SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 750, CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – B, 04/07/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 6, 1-6).

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? , anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Đừng Để Lỡ Cơ Hội ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Họ Vấp Ngã Vì Người Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Hãy Trân Trọng Người Thân Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Giá Trị Con Người Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Thới Đời Hạt Nắng Trg 10
Nhận Diện Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Ngoảnh Mặt Làm Ngơ M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Cơ Hội Gặp Ngài Nắng Sài Gòn Trg 13
Mầu Nhiệm Tha Nhân A.P Mặc Trầm Cung Trg 14

 

Đừng Để Lỡ Cơ Hội

Truyện cổ tích Trung Quốc kể về sự tích “Con Thỏ Ngọc” trên mặt trăng như sau: Thuở ấy, Ngọc Hoàng Thượng Đế, muốn biết dân cư dưới trần gian sinh sống ra sao, sai một ông tiên xuống để quan sát. Ông tiên giả dạng làm một người ăn mày già yếu, ăn mặc rách rưới, đi lang thang vào một buổi chiều mùa đông mưa lạnh. Ông lão đi ăn xin và xin chỗ trọ. Nhà đầu tiên mà ông gõ cửa là nhà con chó sói. Hé cửa nhìn ra, thấy ông lão già nua rách rưới, chó sói nhe nanh đe dọa để xua đuổi. Ông lão sợ hãi vội chạy đi. Nhà thứ hai mà ông gõ cửa là nhà con cáo. Con cáo chửi mắng ông thậm tệ nhưng chẳng cho gì. Buồn tủi, ông lại tiếp tục đi dưới trời mưa lạnh. Sau cùng ông gõ cửa một căn nhà bé nhỏ. Đó là nhà con thỏ trắng. Thấy ông lão run rẩy dưới trời mưa, Thỏ trắng vội vàng mở cửa mời ông vào. Thỏ đưa ông đến ngồi gần bên đống lửa, đem quần áo ướt hong bên đống lửa cho khô. Ông lão rên rỉ: “Cậu thỏ ơi, tôi đói quá, cậu có gì cho tôi ăn không? Nếu không tôi chết mất”. Thỏ vội vàng thưa: “Thưa ông, mùa đông năm nay kéo dài quá, nên rau cỏ dự trữ cháu đã ăn hết cả rồi. Nhưng cụ yên trí, thế nào cháu cũng tìm được thức ăn đãi cụ”. Thỏ chất thêm củi cho lửa cháy to hơn. Giữa lúc ông lão còn ngạc nhiên chưa biết thỏ định làm gì thì thỏ đã nhảy vào giữa đống lửa ngùn ngụt cháy. Chẳng mấy chốc, một mùi thơm tỏa lan cả căn nhà bé nhỏ. Thì ra thỏ đã tự nguyện hy sinh thân mình, làm một món ăn cho ông lão ăn mày. Ông lão về trời tường trình mọi sự với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Hoàng Thượng Đế liền cho triệu sói, cáo và thỏ tới. Sói và cáo bị trừng phạt nặng nề. Còn thỏ thì được khen thưởng cho ở trên Cung Trăng như một vị thần. Nên người Trung Quốc cũng gọi mặt trăng là Ngọc Thố.

Đây chỉ là một câu chuyện cổ tích, không có thực. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện đáng cho ta suy nghĩ. Sói và cáo rất ân hận vì đã bỏ lỡ cơ hội. Phải chi chúng biết đó là ông tiên thì chúng đã tiếp đãi ân cần rồi. Nhưng bây giờ thì đã muộn. Chúng chẳng hy vọng gì chuộc lại được lỗi lầm để trở thành thần tiên. Cơ hội chẳng bao giờ trở lại nữa.

Tương tự như thế, những người ở làng quê Nazareth hôm nay cũng đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa giả dạng làm một người thường đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Người rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Người. Họ không tin Người. Họ hất hủi Người. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Người bỏ Nazareth đi đến các làng chung quanh. Và Người sẽ chẳng bao giờ trở lại Nazareth nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nazareth và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta.

– Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.
– Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Có khi nào bạn đã để lỡ cơ hội đón tiếp Chúa?
2) Bạn đánh giá một người theo giá trị thực sự của họ hay theo cảm nghĩ của bạn dựa trên những hiểu biết về gia cảnh, về lý lịch của họ?
3) Bạn cần chuẩn bị những gì để khỏi lỡ cơ hội đón tiếp Chúa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Họ Vấp Ngã Vì Người

Thật dễ hiểu đối với dân làng Nazareth vốn tò mò! Vấn đề được họ quan tâm hơn hết nơi ông Giêsu mới nổi danh trở về thăm quê quán là: xác định được quyền năng thần linh mà ông có được từ đâu mà đến; “Bởi đâu ông ta được như thế?” Trước mặt họ cụ thể là một ông Giêsu trăm phần quá quen thuộc, một người đồng hương đã từng chia sẻ với họ cuộc sống hàng ngày. Họ hỏi nhau: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxép, Giuđa và Simon sao?” Đây là một ông Giêsu họ đã quá nhẵn mặt qua những gì là tầm thường, là đời thường, là cơm áo gạo tiền; điều mà họ không quen và khó chấp nhận nhất chính là: quyền năng ‘đột xuất’ của bác thợ mộc trẻ Giêsu. Tác giả Marcô cho chúng ta thấy họ khó thoát ra khỏi lối suy nghĩ cố chấp này biết bao: ‘ông này có gì mà làm nên chuyện?’ Đức Giêsu nhận ra ngay: họ bị thái độ rẻ rúng ngăn cản để không thể chấp nhận Người, ngay cả khi Người xuất hiện trịnh trọng, đứng trước mặt họ trên bục sách trong hội đường. Tình trạng này được tác giả sách Tin Mừng gọi là: bị ‘vấp ngã’, và ‘họ vấp ngã vì Người’.

Đối với các tín hữu thời các tông đồ, vấn đề nặng nề nhất lại là cái chết tức tưởi và khổ nhục của Thầy Giêsu trên cây thập tự; “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại coi là điên rồ” (1 Cr 1:23). Dầu có quen thuộc phần nào với cuộc sống trần gian của Rápbi Giêsu, các tông đồ vẫn thâm tín, qua các phép lạ Thầy thực hiện, rằng: quyền năng Thiên Chúa hằng ngự nơi Thầy; chính vì thế mà đối với các ông, cái chết thập giá Thầy chịu là điều không thể chấp nhận được (Lc 24:19-24). Sau này, việc Thầy trỗi dậy từ cõi chết do quyền năng Thiên Chúa đã là cả một cái phao cứu sinh giúp họ vượt qua được cái ‘vấp ngã’ ê chề của Thập Giá. Do đó, đối với cộng đoàn Kitô tiên khởi, niềm tin Phục Sinh là vấn đề hệ trọng bậc nhất; ‘Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng’ (1 Cr 15:14).

Còn đối với chúng ta, các tín hữu thuộc thế kỷ XX – XXI này thì: cái ‘vấp ngã’ trong niềm tin có thể là gì đây? – Đời thường của Đức Giêsu đối với chúng ta không phải là nỗi ám ảnh, vì chúng ta có bao giờ được nếm cái cảm nghiệm một ông Giêsu quá gần gũi, quá cụ thể đó đâu. Cảm nhận cái chết khổ nhục của Người trên thập giá như một nỗi thất vọng ê chề, chúng ta cũng không có nốt, vì chúng ta đã biết và tin rằng Người sống lại vinh hiển từ cõi chết. Ngược hẳn với các bậc tiền bối, chúng ta sẽ rất lấy làm vinh hạnh nếu được biết đôi chút về đời thường của Đức Giêsu tại Nazareth, và chúng ta thậm chí còn thấy hãnh diện về cuộc tử nạn của Người (phải chăng đó là lý do người ta dàn dựng, và ùn ùn kéo nhau đi xem cuốn phim ‘The Passion of Christ’?). Tôi trộm nghĩ: điều mà ngày nay đã trở thành quen thuộc đối với niềm tin của chúng ta, có lẽ quá quen thuộc nữa là đàng khác, lại chính là thần tính của Đức Giêsu và quyền năng siêu phàm của Người. Mỗi khi nói về Đức Kitô Giêsu thì y như rằng, tâm trí chúng ta lại hình dung ra một vị Thánh Tử phục sinh khải hoàn vinh quang, Ngài sẽ uy nghi ngự đến để công thẳng phán xét kẻ sống và kẻ chết, và vương quốc Người sẽ uy hùng bất tận. Không như các đồng hương Nazareth, ngày nay chúng ta không hề rẻ rúng Người, rất kính sợ nữa là đàng khác. Không như các môn đệ đầu tiên, ngày nay chúng ta không hề hoảng sợ trước Thập Giá, ngược lại là đàng khác, chúng ta còn cảm thấy rất hãnh diện… Vậy thì đã rõ ràng: vì đã quá quen thuộc với hình ảnh một Đức Kitô hiển vinh sáng láng, một Đức Kitô với một thần tính mà, đối với chúng ta, phải tỏ lộ quyền uy tuyệt đối của một Thiên Chúa cao sang công thẳng, cái vấp ngã chúng ta thường rơi vào lại chính là phát hiện ra rằng Người quá từ bi nhân ái; và Người không ngừng hành sử trong thái độ nhân ái xót thương đó. Tóm lại, chính phát hiện Người quá nhân từ xót thương lại là nguyên nhân làm cho chúng ta hầu như bị xúc phạm và run sợ.

Kể từ thời Thánh Phanxicô Salê (cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII) cho tới Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (cuối thế kỷ XX tới đầu thế kỷ XXI), sự hiểu biết về Đức Giêsu Kitô như hiện thân và mạc khải tình yêu nhân hậu và xót thương của Thiên Chúa đã tiến triển chậm chạp đến thế nào trong Giáo Hội. Ngay như một quan niệm mà thôi, người ta đã thấy nó khó được chấp nhận như thế nào, huống hồ chi tiếp nhận như nền tảng đức tin Công Giáo thì còn trì trệ hơn rất nhiều, đặc biệt nơi một số đông các chư vị trong hàng giáo sĩ các cấp. Đối với họ, có lẽ Đức Giêsu lại phải lên tiếng một lần nữa: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng (bị hiểu lầm) thì cũng chính… giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Do đó, tôi thật sự cầu mong sao cho Hội Thánh, được mệnh danh là một tổ chức mang mục đích rao giảng Tin Mừng tình thương, sẽ sớm là nơi mà sự nhận thức về tình yêu thương xót của Thiên Chúa hoàn toàn thống trị trong mọi lãnh vực…, và trong đó mọi cơ cấu luật lệ đều qui vào việc diễn đạt lòng nhân ái thần linh này mà thôi!

Riêng với chính mình, vì thuộc hàng linh mục – phẩm trật của Giáo Hội, tôi thấy có một phần trách nhiệm và thiếu xót trước tình trạng này: có lẽ tôi đã khám phá ra và đã loan truyền lòng thương xót Chúa quá ít và quá trễ!

Lạy Chúa Giêsu, xin trở lại viếng thăm Hội Thánh Chúa, không phải với quyền năng hay dấu lạ, nhưng với mạc khải nhân từ và xót thương vô biên. Sau nhiều thế kỷ lạ lẫm hoặc có phần sợ hãi, giờ đây xin thức tỉnh Hội Thánh Chúa, nhất là các vị trong phẩm trật, được thâm tín hơn về Tin Mừng nhân ái và yêu thương, nhờ đó Hội Thánh sẽ rao giảng cho người tội lỗi sứ điệp cao đẹp nhất mà họ hằng mong mỏi được nghe, đó là “Chúa Cha yêu mến trần gian tới nỗi…” Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

Hãy Trân Trọng Người Thân

Ở đời người ta hay nói : “Khôn Nhà Dại Chợ” như ám chỉ cách cư xử của chúng ta thường là thiếu công bằng với người thân của mình. Hiếm khi chúng ta đánh giá cao về người thân, và càng hiếm khi chúng ta cám ơn về những việc mà người thân đã rất vất vả làm cho chúng ta. Có đôi khi còn có những lời, những việc làm đau lòng người thân.

Người ta nói rằng khó mà có một người đàn ông cư xử với vợ nhã nhặn, ôn hòa như anh ta từng nhỏ nhẹ, ân cần với phụ nữ quen biết ở công ty hay gặp gỡ bên ngoài xã hội.
Và người ta cũng nói rằng khó mà có một người phụ nữ ăn nói nhỏ nhẹ và cười duyên dáng với chồng như cô ta đã từng cư xử với đồng nghiệp nam bên ngoài.

Cuộc sống luôn cho ta cơ hội để vươn lên nhưng đừng quên rằng mỗi bước tiến của chúng ta luôn có sự hỗ trợ của người thân bên cạnh trợ giúp chúng ta. Họ luôn là hậu phương hỗ trợ rất nhiều cho sự thành công của chúng ta, nhưng đáng tiếc, chúng ta thường quên công sức của họ và có khi còn xem thường người thân của mình.

Chính Chúa Giêsu cũng phải chịu cùng một số phận đó. Dầu danh tiếng, địa vị của Ngài được mọi người khắp nơi nhìn nhận, thế mà về quê hương vẫn bị sự thành kiến lấn át đến nỗi chỉ xem Chúa Giêsu là một anh thợ mộc bình dị trong làng. Họ xì ra tán vào với nhau rằng: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người” (Mc 6,3). Từ cái nhìn đầy thành kiến của người đồng hương nên Chúa Giêsu đã từng chua xót nói rằng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4).

Thật đáng tiếc cho người đồng hương Nazareth, vì đánh giá Chúa Giêsu theo lớp vỏ bên ngoài, nên họ cũng đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Chúa Giêsu ưu ái dành cho họ. Ở đời phẩm giá cao trọng hơn chức quyền. Ở đời năng lực quan trọng hơn gia thế. Người có chức quyền mà không có tư cách cũng chỉ làm hại cho xã hội. Người có gia thế giầu có mà không có năng lực thì tiền núi bạc bể cũng tiêu tan. Rất đáng tiếc khi người Do Thái lại đánh giá Chúa Giêsu dựa vào gia thế, nghề nghiệp mà không dựa vào phẩm chất, năng lực mà Chúa đã thể hiện qua lời nói, việc làm đầy uy quyền của mình trên hành trình truyền giáo.

Ở đời có khi “quen quá hóa nhàm” đã làm cho chúng ta không nhìn được ưu điểm của người bên cạnh. Ở đời có đôi khi chúng ta cũng chạy theo xu nịnh những người có gia thế giầu sang và xem thường người nghèo khó, cơ hàn. Chúng ta tôn vinh người quyền thế mà xem thường người bé nhỏ tầm thường. Chúng ta đề cao vật chất mà quên giá trị tinh thần. Chúng ta chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng. Chúng ta mãn nguyện vẻ bề ngoài mà bỏ quên rèn luyện vẻ đẹp tâm hồn.

Khi viết lại cái nhìn lệch lạc của người Do Thái về Chúa Giêsu, hình như thánh Marcô cũng nhắc đến con người hôm nay đừng đánh giá nhau trên vẻ bề ngoài mà hãy đánh giá nhau trên giá trị của nhân phẩm. Đừng coi trọng cái áo người mặc mà hãy kính trọng tâm hồn cao đẹp của nhau. Hãy nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn của nhau hơn là trầm trồ vẻ đẹp bên ngoài, vì chưng : “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người”.

Xin Chúa giúp chúng ta biết sống cảm thông nâng đỡ những người bên cạnh và xin đừng vì thành kiến mà chúng ta đối xử với nhau thiếu yêu thương và kính trọng. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

Giá Trị Con Người

Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Việt Nam chúng ta cũng có một số ngôi nhà úp ngược. Những ngôi nhà nầy giống y như những ngôi nhà khác nhưng mái nhà thì cắm xuống đất, còn nền móng thì chổng lên trời, tất cả đồ đạc bài trí trong nhà đều chúc ngược… khiến cho nhiều du khách mới nhìn qua cảm thấy choáng váng.
Nhìn những ngôi nhà úp ngược như thế, người ta liên tưởng đến các giá trị trong đời sống xã hội loài người hôm nay cũng bị đảo ngược cách đáng buồn.
Những phẩm chất đạo đức cao quý thì bị xem thường, bị dìm xuống, trong khi những điều thấp kém lại được tôn lên cao.

Cụ thể là, một số người xem thường những người tuy nghèo nhưng có tâm hồn cao đẹp, có phẩm chất cao quý, giàu lòng đạo đức và khiêm tốn… trong khi đó lại coi trọng những người thiếu phẩm chất đạo đức mà chỉ có bộ cánh hào nhoáng bên ngoài, có xe sang, nhà lớn…

Nhiều bạn trẻ nông nổi hôm nay tôn những diễn viên ăn mặc lố lăng, phong cách quái đản, tâm hồn rỗng tuếch… lên làm thần tượng, mà không biết quý trọng những người khôn ngoan và đạo đức…

Qua Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cho thấy người dân thành Nazareth cũng đánh giá Chúa Giêsu theo nhãn quan đó.

Mặc dù danh tiếng Chúa Giêsu đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều bệnh nhân và nhờ những phép lạ Ngài làm, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giêsu, nhìn đến anh chị em họ hàng của Ngài thuộc hàng dân dã và ngay cả bản thân Ngài trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng… nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Ngài nữa.

Họ xì xào bàn tán với nhau: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Ngài” (Mc 6,3).

Thế là Chúa Giêsu chẳng làm phép lạ nào tại Nazareth cho người đồng hương. Ngài rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.

Tiếc thay, vì đánh giá Chúa Giêsu theo dáng vẻ bên ngoài, dựa vào gia thế, nghề nghiệp… mà không dựa vào phẩm chất cao quý của Ngài, nên dân làng Nazareth đã xem thường Chúa Giêsu và đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Ngài ưu ái dành cho họ. Cách đánh giá như thế khá phổ biến trong xã hội hôm nay.

Vì đề cao tiền tài, danh vọng, vẻ sang trọng bên ngoài… mà xem nhẹ những phẩm chất tinh thần cao đẹp bên trong nên giới trẻ ngày nay cố tạo cho mình có “lớp sơn” hào nhoáng bên ngoài, tranh đua ăn mặc sao cho hợp thời trang, cho lôi cuốn… còn đầu óc, trái tim và tâm hồn thì trống rỗng.
Vì say mê sự hào nhoáng của giàu sang mà coi rẻ nét đẹp tâm hồn nên nhiều người sẵn sàng hiến thân làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!

Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào nhân đức, phẩm hạnh cao đẹp bên trong.

Trước thực trạng đó, Hội Thánh nhắc nhở chúng ta rằng: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người”, còn nhân gian thì nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”

Lạy Chúa Giêsu. Xin dạy chúng con nhận ra rằng vẻ sang trọng và hào nhoáng bên ngoài chỉ là “lớp sơn” mỏng không thực sự làm gia tăng giá trị con người.
Xin giúp chúng con biết thẩm định giá trị con người dựa vào phẩm chất cao đẹp của họ, chứ không phải dựa vào những thứ “bao bì”, vỏ bọc bên ngoài.
Và xin cho nhân loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

——————————————

Thói Đời
CN XIV TN-B – (Mc 6, 1 – 6)

Thói đời phù phiếm kiếp nhân sinh

Chức trọng quyền cao kết nghĩa tình

Ngôn sứ quê nhà không kính nể

Tiên tri đất khách được tôn vinh

Kiêu căng thành kiến đầy u ám

Cố chấp định hình thiếu bạch minh

Dung mạo Thiên Sai không diện kiến

Nghèo hèn giản dị nét thần linh.

Hạt Nắng

——————————————

Nhận Diện
CN XIV TN-B – (Mc 6, 1 – 6)

Mang con tim hẹp hòi, ích kỷ,
tính kiêu căng, đố kị, ghét ghen.
Định kiến thân thế thấp hèn,
nhận định sai lệch chê khen bất đồng.

Tính thiển cận mắt không nhìn thấy,
tai không nghe Sự Thật quang minh.
Tình Yêu đến rất chân tình,
ác cảm chối bỏ miệt khinh phũ phàng.

Đấng Thiên Sai cao quang ngự đến,
sống kiếp người diện mạo đơn sơ.
Nghèo hèn giản dị bất ngờ,
Dân Người vấp ngã làm ngơ chối từ.

Đời Ngôn Sứ thực hư đón nhận,
chốn quê hương thân cận rẻ khinh.
Đớn đau tình cảm gia đình,
mất lòng quý trọng nghĩa tình nhạt phai.

Đường Nhân Chứng nối dài thập giá,
sóng đời xô nghiêng ngã điêu linh.
Cho con sức mạnh đức tin,
giữa cơn bỉ cực ân tình hiến trao

Tình yêu sâu thẳm thì thào,
nhận diện ra Chúa ngọt ngào viếng thăm.
Giữa bao biến động thăng trầm …

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————-

Ngoảnh Mặt Làm Ngơ
CN XIV TN-B – (Mc 6, 1 – 6)

Con mắt trần gian con nhìn đời thiển cận,
thẩm định tình đời qua hào nhoáng thế – thân.
Ác cảm, vô tâm nhận định theo thành kiến,
danh vọng, bạc tiền, địa vị để đong cân.

Chúa đến tìm con nơi dòng đời xuôi ngược,
dung mạo của Ngài, người nghèo khổ tha phương.
Ngoảnh mặt làm ngơ những cảnh đời nghiệt ngã,
con đã vô tình đánh mất nguồn yêu thương.

Chúa ơi! Chúa ơi! Tình thương Ngài hải hà,
xin thứ tha, bao lần con phạm lỗi.
Không nhận ra Chúa đến thăm,
không nhận ra mối tình thâm.
Nơi người anh em cho con lời chân lý,
nơi người nghèo khổ cho con tình tri kỷ.
Tình con vẫn vô tâm,
tìm kiếm của phù vân,
không nghe tiếng Chúa, âm thầm đến viếng thăm.

Ngọn lửa thần linh đốt tan lòng kiêu ngạo,
nghi kị, hẹp hòi, thay tình mến thương trao.
Gột rửa tâm linh đón nhận nguồn ơn thánh,
phẩm giá con người trân quý, tình thanh cao

M. Madalena Hoa Ngâu

—————————————-

Cơ Hội Gặp Ngài
CN XIV TN-B – (Mc 6, 1 – 6)

Đã bao lần con chối từ đường công lý,
đã bao lần con huênh hoang lòng ích kỷ.
Không nhận thấy Chúa đến thăm con,
không nhận thấy Chúa ở bên con.
Nơi những anh em thân cận lối xóm,
nơi những tha nhân đói rách nghèo hèn.
Cuộc đời lắm bon chen,
danh vọng chức quyền giăng lối,
lạc thú bao quanh mất nguồn ánh sáng.

Đã bao lần con đắm chìm tình mù quáng,
đã bao lần con ganh đua lời phũ phàng.
Chối từ Tình Chúa chiếu trong tim,
chối từ Lời Chúa rọi quang minh.
Dẫn lối con đi nẻo đường ánh sáng,
nơi chốn đua tranh gian dối tình đời.
Sóng đời vỗ chơi vơi,
tuyệt vọng tâm hồn u tối,
đánh mất bao phen cơ hội gặp Ngài.

Lạy Chúa! Xin xót thương con phận lạc loài,
Lạy Chúa! Xin thứ tha tháng ngày lầm lỗi.
Để thấy Chúa đến thăm con.
để thấy Chúa sống trong con.
Trong Tấm Bánh đơn sơ tha thiết mong chờ,
trong kiếp sống bơ vơ của người người khổ.
Lời Chúa! Ánh sáng chiếu soi,
Lời Chúa! Cứu rỗi con người.
Ban sức sống thiêng liêng trong bước truân chuyên,
luôn vững chí trung kiên tín thác nơi Ngài.

Con quay về xin giã từ đường tội lỗi,
sống chân thành không đua tranh theo thói đời.
Xóa bỏ định kiến tính kiêu căng,
thói đời lầm lẫn thích hư danh.
Con quyết đi theo nẻo đường chân lý,
công lý thực thi khiêm tốn thanh bần.
Tình người sống yêu thương,
phục vụ công bình nhân ái.
giây phút thiên thai cơ hội gặp Ngài.

Nắng Sài Gòn

————————————–

Mầu Nhiệm Tha Nhân
CN XIV TN- B – (Mc 6, 1- 6)

Sống định kiến bao năm sẵn có,
con nhìn người méo mó ghét ghen.
Phân chia giai cấp sang, hèn,
coi trọng hào nhoáng tối đen tấm lòng.

Không thấy Chúa ẩn trong mọi sự,
nơi người nghèo lữ thứ tha phương.
Nơi người lạc bước lỡ đường,
nơi người cùng khổ gió sương giữa trời.

Tiếng than khóc cuộc đời đau khổ,
con quay lưng bỏ lỡ không nghe.
Nhìn đời nghiệt ngã khắt khe
không nhìn ra Chúa màn che nhiệm mầu.

Như Chúa đã âu sầu buồn bã,
thấy đồng hương vấp ngã cứng lòng.
Phận nghèo kiếp sống long đong,
láng giềng khinh miệt thông đồng tẩy chay.

Nguyện xin Chúa đổ đầy ân phúc,
mở mắt con tỉnh thức yêu thương.
Nhận ra Thiên Chúa tình thương,
giữa ngàn nghịch cảnh đau thương cuộc đời.

Người nghèo kiếp sống chơi vơi,
tha nhân đói khổ gọi mời tim yêu.
Nhiệm mầu tình Chúa cao siêu….

AP. Mặc Trầm Cung