SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 817, CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – C, 02/10/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 17, 11-19)

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.
Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Đón Nhận Ơn Cứu Độ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sống Tin Mừng Là Sống Tạ Ơn Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
“Cám Ơn Đời” Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Quà Tặng Vô Giá Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Cứu Độ Hạt Nắng Trg 10
Xin Tri Ân Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Xin Tri Ân M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Tri Ân Tình Chúa A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13

 

Đón Nhận Ơn Cứu Độ

Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu khổ hình, hoàn thành việc cứu độ. Chính lúc đi ngang qua Samaria, nhất là qua việc cứu chữa mười bệnh nhân phong, Chúa cho thấy một vài đặc điểm của ơn cứu độ.

Ơn cứu độ là phổ quát.
Chúa muốn cứu độ hết mọi người không loại trừ ai. Nên Chúa đi qua Samaria. Samaria là vùng đất cấm kỵ đối với người Do Thái. Đó là vùng đất ngoại đạo. Đó là vùng đất ô uế. Người Do Thái và người Samaria không giao thiệp với nhau. Nhưng Chúa đã vượt qua ranh giới cấm kỵ đó. Chúa muốn đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Tại Samaria Chúa còn gặp gỡ mười người phong cùi. Lại một cấm kỵ nữa. Người phong cùi vốn bị coi là hạng người tội lỗi, ô uế. Ai gặp họ đều trở nên ô uế. Họ bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Tại Samaria, những người phong cùi là những người ở tầng lớp cuối cùng của xã hội. Chúa đem ơn cứu độ cho mọi người, kể cả những người bị khinh miệt nhất, bị quên lãng nhất, bị hất hủi nhất. Ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng.

Ơn cứu độ là nhưng không.
Không ai dám nghĩ đến việc mời Chúa xuống trần gian. Không ai có công trạng gì khiến Chúa phải xuống trần gian để tưởng thưởng hay để đền đáp. Chúa xuống trần gian hoàn toàn do lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Cũng thế, người Samaria hoàn toàn bất ngờ khi Chúa đến miền đất của họ. Những người phong cùi lại càng không bao giờ dám mơ tưởng tới. Bản thân họ đã bị lên án, bị loại trừ rồi. Ngay việc gặp một người bình thường đã không được phép, huống chi là gặp gỡ Chúa. Nhưng Chúa đã đến gặp gỡ họ, ban ơn cứu chữa họ. Hoàn toàn nhưng không. Họ chẳng có công gì. Họ chẳng có quyền đòi hỏi gì. Họ chỉ có nỗi đau khổ tột cùng. Chính nỗi đau khổ đó đã khơi dậy lòng yêu thương của Chúa. Vì Chúa là tình yêu thương.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm tin.
Tuy ơn cứu độ được ban rộng rãi và nhưng không, nhưng để đón nhận đòi phải có niềm tin. Những người phong cùi hôm nay đã bày tỏ niềm tin qua hai thái độ. Thái độ thứ nhất là đồng thanh lớn tiếng kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Lạy Thầy Giêsu, xin cứu chúng tôi”. Danh Thánh Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Từ cùng tận nỗi đau khổ, những người phong cùi đã kêu van bằng tất cả tấm lòng tha thiết và với niềm tin vững chắc. Chỉ có Chúa mới thương xót họ. Chỉ có Chúa mới đủ quyền năng cứu chữa họ. Thái độ thứ hai là đi trình diện với thầy tư tế. Chúa không chữa họ ngay nhưng bảo họ đi trình diện với thày tư tế. Dù chưa được khỏi, nhưng họ vẫn tin tưởng lên đường. Đang khi đi đường thì họ được khỏi. Đức tin đã chữa họ.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm vui.
Đây là niềm vui trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người. Cốt lõi của ơn cứu độ là thiết lập mối tương giao, cho con người được trở nên con cái Thiên Chúa, đồng hưởng hạnh phúc với Chúa. Đó là cội rễ của niềm vui, niềm hạnh phúc. Chín người bệnh không trở lại chỉ có niềm vui được khỏi bệnh, nhưng không có niềm vui trong mối tương giao với Thiên Chúa. Họ có đức tin cầu xin nhưng thiếu đức tin gặp gỡ với Thiên Chúa. Niềm vui được khỏi bệnh rồi cũng sẽ nhạt phai. Chỉ có một người trở lại tạ ơn. Anh trở lại vì mối tương giao. Anh nhận biết nguồn gốc niềm vui của mình. Anh sụp lạy Chúa vì biết nguồn gốc hiện hữu của mình. Anh đã tìm thấy nguồn cội ý nghĩa đời mình. Niềm vui của anh sẽ còn mãi mãi. Đời anh sẽ là một đời tạ ơn không ngừng.

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến gặp gỡ Chúa để tạ ơn Chúa. Chính niềm vui tạ ơn này đem đến cho con hạnh phúc suốt đời con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Vì sao Chúa ban ơn cứu độ cho ta và ta phải đón nhận với thái độ thế nào?
2) Đức tin cầu xin và đức tin gặp gỡ Chúa khác nhau thế nào? Bạn đã tiến đến đâu trong đời sống đức tin?
3) Có những miền đất, những con người nào mà bạn coi là cấm kỵ khiến bạn chưa dám tiếp cận không? Với gương Chúa Giêsu hôm nay, bạn sẽ làm gì?
4) Biết ơn rất cần trong đời sống tự nhiên. Bạn có biết ơn trong đời sống siêu nhiên không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————–

 

Sống Tin Mừng Là Sống Tạ Ơn

Qua bài Tin Mừng hôm nay nói về việc: Đức Giêsu chữa mười người phong cùi, Chúa muốn nói cho tôi điều gì? Thoạt đầu câu trả lời xem ra quá đơn giản: phép lạ là để khẳng định quyền năng Thiên Chúa, và ai nhận được phải dâng lời tạ ơn. Nhưng suy niệm cho kỹ, tôi mới nhận ra một điều gì lớn lao và khác lạ hơn những gì tôi vẫn thường nghĩ.

Ai cũng biết là bệnh phong (hay bệnh cùi) là một căn bệnh ghê tởm, dễ lây lan và nan y vào thời đó. Trong thời cổ đại, nhiều xã hội đã coi: phong cùi là hình ảnh điển hình nhất của tội lỗi. Như vậy khi Đức Giêsu chữa lành mười người phong cùi, trong đó có cả một người dân ngoại (không Do Thái), ngoài việc tỏ lộ quyền năng Người còn cho thấy ơn cứu độ Người mang đến cho trần gian là phổ quát. Nói các cách khác: lòng thương xót của Thiên Chúa được ban phát cho hết mọi con người. Đối với những kiếp người sống trong vô vọng và bị loại trừ như các người phong cùi, thì đột nhiên được chữa lành, có nghĩa là tìm lại được hy vọng và được chấp nhận, thì còn hồng ân nào lớn cho bằng! Đó chính là hình ảnh rõ rệt nhất của ơn cứu độ Đức Giêsu mang lại cho nhân loại tội lỗi, và do đó ta đi tới khẳng định: tạ ơn sẽ phải là tâm tình tràn ngập nhân loại được cứu rỗi sau biến cố Thập Giá. Tạ ơn là tình cảm mà từ lâu đã được Giáo Hội nhìn nhận như nét tiêu biểu nhất của cộng đoàn Kitô hữu; tâm tình tạ ơn này phải được cử hành không ngừng qua Hy Lễ Tạ Ơn (Eucaristia).

Ý chính là như thế, tuy nhiên ta còn nhận ra trong bài tường thuật của Luca một vài chi tiết khác rất đáng lưu ý:
– Mười người phong cùi, trong số đó có chín người Do Thái, nhưng vẫn lẫn vào một người Samari thường bị coi là ngoại giáo (có thể vì khu biệt lập dành cho các người phong này nằm ngay gíap ranh giữa hai miền Samari và Galilê). Con số 10 này có thể hàm ý cả một nhân loại tội lỗi, trong đó gồm cả các tín hữu lẫn người vô thần, Kitô hữu cũng như các người thuộc các tôn giáo khác. Tất cả họ đều vướng mắc ‘phong cùi’ tội lỗi, cùng chung sống và chia sẻ tài nguyên trong một thế giới tràn ngập hận thù và bất công.
– Cả 10 người phong cùi này đều mong mỏi gặp được Thầy Giêsu, vì thế ngay ‘từ đàng xa, họ đã kêu van lớn tiếng: “Lạy thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi”. Phải chăng cùng với các Kitô hữu, toàn thể nhân loại đều ngong ngóng trông chờ ơn cứu chuộc; phải chăng tất cả mọi tôn giáo, kể cả nhiều hình thái vô thần đều là những tiếng vang vọng xa xa của lời van xin thống thiết đó! Vì, theo cách nói của Phaolô: toàn thể nhân loại và mọi tạo vật đều quằn quại rên xiết chờ đợi ngày đó (Rm 8:19). Và Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”, thế nhưng ‘đang khi đi thì họ đã được sạch’. Phaolô cũng đã từng khẳng định: ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô sẽ tới với hết thảy mọi người, cũng như tội lỗi đã thâm nhập toàn thể nhân loại (Rm 5:15-19). Chắc chắn là việc ‘đi trình diện’ hay gia nhập Hội Thánh vẫn là một đòi hỏi căn bản; tuy nhiên trong tường thuật này, ta ghi nhận: đang khi đi (có nghĩa là chưa trình diện = chưa gia nhập), thì họ đã được khỏi (tức lãnh nhận được ơn cứu độ và sự thứ tha). Một chi tiết cần lưu ý: biên giới Samari và Galilê cách Giêrusalem nơi các tư tế phục vụ một chặng đường khá xa; vậy mà mới đi được một khúc ngắn họ đã được khỏi rồi. Phải chăng điều đó có nghĩa là: nhiều người tuy còn xa lắc xa lơ đối với Hội Thánh về mặt cơ chế tổ chức, tín lý, nhất là về luân lý đạo đức…, vẫn có thể được cứu rỗi miễn là họ đang trên con đường tiếp nhận Tin Mừng?

– Thế thì đâu là vai trò và sự khác biệt của Kitô hữu? ‘Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa’…, và Đức Giêsu nói với anh: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Vai trò và sự khác biệt là ở chỗ đó! Lòng tin Kitô hữu hệ tại ở việc nhận biết mình được Thiên Chúa cứu chữa, và vai trò đặc biệt của họ là ‘sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn Ngài’. Kể từ ngày chịu phép Thánh Tẩy Kitô hữu không ngừng nhận thức rằng: mình được Thiên Chúa xót thương. Mỗi khi xét mình hay đi xưng tội, họ đào sâu hơn vào nhận thức đó; và nhận thức này sẽ không ngừng gia tăng để niềm tri ân cảm tạ ngày một dâng cao. Thánh Lễ Tạ Ơn, thời điểm họ cử hành mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, chính là một diễn tả tuyệt hảo lời ngợi khen đó; không có nhận thức và hành động cảm tạ này, Kitô hữu cũng giống như mọi người khác thôi, và có thể còn thấp hơn, vì ‘anh ta lại là người Samari’.

– Một trong các thao thức Tin Mừng của Đức Giêsu là làm sao để mọi người nhận biết và cảm tạ hồng ân cứu độ họ nhận được; ‘Không phải cả 10 người đều được sạch cả sao? Thế thì 9 người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?’ Chính ở điểm này tôi tìm thấy ý nghĩa đích thực của sứ mệnh truyền giáo của Kitô hữu: truyền giáo không phải là mang ơn cứu độ tới cho một ai, nhưng là làm cho nhiều người hơn nữa nhận biết họ được Thiên Chúa xót thương và cứu chuộc. Đưa họ tới Bí tích Rửa Tội là để khẳng định nhận thức này từ nay sẽ trở thành lẽ sống của họ; cũng như mời gọi họ gia nhập Hội Thánh với mục đích chính là để cùng cộng đoàn chung lời cảm tạ.

Ôi, nhiều khi tôi mơ ước được trình bày một Hội Thánh như thế: Hội Thánh như một cộng đoàn qui tụ, để đón nhận hồng ân cứu độ, và dâng lời tạ ơn vì hồng ân đó. Có lẽ sách Công Vụ các Tông Đồ cũng đã từng trình bày một Hội Thánh như thế!

Lạy Chúa, đã một lần khi ngồi giữa một phi trường rộng lớn, nhìn dòng người qua lại trước mặt thuộc đủ mọi mầu da, ngôn ngữ và văn hóa. Lúc đó Chúa đã mở mắt con để nhận ra rằng: Chúa yêu thương và muốn cứu độ tất cả mọi người trong số họ; còn họ, giữa muôn vàn lo toan bận rộn, một cách nào đó, đang trên đường ‘đi trình diện thầy tư tế’. Chính lúc đó con mới nhận ra rằng: sứ mạng Kitô hữu của con là làm cho họ nhận thức ra, mình được Chúa yêu thương. Tuy con chưa làm được gì nhiều để họ nhận biết tình thương của Chúa, con xin Chúa dạy con ít là biết cảm tạ Chúa thay cho họ. Phải chăng đó chính là ơn gọi cao quí nhất Chúa dành cho con! Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————————-

 

“Cám Ơn Đời”

Có lần tôi đến thăm một người bạn tại bệnh viện, tôi hỏi: “Thời gian nằm ở bệnh viện, bạn cảm thấy thế nào?”.
– Cảm thấy thế nào ư?- về phần “ thân bệnh” thì đã có đội ngũ y bác sĩ rất nhiệt tình ngày đêm theo dõi, chăm sóc rồi, ăn uống thì có vợ con lo…Nhưng còn phần “tâm bệnh”, thì chính mình phải tự lo lấy, chẳng ai lo cho mình được?
– Ngay cả ông bà, cha mẹ-anh chị em nữa phải không?
– Đúng vậy! không ai có thể làm thay cho trái tim ta? Vui buồn. Âu lo hay lạc quan đều tự mình phải lo, nhưng mà có một điều lạ là tự nhiên trong mấy ngày nằm viện mình lại chợt nhớ đến hai câu thơ của ai đó đã viết: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy- Cho ta thêm ngày nữa để Yêu Thương ! “…”.

Hóa ra sống có ý nghĩa là sống để “yêu thương”. Một ngày được sống là một ngày để yêu thương và được yêu thương. Yêu thương là có nhận và có trao ban.
Bạn ấy nói tiếp:
– Nơi nào có nhiều Tình Yêu Thương nơi ấy đời sống có nhiều hạnh phúc! Ngược lại-nhiều hận thù, giành giật, bon chen, nơi ấy chính là địa ngục vậy!.

Thế nên, mỗi sáng thức dậy ta phải cám ơn Trời đã cho ta được sống và được yêu. Tình yêu cho ta hạnh phúc. Tình yêu cũng là động lực cho cuộc đời ta sống có ý nghĩa hơn.

Người Kitô hữu luôn có thói quen tạ ơn Chúa mỗi sáng thức dậy. Tạ ơn Chúa khi màn đêm buông xuống. Tạ ơn Chúa khi dùng bữa. Tạ ơn Chúa khi khỏe mạnh hay khi đi xa trở về bình an. Tạ ơn trong mọi hoàn cảnh vì tất cả là hồng ân Thiên Chúa ban. Mọi sự ta có đều do lòng quảng đại của Thiên Chúa tặng ban. Đôi khi chúng ta nói.

– Sức khỏe của chúng ta có là do ăn kiêng mà có, thực ra nhiều người còn ăn kiêng hơn chúng ta.
– Trí tuệ do chúng ta học hành mà có, thực ra nhiều người đã học nhiều hơn chúng ta.
– Chức vụ chúng ta do tài năng chúng ta mà có, thực ra nhiều người có tài hơn chúng ta.
Và như vậy: mọi sự chúng ta có không hẳn là do bản thân mà là do là ân ban của Chúa. Vì “mưu sự tại nhân – thành sự tại thiên”. Hãy biết tạ ơn và sấp mình thờ lạy tôn vinh Đấng tạo thành đã làm nên mọi sự tốt đẹp cho chúng ta.

Một trong số 10 người phong cùi được chữa lành đã quay lại sấp mình thờ lạy và tôn vinh Chúa. Dù rằng chín người kia đã không quay lại, nhưng số đông không là tất cả. Lương tâm và lòng khiêm hạ đã mách bảo anh quay trở lại để cảm tạ tri ân người đã cứu giúp anh.

Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Ngài luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho con người. Con người được tạo dựng để hưởng dùng mọi công trình Ngài tạo dựng. Có thể nói, Ngài tạo dựng muôn loài để cho con người. Dù rằng con người có là chi, thế mà Chúa vẫn yêu thương. Nhưng có mấy ai biết khiêm tốn nhìn nhận ân ban của Thiên Chúa để dâng lời tạ ơn? Có mấy ai đã cảm nhận sự bất toàn của mình để nói lời tri ân về những gì mình đang có?

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Lời tạ ơn đẹp nhất chính là lan tỏa tình yêu của Chúa đến cho tha nhân. Vì Chúa chúng ta phục vụ. Vì Chúa chúng ta quên mình. Vì tình yêu là món quà Chúa ban một cách nhưng không thì ta cũng phải biết san sẻ tình yêu cho tha nhân.

Xin cho chúng ta luôn khiêm tốn để nhận ra mọi sự là ân ban của Chúa để biết tạ ơn và quy phục tôn thờ Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết dùng cuộc sống để tạ ơn Chúa và lan tỏa tình yêu đến cho tha nhân. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————————

 

Quà Tặng Vô Giá

Khi đi qua biên giới Samaria, Chúa Giêsu gặp mười người phong cùi. Họ là những người mang số phận bi đát. Vì mắc bệnh truyền nhiễm đáng sợ, họ bị xã hội Do Thái thời bấy giờ xua ra khỏi gia đình, làng mạc; họ bị cách ly với tất cả mọi người. Những con người bất hạnh nầy tụ tập với nhau, sống trong các hang hốc ngoài đồi núi, áo quần tả tơi, đầu tóc bù xù, thân thể bốc mùi hôi hám. Họ bị luật buộc phải để đầu trần, đi đâu phải lấy tay che miệng và hô báo hiệu cho người qua lại biết mà lánh xa.

Vì thế, họ không được phép lại gần Chúa Giêsu để xin Ngài cứu chữa. Họ đứng đằng xa kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi” (Luca 17,12).

Theo luật quy định, nếu người nào mắc bệnh phong có cơ may lành bệnh, thì phải đến trình diện với các tư tế, để được kiểm tra. Nếu thực sự được lành thì mới được hoà nhập với cộng đồng.

Chúa Giêsu bảo mười người phong đến trình diện với các tư tế là vì lý do đó. Đang khi đi đường thì họ được khỏi bệnh nhưng chỉ có một người xứ Samari quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa và cảm tạ Chúa Giêsu. Còn chín người kia thì không. Chưa được ơn thì van vái khẩn cầu thật tha thiết, được ơn rồi thì nín lặng chẳng biết cám ơn (Luca 17, 11-19).

Được thoát khỏi căn bệnh quái ác hành hạ thân xác ngày đêm, khỏi bị cách ly với xã hội loài người và từ đó, được hòa nhập với gia đình và những người thân yêu là một diễm phúc lớn nhất trong đời. Thế mà trong số mười người chỉ có một người quay trở lại tạ ơn Thiên Chúa thì chín người kia thật là vô tâm và đáng trách!

Có bao giờ chúng ta ứng xử đáng trách như chín người vô ơn nầy không?

Quà tặng vô giá
Nhìn lại quãng đời đã qua, chúng ta nhận thấy mình cũng được Thiên Chúa ban cho diễm phúc khác lớn lao hơn nhiều.
Chúng ta được Chúa Cha ban cho một “Quà tặng” vô giá là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Hồng ân tuyệt vời hơn tất cả mọi hồng ân.

Ngài yêu thương gắn bó chăm lo cho ta hơn mẹ hiền lo cho đứa con thơ. Ngài dìu dắt ta vượt qua muôn dặm đường đời gian truân đau khổ.

– Khi chúng ta lầm đường lạc lối, Chúa soi đường chỉ lối cho ta;
– Khi lo âu sợ hãi, Chúa chăm sóc vỗ về;
– Khi bị cám dỗ nặng nề, Chúa ra tay ngăn ngừa, bảo vệ;
– Khi đắm chìm trong tội, Chúa cứu vớt ta lên;
– Khi cô đơn, buồn thảm…Chúa đồng hành an ủi như Ngài đã từng đến với hai môn đệ Em-mau;
– Khi bệnh hoạn hay gặp tai ương…Chúa chăm sóc cứu chữa, qua những người thân cận;
– Khi gặp sóng gió, giông tố trên biển đời, Chúa giơ tay nắm lấy ta như Ngài đã từng nắm lấy tay Phêrô khi bị sóng biển nhấn chìm…

Đặc biệt, để cứu loài người khỏi án phạt nặng nề và khỏi phải chết đau thương vì tội đã phạm, Ngài chấp nhận hiến mạng sống mình, chịu khổ nạn, vác thập giá, chết thê thảm trên thập giá để đền tội thay, chết thay cho muôn dân, như lời Kinh thánh: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân phải bị tiêu diệt” (Ga 11, 50).

Và nhất là Ngài đã sống lại để mở cửa trời cho chúng ta, để dọn chỗ cho chúng ta trên trời; mai đây Ngài sẽ trở lại đưa chúng ta lên nơi vinh hiển với Ngài.

Trước Hồng ân vô cùng lớn lao, trọng đại và rất đỗi tuyệt vời nầy, chúng ta đã từng cảm tạ Chúa chưa? Đã làm gì để đền đáp ơn cao nghĩa dày của Chúa?

Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Hồng ân lớn nhất Chúa Cha ban cho nhân loại, như lời Kinh thánh: “Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Thế mà hiện nay còn rất nhiều người trên thế giới chưa từng nhận biết Ngài là ai và cũng còn nhiều người khác tỏ ra thờ ơ, dửng dưng trước “Quà tặng vô giá” nầy.
Xin cho chúng con hân hoan đón nhận hồng phúc cao quý nầy với tấm lòng yêu mến, cảm tạ, tri ân. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

——————————————–

 

Cứu Độ
CN 28TN.C – (Lc 17,11 – 19)

Nguồn ơn cứu độ Chúa thương ban

Khơi dậy yêu thương phước ngập tràn

Khinh miệt phá tan, trao hạnh phúc

Nghĩa tình xây dựng, tặng bình an

Dẫu người phong hủi không xa cách

Dù kẻ lỗi lầm chẳng cắt ngang

Nối kết tương giao cùng Hội Thánh

Niềm tin sống động thỏa tâm can.

Hạt Nắng

———————————————

 

Xin Tri Ân
CN 28TN.C – (Lc 17, 11 – 19)

Mọi tạo vật trong cơn rên xiết,
khắp nhân gian tê liệt tâm linh.
Tiếng vang vọng tới thiên đình,
xin Lòng Thương Xót dủ tình đoái thương.

Bao thân phận cùng đường tắt lối,
ngập chìm trong bóng tối khổ đau.
Tủi thân quặn thắt tim sầu,
lời cầu vang vọng đêm thâu giữa trời.

Chúa xót thương cuộc đời trôi nổi,
cứu nhân gian mở lối trường sinh.
Dòng nước Thánh Tẩy quang minh,
vòng tay Giáo Hội ấm tình thiết tha.

Xin tri ân bao la tình Chúa,
lòng khoan dung ban Lửa Tình Yêu.
Xua tan băng giá cô liêu,
ban nguồn lẽ sống nắng chiều hồi sinh.

Tạ ơn Chúa công trình sáng tạo,
dựng nên con sống đạo làm người.
Ban cho cuộc sống đẹp tươi,
hồng ân cứu độ muôn đời tri ân.

Niềm vui chia sẻ tha nhân,
chung lời cảm tạ góp phần yêu thương.
Thương người lâm cảnh đoạn trường…

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————–

 

Xin Tri Ân
CN 28TN.C – (Lc 17, 11 – 19)

Con lang thang giữa cuộc đời,
đi tìm tình người giữa hoang liêu.
Con bơ vơ giữa lòng người,
mong tìm một chút hương yêu.
Nhưng Chúa ơi! Tìm đâu thấy!!!
người lánh xa, người miệt khinh.

Con thấy Chúa giữa dòng đời,
Chúa đi tìm con giữa hoang liêu.
Trong cô đơn giữa bụi trần,
con đã tìm được chút hương yêu.
Chúa Tình Yêu. Ngài đã đến.
Chữa lành con, tình ủi an.

Dòng suối Tình Yêu của Chúa tưới mát đời con,
dòng suối sạch trong chữa lành vết nhơ tâm hồn.
Hạnh phúc trào dâng, tình Chúa bát ngát trời xanh,
sự sống hồi sinh, muôn đời con khắc cốt tri ân.

Con an vui giữa cuộc đời,
Chúa chính là nguồn sống trong con.
Con cao rao ân tình Ngài,
xin trung thành vẹn nghĩa sắt son.
Xin tri ân lòng nhân ái,
xin tôn vinh ngàn lời ngợi khen.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————–

 

Tri Ân Tình Chúa
CN 28TN.C – (Lc 17, 11 – 19)

Con sấp mình dâng lên lời cảm tạ,
muôn ơn lành mà Thiên Chúa thương ban.
Cho thế nhân được ơn phúc đầy tràn,
sự hiện hữu đời con chính là nguồn ân huệ.

Nắng ban mai chiếu soi nguồn trí tuệ,
không khí trong lành nguồn sinh lực thông minh.
Nước sạch trong nguồn tươi mát ân tình,
tri ân Chúa ngàn lời tri ân Chúa.

Hồng ân Chúa nồng nàn như ánh lửa,
thắp sáng hồn con tình mến với tha nhân.
Biết chia vui, sẻ ngọt sống tình thân,
tôn vinh Chúa sống chứng nhân bằng đức ái.

Tri ân Chúa hồn con đã bao lần băng hoại,
Chúa chữa lành vết phong hủi linh hồn.
Ôm ấp con trong tình mến sắt son,
nơi tòa cáo giải,
con ngụp lặn trong dòng sông tha thứ.

Như tướng Naaman vâng phục lời Ngôn Sứ,
sông Giodan ngụp lặn đến bảy lần.
Lòng khiêm nhường cùng lòng mến tri ân,
ông được sạch cất cao lời tôn vinh Thiên Chúa.

Như mười người phong hủi, mười bông hoa héo úa,
số phận đắng cay thật bi đát lắm thay.
Chúa xót thương những kiếp sống đọa đày,
cơ duyên lành bệnh trình diện cùng tư tế.

Nhưng chỉ người Samari biết khấu đầu làm của lễ,
cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa Đấng Chí Công.
Chúa nhìn anh Ngài âu yếm mở lòng,
đức tin mạnh mẽ đã chữa anh nên sạch.

Và hôm nay đường đời đầy gian nan thử thách,
con về đâu nếu thiếu vắng niềm tin.
Hành trình xa vô định thiếu ân tình,
xin tình Chúa rửa sạch hồn con đầy tội lỗi.

Tình yêu Chúa là nguồn ơn cứu rỗi,
hoàn lại cho con nhân phẩm xứng con người.
Để đời con luôn ấm nắng xuân tươi,
vui hạnh phúc tâm tình làm con Chúa.

Tri ân Chúa đã yêu thương cứu chữa,
đưa con về nguồn suối nước ơn thiêng.
Sưởi ấm con dưới ánh nắng diệu hiền,
làm phong phú linh hồn cùng thân xác.

Ân tình Chúa chính là nguồn gió mát,
con reo vui cảm tạ Chúa muôn đời.
Dâng tâm tình chúc tụng Chúa không ngơi,
tri ân Chúa trọn đời tri ân Chúa.

AP. Mặc Trầm Cung