(11.12.2022 – Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm A) Phúc thay ai không vấp ngã vì Tôi

LỜI CHÚA: Mt 3,1-12

Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Ðức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Ðức Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Họ đi rồi, Ðức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những người mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Ðúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng:

Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”

SUY NIỆM:

“Phúc thay ai không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,6),
không vì thấy cách tôi sống mà mất lòng tin vào tôi.
Ông Gioan Tẩy giả có nguy cơ vấp ngã vì Đức Giêsu.
Khi làm phép rửa cho Ngài ở sông Giođan (Mt 3,14),
ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng phải đến,
Gioan có một hình ảnh về Đấng Mêsia.
Đấng ấy là một vị Thẩm phán nghiêm khắc,
sẽ nổi cơn thịnh nộ với những ai không hối cải,
sẽ tẩy luyện mọi người bằng Thánh Thần và lửa (Mt 3,7.11).
Đấng ấy sẽ trừng phạt những cây không sinh trái,
không phải chỉ tỉa cành, mà còn chặt luôn tận gốc (Mt 3,10).

Những hình ảnh dữ dội trên đây
ta thấy có trong Cựu Ước (Am 5,18-20; Ml 3,2-3; Is 66,24).
Gioan tin rằng khi Đức Giêsu đến, Ngài sẽ làm như thế.
Và ông đã chờ, đã bị nộp, rồi bị ngồi tù (Mt 4,12; 11,2),
và đã thất vọng vì thấy một Đức Giêsu rất khác.
Ngồi trong tù nhưng ông vẫn theo dõi các việc làm của Ngài.
Giêsu này hiền quá, không hề nghiêm khắc như ông tưởng.
Từ đó ông đã nghi ngờ về lời chứng của mình.
và đã sai các môn đệ của ông đến gặp Đức Giêsu.
Đức Giêsu cho thấy mình là Đấng Mêsia,
nhưng không như Gioan nghĩ.
Ngài đã chữa người mù, cho người bất toại đi được,
kẻ điếc được nghe, tẩy sạch người phong, hoàn sinh kẻ chết,
và người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng (Mt 11,4-5).
Những việc này đã được ngôn sứ Isaia tiên báo (Is 61,1-2),
Và Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm những lời tiên báo này.
Hy vọng ở trong tù, Gioan cảm thấy bình an hơn,
khi nghe các môn đệ của ông thuật lại lời Đức Giêsu.

“Phúc thay ai không vấp ngã vì tôi.”
Trong thực tế, có nhiều người đã vấp ngã vì Đức Giêsu.
“Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Cách đến của Thiên Chúa bao giờ cũng bất ngờ,
vì lối nghĩ của Thiên Chúa khác lối nghĩ của con người.
Người Do-thái chờ mong một Đấng Mêsia chiến thắng,
đem lại cho đất nước tự do, hạnh phúc, ấm no.
Nhưng Thiên Chúa lại cho một Đấng Mêsia thất bại,
chẳng có khả năng giải phóng dân tộc,
và cũng chẳng có khả năng xuống khỏi thập giá.
Nếu Chúa Giêsu phục sinh không hiện ra cho Phaolô
thì ông sẽ mãi mãi là một người bách hại các kitô hữu,
mãi mãi coi Đức Giêsu là một tên phá hoại Do-thái giáo.
Chúa Giêsu phục sinh đã chinh phục ông về cho Ngài.
Đây là một chiến thắng lớn của Thiên Chúa.
Phaolô chẳng những tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia,
ông còn tin Đức Giêsu chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa.

Đời sống đức tin của chúng ta cũng có lúc gặp khó khăn.
Như Gioan ngồi trong tù, nghi ngờ và bất an,
chúng ta cũng đặt lại những câu hỏi tưởng như đã rõ.
Thiên Chúa không bị gói gọn trong những công thức,
hay bị khô cứng trong một số hình ảnh rập khuôn.
Thiên Chúa luôn luôn mới khi vén mở thêm chính mình.
Chúng ta cần lắng nghe nhau, mềm mại trong suy nghĩ,
để khám phá ra khuôn mặt mới của Thiên Chúa.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe
những người ở rất gần con, gia đình, bè bạn,
những người làm việc chung với con.
Xin giúp con nhận ra rằng
dù họ nói gì với con đi nữa
thì họ cũng có ý xin con chấp nhận trọn vẹn con người họ
và thực sự lắng nghe họ.

Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe những người ở xa con,
tiếng thì thầm của người thất vọng,
tiếng van xin của người bị bỏ rơi,
tiếng kêu cứu của người sầu muộn.

Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe chính con người của con.
Xin giúp con đừng sợ tin vào tiếng Chúa mời gọi
trong nơi sâu thẳm nhất của lòng con.

Lạy Chúa Thánh Thần,
xin dạy con biết lắng nghe tiếng của Ngài
khi con phấn khởi hay chán nản,
khi con xác tín hay nghi ngờ,
khi con ồn ào hay lặng lẽ.

Vâng lạy Chúa, xin dạy con luôn biết lắng nghe. Amen. (Khuyết danh)

Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ