chỉ cho ta thấy vật chất không phải là tất cả, bánh vật chất của trần gian là cần, nhưng bánh tinh thần của trời cao còn cần hơn.
Khi ma quỷ thúc giục Chúa Giêsu hãy thoả mãn tức khắc nhu cầu của mình, Chúa Giêsu đã biết kiên nhẫn chờ đợi. Khi ma quỷ khích Chúa Giêsu dùng quyền năng riêng của mình để thoả mãn nhu cầu, Chúa Giêsu đã từ chối. Người muốn vâng phục Đức Chúa Cha, tin tưởng phó thác vận mệnh trong tay Chúa Cha, để mặc Chúa Cha quyết định.
Tuy đã thắng trong cuộc đọ sức đầu tiên, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị ma quỷ cám dỗ trong suốt cuộc đời. Cơn dỗ khi thì đến từ những người tin theo Chúa, muốn tôn Chúa làm vua để được ăn no nê bánh vật chất, khi thì đến từ những người chống đối đòi xin phép lạ từ trời xuống. Có lúc ma quỷ mượn chính những người thân tín như Phêrô để ngăn cản Chúa Giêsu thực hành ý Chúa Cha. Có lúc ma quỷ dùng cái chết ghê sợ để uy hiếp tinh thần, mong Chúa Giêsu lùi bước để tìm ý riêng mình. Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ vì Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Dù khi phải chiến đấu trong mồ hôi pha máu, Người vẫn nói: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, xin vâng theo ý Cha mà thôi”.
Ma quỷ vẫn đang tiếp tục tạo nên những cơn cám dỗ. Và nhiều khi chúng ta đã mắc bẫy ma quỷ. Ta mắc bẫy ma quỷ khi mải mê đuổi theo những nhu cầu tiêu thụ quá đáng. Ta rơi vào âm mưu ma quỷ khi ta muốn có tất cả và có tức khắc. Ta hoàn toàn nằm trong vòng tay ma quỷ khi ta dùng mọi phương tiện để thoả mãn những nhu cầu, bất chấp ý Thiên Chúa.
Thay vì tuân phục ý Chúa, tôi luôn luôn bắt Chúa làm theo ý tôi. Thay vì vâng lời Chúa, tôi luôn luôn muốn sai bảo Chúa.

Mùa Chay này, Chúa kêu gọi tôi trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, tôi phải chiến đấu chống lại ma quỷ. Muốn đủ sức chống lại ma quỷ, tôi phải luyện tập bỏ ý riêng mình và tìm vâng phục ý Chúa.
Hãy đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường hy sinh, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.
Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đón tôi trở về, và sẽ ban sức mạnh để tôi đủ sức chống lại mọi chước cám dỗ, nếu tôi biết sống trọn tình con thảo, tin cậy phó thác vào Người.

Lạy Thiên Chúa là Cha của con, xin đón nhận tâm hồn khiêm nhường sám hối của con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Theo bạn, ngày nay ma quỷ còn hoạt động trong thế giới không? Nếu có, bạn cho một ví dụ.
2) Bạn thường thua hay thắng cuộc khi gặp phải cám dỗ. Thua, tại sao? Thắng, nhờ đâu?
3) Đâu là âm mưu của ma quỷ che dấu đàng sau những cơn cám dỗ?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

—————————————

 

Thử Thách Đức Tin

Có chăng một điều gì xuyên suốt qua ba cơn cám dỗ Đức Giêsu phải vượt qua, sau khi Người giữ chay bốn mươi đêm ngày trong hoang địa? Cũng như có không một mẫu số chung nào đó trong cả ba cuộc thử thách được các Phúc âm tường thuật trong cuộc đời trần thế của Đức Giêsu: khởi đầu sứ mệnh công bố Nước Trời, tại vườn Cây Dầu trước giờ tử nạn, và khi bị treo trên thập giá trong giờ hấp hối? Các cơn cám dỗ không chỉ là lẻ tẻ liên quan tới một số lãnh vực nặng tính luân lý, mà tấn công tập trung vào chính sứ mệnh nòng cốt mà Đức Giêsu đang nỗ lực thiết lập và loan truyền: đó là thiết lập một tương quan hoàn toàn mới giữa con người với Thiên Chúa. Các cám dỗ này đều tập trung tấn công trực diện nội dung nòng cốt nhất của Tin Mừng: sứ điệp Thiên Chúa yêu thương.

Mọi tôn giáo đều hướng tới thiết lập mối tương quan giữa Thiên Chúa (Ông Trời, Thượng Đế, Đức Chúa Gia-vê, Đấng Allah…) với con người’; thế nhưng đa phần tương quan này qui về con người nhiều hơn là về chính Thiên Chúa (homo-centric). Rất thường tình khi các ‘tín đồ’ trong việc giữ đạo coi bản thân mình mới là cứu cánh tối hậu của việc giữ đạo! Người ta cầu khẩn cúng bái Ông Trời hay thần thánh thì cũng là để được đáp ứng các nhu cầu bản thân, vật chất cũng như tinh thần. Người ta cố gắng ăn ngay ở lành, hay nắm giữ các qui luật của thượng giới thì cũng là để được ân thưởng theo luật nhân quả. Thậm chí đôi khi điều này càng bộc lộ rõ khi một người nào đó, chỉ vì lợi ích riêng tư, chỉ vì mong được toại nguyện trong các điều họ cầu khẩn mong đợi, mà sẵn sàng rũ bỏ đạo này để cải đạo theo một tôn giáo khác, hoặc bỏ bê vị thần này mà quay ra tôn sùng vị thánh kia.

Về điều này dân Do Thái cũng không phải luật trừ! Từ thời Cựu Ước họ đã nhiều lần kêu trách Giavê vì cơn đói khát phải chịu trong thời gian xuất hành trong hoang địa; và để thỏa mãn họ, Đức Chúa đã phải cho manna từ trời rơi xuống, cho nước mát từ đá tảng vọt ra. Con cái Abraham đòi Đức Chúa phải cung phụng họ, như điều kiện để được họ trung thành với Ngài; “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh ăn đi”. Cơn thử thách đánh thẳng vào tương quan ‘con người – Thiên Chúa’, mà Giêsu Nazareth phải trải qua, cũng cổ điển như thế: là con của Thiên Chúa thì có quyền được no thỏa khi đói bụng, được thỏa mãn các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Thế nhưng mối tương quan ‘con người – Chúa Cha’ mà Giêsu muốn rao truyền lại hoàn toàn trái ngược: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”; có nghĩa là: trước hết không phải Thiên Chúa buộc phải cho con người no đủ, mà là con người phải qui về Thiên Chúa là nguồn mạnh yêu thương. Tin Mừng Đức Giêsu công bố hiển nhiên lấy Thiên Chúa làm trung tâm (theo-centric)!

Lịch sử Cựu Ước cũng đầy các dẫn chứng như thế: đã là Dân Riêng thì phải được Giavê bảo vệ khỏi mọi hiểm nguy; và đó là lý do để họ trung thành nắm giữ giao ước. Ai phụng thờ Đức Chúa thì được Ngài che chở phù trì trong cơn nguy biến, người ta vẫn thường nghĩ thế; “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đức Giêsu vượt qua cơn ‘cám dỗ’ phổ thông này với một xác định: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”, có nghĩa là đòi phải có một thứ đức tin vô điều kiện, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Thiên Chúa mới là trên hết, và là tất cả!

Đánh mất niềm tin vào Đức Chúa Giavê để tin tưởng một chúa nào khác, nhất là vì mưu đồ chính trị hay lợi lộc vinh hoa, luôn bị người Do Thái coi là trọng tội, là tội thờ bụt thần. Thờ bụt thần điển hình nhất chính là: coi mình là tuyệt đối trong tương quan; chính vì thế mà ngay cả việc phụng thờ Đức Chúa đôi khi cũng cần phải được thanh luyện. Về việc này Đức Giêsu rất dứt khoát: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Ngay cả nhiều Kitô hữu qua các thời đại cũng từng bị cám dỗ về đức tin chính ở điểm mấu chốt này: người ta giữ đạo vì hạnh phúc của mình hơn là vì chính Thiên Chúa, người ta mong đạt được phần thưởng thiên đàng hơn là khám phá ra Thiên Chúa trong bản chất của Người, người ta coi hạnh phúc của mình mới là mục tiêu của việc giữ đạo. Ngay cả Đức Giêsu, trong tư cách một con người, cũng giống chúng ta ở chỗ: có khuynh hướng qui về mình trong tất cả mọi tương quan với Thiên Chúa. Trong Vườn Câu Dầu vì lo sợ nỗi khổ nạn đau đớn, Người đã thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26:39). Trên thập giá, trong nỗi cô đơn cùng cực, Người cũng mở miệng than trách: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Thế nhưng, trong niềm tin chân chính nhất, và đó là điều Người muốn truyện đạt tới mọi Kitô hữu chúng ta nhất là hôm nay, Đức Giêsu vẫn luôn xác định Thiên Chúa mới đích thực là trung tâm: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”… “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Đối với tôi trong tư cách một Kitô hữu, Mùa Chay phải là thời gian đặc biệt Hội Thánh cống hiến giúp tôi vượt qua thử thách đức tin này, điều mà trong tư cách một ‘tín đồ’, chắc chắn ít nhiều tôi cũng đang mắc phải. Niềm tin vào một Chúa Cha yêu thương đã hiến mình và chết cho tôi, điều mà tôi chuẩn bị cử hành trong suốt thời gian này, chắc hẳn không phải chỉ để tôi chỉnh đốn nơi mình mặt này hay mặt khác về diện luân lý, nhưng còn là để điều chỉnh chính tương quan phó thác trọn vẹn theo chiều hướng Đức Kitô đã thực hiện trên Thập Giá.

Phải chăng đó mới là mục tiêu đích thực của Mùa chay, thời gian cần thiết để tôi có thể cử hành biến cố ‘Thiên Chúa hiến mình cho tôi’ cách trung thực nhất?

Lạy Chúa Giêsu Kitô! Mùa chay là thời gian dành cho con để củng cố đức tin còn rất non yếu của mình. Xin thanh luyện tâm trí con, để khi cầu nguyện tức là đi vào tương quan với Chúa Cha Nhân Ái, con luôn biết phó thác trọn vẹn và hoàn toàn qui về thánh ý nhân từ của Cha, trước và trên tất cả mọi điều con thầm mong ước. Xin Chúa dạy cho con biết phó thác vô điều kiện cho lòng nhân ái của Cha, trong mọi tình huống cuộc đời kể cả những lúc đen tối nhất. Con cầu xin điều này nhân danh chính Thập Giá của Đức Giêsu Kitô là Chúa của con. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

—————————————-

 

Làm Sao Giữ Vẹn Lời Thề?

Nhạc sĩ Trúc Phương trong bài “Thói đời” đã miêu tả cuộc sống trần gian là đường thương đau, bởi tình người thay trắng đổi đen, bởi lòng người dối gian lừa lọc cũng vì một chữ “tham” mà gây thương đau cho nhau.
Ông viết rằng:
Đường thương đau đầy ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người
Trong thói đời cười ra nước mắt
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giầu sang quên kẻ tâm giao
Còn gian dối cho nhau.

Sự đổi thay của lòng người, kể cả khi tình yêu sâu đậm đến mấy nếu đồng tiền chen vào cũng khiến người ta thay lòng đổi dạ.
Người yêu ta rồi cũng xa ta
Nên chung thân ta giận cuộc tình
Đôi mắt nào từng đêm buốt giá
Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở
Tiền đổi thay khi rủ cơn mê
Để chua xót trên lối về.

Khi con người thất tình hay thấy vọng họ dễ lao vào tửu sắc để quên sầu, nhưng sầu vẫn sầu, khổ đau vẫn ê chề.
Rượu trần ai gội niềm cay đắng
Những suy tự in đậm đường hành
Khi trót xa vũng lầy nhân thế
Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi.

Cuộc sống luôn đối diện trước cám dỗ của ba thù là thế gian, ma quỷ và xác thịt. Nó cám dỗ con người xoay quanh 3 điều mấu chốt là tiền, tình, quyền. Đây là cuộc chiến đòi hỏi con người luôn phải tỉnh thức để chiến đấu, để chiến thắng cám dỗ. Nhưng đôi khi “lực bất tòng tâm” nên con người luôn bị thất bại bởi 1 trong 3 cám dỗ. Có người vì tiền mà gian tham. Có người vì tình mà mê muội. Có người vì quyền mà độc ác, mưu hèn . .. Đam mê nào cũng là thất bại của đời người. Đam mê nào cũng có thể gây thiệt hại cho gia đình và xã hội. Và người đau khổ vì những đam mê lầm lạc của chúng ta là chính người yêu thương chúng ta nhất.

Chúa Giêsu trong thân phận con người cũng trải qua cuộc chiến của cám dỗ. Ma qủy cũng cám dỗ về nhu cầu cuộc sống, về danh vọng trần gian và nhất là về tự do cá nhân để loại Thiên Chúa Cha ra khỏi cuộc sống của mình.

Con người hôm nay cũng đang nhân danh tự do cá nhân để sống theo sở thích của mình. Một thế giới mà ai cũng muốn sống theo sở thích của mình là một thế giới vô tổ chức sẽ dẫn đến bại hoại luân lý, sẽ làm suy đồi những thuần phong mỹ tục, sẽ là một chiến trường để rồi “cá lớn nuốt cá bé”.

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vạn vật và ra những định luật tự nhiên để hướng dẫn vạn vật đi đến vẹn toàn. Do đó, mọi vật và mọi loài đều phải quy hướng về Thiên Chúa mới mong có một cuộc sống thanh bình hạnh phúc.

Chúng ta thử gẫm xem nếu trái đất không đi đúng quỹ đạo mà Thiên Chúa đã vạch ra thìvạn vật sẽ tan thành mây khói.

Chúng ta thử gẫm xem nếu con người không sống theo luân thường đạo lý là lương tâm ngay lành mà Thiên Chúa đã phú bẩm trong con người thì xã hội sẽ loạn lạc, đấu đá tranh hùng và huỷ diệt lẫn nhau.

Khởi đầu mùa chay, chúng ta cần nhìn lại xem mình còn đi theo đường lối Chúa hay không? Thế giới đang bị tai hoạ nhiều vì đã phá huỷ công trình của Chúa, còn chúng ta có còn trung tín với giáo huấn của Chúa hay không?

Ở khởi đầu mùa chay, khi cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu chiến thắng ma quỷ cám dỗ, Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận yếu đuối của mình và sức mạnh của sự dữ luôn rình rập để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi trong tối tăm của đam mê lầm lạc. Và qua gương Chúa Giêsu, Giáo hội dạy chúng ta rằng: “Với ơn Chúa thì lời cầu nguyện và chay tịnh sẽ là khí giới giúp chúng ta chiến thắng được mưu mô của ma qủy”.

Xin Chúa là Đấng đã chiến thắng cám dỗ giúp chúng ta học nơi Chúa để sống quy phục Thiên Chúa và thực thi theo thánh ý Ngài. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————–

 

 

Theo Ađam Hay Theo Chúa Giêsu?

Tất cả mọi loài mọi vật trong vũ trụ đều phải tuân theo những quy luật mà Thiên Chúa đã an bài.

Trái đất cũng như những hành tinh khác phải vận hành theo đúng quỹ đạo Thiên Chúa vạch ra cho chúng. Nếu Trái đất không đi đúng quỹ đạo, tất sẽ có nhiều thảm họa xảy ra đe dọa mọi loài sinh sống trên mặt đất.

Xe cộ lưu thông trên các tuyến đường phải giữ luật giao thông, nếu không, những tai nạn khôn lường sẽ xảy ra và đường sá trở thành nơi ngốn nhiều nhân mạng hơn mọi cuộc chiến tranh khắp thế giới.

Tương tự như thế, loài người cũng phải tuân giữ quy luật Chúa truyền, nếu không thì phải mang lấy hậu quả là đau khổ và sự chết.

Bài trích sách Sáng thế được công bố trong phụng vụ hôm nay khẳng định chân lý nầy. Vì hai ông bà nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa (được minh hoạ bằng việc ăn trái cây Chúa đã cấm) nên hai ông bà và con cháu đời sau phải đau khổ và phải chết.

Qua bài đọc thứ hai, thánh Phaolô khẳng định lần nữa chân lý nầy: Vì một người là Ađam đã không tuân giữ luật Chúa mà muôn người trở thành tội nhân và tội lỗi đã gây nên sự chết! (Rm 5, 12).
Khốc liệt thay hậu quả của việc bất tuân quy luật Chúa truyền.

Để cứu vớt loài người khỏi hậu quả của tội lỗi, Thiên Chúa Cha đã cho Ngôi Hai xuống thế, trở thành một Ađam mới, sửa lại những sai lệch do Ađam cũ gây nên, hầu cứu nhân loại khỏi vòng huỷ diệt.

Cũng như Ađam cũ, Ađam mới cũng bị Satan cám dỗ đi trệch đường của Thiên Chúa. Satan hy vọng rằng một khi “Đầu tàu” là Chúa Giêsu đi trật đường rầy thì toàn thể đoàn tàu là nhân loại cũng lao vào chỗ chết, đánh bại được chủ tướng thì chiến thắng sẽ về tay mình.

Ba cơn cám dỗ trong hoang địa mà Chúa Giêsu phải chịu là tổng hợp của ‘trăm chiều thử thách’ mà Ngài phải đương đầu trong cuộc đời dương thế.

Nhưng khác với Ađam cũ nông nổi nghe lời Satan xúi giục đi trệch đường lối Thiên Chúa, Đức Giêsu đã kiên quyết đi theo đường lối Chúa Cha không hề sai lệch, cho dù phải chịu khổ nạn và cái chết vô cùng đau thương. Nhờ thế, Ngài đã nắn lại những sai lệch do Ađam cũ gây ra và lôi kéo nhân loại về với Thiên Chúa.

Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải đương đầu với những cám dỗ, thử thách mà Ađam cũ cũng như Ađam mới là Chúa Giê-su đã gặp hôm xưa và mỗi người phải chọn lựa:
Thứ nhất: Chọn vào cửa tử, là bước theo vết chân của Ađam cũ, nghe theo lời mời mọc của Satan, chiều theo đam mê dục vọng, không theo đường lối Chúa, để rồi phải lâm vào cảnh đau thương chết chóc;
Thứ hai: Chọn vào cõi phúc, là kiên quyết chống lại cám dỗ, từ bỏ tội lỗi để vững bước theo con đường của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã làm, để được sống đời đời với Chúa…
Chọn cửa nào là tùy vào quyết định của mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu. Đường vào thiên quốc hay lối xuống địa ngục, cửa sinh hay cửa tử đang mở ra trước mặt chúng con. Xin giúp chúng con đừng mê muội đi vào cửa tử nhưng khôn ngoan sáng suốt bước vào cửa sinh, bằng cách chống lại mọi hình thức cám dỗ và noi gương Chúa bước theo đường lối Chúa Cha. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————-

 

Tín Thác
CN 1 MC.A – (Mt 4, 1 – 11)

Ma quỷ mưu đồ giăng lưới ta

Rắc gieo cám dỗ lắm gian tà

Nhu cầu vật chất mong no thỏa

Khát vọng tinh thần dễ ngã sa

Thánh ý xin vâng lòng tín thác

Niềm riêng từ bỏ dạ hoan ca

Mùa Chay lắng đọng hồn thanh tịnh

Suối thánh tuôn tràn ân sủng Cha.

Hạt Nắng

—————————————–

 

Gương Chiến Đấu
CN 1. MC,A – (Mt 4, 1 – 11)

Bao cám dỗ giăng đầy trước mắt con,
chuyện áo cơm dằn vặt, dạ phân vân.
Chuyện bạc tiền chia rẽ mối tình thân,
chuyện tranh chấp đắp bồi cho cuộc sống.

Những cám dỗ làm hồn con dao động,
muốn trèo cao thể hiện chút quyền uy.
Muốn an thân chẳng phải lo lắng gì,
cảnh chà đạp để phình to bản ngã.

Lời Chúa dạy con vờ như xa lạ,
theo ý riêng thực hiện những mưu toan.
Lúc sa cơ con thảng thốt bàng hoàng,
kiếp nô lệ cho ác thần tội lỗi.

Về bên Chúa con dâng niềm thống hối,
dòng suối nào gội sạch những bợn nhơ.
Lòng xót thương của Chúa con nương nhờ,
sa mạc vắng đưa con vào chay tịnh.

Gương Chúa xưa dạy con điều công chính,
hồn trung kiên chiến đấu với quỷ ma.
Quyết một lòng tùng phục Thánh ý Cha,
trước nghịch cảnh luôn giữ tình son sắt.

Mùa Chay đến con tìm ra sự thật,
trở về nguồn nơi tình Chúa bao la.

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————–

 

Sa Mạc Tình Yêu
CN 1 MC.A – (Mt 4, 1 – 11)

Chốn hồng trần mây mù che giăng lối,
bã lợi danh che khuất lối đường về.
Ham bạc tiền sa vào cõi u mê,
hồn quặn đau ê chề trong tội lỗi.

Nắng chiều tàn lau vội dòng nước mắt,
về bên Cha nguồn suối mạch trinh trong
Sa mạc buồn lặng lẽ giữa hư không,
trong thinh lặng Chúa đến tình hiệp thông.

Sa mạc cuộc đời, Chúa ơi! Hồn con thống hối,
sa mạc tình yêu, Chúa ơi! Giọt lệ ăn năn.
Tấm thân bụi tro trong tình Chúa nhân lành,
ánh sáng dịu dàng tỏa chiếu Mặt Trời Tình Yêu.

Thánh giá buồn chiều nao trên đồi vắng,
Chúa mời con chiêm ngắm tấm hình hài.
Ngọn lưỡi đòng đâm thấu trái tim Cha,
cho đời con vững bước đường tương lai.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————-

 

Cám Dỗ
CN 1 MC.A – (Mt 4, 1 – 11)

Lửa thử vàng gian nan thử đức,
để biệt phân chính trực, đê hèn.
Con đường theo Chúa bao phen,
những cơn cám dỗ bon chen gọi mời.

Tâm hồn con rối bời, khắc khoải,
lòng phân vân phân loại hướng đi.
Đầu hàng cám dỗ sân si,
hay theo đường Chúa thực thi ý Ngài?

Trước đòi hỏi sinh nhai cuộc sống,
lời quỷ ma dao động vấn vương.
Muốn con sao lãng tình thương,
lời Thiên Chúa phán thần lương nhiệm mầu.

Bao hấp lực nhu cầu đời sống,
của bạc tiền, danh vọng, quyền uy.
Ngọt ngào mời gọi lâm ly,
cam go cuộc chiến lối đi gập ghềnh.

Bao cám dỗ bập bềnh sóng gió,
tùng phục Cha từ bỏ ý riêng.
Nguyện cầu đón nhận ơn thiêng,
noi theo gương Chúa can trường hy sinh.

Trung kiên đáp lại ân tình …

AP. Mặc Trầm Cung