SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B (3/3/2024) CHÚA GIÊSU NHIỆT TÂM BẢO VỆ NHÀ CHA [Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Mùa Chay là thời gian để người tín hữu sám hối hoán cải và tin vào Tin Mừng! Tin vào Tin Mừng cũng có nghĩa là tin vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Nói đến cái chết của Chúa Giêsu thành Nazarét thì chúng ta không thể không nói đến các nguyên nhân của cái chết ấy. Một trong các nguyên nhân ấy chính là sự việc mà Tin Mừng Gioan tường thuật trong bài Phúc âm Chúa Nhật III Mùa Chay hôm nay (Ga 2,13-25). Đó là sự việc hay câu chuyện Chúa Giêsu Nazarét xua đuổi những người buôn bán chiên bò và những người đổi tiền trong hành lang đền thờ Giêrusalem. Phúc âm Thánh Gioan ghi chép là vì lòng nhiệt thành với Đền Thánh Giêrusalem là nhà của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hành động như vậy. Nhưng nguyên nhân sâu xa là Chúa Giêsu quyết bảo vệ và bênh vực những giá trị đích thực của Đền Thờ tức của tôn giáo chính thống, chống lại sự thuơng mại hóa các nơi thánh. Hành động của Chúa Giêsu đã khiến các nhà lãnh đạo đền thờ lúc bấy giờ thù ghét và tìm cách giết hại Người.
Câu chuyện của Chúa Giêsu được Gioan kể lại hôm nay giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về sự việc đang xẩy ra trong thế giới hôm nay: Có rất nhiều người bị cầm tù và bị báchảm hại chỉ vì họ dám dũng cảm lên tiếng bênh vực và bảo vệ những gía trị thật của tôn giáo và của con người. Chúng ta được Lời Chúa mời gọi hãy thể hiện lòng ngưỡng mộ và làm theo những con người can đảm ấy để thế giới và xã hội được lành mạnh và tiến bộ hơn.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Xh 20,1-17): “Luật do Môsê đã ban ra” Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Đừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.
Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.
Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu. .
Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17 Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 1,22-25): “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi” Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.
(3) Trong bài Tin Mừng (Ga 2,13-25): “Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại” Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong Đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa:
(1°) Nếu chúng ta chỉ đọc cách hời hợt bài đọc 1 (Xh 20,1-17), chúng ta sẽ chỉ thấy mười giới răn khô khẳng khó nuốt; Còn nếu chúng ta đọc nó với cả tấm lòng, chúng ta sẽ khám phá ra tấm lòng đầy tình thương của Thiên Chúa. Thật vậy nền tảng và động lực của mười điều răn là Giao Ước. Nguyên do của Giao Ước là Tình Thương của Thiên Chúa. Vì yêu thương dân Israel và nhân loại, nên Thiên Chúa muốn cho họ được hạnh phúc. Để giúp dân Israel và mọi người tìm được hạnh phúc, Thiên Chúa ban mười điều răn như những nẻo đường, những phương thế thích hợp. Chúng ta thấy Thiên Chúa hết lòng với Ít-ra-en và mong Ít-ra-en toàn tâm toàn ý với Thiên Chúa. Tình Yêu chỉ được đáp lại bằng Tình Yêu! Tấm lòng cần được đón nhận và hồi đáp bằng tấm lòng!

(2°) Thánh Phaolô Tông đồ, trong bài đọc 2 (1 Cr 1,22-25), cho ta thấy ngài sốt sáng nhiệt thành như thế nào trong việc rao giảng Chúa Kitô bị đóng đinh thập giá. Đó là điều mà con người – dù văn minh và khôn ngoan như người Hy-lạp hay đạo đức thánh thiện (được chọn là dân riêng, được các ngôn sứ dạy dỗ qua các thời đại) như người Do-thái – chẳng sao hiểu nổi, bởi vì câu chuyện thập giá là câu chuyện tình của Thiên Chúa toàn trí, toàn năng và chí ái. Deus Caritas est! Thiên Chúa là Tình Yêu! Người phàm làm sao hiểu được Thiên Chúa, hiểu được Tình Yêu của Người!
3°) Thánh Gioan, trong bài Tin Mừng (Ga 2, 13-25), tường thuật lại một sự kiện nổi bật trong những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu ở trần thế: tẩy uế Đền Thờ Giêrusalem. Sự việc này chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa” trong bối cảnh có nhiều người Do-thái đang tìm cách loại trừ Chúa Giêsu. Phải nhìn nhận rằng đây là lần đầu tiên trong Phúc âm chúng ta thấy Chúa Giêsu nổi giận, trước cảnh “trái tai gai mắt” đang diễn ra trong khu vực xung quanh Đền Thờ Giêrusalem. Thánh Gioan mô tả Chúa Giêsu như một ngôn sứ đang bốc lửa xông vào cuộc chiến để bảo vệ quyền lợi của Thiên Chúa và sự tinh tuyền của nơi thờ phượng Người. Lửa bốc trong lòng, lửa tràn ra lời nói và hành động của Chúa Giêsu! Vì nhiệt tâm với Nhà Chúa (Cha) mà Chúa Giêsu sẽ bị bắt, bị đánh đập tàn bạo, bị kết án dã man và bị giết chết tàn bạo trên thập giá. Nhưng ngọn lửa Tình Yêu ấy đã biến Người thành Của Lễ Toàn Thiêu đẹp lòng Thiên Chúa Cha và đem lại Ơn Cứu Rỗi cho muôn người.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là tấm lòng, là tình yêu cháy bỏng của Thiên Chúa, nhất là của Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thể đối với Thiên Chúa Cha và đối với loài người.
Vậy chúng ta hãy tin và đón nhận tình yêu ấy cũng như hãy để cho tình yêu ấy đốt cháy chúng ta.
Nói cách khác hãy đáp lại tình yêu ấy bằng một tình yêu cháy bỏng!

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã chọn ký kết giao ước Xinai và ban mười giới răn cho dân Israel để họ sống theo đường lối của Người. Người cũng là Đấng Thiên Chúa đã sai Con Một là Đức Giêsu Kitô xuống trần gian để tỏ lòng yêu thương con người và cứu chuộc con người bằng cái chết trên cây gỗ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là chúng ta là nuôi dưỡng một tâm hồn sốt mến, một lòng nhiệt thành, một tình yêu cháy bỏng đối với Thiên Chúa là Tình Yêu và với công cuộc cứu độ của Người.
Kiểm chứng:
* Tâm hồn tôi có “rạo rực” mỗi khi nghĩ/nghe/nói về Chúa không?
* Tâm tư tôi có “thao thức” trước nỗi thống khổ của con người, nhất là của những người thấp cổ bé miệng, bị khinh khi miệt thị và loại trừ không?
* Lương tâm tôi có “day dứt” trước cảnh đói nghèo, bất công, tham nhũng, quan liêu và trước các tệ nạn xã hội không?
* Chọn lựa của tôi có là “dũng cảm” bênh vực công lý và lẽ phải, – bằng lời nói và việc làm – dù bị thiệt thòi cách này cách khác, hay là “im lặng đồng lõa và thỏa hiệp” để được yên thân? yên chỗ?

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
5.1 «Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đờ.» Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa hãy vì giao ước Người đã ký kết với loài người mà thương yêu tha thứ cho loài người, nhất là cho những người thành tâm thiện chí, sống theo giới răn của Chúa hay lương tâm của mình.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi sẽ phải thiệt thân» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa, sống hết lòng hết sức với Đạo Chúa và đồng loại là anh chị em của mình.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Thưa anh em, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, càng ngày càng thấu hiểu cung cách hành động của Thiên Chúa mà yêu mến và ngưỡng mộ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Người nói với những kẻ bán bồ câu: «đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán» Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người phục vụ các cơ sở tôn giáo và các lễ nghi phụng tự, để họ gìn giữ sự tinh tuyền thánh thiện của các nơi thánh và của các việc thờ phượng ấy.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sàigòn ngày 02 tháng 03 năm 2021 – Biên tập lại ngày 28 tháng 2 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.