(24.03.2024 – Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B) Để ứng nghiệm Lời Sách Thánh

Bài Thương Khó: Mc 14, 1 – 15. 47 (bài dài)

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Marcô.

Hai ngày trước Lễ Vượt Qua và Tuần Lễ ăn bánh không men, các thượng tế và luật sĩ tìm mưu bắt giết Chúa Giêsu. Họ bảo nhau rằng:

“Ðừng làm trong ngày lễ, kẻo sinh náo động trong dân”.

Khi Chúa đang dùng cơm ở Bêtania trong nhà ông Simon tật phong, thì có một người phụ nữ mang đến một bình ngọc đựng dầu thơm rất quý giá. Ðập vỡ bình, bà đổ dầu thơm trên đầu Người. Có mấy người khó chịu nghĩ thầm rằng: Làm gì mà phí dầu thơm như vậy? Dầu này có thể bán được hơn ba trăm đồng bạc để bố thí cho kẻ nghèo khó. Và họ nặng lời với bà đó. Nhưng Chúa Giêsu bảo:

“Hãy để mặc bà, sao các ông lại làm cực lòng bà? Bà vừa làm cho Ta một việc rất tốt. Vì bao giờ các ông cũng có những kẻ nghèo ở bên mình, và các ông có thể làm phúc cho họ lúc nào tuỳ ý, nhưng Ta, các ông không có Ta ở luôn với đâu. Làm được gì thì bà đã làm, bà đã xức dầu thơm có ý tẩm liệm xác Ta trước. Ta bảo thật các ông: Trong khắp thế giới, Phúc âm này rao giảng đến đâu thì người ta cũng sẽ thuật lại việc bà mới làm để nhớ bà”.

Khi ấy, Giuđa Iscariô, một trong nhóm Mười Hai, đến tìm các thượng tế để tình nguyện nộp Người cho họ. Nghe vậy, họ mừng rỡ và họ liền hứa cho nó tiền. Và nó tìm dịp tiện nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng Lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Người:

“Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?”

Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng:

“Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu? Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”.

Hai môn đệ ra đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo, và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người cùng Mười Hai môn đệ tới. Và khi mọi người đang ngồi ăn, thì Chúa Giêsu nói:

“Ta bảo thật các con, một trong các con đang ăn cùng Ta, sẽ nộp Ta”.

Các ông đều buồn rầu và lần lượt từng người thưa Ngài:

“Thưa Thầy, có phải con không?”

Người đáp:

“Là một trong mười hai, kẻ cùng chấm một đĩa với Thầy. Con Người phải ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán:

“Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”.

Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông:

“Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”.

Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu. Chúa Giêsu bảo các ông:

“Ðêm nay, tất cả các con sẽ vấp phạm vì Thầy, vì có lời chép rằng: ta sẽ đánh chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến xứ Galilêa trước các con”.

Phêrô thưa Người:

“Dù tất cả vấp phạm vì Thầy, nhưng con thì không”.

Chúa Giêsu bảo ông:

“Thầy bảo thật con: Hôm nay, nội đêm nay, trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Thầy ba lần”.

Nhưng Phêrô càng lên giọng cương quyết hơn mà rằng:

“Không, dầu phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy”.

Và tất cả đều nói như vậy.

Ði đến một vườn kia tên là Ghếtsêmani, Người bảo các môn đệ:

“Các con hãy ngồi lại đây trong khi Thầy đi cầu nguyện”.

Rồi Người đem Phêrô, Giacôbê và Gioan theo Người và Người bắt đầu kinh sợ và buồn sầu. Người liền bảo các ông:

“Linh hồn Thầy buồn đến chết được, các con hãy ở lại đây và tỉnh thức”.

Tiến xa hơn một chút, Người phục xuống đất và cầu xin nếu có thể được thì xin cho qua khỏi giờ này. Và Người nguyện rằng:

“Abba, Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén này khỏi con! Nhưng không theo ý con muốn, một theo ý Cha”.

Người trở lại và thấy các ông đang ngủ, nên nói với Phêrô:

“Simon, con ngủ ư? Con không có sức thức được một giờ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì lanh lẹ, còn xác thịt thì yếu đuối”.

Rồi Người đi khỏi đó và cầu nguyện cùng lời như trước. Khi trở lại lần nữa và thấy các ông còn ngủ (vì mắt các ông nặng trĩu) và các ông không còn biết thưa Người làm sao. Lần thứ ba, Người trở lại và bảo:

“Bây giờ các con hãy ngủ và nghỉ ngơi đi. Thế là xong! Giờ đã đến: Này Con Người sắp bị nộp trong tay những kẻ tội lỗi. Thôi! hãy chỗi dậy, chúng ta đi, kẻ nộp Thầy đã tới nơi”.

Người còn đang nói, thì Giuđa Iscariô, một trong nhóm Mười Hai đến, cùng đi với một toán đông mang gươm giáo và gậy gộc do các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão sai đến. Trước đó, tên phản bội đã ra hiệu cho chúng rằng:

“Hễ tôi hôn mặt ai, thì đó chính là Ngài, các ông cứ bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận”.

Vừa đến, nó liền tới gần Người mà nói:

“Chào Thầy”.

Và nó hôn Người. Và chúng tra tay bắt Người. Nhưng một người trong những kẻ đứng xung quanh rút gươm chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt một tai. Chúa Giêsu nói với chúng rằng:

“Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp! Hằng ngày, Ta ở giữa các ngươi, giảng dạy trong đền thờ mà sao các ngươi không bắt Ta. Nhưng thế là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh”.

Bấy giờ môn đệ bỏ Người và trốn đi hết. Có một thanh niên theo Người, mình chỉ quấn một tấm khăn, họ túm lấy anh ta, nhưng anh ta bỏ tấm khăn lại và chạy trốn mình trần.

Chúng điệu Chúa Giêsu đến thầy thượng tế, các tư tế, luật sĩ và kỳ lão hội lại đông đủ. Còn Phêrô theo Người xa xa đến tận trong dinh thượng tế và ngồi sưởi lửa với đám đầy tớ. Vậy các thầy thượng tế và toàn thể công nghị tìm một chứng cáo Chúa Giêsu để giết Người, song họ không tìm ra. Có nhiều kẻ đã cáo gian Người, nhưng các chứng đó không hợp nhau. Tuy nhiên có nhiều kẻ đứng lên làm chứng gian cho Người rằng:

“Chúng tôi đã nghe nó nói: Ta sẽ phá huỷ đền thờ này do tay loài người làm ra, và trong ba ngày, Ta sẽ xây lại một đền thờ khác không bởi tay loài người làm ra”.

Nhưng chứng cớ của họ cũng không hợp nhau. Khi ấy, thầy thượng tế đứng lên giữa công nghị hỏi Chúa Giêsu rằng:

“Sao ông không trả lời gì về những điều các người này tố cáo ông”.

Nhưng Người vẫn thinh lặng và không đáp lại gì. Thầy thượng tế lại hỏi:

“Ông có phải là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa đáng chúc tụng chăng?”

Chúa Giêsu đáp:

“Phải, chính Ta! Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Ðấng toàn năng và ngự đến trên đám mây”.

Thầy thượng tế liền xé áo mình ra và nói:

“Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa? Các ông đã nghe lời nói lộng ngôn, các ông nghĩ sao?”

Ai nấy đều lên án Người đáng chết. Rồi có kẻ bắt đầu nhổ vào Người, che mặt Người và đánh đấm Người mà rằng:

“Hãy đoán xem!”

Và bọn thủ hạ vả mặt Người.

Phêrô đang ở ngoài sân tiền đường, thì có một đầy tớ gái của thầy thượng tế đến, thấy Phêrô đang sưởi, thì nhìn ông và nói:

“Ông cũng theo Giêsu, người Nadarét”.

Nhưng ông chối phắt mà rằng:

“Tôi không biết, tôi không hiểu cô muốn nói gì”.

Rồi ông đi ra ngoài phía trước tiền đường, và gà liền gáy. Lần nữa người đầy tớ thấy ông, liền nói với những người xung quanh rằng:

“Ông này thuộc bọn đó”.

Nhưng ông lại chối. Một lúc sau, những người ở đó lại nói với Phêrô rằng:

“Ðúng ông thuộc bọn đó, vì cả ông cũng là người Galilêa”.

Ông liền nguyền rủa nặng lời và thề rằng:

“Tôi không biết người mà các ông nói đó”.

Tức thì gà gáy lần thứ hai. Và Phêrô nhớ lại lời Chúa Giêsu đã bảo ông: “Trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Ta ba lần”. Và ông liền than khóc.

Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:

“Ông có phải là vua dân Do Thái không?”

Chúa Giêsu đáp:

“Ông nói đúng!”

Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:

“Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!”

Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:

“Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do Thái không?”

(Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:

“Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do Thái?”

Nhưng chúng lại kêu lên:

“Ðóng đinh nó đi!”

Philatô đáp lại:

“Người này đã làm gì nên tội?”

Song chúng càng la to hơn:

“Ðóng đinh nó đi!”

Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng:

“Tâu Vua dân Do Thái”.

Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:

“Kìa! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!”

Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:

“Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!”

Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

“Êloi, Êloi, lêma sabachthani!”

Nghĩa là:

“Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!”

Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:

“Kìa, nó gọi Êlia!”

Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:

“Hãy đợi xem Êlia có đến đem nó xuống không?”

Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:

“Ðúng người này là Con Thiên Chúa!”

Cũng có những phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa, trong số đó có bà Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê hậu và của Giuse, và bà Salômê, là những kẻ đã theo giúp Người khi Người còn ở xứ Galilêa. Và nhiều người khác cũng đã lên Giêrusalem với Người.

Trời đã xế chiều và hôm đó lại là ngày chuẩn bị, áp ngày Sabbat. Ông Giuse quê ở Arimathia, một hội viên vị vọng trong công nghị, cũng là người trông đợi nước Thiên Chúa, ông mạnh dạn đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Philatô ngạc nhiên nghe nói Người đã chết, ông gọi viên sĩ quan đến và hỏi xem Người đã chết thật chưa. Khi được viên sĩ quan phúc trình, quan trao xác Người cho Giuse. Giuse đã mua một khăn trắng, hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, liệm vào khăn và đặt trong mộ đã đục sẵn trong đá, và lăn một tảng đá lấp cửa mộ. Lúc đó bà Maria Mađalêna và Maria mẹ ông Giuse nhìn xem nơi Người được an táng.

Đó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài này: Mc 15, 1-39

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”

Bài thương khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta theo thánh Marcô.

Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:

“Ông có phải là vua dân Do Thái không?”

Chúa Giêsu đáp:

“Ông nói đúng!”

Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:

“Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!”

Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:

“Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do Thái không?”

(Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:

“Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do Thái?”

Nhưng chúng lại kêu lên:

“Ðóng đinh nó đi!”

Philatô đáp lại:

“Người này đã làm gì nên tội?”

Song chúng càng la to hơn:

“Ðóng đinh nó đi!”

Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng:

“Tâu Vua dân Do Thái”.

Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống.
Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:

“Kìa! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!”

Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:

“Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!”

Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

“Êloi, Êloi, lêma sabachthani!”

Nghĩa là:

“Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!”

Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:

“Kìa, nó gọi Êlia!”

Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:

“Hãy đợi xem Êlia có đến đem nó xuống không?”

Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:

“Ðúng người này là Con Thiên Chúa!”

Cũng có những phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa, trong số đó có bà Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê hậu và của Giuse, và bà Salômê, là những kẻ đã theo giúp Người khi Người còn ở xứ Galilêa. Và nhiều người khác cũng đã lên Giêrusalem với Người.

Trời đã xế chiều và hôm đó lại là ngày chuẩn bị, áp ngày Sabbat. Ông Giuse quê ở Arimathia, một hội viên vị vọng trong công nghị, cũng là người trông đợi nước Thiên Chúa, ông mạnh dạn đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Philatô ngạc nhiên nghe nói Người đã chết, ông gọi viên sĩ quan đến và hỏi xem Người đã chết thật chưa. Khi được viên sĩ quan phúc trình, quan trao xác Người cho Giuse. Giuse đã mua một khăn trắng, hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, liệm vào khăn và đặt trong mộ đã đục sẵn trong đá, và lăn một tảng đá lấp cửa mộ. Lúc đó bà Maria Mađalêna và Maria mẹ ông Giuse nhìn xem nơi Người được an táng.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

Khi nghĩ xem ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa,
chúng ta nghĩ ngay đến Giuđa Ítcariốt,
một môn đệ thân thiết trong nhóm Mười Hai.
Chính anh ấy đã đến gặp các thượng tế để nộp Đức Giêsu.
Chúng ta không rõ tại sao Giuđa lại phản bội.
Phải chăng chỉ vì ba mươi đồng bạc hay còn vì điều gì khác?
Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chịu trách nhiệm.
Họ ganh ghét với Đức Giêsu và nhiều lần muốn giết Ngài.
Đối với họ, Đức Giêsu là kẻ thù, là người phá đạo,
vì chẳng chịu giữ những luật lệ của Môsê.
Chính họ đã sai người đi bắt Đức Giêsu, đã đưa Ngài ra tòa,
và đã kết án tử cho Ngài vì tội phạm thượng.
Chính họ đã xúi giục dân chúng đòi Philatô đóng đinh Ngài.
Philatô không thể rửa tay trước cái chết của Đức Giêsu.
Là người của hoàng đế Rôma, ông có quyền tha hay kết án.
Và ông đã dùng quyền này để xử Giêsu, một người vô tội.
Ông biết chỉ vì ganh tỵ mà giới lãnh đạo Do-thái giáo nộp Ngài,
nhưng vì muốn chiều lòng đám đông và không muốn mất ghế,
ông đã không đủ can đảm để tha bổng Đức Giêsu.
Giuđa, Philatô và Thượng Hội đồng Do-thái giáo
là những người chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu.
Nhưng Đức Giêsu không bị chết vì ở thế yếu hay vì xui xẻo.
Ngài chết vì Ngài đã không tìm cách tránh cái chết.
Ngài có thể tránh cái chết bằng việc đừng lên Giêrusalem,
nơi các thượng tế đang muốn bắt và giết Ngài (Mc 10,32-34).
Ngài có thể tránh bằng việc đừng ra núi Ô-liu cầu nguyện,
hay xin Cha cấp cho mười hai đạo binh thiên sứ (Mt 26,53),
hay thậm chí bằng cách xuống khỏi thập giá.
Đức Giêsu chẳng những đã không tránh, mà còn đón nhận.
Ngài biết Giuđa sẽ nộp Ngài, nhưng Ngài chẳng hề tố cáo.
Ngài đã để cho mình bị nộp, bị làm nhục, bị đóng đinh…
mà chẳng hề mở miệng biện hộ hay phản kháng.
Bởi đó, có thể nói, Ngài đã không hề bị giết hay bị chết.
Chính Ngài tự nguyện và tự do đón nhận cái chết cho mình.
Ngài biết Ngài chết cho ai và đâu là mục đích:
“Tôi đến để phục vụ và hiến mạng làm giá chuộc muôn người.”
Đức Giêsu xao xuyến trước cái chết, nhưng vẫn chọn cái chết.
Ngài từ bỏ ý muốn riêng để đón nhận ý muốn của Cha,
đón nhận giờ của Cha và uống chén Cha trao (Mc 14,35-36).
Đức Giêsu chịu trách nhiệm về cái chết của mình.
Ngài đón lấy cái chết như hậu quả tất yếu của một đời phục vụ.

Trong cơn thử thách, Ngài vẫn gọi Thiên Chúa là Abba (Mc 14,36).
Ngài tin cuộc Khổ nạn nằm trong kế hoạch khôn dò của Cha.
Chính Cha làm chủ mọi biến cố.
Như ông chủ vườn nho trong dụ ngôn,
chính Cha là Đấng sai Người Con đến thế gian (Mc 12,8.10),
để Người Con bị giết trở thành Đá Tảng cho công trình.
Kế hoạch của Cha đã được chép trong Sách Thánh (Mc 14,21.49).
Trên thập giá, Chúa Cha đã không bỏ Chúa Con một mình.
Cha đã nghe thấy tiếng kêu thống thiết của Con (Mc 15,34),
Con sẽ thắng cái chết vì được Cha đưa ra khỏi nấm mồ.

Thánh giá của Đức Giêsu vừa là hậu quả tồi tệ của con người,
vừa nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha,
kế hoạch này đã được Đức Giêsu tự nguyện chấp nhận.
Thánh giá mỗi ngày của chúng ta cũng vậy.
Nếu chúng ta nhìn thánh giá với cái nhìn của Đức Giêsu,
chúng ta sẽ bớt giận dữ, kết án hay trả thù,
nhưng sẽ thấy thánh giá dễ đón nhận hơn và sinh trái hơn.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn đến chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J