SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 828, LỄ GIÁNG SINH 2022, 25/12/2022

 

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 1 – 14)

Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Nazareth, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng :
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Lời Ngỏ Của Tình Yêu & Đêm Ánh Sáng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Cất Lời Chúc Tụng Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 6
Loài Người Chúa Thương Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 8
Tôi Biết Gì Về Mùa Giáng Sinh? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 10
Verbum Dei – Lời Thiên Chúa Ở Giữa Chúng Ta Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 12
Thiên Chúa “Ở Cùng…” Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 14
Hồng Ân Cao Quý Nhất Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 16
THƠ TIN MỪNG
Bừng Sáng Hạt Nắng Trg 10
Tin Mừng Giáng Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Tình Yêu Thinh Lặng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Giao Duyên A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13

————————————-

 

Lời Ngỏ Của Tình Yêu
(Ga 1,1-18)

Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng Thiên Chúa với hình ảnh ta khó thấy được và nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài. Yêu nhiều rồi cũng có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã gửi Con Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa. Con Một Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại. Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta. Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim. Lời của Ngài là lời của tình yêu. Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.

Đó là tiếng nói của tình yêu dâng hiến. Bêlem theo tiếng Do Thái có nghĩa là nhà bánh. Chúa Giêsu tự nguyện trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng ta. Ngài nằm trong máng cỏ như một lương thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng. Lương thực đó không phải là lương thực vật chất nuôi xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn. Ngày nay, tuy nạn đói cơm bánh đã bớt phần gay gắt, nhưng lại xuất hiện những cơn đói mới: đói văn hóa, đói sự an ủi chia sẻ, và nhất là đói khát đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu chính là tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, đáp ứng những cơn đói mới của thế giới.

Đó là tiếng nói của tình yêu khiêm nhường. Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường. Tình yêu hạ mình vì người yêu. Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Từ trời xuống đất. Từ địa vị Thiên Chúa xuống địa vị làm người. Khiêm nhường nên nhường hết không gian cho con người. Những không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người. Chúa chỉ thu mình trong một góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò. Nhường không gian cho con người ăn nói. Còn Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong câm nín.

Đó là tiếng nói của tình yêu đi tìm. Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi những bước trước. Yêu con người khi con người chưa biết yêu Chúa. Tha thứ cho con người trước khi con người xin lỗi. Đi tìm con người trước khi con người quay về. Cuộc đi tìm thật vất vả. Chúa phải bỏ trời cao, phải mặc thân phận yếu hèn, phải chịu khổ sở, phải chịu nhục nhã, phải chịu chết mới tìm được con người.

Đó là tiếng nói của tình yêu hy sinh. Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi về phần mình. Chịu đói nghèo, chịu bị xua đuổi, chịu khổ nhục. Trẻ thơ Giêsu rét mướt nằm trong máng cỏ nói với ta điều gì nếu không phải là tình yêu, yêu đến độ chấp nhận tất cả.

Đó là tiếng nói của tình yêu kết hợp. Cứ dấu này các ngươi nhận biết Ngài, đó là một em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ. Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn với con người. Trở nên một với con người. Chấp nhận hết những gì của con người. Chấp nhận đói khát, khổ sở, nghèo nàn. Chấp nhận cả những bấp bênh, bất trắc của kiếp người.

Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Trong bóng tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối. Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta. Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta. Để cho thế giới bớt tối tăm. Bấy giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Bạn nghe thấy gì qua tiếng nói thinh lặng của Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ?
2) Yêu thương, ngỏ lời mà không được lắng nghe và đáp lại. Bạn cảm thấy thế nào nếu rơi vào tình trạng đó? Bạn có hiểu được lòng Thiên Chúa khi ngỏ lời yêu thương với bạn không?
3) Còn nhiều người chưa nghe được lời yêu thương của Chúa. Bạn có sẵn sàng làm sứ giả đem lời tình yêu của Chúa đến với họ không?
4) Để làm sứ giả tình thương, bạn cần những đức tính nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Đêm Ánh Sáng

Đêm Giáng sinh chìm trong lớp lớp bóng tối dày đặc. Bóng tối tự nhiên của một đêm mùa đông ảm đạm. Bóng tối cay đắng của đêm dài nô lệ khi đất nước chìm trong ách thống trị ngoại bang. Bóng tối âm thầm nhẫn nhục của những kiếp người nghèo hèn lam lũ. Bóng tối âm u trong túp lều lúc nhúc súc vật hôi tanh. Bóng tối u mê của tội lỗi nhơ nhớp. Giữa màn đêm dày đặc, Hài nhi Giêsu xuất hiện như một làn ánh sáng rực rỡ.

Đó là ánh sáng tình yêu.
Tình yêu vốn là một ngọn lửa vừa chiếu sáng vừa sưởi ấm. Hài nhi Giêsu là kết tinh tình yêu của Thiên chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đã đi đến tận cùng vì đã trao ban cho nhân loại món quà cao quí nhất không gì có thể so sánh được. Trao ban Đức Giêsu là cho tất cả, không còn có thể cho thêm gì nữa. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đi tìm con người. Thiên chúa đã hạ mình thẳm sâu để xuống gặp con người. Thiên Chúa đã tìm thấy con người trong những khốn cùng tột độ của nó. Thật lạ lùng, Thiên Chúa quá yêu thương đến độ kết hợp với sự khốn cùng của nhân loại. Thiên Chúa đã cưới lấy bản tính nhân loại. Bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương. Anh sáng Thiên Chúa soi sáng kiếp người tăm tối. Ánh sáng Thiên Chúa sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.

Đó là ánh sáng niềm tin.
Ánh sáng Giáng sinh chiếu toả trên những tâm hồn thiện chí. Đêm nhân gian vẫn còn mê đắm. Nhưng vẫn có những tâm hồn thiện chí tỉnh thức. Đó là những tâm hồn bé nhỏ nghèo hèn. Đó là những cuộc đời khiêm tốn sống âm thầm trong bóng tối. Đó là những người nghèo của Thiên Chúa. Đó là thánh Giuse, Đức Maria. Đó là Ba Vua. Đó là các mục đồng khiêm nhường nên các ngài sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên chúa. Tỉnh thức nên các ngài nhạy bén đón nhận những dấu chỉ Thiên Chúa gửi đến. Thiện chí nên các ngài hăng hái lên đường ngay khi nhận được tín hiệu. Đơn sơ nên các ngài nhận được ánh sáng. Hêrôđê và Giêrusalem chìm trong mê đắm nên ngôi sao đã tắt. Trái lại “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh các mục đồng”. Và ngôi sao xuất hiện dẫn đường cho Ba Vua. Ánh sáng đã bao phủ các ngài. Ánh sáng đã dẫn đưa các ngài đến bên máng cỏ. Ánh sáng đã khiến các ngài nhìn thấy “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” và các ngài đã tin.

Đó là ánh sáng hy vọng.
Hài nhi Giêsu là hạt giống bé bỏng Thiên Chúa gieo vào thế giới. Những tâm hồn thiện chí là mảnh đất phì nhiêu. Những người nghèo của Thiên Chúa âm thầm kiên trì chờ đợi. Những tâm hồn thiện chí như Ba Vua ngước mắt lên trời tìm kiếm. Niềm khao khát đã được đáp ứng. Đã đến mùa Thiên Chúa gieo hạt. Hạt mầm thần linh gieo vào xác phàm sẽ thần hoá cả nhân loại. Hạt giống Giêsu sẽ triển nở thành cây cao bóng cả cho muôn loài trú ngụ. Mặt trời bé nhỏ Giêsu sẽ trở thành mặt trời chính ngọ soi chiếu đêm tối nhân gian. Ánh bình minh Giêsu hứa hẹn một ngày mới chan hoà ánh sáng. Với Hài nhi Giêsu, một thời đại mới khởi đầu: những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo hèn được kính trọng. Giêsu chính là hạt mầm hy vọng Thiên Chúa gieo vào thế giới.

Đó là ánh sáng Tin mừng.
Được thắp lửa, những tâm hồn thiện chí trở thành những ngọn đuốc, không chỉ sáng lên niềm vui, niềm tin, niềm hi vọng, mà còn chia sẻ ánh sáng với những người chung quanh. “Họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này”. Tin mừng được loan đi. Niềm vui lan tới mọi tâm hồn. Anh sáng bừng lên phá tan đêm tối.

Hài nhi Giêsu như mầm cây vừa nhú. Mầm cây cần bàn tay ân cần chăm bón để vươn thành cổ thụ cành lá xum xuê. Hài nhi Giêsu như ngọn nến đem ánh sáng vào đêm tối. Ngọn nến cần được nhiều bàn tay liên đới chuyền nhau cho ánh sáng lan rộng.

Xin cho con được trái tim của các mục đồng biết mở lòng ra đón nhận ánh sáng và biết đem ánh sáng của Chúa đi khắp nơi, để đêm tối trần gian được ngập tràn ánh sáng huy hoàng của Chúa.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————————-

 

CHÚA GIÁNG SINH – Lễ vọng
Suy niệm Tin Mừng Lc 1, 67-79

Cất Lời Chúc Tụng

Lễ Giáng Sinh tới rồi! Một mùa lễ với nhiều nội dung quá súc tích và phong phú: Hài nhi Giêsu giáng sinh tại Bêlem trong khung cảnh đơn sơ nghèo hèn, một Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm và đi vào kiếp sống của con người nhân loại, một Thiên Chúa khởi đầu việc thực hiện công trình cứu độ mà toàn nhân loại đã ấp ủ từ lâu… Lời Chúa của cả ba Thánh Lễ được cử hành trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh chính là để trình bầy cho chúng ta ba mảng tư tưởng trên. Mỗi người chúng ta đều có thể chọn lấy cho mình một đề tài suy niệm riêng. Chính lúc này tôi lại muốn buông mình vào tâm tư của ngày lễ vọng (24/12) để tận hưởng cái tâm tình tuyệt vời của bài thánh ca “Chúc Tụng” (Benedictus), mà tôi vẫn thường đọc lên mỗi buổi kinh sáng. Bài ca này chứa đựng một tâm tưởng mà theo tôi nghĩ, phải là mục tiêu của suy niệm trong cả ba Thánh Lễ tiếp theo; đồng thời cũng phải trải dài suốt cả đời sống Kitô hữu: một tâm tình chúc tụng tạ ơn không ngơi nghỉ.

Dacaria đã có cả một thời gian khá dài (09 tháng) để nghiền ngẫm về biến cố đang được khai mở, mà dầu trong tư cách là một tư tế, ông vẫn thấy mình chẳng hiểu tí gì. Điều quan trọng nhất ông làm trong suốt khoảng thời gian đó có lẽ không phải là suy tư, là học hỏi kinh thánh hoặc các lời tiên tri… mà chính là cảm nghiệm về thân phận của một người bị câm điếc, của một tư tế bị dị nghị và gạt bỏ. Chính trong cái tâm trạng bĩ cực đó, dưới ơn soi dẫn của Thánh Thần, ông đã nghiệm ra được điều vĩ đại và trọng tâm nhất đối với lịch sử cứu độ và đối với cuộc sống riêng mình: Thiên Chúa đầy trắc ẩn khởi công thực hiện công trình cứu chuộc của Người. Việc Gio-an con ông, vị tiền hô của Người, được sinh hạ chỉ là một dấu khởi đầu, như hừng đông báo trước. Chính vì thế mà, với việc Gio-an chào đời, vừa lúc miệng lưỡi ông mở ra và ông nói được, ông lập tức cất tiếng chúc tụng Thiên Chúa.

Và lời chúc tụng (benedictus) thật kỳ diệu: nó khác xa Bài Ca Chiến Thắng mà Môsê cùng với con cái Isaelcất lên sau khi đã vượt qua biển đỏ và tận mắt chứng kiến việc Giavê hiển hách chiến thắng binh lực Pharaô hùng mạnh để giải phóng dân Ngài (Xh 15, 1-20). Ở đây, một hình ảnh Thiên Chúa trái ngược được phác họa: ‘đầy tình xót thương, đầy lòng trắc ẩn…’, thông qua nhiều đường nét là một chuỗi các hành động khác nhau:
– Viếng thăm cứu chuộc dân Người
– Cho xuất hiện vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta
– Cứu ta thoát khỏi địch thù
– Trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
– Giải phóng ta khỏi tay địch thù
– Cho ta chẳng còn sợ hãi
– Cứu độ và tha thứ hết mọi tội khiên
– Viếng thăm ta
– Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
– Dẫn ta bước vào đường nẻo bình an
Đối với Dacaria, một kỷ nguyên mới đang được khai mở, kỷ nguyên của Tân Ước trong đó xuất hiện một Thiên Chúa đầy từ tâm; kỷ nguyên trong đó chúc tụng sẽ là công việc chính yếu cần làm.

Lễ Giáng Sinh mà tôi mừng kính sẽ chẳng có giá trị gì nếu không kèm theo lời chúc tụng. Và lời chúc tụng chân thực nhất sẽ không chỉ là hòa mình với toàn thể nhân loại tham gia một lễ hội, mà là cùng với Hội Thánh các kẻ tin vang lên lời chúc tụng, xuất phát từ nhận thức sinh động thân phận thấp hèn của con người mình, đầy dẫy những khiếm khuyết, lầm lỗi, yếu đuối và đổ vỡ nhưng lại được chính Thiên Chúa viếng thăm. Chỉ có như thế Giáng Sinh mới trở thành một bài ca chúc tụng tạ ơn phát xuất từ đáy lòng, một bài ca diễn đạt không ngơi với niềm tin của tập thể các môn đệ là Hội Thánh.

Lạy Chúa Hài Nhi, quỳ bên máng cỏ Chúa, con muốn chiêm ngắm Chúa, đống thời chiêm ngắm chính con. Càng ngắm nhìn Chúa con lại thấy cần phải thẳng thắn nhìn sâu vào con người yếu hèn của mình. Con không thể hiểu hết được ý nghĩa việc Chúa giáng sinh, nếu con không nhận ra sự thấp kém của mình. Chúa làm người để con được làm người con của Chúa, dẫu trong tất cả yếu đuối và giới hạn. Chúa làm người để con không còn tự ti mạc cảm, nhưng luôn biết dâng lời ngợi khen và chúc tụng không ngơi. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

CHÚA GIÁNG SINH – Lễ đêm
Suy niệm Tin Mừng Lc 2, 1-14

Loài Người Chúa Thương

“Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ”. Sự kiện đơn sơ như thế mà tác giả Luca lại cất công ghi chép rất chi tiết niên đại như một biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại. Cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai đã sớm nhận ra điều này: hài nhi mới sinh ra tại Bêlem trong đơn nghèo lại đang làm đảo lộn cả một lịch sử bi tráng của toàn nhân loại. Sự kiện mang tính cách mạng này lại không phải là một chiến thắng vẻ vang, một cuộc lật đổ ngoạn mục, mà nhiều khi chỉ mang lại lo âu và sợ hãi, cũng không phải là hoàn tất một công trình hoành tráng vĩ đại đòi nhiều đóng góp khó nhọc và lao công. Một ‘Trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ’ lại là một ‘tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân’. Việc hạ sinh này tỏ lộ ‘vinh quang Thiên Chúa trên trời’, đồng thời cũng mang lại ‘bình an cho loài người Chúa thương dưới thế’. Có thể thế được chăng? Tin Mừng vĩ đại lại có thể đơn sơ đến như thế sao?

Thế đấy, cái đêm lễ hội phức tạp và công phu nhất trong năm (chỉ cần nhìn vào cách người ta trang hoàng đường phố cửa tiệm, dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà thờ, mua sắm quà cáp, nấu dọn yến tiệc cho ngày đại lễ) lại có một ý nghĩa, một nội dung quá ư giản dị và thuần khiết! Và để có thể khám phá ra sự đơn thuần này cần phải có được một đêm tĩnh mịch, đêm thầm lặng, đêm sâu lắng của cõi lòng (Silent Night). Vinh quang Thiên Chúa (Gloria Dei) không tỏ hiện trong hào quang sáng chói, không tiền hô hậu ủng trong tiếng nhạc tiếng sấm vang rền, không phô trương rầm rộ với binh hùng tướng mạnh. Vinh quang đó âm thầm xuất hiện giữa đêm đông tĩnh mịch, trong hình hài một trẻ thơ yếu ớt sinh ra trong chuồng chiên bò hôi hám… Điều đó sẽ là hoàn toàn hợp lý khi nào người ta nếm cảm được cái thứ vinh quang của tình yêu thương, của lòng nhân ái; âm thầm và thinh lặng như người cha ngồi bên giường bệnh của đứa con thoi thóp thở trong góc phòng của một bệnh viện vắng lạnh, hoặc bà vợ đứng sau chiếc xe lăn của người chồng tật nguyền trong xó nhà quạnh hiu… Lúc đó sự thinh lặng, nghèo nàn, tăm tối…, và chỉ có như thế, mới nói lên được tất cả, nói cách hùng hồn và diễn đạt đầy đủ nội dung sâu sắc nhất của tình yêu thương vĩ đại.

Và một khi loài người dưới thế, trong thinh lặng và sâu lắng. nhận ra rằng mình được Thiên Chúa yêu mến xót thương, được ‘đầy ân sủng và Đức Chúa ở cùng’ (Lc 1,28), họ sẽ biết đón nhận biến cố này với tâm hồn an bình, với tâm tình mừng vui diễn tả qua lời ca ngợi tri ân. Đặc biệt Kitô hữu chúng ta, duy nhất giữa muôn người được nhận biết mình là phần tử của ‘loài người Chúa thương’, một loài người không chỉ gồm toàn những kẻ lương thiện tốt lành, mà bao gồm cả các tội nhân bất hảo. Qua kinh nghiệm bản thân, các Kitô hữu hiểu rõ mình thuộc về thứ loài người này trong cả diện tích cực lẫn tiêu cực của nó. Và khi cử hành sự kiện Hài Nhi giáng sinh tại Bêlem, họ nhận mình chính là người đầu tiên tiếp lấy lòng xót thương thần linh. Tâm hồn họ lúc đó được tràn ngập thứ bình an độc nhất vô nhị, như chính Đức Giêsu sẽ khảng định sau này: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng” (Ga 14,27)… Đúng là “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Maria là người nữ đã chào đón ‘hài nhi sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ’ trong thinh lặng và sâu lắng như thế. Sinh nở luôn kéo theo không biết bao nhiêu vấn đề thể lý, tinh thần, vật chất và giao tế… dễ làm xáo trộn bất cứ ai, nhất là các sản phụ đặc biệt trong hoàn cảnh xa nhà, giữa muôn vàn thiếu thốn và bị xua đuổi… Tác giả Luca đã đề cao thái độ lạ lùng của người mẹ rất đặc biệt này: ‘Còn Maria thì hằng ghi nhờ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Maria đúng là Kitô hữu tiên khởi, tuyệt vời nhất ngay từ giờ phút đầu tiên khi ‘vinh quang Thiên Chúa’ xuất hiện nơi dương thế.

Là một Kitô hữu, hơn nữa là linh mục – tu sĩ, tôi không thể cử hành biến cố Hài Nhi giáng trần cách nào khác. Dầu có bận rộn tới mấy đi nữa (chưa bằng một phần của Maria đâu!), tôi vẫn phải tự nhủ: để khám phá ra và ca tụng ‘Vinh quang Chúa’, và nhận biết mình là ‘loài người Chúa thương’, tôi tuyêt đối cần phải giữ cho tâm hồn mình được thinh lặng và sâu lắng trong suốt thời gian cử hành lễ Giáng Sinh này.

Lạy Hài Nhi sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ, con muốn cùng Mẹ Maria thinh lặng chiêm ngắm tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa giáng trần. Xin cho con nhận ra tăm tối, giá lạnh và nghèo nàn… tại Bêlem hôm đó lại chính là tiếng ca ngợi vinh quang tình yêu Thiên Chúa cách vang dội nhất. Đặc biệt xin cho con nghe được thấu lời tuyên bố long trọng của Hài Nhi giáng thế:“Thiên Chúa yêu thương loài người”, trong đó có chính con, và mọi người tội lỗi thấp hèn…, để con và ‘loài người Chúa thương’ được hưởng bình an trọn vẹn và cất lời ca ngợi Chúa không ngừng. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

 

CHÚA GIÁNG SINH – Lễ Rạng Đông
Suy niệm Tin Mừng Lc 2, 15-20

Tôi Biết Gì Về Chúa Giáng Sinh?

Đêm qua tôi đã long trọng cử hành lễ Giáng Sinh, thế nhưng tôi biết gì về ngày lễ đó?
– Biết nhiều lắm chứ! Tác giả Luca đã tường thuật khá rành rẽ; rồi hang đá các kiểu, hoạt cảnh hoành tráng bao lần tôi đã từng tổ chức hoặc dự khán… Chắc chắn là tôi biết gần như thuộc lòng sự kiện Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng nếu phải kể cho một ai đó chưa biết gì về cái đêm ấy thì tôi sẽ nói gì đây? Cứ đặt mình vào trường hợp các mục đồng: ‘Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên’. Thế nhưng họ đâu chỉ kể về các điều họ đã được mục kích tại Bêlem, vì tự nó chẳng có gì hấp dẫn cả: ‘họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ…’ Tuy nhiên ‘Ai nấy đều ngạc nhiên’ vì… ‘họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này’. Dầu rất đơn sơ chất phát, họ cũng đã biết vượt qua các sự kiện bên ngoài để nhận ra điều Chúa thật sự muốn cho họ biết. “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”. Và điều tỏ ra đó quả thật là vô cùng trọng đại, vì nó liên quan tới hết thảy mọi người, tới toàn thể nhân loại: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra!” Và ‘các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa’ vì đã được diễm phúc nhận biết: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Thế thì khi nói về Chúa Giáng Sinh tôi không thể không đề cập tới một Đấng Cứu Độ, một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và từ nhân, một Thiên Chúa tha thứ và cứu vớt. Việc ‘một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ’, cho dầu bên ngoài có vẻ tầm thường, nhưng lại là một dấu chỉ không thể sai lầm để nhận ra ‘cái thứ’ Thiên Chúa đó. Dấu đó quả thực là tài tình và hữu hiệu: thương xót từ nhân phải đi đôi với đơn sơ thấp hèn, tha thứ cứu vớt phải thật gần gũi và bình dị. Tự thâm tâm mình, đôi lúc tôi cũng có cảm giác khó chịu về cái thấp kém và nghèo nàn của hang Bêlem. Chẳng vậy mà, ngay tại chính máng cỏ thấp hèn xưa nơi Hài Nhi đã từng nằm, khách hành hương vẫn muốn nhìn thấy một ngôi sao bạc lấp lánh trên nền cẩm thạch quí giá… để làm cho nó thêm tôn nghiêm trang trọng là gì! Nghèo hèn chỉ là gượng ép, hoặc cùng lắm là lãng mạn đối với một Đấng Thiên Chúa cao sang, nhưng lại thật tự nhiên và xứng hợp đối với Thiên Chúa đầy từ nhân và hay thương xót. Các mục đồng đơn sơ chất phác dễ dàng nhận ra điều này, trong khi các bậc quyền quí lại không. ‘Họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ’.

Tới trước hang Bêlem ngay cả các tín hữu cũng được phân làm hai nhóm: nhóm một gồm những người chỉ muốn nhìn thấy một Thiên Chúa vinh quang, tạm ẩn dấu trong hình hài bé thơ, nhưng đòi phải được thờ lạy kính tôn cách trọng vọng, còn nhóm thứ hai sẽ gồm những ai nhìn vào ‘trẻ sơ sinh… nằm trong máng cỏ’ để nhận ra lòng từ nhân vô hạn của Thiên Chúa cứu độ, và do đó sẽ mừng vui hớn hở ca tụng Người trong chính sự thấp hèn nhỏ bé của Hài Nhi. Maria, Giuse và các mục đồng thuộc nhóm thứ hai này, như Luca đã muốn mô tả họ như thế. Như vậy điều mà Thánh Sử Gioan đã từng khẳng định: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không nhận biết Người” không chỉ mang ý nghĩa luân lý của hai hạng người tốt xấu, nhưng còn chứa đựng một nội dung Tin Mừng hơn nhiều: nhận biết hay không nhận biết lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ‘Ngôi Lời mặc lấy xác phàm’. Nếu Người đến trong vinh quang huy hoàng của công lý và quyền uy có lẽ người ta sẽ dễ đón tiếp hơn trong suy tôn và kính sợ, đàng này người lại chọn đến trong nghèo hèn của nhân từ và tha thứ, và thế là người ta dễ coi thường, quên lãng. Sau này chính đức Giêsu đã phải thốt lên: “Con xin ngợi khen Cha, vì đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21). Phải đúng như thế, những người thông thái khôn ngoan ưa nhìn xem những gì là hợp lý, và nhận ra ngay Thiên Chúa trong sự vinh quang cao cả; còn kẻ bé mọn, nhất là tội lỗi thấp hèn, mới dễ cảm nhận lòng từ ái của Thiên Chúa cứu độ. Họ là những người gần gũi và thoải mái với ‘trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ’ hơn.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó!” (Mt 5,3). Vậy thì tôi thuộc nhóm nào?

Lạy Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ, mỗi khi con chiêm ngắm ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’, xin cho con có khả năng được ‘nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người,’ thứ vinh quang mà chỉ những con người bé mọn mới được mạc khải cho biết. Xin cho con biết, như Mẹ Maria tại Bêlem, ‘suy đi nghĩ lại trong lòng’ về tình yêu thương xót và lòng nhân ái vô biên của Thiên Chúa qua hình ảnh ‘trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ’, để trong mừng vui và bình an, con cũng có thể chân thành cất lên bài ca ‘Ngợi khen – Magnificat’. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

——————————————–

 

CHÚA GIÁNG SINH – Lễ Ban Ngày
Suy niệm Tin Mừng Ga 1, 1-18

Verbum Dei – Lời Thiên Chúa Ở Giữa Chúng Ta

Lời tựa sách Tin Mừng thứ tư cho chúng ta một khảng định quan trọng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả”. Như vậy mọi hiểu biết về Thiên Chúa trước khi Đức Giêsu xuất hiện (Cựu Ước, mọi tôn giáo khác, cũng như các suy luận triết học) đều chỉ là phỏng định; hay nói cách khác là nhân cách hóa, có nghĩa là người ta dựa phần lớn vào tư duy con người, cho dầu có siêu việt như các triết thuyết. Nắm bắt và thấu triệt Thiên Chúa cách chính xác chỉ có thể có được qua sự xuất hiện của Lời Thiên Chúa (Verbum Dei) trên trần gian. Vấn đề quan trọng ở đây là xác định được Lời đó có nội dung chính là gì?

Một số khảng định liên quan tới Lời – Verbum được nêu lên: ‘Lời đã có từ lúc khởi đầu… Lời vẫn hướng về Thiên Chúa… Lời là Thiên Chúa… Lời tạo thành vạn vật… Lời là sự sống, là ánh sáng… Lời hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha’. Tất cả các điều này chỉ qui vào một điểm duy nhất: ‘Lời phản ánh, và là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha’ (xem Dt 1,3; Cl 1,15). Chính đức Giêsu sau này cũng đã không ngừng lặp đi lặp lại ý tưởng này cho các môn đệ Người, “Không phải là đã có ai thấy được Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46), “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, sao anh lại nói: xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14.9)

Lời – Verbum đó ‘đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’. Như vậy là từ nay loài người có thể trực tiếp đọc được Lời, nói cách khác có thể trực tiếp thấy và biết Thiên Chúa. Để làm được điều này, cách duy nhất (và tuyệt đối không có bất cứ cách nào khác) là chịu khó đọc Lời, là chiêm ngắm Lời – Giê-su từ lúc còn mang hình hài một ‘trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ’ (Lc 2,12), cho tới giờ phút cuối cùng của thập giá khi ‘một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra’ (Ga 19,34). Maria là người duy nhất đã có mặt ở cả hai biến cố đó, đã cẩn thận đọc Lời – Giêsu trong tư thế chiêm niệm thâm sâu nhất. Và rồi Mẹ đã hiểu rõ: ‘Thiên Chúa là Đấng cứu độ… hằng thương xót…nâng cao kẻ khiêm nhường… ban cho kẻ khó nghèo đầy dư…’ (Lc 1, 47-55). Người môn đệ Gioan cũng đã theo sát, gần gũi với Thầy Giêsu nên đã có thể đọc được: ‘Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe… đã thấy tận mắt… đã chiêm ngưỡng… tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.’ (1Ga 1,1) và lên tiếng làm chứng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,8) ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…’ (Ga, 3,16); đồng thời quả quyết: “Lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật…” (Ga 19,35).

Chỉ những ai chân thành đọc Lời, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu với tâm hồn sâu lắng nhất mới có cơ hội nhận biết Thiên Chúa cách đích thực; bằng không ý niệm họ có về Người sẽ mãi mãi là mơ hồ và méo mó. Thực tế cho thấy rất nhiều người vẫn tự cho là mình biết rõ, biết sâu về Thiên Chúa (các tư tế, Biệt Phái và luật sĩ thời Đức Giêsu ngày xưa, có thể là các triết – thần học gia ngày nay), thậm chí còn mở miệng giảng dạy người khác về Thiên Chúa thế này thế nọ, nhưng lại không cất công đọc Lời – Giêsu, không dành thời giờ chiêm ngắm, gần gũi và kết hiệp với Lời. Những người như thế thì làm sao có thể vỗ ngực cho là mình hiểu biết về Thiên Chúa? Phải chăng chính họ là các tiên tri giả mà đức Giêsu đề cập tới (Mt 7, 15-20). Chả trách, Thiên Chúa tình yêu tạo thành thế gian, nhưng khi Lời tình yêu đến ‘thế gian lại không nhận biết Người’. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh tình yêu của Người, nhưng khi Lời tình yêu ‘đến nhà mình, thì người nhà lại chẳng chịu đón nhận’. Họ quá quen với suy luận của tri thức rồi thì làm sao nhận ra?

Tôi vẫn được nhắc nhở phải chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh. Thế nhưng tôi trộm nghĩ, còn hơn cả mầu nhiệm Giáng Sinh như một biến cố, tôi cần chiêm ngưỡng Giêsu như một ‘người phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta’ với mục đích để biết rõ hơn về Thiên Chúa tình yêu. Giáng Sinh chỉ là khởi điểm để tôi chuyển từ một hiểu biết Thiên Chúa từ suy luận triết thần, qua Thiên Chúa từ nhân của Đức Giêsu Kitô. Giáng Sinh phải bắt đầu nơi tôi một thứ linh đạo chiêm ngắm, đào sâu và kết hiệp với Lời – Giêsu để, như Maria, tôi đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa, Đấng cứu độ và giầu lòng xót thương.

Mẹ Maria, xin dạy con biết thinh lặng quì bên máng cỏ và chiêm ngắm Hài Nhi giáng trần; cũng xin giúp con biết ngước nhìn lên Giêsu chết trên thập giá để nhận ra một Thiên Chúa cứu độ đầy từ tâm. Qua việc lần hạt con muốn được cùng Mẹ ghi nhớ mọi điều trong cuộc đời Giêsu và suy niệm trong lòng, hầu biến trọn niềm tin Kitô hữu thành một khám phá và minh chứng cho mọi người về ‘Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ… hằng xót thương’. Kể từ lễ Giáng Sinh này, xin Mẹ đưa tay dẫn dắt con tiến bước trên con đường chiêm niệm và sâu lắng, mà Mẹ đã từng bước đi. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

 

Thiên Chúa “Ở Cùng…”

Mỗi dịp Giáng sinh về ta lại được nghe những bài hát thánh ca giáng sinh với những cung nhạc du dương đầy cảm xúc về một ước mơ hòa bình cho nhân thế. Nhưng hình như cứ hết mùa Noel này tới mùa Noel khác con người vẫn khao khát chờ mong hòa bình, và vẫn thổn thức với tiếng nguyện cầu ai oán thưa lên với Đấng cứu tinh sao chậm mưa xuống ơn an bình cho nhân thế như lời bài hát “Bài Thánh Ca Buồn” cứ dồn dập vang lên:

“Lời nguyện cầu Chúa có nghe không, sao bây giờ mình hoài xa vắng”. Chúa có nghe không? Sao cuộc đời vẫn còn đó những chia ly ngăn cách vì chiến tranh, vì hận thù, và hôm nay vẫn còn đó những bạn trẻ bỏ quê hương, bản quán đến với phương trời xa lạ để kiếm ăn, và bòn nhặt từng đồng gửi về quê hương?
Rồi nhìn ra thế giới với chiến tranh bom đạn vẫn xé tan màn đêm”.
Đạn xé không trung đêm đừng đêm vẫn nghe
Từng lớp trai đi cho ngày mai vẫn đi
Đêm nay Người xuống đời
Xin đem nguồn vui tới
Những đôi môi lạnh đã lâu không cười.

Và chính trong hoang tàn chết chóc ấy, ta thấy chạnh lòng thương cho những mái đầu xanh vô tội:
Lạy Chúa con còn lứa tuổi học sinh
Vì cha là lính con thiết tha xin
An vui cho người đầu tuyến
Trẻ thơ yên tâm sách đèn
Để mẹ hiền con hết ưu phiền.

Đêm Noel ta còn nghe đâu đó tiếng nguyện cầu của người ngoại đạo. Dầu không cùng tôn giáo, nhưng cùng niềm tin có Một Đấng ở trên cao:
Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng con tin có Chúa ở trên trời
Trong lòng con giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!

Vâng, thưa anh chị em, lời nguyện cầu của nhân loại vang lên dường như không có một lời nào mà Thiên Chúa không nhìn đến. Bởi vì Ngài đã từng nói “một sợi tóc trên đầu con rơi xuống, Ta cũng đều biết”. Ngài sẵn sàng cúi xuống cứu vớt những ai kêu cầu Ngài.

Tuy bình an của Chúa đã ban xuống cho nhân thế, nhưng bình an chỉ đến cho những người thiện tâm như lời thiên sứ đã loan tin: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Muốn có bình an thì tâm mình phải thuộc về Chúa. Tâm con người cần được tháo cởi khỏi những giận hờn, ghen ghét, bất hòa, lừa lọc dối gian… Khi tâm ngay lành thì bình an của Chúa sẽ ngự trị trọn vẹn trong tâm hồn chúng ta. Tâm bất chính thì dù có bao mùa noel qua đi thì lòng người vẫn ngổn ngang lo lắng trăm chiều.

Đồng thời, những lời cầu xin của chúng ta có thực sự là xuất phát từ niềm tin mãnh liệt về một Đấng Emanuel đang ở cùng chúng ta hay không? Nếu đủ lòng tin thì điều ta xin sẽ trở thành hiện thực như lời Chúa đã nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này rời khỏi đây, qua bên kia! Nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”.

Lòng tin mà Đức Giêsu đòi nơi các môn đệ là chính thái độ phó thác hoàn toàn, thái độ cho phép chính Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Người.

Tiếc thay nhiều người hôm nay vẫn chưa đủ tin vào Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Trong biết bao lời cầu nguyện họ vẫn xin Chúa ở cùng người này đang đi xa, Chúa ở cùng gia đình này đang vất vả, Chúa ở cùng con khi con đang khó khăn…

Và hình như đại đa số chúng ta cũng chưa đủ xác tín điều này, nên tôi và quý vị đã rất nhiều lần cầu nguyện với Chúa rằng: “Chúa ơi, xin Chúa ở cùng con…”

Và mỗi lần như thế Chúa lại buồn và nói con đã quên mất lời Ta đã nói “Và này, Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Vì Ta là Đấng Emanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Xin cho con đủ đức tin vào sự hiện diện của Chúa luôn ở cùng chúng con để niềm vui và bình an trong đêm giáng sinh và mọi ngày trong đời con luôn vui tươi hạnh phúc vì có Đấng Emanuel ở cùng chúng con. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————

Hồng Ân Cao Quý Nhất

Ngày sinh nhật của Chúa cứu thế là một sự kiện đem lại niềm vui chan hòa cho mọi người khắp nơi. Có người vui vì thấy phố phường nhộn nhịp, nhiều sinh hoạt vui chơi diễn ra tưng bừng, cảnh trí trang hoàng xinh đẹp bắt mắt. Có người vui vì được tham dự Thánh lễ trọng thể có đông người tham dự, lời ca tiếng hát ngân vang lay động lòng người… Tuy nhiên, niềm vui chính đáng nhất là niềm vui của người tín hữu được ơn nhận biết rằng sự kiện Chúa Giêsu sinh xuống làm người mang đến cho nhân loại một hồng ân cao quý và tuyệt vời khôn tả. Giờ đây, chúng ta hãy dành chút thời gian để trải nghiệm niềm vui đó.

Có một ao hồ nhỏ bé nằm cạnh đại dương bát ngát bao la, cách nhau bởi một bờ ngăn hẹp.
Nước ao quanh năm đen ngòm, dơ bẩn; nước biển lúc nào cũng sạch sẽ trong lành.
Nước ao không thể trở thành nước biển, không thể trong lành như nước biển, nếu không có người phá bỏ bờ ngăn.
Một khi bờ ngăn được phá bỏ thì nước ao sẽ hòa chung với nước biển; hai bên nên một với nhau.

Xin mượn hình ảnh nầy để diễn tả mầu nhiệm Chúa xuống thế làm người.
Con người thì nhỏ bé, Thiên Chúa vô cùng lớn lao;
Con người tội lỗi nhơ uế, tựa như ao nước bẩn; Thiên Chúa hết sức tốt lành thánh thiện, tựa như đại dương trong lành bát ngát bao la.

Giữa con người và Thiên Chúa có một ngăn cách diệu vợi, ngút ngàn, vô tận vô biên.
Ngăn cách nầy khiến con người phải xa lìa Thiên Chúa, không thể liên kết với Ngài. Chỉ khi nào ngăn cách nầy được xóa bỏ, con người mới có thể lại gần Thiên Chúa, giao hòa với Thiên Chúa và nên một với Ngài như ao nước hòa vào đại dương.

Thế rồi lịch sử được lật sang trang mới. Ngôi Hai Thiên Chúa hạ mình xuống thế làm người, mặc lấy thân xác con người, trở thành người thật như chúng ta. Nhờ đó, ngăn cách ngàn trùng giữa Thiên Chúa và nhân loại được xóa bỏ, loài người được giao hòa cùng Thiên Chúa, hòa nhập với Thiên Chúa như nước ao hòa chung với đại dương. Thế là từ giây phút lịch sử trọng đại nầy, con người nên một với Thiên Chúa, mang bản tính Thiên Chúa , ở trong Thiên Chúa và được Thiên Chúa hiện diện ngay trong thân xác mình như trong đền thờ của Ngài .

Nhờ ân huệ nầy, chúng ta có thể tâm niệm như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Giêsu đang sống trong tôi” (Galat 2,20). Nói cách cụ thể hơn, tôi làm việc, tôi ăn uống, nghỉ ngơi… nhưng không phải tôi, mà là Chúa Giêsu đang làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi trong tôi. Chúa với tôi tuy hai mà một.

Và đặc biệt, khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được trở nên cùng máu thịt với Ngài, được ở trong Chúa và Chúa ở trong ta, cả hai hoàn toàn nên một.

Ôi! Thật tuyệt vời! Nhờ Chúa xuống thế làm người mà con người thấp hèn bé mọn mà được nâng lên hàng cao cả, lên bậc thần thánh, nên một với Thiên Chúa toàn năng.

Đây là ân huệ cao vời hơn tất cả những ân huệ khác Thiên Chúa ban tặng cho loài người chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ và hết lòng cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong ngày lễ mừng Chúa giáng sinh nầy.

Lạy Chúa Giêsu. Nhờ việc hạ mình xuống thế làm người hèn mọn như chúng con, Chúa nâng con người lên địa vị cao vời tột bậc, không thể nào cao hơn được nữa. Xin giúp chúng con sống sao cho xứng hợp với giá trị và địa vị cao cả của mình. Amen

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————–

 

Bừng Sáng
(Lễ Giáng Sinh )

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra

Bóng tối trần gian chạy trốn xa

Sự sáng bừng lên nguồn ánh sáng

Hoan ca tấu nhạc khúc tình ca.

Tình yêu hiến tặng nơi hoàn vũ

Sức sống thương trao khắp mọi nhà

Cứu Độ Tin Mừng vui nhập thế

Mặt Trời Công Chính cháy trong ta

Hạt Nắng

————————————

 

Tin Mừng Giáng Sinh
(Lễ Giáng Sinh)

Giữa màn đêm một Vì Sao mở lối,
xua bóng đêm tăm tối hoang liêu.
Món quà tận chốn cao siêu,
ban cho nhân loại tình yêu ngàn trùng.

YÊU đón nhận tận cùng gian khổ,
YÊU thẳm sâu tột độ gian nan.
YÊU nhẫn nhục – YÊU bẽ bàng,
nghèo hèn run lạnh trong hang bò lừa.

Lộc hồng ân đến mùa gieo hạt,
hạt thần linh mặc lấy xác phàm.
Bình minh chiếu tỏa ánh quang,
nâng người bé mọn, nghèo nàn, khiêm nhu.

Dân thoát cảnh mây mù bóng tối,
lửa tình yêu mở lối tâm linh.
Hài Nhi bé nhỏ hạ sinh,
gieo nguồn ánh sáng niềm tin cho đời.

Kẻ bé mọn được mời chiêm ngắm,
người nghèo hèn say đắm hồng ân.
Kẻ khiêm hạ sống âm thầm,
đón nhận ánh sáng thông phần loan tin.

Tin Mừng Con Chúa Giáng Sinh …

Bâng Khuâng Chiều Tím.

————————————-

 

Tình Yêu Thinh Lặng
(Lễ Giáng Sinh)

Tình lặng thầm Chúa gọi tôi,
đêm lang thang trong bóng tối mịt mờ.
Đêm sương rơi con tim trót hững hờ,
hang Bêlem Con Thiên Chúa đợi chờ,
tình lặng thầm trong giá lạnh bơ vơ.

Lời thì thầm tiếng tình yêu,
yêu nhân gian Chúa xuống thế vào đời.
Yêu khiêm nhu mong manh kiếp phận người,
yêu thương tôi Chúa cất bước đi tìm,
trong nhục nhằn Chúa nói lời yêu thương.

Tình yêu câm nín, tình yêu không lời,
Chúa đã gọi tôi giữa bóng tối cuộc đời.
Giữa máng cỏ nghèo hèn,
giữa hang động tanh hôi,
Ngài đã gọi tôi cất bước vào đời.

Tình yêu dâng hiến, tình yêu khiêm nhường,
Chúa đã dạy tôi dẫu cay đắng đoạn trường.
Dâng hiến cuộc đời mình,
thành tấm bánh hy sinh,
vững bước hành trình giữa bất trắc điêu linh.

Lời thì thầm xé tan màn đêm,
soi tâm linh chiếu ánh sáng nhiệm mầu.
Gieo tin yêu trong thế giới khổ sầu,
đem yêu thương sưởi ấm trái tim buồn,
tình gọi tình đáp lời sai tôi đi.

M. Madalena Hoa Ngâu.

—————————————-

 

Giao Duyên
Lễ Đêm Giáng Sinh – Năm A –(Lc 2, 1 – 14)

Đêm nay hội ngộ khúc tình ca,
trời – đất mừng vui kết giao hòa.
Thiên Tử kết duyên cùng nhân thế,
thiên Sứ họp đoàn vui hoan ca.

Tình yêu tìm kiếm một tình yêu,
dù bao nghịch cảnh, lắm tiêu điều.
Giữa chốn chuồng chiên bò hôi hám,
là nơi hò hẹn trái tim yêu.

Nhiệm mầu Thánh Ý Chúa cao siêu,
nghèo khó tanh hôi khốn khổ nhiều.
Trẻ thơ bọc tã trong máng cỏ,
mục đồng thờ lạy Chúa tình yêu.

Bài học khó nghèo Chúa dạy con,
bài học khổ đau kiếp mỏng dòn.
Giúp con nhận diện ra tình Chúa,
quá thương nhân thế bỏ cung son.

Chúa đã làm người giữa trần gian,
đêm đông giá lạnh cảnh cơ hàn.
Khiêm hạ kiếp người thân yếu đuối,
nâng cao phẩm giá phúc bình an.

Xuống thế làm người Chúa Ngôi Hai,
đơn sơ nhỏ bé tấm hình hài.
Con người được ngắm nhìn Thiên Chúa,
sung mãn ân tình chẳng nhạt phai.

Lịch sử loài người đã sang trang,
bóng tối xa rồi ánh sáng ban.
Dân tộc hân hoan reo mừng hát,
thủ lãnh Hòa Bình phúc an khang.

Ngài là Cố Vấn thật uy danh,
Thần Linh dũng mãnh trọn quyền hành.
Thiết lập vương quyền Cha muôn thưở,
ngai vàng Đa-vít mãi hùng anh.

Đêm nay lặng lẽ con gẫm suy,
mầu nhiệm giáng sinh rất diệu kỳ.
Vượt quá giấc mơ con người ước,
toàn năng Thiên Chúa nơi Hài Nhi.

Lạy Chúa giúp con biết cảm thông,
chia sẻ khổ đau với cộng đồng.
Với ai nghèo túng bị áp bức,
bênh vực kiếp người trước bất công.

Con quỳ thờ lạy Chúa Hài Nhi,
thinh lặng hồn con biết nói gì.
Máng cỏ xinh xinh nơi hò hẹn,
cùng Ngài giao ước mối tình si.

AP. Mặc Trầm Cung