ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ tại Sân vận động Vélodrome ở Marseille

Trong bài giảng Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ tại Sân vận động Vélodrome ở Marseille vào chiều thứ Sáu 23/9/2023, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng như Thánh Gioan Tẩy Giả, trong lòng bà Êlidabét, đã nhảy mừng khi được Chúa Giêsu, trong lòng Đức Mẹ, đến viếng thăm, những người có đức tin “nhảy mừng” vì sự hiện diện của Thiên Chúa. Và đức tin tạo ra sự nhảy mừng trước sự sống và nhảy mừng hướng về tha nhân.

Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm ngắn tại Marseille là chủ tế Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ tại Sân vận động Vélodrome.

Vào lúc quá 3 giờ chiều thứ Bảy 23/09/2023, sau khi từ giã mọi người ở Tòa Tổng Giám mục Marseille, Đức Thánh Cha di chuyển đến Sân vận động Vélodrome cách đó 8 km. Gần đến nơi, Đức Thánh Cha đi xe mui trần chào đông đảo tín hữu đứng dọc quanh các con đường và sau đó đi vòng quanh sân vận động chào khoảng 50 ngàn tín hữu.

Sau đó, vào lúc khoảng 4 giờ 15, Đức Thánh Cha bắt đầu chủ sự Thánh lễ với khoảng 70 Giám mục và đông đảo linh mục đồng tế.

Trong bài giảng, dựa trên đoạn Tin Mừng thuật lại việc Đức Mẹ lên đường viếng thăm người chị họ Êlidabét và Thánh Gioan Tẩy Giả, trong lòng bà Êlidabét, đã nhảy mừng khi được Chúa Giêsu, trong lòng Đức Mẹ, đến viếng thăm (xem Lc 1,39-45), Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín hữu về sự “nhảy mừng” trong đức tin trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đến với chúng ta và làm cho chúng ta vui mừng

So sánh với câu chuyện trong Sách 2 Samuel thuật lại việc Vua Đavít đi đón Hòm bia Giáo ước và đã cùng với dân chúng nhảy múa trước Hòm bia, hân hoan vui mừng vì sự hiện diện của Chúa (xem 2 Sm 6,1-15), với việc Thánh Gioan Tẩy Giả trong bụng mẹ đã nhảy mừng khi nhận ra sự xuất hiện của Đấng Mêsia (xem Lc 1,39-45), Đức Thánh Cha nhận định: “Đức Maria được giới thiệu như Hòm bia Giao Ước thật khi giới thiệu Chúa nhập thể vào thế giới. Mẹ là Trinh Nữ trẻ tuổi đi gặp cụ già không còn khả năng sinh con và khi mang Chúa Giêsu, Mẹ trở thành dấu chỉ cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, Đấng vượt qua mọi tình trạng vô sinh. Mẹ đi lên miền núi Giuđa, nói với chúng ta rằng Thiên Chúa tiến về phía chúng ta, tìm kiếm chúng ta bằng tình yêu của Người và làm cho chúng ta vui mừng hân hoan.”

Chúng ta có tin Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta không?

Và qua sự kiện cả Mẹ Maria, một trinh nữ, và bà Êlidabét, một người già không còn khả năng sinh sản, đều thụ thai theo cách “không thể được”, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các tín hữu rằng “Đây là công việc của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta; Người biến những điều dường như không thể thành có thể, Người tạo ra sự sống ngay cả trong tình trạng vô sinh.”

Đức Thánh Cha mời gọi hãy tự hỏi: “chúng ta có tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có tin rằng Chúa, một cách kín đáo và thường không thể đoán trước, hành động trong lịch sử, thực hiện những điều kỳ diệu và cũng đang hoạt động trong các xã hội của chúng ta vốn bị đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục của thế gian và một sự thờ ơ tôn giáo nào đó không?”

Nhảy mừng trong đức tin

Và Đức Thánh Cha đưa ra một cách để nhận biết liệu chúng ta có lòng tin cậy nơi Chúa hay không. Đó là nhảy mừng, như Hài nhi Gioan đã nhảy mừng khi gặp Chúa (c. 41). Bất cứ ai tin, ai cầu nguyện, ai chào đón Chúa đều nhảy mừng trong Thần Khí, và cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động trong lòng, và nhảy mừng. Đức Thánh Cha chia sẻ về sự nhảy mừng của đức tin.

Nhảy mừng trước sự sống

Theo Đức Thánh Cha, kinh nghiệm đức tin trước hết tạo ra sự nhảy mừng trước sự sống. Ngài giải thích: “Nhảy mừng có nghĩa là được “chạm vào nội tâm”, có cảm giác hồi hộp bên trong, cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động trong lòng mình. Nó trái ngược với một trái tim phẳng lì, lạnh lùng, sống một cuộc sống lặng lẽ, khép mình trong sự thờ ơ và trở nên không thể rung động, trở nên cứng rắn, vô cảm với mọi thứ và mọi người, thậm chí trước sự vất bỏ bi thảm sự sống con người, sự sống mà ngày nay bị từ chối nơi rất nhiều người di cư, cũng như nơi nhiều trẻ em chưa chào đời và nơi nhiều người già bị bỏ rơi.”

Một trái tim lạnh lùng và phẳng lặng kéo cuộc sống trôi đi một cách máy móc, không có đam mê, không có động lực, không có mong muốn. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “chúng ta có thể phát bịnh với tất cả những điều này trong xã hội châu Âu của chúng ta: sự hoài nghi, sự chán nản, sự cam chịu, sự không chắc chắn, một cảm giác buồn bã chung chung. Có người gọi đó là ‘những đam mê buồn: đó là cuộc sống không có những sự nhảy mừng.”

“Trái lại, những người được sinh ra trong đức tin đều nhận ra sự hiện diện của Chúa, như hài nhi trong bụng bà Êlidabét. Họ nhận ra hoạt động của Người khi mỗi ngày mới bắt đầu và nhận được đôi mắt mới để nhìn vào thực tế; ngay cả giữa những mệt mỏi, những vấn đề và đau khổ, họ vẫn thấy Chúa viếng thăm mỗi ngày và cảm thấy được Người đồng hành và nâng đỡ. Đối mặt với mầu nhiệm của đời sống cá nhân và những thách đố của xã hội, những người có đức tin đều có một bước nhảy vọt, một đam mê, một ước mơ để vun đắp, một mối quan tâm thúc đẩy họ dấn thân một cách cá nhân. Họ biết rằng Chúa hiện diện trong mọi sự, đang kêu gọi và mời gọi họ làm chứng cho Tin Mừng bằng sự hiền lành, để xây dựng một thế giới mới khi sử dụng những hồng ân và đặc sủng đã nhận được.”

Sự nhảy mừng hướng đến tha nhân

Kinh nghiệm đức tin, ngoài sự nhảy mừng trước sự sống, còn tạo ra sự nhảy mừng hướng đến tha nhân. Đức Thánh Cha giải thích: “Thật vậy, trong mầu nhiệm Thăm Viếng, chúng ta thấy rằng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa không diễn ra qua những biến cố ngoại thường trên trời, mà qua sự đơn sơ của một cuộc gặp gỡ. Thiên Chúa đến trước cửa một gia đình, trong cái ôm dịu dàng giữa hai người phụ nữ, trong sự gặp gỡ của hai người đang mang thai đầy kinh ngạc và hy vọng. Và trong cuộc gặp gỡ này có sự quan tâm của Đức Maria, sự ngạc nhiên của bà Êlidabét, niềm vui chia sẻ.”

Đức Thánh Cha nhắc rằng Thiên Chúa có tính tương quan và thường xuyên đến thăm chúng ta qua những cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, khi chúng ta biết cách mở lòng ra với người khác, khi có sự rung động đối với sự sống của những người đi ngang qua cạnh chúng ta mỗi ngày và khi trái tim chúng ta vẫn dửng dưng và vô cảm trước những vết thương của những người mỏng manh yếu đuối hơn.

Châu Âu cần một bước nhảy vọt mới của đức tin, lòng bác ái và hy vọng.

Nhận xét rằng các thành phố đô thị của chúng ta và nhiều quốc gia Châu Âu như Pháp, trong đó các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau cùng tồn tại, theo nghĩa này, là một thách thức lớn chống lại sự thái quá của chủ nghĩa cá nhân, chống lại sự ích kỷ và khép kín tạo ra sự cô đơn và đau khổ, Đức Thánh Cha mời gọi “hãy học nơi Chúa Giêsu để có sự cảm động trước những người sống bên cạnh chúng ta, chúng ta hãy học nơi Người là Đấng, khi đối diện với đám đông mệt mỏi và kiệt sức, cảm thương và động lòng (x. Mc 6:34), đã trào dâng lòng thương xót trước thân xác bị thương tích của những người Chúa gặp.” Ngài cũng nhắc lại lời Thánh Vinh Sơn Phaolô, “chúng ta phải cố gắng làm trái tim mình trở nên hiền dịu và khiến chúng nhạy cảm với những nỗi đau và sự khốn khổ của người khác. Chúng ta cần cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tinh thần thương xót thực sự, đó chính là Thần Khí của Người” để có thể nhận ra rằng người nghèo là “chúa và chủ của chúng ta” (Correspondance, entretiens, documents, Paris 1920-25, 341; 392-393).

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc lại “sự nhảy mừng” của nước Pháp, một lịch sử phong phú về sự thánh thiện, văn hóa, các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng, đã làm say mê nhiều thế hệ và nhắc rằng ngày nay, cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của Giáo hội, nước Pháp, châu Âu cũng cần điều này: “cần ơn nhảy mừng, một bước nhảy vọt mới của đức tin, lòng bác ái và hy vọng. Chúng ta cần khám phá lại niềm đam mê và nhiệt huyết, khám phá lại sở thích dấn thân cho tình huynh đệ. Chúng ta cần một lần nữa dám mạo hiểm yêu thương gia đình của chúng ta và dám yêu những người yếu đuối nhất, và lại tìm thấy trong Tin Mừng một ân sủng biến đổi và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp.”

Cầu nguyện với Đức Mẹ Canh giữ

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng việc cầu nguyện với Đức Mẹ, Notre Dame de la Garde, xin Mẹ gìn giữ cuộc sống của tín hữu Pháp, bảo vệ nước Pháp và toàn bộ Châu Âu và giúp chúng ta nhảy mừng trong Thánh Thần. Đức Thánh Cha dùng những lời của thi sĩ Paul Claudel: “Con thấy nhà thờ, mở cửa… Con không có gì để dâng Mẹ và không có gì để cầu xin. Mẹ ơi, con chỉ đến để nhìn ngắm Mẹ. Nhìn ngắm Mẹ, khóc vì hạnh phúc khi biết rằng con là con của Mẹ và Mẹ đang ở đó. Mẹ Maria, ở bên Mẹ, ở nơi này, nơi có Mẹ… Bởi vì Mẹ luôn ở đó… Đơn giản bởi vì Mẹ là Đức Maria… Đơn giản vì Mẹ hiện hữu… Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, xin tạ ơn Mẹ!” (“La Vierge à midi”, Poëmes de Guerre 1914-1916, Paris, 1922).

Lời cảm ơn của Đức Thánh Cha

Cuối Thánh lễ, sau lời cám ơn của Đức Tổng Giám mục Jean-Marc Aveline của Marseille, Đức Thánh Cha cũng cảm ơn tất cả mọi người đã hiện diện trong Thánh lễ và cầu nguyện. Đặc biệt, ngài cảm ơn Tổng thống Pháp và chính quyền, toàn thể người dân Pháp.

Chào cộng đoàn Giáo hội Marseille, với các giáo xứ và dòng tu, trường học và cơ sở bác ái, Đức Thánh Cha nhắc rằng đây là giáo phận đầu tiên được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, vào năm 1720, trong một trận dịch hạch. Và ngài nói: “Do đó, anh chị em có khả năng trở thành dấu chỉ của sự dịu dàng của Thiên Chúa, ngay cả trong ‘đại dịch thờ ơ’ hiện nay: tôi cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ dịu dàng và quyết tâm của anh chị em, điều làm chứng cho sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Chúa!”

Đức Thánh Cha cũng chào các tín hữu giáo phận Nice, sống sót sau cuộc tấn công kinh hoàng ngày 14/7/2016. Ngài mời gọi tưởng nhớ những người người đã thiệt mạng trong thảm kịch đó và trong các hành động khủng bố xảy ra ở Pháp và ở mọi nơi trên thế giới. “Chúng ta đừng mệt mỏi cầu nguyện cho hòa bình ở những vùng bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt là cho người dân Ucraina đang bị dày vò.”

Đức Thánh Cha trìu mến chào các bệnh nhân, trẻ em và người già và nghĩ đặc biệt đến những người đang gặp khó khăn và tất cả những người lao động của thành phố này. Ngài nói: “Chớ gì phẩm giá của người lao động được tôn trọng, phát huy và bảo vệ!”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu xin Notre Dame de la Garde – Đức Mẹ Canh giữ – gìn giữ thành phố Marseille, tất cả các gia đình và mỗi người.

Nguồn : Hồng Thủy – Vatican News