SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 831, CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – A, 15/01/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 1, 29-34)

Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”.

Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần’. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Đây Chiên Thiên Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tôi Đã Không Biết Người … Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Con Chiên Ngoan Đạo Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chiên Thiên Chúa Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Chiên Gánh Tội Hạt Nắng Trg 9
Chiên Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Chiên Gánh Tội Đời M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Gánh Tội Đền Thay A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12

 

Đây Chiên Thiên Chúa

Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.

Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.

Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.

Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.
Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.

Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.

Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.

Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.

Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) “Chiên Thiên Chúa” gợi lên những ý tưởng nào nơi bạn?
2) Là ‘con chiên của Chúa’ bạn phải sống thế nào cho xứng đáng danh hiệu ấy?
3) Thánh Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với tất cả ý nghĩa sâu xa của danh hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Hôm nay, nếu phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người chung quanh, bạn sẽ dùng danh hiệu nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————–

 

Tôi Đã Không Biết Người…

Nếu xét về họ hàng máu mủ thì Gioan phải biết rất rõ về người em họ của mình hơn ai hết, thậm chí biết rất sớm ngay từ khi còn trong bụng mẹ (Lc 1,44); còn nếu lại đảm nhận vai trò tiền hô giới thiệu đấng Thiên Sai cho mọi người thì lẽ ra hơn ai hết ông lại càng phải biết rõ Ngài là ai. Thế mà trong đoạn Phúc âm ngắn hôm nay, đã có tới hai lần Gioan chân thành bộc bạch: “Tôi đã không biết Người” (Ga 1,31.33). Ông còn xác minh thêm rằng ông tới kêu gọi dân chúng sám hối và nhận lãnh phép rửa trong nước là để “Người được tỏ cho dân Israel”, chứ không chỉ nhằm mục đích muốn họ cải thiện đời sống. Thiết tưởng ta nên dành thời gian để tìm hiểu lý do tại sao.

Khi giới thiệu cho dân chúng, đặc biệt cho các môn đệ mình về Đức Giêsu đang từ xa tiến đến, Gioan đã sử dụng một thuật ngữ rất phổ thông của Cựu Ước ‘Chiên Thiên Chúa’. Đối với người Do Thái, hầu như không ai mà không biết điển ngữ này ám chỉ ‘người tôi tớ Giavê’, mang nội dung tự hiến và phục vụ, một con người đến để giải thoát và cứu độ phỏng theo hình ảnh con Chiên Vượt Qua của Xuất Hành (Mc 14,12). Thuật ngữ này rất phổ biến trong thời các ngôn sứ, nhưng lại dần bị lu mờ vào thời điểm người La Mã thống trị; lý do là vì các khuynh hướng chính trị khác nhau đang tranh dành ảnh hưởng nên có những lối giải thích khác nhau. Chắc hẳn Gioan khi sử dụng lại thuật ngữ này đã muốn khơi lại truyền thống ngôn sứ, thay vì ngả theo quan điểm của giới lãnh đạo đương thời.

Thế nhưng chính cái diện mạo Thiên Sai mà Gioan dùng để giới thiệu nhân vật đang đến là Giêsu Nazareth thì lại chưa mấy chính xác: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”. Ông được chứng kiến việc Thần Khí ngự xuống trên nhân vật Giêsu sau khi đã lãnh phép rửa do ông thực hiện, và được báo trước cho biết đó là dấu chỉ của Đấng Thiên Sai; tuy nhiên bản chất Thần Khí là gì ông cũng còn chưa nắm vững nữa là. Cựu Ước luôn quan niệm Thần Khí chính là uy quyền thông trị của Đức Chúa; tư tưởng này chắc chắn vẫn vương vấn trong tâm trí ông… Do đó ông không khỏi cảm thấy thất vọng vì đã không phát hiện được nét đó nơi con người cũng như nơi hành động của Rabbi Giêsu. Gioan sẽ còn khắc khoải tìm hiểu điều này một thời gian dài nữa: “Thầy có phải là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7,19).

Trong nội dung này, ông hiểu ra sự khác biệt giữa thống hối dìm mình trong nước sông Giođan của ông và việc thanh rửa trong Thánh Thần đo Đấng Thiên Chúa tuyển chọn thực hiện là một trời một vực. Rửa trong nước do ông thực hiện là dấu hiệu của sám hối và hướng thiện, cụ thể hơn nữa là quyết tâm giữ trọn lề luật thì đã rõ… nhưng còn rửa trong Thánh Thần để có được sức mạnh và hiệu năng nào thì chính ông cũng chưa rõ. Rồi ra vấn nạn này sẽ còn tiếp tục tồn tại mãi tại qua các thế hệ tín hữu chúng ta. Thiết tưởng chỉ khi nào nắm bắt được sự khác biệt giữa hai phép rửa này, ta mới thực sự tiến từ Cựu ước qua Tân ước, và nắm được mấu chốt niềm tin Kitô hữu của mình.

Về điều này chính Gioan đã đưa ra hai chứng từ rất quan trọng: ‘Đấng Thiên Chúa tuyển chọn’ phải là con người của Thần Khí, và phép rửa do Đấng ấy thực hiện chính là phép rửa trong Thánh Thần. Trong lần gặp lại các đồng hương Nazareth đã từng rất quen biết con người cũng như hành động của mình, Đức Giêsu đã dùng lời ngôn sứ Isaia để tự giới thiệu mình như con người của Thần Khí: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…”(Lc 4,18). Cuộc sống đầy Thần Khí và những lời rao giảng của Người sau này sẽ không nặng mùi luân lý khổ hạnh, nhưng hiện rõ nét tự do trong yêu thương và phục vụ, hầu như ngược hẳn với đời sống và lời giảng dạy của vị tiền hô luôn đậm nét cương trực và nghiêm khắc đậm nét luân lý (Mt 3,1-12). Người môn đệ của ‘Chiên Thiên Chúa’ vì thế dứt khoát phải là con người của Thần Khí. Và cũng như hai môn đệ Gioan và Anrê được vị tiền hô giới thiệu để tìm hiểu, họ cũng phải mạnh bạo “đến mà xem” thì mới hòng nhận được ra Người.

Vì đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội của Đức Kitô, tôi không thể cho phép mình xây dựng một cuộc sống đức tin quá nặng về mặt luân lý đạo đức, nhưng phải mãnh liệt triển khai sức sống của Thần Khí yêu thương và phục vụ. Luân lý đạo đức là điều tốt chung cho hết thảy mọi người, nhưng tự nó không thể lột tả được cái sức mạnh phi thường của Tin Mừng – Thần Khí.

Để cho cuộc sống đức tin được phong phú, ăn ngay ở lành, hoặc sống lương thiện, cho dầu rất tốt rất hay tới đâu đi nữa, nhưng tự bản chất vẫn là chưa đủ. Bao lâu những người chung sống với tôi và quanh tôi còn chưa nhận ra ‘Thần Khí Chúa xuống trên tôi’, thì họ chưa thể nhận biết tôi thuộc về ‘người được Thiên Chúa tuyển chọn’. Chỉ nhìn vào một đời sống gương mẫu về luân lý đạo đức mà thôi, người ta vẫn có thể nói về con người Kitô hữu của tôi: “chúng tôi không biết người”. Vì, hoặc là Kitô hữu sống mãnh liệt Tin Mừng Thần Khí, hoặc tôi, cho dầu với tất cả các khổ hạnh tu đức đạt được, sẽ chẳng có chi khác với người của các tôn giáo khác. Dầu có sống ‘nhân đức – ngay chính’ tới mấy đi nữa, tôi cũng mới chỉ đạt được phần thứ nhất nhưng rất thứ yếu của Tin Mừng Đức Kitô mà thôi!

Biết Đức Kitô và phép rửa của Người trong tất cả nội dung phong phú nhất của Tin Mừng cứu độ, đó chính là đòi hỏi cấp thiết nhất cho đời sống Kitô hữu và công việc mục vụ linh mục của tôi.

Lạy Chúa! Trong tư cách là linh mục của Chúa Kitô Giêsu con có bổn phận giúp cho các tín hữu sống ơn Bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận. Xin Chúa cho chính con nhận thức rõ được rằng Kitô hữu là những người đã được rửa trong Thánh Thần, chứ không phải chỉ trong nước của Gioan. Xin cho các việc mục vụ của con không chỉ giới hạn trong việc giữ cho giáo dân sống tốt lành lương thiện, nhưng là nỗ lực giúp họ triển khai sức sống vô cùng phong phú của Thánh Thần tình yêu; nhờ thế họ được ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô hơn nữa. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————

 

Sống Khiêm Nhường Như Gioan

Ở đời người ta vẫn có câu: “nói thì dễ làm mới khó”, nhất là vấn đề đạo đức. Kẻ nói đạo đức thì nhiều nhưng người sống được điều họ nói có mấy ai? Nhìn lại “Các cuộc bắt bớ mới nhất trong vụ bê bối liên quan đến Covid gồm Việt Á và các chuyến bay hồi hương trục lợi đã chứng minh: họ là những người luôn hô to khẩu hiệu vì dân sẵn sàng lao vào tâm dịch, nhưng sự thật đã phơi bày sự giả dố tráo trở của họ”.

Hôm nay, Tin Mừng kể về một con người được Chúa tán dương là “trong số những người con do người phụ nữ sinh ra không ai trọng hơn ông”. Đó là Gioan Baotixita. Ông không có bằng lý luận cao cấp. Ông rao giảng về đạo đức bằng cả cuộc sống của mình. Ông sống một đời giản dị, khiêm nhường. Ông vào hoang địa sống nghèo khó ăn trâu trấu và mật ong. Ông dành thời giờ sống cho Chúa và với Chúa để nhờ đó mà ông có thể giới thiệu Chúa cho thế gian. Ông dọn lòng cho nhân loại đón nhận Đấng Cứu Thế . Việc mà ông Gioan mời gọi mọi người cùng tham gia chính là “hãy sám hối để dọn đường Chúa đến”.

Nét đẹp trong cuộc đời của ông chính là đời sống công chính trước mặt Chúa và khiêm tốn trước mặt mọi người. Dù ông nổi tiếng và được nhiều người yêu mến, nhưng ông chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa. Ông khiêm tốn đến độ mong muốn mình nhỏ đi để Đấng đến sau ông nổi trội hơn ông.

Hóa ra làm người càng sống khiêm nhường bao nhiêu thì càng được mọi người yêu mến và quý trọng bấy nhiêu. Sống biết cách cúi đầu, hạ mình, khiêm nhường không phải là nhu nhược, hèn kém mà đó là một loại mĩ đức đối với một con người. Càng khiêm tốn thì cung cách sống càng đẹp trong lòng mọi người. Đáng tiếc là nhiều người lại luôn muốn cho mình được trọng vọng, được tôn phong cái tôi của mình. Vì thế, nhiều người đã ngụy trang cho mình bằng những lời nói hoa mỹ, những lời rao giảng đầy đạo đức, để che đậy tâm hồn đầy kiêu căng, bất chính của mình.

Hôm nay, Chúa cũng đang nói với bạn và tôi muốn được nên cao trọng trước mặt mọi người cần phải sống thật khiêm tốn. Sự khiêm tốn qua việc mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại và khiêm nhường. Một đời sống khiêm nhường là thuộc về phẩm hạnh của Thiên Chúa và được Ngài yêu mến. Sống đức khiêm nhường là được ở trong Thiên Chúa. Hành động khiêm nhường sẽ được Chúa chúc lành. Người khiêm nhường sẽ thành công và được mọi người ca tụng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường để chúng con được trở nên giống Chúa hơn. Mỗi ngày càng thêm khôn ngoan và ân sủng Chúa. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

————————–

 

Rửa Bằng Máu

Vào mùa hè, vua Duy Tân thường ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, một cửa biển đẹp ở Quảng Trị.
Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay dính đầy cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa tay vừa hỏi đùa:
– “Tay bẩn lấy thì lấy nước mà rửa, còn ‘nước’ bẩn lấy gì mà rửa?”
Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì vua hỏi tiếp:
– “Nước bẩn thì rửa bằng gì?”
Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói:
– “Nước bẩn thì phải lấy máu mà rửa!”
Viên thị vệ đâu có ngờ nhà vua chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác đáng quý trọng là đất nước, là quê hương.
Đúng vậy, khi đất nước bị dơ bẩn vì sự chà đạp của quân thù thì không thể rửa sạch bằng nước mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.

Xưa kia, vua Duy Tân cho rằng “Nước bẩn thì phải lấy máu mà rửa,” thế thì khi linh hồn ta bị tội lỗi làm cho ô uế và chịu hậu quả tai hại khôn lường, thì lấy gì mà rửa?

Không có bất kỳ chất tẩy nào trên thế gian có thể tẩy xoá được vết nhơ và hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi loài người chỉ có thể được rửa sạch bằng máu của Ngôi Hai Thiên Chúa mà thôi.

Trong thời cựu ước, người có tội cần đến máu bò, máu chiên để làm lễ xoá tội cho mình. Sách Lêvi chép: “Nếu một người đã phạm tội, làm điều Đức Chúa cấm… thì nó sẽ đưa đến cho tư tế một con bò, dê hoặc chiên làm lễ vật tạ tội. Nó sẽ đặt tay trên đầu con vật đó và sát tế nó … Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho người ấy và y sẽ được tha (Lêvi 4, 27-32).

Chúa Giêsu hiến mình làm hy lễ xóa tội.
Tuy nhiên, Thiên Chúa cho biết rằng: “Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi” . Vì thế, Ngôi Hai Thiên Chúa đành hoá thân làm người, trở thành Con Chiên mới, thay thế cho những con chiên chịu sát tế trong thời Cựu ước để rửa sạch tội lỗi thế gian.

Ngay từ đầu, ông Gioan tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giêsu nên “khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.

Thế là Chúa Giêsu cam phận làm Chiên mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình xoá bỏ tội lỗi thế gian, vì chỉ có máu châu báu của Thiên Chúa mới có thể rửa sạch tội lỗi loài người.

Hôm xưa, Ngài đã dâng hiến thân mình trên thập giá trên đồi Canvê, đổ máu thánh mình ra rửa sạch tội lỗi muôn người. Và hôm nay, Ngài tiếp tục dâng mình làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha trong các Thánh lễ hằng ngày để đền tội cho nhân loại. Vì thế, trước khi cho các tín hữu rước lễ, linh mục chủ sự nâng cao Mình thánh Chúa và giới thiệu với mọi người rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã cho chúng con nên một với Chúa và kêu gọi chúng con cùng vác thập giá, cùng chịu khổ nạn với Chúa hằng ngày.
Xin cho chúng con luôn kết hợp mật thiết với Chúa, dâng lên Chúa những khó nhọc đau khổ trong đời, để góp phần với Chúa đền tội cho chính mình và bao người chung quanh. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————–

 

Chiên Gánh Tội
Chúa Nhật IITNA (Ga 1, 29 – 34)

Chiên Con xóa tội cứu trần gian

Tội lỗi nhân sinh gánh nặng mang

Khiêm tốn hiền lành thân hiến tế

Tinh tuyền thánh thiện phận đa đoan

Dấn thân nhập cuộc trong đau khổ

Hiến lễ vào đời tạo bình an

Tự nguyện dâng mình ơn cứu chuộc

Ân tình bộc lộ tỏa vinh quang.

Hạt Nắng

——————————————–

 

Chiên Tình Yêu
Chúa Nhật II TNA – (Ga 1, 29 – 34)

Yêu trần thế khổ đau băng hoại,
kiếp lầm than nhân loại sầu vương.
Chiên Con chịu cảnh đoạn trường,
đem nguồn sức sống tình thương cứu đời.

Chiên Thiên Chúa thương đời đau khổ,
hòa cùng người tội lỗi khiêm nhu.
Đem ơn giải thoát ngục tù,
nguồn ơn Cứu Độ đến từ trời cao.

Đường thập giá lao đao khốn đốn,
như Chiên non từ tốn hiền lành.
Cực hình chống đối bao quanh,
không màng biện hộ đấu tranh cho mình.

Nên của lễ ân tình kính tiến,
đáp tình yêu tự nguyện xin vâng.
Đồi cao thập giá hiến thân,
gánh bao tội lỗi nhân trần u mê.

Đường trần gian trăm bề sóng gió,
đời chứng nhân gian khó chông gai.
Giới thiệu Con Chúa Ngôi Hai,
là Chiên Thiên Chúa loài người hằng mong.

Kìa ai vất vả long đong,
đón nguồn suối mát trinh trong tim Ngài.
Hai nguồn thánh sủng chảy dài,
đợi ai khắc khoải đêm ngày ngóng trông.
Ngài đang tựa cửa chờ mong…

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————

 

Chiên Gánh Tội Đời
Chúa Nhật II TNA – (Ga 1, 29 – 34)

Bơ vơ mệt nhoài giữa dòng đời,
lênh đênh lạc loài giữa biển khơi.
Tội lỗi u mê ngập bóng tối,
ngước mắt nhìn trời hồn chơi vơi.

Chúa đã đi qua giữa cuộc đời,
ánh mắt dịu dàng tình khôn nguôi.
Lặng lẽ trao thân làm hy lễ,
gánh lấy tội tình cứu thân tôi.

Lạy Chúa con tin! Ngài đã chết cho con,
mạnh mẽ con tuyên xưng! Ngài đã gánh tội đời.
Ngài là Chiên Thiên Chúa,
Đấng gánh tội trần gian.

Vững bước tin yêu giữa cuộc đời,
loan báo Tin Mừng khắp muôn nơi.
Cuộc sống nêu gương đời nhân chứng,
tình Chúa gọi mời thế nhân ơi.

M. Madalena Hoa Ngâu

———————————————

 

Gánh Tội Đền Thay
Chúa Nhật II TNA – (Ga 1, 29 -34)

Gioan được biết bởi Thánh Linh,
Chiên của Giavê gánh tội tình.
Tội tổ Adam, tội nhân thế,
một người đền tội cứu chúng sinh.

Tội lỗi con người ra u mê,
mây mù đen tối lối quay về.
Trói buộc tâm hồn trong sầu khổ,
ác quả kinh hoàng trong tái tê.

Nhẫn nhục hy sinh chịu cực hình,
Chúa đã cam lòng chịu đóng đinh.
Tôi trung sầu khổ, vui tín thác,
âm thầm dâng hiến lễ hy sinh.

Chúa đã giao hòa giữa nhân gian,
tình Cha Thiên Quốc thật nồng nàn.
Giải thoát con người vòng tội lỗi,
quyền năng ơn thánh Chúa thương ban.

Nay Chúa gọi mời con dấn thân,
sống đời ngôn sứ giữa nhân trần.
Giới thiệu cho đời nhận biết Chúa,
tìm về nguồn cội suối hồng ân.

Lạy Chúa! giúp con biết hy sinh,
từ bỏ cái “tôi” biết hủy mình.
Không tìm danh vọng nơi trần thế,
khiêm nhường tìm lợi ích nhân sinh.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Chúa tình yêu,
thế giới ngày nay khổ muôn điều.
Sa đọa lún sâu vùng tội lỗi
con nguyện dâng Ngài lễ toàn thiêu.

Dâng trọn linh hồn trọn xác thân,
khó khăn đau khổ dự thông phần.
Cầu thay nguyện giúp đền tội lỗi,
là chiên gánh tội giữa tha nhân.

AP. Mặc Trầm Cung