SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 785, CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN – C, 27/02/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 6, 39 – 45)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.
“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Cái rác Và Cái Đà Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 2
Đừng Xét Đoán Để Khỏi Bị Xét Đoán Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 4
Tự Biết Mình Để Cải Thiện Đời Sống Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 5

———————————————

Cái Rác Và Cái Đà

Trong cách nói bình dân của người Do Thái, thậm xưng và ngoa ngữ là những kiểu nói rất ưa được sử dụng; Đức Giêsu đã không ngại dùng tới chúng trong các bài nói chuyện với đám đông, đặc biệt với các môn đệ là “những người đang nghe Thầy đây” (Lc 6:27). Sau khi đã đề cập tới các mối phúc và các mối họa (câu 20-26), tới ‘giới luật mới’ – yêu thương cả kẻ thù (câu 27-35), cũng như bổn phận sống nhân từ như Cha trên trời là Đấng rất mực từ nhân (câu 36-38), tất cả đều là những điểm mấu chốt của Tin Mừng, trong phần còn lại của chương 6, tác giả Luca đưa ra một số minh họa cho thấy hệ lụy của những điều trên phải xảy ra nơi người môn đệ, đó là: chân thành khiêm tốn, trổ sinh trái tốt, và đặt cuộc sống mình trên nền tảng vững chắc.

Hôm nay chúng ta được nghe trình bày hệ lụy đầu tiên qua ba hình ảnh ‘mù mà lại dắt mù’, ‘học trò không hơn thầy’, và ‘lấy cái rác / cái đà trong mắt ra’. Chính trong triền tư tưởng liên hoàn của chương 06 của Phúc Âm Luca mà chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa của các hình ảnh trên: ‘Mù mà lại dắt mù’: những nguyên lý Tin Mừng mang tính cách mạng trên đem đến cho người môn đệ một nguồn sáng mới. Nguồn sáng này mở mắt Kitô hữu để nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, giác ngộ họ trong giới luật yêu thương, và chỉnh lại chỉ tiêu – cùng đích cuộc sống họ cho đúng. Nếu không để cho Tin Mừng soi dẫn, người môn đệ sẽ mãi mãi tiếp tục số kiếp mù lòa tăm tối như bao người khác; họ sẽ chẳng có thể giác ngộ nổi ai, vì thực tế có thể họ còn thua kém xa nhiều người khác nếu chỉ nằm trong ánh sáng của khôn ngoan thông thái nhân loại. Hãy nhớ rằng: Tin Mừng là một thứ ánh sáng chưa từng bao giờ xuất hiện, và Kitô hữu là những người duy nhất có thể chiếu được ánh sáng đó cho những người ngồi nơi tăm tối; “anh em là ánh sáng trần gian” (Mt 5:14).

“Học trò không hơn Thầy”, ‘theo Thầy Giêsu’ là con đường duy nhất để hiểu và sống Tin Mừng trọn vẹn. Không học hỏi và noi theo Thầy Giêsu, tức không thể chuyên tâm lắng nghe và trở nên Kitô (becoming Christ), và không thể tiến xa trên con đường Tin Mừng được. Quá chú tâm tới suy luận chuyên sâu triết học hay thần học, hoặc các khoa học nhân loại, mà ít lắng nghe và chiêm ngưỡng Lời Thập Giá, ta cứ tưởng rằng mình đã tiến bộ hơn người, nhưng kỳ thực trên thực tế Tin Mừng, ta đang có nguy cơ ‘sa xuống hố’.

‘Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”. Không có ánh sáng Tin Mừng, đặc biệt nếu không được các điểm nêu trên soi chiếu, người môn đệ sẽ không thể có hiểu biết chân thực về mình, về những người anh chị em sống quanh mình, hầu tạo được những mối tương quan chân thực nhất trước mặt Thiên Chúa. Nếu không có lòng nhân từ như Cha trên trời, và nếu còn giữ thù hằn trong lòng, thì đúng là: người ta sẽ có khuynh hướng nhân nhượng với mình, còn khắt khe với tha nhân, nhất là đối với cừu địch. Thực tế đời thường cho thấy: trong cơn nóng giận, người ta dễ dàng quên mất sự vô lý sai trái của mình (trong khi những người chung quanh dễ dàng nhận ra ngay), nhưng lại phóng đại những khuyết điểm của kẻ thù với tà tâm và ác ý. Một trong những kết quả đầu tiên của lòng nhân từ và tha thứ Tin Mừng sẽ là sự biến đổi tận căn nơi chính chủ thể. Ta dễ chân thành nhận ra ‘cái xà trong mắt’ mình hơn. Ta sẽ trở nên khiêm tốn với chính mình hơn, vì biết rằng trước mặt Thiên Chúa và các thánh, những điều mình coi chỉ tựa cộng rác nhỏ nhoi, thì lại là những cái xà vô cùng to lớn. Và chỉ khi nào đã vào sâu trong lòng nhân từ của Cha và chân thành nhận ra những cái xà trong mắt mình, ta mới cảm nhận được: lòng từ bi của Cha thật bao la như trời bể. Và cũng trong Thiên Chúa từ nhân đó, ta mới có thể có thái độ nhân từ như chính Cha, Đấng rất mực nhân từ đối với tất cả mọi tội nhân; “Tôi không lên án chị đâu!” (Ga 8:11)

Thế mới biết: sức mạnh của lòng nhân từ có sức biến đổi mạnh mẽ dường nào, biến đổi trước hết chính cõi lòng của người hay xót thương, rồi sẽ biến đổi dần ‘toàn bộ mặt địa cầu’, trong tương quan giữa những con người với nhau. Chúng ta cũng không nên quên rằng: cùng với lòng nhân từ tiếp nhận nơi Cha, chính Đức Giêsu cũng đã trở thành Chiên Thiên Chúa – Đấng xóa tội trần gian. Và đây là điều quan trọng nhất Người nhận được từ Cha, “Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Người mà được cứu độ” (Ga 3:17). Chính vì thế mà Người gửi tới chúng ta bài tập Tin Mừng quan trọng hơn hết: “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29).

Trong tư cách một linh mục của Đức Kitô, điều tôi quan tâm trau dồi hơn cả có phải là học biết ‘hiền lành và khiêm nhường trong lòng’, hay chỉ toàn là những nghiên cứu, kiến thức cao siêu? Hãy nhớ rằng: tiên quyết tôi phải trở thành một Đức Kitô khác (alter Christus), một Ki-tô phản ánh sự nhân từ vô biên của Chúa Cha trên trời!

Lạy Cha là Đấng nhân từ, từ nay con không xin cha cho con được trở nên thánh thiện nữa, nhưng xin cho con học thuộc bài học và giải được bài tập ‘hiền hậu và khiêm nhường’ mà Thánh Tâm Chúa Giê-su’ đã dạy cho. Chính bài học này sẽ biến đổi tận căn con người con, đồng thời cũng sẽ cách tân toàn bộ các tương quan giữa con với Chúa, và giữa con với mọi người. Con cầu xin Cha nhân từ ban cho nhân loại thứ hòa bình này, thứ hòa bình bền vững và không ngừng thăng tiến. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

——————————————————

 

Đừng Xét Đoán Để Khỏi Bị Xét Đoán

Có một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.
“Tấm vải bẩn thật” – Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.
Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”
Người chồng đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.
Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu truyện kia. Chúng ta đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến và tính tự cao tự đại. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và khó chịu vềcách sống và thành công của người khác.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta đừng cho mình đạo đức, không mắc lỗi lầm. Đừng chê bai người khác mà hãy khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của bản thân mà sửa đổi. Thiên Chúa luôn yêu thích người khiêm nhường. Ngài nâng cao kẻ khiêm nhường và ra tay bênh vực những kẻ yếu đuối. Nhưng con người với tính cao ngạo nên dễ nhìn những khiếm khuyết của anh em để kết án, để nhận xét bất khoan dung. Đây là tính xấu mà Chúa Giêsu nói là kẻ đạo đức giả đáng ghê tởm: “Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘ Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra ‘, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”
Có người nhận xét rằng “không phải là thế giới có vấn đề, hay người khác quá sai quấy, mà vấn đề nằm chính ngay nơi tâm ta. Khi nhìn đời bằng cái tâm có vấn đề, mang đầy những cảm xúc và thành kiến tiêu cực, thì chúng ta thấy ai cũng thành sai quấy, đụng chuyện gì cũng hóa tổn thương”.
Đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Mọi sự đều từ tâm mà ra. Tâm bình an sẽ tạo ra cách ăn nết ở hòa hợp thân thiện và cảm thông với mọi người. Tâm bất an sẽ khiến con người dễ nổi cáu và bất mãn với mọi người chung quanh.
Ngoài ra những nhận xét phê bình của chúng ta còn ảnh hương bởi phe cánh hay cảm tình. Người cùng phe thì nhìn họ với lăng kính màu hồng, và ngược lại, nhìn những người mình không ưa bằng chiếc kính tiêu cực màu đen.
Như vậy, việc nhận xét của chúng ta luôn thiển cận và thiếu công bằng. Thế nên hãy học nơi Thiên Chúa về cái nhìn bao dung tha thứ. Dầu Ngài là Đấng thấu hiểu mọi ngọn nguồn nhưng cũng không kết án ai bao giờ. Trong vụ án người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu đã nói: Ta không kết án chị đâu, nhưng từ nay đừng phạm tội nữa. Và với dụ ngôn lúa và cỏ lùng, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi lòng sám hối ăn năn của con người.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của mình để cầu xin lòng thương xót Chúavà can đảm canh tân sửa đổi. Ước gì chúng ta luôn có lòng bao dung như Chúa để luôn nói tốt, nghĩ tốt với anh chị em của mình. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————————-

Tự Biết Mình Để Cải Thiện Đời Sống

Bạn bè gọi Tuấn là thằng Chôm Chôm vì đầu tóc nó dựng đứng tua tủa như quả chôm chôm và gọi Hùng là Hột Mít vì có thân hình tròn trịa y như hột mít.
Hôm đó, đoàn thiếu nhi giáo xứ đi cắm trại. Chôm Chôm và Hột Mít cùng ngủ chung lều vào ban trưa. Cả hai ngủ say như chết.
Trong lúc đó, Vũ láu cá mới đi chơi về, thấy hai bạn mình ngủ say nên nảy ra một ý tưởng tinh nghịch. Nó lấy lọ nồi vẽ lên mép thằng Chôm Chôm một bộ râu cá chốt và vẽ lên cằm Hột Mít một bộ râu dê, rồi dông đi mất dạng.
Mười lăm phút sau, hiệu còi tập họp vang lên. Vũ chạy lẹ vào lều đánh thức Chôm Chôm, Hột Mít ra sân tập họp.
Khi hai bạn nầy tới nơi, cả bọn trẻ bỗng ôm bụng cười ngặt nghẽo nhưng hai bạn nầy chẳng hiểu mô tê gì. Bấy giờ Hột Mít chợt nhìn lên và trông thấy bộ râu cá chốt của Chôm Chôm nên ré lên cười sằng sặc… Chôm Chôm cùng lúc cũng nhận thấy bộ râu dê quái đản của Hột Mít, cũng òa lên cười nắc nẻ. Hột Mít và Chôm Chôm, ai cũng tưởng mặt mình sạch nên tha hồ cười nhạo nhau cách khoái trá… Mãi đến khi anh trưởng tìm được tấm gương soi, cho hai cậu nhìn ngắm bộ râu quái gở của mình, hai cậu mới sáng mắt ra!
Chôm Chôm chỉ nhìn thấy bộ râu dê trên khuôn mặt Hột Mít và hả hê cười nhạo bạn mà không thấy được bộ râu quái đản của chính mình. Cũng vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy tội lỗi người khác rồi cười nhạo, lên án, trách móc… Còn tội lỗi và những thói xấu của ta, cũng đang bị nhiều người âm thầm đàm tiếu, chê cười, lên án… thì lại không nhận ra.

Bởi vì con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Một nốt ruồi chỉ bằng hạt gạo trên khuôn mặt người khác, người ta thấy rõ ràng; còn vết nhơ lớn như đồng tiền trên mặt mình thì chẳng nhận ra. Tiếc thay, khuôn mặt duy nhất trên cõi đời chúng ta không thể nhìn thấy trực diện lại là khuôn mặt của chính ta!

Vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải nhìn lại mình, nhận ra lầm lỗi để cải thiện bản thân trước khi phê phán lỗi lầm người khác. Ngài nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”

Có biết mình mới có thể cải thiện đời sống
Nếu biết được bản thân chớm bị ung thư, người bệnh sẽ tìm cách chữa trị tức khắc với bất cứ giá nào; nhờ đó sẽ có cơ may thoát nạn. Nhưng nếu không nhận ra mầm bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, người ta sẽ không lo chạy chữa sớm và hậu quả sẽ rất đau thương.
Nếu tôi thấy được vết dơ trên khuôn mặt mình, tôi sẽ lau rửa tức khắc. Nếu không biết mặt mình dơ, tôi cứ để vậy khiến người chung quanh đàm tiếu.

Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm mình, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.

“Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự biết mình.” (Krishnamurti).

Làm sao để biết mình?
Muốn biết mặt mình dơ hay sạch, chúng ta cần một tấm gương soi. Muốn biết những thói hư tật xấu của mình, chúng ta cần nhờ đến những người chung quanh chỉ bảo và điều quan trọng là biết khiêm tốn lắng nghe mà không nổi khùng nổi nóng. Lời chỉ bảo của người khác là tấm gương soi tối cần giúp ta biết mình và cải thiện đời sống.

Ngoài ra chúng ta cần dành ra thời gian tĩnh lặng để quan sát mình, để nhìn lại cách ta cư xử với người khác, thái độ của ta đối với bao người chung quanh cũng như những thiếu sót của ta. Có thường xuyên nhìn ngắm mình như thế, chúng ta mới có thể nhận ra sai sót của mình để cải thiện cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con thường xuyên nhìn vào nội tâm để nhận ra những sai phạm lỗi lầm và quyết chí sửa đổi ăn năn. Nhờ đó, chúng con mới có thể cải thiện cuộc đời, để trở thành người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức, xứng tầm người con Thiên Chúa.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà