SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 827, CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – A, 18/12/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 1, 18-24).

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Điều Kiện Để Đón Tiếp Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tin Mừng Vượt Trội Hơn Cả CôngChính TrầnGian Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Mùa Noel – Mùa Bận Rộn Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Thiên Chúa Gắn Bó Với Con Người Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Emmanuel Hạt Nắng Trg 10
Thiên Chúa Làm Người Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Emmanuel M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Emmanuel A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13

———————————–

 

Điều Kiện Để Đón Tiếp Chúa

Ngày 17 tháng 12 vừa qua, ta đã đọc bài Phúc Âm nói về gia phả Đức Giêsu, trong đó Chúa Giêsu sinh bởi dòng dõi vua Đavít. Hôm nay, Phúc Âm lại trình bày cho ta một gốc tích khác của Người: Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Phải chăng thánh sử Matthêu mâu thuẫn khi đưa ra hai gốc tích khác nhau như thế?

Thánh sử Matthêu không mâu thuẫn, nhưng khi trình bày cho ta hai gốc tích khác nhau của Chúa Giêsu, thánh sử có một dụng ý thần học. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Giêsu cũng là người nên phải sinh ra bởi một con người. Thiên Chúa ban Con Một cho loài người. Đức Maria đã đại diện loài người lãnh nhận. Nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần tác động trên Đức Maria chỉ diễn ra trong riêng tư, âm thầm. Chính Thánh Giuse đưa Chúa Giêsu ra công khai khi nhận Ngài vào dòng tộc Đavít. Qua trung gian của Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã chính thức gia nhập gia đình nhân loại, trong một đất nước, trong một dân tộc, trong một dòng họ. Tên tuổi của Người được ghi trong lịch sử của dân tộc, của dòng họ, của gia đình. Vận mệnh của Người gắn chặt với dân tộc, dòng họ, gia đình ấy. Người thực là Emmanuel, là “Thiên Chúa ở với chúng ta”.

Nhờ đâu mà thánh Giuse và Đức Maria được diễm phúc là những người đầu tiên, đại diện nhân loại tiếp đón Đấng Cứu Thế. Qua bài Phúc Âm Truyền Tin và bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy Thánh Giuse và Đức Maria có những đặc điểm sau đây.

1) Các Ngài có tâm hồn khiêm nhường sâu xa.
Đức Maria là một thiếu nữ có tâm hồn khiêm nhường. Từ nhiều thế kỷ qua, lời sấm về Đấng Cứu Thế vẫn được truyền tụng trong dân Do Thái. Thiếu nữ nào cũng mong được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Đó là một hạnh phúc, một vinh dự không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả gia đình, cho dòng họ, cho đất nước. Vậy mà khi nghe thiên thần loan báo tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria chỉ khiêm tốn thưa: “Này là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Khi bà Êlisabeth ca tụng Ngài, Đức Maria đã đáp lại: “Vì Chúa đã đoái thương phận tôi tớ thấp hèn. Người nâng cao những người bé nhỏ”. Đức Maria nhận ra sự thật là: Nếu Ngài được ơn Chúa ban thì không phải vì công trạng của mình, nhưng do lòng từ bi thương xót của Chúa. Vì khiêm tốn, nên Đức Maria âm thầm ghi nhớ tất cả mọi việc Chúa làm, mọi lời Chúa phán. Ghi nhớ để suy gẫm trong lòng. Càng suy gẫm lại càng thêm khiêm nhường. Càng khiêm nhường lại càng kín đáo.

Thánh Giuse cũng có tâm hồn khiêm nhường không kém. Đọc Phúc Âm, ta có cảm tưởng là Thánh Giuse luôn tự rút lui vào trong bóng tối. Ngài luôn sống âm thầm khiêm tốn trong công việc tầm thường của thợ thuyền. Sự khiêm tốn ấy đặc biệt thể hiện trong bài Phúc Âm hôm nay. Khi biết tin Đức Mẹ đang mang thai Đấng Cứu Thế, Thánh Giuse đã âm thầm bỏ đi. Ngài không dám tự cho mình cái vinh dự được làm cha Đấng Cứu Thế. Ngài không dám chiếm hữu quyền làm cha của Thiên Chúa. Ngài không dám mạo nhận công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài là người công chính vì khiêm tốn sống đúng thân phận của mình. Ngài là người công chính vì trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.

2) Các Ngài mau mắn vâng lời Thiên Chúa.
Các Ngài có chương trình cho đời sống. Chương trình ấy được suy nghĩ kỹ lưỡng vì được thực hành nghiêm chỉnh. Đức Maria khấn giữ mình đồng trinh. Thánh Giuse muốn sống âm thầm trong bóng tối. Nhưng khi nghe biết thánh ý Thiên Chúa các Ngài đã mau mắn xin vâng, bỏ dở chương trình riêng tư, chuyển hướng cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã thưa “xin vâng” bất chấp những đau khổ, khó khăn đang chờ đón. Thánh Giuse đã mau mắn vâng lời dù thánh ý Thiên Chúa chỉ mơ hồ giữa bóng đêm dày đặc, trong một giấc mộng lãng đãng mơ hồ.

Vì Chúa, các Ngài đã từ bỏ ý riêng mình. Vì Chúa, các Ngài đã thay đổi toàn bộ đời sống. Thay đổi quyết liệt. Từ bỏ dứt khoát. Vâng lời mau mắn.

Thái độ của các Ngài rất gần với thái độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ tự hạ mình thẳm sâu. Dù là Thiên Chúa, Người đã không đòi cho mình quyền được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ làm một người bé nhỏ nghèo hèn. Người luôn vâng lời Đức Chúa Cha, vâng lời cho đến chết trên thập giá.

Đồng thanh tương ứng, đồng ý tương cầu. Giống nhau thì tìm đến nhau. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa Cha đã tìm được nơi cư trú tâm đắc nơi Đức Maria và Thánh Giuse, hai tâm hồn khiêm nhường và tuyệt đối vâng lời.

Lạy Chúa Giêsu bé nhỏ, bây giờ thì con đã hiểu biết phải dọn một máng cỏ như thế nào cho Chúa. Chúa muốn con khoét một hang sâu khiêm nhường trong lòng con, trải trên đó những sợi cỏ vâng lời mau mắn. Như thế con sẽ được hạnh phúc đón tiếp Chúa, Đấng rất khiêm nhường và rất vâng lời. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Ngày càng có nhiều người mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng Lễ Giáng Sinh đã bị thương mại hóa. Bạn sẽ chuẩn bị Lễ Giáng Sinh thế nào cho phù hợp với tinh thần của Chúa?
2) Sống khiêm nhường và vâng lời trong xã hội hôm nay có dễ không?
3) Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giêsu tự nguyện xuống thế, làm một người, làm con trong một gia đình?
ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————————

 

Tin Mừng Vượt Trội
Hơn Cả Công Chính Trần Gian

Giáng Sinh đã gần kề! và đương nhiên Lời Chúa muốn tường thuật cho chúng ta về các sự kiện, các nhân vật có liên quan trực tiếp tới biến cố trọng đại của lịch sử cứu độ: Giuse và Maria là những nhân vật rất đáng cho chúng ta chiêm ngưỡng và học hỏi, chính vì các cuộc chiến đấu nội tâm mà các ngài đã từng phải giáp mặt trước các đòi hỏi của Tin Mừng.

Trường hợp Maria: được tường thuật cách chi tiết trong biến cố truyền tin, đã được Phúc Âm Luca ghi lại khá tỉ mỉ (Lc 1:26-38), còn tác giả Matthêu thì vắn gọn hơn: cô Maria – một trinh nữ chưa về chung sống với chồng là Giuse, đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Đoạn sách tiên tri Isaia được trích dẫn chỉ muốn xác định việc con trẻ sẽ hạ sinh là ‘Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta’, có nghĩa là thật sự Người có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Ngay cả đoạn gia phả cũng hầu như có chủ đích cho thấy đấng Kitô không phải là con ruột của Giuse, mà chỉ mong minh chứng Người thực sự thuộc giòng tộc nhà Đa-vít: “…Giacob sinh Giuse, chồng của Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1:16). Cuộc chiến đấu nội tâm của Maria, trước khi chưa chung sống với chồng mà đã có con, cũng thật khốc liệt. Hôm nay đoạn Tin Mừng Matthêu mời chúng ta tập trung vào trường hợp của Giuse – nhân vật nam chủ chốt; người sẽ phản ứng ra sao trước biến cố kỳ dị này, chiếu theo các qui định ngặt nghèo của truyền thống và luật pháp Do Thái?

Trường hợp Giuse: trong cách suy nghĩ thông thường của một người đàn ông Do Thái mẫu mực thời đó, ông dễ dàng chấp nhận việc có con cái nối giòng, theo thói tục được mọi người thời bấy giờ nhìn nhận. Giuse được gán cho hạn từ ‘người công chính’ (lưu ý: thuộc từ ‘công chính’ được Matthêu áp dụng duy nhất một lần trong trường hợp này) chỉ vì luôn hành sử theo đúng luật pháp Môsê cách đường đường chính chính. Ông không muốn, mà cũng không thể chấp nhận bất kỳ lối sống nào không phải là công minh chính đại tuân thủ luật Môsê. Dầu có kính nể Maria tới mấy, nhưng việc vợ ông đã thành hôn nhưng chưa về nhà chồng chung sống, mà đã mang thai là không thể chấp nhận được. Luật pháp đã tiên liệu cho các ông chồng rơi vào hoàn cảnh này: hoặc tố giác hoặc đơn giản bỏ phế cuộc hôn nhân…, rồi để mặc cho xã hội hành xử theo đúng qui định đối với trường hợp ngoại tình. Tuy nhiên lời sứ thần Chúa đòi ông phải hành xử như một người cha thực thụ: “đón Maria vợ ông về nhà.., ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu”…; nói cách khác, đòi ông không còn ‘công chính’ theo đòi hỏi của luật pháp nữa. Đó quả là một đòi hỏi quá lớn đối với một người Do Thái ‘công chính’ như Giuse. Ông phải quyết định: giữa một bên là chương trình cứu độ của Thiên Chúa đang được khai mở ‘vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’, và bên kia là sự công chính theo luật pháp của bản thân ông. Và Giuse ‘khi tỉnh giấc, đã làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà’, tức là ông đã chấp nhận cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, hơn là theo đuổi sự công chính của xã hội quanh mình.

Trường hợp Maria cũng tương tự như thế, khi cô lên tiếng: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Như vậy đối với cả hai: Tin Mừng cứu độ hẳn phải trổi vượt xa sự công chính của luật pháp.

Đúng thế! Thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và biểu lộ được lòng thương xót từ nhân của Người là nhiệm vụ hàng đầu và nội dung lớn nhất của Tin Mừng. Sống công chính theo luật pháp thì mọi người đều phải làm, mỗi thời có một cách sống công chính chiếu theo nền luân lý xã hội chuyển dịch theo thời gian, nơi chốn, văn hóa và truyền thống tuy có giá trị thật đấy, nhưng đứng trước Tin Mừng cứu độ, nó không còn giữ địa vị độc tôn – mục tiêu tối thượng được nữa. Thật vậy: công chính Do Thái đã có từ thời Cựu Ước, tương tự như thế, ‘công chính’ dưới dạng này hay dạng khác cũng đã tồn tại trong tất cả các xã hội và tôn giáo nhân loại. Tin Mừng Hài Nhi Giêsu đem đến trần gian không phải là một thứ công chính luân lý cao đẹp, hoàn hảo hơn các nền công chính khác. Căn cứ vào thái độ của Đức Giêsu khi cư xử với người nữ Samari chung chạ tới sáu đời chồng, với Giakêu cầm đầu nhóm thu thuế bất chính, với Madalena người phụ nữ đàng điếm khét tiếng trong thành, với tên gian phi tử tội cùng bị đóng đinh… thì Tin Mừng cứu độ được loan báo không hề bị ràng buộc bởi các điều kiện luân lý hay công chính theo luật pháp.

Đúng là Mùa Vọng kêu mời ta sám hối, nhưng không phải là thứ sám hối nhằm vun đắp cho ta một cuộc sống luân lý cao đẹp, lành mạnh hơn…, nhưng trước hết là để ta đón nhận cách trọn vẹn hơn Tin Mừng cứu độ. Mùa Vọng là thời gian tôi lắng nghe và đón nhận Thầy Giêsu, không phải vì học thuyết luân lý tuyệt hảo của Người, nhưng vì Người chính là hiện thân của một Thiên Chúa từ nhân. Kỷ nguyên mà Người khai mở không nhất thiết phải là kỷ nguyên của một xã hội hoàn hảo, trong đó mọi người đều phải trở nên đạo đức thánh thiện; mà tiên quyết phải là kỷ nguyên của lòng thương xót thứ tha, trong đó tội lỗi tuy vẫn tồn tại, nhưng tội nhân thống hối cảm thấy mình được hoàn toàn chấp nhận và yêu thương vô điều kiện.

Là một linh mục, hơn bất cứ ai khác, tôi càng cần xác tín điều này hơn ai hết, để việc mục vụ và loan báo Tin Mừng của tôi đạt được chiều kích mới và đánh đúng trọng tâm!

Lạy Thánh Giuse đấng công chính, xin hãy dạy con đón Hài Nhi Giêsu cách xứng đáng. Xin cho con thấu hiểu rằng: khi sinh ra, Hài Nhi này đã không cần tới giầu sang trần thế cũng như danh giá xã hội; điều duy nhất Người mong đợi là thực hiện cho bằng được chương trình cứu độ từ nhân của Chúa Cha. Xin Thánh Cả dạy cho con biết: xưa chính ngài cũng đã từng phải hy sinh danh thơm tiếng tốt của mình như thế nào để có thể âm thầm cộng tác vào kế hoạch cứu độ, thì nay trong đời sống và công việc mục vụ của mình, con cũng phải thực hiện cho bằng được cùng một ưu tiên cao đẹp đó. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Mùa Noel – Mùa Bận Rộn

Tôi hỏi một bạn trẻ: mùa Noel có gì mới không? Bạn ấy nói: Con bận lắm. Con nhận design thiệp Noel. Con nhận ship quà Noel.

Tôi hỏi một giáo lý viên Noel năm nay làm gì? Bạn ấy nói: Con bận lắm. Ngày nào cũng tập hát hoặc tập múa cho canh thức mừng Chúa giáng sinh.

Tôi hỏi một ông trùm: Noel năm nay có gì hay? Ông trùm nói: Con bận lắm. Ngay từ đầu mùa vọng đã lo giăng đèn, rồi làm hang đá mãi vẫn chưa xong.

Tôi hỏi lại lòng mình. Noel năm nay tôi làm gì? À cũng là soạn mấy bài giảng, chỉ đạo làm hang đá, trang trang trí điện cho hoành tráng….

Năm xưa khi Chúa giáng sinh thì loài người cũng đang bận rộn. Họ bận rộn tiếp đón đoàn hành hương. Họ trang hoàng nhà cửa , phố xá vì mục đích thương mại. Họ bận quá nên không còn chỗ cho Chúa trú ngụ đêm đông.

Và hình như con người hôm nay cũng đang đi theo vết xe ấy. Họ đang đi trên con đường không có Chúa. Bởi lòng con người hôm nay còn ngổn ngang trăm bề những ưu tư khắc khoải bởi cơm áo gạo tiền. Bởi bận rộn chuẩn bị đón mừng Chúa giáng sinh với hình thức bên ngoài khiến tâm trí họ không còn một nơi cho Chúa.

Có lẽ Chúa sẽ buồn khi con người ngày nay trang trí Noel không phải để tôn vinh Chúa mà hình như đang đánh bóng cho bản thân. Hang đá thời ông thánh Phanxicô là hang đá đơn sơ với máng cỏ rơm rạ, và ở giữa là hài nhi Giêsu đang tươi cười cho mọi người chiêm ngắm, triều bái . . . Hang đá hôm nay được trang trí bằng nhiều màu sắc, hiệu ứng và âm thanh để chụp hình, để đăng ảnh và một nghĩa nào đó là để ngắm mình qua những công trình do chính tay mình làm nên.

Năm xưa ông Gioan từng nói: “tôi phải nhỏ lại để Chúa được lớn lên”, nhưng hôm nay, cái tôi của ai cũng muốn lớn lên, nên chẳng thấy Chúa nơi những công trình nguy nga tráng lệ. Và lại một mùa Noel sắp qua đi Con Thiên Chúa đã đến nhà mình mà gia nhân đã không nhận ra Người.

Vâng , Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Đây là một ân huệ cao quý mà Chúa đã dành cho loài thụ tạo chúng ta. Ngài chính là Emanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài còn tự đồng hoá mình trong những mảnh đời bất hạnh mà chúng ta gặp gỡ bên đường. Ngài vẫn đang tiếp tục đi ngõ cửa từng nhà để xin một chén nước, một bát cơm, một sự chia sẻ yêu thương. Ngài đang đồng hóa mình trong những người cơ nhỡ, người bất hạnh để xin một chỗ trú ngụ qua những ngày giông bão.

Năm xưa, Thánh Giuse và Đức Maria đã quảng đại đón nhận Chúa đến với mình bằng lời xin vâng. Mẹ đã cộng tác bằng hai tiếng xin vâng để đón nhận hài nhi ngự trong cung lòng Mẹ. Thánh Giuse đã cộng tác bằng hai tiếng xin vâng để trở thành cha nuôi của Chúa Giêsu. Cả hai Đấng đã gác lại mọi toan tính, mọi kế hoạch của mình để cùng thưa xin vâng theo chương trình của Thiên Chúa. Ngôi Hai Thiên Chúa đã có thể cư ngụ giữa chúng ta là nhờ tấm lòng hy sinh của hai thánh nhân. Chính các ngài đã từ bỏ ý riêng, từ bỏ nếp sống của mình để hành xử theo ý Thiên Chú.

Mùa vọng sắp qua đi và một mùa Noel lại tới. Ước gì mỗi người hãy dành một chút trong thinh lặng, trong cõi lòng để mời Chúa đến với tâm hồn mình. Một tâm hồn thinh lặng mới có thể lắng nghe tiếng Chúa và đáp trả . Một tâm hồn có Chúa mới bình an để có thể hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

———————————————

 

Thiên Chúa Gắn Bó Với Con Người

Bài Tin Mừng Chúa nhật nầy đề cập đến tước hiệu của Chúa cứu thế là Emmanuen. Tước hiệu nầy đã được ngôn sứ Isaia tiên báo từ ngàn xưa: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 18,23).

Tước hiệu nầy gói ghém ước vọng của Thiên Chúa là ở mãi với loài người, gắn bó với con người như mẹ hiền và con thơ.

Không hề có vị vua nào trên dương gian từng lìa bỏ hoàng cung cao sang diễm lệ, tìm đến với người cùng đinh, dựng chòi ở với họ, sống kiếp lam lũ, bần cùng để chia vui xẻ buồn với họ.

Thế mà Vua Trời cao cả vô song, đầy quyền năng phép tắc, là Ngôi Hai Thiên Chúa uy hùng, đã hạ mình xuống cõi trần ai thấp hèn khốn khổ, trở nên người phàm bé mọn như chúng ta, cắm lều cư ngụ giữa loài và chia sẻ thân phận làm người với họ. Như thế, Ngài đúng là Emmanuen, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Thiên Chúa gắn bó với con người.
Người mẹ hiền không hề muốn xa lìa con thơ, dù chỉ trong giây lát. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng muốn có con bên cạnh để vỗ về chăm sóc. Chúa Giêsu cũng mang tâm trạng đó, Ngài muốn chúng ta với Ngài luôn ở với nhau. Ngài bày tỏ với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con…” (Ga 17,24).

– Khi sắp từ giã các môn đệ để nộp mình chịu tử nạn, Chúa Giêsu cũng trấn an các môn đệ rằng Ngài chẳng hề lìa xa các ông. Ngài nói: “Anh em đừng xao xuyến! … Thầy đi dọn chỗ cho anh em…. Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (Ga 14,1-3). Y như mẹ hiền gắn bó mật thiết với con thơ.

– Rồi khi tạm biệt các môn đệ để về Trời, Chúa Giê-su cũng quả quyết với các ông: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Hôm nay, mặc dù Chúa Giêsu đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha, Ngài vẫn tiếp tục hiện diện cách thiêng liêng trong tâm hồn của các tín hữu và trong Hội Thánh.

Chúa Giêsu tiếp tục ở với chúng ta qua Lời của Ngài. Chính Ngài ngỏ lời với ta khi Giáo Hội công bố Lời Chúa.

Chúa Giêsu tiếp tục ở với chúng ta khi chúng ta họp nhau nhân danh Ngài. Ngài nói: “Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa những người đó” (Mt 18,20).

Ngoài ra, Chúa Giêsu cùng với Chúa Cha và Thánh Thần thường xuyên cư ngụ trong lòng chúng ta như trong cung điện của Ngài. Ngài phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).

Thế nhưng bấy nhiêu cũng chưa thoả lòng yêu thương nên Chúa Giêsu còn lập nên Bí tích Thánh Thể, hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu để cho chúng ta được rước Chúa vào lòng, để chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong chúng ta, cả hai hoàn toàn nên một.

Lạy Chúa Giêsu. Nguyện vọng tha thiết nhất của Chúa là ở với loài người mọi ngày cho đến tận thế. Và điều khiến Chúa đau lòng nhất là bị nhân loại từ khước như thánh Gioan nhận định trong Tin Mừng thứ tư: “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Ngài !” (Ga 1, 10-11).

Xin cho chúng con đừng bao giờ khước từ hay xa cách Chúa, nhưng luôn gắn bó mật thiết với Chúa như con thơ ở với mẹ hiền. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————–

 

Emmanuel
CN 4MV.A – (Mt 1, 18 – 24)

Ngôi Lời Nhập Thể xuống dương gian

Lận đận truân chuyên phận bẽ bàng

Nguồn gốc thiên cung, nguồn hạnh phúc

Náu thân trần thế, náu nguy nan

Thánh Thần tác động hồn an tịnh

Thiên sứ khơi nguồn dạ vấn an

Chuyển hướng cuộc đời vâng thánh ý

Khơi nguồn cứu chuộc tỏa vinh quang.

Hạt Nắng

—————————————–

 

Thiên Chúa Làm Người
CN 4MV.A – (Mt 1, 18 – 24)

Để gia nhập gia đình nhân loại,
cứu con người băng hoại trầm luân.
Thiên Chúa mời gọi thông phần,
đón Con Chí Ái thành nhân giữa đời.

Maria đáp lời thiên sứ,
đón Ngôi Hai ngự giữa cung lòng.
Tâm hồn thanh khiết trinh trong,
đơn sơ hèn mọn cậy trông ơn trời.

Thánh Giuse chơi vơi đêm vắng,
lời sứ thần lắng đọng tâm tư.
Đáp lại tình Chúa nhân từ,
ý riêng từ bỏ thực hư rõ ràng.

Đời tín thác chẳng màng danh tiếng,
phúc hiệp thông hòa quyện buồn vui.
Thăng trầm chia sẻ ngọt bùi,
giúp Con Thiên Chúa đẩy lùi bóng đêm.

Hồn khiêm hạ êm đềm máng cỏ,
tiếng xin vâng tỏ lộ đáp lời.
Dọn lòng hang đá gọi mời,
Hài Nhi sinh xuống giữa đời hôm nay.

Hỡi người sầu khổ, đắng cay,
lắng nghe khúc hát đắm say giữa trời.
Nay Con Thiên Chúa làm người…

Bâng Khuâng Chiều Tím

————————————

 

Emmanuel
CN 4MV.A – (Mt 1, 18 – 24)

Lặng thầm đêm đông hoang vắng,
lặng lẽ Chúa đến bên con.
Ngậm ngùi tình yêu sắt son,
gọi mời con quay về bên Chúa.

Ngậm ngùi tàn hoa héo úa,
lặng lẽ Chúa đến ủi an,
Nồng nàn tình yêu chứa chan,
sưởi ấm hồn con, chiên hoang lạc đàn.

Ôi! Emmanuel. Ôi! Emmanuel,
từ ngàn xưa, ngàn sau vẫn thế.
Quá yêu con đến ở cùng con,
nhớ thương con để con ở cùng Ngài.

Bùi ngùi rộn vang khúc hát,
vinh quang Chúa trên trời cao.
Ngọt ngào tình con hiến trao,
hồng phúc bình an, sướng vui ngập tràn.

M. Madalena Hoa Ngâu

————————————-

 

Emmanuel
CN 4MV.A – (Mt 1, 18 – 24)

Thiên Chúa Tình Yêu rất tuyệt vời,
yêu thương trần thế cảnh chơi vơi.
Trời cao đất thấp, sầu ngăn lối,
phá đổ bức tường, nối hai nơi.

Chúa muốn ở cùng với chúng sinh,
chia sẻ nỗi đau thế nhân tình.
Mang kiếp lầm than thân yếu đuối,
mời gọi đáp tình nghĩa trung trinh.

Giuse tâm trạng nỗi khổ đau,
quyết định ra đi ôm nỗi sầu.
Thai nhi trong dạ người yêu dấu,
trăn trở dày vò suốt canh thâu.

Thiên thần báo mộng tin phúc ân
nguồn gốc thai nhi bởi Thánh Thần.
Ngôi Lời Thiên Tử nay giáng thế,
Giavê giải thoát cứu muôn dân.

Công minh chính trực trái tim trong,
đơn sơ nhỏ bé thẳm sâu lòng.
Xin vâng đón nhận lời mạc khải,
đáp lại ân tình Thiên Chúa mong.

Đón nhận tâm tình Maria,
rước Mẹ và Con sống một nhà.
Ứng nghiệm lời truyền trong Kinh Thánh,
Đavít vương quyền dòng dõi cha.

Tín thác một đời sống hiến dâng,
Thánh Ý Chúa ban dự thông phần.
Giuse cùng với bạn chí ái,
đón Chúa ở cùng vui phúc ân.

Lạy Chúa cho con biết xin vâng,
đời con đã thoái thác bao lần.
Lòng con không để cho Chúa ngự,
nay xin thỏ thẻ mối tình thân.

Chúa mời gọi con sống mỗi ngày,
theo Ngài đi khắp nẻo chân mây.
Có Chúa cùng con vui sánh bước,
gieo rắc an hòa tình dựng xây.

Từ nay con nguyện biết hy sinh,
sống với tha nhân trọn nghĩa tình.
Phản chiếu rõ tình yêu Thiên Chúa,
sống giữa thế trần giữa nhân sinh.

AP. Mặc Trầm Cung