SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH – LỄ RẠNG ĐÔNG ( C) 2022 (Lc 2, 15 -20) GIÁNG SINH – MẦU NHIỆM LÀM NGƯỜI

Thưa quý vị, và các bạn, Lễ Giáng Sinh là một Mầu Nhiệm, nơi đó, Ngôi Hai Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Người trong một thân phận” Trẻ Thơ”, mà dưới nhãn quan trần thế là một “Hài Nhi” nghèo khó, đơn sơ, đơn độc. Nhưng, thật sự ra , điều ấy chính là “bày tỏ” một mầu nhiệm, gọi là “Mầu Nhiệm Nhập Thế”. Một Mầu Nhiệm vượt trên mọi mầu nhiệm, đó là tình yêu và sự khiêm nhường cao cả của một Ngôi Vị Thiên Chúa.

Vâng, kính thưa quý vị, Thiên Chúa không bao giờ tỏ hiện “Dung Nhan” của Ngài cho nhân loại, bởi vì, sự Chí Thánh , Cực Thánh, ngàn trùng Cực Thánh của Thiên Chúa làm sao nhân loại chiêm ngưỡng trực tiếp và trực diện được.

Như chúng ta biết, khi Đức Trinh Nữ Maria hiện ra cho một vài thị nhân, dung nhan của Mẹ chói lòa xung quanh, khiến không thể trông thấy Mẹ được. Huống chi là Thiên Chúa, nhân thế đừng tưởng mình muốn nhìn thấy Thiên Chúa dễ dàng như vậy sao?!

Thánh Kinh Cựu Ứơc cho chúng ta biết, Thiên Chúa không có Danh Xưng, Danh Tính, chỉ biết Thiên Chúa là Thiên Chúa. Thế nhân làm sao đến gần Thiên Chúa được. Chúng ta nhớ lại, “bụi gai” bốc cháy, khi Moise trong thấy, lấy làm kinh hãi. Vì vậy, thế nhân làm sao đến gần Thiên Chúa được.

Thế nhân là bụi tro, nghĩa là mong manh, yếu ớt tựa làn khói thôi. Vì là thụ tạo của Đấng Toàn Năng, Hằng Hữu, thế nhân là loài mong manh, vô định nhất trong vũ trụ.

Nay tôi sống, không biết một tiếng nữa đây, tôi có còn không? Kiếp người mong manh nhưng lại muốn bám chặt vào sự sống, càng bám, càng thấy bị tuột ra. Thời gian vừa qua và hiện nay, hơn bao giờ hết, nhân loại đang đứng cận kề với cái chết, dịch bệnh Covicd ập đến, bao hoang mang sợ hãi, bao lo toan cho cuộc sống.

Nhưng, Lễ Giáng Sinh không phải lễ hội cho vui, mà là Mừng trọng thể một Mầu Nhiệm,” Mầu Nhiệm Tình Yêu”. Sự mong manh của kiếp người thúc đẩy những nhà chính trị, gọi là “yêu nước” , đứng lên “tìm đường cứu nước”, “giải phóng dân tộc”, “ xóa bỏ áp bức”, “giành độc lập”, để đem lại “cơm no, áo ấm” cho dân tộc mình. Trên thế giới nước nào cũng có những chính trị gia, từ cổ chí kim. Đất Nước Do-thai cũng vậy, 40 năm sống trong cảnh nô lệ của người Ai-cập. Không thể có được một minh quân nào đứng lên giải phóng. Trong lúc ấy, chính Thiên Chúa đã dân họ qua “Biển Đỏ” khô chân. Một hình ảnh, và là một ý nghĩa tiên trưng cho ơn cứu độ siêu nhiên.

Dù đây là Lễ Giáng Sinh, nhưng là một mầu nhiệm khởi đầu cho ơn cứu độ do bởi Thiên Chúa.

Từ đó, chúng ta thấy lễ Giáng Sinh là Mầu Nhiệm của tình yêu cứu chuộc. Kiếp người mong manh là thế, nhưng , Thiên Chúa lại “Giáng Sinh làm Người”, há không phải là một Mầu Nhiệm sao?

Người ta tổ chức Hang Đá, Máng Cỏ là người ta muốn tái tạo lại cảnh Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa. Thiên Chúa Giáng Sinh làm Người là Người muốn “tái tạo” mầu nhiệm tạo thành nhân loại. Một mầu nhiệm tình yêu vượt trên mọi mầu nhiệm. Để làm gì? Thưa, để cứu chuộc nhân loại. Mầu Nhiệm Cứu Chuộc còn lạ lùng hơn mầu nhiệm tạo thành, tại sao vậy, thưa quý vị và các bạn. Thưa, vì Mầu nhiệm cứu chuộc , Thiên Chúa hạ mình rốt ráo và hiển thị rõ rang, vì, Mầu Nhiệm làm Người là Thiên Chúa biểu lộ một tình yêu cụ thể, không dùng Quyền Năng, mà chỉ dùng sự phó thác, dùng chính sự yếu đuối, hèn mọn, mong manh của con người nhân loại.

Quang cảnh Giáng Sinh theo thánh Luca tường thuật chương 2 từ câu 15 đến câu 20 hôm nay trinh bày cho nhân loại muôn đời Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm Người, và để ở cùng, ở với nhân loại. Vì thế, Hội Thánh gọi Mầu Nhiệm Cứu Chuộc hơn cả Mầu Nhiệm Tạo Thành là như vậy.Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại không còn là chung chung nữa, mà là CỤ THỂ, sự cụ thể nầy Người đã đánh đổi bằng chính mình, bằng một sự hy sinh tự hủy.

Tình yêu đích thực chính là sự hy sinh, bản chất của TÌNH YÊU là sự HY SINH TỰ HIẾN , được gọi là Hy Tế, hay Hy Lễ. Hy Sinh có nghĩa là : Hy là Hy tế, hay Hy Lễ, Sinh : là Sự sống, dùng chính sự sống của mình làm hy lễ được gọi là :Tình yêu. Vậy, Tình Yêu của Thiên Chúa là hy Lễ là Lễ Hy Sinh, chứ không phải là chiếm hữu. Bản chất đích thực của tình yêu là hy sinh là như vậy, theo đó, người ta nói : THIÊN CHÚA Là TÌNH YÊU, xuất phát từ ý nghĩa đó, khác với tình yêu chiếm hữu là tình yêu gian dối, tình yêu của satan.

Khởi đi từ Mầu Nhiệm Giáng Sinh hôm nay, Thiên Chúa biểu lộ một tình yêu cao cả qua Ngôi Hai Nhập Thế. Người chấp nhận Nhập Thể trong CUNG LÒNG THÁNH KHIẾT của Đức Trinh Nữ Maria, hôn nay, Người khởi đầu cuộc NHẬP THẾ , trong quang cảnh hang đá tại Bê-lem.

Trích Tin Mừng theo thánh Luca 2, 15- 20.

“Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người nầy bảo nhau :” Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” (c 15).

Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ( c 16).

Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói về Hài Nhi nầy (c 17).
Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên (c 18).
Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng( c 19).

Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi, vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy, tại nghe, đúng như đã được nói với họ”( c 20).

Như vậy, 06 câu trình thuật theo thánh Luca hôm nay cho chúng ta một quang cảnh Hài Nhi Giê-su bé thơ nằm trong máng cỏ có Thân Mẫu Người và thánh Cả Giu-se dưỡng phụ của Người.

Một quang cảnh khiêm tốn ,đơn sơ, khó nghèo, mộc mạc đến ngỡ ngàng, xung quanh chỉ có mấy người chăn chiên làm chứng nhân, kể cả thiên sứ cũng về trời. Nhưng, cũng từ quang cảnh ấy toát lên một mầu nhiệm cao cả là Mầu Nhiệm của tình yêu. Suy ra có biết bao con người từ quang cảnh khiêm tốn khởi đầu ấy, biết bao thế nhân đã từ bỏ tất cả, để bước theo một mầu nhiệm nhập thế của Ngôi Hai. Họ đã cảm nghiệm sâu sắc mầu nhiệm cao vời là Mầu Nhiệm làm Người của một Ngôi Vị Thiên Chúa, mà từ bỏ tất cả mọi sự thế gian, để bước theo một Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể và Nhập Thế, để cùng Người chia sẻ chức Vị Con Thiên Chúa xuống thế làm Người, để ở cùng nhân loại.

Một vị vua trần thế mà từ bỏ ngai vàng để trở nên thường dân, để tìm một con đường giác ngộ ,tức giải thoát, là một bậc vĩ nhân, đáng tôn kính. Huống chi , đây là một Ngôi Vị Thiên Chúa đã từ bỏ Ngai Trời cao mà xuống ở cùng nhân loại.

Theo đó, Mầu Nhiệm làm Người của Ngôi Hai Thiên Chúa chính là Mầu Nhiệm “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, nghĩa là EM-MA-NU-EL.

Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới có hai từ GIÁNG SINH ,bởi vì, Người đã từ Trời xuống thế bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

Theo đó, Lễ Giáng Sinh là một Mầu Nhiệm , Con Thiên Chúa Nhấp Thế, niềm vui cao cả của trên trời và dưới thế. Đến độ Đất với Trời xe chữ ĐẦM. Có nghĩa là Đất và Trời nín thở, lặng thinh để tôn thờ một Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Thưa quý vị, 2021 lần,(tính theo lịch phụng vụ, thì đây là năm 2022) nhân thế kỷ niệm một biến cố trọng đại duy nhất của Mầu Nhiệm làm Người của Đức Giê-su- Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, nhân loại có cảm nghiệm được ,ngày nầy, rạng đông, năm ấy Con Thiên Chúa đã mặc lấy giá rét vì yêu thương nhân loại, và Mẹ Maria đã xin vâng cộng tác vào sứ vụ cứu chuộc của mầu nhiệm làm Người của Chúa Giê-su. Không? Mầu Nhiệm làm Người ấy, mang một chân lý khiêm nhường thẳm sâu không thể diễn tả bằng ngôn ngữ nhân loại.

Vâng, thưa quý vị và các bạn, Lễ Giáng Sinh là một Thánh Lễ thiêng liêng nhất, bởi vì biến cố Mầu Nhiệm Giáng Sinh được xảy ra ngay giữa đêm khuya và rạng đông của ngày hôm sau. Thương được tổ chức có Thánh Lễ nữa đêm 12 giờ khuya, tức 24 giờ. Nhưng, vì hoàn cảnh, Thánh Lễ nữa đêm chỉ có thể diễn ra lúc 22 giờ, vì thế Thánh Lễ Rạng Đông, lúc 5 giờ sáng là Thánh Lễ chính.

Như đã nói ở trên, kiếp nhân sinh thật mong manh, nhưng, Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận thực thi sứ vụ cứu chuộc nhân loại không còn con đường nào khác là “NGƯỜI Ở CÙNG NHÂN LOẠI”.

Hành trình kiếp nhân sinh nay còn mai mất, là vì nhân sinh đã đánh mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, để chuộc lại Thiên Ân của Trời cao, Ngôi Hai đã thế vào chổ đó. Nhưng, Mầu Nhiệm cứu chuộc không dừng lại ở Giây Phút Giáng Sinh, mà là đưa đến đỉnh đồi Can-vê.

Như vậy, cuộc đời Cứu Thế của Chúa Giê-su sẽ được tiếp diễn bằng một Hy Tế Thập giá, như vậy Lễ Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ mở đầu cho một Hy Tế Thập giá, nơi đó là đỉnh cao của Ơn Cứu Độ. Theo đó, người Ki-tô hữu không còn đơn thân độc mã chịu đau khổ, hy sinh, mà là đã có Một Vị Thầy Chí Thánh của mình là Ngôi Hai Thiên Chúa. Một Ngôi Vị đã bằng long chịu khổ nhục để “nối kết” sự bất nghĩa, bất trung của nhân loại với Thiên Chúa.

Mầu Nhiệm xuống thế làm Người của một Ngôi Vị Thiên Chúa là như vậy đó, để ở cùng nhân loại, mà nhân loại bất xứng, đó là một giá Hy Sinh cao cả tuyệt đối.

Sự quỷ quyệt của loài người đã bị satan cướp đi sự thánh thiện, còn lại là sự tự cao, kiêu ngạo, nghĩ mình hơn người khác. Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ mình ở cùng nhân loại để trả lại cho con cái nhân loại sự thánh thiện nguyên tuyền đó. Vâng, đó là MẦU NHIỆM TÌNH YÊU, mà Lễ Giáng Sinh là khởi điểm./. Amen

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã từ Trời xuống thế để ở cùng nhân loại, dù nhân loại bất xứng.
Vì thế, Đêm nay, Đêm Cực Thánh nầy ,Chúa đã ra đời
Để viết lên một mầu nhiệm cao vời, khôn ví
Đó là một TÌNH YÊU vô song để trở nhên giá chuộc nhân loại
Một thế giá mà satan phải khiếp sợ
Vì thế, nó luôn tung hoành, ganh tức
Nhưng, dù thế nào, satan không thể thắng được,
bởi vì, nó không có tình yêu đích thực.
còn chính Chúa đã trao ban cho nhân loại một tình yêu đích thực.
xin cho nhân loại biết suy tôn Mầu Nhiệm Tình Yêu giữa Đêm Cực Thánh của Người,
hầu xua tan bóng đêm tội lỗi đang đè nặng nhân loại.
xin cho ánh sáng Đêm Gíang Sinh cực Thánh chiếu soi thế gian tăm tối.
hầu vinh quang của sự khiêm nhường đem lại bình an đích thực cho thế giới hôm nay là chính Chúa./. Amen

Xin chúc mừng một Lễ và Mùa Giáng Sinh trong tình yêu Ngôi Hai Thiên Chúa đến với tất cả mọi người.

Lễ Rạng Đông 2021-2022

Phê-rô Trần Đình Phan Tiến