SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI
Lời Chúa: Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18
MỤC LỤC
1. Thiên Chúa yêu thế gian – ViKiNi 4
2. Đoàn kết 8
3. Chúa Ba Ngôi 10
4. Ba ngọn nến lung linh – Huệ Minh 12
5. Mặt trời ban sự sống 18
6. Lễ Chúa Ba Ngôi – An Mai 20
7. Con đường yêu thương 27
8. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 30
9. Ba Ngôi Tình Yêu 33
10. Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần 36
11. Mầu nhiệm tình yêu – Lm. Jos. Quốc Phong SDB 40
12. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành 43
13. Thiên Chúa tình yêu – Thiên Phúc 48
14. Lễ Chúa Ba Ngôi – Ngày Lễ Tình Yêu 50
15. Thiên Chúa yêu thế gian 53
16. Suy niệm của Lm. Thu Băng, CRM 56
17. Con đường sống 59
18. Suối nguồn tình yêu 61
19. Huyền nhiệm tình yêu – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền 64
20. Nguyên mẫu tình yêu Kitô hữu 67
21. Suy niệm của Lm Trầm Phúc 72
22. Thiên Chúa Ba Ngôi: Mầu Nhiệm Tình Yêu 75
23. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần 81
24. Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi 84
25. Thiên Chúa Ba Ngôi 90
26. Một đôi dấu chân trên bờ cát phẳng 93
27. Lễ Chúa Ba Ngôi – Lm. Giuse Trần Việt Hùng 100
28. Lễ Chúa Ba Ngôi 104
29. Thiên Chúa là nguồn yêu thương 107
30. Tình Yêu Ba Ngôi 118
31. Chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô 121
32. Con búp bê và biển cả 124
33. Nguồn tình yêu 128
34. Một Thiên Chúa của tình yêu 131
35. Huyền nhiệm tình yêu 134
36. Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi – R. Veritas 138
37. Ba Ngôi Hiệp Nhất 141
38. Trao ban tất cả vì yêu thương – Lm. Trần Ngà. 144
39. Lễ Chúa Ba Ngôi – R. Veritas 147
40. Chúa Ba Ngôi 150
41. Thiên Chúa Ba Ngôi: tình yêu tuyệt hảo 152
42. Trí khôn và ý muốn 155
43. Dấu Thánh Giá 158
44. Ba Ngôi 161
45. Ba Ngôi 164
46. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 166
47. Tình yêu 169
48. Chúa Ba Ngôi và dấu thánh giá 171
49. Đền thờ Thiên Chúa – Lm. Minh Vận, CRM 174
50. Suy niệm của Đaminh M. Cao Tấn Tĩnh, BVL 179
51. Một Chúa Ba Ngôi – Lm Nguyễn Khoa Toàn 186
52. Dòng sông 188
53. Ba Ngôi giáo dục bằng tình yêu 190
54. Sống hoà nhịp 192
55. Đủ ánh sáng chưa? 194
56. Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 197
57. Ba Ngôi: Tình Yêu Trao Ban – Bm. Minh Trân 201
58. Tình Chúa – Tình người 203
59. Mầu nhiệm hiệp thông 205
60. Chúa Ba Ngôi – Lm. Quang Diệm 208
61. Kẻ nội thù 211
62. Chú giải của Fiches Dominicales 215
63. Một Tình Yêu không thể tin được 221
64. Chú giải của Noel Quesson 230
65. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt 236
66. Dấu Thánh nhiệm mầu. 240
67. Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An 248
68. Sống hiệp thông chia sẻ – Lm Jos Nguyễn Hữu An 255
69. Sống yêu thương theo khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi 260
70. Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng 264
71. Dấu Thánh Giá 267
72. Thiên Chúa là tình yêu 270
1. Thiên Chúa yêu thế gian – ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Đoạn Tin mừng lễ hôm nay là phần cuối câu chuyện Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô. Trong câu chuyện này Chúa Giêsu lần lượt mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ông Nicôđêmô là một thủ lãnh dân Do Thái. Chúa Giêsu gọi ông là bậc thầy trong dân Israel. Hẳn ông đã nhiều lần nghe Người giảng dạy, chứng kiến nhiều phép lạ, nên ông nhận ra Người bởi Thiên Chúa mà đến, ông nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư bởi Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những phép lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Ga. 3, 2).
Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm, ông không dám đến ban ngày, phải chăng để câu chuyện thân mật hơn dưới gió mát trăng thanh ; nhưng có lẽ ông sợ dư luận, sợ bạn bè khinh chê ông đến với anh con thợ mộc ; đúng hơn ông chưa được Thánh Thần tác động nên chưa dám can đảm công khai đến với Đức Giêsu ban ngày.
Trước sự e dè nhát đảm của ông Đức Giêsu đã nói với ông về sức mạnh của Chúa Thánh thần như gió thổi khắp bốn phương: “Gió muốn thổi đâu thì thổi”. Sức mạnh đó là Thần khí Thiên Chúa.
Đức Giêsu nói đến Thần khí, Người muốn nhắc nhở Nicôđêmô đến việc “Thiên Chúa đã thổi Thần khí vào xác thịt con người Adam được nắn từ bùn đất làm cho nó thành người sống” (St. 2, 7). Và việc “Thiên Chúa cho cuồng phong khuấy động biển đỏ suốt đêm, làm biển Đỏ khô ráo, nước rẽ ra hai bên làm tường thành cho con cái Israel đi qua lòng biển khô ráo” (Xh. 14, 21-23).
Sức mạnh Thần khí đã làm xác thịt con người sống, đã cứu dân tộc thoát khỏi ách nô lệ. Bây giờ còn lạ lùng hơn nữa Thánh thần đến tái sinh mọi người để họ được vào nước trời: “Thật Tôi bảo thật ông, không ai có thể vào nước Trời, nếu không được sinh lại bởi nước và Thần khí” (Ga. 3, 5).
Tiếp đến, Đức Giêsu tự tỏ mình ra cho ông. Người nói: “Thật Tôi bảo thật ông, chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi thấy”. Những điều đó là: “Không ai lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”. Đấng từ trời xuống để làm gì? Để “Như Môsê đã giương con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin Con Người thì được sống muôn đời” (Ga. 3, 11.13. 15)
Vậy muốn được tái sinh vào nước trời để được sống đời đời thì phải tin vào Đức Giêsu, Đấng Con Một Thiên Chúa từ trời xuống cứu độ.
Sau đó, đến phần cuối câu chuyện là bài Tin mừng lễ hôm nay, Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô biết về Chúa Cha: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”.
Chúa Cha của Đức Giêsu không còn là Thiên Chúa thời Môisen, cho đất há miệng nuốt chửng những kẻ theo Corê để trừng phạt về tội nói phạm thượng, hay lên án tử hình hàng loạt sư sãi thời Elia. Chúa Cha thời Đức Giêsu nhân từ vô cùng, đã thương yêu thế gian đến nỗi đã cho thế gian chính mạng sống của Con Một để giương cao lên cho thế gian thấy mà được sống đời đời. Chúa Cha không còn tiếc một chút gì với ta nữa và không thể còn gì hơn Con Một Người nữa.
Những điều cốt yếu về Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con Và Chúa Thánh thần đã được bày tỏ cho ông Nicôđêmô. Thực ra ông chẳng hiểu gì. Đức Giêsu thấy rõ tâm trí ông nên Người đã phê một câu: “Nếu nói với ông về những chuyện dưới đất mà các ông không tin, còn về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?” (câu 12). Dầu sao, lời của Chúa đã gieo vào lòng ông như những hạt giống tốt phải chờ tới lúc Người bị treo lên, Chúa Thánh thần mới tác động mãnh liệt, làm nó mọc lên trong tâm hồn ông một tinh thần môn đệ kiên cường, khiến ông không còn sợ quyền thế và dư luận, ông đã hiên ngang vào thẳng dinh Philatô xin cất xác Đức Giêsu, đã hiến huyệt đá mới của ông để an táng xác Người. Ông thực sự được tái sinh trong Chúa Ba Ngôi. “Ông đã sống theo sự thật, đã đến cùng ánh sáng là Đức Giêsu, để thiên hạ thấy rõ các việc ông làm đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga. 3, 21).
Thực ra, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vô cùng cao siêu, mỗi người nhận ra được một vẻ, một tia sáng do Thiên Chúa soi cho. Cũng như muôn ngàn nhà khoa học, mỗi người tìm ra được một chân lý, một phát minh, một sáng chế trong vũ trụ vạn vật mênh mông và vĩ đại này. Cho nên dù Newton là nhà bác học có nhiều phát minh, ông chỉ dám ví mình như đứa trẻ chơi trên bãi biển, may mắn tìm được mấy vỏ trai, vỏ sò đẹp mà thôi. Vũ trụ vạn vật còn vô số những kỳ diệu, người ta giống như đoàn người mù đi xem voi, mỗi người thấy một cái lạ lùng khác nhau.
Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật làm sao con người biết được. Thật vinh phúc và vô cùng trọng đại cho loài người là đã được Người Con Một từ trời xuống nói cho biết về Ba Ngôi Thiên Chúa. Phúc cho ai tin vào Người Con đó thì được sống muôn đời. Môsê, Nicôđêmô, Phaolô và muôn triệu người đã được phúc đó.
Môsê được thấy Thiên Chúa trong bụi gai đang bốc lửa cháy. Ánh sáng lửa đó đã soi sáng ông thành nhà lãnh đạo cứu dân Israel. Nicôđêmô được phúc đàm đạo với Con Thiên Chúa, nhờ đó ông đã được phúc cất xác Người trong huyệt của mình. Phaolô, hôm nay trong Bài đọc hai, đã cho chúng ta thấy những ơn phúc ông đã được: ân sủng của Chúa Con, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh thần. Và ông đã xin chúc toàn thể anh chị em được tràn đầy ơn phúc đó của Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an.
Lạy Cha, mỗi người chúng con đều được Tin mừng của Chúa Con ban tặng để nhận biết Chúa Cha đã yêu chúng con, Chúa Con đã cứu độ chúng con, xin cho Tin mừng này như hạt giống gieo sâu vào lòng chúng con để nảy sinh nhiều hoa trái tươi tốt và tồn tại muôn đời trong nước Chúa.
2. Đoàn kết
Ai trong chúng ta cũng biết: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Thế nhưng tâm lý muốn sống riêng, muốn làm riêng, muốn hưởng riêng hình như đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Không hiểu có phải vì 1000 năm nô lệ giặc Tàu và 100 nô lệ giặc Tây mà phát sinh ra cái tình trạng đó hay không? Quả thực, kẻ xâm lăng bao giờ cũng dùng chính sách chia để trị, để dân bị áp bức không thể đoàn kết lại mà lật đổ ách thống trị. Chiến lược tâm lý này đã chia đất nước chúng ta thành từng miền, từng tỉnh, khiến người dân Bắc Trung Nam trở nên xa lạ với nhau. Người Kinh coi thường người Thượng. Người giáo khinh miệt người lương. Tầm mắt chúng ta chỉ biết có làng xóm với lũy tre xanh bao bọc, đến nỗi phép vua còn thua cả lệ làng. Rồi làng mạc lại chia nhỏ thành từng gia đình với những căn nhà riêng biệt có rào giậu vây quanh. Mỗi nhà chỉ biết có mảnh vườn riêng trồng đủ mọi loại cây mình thích, chứ không theo một hướng chung để phát triển thành những vùng cây công nghieệp. Vì thế mà dân ta cứ nghèo, cứ khổ mãi. Chỉ khi nào chúng ta thoát ra khỏi cách làm ăn nhỏ nhen riêng lẻ ấy, thì mới có cơ may làm cho đất nước giàu mạnh hơn.
Xét về trí khôn, cá nhân người Việt Nam thì học hành rất giỏi, làm việc rất khá, vượt lên trên nhiều người ở các nước khác. Chúng ta đã nhiều lần đoạt giải nhất, giải nhì trong các cuộc thi quốc tế, nhưng những con người Việt Nam tài giỏi ấy chẳng thể làm việc chung lâu dài với nhau, nên Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Vì thế, hơn lúc nào hết, trong tinh thần đổi mới, chúng ta phải phát huy tinh thần đoàn kết, biết làm việc chung với nhau.
Và Chúa Ba Ngôi chính là một biểu tượng, một mẫu gương cho sự hợp nhất của chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa không bao giờ hoạt động riêng lẻ. Bất cứ công việc nào cũng đều có sự thông dự của cả Ba Ngôi. Trước hết, trong công trình tạo dựng vũ trụ, Chúa Cha đã dựng nên tất cả bằng Lời khôn ngoan Ngài phán từ miêng mình và nhờ Thần khí bay là là trên mặt nước như luồng gió huyền diệu. Tiếp đến trong công trình cứu độ của Chúa Con cũng thế. Chúa Cha luôn hành động trong Đức Kitô để Ngài rao giảng và làm các phép lạ. Và Chúa Thánh Thần đã cộng tác ngay từ lúc Mẹ Maria thụ thai cho đến khi Đức Kitô sống lại, thổi hơi trên các môn đệ để họ nhận lấy thần khí của Ngài. Và sau cùng trong công trình thánh hoá của Ngôi Ba cũng vậy. Các ơn Chúa Thánh Thần phân phát cho từng người đều do Chúa Cha ban cho chúng ta qua Đức Kitô. Vì thế mà trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã xác quyết: Mọi sự Chúa Cha đều là của Thầy và Thánh Thần sẽ lấy những gì của Thầy mà ban cho các con.
Sự hiệp nhất giữa Ba ngôi nhắc cho chúng ta hiểu rằng: Con người cũng là những nhân vị, có tự do, có ý thức, có tình cảm riêng tư cần được tôn trọng. Đó không phải là sự gắn bó của những chiếc đũa vật chất, mà ta có thể dùng sức lực để bó chặt lại, rồi cưa đầu chặt đuổi cho bằng nhau. Muốn tạo sự hợp nhất thì các ngôi vị phải gặp gỡ, thông cảm và yêu thương nhau.
Để kết luận, chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem chúng ta có biết cộng tác với nhau hay chúng ta lại là đầu mối gây bất hoà và chia rẽ.
3. Chúa Ba Ngôi
Trong cuộc đời, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn hạn hẹp của người không bao giờ có thể hiểu thấu. Để diễn tả những thực tại lạ lùng ấy, cha ông chúng ta ngày xưa đã thách: Đố ai biết núi mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây. Đố ai biết đá mấy hòn, tua rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm. Đố ai tát bể Đông khô, tất sông Bồ Đề, nhổ mạ cấy trên.
Trong tất cả mọi thực tại tuyệt diệu khó hiểu của cuộc sống con người, có lẽ tình yêu là khó hiểu nhất: Đố ai cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều…Tình yêu của con người mà còn khó hiểu, thì tình yêu của Thiên Chúa lại càng khó hiểu hơn gấp ngàn vạn lần. Bởi vì, Thiên Chúa được gì khi tạo dựng nên chúng? Tại sao Chúa lại phải chịu chết để cứu chuộc chúng ta? Chỉ có tình yêu đích thực vô biên và vô vị lợi mới trao ban sự sống và tận hiến tất cả.
Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay cho chúng ta thấy được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Và theo sự diễn tả của thánh Gioan, thì từ nguyên thủy đã có tình yêu và tình yêu qui hướng về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Và tình yêu đã nhập thể, đến sống giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho loài người, như là Con Thiên Chúa. Đồng thời, trong Ngài chúng ta nhận Thiên Chúa là Cha và Chúa Thánh Thần như là người mẹ trao ban sự sống. Tuy chỉ là một, nhưng Ngài lại có Ba Ngôi, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chúa Cha là Đấng hướng dẫn toàn bộ cuộc sống con người và lịch sử thế giới. Chính Ngài đã trao ban cho Chúa Con sức mạnh dẫn đưa con người và thế giới trở về với Ngài, theo chương trình tình yêu nguyên thủy của thời tạo dựng.
Khi vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, Chúa Con sửa chữa cho nhân loại khỏi án phạt sự chết và khỏi một cuộc sống xa lìa Thiên Chúa, cũng như nổi loạn chống lại thánh ý Ngài. Đồng thời, Chúa Cha còn hướng dẫn cuộc sống của các Kitô hữu và của Giáo Hội, dân riêng mới của Ngài, qua sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng trợ giúp con người hiểu biết sự thật toàn vẹn. Nghĩa là hiểu biết và chấp nhận chương trình yêu thương và cứu độ mà Thiên Chúa đã có đối với con người và thế giới.
Tuy nhiên, ở đây cũng như trong thời tạo dựng, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do của mỗi người chúng ta. Ngài để cho chúng ta được tự do quyết định chấp nhận hay khước từ chương trình cứu độ đầy yêu thương ấy. Chính vì thế, như một câu danh ngôn đã bảo: Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu. Con người nắm giữ vận mạng trong chính lòng bàn tay của mình. Hay như lời thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài, bởi vì Ngài sẽ không thể cứu độ chúng ta, nếu như chính bản thân chúng ta lại không muốn.
4. Ba ngọn nến lung linh – Huệ Minh
Làm việc mệt, tôi thường nghe nhạc cho thư giãn tâm hồn. Thi thoảng mở lên và nghe: Ba ngọn nến lung linh.
Ba là cây nến vàng
Mẹ là cây nến xanh
Con là cây nến hồng
Ba ngọn nến lung linh
A à á a a
Thắp sáng một gia đình
Gia đình, gia đình
Ôm ấp ta những ngày thơ
Cho ta bao nhiêu niềm thương mến
Gia đình, gia đình
Vương vấn bước chân ra đi
Ấm áp trái tim quay về
Gia đình, gia đình
Ôm ấp ta những ngày thơ
Cho ta bao nhiêu niềm thương mến
Gia đình, gia đình
Bên nhau mỗi khi đơn độc
Bên nhau đến suốt cuộc đời
Lung linh, lung linh tình mẹ, tình cha
Lung linh, lung linh cùng một mái nhà
Lung linh, lung linh cùng buồn cùng vui
Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình
Cảm ơn Ngọc Lễ, có lẽ đời sống gia đình làm ăn trăn trở, suy nghĩ nhiều để anh cảm hứng và sáng tác bài hát hết sức chân thành, dễ thương và ấm áp đầy tình người. Không khó hiểu lắm để rồi dù học cao học thấp học ít học nhiều gì cũng hiểu rằng Ngọc Lễ diễn tả tình yêu gia đình. Và rồi, mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng có một gia đình và đặc biệt Ba Ngôi Thiên Chúa cũng như một gia đình: Cha – Con & Thánh Thần.
Trong Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng, chúng ta nhận thức từng vai trò, tình cảm, đặc tính của từng ngôi. Tuy 3 mà là 1 mà 1 là 3. Ba Ngôi ấy cứ quyện vào nhau trong bầu khí hiệp nhất và yêu thương.
Trong công trình sáng tạo, Cha và Thánh Thần đã tạo nên trời đất muôn vật cũng như thổi sinh khí lên để tác tạo con người. Thần Khí Chúa hoạt động nơi con người, nơi thụ tạo.
Đến khi con người sa ngã thì Cha lại không nỡ cắt đứt tình yêu thương dành cho con người mà lại hứa ban Đấng Cứu Độ trần gian là Đức Giêsu Kitô đến để hòa giải tình thương mà con người cắt đứt với Thiên Chúa. Tình yêu vâng phục mãnh liệt nơi Đức Kitô đã gửi ơn cứu độ xuống trần gian.
Và cùng với Đấng Cứu Độ trần gian là Ngôi Hai con Thiên Chúa làm người, Chúa Thánh Thần lại hoạt động mãnh liệt nhất vai trò của mình là tái tạo, là làm mới tình yêu mà con người đã đánh mất với Thiên Chúa.
Trong khi rao giảng Tin Mừng và nhất là để chuẩn bị cho cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã đi vào sa mạc để chịu sự cám dỗ của ma quỷ. Chịu ma quỷ cám dỗ trong sa mạc đó nhưng không cô đơn bởi có Thánh Thần Chúa đi cùng với Chúa Giêsu trong sa mạc.
Và trong hoạt động loan báo Tin Mừng, mọi lúc, mọi nơi Chúa Giêsu hướng về Cha, kết hợp mật thiết với Cha trong những phép lạ. Tâm tình hết sức dễ thương: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất! Con xưng tụng, cảm tạ Cha vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn…” Rồi đâu đó ta thấy tình yêu thương tột cùng của Chúa Giêsu dành cho nhân loại tội lỗi: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những kẻ Cha đã ban cho con cũng ở đó với con…”. “Hỡi những kẻ cha ta chúc phúc, hãy vào hưởng phần gia nghiệp đã dành sẵn cho các ngươi…”
Và, đặc biệt, trước khi về Trời và sau khi về Trời, Chúa Giêsu đã gửi Thánh Thần xuống để Ngài nhắc lại những gì Thầy đã nói với anh em. Hơn tất cả mọi chuyện đó là Thánh Thần ban bình an cho những môn đệ mà trước đây họ là những người kém tin, họ là những người nhát đảm.
Ba Ngôi là như vậy đó! Hiệp nhất, yêu thương nên một với nhau từng giây từng phút trong cuộc đời và mục tiêu duy nhất mà Ba Ngôi hướng đến đó là cứu độ con người và cho con người hưởng vinh quang Nước Thiên Chúa.
Cuối kinh Tạ ơn, ta thấy linh mục chủ Tế nhắc nhớ cho chúng ta: Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng đến muôn thuở muôn đời. Mà, vinh quang của Chúa đó là gì ? Đó là con người nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất đến trong trần gian để cứu độ con người.
Người Kitô hữu, khi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đã được ghi dấu ấn tình yêu Ba Ngôi và được mời gọi sống mầu nhiệm Ba Ngôi đó trong chính cuộc đời của mình. Lời mời gọi hết sức đơn giản và rất dễ nhớ dễ làm đó là khi người Kitô hữu làm dấu Thánh Giá trên mình mỗi ngày, mỗi giờ và thậm chí mỗi phút mỗi giây.
Khi ghi dấu Thánh Giá, nhắc nhớ cho người Kitô hữu rằng mình là người thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa và mình phải sống mầu nhiệm Ba Ngôi đó trong cuộc sống của mình.
Cảm ơn nhạc sĩ thân thương Lê Đức Hùng đã chia sẻ cảm nhận và mời gọi mọi người nhìn lại tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa:
Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng…
Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu…
Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần…
Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc đời con…
Mỗi lần làm Dấu Thánh xin ngự đến trong tâm hồn con…
Mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con…
Xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm…
Ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương, của ngài giữa đời…
Con làm Dấu hằng ngày, con làm Dấu một đời…
Khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con…
Ôi Dấu Thánh nhiệm màu dấu ấn tình yêu…
Nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa…
Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ…
Bao phen con ngại ngần lúc làm Dấu tuyên xưng niềm tin…
Đã có lúc yếu hèn không làm Dấu giữa đời…
Ngài ơi..giúp con bừng cháy niềm tin…
Giữa niềm hiểm nguy khốn khó con làm Dấu xin ơn bình an…
Trong an vui ngập tràn con làm Dấu hân hoan tạ ơn…
Khi cô đơn thất vọng…khi mệt mỏi chán chường…
Chúa ơi, ở bên con nhé…vì con đây luôn cần tới Ngài.
Con làm Dấu hằng ngày, con làm Dấu một đời..
Khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con..
Ôi Dấu Thánh nhiệm màu dấu ấn tình yêu..
Chúa mãi ở trong con….con ở trong Chúa
Giáo Hội và cả Xã Hội nữa, vẫn đặt để vấn đề gia đình lên hàng đầu chuyện phải lo. Giản đơn gia đình là tế bào của Xã Hội và Gia đình là Hội Thánh thu nhỏ. Thật sự mà nói, không thể nào phủ nhận được sự đổ vỡ của đời sống gia đình ngày hôm nay để rồi hơn bao giờ hết, Giáo Hội khuyên nhủ, mời gọi chúng ta xây dựng gia đình chúng ta hiệp nhất yêu thương theo khuôn mẫu của Tình Yêu Ba Ngôi.
Ngay cả gameshow, người ta cũng đưa vấn nạn gia đình ra để khuyên nhủ mỗi người hãy xem: Gia đình là số 1!
Là người, là con cái của Chúa sống trong Hội Thánh, ta được mời gọi xây dựng tình yêu thương sự hiệp nhất nên một ngay trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo xứ. Nếu như ta là tác nhân gây sự bất hòa, sự chia rẽ cũng chính là lúc ta làm hư đi mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời ta. Khi đó, làm dấu Thánh Giá, tuyên xưng Ba Ngôi chỉ là cử chỉ hình thức bên ngoài mà không có nội dung ở bên trong.
Vẫn là phận người mỏng dòn và yếu đuối. Ta xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để trong mỗi bậc sống của gia đình, ta hãy chiếu tỏa ngọn nến lung linh đời ta trong vai trò hồng, xanh, vàng. Có như thế gia đình ta mới lung linh và hiệp nhất được. Và ta cũng xin tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa biến đổi cuộc đời ta, canh tân đời ta để ta như là khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
5. Mặt trời ban sự sống
Một vị linh mục đang chờ máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, thì một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và bắt đầu đề cập tới vấn đề tôn giáo, ông nói:
– Tôi không thể nào chấp nhận được những điều tôi không hiểu, chẳng hạn như vấn đề Chúa Ba Ngôi hay bất cứ vấn đề nào giống như thế. Chẳng ai có thể cắt nghĩa cho tôi, nên tôi sẽ không bao giờ tin.
Chỉ vào một luồng ánh sáng chiếu qua khung cửa kính, vị linh mục hỏi:
– Ông có tin mặt trời không nhỉ?
Ông ta trả lời:
– Dĩ nhiên là có.
Vị linh mục nói tiếp:
– Phải, ánh sáng ông thấy qua cửa sổ, xuất phát từ mặt trời cách đây 150 triệu cây số. Sức nóng chúng ta cảm nhận được cũng xuất phát từ mặt trời. Đối với Chúa Ba Ngôi, một phần nào cũng tương tự như thế. Mặt trời là Chúa Cha. Từ mặt trời mà có ánh sáng, cũng như từ Chúa Cha mà có Chúa Con. Rồi từ Chúa Cha, Chúa Con mà có Chúa Thánh Thần, cũng như từ mặt trời, từ ánh sáng mà có sức nóng. Ông hiểu thế nào về mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Thì một phần nào tương tự như thế, ông hiểu về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Hôm nay chúng ta tụ hợp nơi đây để chúc tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta phải chấp nhận, đó là một chân lý, một mầu nhiệm không ai có thể hiểu thấu. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là do Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, như lời Ngài đã phán trong Tin Mừng: “Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”.
Mặt trời là nguồn năng lượng vật chất thế nào thì Chúa Ba Ngôi cũng là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta như vậy. Mặt trời chiếu toả ánh sáng thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng soi sáng tâm hồn chúng ta như vậy. Mặt trời đem đến sức nóng để sưởi ấm vạn vật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ đem lại sức nóng thiêng liêng để sưởi ấm, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Mặt trời tiêu diệt vi khuẩn chữa lành bệnh tật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ khử trừ những thói hư tật xấu và loại trừ tội lỗi ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta như thế. Mặt trời đem lại cho chúng ta niềm vui cho chúng ta thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu như thế.
Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý: Chúa Ba Ngôi không phải là một nguồn năng lượng vô hồn nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương. Với Ngài, chúng ta có thể kêu cầu như chúng ta vốn đã thường làm, mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, đọc kinh Sáng Danh, hay như lát nữa đây, chúng ta cùng nhau hát kinh Tin Kính…
Cùng với lời tuyên xưng chúng ta hãy sống gắn bó mật thiết với các Ngài, để rồi các Ngài sẽ ra tay nâng đỡ phù trợ cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
6. Lễ Chúa Ba Ngôi – An Mai
Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra không có Thiên Chúa nào khác. Thiên Chúa duy nhất đó chính là Đấng đã dựng nên chúng ta, chính Ngài là hạnh phúc của ta, chính Ngài yêu thương ta và ta đã chối từ tình thương của Ngài. Ta biết Thiên Chúa hứa ban Con Một Ngài đến cứu chuộc ta và suốt lịch sử Ngài dọn đường cho Con của Ngài ra đời. Ta biết Đức Giêsu người Nagiarét chính là Con Thiên Chúa đã làm người, Ngài đồng bản tính với Đức Chúa Cha và cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha, Kinh thánh cho ta biết về Chúa Thánh Thần mà Cha và Con gởi đến cho ta để ta được thánh hóa. Chính Chúa Giêsu còn dạy ta rõ hơn nữa: Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa như Cha và Con, Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài bởi Cha và Con mà ra.
Trong chương trình cứu độ đã học, ta thấy rõ trong mỗi công việc của chương trình đó, đều có sự hiện diện của Cha, Con và Thiên Chúa, từ việc mạc khải và sáng tạo đến việc cứu chuộc và thánh hóa.
Khi công cuộc sáng tạo bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa đã khai trương một cuộc sáng tạo mới trong?ức Kitô, đã khôi phục lại con người theo hình ảnh Tạo Hóa (Cl 3,10). Để thực hiện cuộc sáng tạo mới này, Thiên Chúa đã chuẩn bị bằng một lịch sử cứu độ cũng do cả Ba Ngôi điều động. Chính Thánh Thần thúc đẩy dân Chúa trung thành với giao ước Chúa Cha đã ký kết, dọn tâm hồn đón đợi Đức Kitô Con Thiên Chúa.
Khi đã đến giờ định, Thiên Chúa sai Con Duy nhất của Ngài xuống thế làm người. Chúa Con vâng theo ý muốn của Chúa Cha, là vào đời nhập thể và Thánh Thần làm cho Chúa Con thụ thai trong lòng một trinh nữ như lời thiên sứ nói với Đức Trinh nữ Maria: “Thánh Thần sẽ đến trên ngươi, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ ngợp bóng trên ngươi, bởi thế mà trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Như vậy, công việc nhập thể cũng là tác động của cả Ba Ngôi.
Trong công cuộc cứu chuộc, cả Ba Ngôi cùng kéo chúng ta vào cuộc sống thần linh: Chính Chúa Cha trao phó Đức Giêsu, Con Một Ngài cho chúng ta. Chính Đức Giêsu khi được treo lên khỏi đất, Ngài đã kéo chúng ta lại với Ngài, Ngài chết để qui tụ muôn dân về một mối. Còn Thánh Thần thì giục giã để chúng ta tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa, và thốt lên “Abba” để sống tình con thảo với Chúa Cha.
Sau cùng, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hiện diện trong những người đã được cứu chuộc, như lời Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác, để Ngài ở với các ngươi luôn mãi… Ai yêu mến Ta thì sẽ giữ Lời Ta và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và Chúng Ta sẽ đến với nó và đặt chỗ ở nơi mình nó” (Ga 14,16 và 23).
Nơi tất cả những công trình, ta thấy Ba Ngôi xoắn xuýt với nhau, nên một với nhau. Ba Ngôi cùng chung một lòng yêu thương ta, chung một ý muốn và chương trình cứu vớt ta, chung một quyền năng để hành động cho ta. Trong tất cả, Ba Ngôi là một.
Nơi Thiên Chúa, tình yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần không hề có một giới hạn nào. Ba Ngôi cùng chung một ý muốn, cùng một tình yêu thương, một vinh quang, một uy quyền. Ba Ngôi cùng một bản tính. Ba Ngôi cùng trao ban và cùng nhận lãnh. Không có gì là phân chia hoặc riêng rẽ: “Mọi sự của Con đều là của Cha và sự gì của Cha cũng là của Con” (Ga 17,10).
Và Thánh Thần cũng chia sẻ như vậy: “Mọi sự Cha có hết thảy đều là của Ta, vì thế mà Ta nói:Ngài (Thánh Thần) sẽ lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi”. Cũng thế, điều Con muốn chính là điều Cha muốn (Ga 4,34), vinh quang của Con cũng là vinh quang của Cha (Ga 13,31).
Tất cả những điều ấy cho thấy Ba Ngôi kết hợp với nhau thật mầu nhiệm: Cả Ba Ngôi cùng ở trong nhau. “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (Ga 10,38), Thánh Thần ở trong Cha và Con vì Ngài từ Cha và Con mà đến, mà chính Con cũng lại ở trong Thánh Thần”
Nơi mầu nhiệm Ba Ngôi, một nét rõ nhất như chúng ta thấy ở trên đó chính là sự hiệp nhất. Ba Ngôi luôn luôn hiệp nhất với nhau. Còn chúng ta, là những người mang danh Kitô hữu, chúng ta sống thái độ hiệp nhất đó như thế nào trong đời sống thực tại? Chúng ta có hiệp nhất với anh chị em chúng ta hay chúng ta cứ cố thủ một mình trong vỏ ốc ích kỷ của chúng ta?
Một câu chuyện mà tôi được nghe từ ngày còn bé:
Ngày xưa, có một người nhà giàu, sinh được năm người con. Vì giàu có nên những người con của ông có một đời sống sung sướng thừa thãi về vật chất. Nhưng chuyện đời thường vốn vô cùng. Vì thế, có một, các con ông muốn có hai và cứ thế tánh đua đòi lâu dần thành thói quen, đến lúc không tự chủ được thì đã trở thành lòng tham vọng. Càng ngày, lòng tham vọng của con người càng nhiều và lan ra trên mọi bình diện. Do đó, họ không biết thế nào là đủ nên lúc nào cũng khổ tâm vì luôn nghĩ đến sự hơn thua và ganh tỵ lẫn nhau. Đến khi khôn lớn, cả năm người con nhờ tiền của cha mẹ nên đều giàu có. Tuy mỗi người một cơ ngơi, nhưng vẫn giữ thói ganh ghét tị hiềm cãi cọ nhau về những của cải mà họ có. Nhìn cảnh các con không hòa thuận, người cha buồn lắm. Ông cố gắng khuyên bảo nhưng dù ông có cố gắng thế nào, các con ông cũng không bỏ được lòng hiềm kỵ lẫn nhau làm ông rất đau lòng.
Sau một thời gian ngã bịnh, ông biết rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông cho gọi các con đến bên giường và bảo gia nhân đem đến cho ông hai bó đũạ Các con ông còn đang nhìn nhau ngơ ngác không hiểu người cha có ý định gì thì ông lấy một bó đũa, đưa cho mỗi người một chiếc và bảo:
– Các con mỗi đứa lần lượt bẻ chiếc đũa này và cho cha biết kinh nghiệm về việc các con làm dễ hay là khó.
Ông vừa dứt lời, trong chớp mắt, năm người con bẻ năm chiếc đũa thật dễ dàng.
Nhìn những chiếc đũa gãy đôi, gãy ba, ông im lặng và các con ông cũng yên lặng đợi chờ. Một lát sau, ông đưa nguyên bó đũa cho người con cả và dịu dàng nói:
Tốt. Các con đã thành công trong việc bẻ một chiếc đũa. Bây giờ, các con lại thay phiên nhau bẻ nguyên cả bó đũa này cho cha xem.
– Người con trưởng cầm bó đũa ra sức bẻ. Anh vận dụng sức mạnh đến nỗi mặt mũi đỏ gay nhưng không làm cho bó đũa gẫy được dễ dàng. Chờ đến lúc anh chịu thua, người cha bảo người con thứ hai tiếp tục. Cũng như người con lớn, người con thứ hai không bẻ được và chịu thua. Ông kiên nhẫn chờ đến khi người con thứ năm bỏ cuộc mới ôn tồn nói:
– Đó, các con xem, thế nào là sức mạnh của sự đoàn kết. Nếu các con cứ tiếp tục hiềm tị chia rẽ nhau thì các con cũng lẻ loi và yếu đuối không khác gì một chiếc đũa và các con sẽ bị kẻ thù bẻ gãy dễ dàng. Nhưng nếu các con biết thương yêu đoàn kết lại với nhau như bó đũa thì không một sức mạnh nào bẻ gãy được các con.
Năm người con ông hiểu ý cha và bài học ông vừa dạy. Cảm động và hối hận vì ăn ở với nhau không phải rồi còn làm cha buồn, các con ông ôm lấy ông vừa khóc, vừa hứa là từ nay về sau sẽ bỏ thói tị hiềm ích kỷ để yêu thương đoàn kết với nhau.
Sau đó người cha mất đi. Năm người con vâng lời cha dạy. Họ rất đoàn kết và thương mến lẫn nhau. Đời sống gia đình họ rất hoà thuận và không một ai có thể cạnh tranh được với sự giàu mạnh trong việc làm ăn buôn bán của gia đình họ.
Kinh nghiệm, bài học của người cha trong câu chuyện để lại cho các con cũng chính là kinh nghiệm cho mỗi người chúng ta. Chúng ta vẫn thường mang trong mình cái tính tự cao tự đại để rồi chẳng có ai có thể cộng tác với chúng ta.
Nhiều người lớn từ lâu vẫn đùa chơi với một phép tính như thế này: ba người Nga thì bằng một người Do Thái, ba người Do Thái thì bằng một người Việt Nam, nhưng ba người Việt Nam thì… cái phép tính cuối cùng này mỗi người tính một cách, chỉ có chữ “nhưng” là vẫn giữ nguyên ý nghĩa cho phép người tiếp nhận dù không thể cân đo vẫn hiểu được thâm ý của phép so sánh. Lại còn một hình ảnh ví von khác, cũng chẳng biết là từ đâu ra: một người Việt Nam rớt xuống hồ thì tự leo lên được, nhưng ba người thì không, vì người này lên thì người kia kéo xuống…
… Những câu chuyện truyền miệng có tính phóng đại, ai cũng biết thế nhưng giải thích nguyên nhân thì thật khó khăn và thật khó hiểu nổi vì sao.
Cái tính thiếu hiệp nhất và manh mún, nhiều người còn nói nặng lời là tính đố kỵ nhau, rõ ràng đã là mâu thuẫn với tinh thần hiệp nhất đã gây khổ cho không biết bao nhiêu người.
Là kitô hữu, đứng trước căn tính hiệp nhất của Ba Ngôi chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải chiêm ngưỡng, bắt chước và sống tình yêu thương với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể hiệp nhất được.
Phải nhìn nhận thẳng với nhau một điều rằng đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình ngày hôm nay đang phải đối diện với một thách đố lớn giữa một xã hội phát triển. Ngày hôm nay người ta dường như tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và đã tìm mọi cách sống cái chủ nghĩa cá nhân đấy một cách triệt để nhất.
Gia đình: Ngày hôm nay khó mà tìm được gia đình hiệp nhất. Vì lẽ chồng, vợ, con cái không nhìn nhận ra đúng vai trò của mình để rồi gây ra không biết bao nhiêu là rạn nứt cho chính người thân yêu của mình. Ngày hôm nay tình trạng ly dị quá cao, tình trạng trẻ em bỏ đi bụi đời càng nhiều. Con người ngày nay đã không khiêm tốn đủ để sống vai trò mà Thiên Chúa mời gọi họ.
Cộng đoàn tu trì: Cộng đoàn tu trì cũng thế thôi. Khó mà tìm ra được cộng đoàn hiệp nhất. Cũng giống như câu chuyện về người Nga, người Do Thái và người Việt ở trên. Người Việt chỉ giỏi làm việc độc lập để rồi trong cộng đoàn, chúng ta thấy được sự khập khiễng rất lớn. Có những người có chút tài và họ đã phát triển biệt tài mà Thiên Chúa phú ban cho họ. Đáng tiếc là họ đã quên đi những người nhỏ bé trong cộng đoàn mà họ đang sống. Dẫu là nhỏ bé đi chăng nữa nhưng rất cần sự nâng đỡ, sự cầu nguyện, sự hợp tác của những người nhỏ bé trong cộng đoàn.
Lời của thánh Phaolô tông đồ khuyên mỗi người chúng ta rất thiết thực trong thư thứ 2 của Ngài: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và là bình an, sẽ ở cùng anh em”.
Ngài khuyên chúng ta nhất trí nhưng xem lại chúng ta có nhất trí hay không? Hay là chúng ta chính là nguyên nhân gây chia rẽ, gây rạn nứt trong cộng đoàn?
Thiên Chúa, trong tin mừng theo Thánh Gioan đã xác tín với chúng ta rằng qua Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời…”
Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành và nhất là ban thêm niềm tin cho chúng ta để dẫu rằng trải qua thế sự thăng trầm này chúng ta luôn luôn tín thác cuộc đời của chúng ta trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu thương, của sự hiệp nhất ban cho chúng ta thêm tình yêu, ban thêm cho chúng ta tình hiệp nhất để chúng ta xây dựng gia đình, cộng đoàn chúng ta ngày mỗi ngày tốt hơn theo như lòng Chúa mong muốn.
7. Con đường yêu thương
Hôm nay chúng ta mừng lễ kính Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hoạt động của Ba Ngôi tuy khác biệt nhưng luôn thể hiện trong một tình yêu thương: tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con, tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Qua bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, tôi xin chia sẻ về chủ đề: Con đường yêu thương:
1. Con đường yêu thương của Chúa Cha
Với đoạn Thánh Kinh ngắn vừa rồi, chỉ có 3 câu, Thánh Gioan đã cho chúng ta biết Thiên Chúa đã yêu thế gian như thề nào. Người đã yêu thế gian bằng một tình yêu cao vời nhất, một tình yêu trọn vẹn nhất, một tình yêu “hy sinh đến cùng tận” khi Người đã ban chính Con Một của mình để cứu thế gian và để thế gian nhờ Con Một đó mà được cứu sống. Quả là một tình yêu cao vời khôn ví mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại!
Mục đích Thiên Chúa đến với nhân loại qua Con Một không phải để lên án, nhưng để cứu vớt; không phải để xét xử, nhưng để mời gọi con người trở về trong tình yêu của Thiên Chúa. Con đường trở về đó chính là Đức Giêsu Kitô, đường dẫn nhân loại đến với Chúa Cha. Sứ mạng đó được Chúa Giêsu thực hiện như thế nào?
2. Con đường yêu thương của Đức Giêsu trong Chúa Thánh Thần
Thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy điều đó qua thư gửi Philipphê:
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự.
Vâng, Chúa Giêsu đã đến với nhân loại bằng con đường tự huỷ. Sự tự huỷ tột cùng nhất. Từ địa vị là Thiên Chúa lại nhập thể làm người, trở nên là một người như mọi người, sống như bao con người khác ngoại trừ tội lỗi. Đó, chúng ta thấy con đường của Chúa Giêsu là một con đường chẳng giống ai, đang ở địa vị cao sang, lại hạ mình xuống thành một người cùng khổ, và chết cách nhục nhã nhất. Con đường này chỉ có một không hai trong lịch sử nhân loại. Vâng, đó là con đường mà Chúa đã đến với nhân loại và đã dành trọn cho nhân loại.
Trong một lần tĩnh tâm, cha giảng phòng đã cho chúng tôi một cách so sánh về sự từ bỏ. Ngài nói:
Người ta thường dùng từ “đồ súc sinh” để lăng mạ nhau, để sỉ nhục nhau. Đó là điều là một sự xỉ nhục rất nặng phải không. Một con người có lý trí, có tự do và trách nhiệm, vậy mà lại bị hạ nhục bằng một con vật. Còn Thiên Chúa, Người là Chúa muôn loài, Người là Đấng tạo thành mọi sự, Người cao vời khôn ví ấy vậy mà lại hạ mình, mặc lấy thân phận con người là thụ tạo của mình, trở nên người như mọi người. Như vậy, việc Chúa xuống thế làm người đó, Người đã hạ mình xuống thấp nhơn một con vật để cứu lấy chúng ta và để nâng chúng ta lên làm con của Người.
3. Con đường yêu thương của người con Chúa
Con đường yêu thương của Chúa Giêsu là để thực hiện ý của Chúa Cha, thi hành một kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho quý ông bà, cho quý anh chị, cho tôi, cho mọi người. Vậy chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu đó, chúng ta phải làm gì để đáp lại con đường yêu thương mà Thiên Chúa đã, đang và còn tiếp tục thực hiện cho mỗi người, cho mỗi gia đình và cho giáo xứ chúng ta?
Đó là cầu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự trả lời.
Qua việc tự huỷ, Thiên Chúa đã tự thực hiện con đường yêu thương của Người. Vậy đến lượt chúng ta, chúng ta đáp lại tình yêu đó bằng việc hy sinh, bằng việc từ bỏ những gì là ý riêng của ta để tìm và thực hiện ý Chúa. Ý riêng của ta là gì? Thưa, đó là cái tôi của con người tôi. Cái tôi ích kỷ-hẹp hòi, cài tôi tự tôn-tự ti, cái tôi độc đoán-cục bộ… mà mỗi người đã bị chúng đóng băng mình lại và làm cho mình không có thể đến được với nhau và sống hiệp thông với nhau.
Nhìn lên Chúa Cha để học lấy tinh thần yêu thương và cho đi. Yêu thương để xoá bỏ hận thù. Yêu thương để xoá bỏ ngăn cách giữa người với người. Yêu thương để xây dựng và kiến tạo sự hiệp nhất. Yêu thương để cho đi và đón nhận. Nhìn lên Chúa Giêsu để học nơi Người việc trút bỏ tất cả những ý riêng để tìm và thực hiện ý Chúa, trút bỏ những gì đã đóng băng trong con người cũ của tôi để tôi biết mở lòng ra với mọi người và nhất là để tôi có thể đến với Chúa là cội nguồn tình yêu.
Tôi thiết nghĩ có như thế, mỗi người chúng ta mới “thiết kế” được một con đường yêu thương cho riêng mình, cho gia đình mình, cho cộng đoàn mình và cho giáo xứ chúng ta.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn yêu thương và là nguồn mạch của sự hiệp nhất, xin hoạt động trong cuộc sống của mỗi người chúng con và giúp chúng con sống con đường yêu thương như Thiên Chúa đã sống và còn tiếp tục thực hiện con đường đó trong cuộc sống của chúng con và trong giáo xứ chúng con. Amen.
8. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.
Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.
Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.
Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.
Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thế nào?
2) Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa chưa?
3) Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?
9. Ba Ngôi Tình Yêu
(Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Chúng ta đang sống biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống sau Mùa Phục Sinh, biến cố mà nhờ Thánh Thần, Phép rửa của Giáo hội được canh tân, giờ đây chúng ta hướng mắt về phía “các tầng trời mở ra”, để bước vào mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi Một Chúa là: Cha và Con và Thánh Thần.
Bài đọc I trích sách Xuất Hành trình bày cho chúng ta thấy diện mạo của Thiên Chúa là Cha toàn năng, từ bi và nhân hậu, thống trị cả địa cầu. Đấng là Ngôi Cha mà Môsê cúi đầu phủ phục bái thời, đồng thời cầu xin tha thiết để Ngài thương nhận Israel là dân riêng mà tha thứ tội lỗi và thi ân giáng phúc cho họ.
Chúng ta nghe nói nhiều đến ơn cứu độ (Ga 3, 16), nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa am hiểu và còn cảm thấy trừu tượng, xa vời. Theo đoạn Tin mừng Gioan hôm nay, ơn cứu độ, chính là Thần Khí Phục Sinh của Chúa Kitô, Ngôi Ba Thiên Chúa, nhờ đó mà mọi người được Thiên Chúa khoan hồng không luật phạt nhưng ban cho ơn tha tội và sự sống mới, đồng thời cho chúng ta thông phần Sự Sống Lại của Chúa Kitô hầu được ơn cứu độ (Ga 3, 16).
Thánh Phao lô hiển nhiên chào chúc và nguyện cầu cho cộng đoàn tràn đầy ân sủng và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em” (2 Cr 13, 13).
Khi nói đến tình yêu Thiên Chúa, hay theo Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), chúng ta phải hiểu đây là một sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị, Bản chất của Thiên Chúa, sự hiện hữu của Ngài chính là để yêu mến chúng ta. Ngài là hiện thân của Tình yêu.
Nói Thiên Chúa sống là yêu thương, nghĩa là thoát ra khỏi mình để trao hiến và hiện hữu cho một người khác. Mỗi Ngôi Vị hiện hữu trong mối tương quan nối kết với Ngôi Vị khác: Ngôi Cha chỉ là Cha vì Ngài hiện hữu cho Con Ngài. Ngôi Con hiện hữu vì chỉ sống cho Cha, hiến trọn cho Ngài. Thánh Thần là do bởi mối tình Cha và Con.
Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và uy quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa.
“Thiên Chúa Ba Ngôi” là một từ thần học không có trong Kinh Thánh nhưng được dùng để diễn tả một cách rõ ràng nhất về Thiên Chúa Ba Ngôi là Đức Chúa CHA, Đức Chúa CON (tức là Chúa Giêsu) và Chúa Thánh Thần… Kinh Thánh cũng minh nhiên rằng chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị y hệt nhau về bản tính thiêng liêng. Một vài người đã cố gắng để đem lại cho con người những sự minh họa về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng tất cả đều khập khiễng, vì Thiên Chúa không như người ta tưởng.
Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”. Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng Gioan với khẳng định rằng, “Thiên Chúa yêu thế gian” (Ga 3,16) vì, trong lễ Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa được yêu mến, tôn thờ và phụng sự, bởi Thiên Chúa là Tình Yêu. Nơi Ngài bao hàm mọi tương quan tình yêu. Thiên Chúa nhân lành và yêu thương, nên tất cả mọi việc Ngài làm đều thể hiện lòng nhân lành và tình yêu thương ấy. Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta hoàn hảo hơn, tốt hơn, đây là chân lý hiển nhiên. Những sự tốt lành và yêu thương ấy thấm nhập vào trong cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta nên hoàn hảo.
Thánh Gioan Thánh Giá viết: “Bạn hãy đem tình yêu đến nơi không có tình yêu, bạn sẽ tìm thấy tình yêu”. Và điều này rất đúng, bởi vì đó chính là những gì Thiên Chúa đã và đang làm cho thế giới. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Đấng mạc khải tình yêu đích thực qua đời sống và tình yêu cho đến chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá.
Người ta nói nhiều về tình yêu. Tình yêu là những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hãy yêu đi, bạn sẽ được hạnh phúc! Vì tình yêu chính là trao ban sự sống cho người mình yêu. Tình yêu đơn giản là cho đi nhưng không. Yêu là mất tất cả để nhận được mọi sự từ Thiên Chúa. Yêu là sống mà không tính toán. Yêu là trở nên giống Thiên Chúa. Tình yêu và chỉ có tình yêu tồn tại giữa chúng ta!
Sống Bí tích Thánh Thể là Bí tích của tình yêu, vì chúng ta cử hành một món quà tình yêu Thiên Chúa nhập thể làm người. Thánh Thể cho chúng ta tham dự vào ngọn lửa cháy bừng của Thánh Tâm Chúa, tha tội cho chúng ta và tái tạo chúng ta khiến chúng ta có thể yêu cùng một tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.
10. Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và uy quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa.
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới. Đây là Một trong những mầu nhiệm cao cả nhất của đức tin chúng ta. Mục đích của Giáo hội muốn rằng, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta phải đi loan báo Thiên Chúa thật cho mọi người, không kể là Do thái hay dân ngoại, cho họ biết Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp nhất trong Tình Yêu và ca lên: “Chúc tụng Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Người hằng thương xót chúng ta” (Ca nhập lễ).
Một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn là mầu nhiệm Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”.
Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm … Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.
Dấu Thánh Giá là dấu kẻ có Đạo.
Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta là những người “kitô hữu”, nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.
Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.
– Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.
– Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.
Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được “vẽ” và “ghi” dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Hành động Đức Tin
Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo.
1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.
2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.
3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Chúng ta khẳng định mầu định Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.
Hành động của Đức Cậy.
Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Ngài đã mở cửa Trời cho chúng ta.
Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.
Hành động Đức Mến.
Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với “tha nhân”.
Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang: ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được “nâng đỡ” bởi tình yêu Thiên Chúa.
Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái: “yêu tha nhân là yêu chính Chúa”.
Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?
Hai điều cần thiết: là “mến Chúa và yêu người”. Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
11. Mầu nhiệm tình yêu – Lm. Jos. Quốc Phong SDB
Lễ Chúa Ba Ngôi bắt đầu đưa chúng ta vào mùa Thường Niên, không phải vì mùa thường niên là mùa ít quan trọng hơn trong các mùa phụng vụ. Nhưng chúng ta có thể nói rằng Lễ Chúa Ba Ngôi bao trùm và chiếu sáng trên tất cả hành trình của con người. Quả thật mọi hành động của Chúa Cha, Chúa Con và của Chúa Thánh Thần luôn luôn hiện diện từ thời tạo dựng vũ trụ, nghĩa là trong thời khắc của sự tạo dựng, ta luôn nhìn thấy dấu ấn của sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể nói rằng, mỗi một thực tại con người chúng ta luôn được tạo ra bởi sự hiệp thông và cho sự hiệp thông. Sau khi sáng tạo ra con người, Thiên Chúa phán: “con người ở một mình thì không tốt”. Đúng vậy, chính Thiên Chúa không bao giờ ở một mình. Thiên Chúa không phải là một hữu thể cô độc, mà là một “Gia Đình” gồm ba nhân vị. Ba Ngôi yêu thương và hiệp thông với nhau đến mức trở nên “Một”.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của “Tình Yêu” không bị giới hạn chỉ trong Ba Ngôi, không giữ lại cho chính mình, mà đổ tràn xuống trên con người. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến mức ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Ngài, sẽ không phải chết, nhưng có được sự sống đời đời” (Gioan 3,16). Chúa Cha không buộc phải ban Con Một, nhưng vì yêu thương thế gian quá đỗi, nên Ngài đã ban Con Một cho thế gian, để thế gian được sống. Thiên Chúa Ba Ngôi không có gì khác hơn chính là “Mầu Nhiệm Tình Yêu” tràn đầy từ trời đổ xuống cho thế gian, vượt qua tất cả mọi rào cản, mọi ranh giới. Tình yêu ấy như là một nguồn năng lượng đầy tràn không thể hãm lại được đối với người biết mở lòng mình ra đón nhận.
“Gia Đình” của Thiên Chúa Ba Ngôi, mọi thành viên đã chọn lựa đi vào lịch sử của loài người để mời gọi tất cả chúng ta, từng người một, trở nên người nhà của Gia đình đặc biệt này, trở nên một với Ngài. Đó chính là viễn tượng cuối cùng, là mong muốn duy nhất mà Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi biểu lộ và mạc khải cho con người. Và viễn tượng này quả thật trở nên một sự “thách đố” đối với tất cả những giáo hội tin vào Chúa Kitô, đối với tất cả các tôn giáo và đối với tất cả loài người. “Sống hòa hợp trong tình yêu” quả thật là một thách đố lớn lao trong xã hội ngày hôm nay, khi mà con người ngày hôm nay đang tăng cường và cổ võ cho các chủ nghĩa ích kỷ và cá nhân. Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi và thúc đẩy chúng ta vượt qua tất cả các rào cản, và Ngài luôn hiện diện và nâng đỡ chúng ta vì “Ở đâu có tình yêu thương, ở đấy có Thiên Chúa”.
Thánh Augustino diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi bằng một ý niệm rất là thực tế, đó là ý niệm về một “Cộng Đoàn”. Ba Ngôi Thiên Chúa tạo ra giữa các Ngài một “Cộng Đoàn cuả Tình Yêu”, trong đó, chính Tình yêu là nền tảng cốt yếu của sự tương quan và của sự hiện hữu Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là Tình Yêu, và Tình yêu này đã, đang và sẽ mãi mạc khải cho con người. Mối liên hệ tình yêu luôn luôn đòi hỏi một chủ thể yêu và một đối tượng được yêu và ngược lại. Giữa hai người, hiện diện tình yêu, và chính “tình yêu này” nối kết họ lại với nhau, cũng vậy trong Chúa Ba Ngôi, mối liên hệ này đã trở nên nhân vị. Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và ngược lại, Chúa Con được Chúa Cha yêu thương: Tình yêu đã liên kết Cha – Con chính là Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần được yêu từ Chúa Cha và Chúa Con.
“Cộng Đoàn Tình Yêu” là Thiên Chúa Ba Ngôi không thể được hiểu và đón nhận bởi con người chúng ta, nếu con người chúng ta không cảm thấy mình được yêu mến từ Thiên Chúa. Chính vì vậy, việc cử hành Thánh Lễ Trọng Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay, không chỉ là để ca ngợi và tán tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, mà điều quan trọng đối với chúng ta đó là “Tình Yêu” của Thiên Chúa đổ trên chúng ta. Thiên Chúa Ba Ngôi thật sự trở nên “Kiểu Mẫu” cho mọi tương quan tình yêu của chúng ta trong chính cuộc sống chúng ta. Trong những mối tương quan cảm xúc, tình yêu đối với tha nhân, nếu như chúng ta không có đủ khả năng để tạo ra những mối liên hệ ngang bằng: không kỳ thị, không phân cấp trên dưới, chúng ta có đang làm chứng cho thế giới “sức mạnh” của Tình Yêu Thiên Chúa chăng? Hay trong phạm vi gia đình nhỏ bé, trong đời sống của vợ chồng, hai người yêu nhau mà lại hiện diện một sự “cao hơn” ở bên một phía chồng hay vợ, chúng ta có thật là đang thực thi tình yêu mà Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta không?
Không hiện hữu một tình yêu đích thật, đối với chúng ta là những kitô hữu, mà không phải mang hình ảnh và giống với tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi: một tình yêu không phân biệt, không cấp bậc, một tình yêu bởi sự tôn trọng sâu thẳm lẫn nhau, và tình yêu luôn rộng mở đến mỗi người và mọi người. Vì thế Thánh Lễ hôm nay giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa và tình yêu bao la của Ngài luôn tuôn đổ dồi dào trên chúng ta, và đặc biệt hơn là giúp chúng ta hiểu và xích lại gần nhau hơn để yêu nhau hơn, trong gia đình, trong giáo xứ, trong sở làm việc, và trong xã hội, … nhờ vào Tình Yêu mà trong Đức Kitô, qua ơn của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đổ tràn đầy xuống trong trái tim của mỗi người chúng ta. “Ý nghĩa ở đâu, nếu chúng ta biết Thiên Chúa là ai, mà rồi chúng ta không biết yêu thương anh chị em mình”?
12. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Thiên Chúa Ba Ngôi là một tín điều và là một trong những mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo. Là mầu nhiệm nên chúng ta không thể thấu hiểu được. Là tín điều nên buộc mỗi người kitô hữu phải tin. Không hiểu nhưng chúng ta tin vì đã được Đức Giêsu mạc khải và được Giáo hội định tín. Để thêm sự xác tín và sống Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi xin được gợi ý chia sẻ một số điểm sau đây.
Trong cuộc sống hằng ngày, có những điều chúng ta không thể thấu hiểu hết nhưng chúng ta vẫn tin. Chẳng hạn, cơm cá chúng ta ăn vào làm sao lại trở nên xương thịt ta? Cùng một chất đất mà cây cối hấp thụ lấy thì làm ra sản phẩm khác nhau: cây lúa làm ra gạo, cây lạc làm ra dầu, cây mía làm ra đường…mỡ bỏ vào nồi rán lên thì chảy ra nước, trứng bỏ vào thì đông lại…Chúng ta không thấu hiểu hết vì trí khôn chúng ta có hạn, nhưng chúng ta tin vì những điều đó là có thật. Những vấn đề này thường gọi là những mầu nhiệm tự nhiên.
Trong đời sống đức tin, ngoài ba mầu nhiệm chính (Một Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm người, Ngôi Hai chuộc tội cho nhân loại), còn có vô số các mầu nhiệm khác, đặc biệt những mầu nhiệm liên quan đến cuộc đời của Đức Giêsu, đó gọi là những mầu nhiệm siêu nhiên. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho biết, cả cuộc đời của Đức Giêsu là một mầu nhiệm (x. số 512-570): Mầu nhiệm Giáng sinh; những mầu nhiệm của tuổi thơ ấu như sự cắt bì, lễ Hiển linh, sự dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, sự trốn sang Ai-cập; những mầu nhiệm của đời sống ẩn dật như sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với Đức Maria và Thánh Giuse, sự kiện tìm lại được Chúa Giêsu trong đền thờ; những mầu nhiệm liên quan đến cuộc đời công khai như việc Đức Giêsu chịu phép rửa, Ngài bị cám dỗ, sự biến hình; những mầu nhiệm liên quan đến sự chết và sống lại, lên trời…
Ngoài ra, các Bí tích cũng là những mầu nhiệm. Chúng ta thường gọi là các Bí tích hay các Nhiệm tích. Bởi vì, Bí tích hay Nhiệm tích là dấu chỉ bề ngoài Chúa Giêsu đã lập để ban ơn bề trong. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận được các Bí tích nhờ đức tin mà thôi. Cho nên, trong thánh lễ, sau khi truyền phép, linh mục đọc: “Đây là mầu nhiệm đức tin.” Và trong bài “Đây Nhiệm Tích” chúng ta hát “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.”
Trở lại với Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, tuy chúng ta không thấu hiểu nhưng qua mạc khải chúng ta biết được đây là mầu nhiệm của tình yêu:
Từ thời Cựu Ước, dân Chúa chỉ biết có một Thiên Chúa độc nhất. Ngài là một vị Thiên Chúa yêu thương. Ngài yêu thương con người “như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”(x. Lc 13,34). Ngài yêu thương con người đến nỗi “dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì Ngài vẫn không bỏ rơi con người” (x. Tv 26,10). Chúng ta thấy rõ hơn điều này nơi nội dung của bài đọc I hôm nay: Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín. Chính Ngài đã giải thoát dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập, nhưng dân Israel lại phản bội Ngài. Thay vì thờ lạy Ngài, họ đúc con bò vàng để thờ lạy. Dầu vậy, nhờ lời chuyển cầu của ông Mô-sê, Thiên Chúa không những đã tha thứ cho họ mà còn lập giao ước đối với họ nữa (x. Xh 34, 4-6.8-9).
Sang thời Tân Ước, qua Đức Giêsu nhân loại mới biết rõ ràng về một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng luôn hiệp nhất với nhau nên chỉ có một Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi ngang bằng nhau: không có ngôi nào có trước, ngôi nào có sau; không có ngôi nào hơn, ngôi nào kém vì cả Ba Ngôi có tự đời đời và có cùng một bản tính thần linh.”(x. bài Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, http://www.simonhoadalat.com). Đức Giêsu đã nhiều lần nói về Chúa Cha. Ngài cũng mạc khải về Ngài là Ngôi Hai, là Chúa Con và Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần. Vì yêu thương, Chúa Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật cho con người hưởng dùng. Vì yêu thương, nên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu xuống thế làm người chuộc tội cho nhân loại. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3,16-18). Cũng vì yêu thương nhân loại nên Chúa Con đã vâng phục Chúa Cha để chấp nhận làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Thánh Phaolô đã diễn tả sự vâng phục của Chúa Con rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Vì yêu thương, và nhờ lời chuyển cầu của Đức Giêsu, Chúa Cha đã ban Thánh Thần xuống để thánh hóa nhân loại. Chúng ta thấy vai trò thánh hóa của Chúa Thánh Thần qua những thay đổi nơi các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần và trong Giáo hội sơ khai. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục vai trò thánh hóa trong Giáo hội và nơi mỗi người Kitô hữu mãi cho tới tận thế.
Tóm lại, trong thực tế cuộc sống có nhiều vấn đề chúng ta không hiểu nhưng chúng ta vẫn chấp nhận, đó là những mầu nhiệm tự nhiên. Trong đời sống siêu nhiên, có những vấn đề vượt quá trí hiểu của chúng ta, chúng ta không thấu hiểu nhưng nhờ mạc khải mà chúng ta biết, đó là mầu nhiệm siêu nhiên. Đặc biệt, trong số các mầu nhiệm siêu nhiên đó, có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng kính hôm nay. Vậy, sứ điệp nào mời gọi chúng ta trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay?
Thứ nhất, luôn luôn tin kính, mến yêu và cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi. Hãy siêng năng đọc Kinh Sáng Danh, làm dấu thánh giá một cách sốt sắng. Không chỉ cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi cho mình, mà còn nhân danh Chúa Ba Ngôi để cầu nguyện cho người khác như lời cầu chúc của Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay: “Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em” (2Cr 13,13).
Thứ hai, Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu. Vì vậy, đời sống của chúng ta phải phản chiếu đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta hãy yêu thương nhau và yêu thương hết mọi người. Tình yêu đó phải có hành động cụ thể trong đời sống gia đình và xã hội: giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa mỗi thành viên trong gia đình, giáo xứ, và những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày, nhất là những người nghèo đói, bệnh tật, cô thế cô thân. Tình yêu đó được diễn tả qua sự hy sinh mà cao điểm của sự hy sinh là “chết cho người mình yêu.” Khi chúng ta yêu thương nhau là chúng ta đang làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi ta thiếu bác ái yêu thương là chúng ta đang chối từ niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thứ ba, Thiên Chúa Ba Ngôi là hiệp nhất. Hiệp nhất đến nỗi Đức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy.” (x. Ga 14,7-14). Mặc dầu giáo lý phân biệt các công việc của Ba Ngôi: Chúa Cha là Đấng tạo dựng; Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc; Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Nhưng trong thực tế thì trong việc tạo dựng vẫn có công của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong việc Cứu chuộc vẫn có công của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần và trong việc Thánh Hóa vẫn có công của Chúa Cha và Chúa Con. Nghĩa là, cả Ba Ngôi cộng tác với nhau để Tạo dựng, Cứu chuộc và Thánh hóa nhân loại. Ước mong rằng, trong mọi phương diện của đời sống mỗi thành viên trong gia đình, Giáo hội và xã hội biết phát huy tinh thần cộng tác, hiệp nhất như Chúa Ba Ngôi.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin thêm lòng tin, cậy, mến cho chúng con và giúp chúng con biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau. Amen.
13. Thiên Chúa tình yêu – Thiên Phúc
(Trích “Như Thầy Đã Yêu”)
Một người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền nếu cô bé xén sạch đám cỏ trước nhà.
Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gang – ngoại trừ một mảng có tí tẹo còn sót trong góc sân.
Ông bố nói rằng ông không thể trả số tiền đã thỏa thuận, bởi vì đám cỏ chưa được cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không cắt nốt mảng cỏ còn sót kia.
Tò mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hóa ra, ở giữa chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.
***
Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Người đã dựng nên con người cao trọng hơn các loài thụ tạo. Nhưng con người lại bất trung phản bội. Vì yêu thương Thiên Chúa đã không nỡ hủy diệt, lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người. Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hóa cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về hưởng vinh quang Nước Trời. Đó là mầu nhiệm Tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thương dành cho con người. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của tình yêu.
Chỉ những ai sống yêu thương mới được ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chỉ những ai thực thi đức ái mới sống trọng ơn gọi làm con Thiên Chúa.
Chỉ những ai biết sống trao ban mới tìm được nguồn vui đích thực trong Thiên Chúa tình yêu.
Nếu Thiên Chúa đã hiến trao Con Một của Người để người Con ấy phải chết và để nhân loại được sống, lẽ nào người tín hữu còn sống ích kỷ để giữ lại cho riêng mình những hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường.
Nếu Thiên Chúa đã muốn chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi, là không muốn cho con người phải chết nhưng được sống hạnh phúc muôn đời, lẽ nào chúng ta đành khép lại con tim để chối từ chia sẻ trao ban.
Được dựng nên theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa Tình yêu, nên ơn gọi đích thực của con người chính ta ơn gọi sống yêu thương.
Được cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô, nên lẽ sống của người Kitô hữu chính là tha thứ trong yêu thương.
Được thánh hóa bằng sức sống của Thánh Thần, nên cứu cánh của người tín hữu là phải nên thánh nhờ sống yêu thương.
Nhìn mầu nhiệm Ba Ngôi từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình yêu. Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Chỉ những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, mới được ở lại trong Thiên Chúa. Chỉ những ai dám tự hiến và trao ban cho anh em mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình yêu.
***
Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con nhận ra được sự hiện diện của Chúa tận thẳm sâu tâm hồn chúng con và của từng nười chứng con gặp gỡ, để chúng con biết quảng đại trao ban và yêu thương chúng con đời đời. Amen.
14. Lễ Chúa Ba Ngôi – Ngày Lễ Tình Yêu
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi luôn là chân lý vượt quá sự hiểu biết của con người. Câu chuyện của thánh Augustine với cậu bé bên bờ biển năm nào khiến không ít người trong chúng ta nghĩ rằng tín điều này sao mà khô khan khó hiểu, quanh đi quẫn lại cũng chỉ “Một – Ba”, “Ba- Một”. Thế nhưng sự thật lại không phải như vậy. Tin mừng hôm nay giúp chúng ta cảm nghiệm về một Thiên Chúa không quá khô khan, không quá khó hiểu và rắc rối như chúng ta vẫn nghĩ.
Thánh sử Gioan trong tác phẩm của mình có nhắc đến một khái niệm về Thiên Chúa khi ngài định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1, Ga 4, 8). Đây là một khái niệm rất rõ ràng và được cụ thể hoá trong câu đầu tiên của Tin mừng hôm nay, diễn tả Thiên Chúa tình yêu trong việc sai Con của Người xuống thế gian, làm của lễ dâng hiến hầu đem lại sự sống cho con người. “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x. 1Ga 4, 9).
Chúng ta thấy tình yêu có sức mạnh phi thường mà hiệu quả của nó chính là việc làm cho con người khỏi phải chết và sống đời đời nếu họ tin vào Đấng là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương thế gian không bằng những lời nói suông, nhưng bằng hành động cụ thể. Vì yêu thương con người, muốn cho họ được hưởng tình yêu cứu độ, Chúa Cha đã không tiếc ngay cả người Con Một dấu yêu của mình. Tình yêu của Chúa Con đối với Cha cũng vậy. Vì tình yêu đối với Cha cũng như với thế gian mà Chúa Con đã vâng lời, chấp nhận thân phận con người, hoà mình trọn vẹn vào thân phận kiếp người để sẻ chia kiếp “sinh- lão- bệnh- tử” mỏng giòn của họ. Chúa Thánh Thần luôn âm thầm làm công việc hướng dẫn, thánh hoá con người để họ ngày một nên hoàn thiện trong tình yêu với Thiên Chúa.
Lẽ dĩ nhiên Thiên Chúa không tự mình vẽ hay phác hoạ ra một mô hình về tình yêu để rồi bắt chúng ta áp dụng, còn Người thì ngồi đó để đúc kết hay báo cáo thành tích. Chính Thiên Chúa Ba Ngôi đã đi bước trước, nghĩa là các Ngài đã sống, đã cảm nghiệm, đã chia sẻ cho nhau từ trước muôn đời và giờ đây các Ngài vì muốn cho con người cũng được chiêm ngưỡng, được sống và chia sẻ tình yêu ấy nên đã sai Con Một và Chúa Thánh Thần xuống thế để làm mẫu gương sống động cho con người noi theo.
Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu đó chân chính và đích thực. Tình yêu đích thực đòi buộc cần phải có nhiều thành phần. Lý do là bởi vì một con người cô độc, luôn tự mãn thì không thể nào có tình yêu được, vì anh ta không có “đối tác” để yêu thương. Tình yêu đích thực cần đuợc đón nhận và trao ban qua “đối tác”, tức qua tha nhân. Chúng ta còn thấy một tình yêu trao ban thực sự khi nó loại bỏ được sự chiếm đoạt, tính ích kỷ và mưu đồ. Tình yêu trao ban đích thực chỉ xảy ra khi và chỉ khi cả hai đều hướng về nhau, cùng lãnh nhận và trao ban, cùng yêu và được yêu. Tình yêu đó không làm cho bên nào phải nghèo đi, phải mất mát nhưng nhờ thế cả hai đều thực sự phong phú và có ích cho nhau. Trong mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta thấy một bản tính Thiên Chúa và Ba ngôi vị phân biệt nhau là thực sự cần thiết, bởi nhờ đó, tình yêu đích thực trao ban và lãnh nhận giữa Ba ngôi thực sự sống động, thực sự hiệu quả và phong phú mà nếu mất đi một trong ba, chỉ sẽ dẫn đến tình trạng ích kỷ, chiếm hữu và tự mãn mà thôi.
Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng Một Thiên Chúa tình yêu, đào sâu thêm về tình yêu giữa Ba Ngôi cũng như tình yêu mà Ba Ngôi đã trao ban cho chúng ta. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta tự vấn lương tâm về các mối quan hệ của chúng ta giữa vợ chồng, bố mẹ con cái, gia đình, xã hội, Giáo hội cũng như những mối tương quan khác,… để xem đó có thực sự là mối quan hệ dựa trên tình yêu vô vị lợi mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu thương cũng như tình yêu mà Chúa Giêsu đã tỏ bày cách cụ thể nhất khi Người xuống thế, chịu chết và sống lại vì nhân loại.
Ước mong đây là dịp thuận lợi để chúng ta xin Ba Ngôi Thiên Chúa tiếp tục dạy dỗ và hướng dẫn ngõ hầu mỗi người chúng ta được nên hoàn thiện trong tình yêu và ân sủng của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
15. Thiên Chúa yêu thế gian
(Trích trong ‘Manna’ – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Có một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn, đó là làm sao nhận ra một tình yêu chân thực, làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh, không bị lừa dối bởi những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn, khi mời ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.
Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người…”
Không phải chỉ là trao một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu.
Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha là người Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô.
Khi trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân Ngài.
Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết để nhân loại được sống.
Tình yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình.
Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, tình yêu mong hạnh phúc cho người mình yêu: “… để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này.
Được sống là được đưa vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân. Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác, nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng tự do con người.
Con người có thể tin hay từ chối, mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.
Thánh Gioan đã dám định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu.
Một Tình Yêu chia sẻ chan hoà giữa Ba Ngôi: Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha. Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.
Một Tình Yêu tràn ngập cả vũ trụ: Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài; Ngài là Tình Yêu cứu độ khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức Giêsu; Ngài là Tình Yêu thánh hóa khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong Thánh Thần.
Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu.
“Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16).
Ước gì đời ta được tưới gội bởi Tình yêu, để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu.
Ước gì chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu bằng một đời sống hiến trao và chia sẻ.
Gợi Ý Chia Sẻ
Tình yêu là hai từ được sử dụng khắp nơi. Điều mà người ta thường gọi là tình yêu, thực ra chỉ là sự chiếm đoạt của bản năng ích kỷ. Theo bạn, thế nào là tình yêu thực sự đáng tin? Làm sao nhận ra tình yêu đó?
Có khi nào bạn cầu nguyện với từng Ngôi Cha, Con và Thánh Thần không? Bạn biết gì về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần?
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng.
Xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
Xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con và trong lòng từng con người bé nhỏ.
16. Suy niệm của Lm. Thu Băng, CRM
GIA ĐÌNH YÊU THƯƠNG LÀ HÌNH ẢNH
GIA ĐÌNH BA NGÔI THIÊN CHÚA.
Trong đoạn Tông thư Thánh Phaolô có lời cầu chúc: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” là một lời mạc khải xác quyết của Ngài về gia đình đầy ân sủng của Chúa Ba Ngôi, trong đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Mầu nhiệm về Thiên Chúa duy nhất đồng một bản thể nhưng có Ba Ngôi riêng biệt và hành động khác nhau đã được các Thánh Tông Đồ tuyên tín ngay trong thời khơi dựng Giáo Hội qua kinh Tin kính. “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng dựng nên trời đất muôn vật. Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô Con một Đức Chúa Cha, xuống thế làm người, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sự sồng…”. Chúng ta cũng tin như thế vì thế giá của chính Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã nói cho chúng ta biết về Chúa Ba ngôi. Chúng ta cũng tin như thế vì thế giá của các thánh Tổ Phụ và các thánh khác đã được Chúa mạc khải cho. Thánh Augustinô dạy: “Màu nhiệm Chúa Ba ngôi chỉ có thể hiểu được khi chúng ta được hợp nhất với Chúa trên thiên đàng”.
Thánh Augustinô là vị đại thánh Tiến Sỹ của Giáo Hội, ngài đã suy nghĩ và tìm hiểu để dạy cho mọi người biết về Chúa Ba Ngôi thế nào khi ngài đi bách bộ trên bờ biển. Chúa đã sai một Thiên Thần nhỏ đến nơi ngài đang suy niệm, lấy con sò múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng đào trên cát. Augustinô thấy em làm việc các thích thú, nhưng có vẻ kỳ ngộ đối với ngài, nên ngài đến hỏi em:
– Em làm việc gì mà ngộ thế? Em trả lời:
– Cháu có ước vọng tát cạn nước biển khơi bằng cách múc nước đổ vào lỗ con dã tràng này.
– Không được đâu em, biển thì rộng bao la, nước biển thì dạt dào mà lỗ dã tràng thì nhỏ bé, làm sao tát cạn được biển. Thiên thần nhỏ trả lời:
– Cháu nghĩ cháu có thể làm được việc này và tát cạn được nước biển cách dễ dàng hơn điều ngài đang suy luận trong lòng về Thiên Chúa Ba ngôi nữa.
Nói rồi Thiên Thần biến đi và lời đó đánh thức ngài về với thực tại con người. “Tát cạn nước biển còn dễ hơn việc suy về Chúa Ba ngôi”, và ngài đã kết luận: “Thiên Chúa Ba ngôi là một màu nhiệm chỉ có thể hiểu đủ khi ta được về trời”. Tuy nhiên ngài cũng dùng nhiều thí dụ cụ thể để giải đáp những thắc mắc theo trí óc loài người. Ngài diễn tả sự DUY NHẤT của Thiên Chúa Ba Ngôi như một hình tam giác đều với đầy đủ mọi đặc tính như nhau và bằng nhau của toán học.
Ngài cũng dùng ngọn đèn cầy để diễn tả TÁC ĐỘNG RIÊNG của mỗi Ngôi: Ngọn lửa nguồn chính, là Chúa Cha phát sinh ra ánh sáng là Chúa Con để cứu người ta khỏi ngồi trong bóng tối tội lỗi. Ngọn lửa cũng đem hơi ấm là Thánh Thần để thánh hóa, sưởi ấm mọi cõi lòng cô lạnh. Cả ba hành động khác nhau nhưng cũng do một nguồn là ngọn lữa.
Ta cũng có thể diễn tả sự NHẤT TRÍ và HÒA HỌP của Chúa Ba Ngôi trong tư tưởng và hành động như người chơi dương cầm: Cây đàn là Chúa Cha hợp với năng khiếu, tài khéo của đôi tay là Chúa Con để dệt lên những cung điệu nhịp nhàng thánh thót là sự sống động của Chúa Thánh thần, làm thỏa lòng người nghe. Tuy ba hành động khác nhau nhưng cả ba đều hợp nhất trong hành động, đều hòa hợp trong việc làm. Chính sự hợp nhất và hòa đồng ấy mà Thiên Chúa Ba Ngôi cảm thấy mình hạnh phúc không chi sánh bằng, một hạnh phúc bất tận và miên trường trong sự trường cửu của Ngài.
Thánh Phaolô đã cảm khoái được sự hợp nhất yêu thương này nơi Thiên Chúa nên ngài khuyên chúng ta: “Anh chị em hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, hãy hòa thuận với nhau thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an hạnh phúc sẽ ở với anh chị em” (2 Cr 13:12). Gia đình Chúa Ba Ngôi là một gương mẫu yêu thương, hòa thuận và nhất trí. Chúng ta cũng hãy gắng tạo cho gia đình chúng ta nên một gia đình nhất trí trong yêu thương và trong che chờ đùm bọc như vậy.
Một trong những ngăn trở dễ phá vỡ hạnh phúc gia đình, tôi muốn lưu ý anh chị em là sự khó chịu buồn bực do bạn bè, do chủ hãng, do sở làm, do nhà trường, do hoàn cảnh giao tế xã hội… Tạo nên cho mình rồi khi về nhà không gạt bỏ, không để nó ở ngoài cửa, mà đem về trút đổ trên con cái, trên vợ chồng… Gây khó khăn cho nhau, làm mất đi bầu khí hạnh phúc gia đình. Chớ gì khi về nhà chúng ta chỉ sồng cái bầu khí của gia đình: yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ, an ủi nhau…. Đó là hình ảnh của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, duy nhất, thánh thiện, nhất trí và yêu thương.
Nguyện xin Chúa Ba Ngôi soi dẫn trí lòng mỗi người trong gia đình chúng con, biết sồng đúng địa vị trong nhà, biết hợp lòng nhất trí với nhau trong tư tưởng và hành động để chúng con trở nên một gia đình hạnh phúc, nên hiện thân của Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa giữa trần gian. Amen.
17. Con đường sống
Chính Chúa Giêsu Kitô đã nhiều lần trong dạy chúng ta biết có Một Chúa Ba Ngôi như khi Ngài nói: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Và về Chúa Thánh Thần: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26).
Mọi giáo huấn về Thiên Chúa đều chứa đựng nơi con người của Đức Giêsu Kitô, vì thế, tin vào Chúa Kitô cũng có nghĩa là tin vào Chúa Ba Ngôi. Ai đến với Chúa Kitô thì cũng đến với Chúa Cha, nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thật vậy, kẻ nào tin vào Đức Giêsu Kitô thì gắn bó cuộc đời mình với Người, là chia sẻ số phận tử nạn và phục sinh của Người, là bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có một con đường để chọn lựa: tin hoặc không tin. Tin chính là đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong yêu thương. Trong khi mỗi người chúng ta không có khả năng tin Thiên Chúa, nếu Chúa Cha không lôi kéo chúng ta đến với Đức Giêsu Kitô, qua ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần. Cần luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp sức cho chúng ta, trong mỗi quyết định được lập đi lập lại hằng ngày trong cuộc đời, vì sự yếu đuối của chúng ta. Quyết định nào cũng đòi hỏi phải có tự do mà đây chính là một sự chọn lựa sống còn của mỗi người. Và hệ luận của của sự chọn lựa nầy dẫn đến hạnh phúc hay án phạt muôn đời. Bởi vì Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18). Tin vào Chúa Giêsu Kitô, qua Hội Thánh của Người, đó chính là con đường sống cho mỗi người chúng ta.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta được ngoan ngùy theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, để chọn cho mình con đường sống, là tin vào Đức Giêsu Kitô, sống gắn bó với Người, để được kết hợp bây giờ và mãi mãi với Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu, là Nguồn Sống, là Bình an đích thực cho cuộc đời chúng ta. Amen.
18. Suối nguồn tình yêu
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có người nói rằng: Nếu có ai nói với tôi “xin hãy cho biết Thiên Chúa là thế nào?”, tôi sẽ bảo người đó: “Hãy yêu thương anh em nhiều hơn. Tình yêu sẽ nói cho bạn biết Thiên Chúa là thế nào?”
Thực vậy, Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Ngài được tỏ bày qua Ba Ngôi Vị: Ngôi Cha – Ngôi Con – Và Thánh Thần. Ba Ngôi trong một Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy được tuôn chảy đến con người qua tạo dựng – cứu chuộc và thánh hóa con người. Tình yêu ấy mãi chung thủy với con người dù cho con người có yếu đuối, phản bội hay quay lưng lại với tình yêu của Ngài. Vì bản chất của Ngài là tình yêu. Bởi thế ai yêu thương thì có thể biết Thiên Chúa, có thể sống trong Nước Thiên Chúa và hưởng được hạnh phúc của Thiên Chúa. Càng yêu thương thì càng giống Thiên Chúa ; ngược lại càng ít yêu thương thì càng khác với Thiên Chúa.
Câu chuyện về thánh Maximilien Kolbe như là chứng tích cho tình yêu Thiên Chúa vẫn đang được hiện tại hóa qua các nhân chứng của Ngài.
Cha thánh Maximilien Kolbe thụ phong linh mục năm 1918 Cha bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam tại trại tập trung Auschwitz.
Đây là một nhà tù hãi hùng nhất bao gồm mọi hình phạt và kỷ luật sắt ghê gớm, độc ác dành cho các tù nhân. Mỗi tù nhân không còn được mang tên mình, thay vào đó là những con số. Cha Maximilien Kolbe mang số tù binh là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức oan nghiệt: Nếu có một tù nhân trốn trại, thì mười người khác phải chết thay. Rất nhiều tù nhân là nạn nhân của thứ luật lệ hãi hùng này. Cha Maximilien Kolbe cũng trở thành một trong những nạn nhân ấy.
Đó là một buổi chiều tháng 8.1941, một người tù đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác bị chỉ định chết thay cho anh. Trong số mười người này có anh lính Gajowniczek. Anh kêu khóc thảm thiết vì anh còn mẹ già, còn vợ, còn con thơ không ai nuôi dưỡng.
Trước thảm cảnh đó, vì lòng yêu mến Chúa, yêu thương con người, Cha Maximilien Kolbe đứng ra xin được chết thế cho anh lính tội nghiệp kia. Được chấp nhận, Cha cùng đoàn tử tù bước vào phòng hơi ngạt số 14.
Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác ra ngoài, nhưng Cha Maximilien Kolbe còn thoi thóp, người ta chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.
Trong buổi đại lễ, Đức Thánh Cha Phaolô VI tôn phong chân phước Maximilien Kolbe lên bậc hiển thánh, có một cụ già đáng kính trong đoàn người dâng lễ vật, được Đấng đại diện Chúa ôm hôn. Đó chính là người tù được cha thánh chết thay. Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn sốt sắng hát vang khúc tình ca: “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu”. Đây là một chứng tích tình yêu cao vời khiến mọi người hiện diện đều xúc động và rơi lệ.
Tình yêu sẽ làm nên muôn điều kỳ diệu. Tình yêu sẽ thúc bách con người thi thố cho nhau những nghĩa cử cao thượng. Nhất là tình yêu trong Thiên Chúa sẽ giúp con người đi đến cùng của yêu thương. Vì yêu Thiên Chúa mà con người đón nhận nhau trong tôn trọng và yêu thương. Vì yêu Thiên Chúa mà con người chẳng quản ngại hy sinh để chia sẻ buồn vui với nhau, để nâng đỡ và cảm thông với nhau. Vì yêu Thiên Chúa mà con người chấp nhận chung sống hòa bình với nhau.
Chấp nhận sống trong tình yêu là con người đang họa lại chân dung tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho anh em. Chấp nhận để cho tình yêu Thiên Chúa dẫn dắt là con người đang sống liên kết với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa như cành liền cây để có thể đơm hoa kết trái.
Xin Chúa giúp chúng ta sau khi đã nhận ra tình yêu cả Ba Ngôi Thiên Chúa thì cũng biết sống tình yêu ấy cho anh em trong thế giới hôm nay. Amen.
19. Huyền nhiệm tình yêu – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Thiên Chúa là tình yêu. Đó là chân lý, là lời khẳng định của thánh Gioan Tông đồ được ghi lại trong sách Tin Mừng. Thực vậy, sách Tin mừng được xem là lá thư mà Thiên Chúa đã tỏ tình với con người qua suốt dọc dài lịch sử của ơn cứu độ. Tình yêu đó được tỏ bày qua từng biến cố của dòng đời để dần dà với thời gian con người mới khám phá ra tình yêu của một vì Thiên Chúa nhưng được thực hiện qua 3 cách thức khác nhau. Ngài đã tỏ mình là một vì Thiên Chúa là Cha qua công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và Ngài còn tiếp tục thi thố tình thương đó qua sự quan phòng đầy kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa. Ngài đã tỏ tình yêu của mình qua Ngôi Hai Thiên Chúa mang lấy thân phận con người để có thể cùng chia sẻ những thăng trầm nổi trôi của cuộc sống con người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã ghi dấu tình yêu vĩnh cửu của mình qua cái chết thập tự giá để nói lên một tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho con người. Vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu”. Với Ngôi Ba Thiên Chúa, tình yêu của Ngài luôn đầy tràn trong cuộc đời các tín hữu để thánh hoá con người làm con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta “như con ngươi trong mắt Ngài”. Chúa biết rõ từng cuộc đời chúng ta như mục tử biết từng con chiên. Chúa vẫn ngàn đời tín trung với tình yêu ban đầu, vì cho dầu “như người cha người mẹ có bỏ con cái, còn Ta cũng không bao giờ bỏ các ngươi”. Tình thương đó Chúa muốn mời gọi chúng ta đón nhận với lòng tri ân và cũng biết trao lại tình yêu đó cho tha nhân. Vâng, có lẽ, điều Chúa muốn nơi chúng ta chính là hãy hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho anh em. Vì con người là “hoạ ảnh của Chúa”, nên con người phải biết sống yêu thương. Yêu thương sẽ làm chúng ta giống Chúa hơn. Yêu thương sẽ giúp chúng ta sống hoàn thiện con người mình hơn. Chính tình yêu phục vụ tha nhân sẽ là cách chúng ta đáp đền tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
Người ta kể rằng: Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.
Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.
Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”
Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:
– Tại sao ông lại lo lắng cho con?
Nhà truyền giáo đáp:
– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:
– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?
Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:
– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.
Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.
Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau rằng:
– “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!”
Vâng, con hãy trao tặng cho người khác tình yêu của con phải chăng cũng là sứ điệp mà lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta? Hãy sống cho tha nhân. Hãy trao tặng cho nhau một nụ cười cảm thông. Một cái bắt tay thân mật. Một nghĩa cử bác ái đầy tình người. Hãy sống cho anh em của mình một cách quảng đại. Hãy là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới mà con người đang xa dần nhau vì quyền lợi bản thân, vì bon chen và hưởng thụ. Hãy giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng không bị hoen ố bởi những toan tính ích kỷ, tầm thường. Hãy giới thiệu cho thế giới một tình yêu hy sinh đến quên cả chính mình cho người mình yêu được hạnh phúc.
Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu của Chúa để chính chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh em của mình. Amen.
20. Nguyên mẫu tình yêu Kitô hữu
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Minh)
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ tôn vinh Thầy.
Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm trung tâm và nền tảng của đức tin Kitô giáo. Đây chính là nguồn mạch các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và chủ yếu nhất trong phẩm trật các chân lý của đức tin (GLCG, 234). Vì thế, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là mầu nhiệm đức tin, vừa là mầu nhiệm Tình yêu, và là nguyên mẫu Tình yêu của đời sống Kitô hữu.
I. Thiên Chúa Ba Ngôi – Mầu nhiệm đức tin:
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao siêu, vô cùng sâu thẳm, vượt xa tầm hiểu biết của trí khôn con người. Bao nhiêu cắt nghĩa, bao nhiêu bài giảng, bao nhiêu cuốn sách viết về mầu nhiệm này, tất cả đều mang tính giới hạn.
Tuy rằng, Thiên Chúa Ba Ngôi không ai thấy, nhưng Ngài thật sự hiện hữu và hoạt động trong đời sống kiếp nhân sinh. Bởi vì, chắc chắn Thiên Chúa đã để lại những dấu vết nào đó về thực thể Ba Ngôi trong công trình tạo dựng và trong việc Ngài mặc khải suốt dòng lịch sử cứu độ.
Trong hành trình sáng tạo, Ba Ngôi luôn hiện diện: Thần Khí bay là là trên mặt nước, Chúa Cha phán một Lời thì vạn vật và con người được hoàn thành (x.St 1,1-2). Ba Ngôi còn đồng hành và hiện diện với dân của Người: Hình ảnh Ba vị viếng thăm tổ phụ Abraham và Sara (x.St 18,1-14) cuộc viếng thăm đã sinh hoa kết trái và tràn đầy ân sủng xuống trên nhân loại, như là sự ân cần của Thiên Chúa với con người.
Nhưng chúng ta chỉ có thể biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ Chúa Giêsu mạc khải.
Sự hợp nhất của Ba Ngôi đã được các Tin Mừng ghi lại khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bắt đầu sứ mạng, bầu trời mở ra với tiếng Chúa Cha phán cùng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình ảnh chim bồ câu: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (x.Mt 3,16-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22). Đó là dấu chỉ mà Gioan Tẩy Giả phán quyết về Đấng Messia. Đấng đó được xác định nơi đầu Tin Mừng thứ tư: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa nói với các môn đệ là Ngài sẽ về với Chúa Cha, và có đi như vậy, thì Chúa Cha mới nhân danh Thầy sai Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần đến dạy dỗ anh em mọi điều để anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã truyền cho anh em, và hướng dẫn anh em đến chân lý vẹn toàn. Từ đó, các môn đệ khám phá và nhận ra chân lý sẽ là con đường sáng, là quy tắc nội tâm của cuộc đời.
Chính Chúa Thánh Thần không mang lại một mạc khải mới, nhưng chỉ liên tục giải thích mạc khải của Đức Kitô, để không ngừng soi chiếu các biến cố của thời đại. Ngài đón nhận tất cả từ Đức Kitô, cũng như Đức Kitô cũng đã đón nhận mọi sự từ Chúa Cha. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Tất cả những gì Chúa Cha có đều là của Thầy. Chúa Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan báo cho các con.”
Lời khẳng định này của Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta hiểu phần nào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là duy nhất và hiệp nhất. Chúa Giêsu đón nhận từ Chúa Cha, không làm gì khác với ý định của Chúa Cha. Chúa Thánh Thần cũng không tự mình mà nói, nhưng nghe những gì thì nói như vậy. Ngài chỉ soi sáng để con người hiểu biết những gì Chúa Giêsu đã mạc khải. Ba Ngôi hiệp nhất và là một, từ trong ý định đến hành động.
Như thế, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng cản bản của niềm tin Kitô giáo. Chính vì thế, đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu trong Giáo Hội phải quy chiếu về sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta biết là mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa, để chúng ta tin trọn vẹn vào mối tương quan thẳm sâu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.
II. Thiên Chúa Ba Ngôi – Mầu nhiệm tình yêu:
Qua những lời mạc khải của Chúa Giêsu về Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy mối dây liên kết mật thiết giữa Ba Ngôi là một mối tương quan tình yêu. Nên khi tông đô Philipphê tha thiết được xem thấy Chúa Cha, Chúa Giêsu trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, anh không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em không phải tự Thầy nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng ở trong Thầy chính Người làm những việc của mình”.
Chúa Giêsu cũng báo trước về mối liên hệ mật thiết giữa Ngài với Chúa Thánh Thần: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật trọn vẹn. Người sẽ tôn vinh Thầy vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.
Từ mạc khải ấy, chúng ta biết rằng Ba Ngôi hiệp nhất trong tình yêu và thông chuyển tình yêu tuyệt vời đó cho nhân loại. Như Đức Kitô đã mặc khải cho nhân loại khi Ngài nói với Nicôđêmô trong Tin Mừng hôm nay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
Vì thế, cộng đoàn chúng ta phải biết đón nhận tình yêu trao hiến giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng ta được chính Thiên Chúa đưa vào sống tình yêu ấy và biết mở lòng sống tình yêu ấy với Ba Ngôi Thiên Chúa.
III. Thiên Chúa Ba Ngôi – Nguyên mẫu tình yêu của Kitô hữu
Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu cứu độ. Tất cả mạc khải được trình bày trong Kinh Thánh đều là các hình thức thể hiện khác nhau về duy nhất một tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Do đó, suy niệm mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống tham dự vào sự hiệp nhất của nguyên mẫu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đời sống của người Kitô hữu phải quy chiếu vào nguyên mẫu tình yêu của Thiên Chúa để sống niềm tin yêu của mình đối với Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Đối với Thiên Chúa, người Kitô hữu phải quyết tâm sống tương quan mật thiết với Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể để Thánh Thần tình yêu Ngôi Ba đưa chúng ta vào sống mối hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta cũng để cho Thánh Thần tình yêu Ngôi Ba mở lòng chúng ta thể hiện tấm lòng hiếu thảo, tâm tình tạ ơn thờ phượng, mến yêu và tín thác vào Chúa. Vì Thiên Chúa Ba Ngôi là phần thưởng cánh chung cho người Kitô hữu, đồng thời chúng ta đi vào mối tương quan với anh chị em để yêu thương phục vụ và hòa giải với nhau để được hiệp thông nên một trong tình yêu Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần. Cụ thể như trong đời sống người tín hữu, sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh hôn nhân gia đình đó chính là tạo nên những mối tương quan thuận thảo, yêu thương, hiếu nghĩa giữa các thành viên. Một cộng đoàn giáo xứ sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông bác ái huynh đệ. Mặc dù, cộng đoàn bao gồm nhiều thành phần đa dạng nhưng đều là chi thể của thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô.
Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được đi vào cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, được bình an trong Chúa, được Chúa Thánh Thần ban tặng tình yêu của Thiên Chúa Cha. Nhờ đó, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và được hưởng gia nghiệp nước Trời mà Chúa hứa ban cho những tín hữu luôn tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Amen.
21. Suy niệm của Lm Trầm Phúc
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đối với nhiều người, xem ra xa lạ và khô khang. Chúa Giêsu được nhắc đến gần như hằng ngày, Thiên Chúa Ba Ngôi cũng được nhắc đến thường xuyên, nhưng không mấy người để ý. Nhưng đây lại là một mầu nhiệm thật êm đềm, mầu nhiệm của tình yêu: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thánh Gioan cũng đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu nầy không là một tình yêu giả tưởng hay chỉ có trên lý thuyết mà là một tình yêu thiết thực, là nguồn gốc mọi tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài dám ban cho chúng ta Người Con yêu quí của Ngài thì chúng ta còn đòi hỏi gì hơn? Người Con đó cũng yêu chúng ta đến nỗi dám chết cho chúng ta và ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta, chúng ta không cảm thấy đủ không? Chúng ta không cảm thấy ngỡ ngàng vì được yêu như thế sao?
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã tỏ tình yêu của Ngài đối với dân Do thái bằng những lời không thể quên được: “Từ đời đời Ta đã yêu ngươi… Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi, Ta sẽ đính hôn với ngươi trong công minh và chính trực, trong âu yếm và ân tình, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa”. (Biết ở đây là yêu). Ngài luôn trung thành dù dân Ngài vẫn bất trung.
Trong sách Xuất Hành, Môsê được Chúa cho biết Ngài là ai, khi ông lên núi: “Thiên Chúa đi qua trước mặt ông và xướng “Đức Chúa, Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Đó là khuôn mặt của Chúa chúng ta.
Chúa Giêsu đến trong trần gian với chúng ta, Ngài tỏ lộ khuôn mặt nhân từ đó của Chúa Cha. Ngài đối xử với những người tội lỗi với tất cả sự tế nhị và tôn trọng. Chúng ta xem Ngài đối xử với người đàn bà ngoại tình, ông Giakêu, bà Maria Mađalêna, người phụ nữ Samari như thế nào? Ngài trao ban Thánh Thần của Ngài để mang ơn tha thứ: “Hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta thật tuyệt vời!
Chúng ta có cảm thấy hạnh phúc vì được Chúa yêu thương không? Chúng ta không thể hiểu được tình yêu Chúa nếu Thánh Thần Chúa không soi sáng tâm trí chúng ta. Hãy luôn cầu xin ơn Thánh Thần, vì chỉ có Ngài mới đưa dẫn chúng ta vào tình yêu, giúp chúng ta hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa và cho chúng ta nếm được sự ngọt ngào của tình yêu đó.
Chúng ta thấy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một cái gì xa xôi mờ ảo mà là một sự thật hiển nhiên. Thiên Chúa hành động trong con người chúng ta và tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài bằng những việc cụ thể rõ ràng, qua Chúa Giêsu Con Một của Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu mến Chúa Cha với Ngài, bằng những lời giảng dạy, bằng cả cuộc đời vâng phục của Ngài. Chúng ta sẽ làm gì?
Chỉ cần một điều là yêu mến Chúa chân thành. Kitô giáo không phải là một mớ lý thuyết, mà là một mối tình. Thiên Chúa đã đi trước và đã yêu chúng ta trước như thánh Gioan đã nói. Chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài thôi. Đáp trả như Chúa Giêsu đã đáp trả: bằng một sự vâng phục thánh ý Ngài một cách toàn vẹn, dù phải mướt mô hôi máu. Chúng ta thường giả vờ yêu thôi. Đó là thảm kịch của tâm hồn muốn yêu mến Chúa mà không dám dấn thân vào con đường tình yêu. Chúng ta đòi hỏi Thiên Chúa theo ý chúng ta hơn là chúng ta theo ý Chúa. Chúng ta tính toán hơn thiệt và trả giá với Chúa. Chúa yêu chúng ta vô điều kiện, chúng ta không làm gì khác là phải trao trọn cuộc đời cho Chúa thôi.
Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, và chúng ta tin như thế thì chúng ta chỉ có một lối thoát là cứ yêu như Thầy đã yêu. Không có điều kiện nầy, kitô giáo chỉ là một lý thuyết trống rỗng. Hãy nhìn chung quanh chúng ta. Thế giới đang bị xâu xé vì hận thù tràn lan, chiến tranh khắp nơi, bất công, tàn ác trở thành cơm bữa. Người kitô hữu chỉ biết đứng nhìn thôi sao? Chúng ta là con cái của Thiên Chúa Tình Yêu mà khoanh tay không làm gì cho ai, thì chúng ta có thể là kitô hữu hay không? Anh chị em chúng ta đang bị đóng đinh hằng ngày trên khổ giá mà chúng ta ung dung đi nhà thờ và yên tâm, cảm thấy bình an thì chúng ta chỉ là trò cười cho thiên hạ thôi.
Chúa Giêsu biến thành của ăn cho chúng ta mỗi ngày, không phải chỉ để cho chúng ta yên tâm cảm thấy mình đạo đức, mà đòi buộc chúng ta phải làm một cái gì đó cho những anh chị em đau khổ nghèo đói, cơ cực của chúng ta. Chúng ta phải trở thành của ăn cho anh em chúng ta. Đó mới là đạo công giáo. Đó mới là đức tin có hành động như thánh Giacôbê đã nói.
Tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tin vào một tình yêu sống động và không tàn phai trước làn sóng hận thù và vô cảm. Chúng ta phải mang lấy trong chúng ta những nỗi khổ của mọi người như chính Chúa Giêsu đã mang vào thân tội lỗi của chúng ta. Như thế chúng ta mới có thể gọi Chúa là Cha.
22. Thiên Chúa Ba Ngôi: Mầu Nhiệm Tình Yêu
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
“Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6)
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo. Có thể nói rằng tất cả các văn kiện trình bày các chủ đề lớn của Đức tin đều khởi đầu bằng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và kết thúc cũng thường hướng đến việc tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. Những buổi kinh nguyện hay các buổi cử hành Phụng vụ không đi ra khỏi quỷ đạo này. Khởi đầu và kết thúc bằng Dấu Thánh Giá là một cách thức tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thế nhưng để trình bày mầu nhiệm nền tảng này cho đoàn tín hữu thì không mấy dễ dàng, nhất là với não trạng thiên duy lý của người hôm nay. Với người chưa có niềm tin hay người khác niềm tin thì vấn đề còn nan giải hơn nhiều.
Một sự thật của kiếp người: hữu hạn, đặc biệt trong lãnh vực siêu hình.
Làm sao để lý giải rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi Vị riêng biệt và khác biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần? Thật là ngô nghê khi quá ỷ lại vào những hình ảnh cụ thể để so sánh và diễn tả thực tại siêu linh. Một ngón tay có ba lóng; ngọn lửa tỏa ánh sáng và sức nóng; một dòng sông với đôi bờ…tất thảy đều bất cập và có khi làm biến dạng thực tại. Khôn khéo hơn như Kinh sĩ Vih khi thấy chuyện khó thuyết phục bởi công thức cộng 1+1+1=1 thì chuyển sang công thức nhân 1x1x1 =1 cũng vẫn hoài công. Câu chuyện kể vè thánh Augustinô gặp cậu bé muốn tát cạn nước biển bằng cái vỏ sò năm xưa là một minh họa cho sự bất lực của trí khôn con người trong việc tìm hiểu lý lẽ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là tại sao một Chúa mà là Ba Ngôi; tại sao có Ba Ngôi mà chỉ là một Chúa.
Trước mầu nhiệm cao cả khôn dò là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thiết tưởng không gì hơn thái độ của Môsê qua bài đọc thứ nhất (Xh 34,4b-6.8-9) là phủ phục tôn thờ và dâng lời ngợi khen. Lời ngợi khen của Kitô hữu chúng ta lại ắp đầy tình cảm tạ vì Chúa Kitô Giêsu, Đấng làm người đã mạc khải cho chúng ta huyền nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tin vào tình yêu vô bờ của Đấng đã hiến thân vì chúng ta, tin vào quyền năng của Đấng làm chủ vũ trụ thiên nhiên, làm chủ cả sự sống lẫn sự chết là Đức Giêsu Kitô, chúng ta đón nhận lời mạc khải của Người về Chúa Ba Ngôi. Dựa vào lời mạc khải, đặc biệt lời mạc khải của Chúa Giêsu, chúng ta có thể biết và diễn tả phần nào nội hàm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và dĩ nhiên là bằng khái niệm và ngôn ngữ phàm nhân.
Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu năng động – hướng tha.
Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Tình yêu giả thiết phải có thực tại ở số nhiều đồng thời bao hàm số một là sự hiệp thông, hiệp nhất nên một. Tình yêu không đơn thuần là một trạng thái của tình cảm mà là một động thái liên lỉ hướng về một đối tượng nào đó. Chúa Cha thực sự là Chúa Cha trong tương quan với Chúa Con. Chúa Cha sinh ra Chúa Con và trao ban mọi sự cho Chúa Con (x. Ga 5,26). Chúa Con là mình khi không ngừng hướng về Chúa Cha để kín múc nguồn sống (x.Ga 4,34), để biết cách hành động (x.Ga 5,30; 10,37). Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Người luôn hướng về Chúa Cha và Chúa Con bằng việc làm vinh danh Hai Ngôi cực trọng ấy mãi đến muôn đời (x. Ga 15,26-27;16,12-15).
Tình Yêu năng động – hướng tha là sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa đã tỏa lan cho các loài thọ tạo, cách riêng cho loài người là loài được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Chính vì thế, các loài thọ tạo, đặc biệt loài người chỉ có thể tồn tại và phát triển khi biết sống và hoạt động theo nguyên lý năng động – hướng tha của Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch và là cứu cánh của mọi hiện hữu. Thánh Phaolô tông đồ nói với tín hữu Côrintô: “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em…Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cor 13,11-13).
Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu kiên vững và tín trung:
Con số ba là con số tượng trưng cho sự tròn đầy và bền vững. Đã ba mặt một lời là như hiển nhiên và không thể chối cãi hay đổi thay. Tuy nhiên niềm tin của chúng ta không hệ tại ở việc loại suy từ ý nghĩa các con số. Lời mạc khải mới là nền tảng của đức tin chúng ta. Giavê đã tỏ bày cho Môsê danh tính của Người: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Tình yêu của Thiên Chúa vững bền như đá tảng. Dù cho có người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi loài người chúng ta. Dù ta phản bội, dù ta vong tình, thì Chúa mãi vẫn luôn thành tín.
Chính trên nền tảng kiên vững của tình yêu Thiên Chúa mà mọi sự mọi loài được tồn tại và phát triển. Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa bày tỏ sự công chính của Người bằng việc luôn tín trung với lời đã hứa (x. Rm 3,21-26). Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa của Người bằng nhập thể, nhập thế của Ngôi Hai để thực thi công trình cứu độ và bằng việc trao ban Thánh Thần để hoàn thành các kỳ công của Người. Thiên Chúa bày tỏ tình yêu kiên vững và tín trung của Người cho chúng ta bằng việc sai Con Một của Người đến thế gian chịu chết vì chúng ta vốn là những tội nhân, đồng thời đổ tràn tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (x. Rm 5,5-8).
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn lực và là kim chỉ nam để ta tồn tại và phát triển cách hoàn hảo:
Tìm hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào dưới ánh sáng lời mạc khải không phải là để thỏa mãn một đặc tính của trí khôn là sự hữu lý, nhưng trên hết là để ta biết nguồn gốc và căn tính của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Biết được nguồn gốc của mình thì ta sẽ có thể biết cách thế hiện hữu, nghĩa là sống và hoạt động cách chính danh và chính hiệu. Kiên vững và tín trung trong tình yêu, một tình yêu năng động và hướng tha là động thái duy nhất hữu hiệu để con người tồn tại và phát triển cách hoàn hảo. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em… Đây là điều răn của Thiên Chúa: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người và phải yêu thương nhau, theo điều răn của Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3,16.23-24).
Hãy yêu đi rồi ta sẽ hiểu:
“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17,3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Vì không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.
Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trãi rộng com tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân?…
Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết. Một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi sầu buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.
Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tinh yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.
Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:
1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.
2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.
3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.
23. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)
Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, xin mỗi người hãy lắng lòng một phút để tưởng nhớ và tri ân người Mẹ đạo đức, người Cha thương yêu của mình. Đó là những người đầu tiên ghi Dấu Thánh Giá trên trán chúng ta trong ngày rửa tội, những giáo lý viên đầu tiên dạy ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi và cầm tay chỉ dẫn ta làm Dấu Thánh Giá.
“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” là lời nguyện kèm theo với động tác làm Dấu Thánh Giá. Thiết tưởng dù có đọc thành tiếng, đọc thầm hay không thành tiếng, thì mỗi tín hữu đều phải nhớ rằng: Dấu Thánh Giá không chỉ là một động tác, càng không phải là một động tác theo thói quen hay vô thức, càng không phải là một động tác trang trí như trên sân khấu hay nơi sân cỏ… mà là một động tác đầy ý thức tâm linh: Ý thức rằng chúng ta đang sống và làm việc “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.
Giáo hội vẫn ước mong khi mỗi tín hữu làm việc gì cũng đều bắt đầu với Dấu Thánh Giá. Trong nhà, ngoài đường, nơi riêng tư, nơi công cộng, cả những nơi có người chưa tin Chúa hoặc có người chống lại Thiên Chúa, thì Dấu Thánh Giá không chỉ là một hình thức tuyên xưng mình là người có đạo, mà còn là một cách sống đạo trọn vẹn, cách kết hiệp hoàn toàn với Ba Ngôi Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời, để mọi người nhìn thấy chúng ta mà nhận biết Cha chúng ta trên trời.
Với ý thức ấy chúng ta đang sống và làm việc trong sự kết hiệp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa, cuộc sống của mỗi Ki-tô hữu là một bài ca vinh danh, một chứng tá nước trời, một bài giáo lý sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi, như Thánh Phaolô khuyên bảo: “Vậy dù khi ăn, dù khi uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. (1Cr 10,31).
Làm Dấu Thánh Giá và đọc “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, thiết tưởng, còn nhắc nhở cho chúng ta về thánh lễ mọi lúc mọi nơi trong đời mình, mà đỉnh cao của Thánh Lễ là sự dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, kết hợp với hy lễ thập giá của Chúa Giê-su. Với tâm tình ấy, nhờ soi dẫn của Thánh Thần, chúng ta khám phá ra một chiều kích thú vị “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ngay trong Dấu Thánh Giá, một động tác nhỏ, nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu trong hành trình đức tin của mỗi người.
Điều kỳ diệu đó chính là ân sủng, tình yêu và sự thông hiệp từ Thiên Chúa Ba Ngôi mà Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc để thành một lời nguyện chúc cho chúng ta: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em”. (2 Cr 13, 13)
Tình yêu của Chúa Cha đã thể hiện nơi Người con: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16)
Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta nên một trong Thiên Chúa, làm cho chúng ta nên anh em với nhau nhờ cùng là em của Chúa Giê-su Trưởng Tử.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi năm nay, còn nhằm “Ngày Của Cha”, tôn vinh các người Cha. Ước gì, khi nhớ đến “công Cha như núi ngất trời”thì chúng ta cũng nhắc nhớ chúng ta đến “Tình Cha” đã yêu thương sáng tạo tác, dưỡng nuôi, và cứu chuộc chúng ta. Bởi vì, Cha là Tình Yêu, Cha giàu lòng thương xót, Cha yêu con cái và làm tất cả cho con cái được hạnh phúc. Như chính Cha đã mạc khải cho Môi-sê “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành” (Xh 34,6). Và vì tất cả là lòng thương xót, là tình yêu “đến nỗi ban con một mình…” (Ga.3,16)
Người cha trần gian được hạnh phúc, được vui mừng, hãnh diện vì những đứa con ngoan, những đứa con biết sống cho vinh danh cha thế nào, thì người Cha trên trời cũng mong cho con cái biết sống cho vinh danh Thiên Chúa như vậy. Bởi vậy, việc không vâng lời Cha, không tín nhiệm nơi Cha, phản nghịch Cha, nếu đã là một vấn đề nếu là khá nhức nhối trong gia đình trần gian, thì hơn thế nữa, là một chuyện thật đáng buồn lòng Thiên Chúa trong đời sống tâm linh. Vì thế, mỗi người hãy hiểu lòng yêu của Cha mình, hãy hiểu lòng yêu của Cha trên trời là Thiên Chúa và sống sao nên con cái hiếu thảo với Cha. Hãy tin tưởng và ký thác đời mình trong tay Thiên Chúa.
Vâng, lễ Chúa Ba Ngôi đang mời gọi chúng ta sống sao nên con hiếu thảo đối với Cha trên trời.
Thiết tưởng, gương mẫu hiếu thảo tuyệt hảo nhất chỉ có nơi Chúa Giê-su , Đấng đã vâng ý Cha trọn vẹn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Ước gì, mỗi lần làm Dấu Thánh Giá, là một lần, bạn và tôi cùng bắt đầu một công việc với lòng hiếu thảo như Chúa Giê-su theo hướng dẫn của Thánh Thần và cho vinh danh Cha chúng ta trên trời.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin ân sủng của Chúa Giê-su, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng chúng con, mọi ngày trong hành trình về Nước Trời. Amen.
24. Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)
Tình yêu của con người
Tình Cha yêu con, tình Mẹ yêu con… thiêng liêng và cao quí lắm. Nhưng việc cho con, bán con, bỏ con, giết con… đang là một chuyện thường ngày mang tính thời sự cao ở những nước nghèo tiền bạc, nghèo học thức, nghèo luân lý, nghèo ánh sáng Tin Mừng, nghèo tình người. Người ta “cho con mình” cho người khác, vì không nuôi con nổi, hoặc để giải quyết chuyện riêng của mình: “cho con đi” để rảnh rang mà lấy chồng khác, “cho con riêng” vì mâu thuẫn trong nhà quá lớn, chẳng hạn.
Năm 1980, có vợ chồng người ở Giáo xứ bên cạnh đến nhờ tôi làm thông dịch viên cho vợ chồng ông bà người Pháp đang đến nhà, vì vợ chồng ấy muốn cho họ hai đứa con: 3 tuổi và 1 tuổi. Tôi tần ngần mãi, nhưng rồi đồng ý, may ra mình có chút tiền để mua gạo. Đến nhà, các giấy tờ phía người cho đã xong, chỉ còn thiếu cái test của viện Pasteur. Họ yêu cầu tôi đưa họ ra Sở Tư Pháp tỉnh. Đến Phan Thiết, họ bảo tôi đưa họ đến Bưu điện. Cả hai vợ chồng người Pháp vào chung một buồng điện thoại. Họ gọi cho Viện Pasteur. Và họ ôm nhau khóc nức nở, vì kết quả test của hai em là siêu vi gan dương tính. Họ bước ra, đưa giấy tờ cho tôi, nhờ tôi mang về. Còn họ, cho tôi hai mươi ngàn, rồi ra bến xe về Sài gòn. Tôi mừng lắm, và tạ ơn Chúa- không vì hai mươi ngàn, nhưng vì như thế là hai đứa con của ông bà kia được sống với Cha Mẹ nó, và tôi khỏi mang tội tiếp tay.
Một chuyện khác ở xóm nghèo chúng tôi: Bà B và con gái 13 tuổi, trưa hôm ấy vui hẳn lên, chuẩn bị cơm trưa ngon hơn thường lệ, vì chỉ một lý do thôi là đợi chồng về để báo một tin vui: ” Anh à, con gái mình mới gặp được chú kia sang trọng hứa sẽ nuôi con mình ăn học đến nơi đến chốn, ít là hết Đại học. Em mừng quá”. Ông B đi cưa về, vào dùng cơm, nghe vậy, ông bỏ đũa nói: “Bà có biết: con gì mà người ta nuôi, thì trước sau người ta cũng “thịt” không?”. Cha nuôi thịt con gái mình, đầy trong báo kìa… người ta bỏ tiền ra nuôi để thịt”.
Chuyện bán con cho người thành phố, người nước ngoài để lấy tiền nuôi sống nhà mình đang nghèo khổ nợ nần ở dưới quê, hoặc tự nó đi bán mình lấy tiền nuôi cha mẹ… đã phổ biến đến nỗi có vùng không còn đứa con gái nào ở nhà để đi cấy, chỉ còn toàn bà già. Chuyện bỏ con đỏ hon hỏn trên đường phố, trước khách sạn, trước nhà Dòng…cũng không hiếm. Và nhất là chuyện giết con mình từ trong trứng nước thì vào loại nhất nhì thế giới rồi, không ai phủ nhận được, vì đó là chủ trương.
Như vậy, “cho con” đã là mất con, huống nữa là bán con, bỏ con hay giết con. Chỉ có con người mất nhân tính mới có cách yêu thương như thế: Không có tình yêu, chỉ là sự ích kỷ vô cùng -không yêu con, chỉ yêu mình. Đối với những con người ý thức rằng mình được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa thì không thể làm thế được. Phải noi gương tình yêu của Thiên Chúa.
Còn Thiên Chúa, thì sao?
Thiên Chúa trao ban Con Một của mình cho nhân loại, vì yêu thương nhân loại. Chính Ngài là Tình Yêu- Tình Yêu tinh tuyền, Tình Yêu đích thực, Tình Yêu đúng nghĩa “cho đi” để nhân loại “nhận được” sự sống đời đời.
“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết, mà được sống đời đời “(Ga 3,16).
Không có lý trí nào có thể hiểu nỗi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mà nhất là hiểu được Thiên Chúa Cha, và Tình Cha của Thiên chúa. Không một phép so sánh nào giữa “một có ba”, “ba trong một” có thể dùng để so sánh với Thiên Chúa Ba ngôi mà giảng giải cho đúng. Thiết nghĩ, cách giải thích mầu nhiệm ba ngôi như ba tính chất của một ngọn lửa hoặc một vài hình tượng khác không còn phù hợp lắm. Hoặc trường hợp thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất, cũng chỉ là một cảm nghiệm cá nhân, không thể toát hết được đời sống nội tại của Ba ngôi Thiên Chúa..
Ước ao giải thích rốt ráo là căn bệnh của những Giáo lý viên tích cực, nhiệt thành. Coi chừng, không những lệch lạc mà còn sai lầm khi đem những thực tại hữu hình so sánh với Thiên Chúa vô hình nhằm giáo huấn dân Chúa theo cái suy nghĩ rất riêng của mình. Đừng quên rằng, đối với những mầu nhiệm, thì ta nên tin và sống với mầu nhiệm ấy hơn là muốn thỏa mãn cuộc tìm kiếm mang tính lý trí mong đào sâu, múc cạn mầu nhiệm Thiên Chúa, như trường hợp của Thánh Augustino.
Như vậy, điều quan trọng là tin và sống với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trung tâm của Ki-tô giáo công giáo. Chắc chắn rằng: mỗi tín hữu sẽ tự giải thích cho mình bằng chính cảm nghiệm của mình đi qua cả một cuộc đời Ki-tô hữu công giáo: sống khao khát, tìm kiếm và kết hiệp với Ba ngôi Thiên Chúa qua Người Con. Vì “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết mà được sống đời đời”(Ga 3,16).
Nói cách khác, các tín hữu có thể hiểu Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cảm nghiệm sâu sắc của chính mình và của cộng đoàn khi thực hành Lời Chúa, và kết hiệp mật thiết với Thánh Thể Chúa Giêsu.
Khi thực hành Lời Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày, các tín hữu luôn được đặt trước những chọn lựa dứt khoát cho Thiên Chúa hay dứt khoát cho những cuốn hút của thế gian. Và khi họ dứt khoát cho Thiên Chúa, chấp nhận sống theo tinh thần của Tin Mừng, họ không chỉ sống với Ngôi Con, mà còn lôi kéo cả Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần xuống đồng hành với cuộc đời họ.
Họ có thể cảm nghiệm được tình yêu, lòng khoan dung, sự quan phòng cả trong lúc cuộc đời tưởng như là đen tối. Niềm tin yêu, và hy vọng của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận chắc chắn phải bắt nguồn từ việc kết hiệp với Đức Kitô tử nạn phục sinh đang cùng ngồi tù với Ngài, và Ngài nhận ra cả Ba Ngôi Thiên Chúa đang có mặt nơi bị bức bách.
Chúa Giêsu trở thành ngưỡng cửa của niềm hy vọng tiến vào bên trong nội thất Thiên Chúa. Còn những cảm nghiệm tương tự của các linh mục tuyên úy thời kỳ hậu chiến, của những giáo dân như chiên lạc đàn mà sức sống của Thiên Chúa , tình yêu của Thiên Chúa vẫn dồi dào như xuân trai trẻ cho dù cửa nhà thờ đóng lại. Ấy là sức Xuân của Ba ngôi Thiên Chúa nơi Lời Chúa Ki-tô vẫn tồn tại và vẫn luôn đem lại cho mỗi chúng ta sức sống dồi dào của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Còn nỗi sướng vui ngây ngất nào bằng được giao hòa với Ba ngôi Thiên Chúa nhờ lòng khoan dung tha thứ và giá chuộc của Chúa Giêsu qua lời xá tội của Linh mục nơi tòa cáo giải. Rồi cảm nghiệm về Chúa Ba Ngôi lên đến tột đỉnh hạnh phúc khi có Chúa Giêsu Thánh Thể ngự trong lòng, vì lúc ấy, hơn lúc nào hết, mỗi tín hữu “ngộ”ra cái hạnh phúc vô biên mà Giáo lý đã dạy: “được làm con cái Thiên Chúa là Cha , được là chi thể của Chúa Con, và là Đền thờ Chúa Thánh Thần”. Giáo lý dạy cho người ta hiểu và sống điều đã hiểu, nhưng về Chúa Ba Ngôi, giáo lý dạy người ta tin, sống với Chúa Ba Ngôi rồi hiểu được tình yêu của Chúa Ba Ngôi qua muôn ơn của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Thế thì, đây là tình yêu của Thiên Chúa: Đức Giêsu cho biết tình yêu của Thiên Chúa Cha của mình bằng một sự “cho đi” người Con để nhân loại “nhận được” sự sống và sống dồi dào, sống muôn đời. Ngài đã cho đi vì yêu thương nhân loại. Ngài đã không cho đi vì mưu lợi cho vinh quang của Ngài. Tất cả cho nhân loại. Vì thế, chỉ nơi người Con Chí Ái, các tín hữu có thể hiểu được nội tâm của Thiên Chúa Cha, có thể khám phá ra một Thiên Chúa Ba Ngôi với tình Phụ tử yêu thương và công minh chính trực, với tình Mẫu tử có lòng thương xót, khoan dung, nhân hậu vô biên, với tình huynh đệ chí cốt của Chúa Giêsu hy sinh đến cùng, và tình thông hiệp toàn vẹn trong chỉ một Thánh Thần chân lý duy nhất là: Thiên Chúa duy nhất, giáo hội duy nhất, Thiên Chúa thánh thiện, giáo hội thánh thiện…
Con ước ao kết hiệp cùng Chúa Giêsu
Để kết mấy dòng suy tư, tôi xin chia sẻ chút tâm tình của anh bạn tôi, anh HXT, gọi điện cho tôi sau giờ kinh Lòng Thương xót của anh:
“Hoàng ơi, nếu ngày xưa anh đã tội lỗi ghê gớm lắm, và đã từng thách thức Chúa rằng: “Ông làm gì tui thì làm đi”, thì ngày nay anh đã nhản tiền việc Ngài đang làm cho anh đây, là: Ngài đã làm cho anh muốn chết lịm trong tình thương yêu quá sức diệu kỳ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mấy hôm nay anh vẫn hát câu nầy ” Con ước ao kết hiệp cùng Chúa Giêsu như giọt nước trong rượu nho, khăng khít nên một với Người, sống trong Người, trong nguồn ơn Chúa xuống cho” mà quên mất nguyên bài hát nầy là thế nào. Vì chỉ có kết hiệp với Chúa Giêsu anh mới thấy tận cùng cái tồi tệ của mình, và tình thương của Thiên Chúa Ba Ngôi len lõi vào mọi ngỏ ngách tồi tệ nhất ấy, trong sâu thẳm lòng anh. Việc kết hiệp với Chúa Giêsu cũng liên kết anh với mọi người đang kết hiệp với Ngài. Khi nào tìm được cái bài hát tuyệt vời kia, nhớ phone cho anh với…. Anh cúp máy đây.”
Mười phút sau. Tôi đã gọi lại cho anh và hát nguyên bài hát ấy cho anh nghe:
“Con kính dâng Cha cùng bánh và rượu nho
Hồn con đây với xác con đây, đền vì bao tội lỗi xưa nay
Con dám trông mong thành áng trầm thơm tho
Bay tới trước dung nhan thánh Người,
cám mến Cha lành,
tự tình khúc nôi.
Con ước ao kết hiệp cùng Chúa Giêsu,
như giọt nước trong rượu nho.
Khăng khít nên một với Người,
sống trong Người,
trong nguồn ơn Chúa xuống cho”.
25. Thiên Chúa Ba Ngôi
Hôm nay là lễ Chúa Ba Ngôi. Bài Phúc Âm hôm nay cũng nói cho chúng ta biết về hoạt động của Chúa Ba Ngôi. Qua đó, chúng ta biết gì về Chúa Ba Ngôi? Và chúng ta có thể diễn tả về Chúa Ba Ngôi như thế nào?
Trong cùng một đơn vị, một tổ chức hay một cơ chế của con người, thì chức vị cao cấp nhất như tổng thống, tổng thư ký, quốc vương, chủ tịch nước… chỉ dành cho một người duy nhất đương nhiệm mà thôi.
Còn xét trong toàn thể vũ trụ, toàn thể sự sống hữu hình và vô hình, thì Đấng có quyền trên hết, chỉ là một mà thôi. Chúng ta gọi Đấng ấy là Thiên Chúa. Người Do thái gọi Đấng ấy là Giavê. Người Hồi giáo gọi Đấng ấy là Alla. Người Trung quốc gọi Đấng ấy là Hoàng Thiên. Người bình dân Việt Nam gọi Đấng ấy là Ông trời. Và Đấng ấy được hiểu như là một “người”, một đấng, một cá thể, một ngôi vị đơn độc duy nhất.
Đó là cách hiểu của loài người. Bất kỳ người có trí khôn bình thường nào cũng có thể hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, trí khôn con người chỉ có thể hiểu có bấy nhiêu về một ngôi vị Thiên Chúa mà thôi.
Thế nhưng, chính Thiên Chúa thì lại không muốn chúng ta chỉ biết có bấy nhiêu về Ngài. Ngài nói cho chúng ta biết, Ngài không phải là Thiên Chúa một ngôi vị đơn độc. Ngài vẫn là Một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Thiên Chúa duy nhất ấy có tới Ba Ngôi Vị, hiệp nhất với nhau trong một bản tính và không thể tách rời nhau được.
Nếu chúng ta tiếp cận được với Ngôi Thứ Nhất, thì chúng ta cũng gặp được Ngôi Thứ Hai và Ngôi Thứ Ba. Nếu chúng ta tiếp cận được với Ngôi Thứ Hai, thì chúng ta cũng gặp được Ngôi Thứ Nhất và Ngôi Thứ Ba. Nếu chúng ta tiếp cận được Ngôi Thứ Ba, chì chúng ta cũng gặp được Ngôi Thứ Nhất và Ngôi Thứ Hai. Ba Ngôi tuy riêng biệt trong tương quan với nhau, nhưng chỉ là một trong bản tính.
Chúng ta gọi Ngôi Vị Thứ Nhất ấy là Chúa Cha, Ngôi Vị Thứ Hai là Chúa Con hay Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Vị Thứ Ba là Chúa Thánh Thần.
Chính Ngôi Thứ Hai Chúa Con đã nói cho chúng ta biết rằng Chúa Cha rất yêu thương chúng ta. Chúa Con nói cho chúng ta biết về tình thương của Chúa Cha dành cho chúng ta không phải bằng lý thuyết suông, nhưng Ngài đã diễn tả ra bằng hành động, bằng chính cuộc sống đầy yêu thương của Ngài, đến nỗi phải trả giá bằng máu, bằng chính mạng sống của Ngài. Ngài diễn tả tình thương của Chúa Cha bằng chính tình thương của Ngài một cách đầy đủ và sung mãn đến nỗi, nếu chúng ta biết được Ngài yêu thương chúng ta như thế nào, thì chúng ta cũng biết được Chúa Cha cũng yêu thương chúng ta như thế ấy.
Nhưng chỉ dựa vào trí khôn và sức lực của riêng mình thì chúng ta không có khả năng để biết được tình yêu mà Chúa Giêsu và Chúa Cha đã dành cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã làm cho chúng ta biết được. Cũng vậy, cái biết mà Chúa Thánh Thần đã giúp chúng ta biết về tình thương của Chúa Con và Chúa Cha không phải là một cái biết được diễn tả trong lời nói suông, nhưng là cái biết được diễn tả ra trong hành động, trong cuộc sống của mình. Đó là khi chúng ta sống theo Lời Chúa dạy, nghĩa là chúng ta sống đạo và hành đạo trong tinh thần và tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con.
Trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta nên nhớ rằng, Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là Mầu nhiệm Tình Yêu.
Vì quá yêu thương chúng ta nên Chúa Cha mới sai Chúa Con đến nói cho chúng ta biết về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng chính cuộc sống đầy yêu thương của Chúa Con. Và chính Chúa Con đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta để Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận biết Tình Yêu ấy.
Cái biết về Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con mà Chúa Thánh Thần đã giúp chúng ta biết, không phải là cái biết suông trên phương diện lý thuyết mà là cái biết được diễn tả ra trong cuộc sống đầy yêu thương của chúng ta, đặc biệt là đối với những người đang sống cùng chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống yêu thương người khác vì đó là cách diễn tả hay nhất về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, là Mầu Nhiệm cao cả nhất trong Đạo của chúng ta.
26. Một đôi dấu chân trên bờ cát phẳng
(Suy niệm của Lm Giuse Trương Đình Hiền)
1. Chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi qua tiến trình mặc khải:
Cho dẫu trong niềm tin cao ngất khi họp nhau thờ phụng Đấng Tối Cao nơi thánh điện dành cho Người, thi “Dân riêng của Chúa” vẫn khắc khoải, hoài nghi, tự hỏi Thiên Chúa là ai, như những lời sau của thánh vịnh 23:
Hỡi cửa đến, hãy cất cao lên,
Cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
Để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng
Đức Chúa oai hùng khi xuuất trận.
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
Cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
Để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Chúa Tể càn khôn:
Chính Người là Đức Vua vinh hiển…
Trong khi đó, tâm thức muôn nơi muôn thở của con người vẫn muốn thấy, muốn nắm bắt, muốn tôn thờ, phũ phục, muốn quan hệ tiếp giao với một Thượng Đế gần gũi, cụ thể, không cần phải thánh thiện cao sang, không cần phải uy quyền choáng ngợp gì hết, miển sao mắt thấy, tai nghe, tay rờ, chân đụng là được, như “sự cố Sinai năm nào”, khi dân Ít-ra-en với sự đồng thuận của tư tế Aharon, quyết định “đúc hình bò làm thượng đế”, trong buổi dân Ít-ra-en xuất hành về Đất hứa. (Xh 32,1-6).
Và Thiên Chúa đã thịnh nộ trước cái tội “mê tín dị đoan” nầy. Suýt nữa toàn dân Ít-ra-en bị xóa tên, nếu không có lãnh tụ Mô-sê ra công cầu khẩn. Và qua biến cố nầy, nhân loại lại được chính Thiên Chúa dạy cho biết thêm rằng: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì…” (Xh 34,5-8).
Khi đọc lại trích đoạn sách Xuất Hành trên trong thánh lễ kính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, phải chăng Phụng vụ muốn ngụ ý rằng: TÌNH YÊU chính là bản chất sâu thẳm của huyền nhiệm Thiên Chúa, một tình yêu sẽ được dần dần vén mở để con người có thể trực tiếp khám phá, tiếp cận, gặp gỡ và kính yêu mà không cần phải qua một trung gian nào hết.
Con đường đó, sự mặc khải tối hậu đó, phần nào đã được “giải mả” trong chính cuộc đàm thoại giữa một người trí thức đầy mình là luật sĩ Nicôđêmô và vị tiên tri áo vải đến từ Na-da-rét mà trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay thuật lại qua mệnh đề ngắn gọn như một lời tục ngữ:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)
Và cũng từ môi miệng của Vị Thiên Chúa làm người ấy, khi sắp sửa lìa xa các môn sinh để dấn thân vào cuộc khổ nạn, đã long trọng hứa ban một Ngôi vị Thiên Chúa khác:
“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26)
Thì ra, theo chính chứng từ của “Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18), của Đấng được mệnh danh là “Emmanuel”, Thiên Chúa không phải chỉ là một “Ngôi vị cô độc một mình”, một Thượng Đế “tròn trịa, viên mãn trong cái khối đầy đặn, khép kín…” mà là một “Thiên Chúa sẻ chia và tương giao ngôi vị” giữa Cha, Con và Thánh Thần.
Mà có phải chỉ bằng lời nói suông thôi đâu! Để ấn chứng và hỗ trợ cho chân lý mặc khải tối hậu mà Ngài sẽ công bố trong những ngày công khai truyền giảng Tin Mừng, chính Thiên Chúa đã đạo diễn một cuộc “thần hiển” hoành tráng bên bờ sông Giođan khi Chúa Giêsu Con Một Ngài chịu phép rửa: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng; “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con”. (Mc 1,10-11)
Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, cùng với Đức Giêsu người Na-da-rét, Kitô giáo đã hình thành trên một nền tảng giáo lý mới về Thiên Chúa: Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính trên nền tảng cốt yếu nầy, Đức Kitô đã phát lệnh cho các môn sinh cử hành nhiệm tích Thánh Tẩy nhân danh Ba Ngôi để tái sinh tất cả những ai gia nhập đoàn Dân mới như được ghi lại trong Tin Mừng Matthêô đoạn 28, câu 19: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Và cũng từ niềm tin cốt lõi đó, Thánh Phaolô trong thư của Ngài gởi giáo đoàn Côrintô đã dùng lời chào chúc nhân danh Chúa Ba Ngôi để tạm biệt cộng đoàn, một câu chúc đã được chọn làm lời khai mạc Phụng vụ Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13).
Trong khi đó, niềm tin của Dân Chúa vào mầu nhiệm Ba Ngôi suốt hai mươi thế kỷ qua vẫn xuyên suốt tín trung với hai bản Tuyên Xưng đức tin nền tảng được gọi là Hai Kinh Tin Kính: Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinopoli. Và rồi, qua kinh nguyện và Phụng vụ được thể hiện từng giây phút trên mọi miền thế giới, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như nhịp đập của trái tim, không ngừng mang sức sống cho Nhiệm thể Chúa Kitô, cho mỗi một thành viên được ghi dấu ấn Ba Ngôi trên cuộc đời nhờ bí tích Rửa tội.
Quả thật, cái chân lý nhiệm mầu cao cả tưởng đâu cứ “xa tắp trên chín tầng mây” đó lại là một “sự sống đang bao trùm mọi sự sống”, là một tình yêu đang đốt nóng mọi trái tim, là một hiện hữu đang đồng hành và sánh bước với mọi thân phận người trên mọi nẽo đường trần thế. Vâng, đó chính là dung mạo Thiên Chúa của Người Kitô hữu, Thiên Chúa được Đức Kitô mạc khải cho nhân loại, Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con, Thánh Thần.
2. Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa của yêu thương
Không phải đợi cho đến Thánh Gioan Tông Đồ phát biểu: “Thiên Chúa là tình yêu”, mà hàng ngàn năm trước, các tổ phụ, các sứ ngôn cũng đã từng tuyên bố: “Có người mẹ nào không thương con dạ nó mang? Nhưng nếu có người mẹ nào như thế đi nữa, thì riêng Ta, Ta không bao giờ quên ngươi. Thiên chúa toàn năng đã phán như thế.” (Isaia). Và hôm nay, trích đoạn ngắn ngủi sách Xuất hành vừa được công bố, Thiên Chúa cũng đã bộc lộ một thoáng “lý lịch trích ngang” của chính mình: Đức Chúa đi qua trước mặt Môsê và xướng: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu ân nghĩa và thành tín” (BĐ 1). Và nếu phải học sống với Thiên Chúa làm sao, ứng xử với Thiên Chúa thế nào, thì lời thoại thân mật với Thiên Chúa của Môsê năm nào trên núi Sinai luôn là một gợi ý đầy thâm thúy và hiện sinh: “Xin Ngài đi với chúng con…Xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi chúng con…”
Vâng, tin vào một Chúa Ba Ngôi có nghĩa là tin vào một Đấng đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẽo đường cuộc sống, tin vào một Đấng có thể cảm thông sự yếu hèn của phận người để khoan dung tha thứ, tin vào một Đấng sẵn sàng biết chia sẻ và cho đi, sẵn sàng trở nên nghèo hèn và yếu đuối, sẵn sàng bị đóng đinh để chết vì yêu thương. Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là tin một Thiên Chúa “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập”, một Thiên Chúa quan phòng chăm sóc từng con chim sẻ trên cây, từng cây huệ ngoài đồng. Thiên Chúa ba Ngôi, đó cũng là “Người Cha già nhớ thương đứa con trai hoang đàng, chiều chiều ra ngõ vắng đón đợi, là Vị Mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lac. Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng là “Cha chúng con ở trên trời sẵn sàng ban cho lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con”… Đó cũng chính là Thiên Chúa mà Tin mừng Gioan hôm nay đã nói với chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một Người, ngõ hầu ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được sống đời đời.”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có được niềm tin như thế. Rất nhiều khi, chúng ta bị cám dỗ rơi vào một khoảng hồ nghi mà ở đó, Chúa như trốn biệt đâu mất. Thiên Chúa không “trốn đi đâu cả”. (Như tiếng Ngài thỏ thẻ trong câu chuyện “dấu chân trên cát”: “Nếu trên bờ cát phẳng chỉ còn lại một đôi dấu chân, thì đó không phải là của con đâu, mà là của chính Ta đó. Dễ hiểu thôi, vì con đang được ta bồng ẳm”!
3. Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa của hiệp nhất
Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi luôn gợi lên một cộng đoàn, một gia đình. Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha Con Thánh Thần. Mà không phải chỉ gợi lên, đó chính là căn tính, là bản chất của sự sống bên trong Thiên Chúa. Bởi vì, nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì Thiên Chúa phải là sự hiệp nhất. Tình yêu luôn đòi sự nối kết. Và Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sự nối kết tuyệt vời nhất, cao sâu nhất, bền vững nhất. Đức Kitô đã bộc lộ sự hiệp nhất đặc biệt nầy trong “lời nguyện tế hiến” trong bữa tiệc ly trước khi đi vào cuộc khổ nạn: “Xin Cha cho chúng được nên một như chúng ta là một”.
Chúng ta tuyên xưng và sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải chỉ dừng lại nơi những công thức tín điều hay loay hoay đi tìm những biểu tượng, những ảnh hình, những diễn ngữ để cắt nghĩa một cách trừu tượng và xa rời cuộc sống; nhưng chính là sống tình hiệp nhất yêu thương theo “mô hình Ba Ngôi” trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Ước gì mỗi một gia đình Kitô hữu là một cộng đoàn phản ảnh dung mạo Ba Ngôi. Cha Mẹ Con Cái hiệp nhất với nhau trong tình yêu Thiên Chúa và nhờ tình yêu Thiên Chúa thánh hóa và thăng tiến mỗi ngày.
Một khi dung mạo tình yêu và hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi tỏa sáng trong mọi gia đình Kitô hữu, nơi mọi hội đoàn tông đồ, mọi cộng đoàn Giáo Hội địa phương…thì chắc chắn bộ mặt của thế giới sẽ biến đổi: yêu thương sẽ thay oán thù, thứ tha sẽ thay lăng nhục, an hòa sẽ thế chỗ tranh chấp, chân lý sẽ đẩy lùi lầm lạc…
Như thế, Thiên Chúa Ba Ngôi không còn là một “tín điều khó hiểu” để tranh luận hay biện phân lý thuyết, mà là một gọi mời để mở lối yêu thương và xây dựng thuận hòa; cũng chẳng còn là một chân lý khô khan trừu tượng để chỉ biết học thuộc lòng như một sáo ngữ, mà là một dấn thân ra đi gieo rắc niềm vui và gieo trồng hoàn thiện, như lời hiệu triệu của Thánh Phaolô trong cuối bức thư gởi giáo đoàn Côrintô được chọn đọc hôm nay: “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vầy, Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em”.
27. Lễ Chúa Ba Ngôi – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi bắt đầu được cử hành vào thế kỷ thứ 9 và được đưa vào lịch phụng vụ của Giáo Hội Rôma vào thế kỷ thứ 14 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan 22. Lễ Chúa Ba Ngôi được nhìn nhận như là lòng thành kính tri ân của Giáo Hội qua các ân sủng của mùa Giáng Sinh và Phục Sinh. Vì mầu nhiệm này là sự kết hợp của lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh, lễ Phục Sinh, lễ Thăng Thiên và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Lễ Chúa Ba Ngôi được cử hành vào Chúa Nhật sau Lễ Chúa Thánh Thần, nhắc nhở chúng ta rằng mỗi Chúa Nhật đều được thánh hiến để sùng kính Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha đã tạo dựng và quan phòng. Chúa Con đã cứu chuộc chúng ta. Chúa Nhật là ngày của Chúa, tưởng nhớ Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Chúa Thánh Thần thánh hóa tâm hồn, làm cho chúng ta trở nên đền thờ của Ngài.
Khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tối thượng của niềm tin trong đời sống người Kitô hữu. Đây là nguồn cội của tất cả các mầu nhiệm đức tin. Giáo Hội dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa, nhưng có ba ngôi riêng biệt. Chúa Cha là Thiên Chúa. Chúa Con là Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Ba Ngôi cùng một bản tính và hiện hữu như nhau. Chúng ta có thể nhận biết được mầu nhiệm cao siêu này là do chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta. Trước khi lên trời, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: Các con hãy đi giảng dậy muôn dân và làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28, 19).
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi Vị nhưng chỉ là Một Chúa duy nhất. Phân biệt Ba Ngôi: Chúa Cha là Đấng tự hữu. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời và được sinh ra mà không phải được tạo thành. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Chúa Cha sáng tạo mọi loài. Chúa Con như là sự khôn ngoan của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Tín điều về Chúa Ba Ngôi và Ngôi Lời Nhập Thể là nền tảng của đời sống đức tin và sự thờ phượng của các Kitô hữu. Ngôi Con đã hạ thân làm người để chia sẻ sự sống của Chúa Ba Ngôi cho chúng ta. Qua ân sủng, chúng ta được kết hợp mật thiết trong tình yêu và sự sống của Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sự chia sẻ đời sống của Chúa Ba Ngôi sẽ đạt tới cùng đích trên quê trời, nơi chúng ta sẽ được diện kiến và liên kết với Chúa trong tình yêu vô tận.
Khi nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, các vị giảng thuyết thường dùng một vài thí dụ cụ thể để diễn giải về mầu nhiệm cao siêu này. Thí dụ: Thánh Patriciô dùng lá Shamrock có ba nhánh để nói về Chúa Ba Ngôi. Dùng toán học, lấy 1 lũy thừa 3: 1x1x1=1. Quan sát nước H2O, khi ở thể rắn là nước đá, thể lỏng là nước và bốc hơi là thể khí, cả ba đều là nước. Nhìn ánh sáng mặt trời dưới ba dạng: Ánh sáng, sức nóng và tia hồng ngoại. Dùng hình tam giác có ba cạnh bằng nhau. Trong âm nhạc, hợp âm của ba nốt nhạc chồng lên nhau làm thành một hợp âm. Những tỉ dụ này chỉ nói lên một chút xíu sự tương tự. Vì trí khôn con người bị giới hạn vào sự hữu hạn của thời gian và không gian, nên không thể nào suy thấu.
Ngay từ những ngày đầu của thời Giáo Hội sơ khai, thánh Phaolô tông đồ đã dùng công thức chào đón bằng lời cầu nguyện trong Chúa Ba Ngôi: Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Amen (2Cor 13, 13). Đây là sự tuyên xưng rõ rệt nhất về sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo Hội đã dùng công thức này trong tất cả các lời cầu nguyện chính thức để tôn vinh, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa. Với tâm tình tri ân, chúng ta hãy đến phục bái tôn thờ Thiên Chúa. Vì khi chúng ta càng yêu nhiều, sẽ càng hiểu nhiều hơn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu bao la tuyệt vời và vô điều kiện: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời (Ga 3, 16). Tình yêu đáp trả tình yêu. Chúng ta hãy dục lòng tin, cậy, mến để thờ phượng Thiên Chúa với hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
Tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa là đầu mối của tất cả linh đạo dẫn đến Thiên Chúa tình yêu. Chúa Giêsu sẽ tiến dẫn chúng ta tới Chúa Cha và ban Thánh Thần giúp chúng ta thấu hiểu mọi điều Ngài đã truyền dạy. Chúa Con đã mạc khải cho chúng ta về con đường dẫn tới sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa không còn xa lạ, cách biệt và không tưởng, nhưng là Thiên Chúa yêu thương và cảm thông thân phận phàm hèn của con người. Thánh Gioan đã mời gọi chúng ta: Ai tin Người Con ấy, thì không bị luật phạt. Ai không tin, thì đã bị luật phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa (Ga 3, 18). Thiên Chúa không áp đặt lòng trí của con người. Ơn Cứu Độ là ơn sủng nhưng không mà Chúa trao ban, chúng ta phải tự mở cửa lòng đón nhận.
Khi nhìn xem trời đất muôn vật và sự trật tự lạ lùng trong vũ trụ, chúng ta nhận biết có Đấng Thượng Trí vô cùng đã sáng tạo và quan phòng. Chúng ta gọi Đấng đó là Thượng Đế hay Thiên Chúa. Thiên Chúa vô hình đã muốn chia sẻ tình yêu với thụ tạo, nhất là loài người. Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa từng bước đã chọn gọi con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Người. Thiên Chúa đã mạc khải cho ông Môisen về Người: Môisen đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa (Xh 34, 6). Ông Môisen hết mực tôn kính, mến yêu và phụng thờ Thiên Chúa: Đoạn ông vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy (Xh 34, 8). Dù không được nhìn thấy Thiên Chúa cách nhãn tiền, nhưng ông Môisen đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua các dấu chỉ của bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi, qua sấm sét, cột mây cột lửa, qua các phép lạ cả thể Chúa đã thực hiện với Pharaon nơi xứ Ai-cập và suốt hành trình dân Do-thái đi về miền Đất Hứa.
Ông Môisen đã có một sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Trong niềm tin kiên vững tuyệt đối, ông bước đi trong sự phó thác và quan phòng của Chúa. Ông cậy dựa vào lòng từ bi và hay thương xót của Chúa để dẫn dắt dân Chúa. Ông thưa rằng: Lạy Chúa, nếu tôi có ơn nghĩa trước thánh nhan Chúa, thì xin Chúa hẫy đi cùng chúng tôi, vì dân này là dân cứng đầu, xin xóa mọi gian ác và tội lỗi chúng tôi, xin nhận chúng tôi làm cơ nghiệp của Chúa (Xh 34, 9). Trước nhan thánh Chúa, con người chúng ta chỉ là loài thụ tạo mỏng dòn, yếu đuối, tội lỗi và ương ngạnh. Thiên Chúa đã dùng nhiều cách thế để đánh thức, canh tân và đổi mới trái tim gỗ đá của con người. Qua mọi thời, hình như tâm hồn con người luôn hướng chiều về đàng dữ, xấu xa và rơi vào chứng nào tật đó, khó thay đổi.
Lạy Chúa, chúng con tin nhận và phủ phục tôn thờ Thiên Chúa trong Ba Ngôi. Càng suy thấu, chúng con càng cảm nhận tình yêu vô biên của Chúa. Chúng con chỉ là tro bụi và một ngày nào đó, sẽ trở về bụi tro. Thiên Chúa đã yêu thương cất nhắc chúng con lên làm con cái của Chúa và ban cho chúng con sự sống đời này và đời sau. Chúng con cảm tạ tình yêu Chúa đến muôn muôn ngàn đời.
28. Lễ Chúa Ba Ngôi
Hôm nay Hội thánh Công Giáo mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng của Kitô giáo. Một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi là Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần. Ba ngôi một Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Nhờ đó mà ta hưởng được vô vàn ân sủng từ suối nguồn Tình yêu này.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn trong đạo Công Giáo chúng ta. Mầu nhiệm này rất thiết thực trong đời sống của người Kitô hữu, thiết thực và gần gũi vì hầu như mỗi ngày chúng ta đều tuyên xưng mầu nhiệm ấy. Mỗi khi chúng ta dùng công thức làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh, hay mỗi khi chúng ta sống yêu thương như Chúa muốn thì đó chính là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ ít khi chúng ta để ý điều đó.
Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Con sông mang dòng nước phù sa đến cho các cánh đồng của mình, cho các vườn cây được tươi tốt và sinh hoa thơm trái ngọt. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Nếu không có nước để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao? Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
Như con cá sẽ không sống được nếu nó không có nước; cây cối sẽ không thể tươi tốt nếu không có nước. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa Kitô thì phải suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử giống như Người. Sống giống như Chúa Kitô là sống yêu thương. Yêu Chúa và yêu tha nhân.
Yêu Chúa và yêu tha nhân là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy. Thế nên, mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta không chỉ mong dùng lý trí hiểu rõ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng chúng ta hãy đi đến một thái độ cụ thể bằng một con tim yêu thương Thiên Chúa và tha nhân hết mình, sống một thái độ yêu thương chân thành đối với hết mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào để tất cả mọi việc làm của chúng ta đều thể hiện tình yêu Chúa Kitô như Thánh Phaolô đã nói: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Chúng ta thể hiện tình yêu bằng những việc đó là mình đã sống cho tình Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chính mình.
Mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được nhắc nhớ rằng, Thiên Chúa Cha, Con, Thánh Thần đã yêu thương chúng ta hết mình và chúng ta được mời gọi để đáp lại tình yêu thương ấy bằng một đời sống trổ sinh nhiều hoa trái tốt, xứng đáng con yêu quí của Thiên Chúa: “Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành”.
Lạy Chúa Ba Ngôi, xin đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa, để chúng con dám sống yêu thương, dám thể hiện mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương trong cuộc đời chúng con. Amen.
29. Thiên Chúa là nguồn yêu thương
(Suy niệm của Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
A. DẪN NHẬP.
Chúng ta có thể tuyên xưng với người Do thái giáo và Hồi giáo rằng: Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể vũ trụ. Nhưng là người Kitô hữu, được Chúa Kitô soi sáng, chúng ta còn tin Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm nền tảng của đức tin chúng ta.
Không ai biết được Thiên Chúa nếu Ngài không mạc khải cho. Trong thời Cựu ước, loài người chỉ được biết có sự hiện hữu của một Thiên Chúa Giavê, Ngài là Đấng hằng hữu, nhưng còn Thiên Chúa Ba Ngôi thì chính Chúa Giêsu mạc khải cho trong thời Tân ước này. Theo mạc khải đó, chúng ta biết được có sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Ngài là nguồn yêu thương và bình an, là gương mẫu tuyệt hảo của sự hiệp nhất. Chúng ta hân hạnh được làm con Chúa Ba Ngôi để dám gọi Ngài là Cha: “Cha ơi”. Đáp lại vinh dự đó, chúng ta phải yêu mến Ngài hết lòng và tuyên xưng danh Ngài cho đến tận cùng thế giới.
Giáo hội muốn dành riêng một ngày Chúa nhật trong năm Phụng vụ để đặc biệt tôn kính và tim hiểu mầu nhiệm lớn lao này. Chúng ta sẽ không bao giờ thấu hiểu được Chúa Ba Ngôi như thánh Augustinô đã làm, nhưng chúng ta biết Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu của sự yêu thương và hiệp nhất. Trong cuộc sống hằng ngày Chúa Ba Ngôi vẫn ngự trị và hành động trong chúng ta, do đó, chúng ta phải tôn kính Ngài, học đòi bắt chước Ngài mà sống yêu thương và phục vụ.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
1. Bài đọc 1: Xh 34, 4-6.8-9.
Qua đoạn sách Xuất hành hôm nay, chúng ta biết, Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Chính Thiên Chúa đã giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai cập, nhưng dân Chúa lại phản bội Ngài, đi thờ con bò vàng thay Chúa. Tuy thế, qua lời cầu xin của ông Maisen, Thiên Chúa đã tha thứ cho họ và vẫn trung thành thi hành giao ước đối với họ.
Ngay từ thời Cựu ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho thấy Ngài là một vì Thiên Chúa của tình yêu. Trong thời Tân ước, việc mạc khải được sáng tỏ hơn với việc Thiên Chúa sai Con Một của Ngài đến cứu độ trần gian là Đức Giêsu Kitô.
2. Bài đọc 2: 2Cr 13,11-13.
Thánh Phaolô, dựa vào niềm tin: Thiên Chúa là nguồn tình yêu và bình an, đã mời gọi các tín hữu Côrintô hãy vui lên vì mọi người đã được cứu chuộc và được làm con Chúa để mọi người không còn sợ sệt mà dám gọi Thiên Chúa là Cha:”Cha ơi”.
Vì trong cộng đoàn Côrintô có sự lộn xộn bất hoà với nhau, nên thánh Phaolô đã viết thư cảnh cáo và khuyên bảo họ hãy sống đoàn kết thương yêu nhau; đồng thời cũng cầu chúc họ được tràn đầy ân sủng của Chúa Ba Ngôi.
3. Bài Tin mừng: Ga 3,16-18.
Bài Tin mừng hôm nay nhắc lại tư tưởng đã được đề cập trong bài Cựu ước ở trên: Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giầu lòng thương xót. Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể trong Tân ước: Thiên Chúa tỏ ra là Thiên Chúa yêu thương đã ban Người Con duy nhất cho trần gian, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Điều đó buộc mọi người phải tin vào Con Thiên Chúa, ai không tin thì sẽ bị lên án.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Ba Ngôi yêu thương và hiệp nhất.
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đã là mầu nhiệm thì không thể hiểu thấu được, nhất là mầu nhiệâm Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm lớn trong Đạo. Câu chuyện của thánh Augustinô sẽ soi sáng thêm cho chúng ta về vấn đề này: Sau một đời ăn chơi trụy lạc và chạy theo tà thuyết, Augustinô đãõ tìm về với Kitô giáo. Ngài được xem là điển hình của một sự khao khát và tìm kiếm không ngừng. Điều đó được thể hiện qua một giai thoại như sau:
Augustinô thuộc khuynh hướng của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa. Một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa, tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò# ấy múc nước biển đổ vào.
Nhưng dã tràng xe cát Biển đông, nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi nó đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự:
– Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương.
Thánh nhân lắc đầu bảo nó:
– Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.
Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói:
– Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.
Thánh Augustinô chợt hiểu được một chân lý: Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được.
(D.Wahrheit, Tìm về cõi phúc, tr 68).
* Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại. Khi học giáo lý, ta đã học thuộc lòng về các mầu nhiệm, trong đó có 3 mầu nhiệm lớn nhất trong Đạo:
. Mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể.
. Mầâu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc.
. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
* Ta không thể biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà hoàn toàn do Chúa Giêsu mạc khải cho trước khi Ngài về trời, khi Ngài phán:”Mọi quyền năng trên trời dưới đất đều được ban cho Thầy. Vậy anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-19)
* Đây quả là một mầu nhiệm thẳm sâu, chúng ta không thể nào diễn tả được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng trong vũ trụ thiên nhiên chúng ta có thể lấy được nhiều hình ảnh cụ thể dùng lối loại suy để hiểu về Chúa Ba Ngôi: Khi thuyết giảng tại công viên Hyde Park, Frank Sheed đã dùng mưa rơi để cố gắng giúp người ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi. Ông thường nói:”Nước đang rơi đây thực là nuớc nhưng nó có thể hiện hữu dưới ba dạng: thể hơi, thể rắn và thể lỏng – nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng và dạng nước mưa đang rơi đây”.
Dĩ nhiên tất cả mọi cách loại suy đều không thể nói lên tất cả thực tại, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được chủ ý của Frank muốn nói là không phải có ba loại nước, mà chỉ có một loại nước nhưng nó hiện hữu trong ba dạng khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa một cách tương tự như thế.
Một phương pháp khác giúp ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi là ví dụ mà thánh Ignatiô Loyola thường dùng. Có lần trong lúc cầu nguyện, Ngài bỗng nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.
Và cuối cùng, chúng ta cũng thấy thánh Patrick thường dùng ba lá của loại xa trục thảo (3 lá ghép thành một) để diễn tả ý niệm Ba Ngôi.
Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng tất cả những điều nói trên vào hành động cụ thể? Chúng ta có thể làm gì để Ba Ngôi sống động hơn trong cuộc sống riêng tư của chúng ta? Có phương pháp mà một số người cho là hữu ích đó là cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Họ dùng ba phút để hồi tâm về một ngày vừa chấm dứt…
(M. Link. Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 179-180)
2. Bài học rút ra từ Chúa Ba Ngôi.
Nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì không bao giờ cùng. Các nhà thần học có nghiên cứu, có tìm hiểu đến đâu, có tranh luận đến khô bọt mép đi nữa thì cuối cùng cũng chỉ đi đến một kết luận chung: TÔI TIN”, vì đây là một mầu nhiệm cao cả trong Đạo mà! Ngay trong thế giới tâm linh của con người cũng còn có biết bao điều bí ẩn lớn lao mà không khám phá ra như người ta vẫn nói:
Dò sông dò biển dễ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người. (Ca dao)
Có ai dám tự phụ cho rằng mình hoàn toàn hiểu được chính mình không? Khi hai người khác phái được kết hợp với nhau trong hôn nhân, tình vợ chồng dù có thâm sâu đến đâu, cũng không bao giờ con người có thể hiểu được tường tận người phối ngẫu của mình. Mãi mãi cho đến bên kia cõi chết, mỗi người vẫn là một mầu nhiệm đối với nhau.
Nếu những bí ẩn của đời sống con người còn chưa hiểu hết được, làm sao ta có thể hiểu tường tận mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi? Ta chỉ có thể rút ra được vài bài học từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để áp dụng vào cuộc sống của ta.
a) Bài học về yêu thương.
Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định:”Thiên Chúa là Tình thương” (1Ga 4,8). Thánh Grêgôriô Cả nói:”Để giữ vững cương vị thì tình thương phải lan tràn sang người khác”. Nói khác đi, tình thương phải bắt nguồn nơi mình và phải kết thúc nơi người khác, chẳng vậy nó chỉ còn là ích kỷ chứ không còn là tình thương nữa.
Bài Tin mừng hôm nay bắt đầu bằng câu:”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết mà còn được sống đời đời “(Ga 3,16). Yếu tính của tình thương là CHO ĐI và KẾT HỢP. Yêu tức là CHO tất cả. Thiên Chúa yêu thương loài người và đã cho loài người tất cả: trời đất, núi non, sông biển cùng với muôn vàn tạo vật. Thiên Chúa còn cho loài người sự sống – một thứ chỉ có Người mới cho được. Thiên Chúa cho loài người một linh hồn – một thứ làm cho loài người nên giống Thiên Chúa (Rm 8,17).
Thiên Chúa đã ban cho loài người tất cả rồi. Còn một điều cao qúi nhất mà Thiên Chúa cũng ban, đó là ban chính Con Một Người:”Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Người cho thế gian”.
Chúng ta biết do đức tin: Thiên Chúa là Đấng duy nhất nghĩa là chỉ có một bản thể, trong bản thể ấy lại có Ba Ngôi – Ba Ngôi đúc lại thành một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa yêu thương thế gian… cho nên đã phó Con Một Người cho thế gian, nghĩa là đã ban trót mình cho thế gian. Không những ban Chúa Con là ngôi thứ Hai mà là ban chính mình, trong đó gồm cả bản tính Thiên Chúa ở trong Ba Ngôi, cho nên ban Con Một Người tức là đã ban tất cả Thiên Chúa – tất cả mình – và chính mình cho thế gian. Và như vậy là Thiên Chúa đã THƯƠNG thế gian, và đã giữ đúng nghĩa chữ THƯƠNG là cho TẤT CẢ.
(Lm Nguyễn duy Tôn, Lời Chúa, năm A, t II, tr 9)
Truyện: Tình yêu hiến thân.
Ngày 20.06.1980, chị Brown, một người mẹ trẻ vừa từ trần vì chứng bệnh ung thư khi mới 25 tuổi. Các bác sĩ đề nghị chữa trị bằng quang tuyến, nhưng vì chị muốn cho bào thai đang mang trong bụng không bị nhiễm chất phóng xạ, nên chị từ chối, thà chết còn hơn để cho bác sĩ chữa trị ung thư bằng quang tuyến.
Cuối cùng, chỉ 5 giờ trước khi chết, chị đã sinh được một cháu trai mạnh khỏe, kháu khỉnh. Bản tin của hãng AP nói rằng:”Vào mấy ngày cuối cùng của cuộc đời, chị Brown biết mình bị tử thần đánh bại, nhưng chị vẫn tin tưởng thế nào chị cũng thành công và sinh được một đứa con không bị nhiễm phóng xạ”.
Bác sĩ Ronald Lapin gọi cái chết của chị Brown là “Cái chết của tình mẫu tử, dám hy sinh mạng sống cho đứa con chưa một lần thấy mặt”.
b) Bài học về Hiệp nhất.
Theo Tân ước, chúng ta thấy có một trường hợp hy hữu mà Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện và cùng hoạt động. Đó là khi Chúa Giêsu xin ông Gioan làm phép rửa cho mình: lúc Ngài ở dưới sông lên thì trời tự nhiên mở ra, và từ trên không trung có tiếng phán ra rằng:”Đây là Con Ta yêu dấu”. Cùng một trật đó, thấy hiện đến và đỗ trên đầu Chúa Con một chim bồ câu. Đó là lần thứ nhất từ khi có lịch sử loài người, Ba Ngôi hiện diện và hành động trong một lúc: Trước hết là Ngôi Con chịu phép rửa, rồi Ngôi Cha từ trời phán ra, và sau hết Ngôi Thánh Thần dưới hình chim bồ câu hiện đến.
Về niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, Hội thánh đã tóm tắt lại trong kinh Tin kính của thánh Athanasiô đại khái như sau: Có một Đức Chúa Trời mà Người có Ba Ngôi: Ngôi nhất khác, Ngôi hai khác, Ngôi ba khác… Đức Chuá Cha là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời, nhưng là một Đức Chúa Trời, chứ không phải là ba Đức Chúa Trời… Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời; Đức Chúa Con phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời; Đức Chúa Thánh Thần phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời… Không có Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém, Ba Ngôi đều bằng nhau, như nhau về tất cả mọi phương diện… Đức Chúa Cha không bởi ai sinh ra, Đức Chúa Con bởi Đức Chúa Cha sinh ra. Đức Chúa Thánh Thần bởi Ngôi Cha và Ngôi Con mà ra.
Đó là tất cả những điều về Chúa Ba Ngôi do Chúa Giêsu dạy, các tông đồ trối lại và các thánh Giáo phụ để lại cho chúng ta.
Trong các câu mở đầu của kinh cầu, Hội thánh luôn xưng hô và ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa mà trong kinh cầu chữ (bằng chữ Hán của ông Cử Thiện ở Bùi chu) được giáo dân đọc trong các ngày giỗ, được dịch là:”Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả”: Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời, thương xót chúng con. Câu dịch rất vắn gọn và đúng ý nghĩa: Ba Ngôi vị chỉ có một bản tính Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.
Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi cùng hoạt động trong Hội thánh và nơi từng người nói lên sự hiệp nhất bền chặt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là một mô hình tuyệt vời về sự hiệp nhất mà Chúa ban cho ta để ta cũng phải củng cố sự hiệp nhất trong Hội thánh và trong cộng đoàn chúng ta. Sự hiệp nhất sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích trong đời sống tự nhiên và siêu nhiên.
Truyện: Bài học từ loài ngỗng.
Vào mùa thu, khi bạn thấy bầy ngỗng bay về phương Nam để tránh đông theo hình chữ V, bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào có thể rút ra từ đó. Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẩy cho con ngỗng bay ngay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một.
Mỗi khi một con ngỗng bay lạc khỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó sẽ nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ, và được hưởng những ưu thế của sức mạnh từ bầy.
Khi con ngỗng đầu đàn mỏi mệt, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu.
Tiếng kêu của bầy ngỗng từ đàng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng.
Cuối cùng, khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương và rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến chừng nào con bị thương lại có thể bay hoặc là chết, và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác để tiếp tục bay về phương nam (Lấy từ internet theo Thùy Trang forward)
c) Một vài thực hành.
* Kinh Sáng danh: Khi đọc kinh Nhật tụng, mỗi khi đọc kinh Sáng Danh, ta hãy tỏ lòng cung kính, cúi đầu, để ca tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi trong đời sống ta. Mỗi chục kinh Mân côi, chúng ta cũng đọc một kinh Sáng danh và còn nhiều dịp khác chúng ta có thể đọc được kinh đó.
* Dấu Thánh giá: một trong những kinh nguyện mà người công giáo chúng ta học, là dấu Thánh giá, thật đơn sơ và tốt đẹp. Chúng ta đưa bàn tay phải lên trán, lên ngực, vai trái và vai phải khi chúng ta cầu nguyện:”Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Hành động thánh đó nhắc nhở chúng ta rằng: có Chúa Ba Ngôi trong một Thiên Chúa, và Ngôi Hai đã chết trên thập gíá vì tất cả chúng ta.
Lạy Cha là Thiên Chúa của con, bây giờ con mới hiểu sâu sắc câu nĩi của Đức Giêsu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho họ”. Thì ra sự cơng bằng vơ biên của Cha khơng cho phép Cha làm một cái gì đơn giản hơn để cứu chuộc nhân loại. Và bây giờ con mới hiểu được tình Cha yêu thương nhân loại, trong đĩ cĩ con, như thế nào! Xin cho con biết sống xứng đáng với tình yêu ấy! Cho con biết đáp lại tình yêu vơ biên ấy bằng trọn tình yêu của con. Đồng thời cũng cho chúng con được biết thể hiện tình yêu ấy trong cuộc sống hằng ngày bằng cách yêu thương, phục vụ mọi người và hiệp nhất với nhau để xây dựng Hội thánh.
Truyện: Tình yêu của Thiên Chúa
Một bà kia không biết đến sự yêu thương của đồng lọai. Bà là một người không tôn giáo, nghèo khổ bị bỏ quên, bị ngược đãi, bị đối xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà bảo: – Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và đối với tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.
Cha sở về lại nhà xứ mà lòng vẫn canh cánh ray rứt về câu chuyện với người phụ nữ nọ. Ngài cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm bạn trẻ Tông đồ trong xứ lại và kể cho các bạn ấy nghe đầu đuôi sự thể. Rồi ngài đề nghị mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong nhóm sẽ lần lượt từng người đến thăm bà, chân thành tỏ cho bà biết trên đời này vẫn có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà.
Mấy tháng trôi qua, một ngày kia, khi cha sở lại thăm bà, bà xúc động đến rướm nước mắt: – Thưa cha, bây giờ thì tôi đã hiểu, đã biết yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi đã có thể xin cha cho tôi được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.
30. Tình Yêu Ba Ngôi
Tôi nhớ lại cách đây không lâu, khi học học về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, tôi và những người bạn cùng lớp ai cũng ngao ngán khi nghe nói đến từ “Mầu nhiệm”, vì với sức con người không thể hiểu tận tường mà phải nhờ đến mạc khải. Vì thế, đã thật sự là mầu nhiệm thì trí khôn loài người hiểu sao được. Nhưng chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm này, để chúng ta hiểu một phần nào tình thương vô bờ bến của Chúa Ba Ngôi đối với con người:
1. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng.
Hàng ngày chúng ta vẫn tuyên xưng đức tin: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”, không những thế Ngài còn gìn giữ, cai trị. Đặc biệt là con người, Ngài đã ban cho ơn làm con Chúa, được nâng lên đời sống siêu nhiên, được tự do. Nhưng con người vì lạm dụng tự do đã phản bội, nhưng Ngài không ghét bỏ mà lại yêu thương “đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Khi Chúa Cứu Thế đến, đem sự sáng, đem ân sủng đến cho loài người, nhắc nhủ họ nhớ đến tình thương của Chúa là Cha, thì loài người lại không chịu nhận biết và nghe lời Người; Một hành động cố chấp được xem như Chúa Thánh Thần sẽ phải lãnh hậu quả do chính mình chọn lấy là “bị lên án”. Trong cuốc sống với nhiều lo toan dễ làm cho chúng ta quên hẳn Thiên Chúa là Cha, là Đấng dựng nên và ban cho chúng ta sự sống, là Đấng lúc nào chúng ta cũng có thể trông cậy.
2. Chúa là Đấng Cứu Chuộc.
Vì tình yêu mà Thiên Chúa là Cha đã “sai Con Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Chúng ta không thể nào hiểu được tình thương vô cùng của Ngôi Hai, Ngài đã mặc lấy thân thể loài người, như con người và đã chấp nhận chịu cho con người được sống. Nhưng khốn thay, con người được Chúa ban cho tự do lại dùng chính tự do này để từ chối Chúa. Dĩ nhiên sự cứu rỗi của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô không phải như một món quà vật chất nuôi sống con người trong lúc khốn cùng, hay một cái gì vượt thời gian, nhưng là một công trình tình yêu của Ba Ngôi, một lời mời gọi, một sự cứu vớt mà chúng ta sẽ được sống qua niềm tin vào Đức Kitô. Vì “Ai tin vào Con Một của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
3. Chúa là Đấng Thánh Hoá.
Có một điều cần lưu ý là đoạn Tin Mừng hôm nay được phụng vụ chọn vào lễ Chúa Ba Ngôi, lại không trực tiếp nói đến Chúa Thánh Thần, nhưng nhờ những chỗ khác, ta biết rằng Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu cứu rỗi trần gian bằng cách ban Thánh Thần cho trần gian. Hơn nữa, đoạn Tin Mừng này nối tiếp câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô về ơn tái sinh, mà ơn tái sinh này lại do Chúa Thánh Thần “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí”.(Ga 3,5-6). Vì thế, qua ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa sai con một Người đến thế gian để cứu rỗi thế gian bằng cách thông ban Thánh Thần. Ngài là ngôi Ba đã thánh hoá, soi sáng mở đường cho chúng ta biết đường ngay nẻo chính, biết làm điều lành tránh điều dữ. Tuy nhiên trong con người chúng ta vẫn luôn có hai khuynh hướng lối kéo. Một là Thánh Thần, hai là tà thần. Nhưng thân xác yếu hèn của ta lại dễ bị sự quyến rũ cám dỗ của tà thần. Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng, để ta biết chọn Ngài và đi theo sự hướng dẫn của Ngài.
Lạy Chúa Ba Ngôi, xin biến đổi chúng con để chúng con ngày một sống xứng đáng hơn với tình yêu mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã dành cho chúng con. Amen.
31. Chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – của Achille Degeest)
Đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đi qua đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về Thiên Chúa chất chứa nơi con người của Chúa. Do đó sự liên kết đức tin vào Chúa Con đã chứa đựng hành vi tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Bởi thế Phúc Âm có thể nói: “Mọi người tin vào Ngài không phải chết, nhưng có được sự sống đời đời”. Việc Giáo Hội chọn một đoạn có chủ ý nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chứng tỏ rằng khởi điểm, tiến trình và đích điểm của tác động tin toàn diện chứa đựng trong việc liên kết toàn diện với Đức Kitô. Ai đến cùng Đức Kitô là đến cùng Chúa Cha, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng đây là một câu hỏi khác mà Phúc Âm mang lại câu trả lời: Thiên Chúa cứu độ thế gian bằng cách nào? Bằng cách sai Con Người đến. Thế ngày nay Đức Kitô đến trong thế gian bằng đường lối ưu tiên nào? Qua Giáo Hội. Do đó Giáo Hội có sứ mạng làm cho Đức Kitô hiện diện với thế gian. Giáo Hội phải thông truyền một sự hiện diện chứ không phải chỉ giảng dạy những lời nói, một giáo thuyết, một huấn giới. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tự hạ xuống ngang tầm con người nơi ngôi vị Đức Giêsu Kitô, được tỏ lộ bởi và trong Giáo Hội. Người đặt lòng tin tưởng nơi Đức Giêsu cho đến mức chia xẻ định mệnh chết và sống lại với Ngài, được tham dự vào mầu nhiệm linh động của Thiên Chúa. Điều này giải thích tại sao lời giảng của các tông đồ lúc khai nguyên Giáo Hội không phải là một sách giáo lý về Ba Ngôi chí thánh nhưng là lời loan báo Đức Giêsu Kitô. Qua giòng lịch sử của mình, nhất là qua các Công Đồng, Giáo Hội cố gắng diễn tả gẫy gọn một sự suy tư về mầu nhiệm Tam Vị. Nhưng công trình chính yếu của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội (và trong mỗi người chúng ta) là làm sao cho Giáo Hội tin và tiếp tục tin vào Chúa Giêsu Kitô. Hai câu hỏi:
1) Đâu là trung tâm đức tin của chúng ta?
Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi ấy đối diện với một số người đương thời đang dấn thân vào những hy vọng nhân loại dựa trên những ý thức hệ. Phúc Âm có phải là một ý thức hệ như bao nhiêu cái khác và các Kitô hữu có phải là những người ủng hộ một phong trào nhằm tạo một nhân loại hạnh phúc hơn về mặt trần thế? Không có gì xa lạ với đức tin chân thật hơn điều đó. Trung tâm đức tin là con người Đức Giêsu Kitô. Ước vọng một thế giới tốt đẹp hơn nơi người Kitô hữu được gọi là lòng khao khát ơn cứu độ, khao khát được giải thoát khỏi sự dữ và sự chết, về mặt vật chất và tinh thần. Việc này chỉ có thể thực hiện được bằng sự liên kết hồn xác với Chúa Con, nhờ Ngài mà thế gian được cứu. Đức tin của chúng ta chỉ hữu hiệu cho việc cứu độ thế gian trong mức chúng ta thông hiệp với Chúa Giêsu, trung tâm đức tin của chúng ta.
2) Sứ điệp của chúng ta là gì?
Người ta chỉ truyền bá có giá trị những gì người ta sống. Để Chúa Giêsu trở thành nguyên cực ơn cứu độ, nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa trong tự do, chân lý, cuộc sống hằng cửu. Giáo Hội cần phải tỏ bày Ngài ra cho mọi người. Giáo Hội là chính mỗi người chúng ta. Mọi tín hữu đều mang trách nhiệm phần mình làm cho Đức Kitô hiện diện với người ta, bằng lời cầu nguyện hay bằng hành động, bằng việc dâng hiến một đau khổ hay bằng ảnh hưởng của hoạt động, bằng sự hy sinh thầm kín hay bằng việc loan báo lời Chúa. Mỗi tín hữu có sứ mạng làm sao cho Giáo Hội thông đạt tới thế giới sứ điệp ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.
32. Con búp bê và biển cả
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong quyển sách tựa đề: “Sức thu hút của Thiên Chúa”, tác giả người Italia, ông A-léc-xan-drô Phong-xa-tô đã kể lại câu chuyện vui sau đây về con búp bê bằng muối:
Muốn tìm hiểu thế nào là biển cả để thỏa mãn tính tò mò của mình, con búp bê một mình tiến ra bờ biển và hỏi:
– “Biển cả ơi, bản chất của biển cả là như thế nào?”
Và biển cả đã trả lời:
– “Biển cả là biển cả. Nếu ngươi muốn biết ta là như thế nào thì hãy xuống đây, hãy để cho toàn thân ngươi thấm nhập vào biển cả”.
Con búp bê bằng muối do dự. Nhưng rồi vì tính tò mò thúc đẩy, nó tiến gần ra mặt nước rồi đưa hai chân thấm vào nước biển. Trong nháy mắt sóng biển đánh mạnh vào đôi chân bằng muối của nó làm cho đôi chân tan thành nước biển. Con búp bê kinh hãi lùi lại, nhưng đôi chân đã mất. Tiếng biển cả dịu dàng mời gọi:
– “Này con búp bê nhỏ kia ơi, biển cả là biển cả. Ngươi muốn biết biển cả như thế nào thì đừng sợ. Hãy tiến vào đây với ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi sẽ được hòa nhịp với ta và hiểu ta như thế nào. Hãy can đảm lên! Nếu bỏ cuộc nửa chừng thì không bao giờ ngươi sẽ hiểu biển cả như thế nào đâu, và phải sống những năm tháng còn lại với đôi chân đã mất”.
Tính tò mò thúc đẩy, con búp bê ngâm mình xuống biển. Chỉ một lát sau con búp bê bằng muối đã hòa tan trong nước biển và hiểu được thế nào là biển cả.
Anh chị em thân mến, giữa con búp bê bằng muối và biển cả có một căn bản giống nhau. Cũng thế, giữa con người và Thiên Chúa cũng có một sự giống nhau. Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, muốn được kết hợp với Ngài ngày càng khăng khít hơn, giống như con búp bê bằng muối kia muốn hiểu biển cả là thế nào.
Như con búp bê được biển cả mời gọi dìm mình vào trong lòng biển cho mình hòa tan trong biển để hiểu được biển cả, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi dìm mình vào trong Thiên Chúa. Cần để cho cái tôi của mình được hòa tan đi, biến mất đi trong Thiên Chúa để có thể hiểu biết Thiên Chúa, sống kết hợp với Ngài. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Lý trí loài người khó mà hiểu biết cho tường tận được. Chúng ta không hiểu biết Thiên Chúa bằng lý trí cho bằng tình yêu. Thật vậy, chỉ khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta mới hiểu và biết Chúa. Chỉ có sự hiểu biết như vậy mới làm cho ta thỏa lòng thỏa trí. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu.
Thiên Chúa là Tình Yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là 3: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương hiến tặng sự sống, hoàn toàn tương quan với nhau, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Chúa Thánh Thần.
Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi mà còn lan tỏa ra bên ngoài, trên khắp vũ trụ: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban cho thế gian quà tặng quý giá nhất của người Con Chí Ái của Ngài, nghĩa là chính sự sống của Ngài. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi Người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa: “Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Thưa anh chị em, với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn vạch ra cho chúng ta con đường của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta chỉ có thể yêu thương và hiệp nhất với nhau khi mỗi người thực sự phải là mình, và chấp nhận đồng hành gắn bó với tha nhân, coi tha nhân là thành phần của chính hiện hữu của mình, đồng thời ý thức rằng mình chỉ có thể sống nhờ tha nhân, sống với tha nhân và sống cho tha nhân; bởi vì tự chính trong nguyên lý, sự sống không phải là một thực tại đơn độc, khép kín, mà là chia sẻ, hiệp thông: sự sống thần linh của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Cái độc đáo mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi muốn nói lên đó là Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự khác biệt. Ngài yêu thích sự khác biệt. Ngài tạo ra sự khác biệt và Ngài bao hàm chính sự khác biệt đó trong bản tính của Ngài. Nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa của sự hiệp nhất. Ngài hiệp nhất những gì khác biệt. Phải có cái khác biệt thì mới có thể nói tới hiệp nhất. Phải có Ba Ngôi mới có thể hiệp nhất thành một Thiên Chúa. chỉ khi nào chúng ta chấp nhận và tôn trọng cái khác biệt: khác biệt về hiện hữu, về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, địa vị, phái tính, tuổi tác v.v… và sống với những khác biệt đó, hiệp nhất những cái khác biệt đó. Chỉ khi đó, chúng ta mới đi đúng con đường mà ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi soi dẫn chúng ta. Sự hiệp nhất ấy không làm cho chúng ta phong phú hơn và sống đúng bản chất là cộng đoàn của Thiên Chúa yêu thương, là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, trong Thánh lễ hôm nay, cũng như trong các Thánh lễ, chúng ta dâng lên Chúa Cha của lễ cuộc đời chúng ta, nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời.
33. Nguồn tình yêu
Từ tấm bé, chúng ta đã được cha mẹ dạy làm Dấu Thánh Giá: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Lớn lên, chúng ta lại được học những bài giáo lý về Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, bài học về Chúa Ba Ngôi thật là khô khan và khó hiểu, chỉ có thể dùng một vài hình ảnh tương tự để cắt nghĩa cho dễ hiểu như: một tam giác đều có ba cạnh bằng nhau, ba dạng của nước là rắn – lỏng – khí, bật quẹt thì cùng lúc phát sinh ra ngọn lửa – ánh sáng và sức nóng…
Mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi thật cao cả, lý trí loài người khó mà hiểu cho tường tận được. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một hình ảnh sống động về Chúa Ba Ngôi mà không cần lý luận, không cần hình ảnh so sánh: “Thiên Chúa yêu thương thế gian” (Gn 3,16). Như thế, tìm hiểu Chúa Ba Ngôi là như thế nào không hệ trọng cho bằng nhận biết Chúa Ba Ngôi là gì, và Lời Chúa đã cho ta lời giải đáp: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Gn 4,16).
Vì yêu, Thiên Chúa đã bỏ qua mọi lỗi lầm của dân Do thái. Khi Môsê lên núi nhận Bia Giao ước, dân Do thái dưới chân núi đã tạc tượng bò vàng mà thờ lạy. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa vô hình. Ngài đã chỉ cho Môsê thấy, rồi nói sẽ tiêu diệt dân và đặt Môsê làm tổ phụ một dân tộc khác biết vâng lời hơn. Nhưng Môsê đã sấp mình van xin cho dân. Thiên Chúa ghét tội nhưng luôn thương kẻ có tội. Ngài sẵn lòng bỏ qua tất cả, tha thứ tất cả nếu con người biết quay trở lại đường ngay nẻo chính (Bài đọc 1).
Vì yêu, Thiên Chúa đã gìn giữ ba thanh niên Do thái trước hiểm nguy. Thời dân Do thái bị ách thống trị của vua Nabucôđônôzor, vua sai chọn lọc trong dân Do thái bị lưu đày một số đứa trẻ để đem vào triều dạy dỗ. Trong số những thanh niên được dạy dỗ từ bé đó, có ba thanh niên, nhờ bạn là Đaniel giúp đỡ, được cất nhắc. Bọn gian tà Canđê thấy ba chàng được cất nhắc thì ghen tức nên tìm cách hãm hại. Họ tố cái ba chàng đã chống lệnh vua không chịu lạy tượng thần. Vì thế, vua cho bỏ ba chàng vào lò lửa, nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ ba thanh niên vững tin nầy. Do đó, ba chàng đã cất lời ca tụng tình yêu Chúa mà chúng ta nghe ở bài đáp ca.
Vì yêu, Thiên Chúa đã “ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Gn 3,16). Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu tột cùng của Ngài, bằng cách trao ban cho con người món quà vô giá là Con Một của Ngài. Tình yêu Thiên Chúa, qua Ngôi Con nhập thể, dưới tác động của Thánh Thần, đã phát sinh nguồn ơn cứu độ cho những ai đặt niềm tin vào công trình sáng tạo mới nầy.
Như thế, các bài đọc hôm nay cùng đưa ra một thông điệp: Thiên Chúa là Chúa của tình yêu. Đó cũng là điều trên hết và trước hết mỗi người cần nhận ra khi nghĩ về Chúa Ba Ngôi: Chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như một người Cha hằng yêu thương ta bằng tình yêu tín trung, nồng cháy. Chúng ta nghĩ đến Chúa Giêsu như một người Anh đã hiến tặng cho chúng ta chính cuộc đời của Người. Và chúng ta nghĩ đến Chúa Thánh Thần như một người Bạn đồng hành, để trợ giúp chúng ta sống theo gương Đức Giêsu và liên kết chúng ta với nhau trong cùng một lòng tin, một tình yêu.
Mỗi người, qua Bí tích Rửa tội, đã được dẫn đưa vào sống trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa yêu thương ta, không phải vì ta tốt lành, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và từ bi. Chính sự hiện hữu của chúng ta đã là dấu hiệu rõ nét về tình yêu Chúa. Do đó, sự đáp trả của chúng ta chỉ có thể là tin tưởng vào tình yêu Chúa và sống yêu thương nhau mà thôi. Mỗi ngày sống, chúng ta cần ý thức tuyên xưng Chúa Ba Ngôi bằng chính hành động đậm nét yêu thương của mình. Điều mà Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu thành Côrintô cũng là lời khuyên cho chúng ta: “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em” (2Cr 13,11).
34. Một Thiên Chúa của tình yêu
Ngày nọ, có hai người đàn ông trí thức đi dạo trên bãi biển. Họ vừa đi vừa thảo luận với nhau về mầu nhiệm Thiên Chúa. Tuy nhiên, cuộc thảo luận của họ vẫn không có gì tiến triển. Thình lình, họ thấy một trẻ nhỏ đang chơi trên bờ biển. Nó đào một cái lỗ trên cát và chạy xuống biển lấy cái thùng đồ chơi trẻ em, lấy nước biển, chạy lên đổ vào cái lỗ nó đã đào.
Hai nhà trí thức thấy nó chạy lên chạy xuống nhiều lần lấy nước biển và đổ vào cái lỗ. Họ thấy cảnh buồn cười. Bèn đến gần thằng bé để hỏi xem nó tại sao nó lại làm chuyện ngốc nghếch như vậy. Họ hoàn toàn ngạc nhiên khi nghe nó nói, nó muốn tát cạn đại dương với cái lỗ nó đào trên cát.
Hai người đàn ông trí thức mỉm cười, bỏ đi và tiếp tục thảo luận về mầu nhiệm Thiên Chúa. Sau một lúc, một trong hai người dừng lại và nói với người kia: “anh có biết không, việc làm của chúng ta thật đáng buồn cười như chuyện thằngbé nói, nó muốn tát cạn đại dương vào một cái lỗ trên cát vậy đó”. Chuyện chúng ta đang thảo luận về Thiên Chúa cũng giống như thế. Chúng ta thật không thể hiểu hết được mầu nhiệm của Thiên Chúa cũng như đứa bé không thể dồn hết nước của đại dương vào một cái lỗ. Trí khôn của chúng ta quá nhỏ như cái lổ trên cát, còn Thiên Chúa như là đại dương mêng mông, làm sao có thể đặt vào được.
Câu chuyện trên muốn nói với chúng ta rằng: Thật khó có thể hiểu hết về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là mầu nhiệm. Nhưng mầu nhiệm ấy không phải là cái gì không thể hoàn toàn không thể hiểu được gì hết. Mầu nhiệm Thiên Chúa là một cái gì đó chứa đầy ý nghĩa, cho dù cố gắng đến đâu, con người cũng không thể hiểu thấu đến ngọn nguồn. Tuy nhiên, câu chuyện trên không nhằm bào chữa cho sự lười biếng hoặc cho sự nông cạn của chúng ta không cố gắng để hiểu một chút gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa.
Cũng như chúng ta hoàn toàn có thể biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng lý trí của mình. Ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, một người có thể biết được mọi vật không phải tự nó mà có, vì chỉ có một mình Chúa mới là Đấng tự hữu.
Nhưng chúng ta sẽ biết rất ít về Thiên Chúa nếu như chúng ta không được Ngài mạc khải. Đặc biệt qua Thánh Kinh, chúng ta có thể biết về Thiên Chúa cách rõ ràng nhất. Và cũng từ Thánh Kinh, chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.
Và cũng nhờ Thánh Kinh, chúng ta học biết được Thiên Chúa là Đấng như thế nào. Như qua bài đọc I, chúng ta biết được Thiên Chúa là Đấng quảng đại, hay thương xót, chậm giận và giàu lòng tình thương và trung tín. Còn Tin Mừng thì nói cho chúng ta biết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đền nỗi đã ban Con Một Ngài cho thế gian để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.
Tất cả các bài Thánh Kinh hôm nay đều có chung một sứ điệp: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu”. Đây là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể biết được về Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt lành nhưng vì Ngài tốt lành. Sự hiên diện của chúng ta trong cuộc đời này là một dấu chỉ về tình yêu của Thiên Chúa. Và điều mà chúng ta gọi làTin Mừng chính là tình yêu không điều kiện mà Chúa đã dành cho chúng ta.
Và điều chúng ta có thể đáp trả với Ngài chính là biết đặt niềm tin vào Ngài và yêu thương anh em. Do đó, những gì mà thánh Phaolô đã nhắn nhủ với Tín hữu thành Côrintô cũng vẫn còn ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay: “Hãy giúp đỡ nhau, hiệp nhất với nhau, hãy sống trong bình an. Vì như thế, tình yêu và sự bình an của Thiên Chúa sẽ luôn ở cùng bạn”.
35. Huyền nhiệm tình yêu
Người ta thường hiểu một cách tiêu cực về chữ “mầu nhiệm”. Bất cứ điều gì người ta không hiểu, không vươn tới được thì cho rằng đó là mầu nhiệm. Thật ra điều đó cũng đúng được phần nào đó, nhưng đúng ra đó chỉ là hiện tượng của Mầu nhiệm. Chúng ta nên có cái nhìn và cách hiểu tích cực hơn về 2 chữ mầu nhiệm này nhân dịp chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm lớn lao và vĩ đại nhất đối với con người.
Mầu nhiệm được hiểu là một thực tại thuộc về Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì cao siêu vượt trên con người, nên con người không thể nào hiểu được hay nắm bắt được về Thiên Chúa. Nhưng chính Chúa Thánh Thần đến giúp cho con người phá vỡ hạn hẹp của mình và nâng cấp con người lên để họ có thể hiểu biết và tiếp cận cách nào đó với Thiên Chúa theo khả năng mà Chúa Thánh Thần ban cho họ.
Khi nói về mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, người ta thường nhắc về một giai thoại của thánh Augustinô khi ngài cố gắng tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chuyện kể rằng: Khi thánh Augustinô đi dọc theo một bờ biển để suy nghĩ và tìm hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì ngài gặp một em bé đang lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang trên bờ biển. Thánh nhân hỏi em bé rằng: “Em làm gì thế?” Em bé thản nhiên trả lời rằng:”Em đang múc hết nước biển đổ vào trong cái hang này!” Thánh nhân cười nhạo và nói với em bé rằng: “Em không bị tâm thần chứ? Làm sao em có thể dùng cái vỏ sò này để múc được hết nước biển chứ?”. Em bé trả lời: “có lẽ chuyện tôi làm sẽ dễ dàng hơn chuyện ông đang cố hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đó ông ạ”. Thánh nhân liền được giác ngộ.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tuy rất cao sâu nhưng cũng rất gần gũi với cuộc sống con người, cuộc sống của từng người chúng ta. Nói cách khác, Thiên Chúa Ba Ngôi chính là cuộc sống của con người. Bất cứ hoạt động nào của con người cũng chính là hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là nguyên nhân tác thành chính yếu trong mọi hành vi, mọi cử động, mọi suy tư của con người.
Linh mục Maurice Zundel đã nói về Thiên Chúa như sau: “Thiên Chúa là khi bạn tốt”. Như thế bất cứ khi nào chúng ta hành động ngay chính và thể hiện tình bác ái yêu thương thì lúc đó chúng ta trở thành phản ảnh trong suốt về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chúng ta có thể nói rằng: một vị Thiên Chúa đích thực chỉ có thể và phải là một Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Gioan tông đồ đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Một tình yêu trọn hảo và tròn đầy khi tình yêu đó hướng về người khác, trao ban trọn vẹn cho người khác… Thiên Chúa là Tình yêu vì Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha yêu Chúa Con, hướng về Chúa Con và trao ban trọn vẹn cho Chúa Con; Chúa Thánh Thần chính là nụ hôn tình yêu bền chặt và trọn hảo đó.
Trong cuộc sống hằng ngày, có một điều luôn khiến các bạn trẻ băn khoăn, đó là làm sao để không bị choá mắt bởi những ảo ảnh của tình yêu, làm cách nào để khỏi bị lừa dối bởi những ngọt ngào giả tạo để rồi phải vỡ mộng ôm lấy thương đau trong trường tình? Bài Tin mừng hôm nay sẽ gợi lên chúng ta một số tiêu chuẩn khi về những điều đó khi chúng ta cùng nhau ngắm nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.
1. Tình yêu đích thực là tình yêu hiến trao:
Thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Ngài”. Đây không phải chỉ là việc trao tặng một món quà hay một cái gì đó ở ngoài mình, nhưng là việc cho đi một điều thiết thân và quí báu. Điều quí báu nhất của Thiên Chúa Cha chính là Người Con Một của Ngài, là Đức Giêsu Kitô. Khi trao ban cho chúng ta Đấng bị treo trên Thập giá là Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta chính bản thân của Ngài. Ngài chấp nhận cho Ngài chịu chết để cho nhân loại được sống. Tình yêu chân thật chẳng hề biết giữ lại điều gì cho mình, nhưng là chia sẻ, là cho đi, là mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc.
2. Tình yêu đích thực làm phát sinh và khơi mào sự sống:
“Bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Sự sống đời đời đã bắt đầu ngay ở đời này. Con người đã được Thiên Chúa tình yêu đưa vào thế giới thần linh khi con người tháp nhập vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Con người được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn cho bất cứ ai phải hư mất hay bị trầm luân đời đời. Chính Chúa đã phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33,11). Nhưng nếu có ai phải chết hay bị hư mất thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác hay không muốn cứu sống họ nhưng vì họ đã dùng tự do của Thiên Chúa ban cho họ mà từ chối Thiên Chúa là nguồn sống muôn đời. Con người có thể dùng tự do của mình để mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban từ Thiên Chúa tình yêu.
3. Tình yêu đích thực còn phải là tình yêu chia sẻ:
“Thiên Chúa là Tình yêu ”, một tình yêu chia sẻ chan hoà giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha và chỉ sống vì Cha, Thánh Thần là sự hiệp thông giữa Cha và Con. Tình yêu ấy đã tràn ngập khắp cả vũ trụ nhân loại này. Thiên Chúa cũng chính là tình yêu sáng tạo khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài. Ngài là tình yêu cứu độ khi Ngài tha thứ tất cả cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Ngài cũng chính là tình yêu thánh hoá khi Ngài muốn ban cho chúng ta sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu và khép chặt lòng mình trước tình yêu của Thiên Chúa. “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8), và ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. Ga 4,16).
Ước gì cuộc đời của chúng ta được tới gội bởi tình yêu để mọi chúng ta làm đều bắt nguồn từ tình yêu và qui hướng về Tình yêu. Ước gì chúng ta làm chứng về Thiên Chúa tình yêu bằng một đời sống trao ban và chia sẻ. Amen.
36. Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi – R. Veritas
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
“Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta”. Đó là lời mở đầu của thánh lễ mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Các bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cả khi mạc khải cho các môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng không dạy tại sao Thiên Chúa duy nhất phải có ba ngôi. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất là trong bài diễn văn về việc hiện hình trong bữa tiệc ly vì sự hiện diện và tác động của từng ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan hiệp nhất giữa ba ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc đó cũng không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến chấp nhận và sống mầu nhiệm với hết lòng chân thành: “Ta và Cha Ta, chúng ta chỉ là một. Ai tuân giữa giới răn Ta truyền, thì chúng ta sẽ đến ngự trong người đó”. Và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 16,12-15 được dùng trong thánh lễ kính Đức Chúa Trời Ba Ngôi là những lời Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.
Vấn đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa, mà là sống mầu nhiệm về Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt được phần nào về Thiên Chúa, nhưng không thể nào biết trọn được cả. Sự việc đã xảy ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày hôm nay. Trí khôn con người hữu hạn, làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng. Nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ, như một trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Người sẽ đưa các con vào trọn cả trong sự thật.”
Mỗi ngày, chúng ta cần lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn chúng ta tiến sâu vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên Chúa. Đây là một sự khám phá vô cùng và mãi mãi không bao giờ ngừng cả khi chúng ta được đối diện với Thiên Chúa trong cõi đời đời.
Mỗi ngày, chúng ta càng được hướng dẫn hay để cho mình được hướng dẫn tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chúng ta càng trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, càng được thần thiêng hóa và trở nên giống Thiên Chúa hơn và đối xử với anh chị em chung quanh như chính Thiên Chúa muốn, càng được thấm nhuần trong mầu nhiệm Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa, thì chúng ta càng có tâm hồn quảng đại, mở rộng đón nhận anh chị em chung quanh và mời gọi họ trong mọi hoàn cảnh cụ thể. Đây là kinh nghiệm sống đức tin của những vị thánh mà không sự chứng minh hay giải thích nào của lý trí có thể đủ sức trình bày.
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, mà dấu Thánh Giá chúng ta mang lấy trên thân mình hàng ngày trước mỗi công việc quan trọng ban cho chúng ta được mỗi ngày một tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được ẩn mình trong Thiên Chúa, được biến đổi trong Thiên Chúa để sống trọn cuộc sống con người của mình trên trần gian này và mãi mãi trong cõi vĩnh phúc mai sau.
37. Ba Ngôi Hiệp Nhất
Anh chị em thân mến.
Một con tàu rời bến, nó đã được định hướng để đi đến một nơi nào đó. Nó muốn đi đến nơi an toàn, con tàu đó phải còn vững chắc, chiếc máy bên trong con tàu cũng phải được bảo đảm để làm lực đẩy cho con tàu. Nhưng nếu chỉ bao nhiêu đó thôi, thì con tàu vẫn nằm yên bất động và trở nên vô dụng vì nó không được sự hướng dẫn. Người hoa tiêu chính là linh hồn của con tàu, điều khiển cho con tàu đi đúng hướng cần thiết để đem lại lợi ích cho nhiều người. Nếu chỉ có người hoa tiêu mà không có con tàu, thì lấy gì mà điều khiển. Nếu chỉ có con tàu với cổ máy, cho dù có tốt như thế nào đi nữa thì nó cũng không hoạt động được. Nhưng nếu có con tàu, cổ máy và cả người hoa tiêu, mà người hoa tiêu lại không điều khiển nổi khi con tàu vận hành, để nó muốn đến đâu thì đến thì thật là một tai hoạ. Con tàu, cổ máy và người hoa tiêu cùng đồng nhất với nhau thì mới cho kết quả tốt.
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời”. Thiên Chúa yêu thương con người, ban cho họ làm chủ vũ trụ này, ban cho con người những gì cần thiết cho đời sống của họ. Nhưng con người không chịu vâng phục Thánh ý Chúa, con người muốn tách rời khỏi Thiên Chúa, nên con người đã đi mà không biết mình đi đâu. Thiên chúa không bỏ con người, nên sai con của Ngài đến trần gian, để những ai tin vào Con của Ngài thì đến được sự sống.
Tin là vâng nghe và hành động theo như những gì đã biết và đã được chỉ dạy. Tin là hành động theo sự hướng dẫn, chứ không phải ngồi yên mà chờ đợi.
Mừng lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, chúng ta nhận biết một điều: Ba Ngôi nhưng chỉ có một Chúa duy nhất, chính vì Ba mà là Một, nên Ba Ngôi chính là sự hoàn hảo và tốt đẹp mà con người được tận hưởng biết bao nhiêu điều tốt đẹp từ Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mỗi người trong chúng ta, đã nhận được biết bao nhiêu điều tốt đẹp, từ con người đến cuộc sống. Nhưng người hoa tiêu trên con tàu đời người của chúng ta, có điều khiển được con tàu cho đi đúng hướng, hay người hoa tiêu đanh phải chịu thua.
Mỗi người trong chúng ta nhìn lại chính mình, Thiên Chúa ban cho mỗi người một hoàn cảnh và những điều kiện thích hợp, để chúng ta được sống đến ngày hôm nay. Có những lúc chúng ta rất hài lòng về cuộc sống hiện tại, nhưng cũng có những lúc không hài lòng. Có những lúc chúng ta tự hào vì mình làm được nhiều việc tốt, nhưng nếu giờ này đây bình tâm nhìn lại, chúng ta cũng sẽ xấu hổ về những việc làm của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta thành công, được hạnh phúc, được lợi lộc, được mọi người ca tụng, những lúc đó, chúng ta chỉ biết tự hào về chính mình, nhưng được bao nhiêu lần chúng ta biết cảm tạ hồng ân Chúa, để tìm hiểu Thánh Ý Chúa và làm việc cho tốt hơn. Rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta kêu ca, phiền trách người khác sống không công bằng, không tốt, không xứng đáng; chỉ vì lý do họ không chịu đáp ứng nhu cầu mà chúng ta đòi hỏi. Có khi chúng ta phiền trách cả Thiên Chúa mà mình tôn thờ, vì Ngài không chịu nghe lời đòi hỏi của chúng ta.
Nếu trong cuộc sống đời thường, chúng ta biết suy nghĩ và tìm hiểu thánh ý Chúa, sau đó mới nói và hành động, thì thật hạnh phúc cho chúng ta. Khi đó, chúng ta đang sống trong mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay, Thiên Chúa đang hành động với chúng ta, Thiên Chúa là người hoa tiêu tài tình đang đưa con tàu chúng ta đến bến bình an.
Có những lúc, chúng ta không cần biết đến ai, chỉ cần thoả mãn chính mình, thoả mãn những ước muốn, cho dù ngay chính hay bất chính, chúng ta không cần biết. Chính vì thế, chúng ta rơi vào tình trạng cô đơn, trống rỗng, chới với giữa dòng đời, như con thuyền không định hướng. Những lúc đó, con tàu cuộc đời của chúng ta đã không theo sự hướng dẫn của người hoa tiêu, nên con tàu không biết đâu là bến bờ. Nếu những lúc đó, chúng ta biết chợt giật mình và để cho Chúa hướng dẫn thì thật là hạnh phúc cho chúng ta.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa Ba Ngôi hướng dẫn cuộc đời chúng ta biết luôn hiệp nhất trong Chúa, để những việc làm của chúng ta đem lại những kết quả tốt đẹp.
38. Trao ban tất cả vì yêu thương – Lm. Trần Ngà.
Kinh thánh (St 22, 1-18) cho biết: Sau nhiều tháng năm chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến trăm tuổi, Cụ Áp-ra-ham mới được diễm phúc sinh đứa con nối dõi tông đường. I-xa-ác chào đời đem lại niềm vui chan hoà cho Cụ Áp-ra-ham. I-xa-ác là lẽ sống, là cây gậy chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả của Cụ già trăm tuổi.
Thế mà Thiên Chúa truyền cho Cụ phải sát tế đứa con yêu để tế lễ cho Ngài.
Trời đất như quay cuồng sụp đổ khi Cụ Áp-ra-ham nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.
Phải ở trong hoàn cảnh của Cụ già trăm tuổi như Áp-ra-ham mới cảm nhận thấm thía nỗi đau thương và mất mát vô cùng lớn lao của một người cha phải sát tế đứa con một rất đỗi yêu quý của mình. Nếu không vì tình thương lớn lao đối với Thiên Chúa, Cụ Áp-ra-ham không thể nào thực hiện được sự hiến dâng đau lòng đó.
Cụ Áp-ra-ham sẵn sàng hi sinh tất cả vì Thiên Chúa là Đấng mà Cụ thần phục và mến yêu.
Nhưng Thiên Chúa chỉ thử lòng Cụ Áp-ra-ham thôi. Ngài không nỡ để cho một người cha phải gánh chịu nỗi đau thương lớn lao đến thế.
Trích đoạn Tin Mừng trong ngày lễ hôm nay cũng đề cập đến một người Cha khác đã thực hiện một sự trao ban triệu lần cao cả hơn.
Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm, vì không muốn cho muôn người phải lâm vào cảnh đau khổ trầm luân vì tội lỗi ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã trao ban Con Một vô cùng yêu quý của Ngài, để Con của Ngài chết thay cho nhân loại, để cho những ai tin vào Con Ngài thì được cứu sống và được sống muôn đời:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. (Gioan 3, 16-17)
Xưa kia, Thiên Chúa không nỡ để cho I-xa-ác phải chết dưới lưỡi dao run rẩy của Cụ Áp-ra-ham, không để cho thân xác của I-xa-ác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ để làm hy lễ cho Ngài, nhưng đã đến một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu quằn quại đau thương và chịu chết trên thập giá để đền cho hết tội lỗi chúng ta và ban lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang hay con chó trung thành liều chết để cứu mạng chủ cũng còn là điều dễ hiểu. Đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể đất trời lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người.
“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15, 13) và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
* * *
Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng.
Khi được Chúa Trời cao cả ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giêsu hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn cao dày đó?
Để đền đáp phần nào tình thương trời bể của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con Một mình cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giêsu đã trao hiến cho bạn và cho tôi, chúng ta hãy dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự, dù vạn lần nhỏ bé hơn. Đó là “hiến dâng thân mình chúng ta làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rôma 12, 1). Đó cũng là nguyện ước của chân phước An-rê Phú Yên hôm xưa: “đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình yêu đáp trả tình yêu”.
39. Lễ Chúa Ba Ngôi – R. Veritas
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Tại vùng Texas Hoa Kỳ, không ai lại không nghe lòng hào hùng của anh Biên, chủ một nông trại nuôi bò to lớn. Người ta gọi anh bằng một tên riêng đầy lòng kính trọng là ông Biên quảng đại, đến nỗi nhiều người không còn nhớ tên thật của anh là gì, mà chỉ biết tên anh là ông Biên quảng đại. Dù là người giàu có nhất vùng nhưng nếp sống của ông lại rất gần gũi với mọi người, từ người giúp việc cho tới những người láng giềng chung quanh.
Ông có một người con duy nhất, nhưng rủi thay trong một chuyến đi nghỉ cuối tuần, ông bị một tai nạn xe hơi làm cho vợ và người con duy nhất bị chết. Sau những ngày u buồn, một hôm đi dạo chơi gần nông trại, ông chợt gặp một đứa trẻ rách rưới và có vẻ đang bơ vơ. Ông gọi lại và hỏi thăm về gia đình, đứa bé không trả lời chi được về những câu hỏi của ông. Bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Mới sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi, nên từ đó em bé nay sống với người này, mai sống với người khác, lang thang đây đó. Em chỉ còn biết một điều là tên gọi của em: ai ai cũng gọi em là Jimmi, nên em biết tên mình là Jimmi. Ông Biên liền nhận đứa trẻ về nhà làm con nuôi và làm chúc thư, nếu ông qua đời thì tài sản ông sẽ dành cho Jimmi, người con nuôi mới nhận được.
Nhiều người bạn thân ngạc nhiên hỏi, tại sao ông làm như vậy?
Ông Biên trả lời: với một lý do duy nhất, là Jimmi giống hệt đứa con của tôi đã chết. Tôi thương nó vì nó giống con tôi, tôi nhìn thấy con tôi nơi nó.
Anh chị em thân mến,
“Tôi thương nó, vì nó giống hệt con tôi, tôi nhìn thấy con tôi nơi nó”. Câu nói này của ông Biên gợi lại cho chúng ta mối tương quan giữa tình thương của Thiên Chúa Cha với mỗi người chúng ta là đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa Cha đã yêu thương mỗi người, vì chúng ta đã lãnh nhận ơn cứu rỗi, được tái tạo giống hệt như Chúa Kitô, Con Một Ngài. Thiên Chúa Cha yêu chúng ta, vì Ngài thấy Con Một Ngài nơi mỗi người chúng ta.
Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta không mừng với lý trí muốn hiểu cho thấu đáo mầu nhiệm của mọi mầu nhiệm, là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi là Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần; nhưng hãy mừng với một con tim tin yêu chân thành, vì đã cảm nghiệm được Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chính mình.
Tình thương của Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa đã an bài vũ trụ, nâng đỡ cuộc sống con người và ban cho chúng ta sự sống. Tình thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mặc lấy thân phận con người đến cứu chuộc chúng ta, để làm sáng tỏ lại hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta, giúp chúng ta trở về nhà Cha an toàn. Tình thương của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ban ơn soi sáng, nâng đỡ, an ủi, giúp chúng ta sống trọn kiếp sống trần gian.
Mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được nhắc nhớ rằng, Thiên Chúa Cha, Con, Thánh Thần đã yêu chúng ta và chúng ta được mời gọi để đáp lại tình yêu thương ấy bằng một đời sống trổ sinh nhiều hoa trái tốt, xứng đáng con yêu quí của Thiên Chúa: “Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).
Chúa Giêsu đã mạc khải cho Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho thế gian, để tất cả những ai tin vào Người thì khỏi phải chết. Quả vậy, Thiên Chúa đã đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng nhờ Con của Ngài mà thế gian được cứu độ, ai tin sẽ được cứu; ai không tin thì đã bị lên án rồi” (Jn 3,16-18).
Lạy Chúa, xin ban thêm Đức Tin cho con để chúng con mỗi ngày được trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.
40. Chúa Ba Ngôi
Người Đông phương chúng ta thường thích giữ im lặng trước những mầu nhiệm của vũ trụ, của con người và nhất là của Thượng Đế.
Thực vậy, người Trung Hoa rất ít nói về trời, bởi vì họ cho rằng ngay cả những thực tại trần thế này, chúng ta còn chưa hiểu biết được cho thấu đáo, phương chi là những thực tại vô hình.
Người Ấn Độ thì có lẽ thích nói về Thượng Đế thật đấy, nhưng họ luôn tự nhắc nhở cho mình rằng những điều chúng ta biết được về Thượng Đế, thì cũng chỉ là như một chiếc lá giữa rừng cây bao la.
Trong khi đó, người Tây Phương, nhất là người Kitô hữu, có lẽ ít khiêm tốn hơn những người Ấn Độ và Trung Hoa, trong vấn đề này. Thực vậy, chúng ta có biết bao nhiêu sách vở viết về Thiên Chúa, biết bao nhiêu bài giảng bàn về Thiên Chúa và biết bao nhiêu định nghĩa về những tín điều.
Thế nhưng, phải thành thật mà nói: Kể từ thời thánh Augustino cho đến ngày hôm nay, chúng ta đã hiểu thêm được những gì về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi? Hay chúng ta cũng giống như những người lạc vào rừng, càng đi xa, càng vào sâu, thì lại càng cảm thấy mịt mù và tăm tối. Hoặc giống như người trong sa mạc, càng đi thì lại càng cảm thấy chỉ có cát và cát mà thôi.
Bởi thế hôm nay, khi mừng kính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thái độ thích hợp nhất đối với mỗi người chúng ta, đó là im lặng, khiêm tốn và thờ lạy.
Từ thái độ khiêm tốn và thờ lạy này, chúng ta đưa ra một cách thế để cảm nghiện được mầu nhiệm này, đó là tình yêu. Thực vậy, chúng ta không thể biết rừng, nếu đã chẳng biết cây. Cũng vậy, chúng ta không thể nào biết Thiên Chúa, Đấng chúng ta hằng kính mến, nếu chúng ta không yêu thương anh em đồng loại.
Và thật may mắn cho chúng ta vì không cần biết hết mọi thứ cây, thì mới hiểu được rừng. Cũng vậy, không cần phải nếm hết tất cả nước biển mới biết nước biển mặn, nhưng chỉ cần nếm một vài giọt mà thôi cũng đã đủ.
Cũng vậy, chúng ta không cần phải yêu thương tất cả mọi người trên thế gian, mới hiểu được tình yêu là gì? Và hiểu được chân lý Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta: Thiên Chúa là tình yêu. Đã hẳn Đức Kitô mời gọi chúng ta yêu thương tất cả mọi người, nhưng tất cả ở đây không có nghĩa về số lượng, bởi vì điều đó không thể nào thự c hiện được đối với chúng ta, nhưng Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta yêu thương những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống của mình, không ghét bỏ một ai, cũng chẳng loại trừ một ai.
Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa. Có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là điều quá cao vời, quá rắc rối. Chuyện hiểu biết mầu nhiệm này nằm ở trong lãnh vực chuyên môn của các nhà thần học, của các giám mục, linh mục và tu sĩ…Còn mình làm sao có thời giờ để mà học hỏi, có trình độ đâu mà dám múa rìu qua mắt thợ.
Nhưng chúng ta đâu có ngờ rằng: Trong lãnh vực này, có khi nhà thần học, cũng như giám mục, linh mục hay tu sĩ vẫn còn thua xa một bà già nhà quê, nếu như bà ấy biết yêu thương hết thảy mọi người.
Bởi vì, chuyện yêu thương không nhất thiết đòi hỏi một trí rộng tài cao, mà chỉ đòi hỏi một sự nhiệt tâm và chân thành mà thôi.
41. Thiên Chúa Ba Ngôi: tình yêu tuyệt hảo
“Biết làm sao định nghĩa được tình yêu?”. Có lẽ đây không chỉ là câu hát đầy thi vị trong lãnh vực tình yêu, mà còn là khắc khoải của từng người trong chúng ta. Thật thế, ai trong chúng ta cũng yêu và muốn được yêu. Tuy nhiên, không gì khiến chúng ta phải lúng túng cho bằng định nghĩa thế nào là tình yêu. Tình yêu quả thật là một mầu nhiệm. Tại sao chỉ có con người mới biết yêu? Có lẽ chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi này bằng chính mầu nhiệm của Thiên Chúa mà thôi.
Vào cuối đời mình, khi suy niệm về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thánh Gioan Tông Đồ đã phát biểu như sau: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây quả là công thức độc nhất vô nhị của Kitô giáo; trước và sau Kitô giáo, có lẽ không một tôn giáo hay một triết thuyết nào đã gọi Thiên Chúa là Tình Yêu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian”. Gọi Thiên Chúa là Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa vừa tỏ mình cho chúng ta một cách gần gũi, thân thiết, lại vừa là một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ hiểu thấu được. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã tỏ mình qua người Con Một của Ngài, Người Con ấy đã sống kiếp sống của con người và đã chết một cách đau thương nhục nhã để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu nào cũng muốn được bộc lộ, người yêu nào cũng muốn tỏ tình. Bằng cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thực sự tỏ tình với con người: Ngài đã tỏ tình và yêu thương cho đến cùng. Chính vì thế, Ngài đã sai phái Thánh Thần đến để khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần chính là Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa thông ban tình yêu của Ngài cho Giáo Hội, để Giáo Hội hiện diện như một dấu chứng tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Giáo Hội là tiếng tỏ tình của Thiên Chúa đối với con người.
Mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội muốn nhắc nhớ chúng ta chân lý ấy. Tỏ mình cho chúng ta, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng Ngài là Ba Ngôi Vị, Ngài là Tình Yêu. Đó là mầu nhiệm cơ bản nhất, từ đó Giáo Hội được xuất phát và xây dựng; Giáo Hội vừa là hình ảnh vừa là thể hiện Chúa Ba Ngôi. Nhưng mầu nhiệm Ba Ngôi không chỉ là nền tảng của Giáo Hội, mà còn là ánh sáng chiếu dọi vào bí ẩn của con người. Thật thế, chỉ trong Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mới hiểu rõ được ơn gọi và định mệnh của con người. Nếu Thiên Chúa là tình yêu và nếu con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, thì một cách tất yếu, con người chỉ thực sự là người khi biết yêu thương. Phẩm giá của con người được xây dựng trên chính tình yêu. Ai chối bỏ tình yêu, ai gieo rắc hận thù, người đó cũng chối bỏ con người và chối bỏ chính Thiên Chúa; trái lại ai sống trong tình yêu, người đó cũng sống trong Thiên Chúa.
Lễ Chúa Ba Ngôi không chỉ là một lời ca tụng tình yêu Thiên Chúa, mà còn là một tuyên xưng về phẩm giá con người. Thiên Chúa phú bẩm cho con người khả năng yêu thương; Ngài tỏ mình cho con người để con người cũng nhận ra được phẩm giá cao cả của mình. Mỗi ngày, từ lúc khởi đầu một ngày mới cho đến lúc trở lại giường ngủ, chúng ta không ngừng tuyên xưng mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa và phẩm giá cao cả của con người. Mầu nhiệm ấy gắn liền với Thập Giá Chúa Giêsu mà chúng ta vẽ trên người. Qua cái chết trên Thập Giá, không những Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ngài còn vạch ra cho chúng ta con đường đi vào mầu nhiệm ấy, đó là con đường của yêu thương. Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương cho đến giọt máu cuối cùng; Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy bộ mặt của Thiên Chúa; Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương.
42. Trí khôn và ý muốn
Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:
– Thượng đế là gì?
Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.
Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:
– Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta? Thượng đế là gì?
Bấy giờ ông ta mới ôn tồn trả lời:
– Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi.
Kể lại câu chuyện này, tôi cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.
Tất cả những gì chúng ta biết về mầu nhiệm này được gồm tóm như sau: Nơi Thiên Chúa có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cực thánh này đều có chung một bản tính, nên bằng nhau về mọi phương diện và chỉ làm thành một Thiên Chúa duy nhất.
Trong giây phút này, tôi chỉ xin chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ, đó là đứng trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta lại quá nhỏ bé đề mà hiểu thấu, nhưng con tim chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến.
Thực vậy, trí khôn chúng ta quá nhỏ bé để mà hiểu thấu. Tôi xin đưa ra một thí dụ: trước mặt chúng ta đây có ba cô, cô Quít, cô Mít, cô Cam. Đó là ba ngôi vị. Mỗi người có một bản tính khác nhau và làm thành ba con người riêng biệt. Đối với Chúa Ba Ngôi thì khác. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mặc dù là ba ngôi riêng biệt, những chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Đó là một mầu nhiệm không thể nào hiểu thấu, bởi vì trí khôn chúng ta quá nhỏ bé.
Hẳn rằng đã nhiều lần chúng ta được nghe mẩu chuyện về thánh Augustinô. Ngài là một vị thánh tiến sĩ trong Giáo Hội, đã viết nhiều cuốn sách có giá trị. Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài dừng chân và hỏi:
– Em làm gì thế?
Em bé bèn trả lời:
– Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.
Thánh nhân mỉm cười và nói:
– Làm sao tát hết được?
Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:
– Tôi làm việc này còn dễ hơn cái ảo vọng của ngài là muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.
Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này.
Thế nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.
Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng ngài. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Môi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi.
Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ to lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Vậy Ngài đã làm gì cho chúng ta? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta ngay khi chúng ta còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh háo chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.
Sau cùng, trái tim chúng ta cũng đủ to lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài sống trong chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta và chúng ta là đền thờ sống động của Ngài. Mỗi khi tâm hồn chúng ta sạch tội trọng, Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị và trao ban cho chúng ta sự sống thầm linh, sự sống ân sủng, nhờ đó, chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.
Hãy yêu mến Chúa Ba Ngôi, để rồi chúng ta sẽ được chiêm ngắm Ngài nhãn tiền, mắt đối mặt trong niềm hạnh phúc đời đời.
43. Dấu Thánh Giá
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để bắt đầu bài chia sẻ này. Không phải riêng tôi mà tất cả mọi Kitô hữu đích thực, khi làm một việc gì đều muốn làm trong ý nghĩa đó, tức là mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta luôn làm dấu thánh giá. Một nhà văn Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, Ông Tertulianô đã viết: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Lời khuyên đó cho thấy việc làm dấu thánh giá đã có ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Phaolô cũng thường mở đầu và kết thúc các thư của ngài một cách tương tự: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.
Người Kitô hữu biểu lộ thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn vinh Chúa. Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ thầm nguyện ở trong lòng mà không làm dấu thánh giá bên ngoài. Nhưng cách này hay cách kia, chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Đặc biệt hôm nay chúng ta đề cập đến dấu thánh giá để nói về Chúa Ba Ngôi, để nói lên lòng chúng ta tin nhận một Thiên Chúa độc nhất có Ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Trước hết, chúng ta phải nói ngay: Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng vĩ đại nhất của đạo Công giáo: một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa mà con người không có quyền cũng như không có khả năng đạt tới, chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết mà thôi. Bởi vì mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm về đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, tức đời sống yêu mến của Thiên Chúa, cho nên chỉ được mặc khải trong thời Tân Ước, là thời yêu mến, và do chính Con Một Thiên Chúa là hình ảnh, là tình yêu của Đức Chúa Cha.
Đại khái mầu nhiệm ấy được diễn tả như sau: Chúa Cha chiêm ngưỡng chính mình thì có một hình ảnh, một ý nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý nghĩa, hay kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Thế rồi hai ngôi chiêm ngưỡng và yêu nhau làm phát xuất ra một mối tình hay một tình yêu. Tình yêu đó là chính Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần.
Khó hiểu quá phải không? Đúng vậy, mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu và mãi mãi vẫn là khó hiểu. Chúng ta biết được như thế là do chính Chúa Giêsu đã mặc khải, các tông đồ đã truyền dạy và cả Giáo Hội không ngừng tuyên xưng như vậy. Giáo Hội toàn cầu đã nhóm họp nhiều công đồng để xác định rõ đức tin của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi. Các Công Đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công đồng Ni-xê-a năm 325, Công Đồng Constantinopoli năm 381, công đồng Latran IV năm 1215, công đồng Lion II năm 1274, công đồng Floren năm 1439.
Mầu nhiệm Ba Ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt: từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời. Trong đời sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết rồi, biết bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và tôn kính.
44. Ba Ngôi
Trong thánh lễ ban phép Bí tích Thêm sức, Đức Tổng Giám mục hỏi một ứng viên định nghĩa Ba Ngôi Thiên Chúa là gì. Một bé gái 14 tuổi nhỏ nhẹ trả lời: “Thưa Ba Ngôi Thiên Chúa là Ba Ngôi trong một Thiên Chúa”. Đức Tổng giám mục đã lớn tuổi, nặng tai, nghe không rõ, bèn hỏi lại: “Cha không hiểu con nói gì?” Vị linh mục giúp lễ cho ngài là một nhà thần học bèn trả lời: “Thưa Đức cha, Đức cha không cần phải hiểu. Ba Ngôi là một mầu nhiệm!”
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết rằng mình không thể hiểu được, vì đó là một mầu nhiệm. Nhưng cũng biết chắc rằng chúng ta đang sống mầu nhiệm đó. Ai cũng sống trong dòng đời, nhưng mấy ai đã hiểu được cuộc đời. Ai cũng cảm được dòng nhạc hay, nhưng lại không thể lấy được cái hay đó ra cho người khác xem!
Tách ra khỏi dòng sông, con cá sẽ chết. Biệt lập ra khỏi dòng đời, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Lẩy ra một nốt nhạc, nó chỉ là một âm thanh trơ trọi, không còn là một bài ca. Một vũ khúc được liên kết bởi các cử điệu trong sự liên tục trôi chảy và nhịp nhàng. Đó chính là những hình ảnh sống động giúp ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Có một cuốn sách tuyệt hay với tựa đề “Flow” – “Sự Trôi Chảy” của Mihaly Csikzentmihalyi, giáo sư tâm lý học trường Đại học Chicago. Tác giả đã trình bày những kết quả của việc nghiên cứu nhằm xác định một cách chính xác câu hỏi: “Điều gì làm cho con người hạnh phúc?” Sau khi thử nghiệm và phỏng vấn hàng trăm người trong nhiều năm, giáo sư đã đi đến kết luận rằng con người cảm thấy hạnh phúc nhất khi chúng ta sống “trong sự trôi chảy”.
Qua lời khẳng định này, tác giả muốn nói đến khả năng tự làm mất đi cái bản ngã của mình để hòa điệu vào cái khác hay người khác, hy sinh cuộc đời mình cho một người, một công trình, hay một hoạt động, nhẩy ra khỏi sự hạn hẹp của cái tôi chủ quan để hòa mình vào dòng suối cảm nghiệm của cuộc đời.
Sống “trong sự trôi chảy” có thể thực hiện dưới vô số những hình thức: leo núi, đánh cờ, nghe nhạc, hàn huyên trong câu chuyện gẫu, đắm chìm vào trong cuốn tiểu thuyết trinh thám, hay hăng say làm việc giúp đỡ người nghèo. Bất cứ cái gì thúc đẩy chúng ta ra khỏi bản thân mình, bất cứ cái gì làm cho chúng ta ngây ngất, hay tạo nên hoan lạc có thể được coi như “trong sự trôi chảy”. Đồng thời, khi chúng ta bị ngã bật ngửa ra, qua sự chán chường hay lo âu, khi chúng ta tê cóng lại thay vì chuyển động trôi chảy, chúng ta trở nên bất mãn, không hạnh phúc.
Đối với người Công giáo thì chẳng có gì ngạc nhiên, vì chúng ta ngầm khẳng định cái kinh nghiệm nội tâm này và biểu tỏ ra một cách sâu xa mỗi khi làm dấu thánh giá. Tôi tự hỏi chúng ta có thường ý thức rằng Thiên Chúa mà chúng ta thờ phượng không phải là một tĩnh vật bất động nhưng là một tập thể của những ngôi vị linh hoạt và năng động: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
Từ nguyên thủy, Đức Chúa Cha, nguồn thần tính vô tận và phong phú, biểu tỏ qua Chúa Con, một cuộc hành trình đi ra khỏi chính mình trong kiến thức và tình yêu. Và Đức Chúa Con, từ nguyên thủy tự cho phép mình được phát biểu và rồi trở về với Đức Chúa Cha trong hoan lạc. Trong tình yêu hỗ tương, sự chia sẻ thân mật sâu xa của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là Đức Chúa Thánh Thần.
Diễn tả theo ngôn ngữ gợi cảm của thánh Bernard of Clairvaux: Đức Chúa Cha là người hôn, Đức Chúa Con là người được hôn, và Đức Chúa Thánh Thần chính là nụ hôn mà Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con chia sẻ với nhau. Thiên Chúa của chúng ta là một sự nhịp nhàng, một vũ khúc, một dòng sông, một dòng đời. Bản chất của Đức Chúa Cha là hướng về người khác, là đi ra khỏi chính Ngài. Bản tính của Đức Chúa Con là quên mình, trong khi bản tính của Đức Chúa Thánh Thần là yêu thương và được thương yêu.
45. Ba Ngôi
Thiên Chúa không phải là Đấng cực kỳ cao cả đến nỗi Ngài “cứ để” mình biệt lập trong sự cao cả. Nhà thần bí học Pseudo Dionysius đã nói rằng sự tốt lành có tính cách lan truyền ra khỏi nó. Sự tốt lành không có khuynh hướng tự nghỉ yên nơi chính mình, nhưng tuôn tràn ra với những cảm giác vui sướng. Khi một người nào đó đang hân hoan vui sướng, họ không rút vào phòng để chiêm niệm cho riêng mình. Trái lại, họ thường có khuynh hướng đi ra ngoài, nói cười nhẩy nhót và vui mừng hân hoan với người khác, để chia sẻ cái họ đã tìm thấy. Do đó, Thiên Chúa của chúng ta đầy đủ sự tốt lành, không thể chỉ giữ lại cho riêng Ngài.
Xưa kia thánh Tôma Aquino cũng đã được hỏi rằng Thiên Chúa làm gì suốt ngày, và vị tiến sĩ Hội Thánh đã trả lời: “Ngài vui thích với chính Ngài”. Dĩ nhiên, câu trả lời vắn tắt gọn gàng này hoàn toàn phù hợp với những kết quả tìm kiếm được của Csikzentmihalyi: “Thiên Chúa Ba Ngôi luôn luôn trong sự trôi chảy nhịp nhàng”.
Vũ khúc tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa quá mãnh liệt và tốt lành đến độ đã tuôn chảy tràn lan qua hành động sáng tạo vĩ đại của Ngài. Công đồng Vatican I đã diễn tả rằng Thiên Chúa đang làm chính mình trở nên khác để chia sẻ nguồn vui và sự hoàn thiện của Ngài. Vũ trụ lạ lùng là một bằng chứng cho thấy cái khuynh hướng về người khác của Đấng tạo Hóa, một khuynh hướng không thể nghỉ yên nơi Chính Mình. Thế nhưng, ngọn lửa hoan lạc của Ba Ngôi vẫn chưa được diễn tả một cách đầy đủ chỉ trong sự sáng tạo. Thay vào đó, một hình thức đẹp đẽ với vẻ rực rỡ vinh quang của nó đã được ban cho trong một hành động chưa từng nghe đến của Sự Nhập Thể, một bước nhảy vọt, qua đó Thiên Chúa trở nên một tạo vật. Trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy trước mắt một chuỗi những biến cố về sự tuôn tràn của Ba Ngôi Thiên Chúa được trình bày:
Đức Chúa Cha sai Đức Chúa Con đi vào hữu hạn, xác phàm, tội lỗi và sự chết, vào tất cả những cái đang đe dọa và làm chúng ta khinh khiếp, bằng cách mở trái tim của Thiên Chúa ra qua một sự vươn tới của tình yêu. Rồi, trong Đức Chúa Thánh Thần, Đức Chúa Con lại trở về với Đức Chúa Cha, mang theo với Người tất cả thụ tạo. Vũ khúc đã xảy ra từ nguyên thủy, trong niềm hoan lạc đó thế giới đã được tạo dựng, hình thành trong Đức Kitô, với thịt và máu của Người.
Đây là Thiên Chúa mà chúng ta biết. Đây là Thiên Chúa tạo dựng và duy trì chúng ta trong hiện hữu. Đây là Thiên Chúa chúng ta cử hành khi làm dấu thánh giá. Do đấy, chúng ta không ngạc nhiên rằng nguồn vui sâu xa nhất của chúng ta đến từ việc sống “trong sự trôi chảy nhịp nhàng”, vì trong tình yêu hoan lạc mà chúng ta trở nên giống với “Vũ Khúc của Ba Ngôi” nhất.
46. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một. Bài Phúc âm chỉ mới cho biết Thiên Chúa và Con.
Còn Chúa Ba Ngôi? Nội dung chính của ngày lễ hôm nay là Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa tự thân (in se) là một. Là tín điều chắc chắn. Nhưng trong hoạt động ad extra thì Thiên Chúa tỏ ra là ba. Nên thần học tín lý có thesis: Thiên Chúa là một và ba (Deus unus et trinus).
Mạc khải duy nhất trong Phúc âm về Chúa Ba Ngôi đầy đủ là Mt 28,19: Làm phép rửa cho họ “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. Không phải Thiên Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là ba chứ không là ba Chúa. Thiên Chúa duy nhất (in se) nhưng khi hành động (ad extra: xuất ngoại) thì được nhận biết là ba.
Thiên Chúa duy nhất: chỉ có một Thiên Chúa.
Nhưng Thiên Chúa là actus purus (là thuần-hoạt- động) nên Người phán (nói) lời. Lời được gọi là con: Thiên Chúa sinh con. Là Thiên Chúa nhưng khi sinh con thì là Cha. Con thì là một với cha, đồng hiện hữu, đồng bản tính (natura divina). Cha là người thì con là người. Nên Ga khẳng định “Lời cũng là Thiên Chúa” (không là một Thiên Chúa khác mà là cùng một bản thể với Thiên Chúa duy nhất).
Từ khởi nguyên “Thiên Chúa phán một lời” thì mọi sự liền có. Một lời duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa: Thiên Chúa chỉ phán một Lời-Con một. Lời ở trong Thiên Chúa đồng hiện hữu với Thiên Chúa. Là Lời vỉnh cữu. Phúc âm Ga khởi đầu như vậy đó.
Sách sáng thế còn có câu “Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên nước”. Công thức tạo dựng là “Thiên Chúa phán một lời và Thần Khí bay là là trên nước”. Nước cũng được dùng chỉ Thần Khí của Thiên Chúa, tượng trưng cho sự sống. Nước có trước hết vì là Thần Khí gắn liền với Lời.
Mặc dù không rỏ ràng lắm. Nhưng từ khởi nguyên cũng đã hé mở “Thiên Chúa là ba”: Cha- Con – Thánh Thần.
Nhưng tạo dựng quá mênh mông “l”univers est illimité” không đủ là bằng chứng cho sự nhận biết Thiên Chúa nên Thiên Chúa chỉ được nhận biết là Trời, ông trời, Thưọng Đế…. Cần có thêm mạc khải đặc biệt là kế hoạch cứu độ. Lời làm người cùng với Thần Khí (xức dầu) để Lời được sống (đời sống Đức Giêsu) và được dạy (Đức Giêsu rao giảng), các tông đồ giải thích, áp dụng cụ thể, thực tế rồi được chép trong Phúc âm. Lời được ban rồi. Để kích hoạt Lời Thiên Chúa còn phải ban Thần Khí. Đức Giêsu đã hứa và khi đến với các tông đồ chiều ngày Phục Sinh Người thổi hơi vào các ông và nói “hãy nhận lảnh Thần Khí” và ngày lễ Ngủ Thuần Thánh Thần đã Hiện Xuống với hình lưỡi lửa kết thúc quá trình ban Thần Khí. Thần Khí lộ diện. Đức Giêsu kết thúc lời giảng bằng “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tiếng Việt thì hơi phiền vì có người muốn “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các ngôn ngữ khác đều “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Nhưng Thánh Thần đã lộ diện rõ ràng để được nhận biết cách minh nhiên. Thánh Thần hiện xuống bằng gió mạnh, lưỡi lửa đốt đầu thanh tẩy ký ức trong đầu các tông đồ để các ông làm chứng. Chính con người được Thánh Thần biền đổi lạ lùng toàn diện của các ông là bằng chứng đi đầu rồi tới sự rao giảng khôn ngoan, lợi khẩu và những dấu lạ lớn lao kèm theo “lời các ngài có quyền năng”.
Thiên Chúa là Cha, nguồn gốc, căn bản. Lời mạc khải “Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi ban Con một”. Lời được sai đến thế gian để mạc khải Thiên Chúa. Thần Khí chứng minh Thiên Chúa yêu “ban ơn” biến đổi làm cho con người trở nên con Thiên Chúa.
Thiên Chuá yêu thế gian đến nổi ban con một và ban luôn Thần Khí để trở thành nghèo vì đã cho hết. Chỉ còn lại danh hiệu là Cha và là Tình yêu. Nhưng như vậy mà Thiên Chúa được nhận biết và được đáp trả bằng yêu mến.
Đó là Lời Chúa (mạc khải).
47. Tình yêu
Một người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền nếu cô bé xén sạch đám cỏ trước nhà.
Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gàng – ngoại trừ một mảng cỏ tí tẹo còn sót trong góc sân.
Ông bố nói rằng ông không thể trả số tiền đã thỏa thuận, bởi vì đám cỏ chưa được cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không cắt nốt mảng cỏ còn sót kia.
Tò mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hóa ra, ở giữa chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.
Thiên Chúa là tình yêu. Người đã dựng nên con người cao trọng hơn các loài thụ tạo. Nhưng con người lại bất trung phản bội. Vì yêu thương Thiên Chúa đã không nỡ hủy diệt, lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người. Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hóa cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về hưởng vinh quang Nước Trời. Đó là mầu nhiệm tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thương dành cho con người. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của Tình Yêu.
Chỉ những ai sống yêu thương mới được ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chỉ những ai thực thi đức ái mới sống trọn ơn gọi làm con Thiên Chúa.
Chỉ những ai biết sống trao ban mới tìm được nguồn vui đích thực trong Thiên Chúa Tình Yêu.
Nếu Thiên Chúa đã hiến trao con Một của Người để người Con ấy phải chết và để nhân loại được sống, lẽ nào người tín hữu còn sống ích kỷ để giữ lại cho riêng mình những hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường.
Nếu Thiên Chúa đã muốn chia sẻ hạnh phúc của Ba ngôi, là không muốn cho con người phải chết nhưng được sống hạnh phúc muôn đời, lẽ nào chúng ta đành khép lại con tim để chối từ chia sẻ trao ban.
Được dựng nên theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, nên ơn gọi đích thực của con người chính là ơn gọi sống yêu thương.
Được cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô, nên lẽ sống của người Kitô hữu chính là tha thứ trong yêu thương.
Được thánh hóa bằng sức sống của Thánh Thần, nên cứu cánh của người tín hữu là phải nên thánh nhờ sống yêu thương.
Nhìn mầu nhiệm Ba Ngôi từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình yêu. Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa”. Chỉ những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, mới được ở lại trong Thiên Chúa. Chỉ những ai dám tự hiến và trao ban cho anh em mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình Yêu.
48. Chúa Ba Ngôi và dấu thánh giá
(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Ngày lãnh nhận làn nước bí tích Rửa tội, dấu Thánh giá được ghi vẽ trên trán em bé. Hằng ngày lúc thức dậy, lúc ăn cơm, trước khi đi ngủ, người tín hữu Chúa Ki-tô đều làm dấu Thánh giá trên mình. Khi làm dấu Thánh giá họ cầu xin sự chúc phúc lành của Thiên Chúa cho đời sống.
Nhưng đâu là ý nghĩa của dấu thánh giá ở ba nơi trên thân thể?
Làm dấu thánh giá tay ta đụng chạm ba nơi trên thân mình: trán, miệng và ngực.
Nơi ba phần thân thể đó tỏa chiếu ba sức lực khả năng khác nhau:
– Nơi trán là chỗ của trí khôn suy nghĩ hiểu biết.
– Nơi môi miệng là vị trí của nói năng
– Nơi ngực là nơi chốn của cảm giác của tình yêu mến.
Ba khả năng sức lực khác nhau, nhưng trên cùng một thân thể của một cá nhân suy nghĩ, nói năng và cảm nhận yêu mến.
Chúa Ba ngôi có ba đấng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là một Chúa thôi.
– Khi đọc lời kinh: “Nhân danh Cha” chúng ta đưa tay lên trán, chỗ của trí khôn suy nghĩ. Khi làm điều gì, ngay từ khởi đầu ta đều suy nghĩ cân nhắc. Qua hành động đó, ta muốn tôn vinh Chúa Chúa bằng cung cách đặc biệt là chúng ta con người đắn đo suy nghĩ về sự sống con người do Chúa tạo thành ban cho, và cố gắng suy nghĩ cho đúng đắn ngay chính. Đích điểm ta muốn đạt tới là Chúa Cha, người ở trên cao nơi chốn của trí khôn suy nghĩ.
– Lúc đọc lời kinh “và Con” , tay ta đưa qua môi miệng. Cử chỉ này muốn nói lên: con người chúng ta muốn khai mở chính mình qua Lời nói: Ngôn ngữ lời nói là nhịp cầu đi tới với nhau, và thông truyền tin tức cho nhau. Trong cuộc nói chuyện ta trao đổi với nhau và làm giầu cho nhau qua trao đổi lời nói.
Trong Phúc âm Thánh Gio-an, Chúa Giê-su được gọi đặt tên là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Khi con người qua môi miệng nói sự tốt lành thánh đức, những lời thân thiện đầy bác ái tình người là một cách tôn kính vinh danh Chúa Giê-su rồi.
Thánh Phê-rô đã bộc trực nói lên tâm tư của mình với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống” (Ga 6,68).
– Đưa bàn tay xuống nơi ngực đang khi đọc “và Thánh Thần” , nơi chốn vị trí của trái tim về sự cảm nhận, lòng yêu mến. Chúa Thánh Thần là ân đức của tình yêu mến, nên đưa bàn tay xuống ngực cùng kêu cầu người ngự xuống, thật là điều phải đạo chính đáng.
Trái tim con người là trung tâm lọc chuyền máu đi nuôi các cơ quan trong thân thể, và cũng là nơi chốn sức lực của cảm nhận, của tình yêu mến cùng lòng ao ước mong chờ. Tất cả những cảm tình sâu thẳm và sự cảm động đều đi vào trái tim và phát xuất từ trái tim đi ra bên ngoài.
Đức Chúa Thánh Thần trao tặng con người chúng ta sự sống và tình yêu mến. Điều này là thiết bị căn bản khiến thân thể ta trở nên ngôi nhà Chúa Thánh Thần.
Dấu Thánh Giá là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba ngôi.
Dấu Thánh giá là một chương trình cho ngày sống của con người buổi sáng, buổi chiều, lúc ăn uống cùng cả khi đi đường, lúc đứng qùy hay nằm trên giường nữa.
Làm dấu Thánh giá trên thân thể là lời cầu nguyện , đồng thời cũng là chúc lành cho chính mình cùng cho ngưòi khác nữa.
49. Đền thờ Thiên Chúa – Lm. Minh Vận, CRM
Trong Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta tuyên xưng: “Vì cùng với Con Một Chúa và Chúa Thánh Thần, Chúa là Thiên Chúa và Chủ Tể duy nhất, duy nhất không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể… Để khi tuyên xưng thiên tính chân thật và hằng hữu của Chúa, chúng con tôn thờ Ba Ngôi riêng biệt, một bản thể duy nhất và một uy quyền như nhau”.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao cả và quan trọng nhất trong Đạo, không phải do trí khôn nhân loại bày đặt ra, nhưng là do Chúa là Đấng chân thật vô cùng đã mạc khải cho chúng ta trong Thánh Kinh. Mầu nhiệm đó vượt quá trí khôn thụ tạo, nhưng là một chân lý vĩnh cửu, do thế giá của Đấng chân thật vô cùng đã mạc khải và Giáo Hội truyền dạy chúng ta phải tin. Mà theo Thánh Phaolô dạy: “Đức Tin là bảo đảm những điều chúng ta hy vọng, là bằng chứng thực tại những điều chúng ta không thấy” (Heb 11.1). Thánh Gioan Thánh Giá cũng dạy chúng ta tin khi ngài nhắn nhủ: “Hãy nghe lời cốt yếu và đầy chân thật mà giác quan không thể chạm tới. Hãy tìm lời đó trong Đức Tin và trong tình yêu mến, con đừng tìm vui thỏa, mãn nguyện trong bất cứ thụ tạo nào”.
Người vô tín ngưỡng không tin những điều không trông thấy và khoa học không giải thích được. Nếu vậy thì vô vàn điều tự nhiên nơi trần gian này khoa học vốn không giải thích được mà nó vốn là một sự thật không ai có thể chối cãi được thì sao.
Ví dụ: Nếu chúng ta hỏi các nhà khoa học: Điện khí là gì và tại sao điện khí có nhiều công hiệu khác nhau, đôi khi lại tương phản nhau, như cùng một dòng điện, tại sao khi nó làm cho bàn ủi nóng, lúc nó lại làm cho tủ lạnh tỏa hơi lạnh giúp cho người ta giữ các đồ ăn khỏi hư hỏng? Chẳng ai thấy được hình thù sắc thái của điện khí ra sao, nhưng cứ lắp bóng đèn vào là đèn liền được thắp sáng, bật công tắc máy quạt, máy quạt liền quay, bấm nút máy télévision, máy télévision liền phát tiếng nói và xuất hiện hình ảnh… Còn biết bao điều tương tự như thế, dù các nhà khoa học có dùng sự khôn ngoan thông thái của mình cũng không thấu hiểu và giải thích thỏa đáng được, nhưng nó vốn là một sự thật không ai chối cãi được.
Vậy trong lãnh vực tự nhiên mà các nhà khoa học còn không thể hiểu hết, thì trong lãnh vực siêu nhiên, con người dùng trí khôn thụ tạo hữu hạn của mình đòi hiểu thấu thế nào được? Đúng như lời nhà khoa học Paul Termien đã thú nhận: “Khoa học đi liền với bất khả tri” và ông còn nói tiếp: “Khoa học khơi gợi bí nhiệm, hơn là giải thích bí nhiệm”.
Chúng ta hãy lấy lòng khiêm nhượng tin phục và thờ kính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà Chúa đã tỏ cho chúng ta và chúng ta tuyên xưng Đức Tin đó như Giáo Hội Công Giáo đã truyền dạy.
I. MẶC KHẢI MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
Nếu tìm hiểu Cựu Ước, chúng ta sẽ thấy lời Chúa mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, ngay lúc Chúa tạo dựng nguyên tổ Adam Evà như lời Ngài phán: “Chúng Ta hãy tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúng Ta” (Gen 1:26). Khi Chúa muốn phá hủy cái dự tính kiêu căng của loài người muốn xây tháp Babel cao ngất tận trời xanh để ghi danh muôn thuở, Chúa cũng phán dạy: “Chúng Ta hãy xuống, để làm cho tiếng nói của chúng ra lộn xộn, không hiểu nhau được nữa” (Gen 11:7). Rồi khi Thiên Chúa hiện ra với tổ phụ Abraham dưới hình ảnh ba chàng thanh niên tuấn tú giống hệt nhau, khiến cụ tổ hiểu rằng: Cả ba vị chỉ là một, nên cụ đã sụp lạy một Vị trong Ba (Gen 18:1-10).
Trong Tân Ước, chính Chúa Kitô đã mạc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi khi truyền cho các môn đệ đi rao giảng Nước Trời cho muôn dân: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28:19). Khi Chúa Kitô vừa lên khỏi bờ, sau khi chịu phép rửa bởi Gioan dưới sông Jordan, Chúa Thánh Thần lấy hình ảnh Chim Bồ Câu hiện xuống đậu trên đầu Ngài và đồng thời có tiếng Chúa Cha từ trời tuyên phán: “Đây là Con Cha yêu dấu, Con làm vui thỏa lòng Cha” (Mt 3:17). Rồi khi khác, Chúa Kitô lại phán với các môn đệ: “Nếu các con yêu mến Thầy, hãy vâng giữ lệnh Thầy truyền, Thầy sẽ nài xin Chúa Cha sai Đấng An Ủi đến ở cùng các con mọi ngày” (Jn 14:15)… và còn nhiều dịp khác nữa, Chúa đã mạc khải cho chúng ta được nhận về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và tình yêu thương Chúa dành cho mỗi người chúng ta.
II. NGHĨA VỤ PHẢI CÓ ĐỐI VỚI CHÚA BA NGÔI
Chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội tuyên xưng niềm tin vào Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, đồng thời chúng ta cảm tạ Chúa, vì muôn việc kỳ diệu Chúa đã thực hiện vì yêu thương chúng ta. Thiên Chúa Ngôi Cha đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh Chúa, cho chúng ta được tham dự vào bản tính Ngài. Sau khi nguyên tổ phạm tội chống lại thánh lệnh Chúa, Thiên Chúa Ngôi Con đã mặc xác thể của bản tính nhân loại để chịu chết, nên giá cứu chuộc và phục hồi quyền làm con Thiên Chúa cho chúng ta. Thánh Thần Ngôi Ba được Chúa Cha và Chúa Con sai đến để thánh hóa chúng ta, áp dụng Ơn Cứu Chuộc, giúp chúng ta được hưởng nhờ ơn Chúa ban để sống xứng đáng ơn gọi làm con Chúa.
Khi lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, chúng ta được phục hồi ơn làm con Chúa, sống trong tình trạng ơn nghĩa với Chúa và được hưởng tình yêu thương của Người, không những như một thụ tạo với Đấng Tạo Hóa, mà còn như một người con ngoan thảo đối với Cha Nhân Từ, mà còn hơn nữa như một người bạn tâm phúc với Người Yêu muôn thuở.
Chúng ta hằng được Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta, Chúa ngự ở đấy như Thiên Đàng hạnh phúc của Người, như chính lời Chúa đã phán: “Hạnh phúc của Ta là ở giữa con cái loài người”. Chính Thánh Phaolô để minh xác cái diễm phúc đó khi ngài viết: “Anh em là Đền Thờ Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần” (I Cor 3:16).
Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta, để nên nguồn an vui hạnh phúc, nên niềm an ủi nâng đỡ, nên Đấng Phù Trợ soi sáng, hướng dẫn và tăng sức mạnh cho chúng ta, giúp chúng ta được dũng cảm vượt qua mọi trở ngại, chiến thắng mọi địch thù trên đường lữ hành tiến về Quê Trời và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu Chúa sắm sẵn cho con cái trung thành ngoan thảo của Chúa, và nhất là chiếm được chính Chúa là gia nghiệp đời đời, là thác nguồn mọi hạnh phúc của chúng ta.
Vậy chúng ta phải có nghĩa vụ nào đối với Chúa Ba Ngôi, là Vị Thượng Khách hằng ngự trong tâm hồn chúng ta? Chúng ta đừng để Chúa phải cô đơn, chúng ta hãy năng tưởng nhớ đến Người, hãy năng dâng lên Chúa lòng tôn thờ, yêu mến, tri ân và nhất là đừng bao giờ cố tình phạm tội trọng xúc phạm đến Người. Vì phạm tội trọng là xua đuổi Cha Ba Ngôi ra khỏi tâm hồn và rước Satan vào làm chủ và thống trị linh hồn mình thay Chúa.
Kết Luận
Ôi Maria, xin Mẹ giúp chúng con, được hiểu biết giáo huấn của Chúa Giêsu Con cả yêu dấu của Mẹ, đã mạc khải Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi cho chúng con, để chúng con biết quí trọng và gìn giữ ơn cao cả Chúa ban là được Chúa Ba Ngôi hiển ngự trong tâm hồn chúng con như Đền Thờ và Thiên Đàng của Người.
Xin cho chúng con năng tưởng nhớ, năng thăm viếng và tâm sự với Chúa, nhất là giữ tâm hồn chúng con được luôn trong sạch thánh thiện, để chỉ phụng sự yêu mến và làm hài lòng Chúa.
50. Suy niệm của Đaminh M. Cao Tấn Tĩnh, BVL
“Thiên Chúa yêu đến ban Con Một Mình”
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Nơi Phụng Vụ
Mở đầu cho Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh bao giờ cũng có ba Lễ Trọng liên quan đến chủ đề “Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh” của cả thời đoạn phụng vụ này. Trước hết là Chúa Nhật tuần vừa rồi, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đấng ban sự sống, như Kinh Tin Kính tuyên xưng. Chúa nhật hôm nay là Lễ Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch phát sinh sự sống. Chúa Nhật tuần tới là Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô, phương tiện hay bí tích thông ban sự sống. Riêng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi tuần này, căn cứ vào việc sắp xếp ba bài Phúc Âm cho ba chu kỳ phụng vụ A, B và C, chúng ta thấy Giáo Hội muốn bày tỏ toàn diện Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là Nguồn Mạch Phát Sinh Sự Sống, căn cứ đúng theo như thứ tự lời Thánh Phaolô chào chúc tín hữu Côrintô trong bài đọc hai của Năm A hôm nay: “Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Thiên Chúa và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em”.
Thật vậy, ở chu kỳ Năm A, chu kỳ theo Phúc Âm Thánh Mathêu, Giáo Hội chọn bài Phúc Âm Thánh Gioan ghi lại lời Chúa Giêsu cho Nicôđêmô biết về vai trò của Con liên quan đến “ân sủng” sự sống, ở chỗ: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một mình cho thế gian, để thế gian tin vào Con mà được sự sống đời đời”.
Ở chu kỳ Năm B, chu kỳ theo Phúc Âm Thánh Marcô, Giáo Hội chọn bài Phúc Âm Thánh Mathêu (là bài Phúc Âm đáng lẽ thuộc về Năm A) về vai trò của Cha liên quan đến “tình yêu”, một vai trò được thể hiện nơi công thức hay mô thức ban phép rửa tái sinh nhân danh Ba Ngôi, một công thức trước hết phải “nhân danh Cha”, vì Ngài là Đấng đã tỏ mình ra nơi Con; bởi thế nhân danh “và Con” tức là chính tác động tin vào Con, tác động “chấp nhận “ Lời Nhập Thể (Jn 1:12) bởi Cha mà đến: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16); và chính Con là “sự sống hằng ở nơi Cha” (1Jn 1:2) đây cũng đã tái sinh Giáo Hội bằng “phép rửa trong Thánh Linh” (Jn 1:33, x. 20:22), nhờ đó Giáo Hội cũng tiếp tục truyền đạt “Thày là sự sống” cho các linh hồn bằng “quyền lực từ trên cao” (Lk 24:49; x. Acts 1:4-12), do đó, nhân danh “và Thánh Thần” đây tức là chấp nhận chứng của Thần Chân Lý mà tin vào Đấng Cha sai.
Ở chu kỳ Năm C, chu kỳ theo Phúc Âm Thánh Luca, Giáo Hội lại chọn Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn nhấn mạnh đến vai trò “hiệp thông” của Chúa Thánh Thần: “Tất cả mọi sự Cha có đều ở nơi Thày. Nên Thày mới nói những gì Ngài (Thần Chân Lý) thông đạt cho các con Ngài đều lấy từ Thày”.
Theo phụng niên, Giáo Hội cử hành Lễ về Chúa Giêsu Kitô, tiêu biểu nhất là hai Đại Lễ Giáng Sinh và Đại Lễ Phục Sinh, cũng như cử hành Lễ về Chúa Thánh Thần, như Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tuần vừa rồi, nhưng tuyệt nhiên không cử hành một Lễ nào về Chúa Cha. Thật ra, trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi Một Chúa hay Một Chúa Ba Ngôi thì cử hành Lễ về Ngôi nào cũng là tôn kính cả Ba Ngôi, hay cũng là tôn thờ Một Chúa (Cha). Vì việc cử hành Lễ về Chúa Kitô chẳng những là việc trực tiếp tưởng niệm Đấng Cha Sai Đến, mà gián tiếp còn là việc tôn kính chính Đấng đã Sai Con đến, Đấng “đã yêu thương thế gian đã ban Con Một mình…”. Và việc cử hành Lễ về Chúa Thánh Thần chẳng những là việc trực tiếp tưởng niệm Đấng Con Hứa Ban (x Jn 14:16) mà gián tiếp còn là việc tôn kính “Cha sai Ngài đến nhân danh Thày” (Jn 14:26). Có thể nói, nếu Ba Ngôi chỉ là “một Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3), mà nói đến Thiên Chúa là nói đến Ngôi Cha (như từ ngữ “Thiên Chúa” ám chỉ về Cha trong bài đọc hai và bài Phúc Âm hôm nay), thì Lễ Chúa Ba Ngôi là Lễ về Chúa Cha, Đấng mọi sự phải qui về nơi Lời Nhập Thể (Lễ Giáng Sinh), nhờ Chúa Kitô Vượt Qua (Lễ Phục Sinh), và bởi Quyền Lực Từ Trên Cao (Thánh Thần Hiện Xuống). Phải chăng đó là lý do Lễ Chúa Ba Ngôi (hay Lễ về Chúa Cha, Đấng là cùng đích của tất cả mọi sự), mà theo thứ tự của lịch trình phụng niên, lễ này được Giáo Hội cử hành sau các Lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống?
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Nơi Kinh Lạy Cha
Ý nghĩa phụng vụ về Lễ Chúa Ba Ngôi cũng có thể gọi là Lễ về Chúa Cha đây còn được phản ảnh nơi nội dung của Kinh Lạy Cha, một Kinh Nguyện trực tiếp với Ngôi Cha, nhưng thật ra bao gồm cả Ngôi Con và Thánh Thần. Thật vậy, “Lạy Cha chúng con ở trên trời” đây nghĩa là gì, nếu không phải chúng ta tuyên xưng Đấng chúng ta gọi “Cha” đây là “Thiên Chúa”, vì “ở trên trời” đây là ở nơi chính Thần Tính của Ngài.
“Danh Cha” ở câu nguyện ước thứ nhất đây không liên quan đến chính Ngôi Cha hay sao, Đấng đã liên lỉ tỏ danh Ngài ra cho dân Do Thái trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, như Thánh Kinh của họ đã cho thấy, nhất là trong đoạn Ngài tỏ danh Ngài “Là Hiện Hữu” cho Moisen (x. Ex 3:14), hay ngay trong chính Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Giêsu được Phúc Âm Thánh Gioan ghi nhận (x Jn 17:6): “Con đã tỏ danh Cha cho những kẻ Cha đã trao cho Con nơi thế gian…”?
Nếu “Danh Cha” trực tiếp với Ngôi Cha, thì “Nước Cha” liên quan tới Lời Nhập Thể, tới Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến để thiết lập vương quốc mà Người được Cha sai đến hầu làm vua cai trị, bằng việc Người tỏ mình thực là Đấng Thiên Sai. Đến nỗi, có thể nói, Chúa Giêsu Kitô chính là vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian này, và sự kiện “trị đến” của “Nước Cha” đây là sự kiện đã được bắt đầu từ khi Chúa Kitô Phục Sinh, cũng như sẽ được kết thúc vào lúc Người đến trong vinh quang (x Mt 26:64; 25:31). Bởi thế, sự kiện “trị đến” của “Nước Cha” đây còn có thể hiểu là tất cả Mạc Khải Thần Linh là Chúa Giêsu Kitô được đạt đến mức độ hoàn toàn sáng tỏ trên thế gian.
Nếu “Danh Cha” liên quan đến Cha, “Nước Cha” liên quan đến Con, thì “Ý Cha” liên quan đến Thánh Thần. Vì nếu không ai biết được bản thân mình bằng chính tâm linh của mình thế nào, cũng chỉ có Thần Linh mới biết được Thiên Chúa như vậy mà thôi. Do đó, không ai biết được bản tính Thần Linh của Thiên Chúa, biết được nội tâm vô cùng viên mãn của Ngài, cũng như biết được ý muốn vô cùng sâu nhiệm của Ngài để có thể làm theo, nếu không có chính Thần Linh của Ngài ở nơi họ. Đó là lý do “tất cả những ai được Thiên Chúa dẫn dắt đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8:14). Hơn nữa, nếu bản chất của ý muốn là tự do, mà càng tự do càng quyền năng, mà tự do nơi Thiên Chúa là một tự do tuyệt đối, nên ý muốn của Thiên Chúa là một quyền năng tối cao, là một quyền năng vô cùng, muốn làm gì cũng được. Nếu Thánh Thần là “quyền lực từ trên cao” (Lk 24:49; x Acts 1:8), thì “Nước Cha” được đồng hóa với Lời Nhập Thể thế nào, “Ý Cha” cũng được đồng hóa với Thánh Thần Hiện Xuống như thế. Vậy ước nguyện thứ ba “Ý Cha thể hiện dưới đất (tức nơi mỗi người nói riêng nhất là nơi thế gian nói chung) cũng như trên trời (tức đúng như những gì Thiên Chúa mong muốn xứng với Thần Tính của Ngài)” đây tức là ước nguyện để cho Thánh Thần, cho “Quyền Lực từ trên cao”, cho “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Jn 3:8), “theo ý muốn của Thiên Chúa” (Rm 8:27).
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Giòng Lịch Sử
Mầu Nhiệm Ba Ngôi được diễn đạt thứ tự trong Kinh Lạy Cha thế nào, Mầu Nhiệm này cũng được thể hiện nơi lịch sử của nhân loại như vậy. Trước hết, Thiên Chúa (hay Chúa Cha) đã tỏ mình qua dân Do Thái, và cốt lõi của việc tỏ mình ra của Ngài là việc Ngài tỏ cho họ biết danh của Ngài, hay bản tính “chân thật duy nhất” của Ngài, thực tại Hiện Hữu của Ngài. Trước hết, Ngài đã tự động chọn họ và ký giao ước với họ qua các vị tổ phụ là Abraham, Isaac và Giacóp. Sau đó, Ngài tiếp tục trung thành với giao ước và lời hứa của Ngài, cho dù dân Do Thái có hết sức bất trung. Ở chỗ, họ đã bỏ Ngài là Đấng tỏ ra cho họ thấy tận mắt Ngài luôn ở với họ và ra tay cứu độ họ, nhất là qua việc Ngài đã giải thoát họ khỏi dân Ai Cập, mà đi tôn thờ ngẫu tượng. Điển hình nhất là việc họ thờ con bò vàng đúc trong sa mạc, và ngoại tình với ngẫu tượng của họ, được tỏ hiện qua việc họ bái lậy và cúng tế cho các thứ ngẫu tượng này. Các vị tiên tri, bởi đó, mới được sai đến, với sứ vụ, ngoài việc loan báo Vị Thiên Sai Cứu Tinh (như trong Sách Tiên Tri Isaia) và Thần Linh Sự Sống (như trong Sách Tiên Tri Êzêkiên), trước hết là để các vị nhắc nhở họ về Giao Ước Thần Linh, và từ đó cảnh tỉnh họ về hai tội căn bản chính yếu này, tội ngẫu tượng và ngoại tình.
Mạc Khải Thần Linh của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ của dân Do Thái nói riêng cũng như trong lịch sử thế giới nói chung, (vì lịch sử dân Do Thái có liên hệ với các dân tộc thuộc khối Hồi Giáo ở vùng Trung Đông và Tiểu Á bây giờ, nhất là với Ai Cập), đạt đến tột đỉnh khi Ngài trực tiếp tỏ mình cho nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14) theo huyết tộc Do Thái. Sự kiện dân Do Thái cho tới nay vẫn còn trông mong Đấng Thiên Sai Cứu Tinh theo ý họ, vì họ hoàn toàn phủ nhận Đấng Sáng Lập Kitô Giáo là Đức Kitô Thiên Sai, đã hiển nhiên cho thấy lịch sử thực sự có một nhân vật mang tên Giêsu, con bà Maria và ông Giuse ở Nazarét, một con người đã được sinh ra ở Bêlem nơi dân tộc Do Thái, cũng là con người đã bị dân tộc này cho là “lộng ngôn phạm thượng” (Mt 26:65-66) nên đã dùng thẩm quyền dân ngoại Rôma bấy giờ đóng đanh vào thập giá. Thế nhưng, chính trong lúc tối tăm nhất lịch sử loài người này (x. Lk 22:53), tức chính trong tình trạng hoàn toàn “vô tri” (Acts 3:17; x Lk 23:34) của dân tộc diễm phúc đã được Vị “Thiên Chúa chân thật duy nhất” tỏ mình ra cho này, mà “ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến thế gian” (Jn 1:9) lại càng sáng tỏ: “Khi các người treo Con Người lên, các người sẽ nhận ra Là Tôi” (Jn 8:28).
Biến Cố Vượt Qua của Chúa Giêsu, biến cố tử nạn bởi tay loài người song phục sinh bởi Thần Linh Thiên Chúa (x Rm 8:11), đã cho dân Do Thái nói riêng thấy rằng Người chính là Đức Kitô Thiên Sai và Đấng Sai Người thực sự là “Thiên Chúa chân thật duy nhất” của họ, đúng như thánh danh muôn đời của Ngài là “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp” (Ex 3:15). Cũng chính vì thánh danh muôn đời này của mình, những gì Thiên Chúa đã hứa với Abraham ngay từ ban đầu, là cho giòng dõi ông đông như sao trời cát biển, và các dân tộc trên thế giới sẽ được phúc lành nơi giòng tộc của ông (x Gen 12:2-3, 22:17-18), mà Ngài tiếp tục tỏ mình trong lịch sử loài người, khi Ngài nhân danh Con sai Thánh Thần xuống với Giáo Hội của Con (x Jn 14:26). Bởi thế, sau khi Đấng Ngài Sai đã thiết lập “Nước Cha” tại Giêrusalem bằng Cuộc Vượt Qua của Người, một vương quốc sẽ “trị đến” vào ngày giờ ấn định của Ngài (x Acts 1:7), theo “Ý Cha” dự định, như Ngài cũng đã báo trước qua miệng tiên tri Joel (3:1): “Ta sẽ đổ thần linh của Ta trên toàn thể nhân loại”, mà Thánh Thần đã hiện xuống trong Ngày Lễ Ngũ Tuần của dân Do Thái, và, qua Giáo Hội như Bí Tích Cứu Độ, như phương tiện hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại (x Hiến Chế Lumen Gentium 1), Vị “Thánh Thần là Đấng ban sự sống” này đã liên lỉ hoạt động “cho tới tận cùng trái đất” (Acts 1:8), để “canh tân bộ mặt trái đất” (Ps 104:30), cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”: “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28).
Vấn đề thực hành sống đạo:
Chúng ta đã nói tới Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nơi phụng niên, nơi Kinh Lạy Cha và trong giòng lịch sử, giờ đây, trong phần thực hành sống đạo, chúng ta nói tới vấn đề Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nơi đời sống đạo. Nếu Mẹ Maria là tạo vật đệ nhất về ân sủng đã phản ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi thế nào, Kitô hữu chúng ta, muốn phản ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, tức muốn Sự Sống Nội Tại của Thiên Chúa Ba Ngôi dồi dào trong chúng ta, chúng ta cũng phải giống như Mẹ mới được. Ở chỗ, đối với Chúa Cha, chúng ta phải là những đứa con ngoan ngoãn mau mắn “xin vâng” (Lk 1:38) như Mẹ, nhờ đó, chúng ta mới xứng đáng làm mẹ cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa Nhập Thể, vì Thánh Thần sẽ bao phủ chúng ta là bạn tình trinh khiết (x Lk 1:34) của Ngài. Như thế, Sống Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, hay Sống Sự Sống Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là Kitô hữu chúng ta sống thế nào cho xứng đáng với thân phận làm con với Cha, với sứ vụ làm mẹ với Con, và với vai trò làm bạn với Thánh Thần vậy.
51. Một Chúa Ba Ngôi – Lm Nguyễn Khoa Toàn
Nếu có ai đó trong chúng ta không hiểu thấu đáo về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, thì xin cũng đừng lo lắng lắm, vì chẳng có ai đã có thể hiểu thấu đáo được. Ngay cả Thánh Tôma Aquinô- một thần học gia xuất chúng nhất cổ kim, đã gọi mầu nhiệm này là ‘sự khốn cùng của ngôn ngữ.’
Hay như thánh Augustine. Một ngày kia, khi đang dạo trên một bờ biển nọ, lòng trí rối như tơ vò vì miên man suy nghĩ về mầu nhiệm này, thánh nhân tình cờ găp một em bé đang đào một lổ nhỏ trên cát rồi dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào lổ ấy.
Vừa tò mò vừa kinh ngạc, Augustine hỏi thì được trả lời là đang muốn múc cạn cả đại dương. “Mày có điên không hử?” Augustine vừa cười vừa chế diễu. Chú bé từ tốn ngước lên và nói: “Nhưng cũng chẳng có thể điên hơn điều mà ông đang nặn óc nghĩ suy!!!”
Thiên Chúa Ba Ngôi -một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong tất cả các mầu nhiệm. Và mầu nhiệm, tự bản chất, đã vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Này nhé: Chúa Cha là Chúa, Chúa Con là Chúa và Chúa Thánh Thần cũng là Chúa. Nhưng không phải là BA Chúa, nhưng là MỘT Chúa BA Ngôi…
Tuy không thể nào thẩm thấu siêu nhiệm này, chúng ta vẫn có thể hiểu được, dẫu không trọn vẹn, đời sống nội tâm của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tuy là ba, nhưng Ba Ngôi không bao giờ riêng rẽ tách rời nhau. Và mỗi Ngôi lại có những nét độc nhất đặc trưng, mà những Ngôi kia không có.
Mỗi năm, Giáo Hội, qua siêu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, muốn nhắc nhở rằng Thiên Chúa không bao giờ hiện hữu đơn độc, hoặc nói một cách nôm na, sống đơn độc. “Esse ist co-esse: to be is to be with: Sống là sống cùng, sống với.”
Thiên Chúa, vì thế, là một gia đình nhỏ với những liện hệ mật thiết gắn bó keo sơn. Và qua đời sống gia đình, chúng ta có thể phần nào hiểu được là một hôn nhân hạnh phúc vẹn tròn là khi vợ chồng luôn liên kết, tương ứng tuơng đồng: “Đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn.”
Hãy lấy một thí dụ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, và là Đấng Ban Sự Sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.” Tôi gạch dưới và in đậm chữ ‘va’ vì nếu Đức Chúa Thánh Thần được sinh bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, thì con cái là biểu hiện một tình yêu hỗ tương giữa cha và mẹ. Nói một cách khác, Chúa Cha là cha, Chúa Con là mẹ, và Chúa Thánh Thần là con cái.
Lấy một ví dụ khác: Đức Giám Mục, Linh Mục và Giáo Dân. Cả ba khác nhau về chức vụ, trách nhiệm và cá tính. Nhưng một giáo xứ, cộng đoàn, địa phận chu toàn sứ vụ trọn vẹn nhất khi cả ba CÙNG làm việc với nhau như MỘT.
Nhưng có lẽ đây là ví dụ thực tế nhất: Chúa Cha là không khí. Khi hít vào là Chúa Con, nhưng khi thở ra là Chúa Thánh Thần. Có lần kể chuyện này, một bà cụ Uc bảo tôi: “Nhưng mà không đúng với chồng con tí nào cả. Khi ông ấy hít vào là Chúa Con, nhưng khi thở ra thì chỉ toàn là… Johnny Walker.” Thật tuyệt vời!!!
Cách duy nhất để phần nào thẩm thấu MỘT CHÚA BA NGÔI là sống trung thực siêu nhiệm này trong đời sống hằng ngày. Và thánh Augustine gọi đó là ‘capax Dei’: một khả năng cho Thiên Chúa. Và khả năng này chỉ và chỉ có thể hiện hữu trong những chứng nhân thành tín của Một Chúa Ba Ngôi.
52. Dòng sông
Hôm nay toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Không một ngày nào Hội thánh và mỗi người chúng ta lại không tuyên xưng mầu nhiệm ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh thì đó là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ chẳng mấy khi ta quan tâm để tìm hiểu xem mầu nhiệm này có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời của chúng ta. Bởi vì nói tới các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta dễ có cảm tưởng đó là những chuyện xa vời và chẳng liên hệ gì tới đời sống của mình. Nhưng không phải thế. Mầu nhiệm nào cũng rất gần gũi và liên hệ mật thiết với đời sống của con người, bởi mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng soi cho chúng ta hiểu rõ thân phận mình và dẫn lối để chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc.
Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình.
Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?
Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người. Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy ta như thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa Kitô chính là thể hiện trong đời mình cuộc sống của Người, nghĩa là suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử như Người. Điều Chúa Kitô quan tâm nhiều nhất và đã sống triệt để nhất chính là tình yêu thương. Người yêu Chúa Cha nên thi hành mọi sự theo ý Cha. Người yêu con người nên chấp nhận chết để cho con người được sống.
Yêu Chúa và yêu người, đó chính là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy.
53. Ba Ngôi giáo dục bằng tình yêu
Chúng ta đang sống trong giai đoạn hai của mùa Thường niên năm Phụng vụ 2008. Hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo. Mầu nhiệm Ba Ngôi cũng là mầu nhiệm đặc trưng của đạo chúng ta. Dù rằng với mầu nhiệm này, trí khôn giới hạn của con người chúng ta sẽ khó mà hiểu thấu. Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy với tất cả lòng tin.
Nhưng phải nhìn nhận rằng: càng chiêm ngắm chúng ta càng cảm nhận được nhiều sự ngọt ngào thiêng liêng. Đặc biệt, chúng ta học được nhiều bài học bổ ích nơi mầu nhiệm cao cả này. Trong khung cảnh năm giáo dục và dưới ánh sáng của đoạn Tin mừng hôm nay chúng ta cùng nhau chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Từ khi tổ tông chúng ta đi lầm đường lạc lối thì Thiên Chúa vẫn không nản lòng. Người dư khả năng để dựng nên một giống người khác ngoan ngoãn và biết vâng lời hơn. Hay là Thiên Chúa không tiếp tục ban cho họ quyền tự do nữa. Nhất nhất con người phải vâng phục Người. Thế nhưng, Thiên Chúa không làm thế. Thiên Chúa dùng mọi cách để cứu con người. Cuối cùng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3, 16)
Chúa Giêsu xuống thế làm người theo thánh ý Chúa Cha. Mọi việc Người làm và mọi lời Người nói đều do Chúa Thánh Thần tác động. Do đó, chúng ta thấy Thiên Chúa tuy Ba Ngôi nhưng cùng một bản tính và cùng một ý hướng. Ý hướng ấy là dùng tình yêu để giáo dục con người. Bởi thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
Như vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi đã giáo dục và cảm hoá con người chúng ta bằng chính tình yêu của Người. Tình yêu ấy được thể hiện nơi Chúa Giêsu “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 13, 9b). Chính Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng để chúng ta nhận ra điều ấy. Nhờ tình yêu đó mà bao nhiêu người lầm lỡ được trở lại đường ngay nẻo chính.
Là tín hữu Công giáo, chúng ta hãy hãnh diện vì luôn được được chính tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa giáo dục để trở thành người tốt, được hướng tới sự sống vĩnh cửu. Đồng thời, chúng ta cũng hãy noi gương Chúa mà dùng tình yêu mà giáo dục lẫn nhau.
54. Sống hoà nhịp
Ngày kia, có một người nông dân đi lên thành phố. Khi đang đi bộ trên một con đường đông đúc, thì đột nhiên, anh ta nói với một người bạn cùng đi với mình: “Tôi có thể nghe được tiếng kêu rúc rích của một con dế”. Người bạn của anh ngạc nhiên và hỏi: “Làm sao mà anh lại có thể nghe được tiếng dế, giữa tất cả những tiếng động ồn ào này?”
Người nông dân đáp lại: “Bởi vì hai tai của tôi hòa nhịp được với tiếng dế”.
Thế rồi anh ta lại càng cố tình lắng nghe nhiều hơn, và dõi theo âm thanh đó, anh đã tìm ra được một con dế đang bò trên bờ cửa sổ. Người bạn của anh không thể nào làm được điều này. Nhưng người nông dân không hề tỏ ra ngạc nhiên. Thay vào đó, anh móc vài đồng xu từ trong túi áo ra, và ném chúng xuống lề đường. Khi nghe được tiếng leng keng của mấy đồng xu, những người qua đường liền ngừng lại nhìn theo dấu vết của chúng.
Người nông dân nói: “Bạn hiểu ý tôi chứ: Không có ai trong số những người này có thể nghe được tiếng dế, nhưng tất cả bọn họ đều có thể nghe được âm thanh của tiền bạc. Người ta nghe được cái gì hòa nhịp với hai tai của họ, và không thể nghe được tất cả những thứ còn lại”.
Điểm cần ghi chú ở đây khá rõ ràng: Nếu ít bị lo lắng phiền muộn, chúng ta có thể hòa nhịp với Thiên Chúa. Voltaire đã nói: “Ngay khi mở đôi mắt của mình ra, thì tự nhiên, người ta thừa nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Và Abraham Lincoln đã nói: “Tôi có thể nhận thấy con người có thể nhìn xuống mặt đất, và trở nên một người vô thần ra sao, nhưng tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào mà người ta có thể nhìn lên bầu trời, và nói rằng không hề có Thiên Chúa”.
Khi nhìn vào sự vật nào đó hoặc người khác, người ta sẽ nhận biết ngay rằng những sự vật này không tự hiện hữu được, mà chính là nhờ Thiên Chúa. Tương tự như một căn nhà phải có người xây dựng ra nó, một cái áo do người may, một cánh cửa do thợ mộc. Như vậy, thế giới chứng tỏ rằng phải có Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa.
Khi nhìn vào một công trình nghệ thuật, không thể nào bạn không nghĩ đến người nghệ sĩ. Nhìn vào thế giới tạo vật, mà không nhận thấy Đấng Tạo hóa, chính là mù quáng, không thấy được ý nghĩa của toàn thể công việc sáng tạo, và ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân mình. Tuy nhiên, thật đáng buồn là có nhiều người nhìn, mà vẫn không thấy gì. Họ lắng nghe, mà vẫn không nghe được gì. Đức Giêsu đã nói về Thiên Chúa, như là một người Cha đầy lòng xót thương và khoan dung. Người nói về chính mình, với tư cách là Con của Cha, và Người gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, để trợ giúp chúng ta sống tư cách người môn đệ và con cái của Thiên Chúa.
Chúng ta đang trực diện với một mầu niệm vĩ đại. Tuy nhiên, bất cứ người con nào cũng đều có thể thấu hiểu, bằng cách cầu nguyện và sống mầu nhiệm này. Chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như là một người Cha (và người Mẹ), một người Cha yêu thương chúng ta một cách sâu sắc. Chúng ta nghĩ đến Đức Giêsu như là một người Anh, Đấng hiến tặng cho chúng ta chính cuộc đời của Người. Và chúng ta nghĩ đến Chúa Thánh Thần như là một người Bạn. Đấng trợ giúp chúng ta sống theo Đức Giêsu, và liên kết chúng ta với nhau, như là anh chị em trong một cộng đoàn của lòng tin và tình yêu thương. Với tư cách là những người Kitô hữu, đây là bầu khí mà trong đó chúng ta sinh sống, di chuyển và hiện hữu.
55. Đủ ánh sáng chưa?
Bà Rose đã viết thư cho bà Abby như sau, “Chào bà Abby, năm nay tôi đã 40 tuổi và tôi mong muốn tìm được một người đàn ông chạc tuổi của tôi, nhưng ông ấy không được có những tất xấu.” Sau đó, bà Abby đã trả lời cho bà Rose như sau, “Kính thưa bà Rose, đó là người đàn ông mà tôi cũng mong muốn để tìm.” Một điều hiển nhiên là cả hai bà Rose và Abby sẽ không bao giờ tìm được người đàn ông hoàn hảo mà họ hằng luôn mong muốn bởi vì người đàn ông hoàn hảo đó không hiện hữu trên thế gian này. Tất cả loài người chúng ta đều có những khuyết điểm. Nói theo tiếng của Thánh Kinh là chúng ta là kẻ có tội
Vậy thì chúng ta đi đâu để mà tìm được một con người hoàn hảo? Hôm nay Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một Đấng hoàn hảo mà tất cả chúng ta có thể tin tưởng, cậy trông, và phó thác trót cả cuộc đời chúng ta cho Ngài. Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội đặt bài đọc Phúc Âm hôm nay vào ngày Lễ này thật là có ý nghĩa bởi nó nhắc đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay kể cho chúng ta mẩu đổi thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Ông Nicôđêmô là một trong đám người Pharisiêu đã nhận ra sự siêu nhiên ở con người Chúa Giêsu. Ông đã đến với Chúa Giêsu để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Bắt đầu cuộc đối thoại, Chúa Giêsu đã khuyên Nicôđêmô rằng nếu ông muốn chiếm được Nước Trời ông phải được sinh lại trong nước và Thần Khí. Chúa Giêsu còn nói với Nicôđêmô, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài… Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Jn 3:16-17).
Qua bài Phúc Âm này, chúng ta thấy sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã sai Con Ngài xuống thế gian, Chúa Con xuống thế gian để cứu chuộc nó, và Chúa Thánh Thần là Thần Khí ban sự sống. Nhận xét một cách kỹ lưỡng, chúng ta thấy sứ mệnh của Ba Ngôi Thiên Chúa đều qui về một điểm đó là: yêu thương loài người chúng ta và muốn ban ơn cứu độ chúng ta để chúng ta có thể hưởng vinh quang Nước Trời.
Suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta rút ra được bài học mà Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô trong bài Phúc Âm hôm nay: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Chúa Giêsu đến không phải để lên án thế gian nhưng để thể hiện tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Ngài đã trở nên giá chuộc thế gian. Chúng ta phải tránh không lên án bất cứ ai nhưng hãy yêu thương người khác.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã kết thúc với câu, “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ là: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Jn 3:21).
Ánh sáng ở đây phải hiểu như thế nào? Một Thầy Rabbi đã hỏi các học sinh của mình câu hỏi này, “Trong đêm tối, thế nào mới là có đủ ánh sáng?” Một học sinh trả lời, “Khi có thể nhìn thấy và phân biệt được rõ ràng được con vật đang ở trước mặt con là con chó hay con chó sói”. Một học sinh khác trả lời, “Khi con có thể phân biệt được cái cây ở trước mặt con là cái cây gì.” Một học sinh khác trả lời, “Khi con gần bước tới một cái hố mà con bất chợt nhận ra nó và ngừng bước”. Sau đó, Thầy Rabbi mới nói, “Đây là câu trả lời đúng nhất mà Thiên Chúa đã nói với chúng ta: Có đủ ánh sáng có nghĩa là khi chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt của người khác là những khuôn mặt của người anh em chúng ta.”
Xin cho chúng con biết sống trong sự yêu thương bác ái. Chúng con xin tuyên xưng đức tin một Chúa Ba Ngôi: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
56. Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
(Giảng lễ thiếu nhi – Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt CSsR)
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng Chúa Ba Ngôi là sao? Ai có thể trả lời được?… Là Một Thiên Chúa có Ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần. “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, và Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy.” (GLCG số 253). Vì sao có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà không phải là ba Thiên Chúa nhưng chỉ một Thiên Chúa? Phải giải thích thế nào đây, có bạn nào giúp cha không?…
Tèo và Tí là đôi bạn thân học chung lớp tại trường Nguyễn Trường Tộ. Tí là người Công Giáo, còn nhà Tèo thờ Phật. Có lần Tèo đến chơi ngay lúc Tí đang học bài giáo lý “Chúa Ba Ngôi”, chuẩn bị cho cuộc thi “Em hiểu Lời Chúa” do cha xứ tổ chức trong trại hè năm ấy. Tèo vừa nghe liền thắc mắc hỏi Tí: “Làm sao mà một có ba, mà ba lại chỉ có một được hả Tí?” Nếu có bạn nào đó hỏi chúng con về mầu nhiện Chúa Ba Ngôi như Tèo hỏi Tí, chúng con có trả lời được không?… Tí trả lời với Tèo là “được”. Tí nói: “Cũng như một tam giác đều có ba cạnh bằng nhau nhưng chỉ có một tam giác thôi. Hay bạn xem ngón tay của mình nè. Một ngón có ba đốt, ba đốt nhưng chỉ có một ngón tay thôi.” Tí trả lời như thế tốt lắm nhưng không cho biết gì về ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô giáo.
Có truyền thuyết kể rằng thánh Augustinô, một vị thánh lớn của Giáo Hội, sống vào thế kỷ thứ tư. Ngài rất thông thái, đã viết nhiều cuốn sách về Đạo, đặc biệt là cuốn “Tự Thuật”. Ngài đã cố gắng suy nghĩ để tìm cách giải thích tại sao một Thiên Chúa có Ba Ngôi, mà Ba Ngôi lại chỉ có một Thiên Chúa chứ không phải là ba Thiên Chúa. Một hôm, ngài đi dạo trên bờ biển đẹp. Ngài thấy một em nhỏ đào cái lỗ trên bãi cát dài bị những cơn sóng xô lên đập xuống phẳng lì một màu trắng ngà rất xinh. Em cầm chiếc vỏ sò liên tục múc nước biển đổ vào lổ. Nước thấm nhanh xuống cát chẳng để lại dấu vết gì. Em bé cứ mãi miết làm chẳng để ý chung quanh. Có cái gì đó thúc đẩy, thánh Augustino bước tới hỏi em bé: “Con đang làm gì vậy?” Em bé ngước mặt lên nhìn thánh Augustino và nói: “Con có thể múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này, còn ngài, ngài không thể hiểu hết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.” Thánh Augustinô sững sờ! Tại sao một em thiếu nhi lại biết được mình đang nghĩ gì? Đến khi thánh nhân bình tĩnh trở lại thì không còn thấy em bé nữa, và người ta coi đó như là thiên thần đến nhắc nhở thánh Augustino về sự siêu vời vượt quá trí tuệ con người của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tìm cách giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có cái hay, là qua đó cho thấy, niềm tin vào Mầu nhiệm không mù quáng; xét về phương diện lý trí, cuộc sống có rất nhiều hình ảnh cho chúng ta hiểu được phần nào. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tìm cách giải thích: “Một mà Ba, Ba mà Một”, nhưng là lắng nghe Lời Chúa để biết Thiên Chúa Ba Ngôi đối với chúng ta thế nào.
Các con có nhớ bài đọc thứ nhất trích từ sách gì không?… “Sách Xuất Hành.” Đúng rồi. Con giỏi lắm! Tác giả sách thánh kể, có một hôm, ông Mô-sê thức dậy lên núi Xinai theo lệnh của Đức Chúa. Chúa hiện ra với ông. Chúa nói gì?… Chúa giới thiệu về Chúa, Chúa đi qua trước mặt ông Môsê và nói to: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.”
Còn bài đọc hai trích từ sách nào?… “Từ thứ hai của thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Côrintô”. Con giỏi!… Trong đó, thánh Phaolô nói cho chúng ta biết như thế này: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.” Khi gần kết thúc bài đọc, chúng ta nghe thánh Phaolô nói thêm: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.” Nếu trong bài đọc một, chúng ta chỉ được biết về Đức Chúa là Thiên Chúa “nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” thì trong bài đọc hai, chúng ta được thấy một cách rõ ràng về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là nguồn tình thương và bình an, Chúa Giêsu là nguồn ân sủng tức là nguồn ơn cứu độ vô tận ban cho con người, Chúa Thánh Thần là ơn hiệp thông có nghĩa là nối kết chúng ta lại với nhau và với Chúa. Như thế, mỗi Ngôi mỗi cách nhưng đều chung một điểm là yêu thương ta. Do đó, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe công bố, thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Thiên Chúa yêu….” Ai nhớ đọc tiếp giúp cha?… “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.”
Như vậy, cả 3 bài đọc trong Thánh lễ hôm nay đều nói cho chúng ta biết: Chúa Cha thương chúng ta, Chúa Con tức là Chúa Giêsu thương chúng ta và Chúa Thánh Thần thương chúng ta, Ba Ngôi Thiên Chúa cùng thương chúng ta. Nhưng cha hỏi thật các con nhé: các con có thấy Chúa thương mình không? Con thấy Chúa thương con thế nào?… Cha thấy Chúa thương cha, vì hồi đó cha thích đi tu mà cha cứ sợ cha tu không được. Vậy là cha cầu nguyện, cha đi, cuối cùng cha tu được. Chúa nhậm lời cha nên cha thấy Chúa thương cha. Hay như bạn Thảo chia sẻ, bạn ấy thấy Chúa thương bạn vì nhờ ơn của Chúa mà kỳ thi vừa rồi bạn được điểm cao. Bạn Tuấn thì cảm nhận Chúa thương gia đình mình khi mẹ được ơn Chúa thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo. Tất cả những cảm nhận đó rất quí, nhưng thấy Chúa thương mình khi mình được ơn là bình thường. Độc đáo hơn làthế này: cách đây không lâu cha vào bệnh viện thăm một bệnh nhân. Người ấy kể cho cha nghe cơn đau của bệnh ung thư khủng khiếp như thế nào, đến độ cha nghe cũng cảm thấy sợ! Nhưng có điều rất lạ; người ấy vừa kể mà cứ nói cám ơn Chúa, Chúa thương cho mình sức chịu đựng. Cha khâm phục một đức tin như thế!… Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là ơn quí nhất mà Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta.
Ơn quí nhất, tình thương lớn nhất mà Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta là gì các con biết không?… Là Ba Ngôi Thiên Chúa bao bộc cuộc sống của ta. Con người khi mới sinh bé xíu, rồi lớn lên thành người lớn, thêm tuổi nữa thì già và cuối cùng là chết. Chết là hết phải không chúng con?… Không! Chết là về với Chúa. Vậy cuộc đời của người Kitô hữu là con đường về nhà Cha trên Trời. Nói một cách chính xác thì mỗi ngày trong cuộc sống Chúa Giêsu dẫn ta về, Chúa Cha đang đứng đợi, Chúa Thánh Thần ban sức để ta đi. Đây chính là ơn quí nhất Thiên Chúa ban cho chúng ta, và đây cũng chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống chúng ta.
Quí ÔBACE, và các em thiếu nhi thân mến. Tạ ơn Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, một khi hiểu về ý nghĩa của Mầu Nhiệm dựa trên Lời Chúa thì thái độ sống của chúng ta cần thiết thế này: Vì Chúa Cha đang đợi nên em luôn cầu nguyện. Vì Chúa Giêsu dẫn đường nên phải theo Ngài sát, đừng làm gì khác với Ngài. Vì Chúa Thánh Thần ban sức nên em luôn xin Ngài sức mạnh để thực hiện lời Chúa Giêsu. Amen.
57. Ba Ngôi: Tình Yêu Trao Ban – Bm. Minh Trân
Dịp lễ giới trẻ, Tony và mấy người bạn xin đóng góp một nhạc phẩm cho tiết mục văn nghệ với tựa đề: “Greatest love of all” của ca sĩ Whitney Houston. Tuy hay nhưng thiệt là xui vì lời nhạc đã không được các thầy đồng ý. Bản nhạc định nghĩa tình yêu cao cả nhất là học sao cho biết để yêu mình (learning to love yourself, it is the greatest love of all). Ngược hẳn với lời Chúa dạy: “Tình yêu cao cả nhất là chết cho người mình yêu.”
Thật thế, trao ban chính là yêu sách của tình yêu. Càng yêu thì càng trao ban. Và bao lâu ngừng trao ban là bấy lâu ngừng yêu. Thánh Gioan trong bài Phúc Âm hôm nay đã khẳng định với chúng ta điều đó. Rằng yêu là trao ban; và chính Thiên Chúa là Tình Yêu; ngài đã trao ban chính Con Một Người cho chúng ta, để chúng ta được sống đời đời. Ở đây chúng ta thấy có 2 điểm:
Điểm thứ nhất là về việc Chúa trao ban. Chúng ta thấy mặc dù Phúc Âm thánh Gioan không qui hướng vào cái chết của Chúa Giêsu như một việc hiến tế như Phúc Âm nhất lãm (Mát-thêu, Mát-cô, và Luca). Tuy nhiên, việc diễn tả “Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài” (3:16) có thể hiểu được như nói đến việc hy hiến của Chúa Giêsu vậy (xem Gal 1:4; 2:20; Rom 8:32). Thiên Chúa đã cho chúng ta hết tất cả khi Ngài trao ban Con Một Ngài hay đúng ra là trao ban chính Ngài. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà Giáo Hội hôm nay long trọng mừng kính đã minh chứng điều đó.
Lý do nào đã thúc đẩy tình Chúa yêu ta đến thế? Thánh Gioan đã nói rõ. Đó là, để chúng ta được sống đời đời. Và đó là điểm thứ hai mà chúng ta cần xét đến. Theo thần học thánh Gioan, ngày cánh chung được trình bày rõ ràng nơi sự liên hệ giữa việc tin vào Con Một Thiên Chúa và sự sống đời đời. Để được sống đời đời, điều kiện cần có là tin vào Con Một Thiên Chúa. Ai không tin thì bị hư mất.
Càng yêu thì càng cho, càng thích cho, càng muốn cho, và càng xoay dở tìm đủ mọi cách để cho. Mặc dù cho là mất, nhưng khi đã yêu rồi thì mất cũng chẳng thấy tiếc. Nếu không dám nói là càng cảm thấy sung sướng khi được mất đi. Cái này thì có lẽ quí anh chị đang ở trong lứa tuổi mắt có khói cảm nghiệm rõ hơn ai hết. Leo lên mạng Internet cả đêm mà vẫn thấy còn sung sức. Thẻ điện thoại quăng vào sọt rác hết cái này đến cái khác mà cũng chẳng tiếc xót… ngày quên ăn, hay đúng ra là cố quên ăn để giữ eo… đêm thì cứ thổn thức bóng hình ai… rồi lại nhớ nhung mơ mộng suốt đêm dài… ai da…
Sống cho tha nhân và chết cho tha nhân không phải là điều dễ. Đây là một ơn Chúa ban. Đây là một ơn gọi cao quí mà Chúa vẫn hằng luôn kêu mời chúng ta đáp trả. Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu, đã trao ban chính Ngài cho chúng ta, và muốn chúng ta cũng dâng hiến chính mình cho Ngài và trao ban cho tha nhân.
Mẹ Têrêsa Calcutta tâm niệm: “Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho tha nhân một cái gì làm tôi cảm thấy mất mát, đau khổ thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban những cái dư thừa, ba cái lẻ tẻ, mà chính là trao ban chính tôi, con người và tâm hồn tôi.”
58. Tình Chúa – Tình người
Mầu nhiệm là điều vượt trên khả năng suy biết và ngôn từ của loài người. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đạo Kitô giáo cũng không thể diễn tả hết bằng ngôn ngữ loài người. Nhưng nếu chúng ta tìm hiểu và suy niệm về mầu nhiệm này, chúng ta sẽ nhận ra đây là Mầu nhiệm tình yêu, trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha trao ban tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha, Thiên Chúa là duy nhất nhưng không cô độc vì có sự tương giao giữa Ba Ngôi, giống như trong một gia đình, mọi cái đều là của chung nhưng nơi mỗi người là duy nhất sánh với kẻ khác. Đối với tương quan của Ba Ngôi, tình thương của Cha luôn hướng về Con cũng như Con luôn hướng về Cha trong hơi thở của Thánh Thần, Ba Ngôi hướng về nhau, thông chuyển trọn vẹn và vĩnh viễn chứ không hướng về mình trong sự ngây ngất ích kỷ. Chúa Ba Ngôi là duy nhất nhưng không cô đơn mà thông hiệp yêu thương.
Ngôi vị con người bắt nguồn từ Ngôi vị Thiên Chúa. Vì được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi nên con người biết yêu thương, biết dâng hiến và biết đón nhận sự trợ giúp của người khác. Con người chỉ hạnh phúc khi biết cho đi, biết chia sẻ, biết đón nhận tình thương của người khác. Đó có lẽ là lý do con người thích sống cộng đoàn, vì “con người là một con vật xã hội”. Ai qui về mình, ích kỷ thì dần dần sẽ lụn bại, chán nản vì không thấy được ý nghĩa của cuộc sống và không tìm được hạnh phúc đích thực. Con người cần được sống trong cộng đoàn. Cộng đoàn cơ bản nhất là gia đình, trong đó cha mẹ hy sinh cho con cái, vợ chồng hy sinh cho nhau, con cái vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Cộng đoàn gia đình lớn hơn là Hội thánh: mọi người thờ phượng Chúa và giúp đỡ nhau: người biết nhiều, có khả năng sẽ dạy cho người chưa biết, mọi người biết lắng nghe nhau trong tình bác ái, chứ không cô độc một mình.
Thiên Chúa là Đấng giàu sang vô cùng nhưng cũng là Đấng khó nghèo đích thực vì Cha trao hết cho Con, Con dâng hết cho Cha, không để lại gì cho riêng mình. Thiên tính tồn tại trong tình trạng tương giao, Cha và Con hướng về Thánh Linh và Thánh Linh hướng về Cha và Con, Ba Ngôi không ngừng hiến trao vô tận, cho đi tất cả. Nếu chúng ta không bắt chước trao ban như Thiên Chúa thì chúng ta sẽ mất tất cả: ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ tìm lại được mạng sống ấy. Chúa Giêsu mang tình yêu của Ba Ngôi đến trần gian để sống quên mình, để dạy cho con người biết quên mình, trao ban, phục vụ. Chúng ta hãy đón nhận lời dạy yêu thương của Ngài và thực hành trong cuộc sống để mỗi ngày một nên giống Chúa Ba ngôi hơn.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu không thể diễn tả hết bằng ngôn từ vì ngôn ngữ có giới hạn. Nếu bảo một đứa bé họa hình cha mẹ nó, nó sẽ họa không đúng được nhưng nó biết cảm nhận cha mẹ nó là thế nào trong con tim của nó. Chúng ta muốn hiểu biết Thiên Chúa thì phải bước vào chiều kích thần bí, vào cuộc gặp gỡ của con tim với con tim, vượt trên những khái niệm của thế giới vật chất hữu hạn này.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch yêu thương và hiệp nhất, xin dạy chúng con biết yêu thương, biết cho đi, biết phục vụ theo gương Đức Giêsu Kitô là hình ảnh rõ nét nhất của Người và thể hiện lòng mến Chúa qua việc hiệp thông với mọi người xung quanh.
59. Mầu nhiệm hiệp thông
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta mừng kính một mầu nhiệm cao cả, cũng là một mầu nhiệm thách đố trí tuệ loài người. Chúng ta biết rằng mầu nhiệm là một điều con người không thể đạt thấu bằng trí tuệ, nhưng lại có thể cảm nghiệm bằng đức tin, bằng lòng mến, bằng sự hiệp thông chân thành yêu mến với Thiên Chúa, nhất là khi Chúa muốn ban cho ta hồng ân đó. Xin được chia sẻ một vài suy niệm hết sức thô thiển, nhân ngày đại lễ hôm nay. Kính mời cùng suy niệm….
a/. Câu hỏi ta sẽ nêu trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi là gì? Thưa đó chính là một mầu nhiệm; vì thế qua bao thế kỷ, đây vẫn còn là một câu hỏi thách thức trí tuệ con người; và cho đến ngày tận thế cũng vẫn luôn là một dấu hỏi lớn. Dù vậy con người biết chắc rằng mình đang sống trong mầu nhiệm đó. Ai cũng sống trong dòng đời, nhưng mấy ai hiểu rõ được dòng đời? Ai cũng cảm nghe được điệu nhạc, nhưng không thể lấy ra cho người ta xem được. Con cá đang sống trong nước, nếu bắt nó ra khỏi nước, nó sẽ chết. Tách biệt con người khỏi dòng đời, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Mỗi nốt nhạc khi đánh lên riêng rẻ, chỉ là một âm thanh trơ trọi, không thành bài ca. Một ca khúc sống động chính là một sự kết hợp các nốt nhạc trôi chảy, nhịp nhàng. Mầu nhiệm Thiên Chúa không phải là một vấn đề để con người nghiên cứu, cân đo bằng trí tuệ giới hạn. Nếu ta chỉ học về Thiên Chúa để làm giàu thêm kiến thức, thì Thiên Chúa vẫn luôn là một vị thần xa lạ. Nếu niềm tin của ta chỉ dựa vào những công thức máy móc, những cách cầu nguyện vô hồn, Thiên Chúa vẫn luôn xa lạ với con người chúng ta. Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là lời mời gọi hiệp thông trong tình yêu, là tham dự vào sức sống thần linh của Thiên Chúa. Hiểu được điều này, có làm cho chúng ta kinh ngạc không?
b/. Ba Ngôi Thiên Chúa có phải là một mầu nhiệm tình yêu, và luôn muốn đồng hành với con người không? Thưa phải. Ngay từ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa luôn yêu thương, vẫn ở bên họ, luôn muốn đồng hành với họ. Kinh thánh thuật lại: chiều chiều Thiên Chúa đi dạo trong vườn và đàm đạo với Adam, Evà. Thiên Chúa cũng ban cho con người quyền làm chủ cá biển chim trời, vì Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc như Chúa….Khi Môisen dẫn dân Do Thái ra khỏi đất Ai cập, Thiên Chúa vẫn luôn ở với họ: ban ngày là cột mây, ban đêm là cột lữa trên đầu họ…Sau đó, bao nhiêu lần dân chúng phản bội, bị phạt; rồi họ ăn năn chạy tới cầu khẩn Môisen, cầu khẩn Chúa, Chúa vẫn luôn tỏ ra dung mạo Người là Đấng đầy lòng yêu thương, luôn đồng hành với họ…Dù vậy, những bí ẩn muôn đời của Thiên Chúa chỉ được bày tỏ trọn vẹn qua Con Người và cuộc đời của Đức Kitô làm người. Với Đức Kitô, Ba Ngôi Thiên Chúa được gọi là Tình Yêu, Đấng luôn yêu thương và muốn đồng hành với con người. Với Đức Kitô, mầu nhiệm sâu thẳm về Ba Ngôi không còn là bức tường thành kiên cố, bất khả xâm phạm, nhưng lại là nhịp cầu nối liền trời với đất. Mấu nhiệm Ba Ngôi khi xưa là Thiên Chúa vô hình, nay trở nên bằng xương bằng thịt, nay trở nên là Đấng Cứu thế đầy lòng yêu thương, luôn cảm thông và đồng hành với con người, sẵn sàng cùng vui với tiệc cưới Cana, cảm thấy đau xót trước bệnh tật, trước nạn ma quỉ ám ảnh của dân chúng, và cũng khóc thương với Ladarô bạn thân, vì anh này đã chết. Với Đức Kitô, Thiên Chúa đó sẵn sàng cảm thông ngay cả tội lỗi, yếu đuối của con người, đã dang rộng cánh tay trên thánh giá để mở rộng cửa trời, ôm ấp cả nhân loại về cho Thiên Chúa.
c/. Mầu nhiệm của Ba Ngôi có phải còn là lời mời gọi hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người? Có phải cũng là lời mời gọi con người sống bằng sức sống của Thiên Chúa sáng tạo và đổi mới không? Thưa phải. Đức Kitô đã nói: “Thầy là cây nho, chúng con là cành, là nhánh..” Người Kitô hữu khi được tham dự vào sự hiệp thông, vào sức sống của Thiên Chúa, họ phải sẵn sàng bỏ qua tính ganh tị, tính loại trừ, chia rẻ nhau để xây dựng tình huynh đệ trong Thiên Chúa, y như hình ảnh nhánh nho, muốn được tháp chặt vào Thân Nho, nó phải loại bỏ nhựa của chính mình, để chỉ hút nhựa từ Thân Nho mà thôi. Ngược lại, nhánh nào không hút nhựa từ Thân Nho, nó phải khô héo và phải chết…
Người đời có nói: “Đừng phàn nàn cà phê đắng, có thể tại vì đường của bạn chưa đủ ngọt”. Nếu đường chúng ta đã đủ ngọt và cà phê không còn đắng nữa, đó là lúc ta khám phá ra dung mạo rạng ngời của Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng là lúc Thiên Chúa ban cho ta được tham dự vào sự hiệp thông thần thánh, đầy yêu thương, cũng là lúc ta sống bằng chính sức sống của Thiên Chúa Ba Ngôi sáng tạo và đổi mới trong một nền văn minh tình thương.
d/. Gợi ý sống và chia sẻ: nhân ngày mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, ta có nhận ra rằng: lời mời gọi sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, thúc bách chúng ta mở rộng tâm hồn mình ra với thế giới và với mọi người chung quanh, để cố gắng xây dựng xã hội, gia đình chúng ta hôm nay, thành nền Văn minh Tình thương như ý Ba Ngôi mong muốn không?
60. Chúa Ba Ngôi – Lm. Quang Diệm
Thánh Augustinô, một hôm ra bãi biển đi đi lại lại suy gẫm miên man về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng thánh nhân thấy một em bé lấy vỏ sò rồi cứ múc nước biển đổ vào lỗ cáy. Thánh nhân ngạc nhiên nói với em nhỏ đó: “Này em, sao em làm việc gì kỳ vậy, làm sao em có thể đổ hết nước biển vào lỗ cáy này được?” Em bé trả lời: “Múc hết nước biển đổ vào lỗ cáy còn dễ hơn việc Ngài đang suy để hiểu về màu nhiệm Chúa Ba Ngôi.” Nghe vậy, thánh nhân chưng hửng và hiểu ra rằng, Chúa đã sai một thiên thần hiện ra thành một em nhỏ để giúp thánh nhân hiểu rằng tự sức con người không thể dùng trí khôn riêng mình để suy và hiểu rõ về màu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Màu nhiệm Chúa Ba Ngôi được bày tỏ dần dần theo thời gian. Ngôi Cha được bày tỏ cho Dân Do Thái trong Cựu Ước. Trong thời gian này, Chúa tỏ cho Dân Chúa biết Ngài là “Cha chúng ta” và cũng là “Cha tôi”. Do đó mọi người Do Thái đều tin rằng họ là con cái Chúa. Nhưng từ khi Đức Kitô là Ngôi Con đến, thì ý nghĩa đầy đủ về Thiên Chúa là Cha mới được rõ ràng. Ngài tỏ cho thấy Ngài là Con Một của Chúa Cha. Sự thân tình giữa Ngài và Chúa Cha được diễn tả dưới danh hiệu Abba: Nghĩa là “Lạy Cha.” Từ Abba theo tiếng Do Thái là từ mà trẻ con dùng để nói với ba nó một cách thân tình; giống như tiếng “daddy” của tiếng Anh vậy.
Trong mối thân tình với Chúa Cha, Chúa Kitô cho chúng ta thấy Ngài và Chúa Cha là một. Ngôi Cha không có tuổi tác, và Ngôi Con cũng không lớn lên hay phụ thuộc. Đấng Bằng Nhau sinh ra Đấng Bằng Nhau giống như ngọn lửa sinh ra ánh sáng. Nhưng ngọn lửa lại khác với ánh sáng sinh ra nó. Thực vậy, ngọn lửa tác sinh không sinh ra bởi ánh sáng được tác sinh. Cả hai cùng bằng nhau, cùng hiện hữu, nhưng ánh sáng sinh ra khác với ngọn lửa.
Nói về Chúa Thánh Thần trong Ngôi Ba Thiên Chúa thì được Chúa Kitô cho thấy là Ngài là Thần Chân Lý, là Đấng yên ủi. Trong tương quan của Ngài với Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta có thể dùng hình ảnh về hơi ấm phát sinh từ ngọn lửa và ánh sáng. Không hề có ngọn lửa mà không kèm theo ánh sáng và hơi ấm. Sự ấm áp khác với ngọn lửa và ánh sáng, nhưng nó lại cùng hiện hữu với ngọn lửa và ánh sáng. Không có chuyện ngọn lửa hay ánh sáng, hay hơi ấm sinh ra bởi nhau. Vì chúng đều đồng hành với nhau. Hình ảnh này cho thấy Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần luôn bằng nhau, không ngôi nào hơn, không ngôi nào kém.
Sự hiệp thông thân thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa còn có tính cách lan toả. Tự bên trong bản tính thần linh Chúa chiếu toả và đổ tràn tình thương của Ngài qua việc sáng tạo muôn loài, trong đó có chúng ta. Do tình thương yêu Chúa đã dựng nên chúng ta qua trung gian thụ tạo của Ngài là cha mẹ chúng ta. Đó là nói về việc Chúa sáng tạo bởi lan toả.
Còn nói về việc tái tạo chúng ta thì như thế nào? Từ khi Chúa Kitô làm người, chịu nạn, chịu chết và sống lại, chúng ta được tái tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa ngày càng rực rỡ hơn nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Qua tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được biến tan trong Chúa như người yêu biến thành Đấng được yêu. Chúng ta sẽ trở nên thần linh, trở nên Chúa do sự tham phần vào bản tính của Ngài. Sự hợp nhất này hoàn hảo đến nỗi tất cả những gì Thiên Chúa có thì linh hồn chúng ta có. Nghĩa là chúng ta được biến hoá để đạt tới sự sung mãn cuối cùng là sự thánh thiện.
Nhưng con đường duy nhất để trở nên trọn lành thánh thiện và hạnh phúc với Chúa Ba Ngôi là sự từ bỏ mình. Đó là con đường Chúa Kitô đã đi qua trước khi sống lại và lên trời vinh hiển. Chúa Kitô đã từ bỏ mình, bằng cách nhận lấy bản tính loài người và làm cho bản tính ấy dần dần biến cải trong bản tính Thiên Chúa của Người. Sự biến cải đó đạt tới tuyệt đỉnh qua cái chết của Ngài. Nhờ đó Ngài đã trở thành hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là loài người.
Ở trần gian này mỗi người chúng ta cũng phải trải qua con đường từ bỏ để đạt được vinh quang sau này trên trời. Đức Kitô đã từ bỏ mình, đã sống lại và lên trời vinh hiển thì chúng ta cũng phải giống như Người trong việc từ bỏ những gì chưa biến cải thành Thiên Chúa. Xin Mẹ Maria là cung thánh của Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta biết sống cuộc đời quên mình trong các việc bổn phận hằng ngày để trở nên giống Chúa hơn. Nhờ đó chúng ta càng ngày càng biến đổi và đạt được cùng đích cuối cùng đời người là kết hợp với Chúa Ba Ngôi sau này trên thiên đàng.
61. Kẻ nội thù
Trong một gia đình gồm bảy hay tám người, thế nhưng chỉ có một người cha là gia trưởng. Trong một nhà máy gồm hàng trăm thợ thuyền, thế nhưng, chỉ có một ông giám đốc để điều hành. Trong một sư đoàn gồm cả ngàn binh lính, thế nhưng, chỉ vó một vị tướng để chỉ huy. Trong một quốc gia gồm hàng triệu người dân, thế nhưng, chỉ có một ông tổng thống để cai trị.
Cũng vậy, chỉ có một Thiên Chúa là chủ tể, là vị vua tối cao, đã an bài và sắp xếp mọi sự. Ngoài Ngài ra, không còn một thần minh nào khác. Đó là một sự thật tương đối dễ hiểu và dễ tin. Tuy nhiên đã từ lâu, mỗi khi làm dấu thánh giá hay đọc kinh Sáng danh. chúng ta vốn hằng tuyện xưng: Thiên Chúa ấy lại có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa. Chúa Con cũng là Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần cũng lại là Thiên Chúa. Thế nhưng, cả ba chỉ là một Thiên Chúa vì cùng chung một bản tính. Đó là một màu nhiệm vượt ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta.
Người ta đã cố gắng đưa ra những hình ảnh để sánh ví. Chẳng hạn hình ảnh về mặt trời. Phải, mặt trời là một khối lửa, vừa tỏa sáng vừa đem lại sức nóng. Lửa, sáng và nóng, ba đặc tính này cũng chỉ làm nên một mặt trời mà thôi. Chẳng hạn một cây hồng gồm rễ, thân và hoa. Thế nhưng, cả ba phần nay cũng chỉ làm thành một cây hồng mà thôi. Chẳng hạn như nước, có thể ở ba trạng thái khác nhau, lỏng như nước lã, đặc như nước đá, khí như hơi nước. Thế nhưng, cả ba trạng thái này cũng chỉ là nước mà thôi.
Tuy nhiên, những so sánh trên chỉ là những hình ảnh quá mờ nhạt, nếu không muốn nói là què quặt và lệch lạc, khã dĩ bóp méo cả sự thật mà chúng ta đã tin theo. Trí khôn và ngôn ngữ của con người thì quá nghèo nàn, không thể nào hiểu thấu và diễn tả nổi về màu nhiệm cao cả này, như trường hợp của thánh Augustinô: Múc cả nước biển mà đổ vào chiếc lỗ nhỏ còn dễ hơn là suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi.
Sởi dĩ chúng ta tin, đó là vì chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ và truyền dạy. Thực vậy, khi Ngài chịu phép rửa của Gioan ở sông Giócđan, Phúc âm đã kể lại: Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài và từ trời có tiếng phán: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Qua đó, chúng ta thấy có đủ Ba Ngôi: Chúa Cha qua tiếng nói từ trời cao, Chúa con đang chịu phép rửa và Chúa Thánh Thần qua hình chim bồ câu.
Khi Chúa Giêsu biến hình trên đỉnh Taborê, Phúc âm cũng ghi nhận: Lúc Phêrô còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ và từ trong đám mây có tiếng phán: Này là Con Ta yêu dấu, hãy vâng lời Ngài. Qua đó, chúng ta cũng thấy có đủ Ba Ngôi: Chúa Cha qua tiếng nói, Chúa Con đang biến hình và Chúa Thánh Thần qua đám mây chói lòa.
Sau cùng, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần.
Tuy nhiên, điều quan trong chúng ta cần tìm hiểu, đó là Chúa Ba ngôi đã làm gì cho chúng ta?
Trước hết, Chúa Cha đã yêu thương chúng ta bằng cách dựng nên chúng ta, nhận chúng ta làm con để rồi trao ban cho chúng ta quyền thừa kế Nước trời.
Ông vua kia nuôi một con chim hoàng yến. Nó hót rất hay khiến ông thích nó lắm. Ông mua những thức ăn hảo hạng và làm cho nó một chiếc lồng bằng vàng. Trong lúc quá say mê, ông đã nói với nó: Ta sẽ nhận ngươi làm con để ngươi thừa kế gia tai và vương quốc của ta. Chắc hẳn chúng ta sẽ bảo ông vua này điên khùng hay sao mà lại nói với một con chim như vậy. Tuy nhiên, Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu điên khùng hơn thế nữa.
Báo chí cách đây đã lâu có đăng tải tin một công chúa nước Anh sẵn sàng từ bỏ tất cả để kết hôn với một anh chàng phó nhòm. Người ta cho rằng cô công chúa này đã yêu một cách cuồng si. Tuy nhiên, Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu cuồng si hơn thế nữa. Chúng ta là gì mà lại được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha?
Thứ đến, Chúa Con đã yêu thương chúng ta bằng cách xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Nếu chúng ta ca ngợi cha Đamiêng, người đã tình nguyện đến sống chung với những người cùi ở Molokai, một hòn đảo xa xôi và hẻo lánh, để rồi đã chết đi giữa những người cùi bất hạnh ấy, thì chúng ta lại càng phải ca ngợi Chúa Giêsu hơn nữa, bởi vì Ngài đã đến ở với chúng ta, những kẻ đang mắc phải chứng phong cùi thiêng liêng là tội lỗi.
Nếu chúng ta ca ngợi cha Maximilanô Kolbê, người đã tình nguyện chết thay cho một bạn tù trong trại tập trung của Đức quốc xã, thì chúng ta lại càng phải ca ngợi Chúa Giêsu hơn thế nữa bởi vì Ngài cũng đã tình nguyện chết thay cho chúng ta để nhờ đó chúng ta được sống muôn đời.
Sau cùng, Chúa Thánh Thần đã yêu thương chúng ta bằng cách cư ngụ trong tâm hồn chúng ta và trao ban cho chúng ta sự sống thần linh cùng với những ơn sủng do công nghiệp của Chúa Giêsu để nhờ đó chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và xứng đáng lãnh nhận phần sản nghiệp Nước trời.
Để đáp lại tình yêu cao cả đó, chúng ta sẽ làm gì? Tôi xin đề nghị hai việc.
Việc thứ nhất đó là mỗi khi làm dấu thánh giá hay mỗi khi đọc kinh Sáng danh, chúng ta hãy làm và hãy đọc cho trang nghiêm và sốt sắng, để nhờ đó tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi.
Việc thứ hai đó là trong đời sống thường ngày, chúng ta hãy ra sức khử trừ tội lỗi, bởi vì tội lỗi chính là kẻ nội thù, làm cho chúng ta quay lưng chống lại tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Bởi vì mỗi khi phạm tội, chúng ta không còn vâng phục Chúa Cha, chúng ta đóng đanh Chúa Con một lần nữa và chúng ta xua đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi cõi lòng chúng ta.
62. Chú giải của Fiches Dominicales
MẶC KHẢI BẤT NGỜ CỦA PHÚC ÂM
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Tình yêu của Chúa Cha trong Con,Đức Giêsu Kitô, được biểu lộ.
Trong năm A này, sách bài đọc đã mượn bài Phúc âm trong chương 3 của thánh Gioan, phần cuối của cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô. Dựa vào giai thoại “con rắn đồng” (Ds 21,4-9), Đức Giêsu đi đến cử hành tế lễ treo trên thập giá như là đỉnh cao của mặc khải về tình yêu, tiếng nói đầu tiên và cuối cùng của ý định của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình: vì thế ai tin vào Ngài sẽ không chết nhưng được sống đời đời. Cụm từ “Con Một” gợi lên lễ hiến tế của Abraharn (Gen 22,2-12). Còn về việc “Nâng cao Con Người lên” (Ga 3,14) nơi thánh Gioan, bao gồm vừa là cái chết của Đức Kitô trên thập giá vừa là sự tôn vinh Người bên hữu Chúa Cha, và theo X.lon Dufour, “bao gồm rộng hơn nữa, cả hành trình của Ngài ở trần gian” (Đọc Tin Mừng thánh Gioan Tom I, Ed. du Seuil p.306-307). Thánh giá này là nguồn sống của tín hữu, không phải do khía cạnh hiến tế và đổ máu, nhưng theo A. Marchadour, là cách diễn tả cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa”. Ông viết tiếp: “Không như một vài người nhìn thánh giá như là nơi diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, khi Chúa Cha từ bỏ Chúa Con để chuộc tội loài người. Ở đây, Con và Cha hiệp thông với nhau trong cùng một tình yêu đối với thế gian (Tin Mừng Gioan, Centurion, p.69). Dự án tình yêu nhưng không của Thiên Chúa Cha mà Đức Giêsu mặc khải, mang tính phổ quát: “cho thế gian”, chứ không chỉ dành riêng cho một ít người. X.lon Dufour nhận xét: “Ba câu này liên kết mật thiết với nhau, hai câu đầu nói lên động cơ (3,16) và mục đích (3,16-l7) của ơn Chúa hay việc Cha sai Con Một mình. Trong chương trình này, lần thứ nhất, hai lần Thiên Chúa là “chủ từ”. Thiên Chúa được coi là nguồn gốc của hành động cứu rỗi, vì tình yêu cao cả ngất ngây của Ngài. Ở trung tâm của tất cả, nhất là trung tâm vai trò của Con Người và con đường dẫn tới thập giá, người ta tìm thấy Thiên Chúa yêu thương thế gian. Sự khẳng định đó coi Thiên chúa và tình yêu của Ngài như là thực tại nền tảng và tuyệt đối… Tình yêu đi trước tất cả, như trong lời mở đầu của thánh Gioan ánh sáng thiên linh đã hiện hữu vì con người trước khi có tối tăm. Thiên Chúa tình thương chỉ có một mục đích là cứu rỗi và ban sự sống (O.C. p.305-306).
2. Kêu gọi câu trả lời tự do của chúng ta “bây giờ”
Nhưng không, vô điều kiện, phổ quát, tình yêu Chúa Cha tỏ hiện trong Con Một, đòi hỏi một câu trả lời tự do của con người. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải tình yêu Chúa Cha, đòi hỏi mọi người ‘bây giờ phải chọn lựa, một sự chọn lựa sẽ quyết định cho số phận của mình’.
Với kẻ kết hiệp trong đức tin, với Thiên Chúa tình yêu được bày tỏ trong Đức Giêsu Kitô, với kẻ tin “nhân danh Con Một”, thì được hiệp thông với “sự sống đời đời”. Từ hôm nay họ được dẫn vào sự duy nhất vĩnh viễn và trong sự thân mật hoàn hảo của Chúa Cha và Chúa Con: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho chúng nên một với Ta” (Ga 17). Còn với “ai không muốn tin” thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào Con Thiên Chúa”. X. lon Dufour nhấn mạnh: “sự sống đời đời và án phạt không dành cho ngày sau hết mà thôi (phán xét chung thẩm): cả hai được thể hiện trong hiện tại khi gặp gỡ Đức Kitô. Tin vào Ngài tức thì “có sự sống”, trái lại, từ chối không tin là tự định đoạt cho mình phải chết” (O.C. p.308-309).
BÀI ĐỌC THÊM:
1. “Sống và yêu theo nhịp Chúa Ba Ngôi” (J.N. Bezencon, trong, “Babor p.131-132).
Mặc khải về Chúa Ba Ngôi không chỉ là sự bổ sung vào ý niệm chung về Thiên Chúa. Sẽ không đủ nếu chỉ thêm thắt vào ý niệm về Thiên Chúa của các tôn giáo khác. Mặc khải về Chúa Con và Chúa Thánh Thần để từ đó khám phá ra Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. So với tôn giáo độc thần của Do Thái mà một Chúa Ba Ngôi là sự hoàn thành, ý niệm Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu là cả một cuộc cách mạng trong sự hiểu biết về Thiên Chúa. Vì thế trong kinh Tin Kính của Kitô giáo, không có một đoạn đầu chung chung nói về Thiên Chúa trong những từ mà chúng ta có thể chia sẻ với anh em Do Thái giáo hay Hồi giáo. Chức làm Cha của Thiên Chúa, quyền năng vô biên của Ngài, hành động sáng tạo của Ngài, quyền làm Chúa của Ngài trên vũ trụ phải được đọc dưới ánh sáng của Đức Giêsu và thập giá của Ngài. Đức tin Kitô giáo, đức tin vào Chúa Ba Ngôi, không chỉ khác bởi nội dung của nó, như thể là trong danh mục các chân lý phải tin, chỉ cần thêm vào, cho là ở đâu đi nữa, một chương về Ba Ngôi là đủ. Chính đức tin đã khác biệt rồi, khác trong chính kết cấu, trong năng động. Đức tin cách nào đó, đảo ngược: khi tôi nói tôi xây dựng cuộc sống tôi trên Ngài, trước hết tôi muốn nói trong Ngài là nguồn suối, Ngài tin ở con người và phó thác cho tôi, ràng buộc mình với chúng ta, và tuỳ may rủi, Ngài chọn xây dựng tất cả dự tính tình yêu của Ngài, và chia sẻ, dựa trên sự đáp trả tự do và mong manh của chúng ta: Đức tin của chúng ta, tiếng Amen của chúng ta là câu trả lời như tiếng dội của lòng tin của Thiên Chúa. Nói Ngài là Cha là mẹ (đứa trẻ nói: Thiên Chúa là người Cha, thương yêu như người mẹ) điều đó muốn nói chính Ngài luôn luôn đi bước đầu. Huấn giáo (catécalèse) không có điểm xuất phát nào ngoài phát minh làm chóng mặt rằng một ai đó đã tin tôi đến nỗi làm cho tôi sống: “Con là con Ta, trong con Ta đặt tất cả tình yêu”. Bởi thế ngay lập tức, đức tin ấy là tin vào Chúa Ba Ngôi. Dựa vào huấn giáo là đặt mình ở điểm chính xác nơi mà Lời của Thiên Chúa có thể tìm thấy tiếng dội trong con người. Đó là đi vào kinh nghiệm làm con của Đức Giêsu. Cuối cùng huấn giáo là huấn giáo về Chúa Ba Ngôi vì đời sống Kitô giáo là tin vào Chúa Ba Ngôi: ở chỗ để Thánh Thần chiếm đoạt, đến nỗi nên một với Đức Giêsu mà Chúa Cha hằng sinh ra. Từ đó huấn giáo các bí tích mà người Kitô giáo học sống sự hiệp thông Ba Ngôi là rất quan trọng. Đó là dịp để quảng diễn các kinh trong sách nghi lễ, với điều kiện là đừng bắt đầu cách loại bỏ những gì mà tất cả những ai được giáo huấn (catéchisés) cho rằng không hiểu. Một nhóm nhỏ làm công tác giáo huấn làm ta nghĩ đến bức tượng thánh Icône của André Roublev, ba thiên thần được Abraham đón tiếp, truyền thống công nhận đó là hình ảnh tiên báo về Chúa Ba Ngôi. Tất cả Giáo Hội, tất cả mọi tế bào của Giáo Hội, là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi nếu như mỗi người đều hướng về kẻ khác trong sự chia sẻ và trong sự hiệp thông. Trong một êkip làm công tác huấn giáo, trong đó mỗi người đều biết đón nhận những gì mà người khác nói và làm ở đó, những lúc thinh lặng và cầu nguyện thật là những giây phút hiệp thông, một cái gì đó sống, đồng thời cũng có giá ăn mặc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa như là cái nhìn nhau giữa các thiên thần của bức tượng thánh của Roublev. Sự tuần hoàn của tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, được anh em Hy Lạp gọi là “Périchorèse” (một thứ vũ vòng quanh, cũng có gốc với từ chorégraphie). Thiên Chúa không bất động. Và vì Ngài luôn luôn là chuyển động và chia sẻ chính Ngài, Ngài là chuyển động hướng về chúng ta. Huấn giáo là nơi mà trẻ con, chúng biết chúng không bao giờ ở yên, được mời gọi đi vào chuyển động điệu múa Ba Ngôi, học sống và yêu với nhịp điệu của Cha, Con và Thánh Thần…”.
2. “Giáo Hội nói những gì Giáo Hội làm” (Pour dire le Credo, Cerf).
Nhìn Giáo Hội trong những gì Giáo Hội là, không phải là chuyện dễ dàng đâu. Giáo Hội loan báo Phúc âm, Tin Mừng của Đức Kitô vì hạnh phúc con người, và Giáo Hội làm cho con người sống các bí tích mà Đức Kitô đã truyền lại, đặc biệt và ngay từ đầu, Giáo Hội làm cho con người sống bí tích Thanh Tẩy. Giáo Hội hiện hữu là thế đó, nghĩa là như một công đồng của những ai, nam cũng như nữ, chấp nhận tình yêu Chúa Cha và liều mình sống đời sống của Ngài. “Hãy đi khắp muôn dân thu tập các môn đệ, làm phép rửa cho họ” (Mt 28,19). Nhiều khi chúng ta cho lời nói của Giáo Hội có tầm quan trọng (sự can thiệp của Đức Thánh Cha, các tuyên bố của các giám mục) hơn là việc làm của Giáo Hội, và chúng ta có cảm tưởng Giáo Hội là một tổ chức để nói, một bà già rất đáng kính nói hơi nhiều. Phải rồi Giáo Hội nói, và Giáo hội phải làm thế để nói lại với loài người vẻ đẹp của lời dạy của Đức Giêsu, và giúp họ thay lòng đổi dạ. Nhưng trong chân lý sâu thẳm của mình, trước hết Giáo Hội hành động, và khi suy nghĩ đến hành động của mình, Giáo Hội nói và khám phá ra những gì Giáo Hội đã làm. Như thế Giáo Hội kiểm tra lại sự thật của hành động mình, và cắt nghĩa giá trị của hành động ấy. Giáo Hội làm phép rửa, một hành động huyền bí cho phép con người nhận ra mình được Cha yêu thương và được hợp nhất với Đức Giêsu, nhờ ơn sức mạnh của Thánh Thần của Đức Giêsu…,được trở nên chứng nhân của tình yêu phổ quát của Cha. Chúng ta luôn phải tái khám phá ra vẻ đẹp và sự quan trọng của phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Và trong dây liên kết chặt chẽ với hành động chịu phép rửa mà Giáo Hội đã đề ra kinh Tin Kính, để cho mọi người sẽ chịu phép rửa, cùng nhau nhận ra kho tàng họ được chia sẻ không do công lệnh gì của họ. Phải luôn lặp lại lời thánh Phaolô: “Nhờ ơn thánh mà anh em được cứu chuộc, anh em chẳng có công trạng gì trong đó cả, chỉ là một ơn huệ của Thiên Chúa” (Ep 2,8). Kinh Tin Kính là bản đồ đi đường chỉ cho chúng ta thấy vẻ đẹp của thế giới mới trên bờ bến mà bí tích rửa tội đã đưa chúng ta tới. Việc tuyên xưng đức tin bắt đầu trong ngây ngất (của tâm hồn) và trong lời kinh tạ ơn.
3. “Hội Thánh của Thiên Chúa Ba Ngôi”. (B. Franck, trong “La Croix”, 12/2/1995, p.27).
Nếu Giáo Hội thật là một hiệp thông (koinonia), nếu từ cơ bản Giáo Hội là “dân Thiên Chúa”, “thân thể Đức Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần, nếu Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là nguồn gốc vừa là khuôn mẫu của sự sống của Giáo Hội, nếu những người chịu phép (giáo sĩ, giáo dân, tận hiến) phải được đào tạo theo mẫu những liên hệ nối kết Ba Ngôi Thiên Chúa, khi ấy Giáo Hội phải cố gắng phản ảnh lên trái đất, giữa các Kitô hữu, những mối liên hệ bình đẳng hỗ tương và bác ái, mối liên hệ giữa Cha, Con và Thánh Thần. Giữa Ba Ngôi, không có trên cũng không có dưới, không có Đấng quyết định và Đấng thi hành quyết định, Ba Ngôi với nhau, hoạt động với nhau sống với nhau mà vẫn giữ được căn tính của mình và Ngôi vị riêng biệt, tuy mỗi Đấng có một sứ mệnh đặc trưng có một không hai.
Giáo Hội tự mình muốn và tự nói mình là “bức tượng thánh của Ba Ngôi”. Giáo Hội phải luôn cố gắng hướng tới để trở nên cái mà mình phải là, chứ không phải luôn làm biến dạng khuôn mặt Ba Ngôi mà Giáo Hội tự cho mình là hình ảnh.
63. Một Tình Yêu không thể tin được
(Chú giải và Suy niệm của Lm Px. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh và Bố cục
Sách các Dấu lạ của TM IV (2,1–12,50) nói về các dấu lạ lồng vào một cái khung thời gian nhằm giới thiệu chân tính của Đức Giêsu, là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với Nicôđêmô (3,1-21) nằm trong phần đầu (2,1–4,54), phần này có bố cục như sau:
A (2,1-11.12): Khởi đầu các dấu lạ tại Cana miền Galilê: biến nước thành rượu (c. 12 là câu chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian]sang đoạn sau).
B (2,13-22.23-25 +): Thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem và đối thoại với người Do-thái về Đền Thờ mới (cc. 23-25 là những câu “làm cầu” nối 2,13-22 với 3,1-21).
C (2,23-25; 3,1-21): Đối thoại với Nicôđêmô về việc sinh bởi trên cao và diễn từ về việc có sự sống vĩnh cửu.
C’(3,22-36; 4,1-3 +): Đối thoại của Gioan Tẩy Giả với các môn đệ ông về chú rể đến từ trên cao và diễn từ về sự sống (Đoạn 3,22-24 là dẫn nhập chuyển tiếp. Đoạn 4,1-3 là những câu “làm cầu” nối [vì kết] 3,22-36 với [vì chuẩn bị cho] 4,4-42; đoạn này minh nhiên quy chiếu về 3,22-23 và hướng tới 4,43-45).
B’(4,1-3.4-42): Đối thoại với người phụ nữ Samari về việc có nước hằng sống và việc phụng tự đích thật.
A’(4,43-45.46-54): Dấu lạ thứ hai tại Cana miền Galilê: chữa con trai một quan chức nhà vua (cc. 43-45 là đoạn chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian] từ 4,4-42 sang 4,46-54).
Chúng ta thử xác định cấu trúc của phân đoạn 3,1-21 (nhờ đó, có thể biết vị trí của cc. 14-21). Về hình thức bản văn, chúng ta ghi nhận rằng Nicôđêmô có nói ba lần ở cc. 2, 4 và 9. Đáp lại ba câu nói của ông, Đức Giêsu trả lời bằng công thức long trọng, “Thật, tôi bảo thật ông” (cc. 3, 5 và 11; đi trước c. 11 là một nhận xét đối-thủ-luận [ad hominem]). Ba câu trả lời của Đức Giêsu cứ mỗi lần mỗi dài hơn. Về phương diện tư tưởng, có những liên hệ đến Ba Ngôi: các lời Đức Giêsu nói ở cc. 3-8 liên hệ đến vai trò của Thần Khí; những lời ở cc. 11-15 liên hệ đến Con Người; những lời ở cc. 16-21 liên hệ đến Thiên Chúa Cha. Nếu tổng hợp hai phương diện hình thức và tư tưởng, chúng ta có thể xác định bố cục của 3,1-21 như sau:
* Câu 3,1: Dẫn nhập cho toàn bài (nối 2,23-25 với ch. 3).
1. Phân đoạn 1 (cc. 2-8): Sinh ra bởi trên cao nhờ bởi Thần Khí là điều cần thiết để được đi vào trong Nước Thiên Chúa; sinh ra bởi tự nhiên thì không đủ.
(a) cc. 2-3: Câu hỏi và câu trả lời đầu tiên: sự kiện sinh ra bởi trên cao.
(b) cc. 4-8: Câu hỏi và câu trả lời thứ hai: cách thức sinh ra – nhờ bởi Thần Khí.
2. Phân đoạn 2 (cc. 9-21): Tất cả những điều này chỉ có thể có được khi Con đã lên cùng Cha, và điều này chỉ được ban cho những ai tin vào Đức Giêsu.
– cc. 9-10: Câu hỏi và câu trả lời thứ ba dẫn nhập vào toàn phân đoạn.
(a) cc. 11-15: Con phải lên cùng Cha (để ban Thần Khí).
(b) cc. 16-21: Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết để được hưởng nhờ ân huệ này.
Theo R.E. Brown, tác giả TM IV đã để lại một vài dấu chỉ giúp khám phá ra lược đồ ngài theo để tổ chức bản văn.
Phân đoạn 1 bắt đầu với lời khẳng định của Nicôđêmô: “Chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư” (c. 2); câu này được đặt trong thế cân bằng với mở đầu của Phân đoạn 2 với lời Đức Giêsu, “Ông là bậc thầy (tôn sư) trong dân Israel, … chúng tôi nói những điều chúng tôi biết” (cc. 10-11).
Ngoài cách bố cục thành hai phân đoạn, dường như toàn bài được viết theo kỹ thuật đóng khung (bằng các ý tưởng cùng một trường ngữ nghĩa):
(a) Bản văn bắt đầu với việc Nicôđêmô đến với Đức Giêsu ban đêm; bản văn kết thúc với đề tài người ta phải bỏ bóng tối để đến với ánh sáng.
(b) Nicôđêmô mở đầu cuộc đối thoại bằng cách chào Đức Giêsu là vị tôn sư từ Thiên Chúa mà đến; phần cuối của bản văn cho thấy rằng Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa (c. 16) mà Thiên Chúa đã sai đi vào trong thế gian (c. 17) như là ánh sáng cho thế gian (c. 19).
(c) Nếu chúng ta coi 2,23-25 như là phần mở đưa vào “xen” Nicôđêmô, chúng ta lại có một bản văn đóng khung khác: ở 2,23, chúng ta đã nghe nói đến những người “đã tin vào danh Người”, nhưng niềm tin của họ không thỏa đáng vì họ không đến để thấy Người là ai; ở 3,18, chúng ta thấy lời Đức Giêsu nhấn mạnh rằng ơn cứu độ chỉ được ban cho những ai “tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.
2.- Vài điểm chú giải
– Như ông Môsê đã giương cao con rắn (14): Câu này nhắc đến Ds 21,9tt.
– ai tin vào Người thì được sống muôn đời (15): Câu này tương ứng với Ds 21,8: “Ai nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.
– Thiên Chúa yêu thế gian (16): Động từ agapaô ở thì quá khứ aorist (êgapêsen) nhắm diễn tả hành vi yêu thương tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Có thể nói ở đây chúng ta có một ví dụ tuyệt hảo về động từ agapaô được diễn tả ra thành hành động, bởi vì c. 16 nói đến tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ ra trong cuộc Nhập Thể và cái chết của Chúa Con.
– đã ban (16): Đông từ didomi không chỉ nhắm đến cuộc Nhập thể (Thiên Chúa gửi Con vào trần gian; c. 17), nhưng nhắm đến cả cuộc đóng đinh (trao nộp cho chết: “giương cao” trong cc. 14-15). Như thế, động từ này tương tự với paradidomi, “trao nộp”, ở Rm 8,32; Gl 2,20; và didomi ở Gl 1,4.
– Thiên Chúa sai Con (17): Động từ apostellô này song song với “ban” (didomi) ở c. 16. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, cũng có cặp động từ này, “sai” và “ban” ở 14,16.26. Gioan dùng hai động từ có nghĩa là “sai phái” có vẻ không phân biệt: pempô (26 lần) và apostelô (18 lần).
– Con (17): Từ “Con” ở dạng tuyệt đối (không có túc từ đi theo) trong Ga thì hầu như song song với cụm từ “Con Người” theo truyền thống Nhất Lãm.
– không phải để lên án thế gian (17): Câu này xác định mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận khi được gửi vào trần gian: không phải để lên án, nhưng để cứu độ (x. Ga 4,42; 1 Ga 4,14). Thế nhưng ở 9,39, Đức Giêsu lại khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử”. Điều duy nhất Thiên Chúa muốn, đó là cứu độ thế gian; nhưng biến cố Con của Ngài đến cũng nhất thiết đưa loài người đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của đời người, là gắn bó với Con Một Thiên Chúa (c. 18) bằng đức tin, hoặc ngược lại, từ chối tin vào Người.
– được cứu độ (17): So sánh với c. 16, ta hiểu “được cứu độ” ở đây có nghĩa là “được sống muôn đời” (x. 1 Ga 4,14; Ga 12,47).
– vì đã không tin (18): Mê pepisteuken ở thì hoàn thành (perfect) có nghĩa là “đã và vẫn không tin”, một thái độ cứng lòng tin kéo dài.
– tin vào danh (18): “Danh” chính là bản thân Đức Giêsu.
– làm điều ác (20): Kiểu dùng động từ “làm” với “điều tốt”, “sự thật”, hoặc “điều xấu” (xem cc. 20.21) là một kiểu nói Sê-mít.
3.- Ý nghĩa của bản văn
* Con phải lên cùng Cha (11-15)
Qua những lời đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, ta biết rằng để được tham dự vào Nước Thiên Chúa, phải có một khởi đầu hoàn toàn mới, do Thiên Chúa ban trong bí tích Rửa Tội, nhờ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ở trong khởi đầu mới này, chúng ta không được thụ động, trái lại phải tin vào Con Thiên Chúa (x. 1 Ga 5,1). Thế nhưng đức tin chẳng phải là chuyện của con người. Đức Giêsu cho thấy rằng đức tin phải dựa trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của Ngài đến. Cuộc tái sinh bởi Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng ta đạt tới ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích thực không qua đi. Không có hai điều này, chúng ta sẽ sai lầm về ý nghĩa của chính bản thân chúng ta.
Làm thế nào để tránh khỏi cái chết thảm thương và bảo đảm cho cuộc sống chúng ta? Israel đã đứng trước những câu hỏi này khi mà trên đường băng qua sa mạc, họ bị rắn độc đe dọa (x. Ds 21,4-9). Thiên Chúa đã ra tay cứu trợ Dân Ngài. Ngài đã bảo Môsê đúc một con rắn đồng và treo vào cán cờ; ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được sống. Thiên Chúa vẫn trợ giúp chúng ta. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đặt định rằng Đấng Chịu Đóng Đinh là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. Đàng sau Đấng Chịu Đóng Đinh là chính Thiên Chúa. Ngài đã ban và sai Con của Ngài đến vì yêu thương toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa có một cường độ và một chiều kích to lớn đến nỗi, nếu có thể, hẳn ta phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương chúng ta, hơn chính Con của Ngài. Ngài không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban cho chúng ta món quà là Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất với Ngài.
* Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết (16-21)
Thiên Chúa bày tỏ một sự ân cần lạ lùng đối với loài người chúng ta, Ngài quan tâm giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ở trong tình trạng bấp bênh: Thiên Chúa không cung cấp ơn cứu độ không cần chúng ta, hoặc là ngược lại với ý muốn của chúng ta. Chúng ta phải mở ra với sự ân cần của Thiên Chúa, phải trân trọng tình yêu lạ lùng ấy, phải tin vào Con Thiên Chúa chịu đóng đinh. Chỉ khi chúng ta xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con Một, Con yêu dấu của Thiên Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa mới có thể thực sự đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với ánh sáng và sức nóng của Người. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng ta.
Điều cần thiết này có vẻ hiển nhiên. Tuy thế, có một hiện tượng lạ lùng, đó là loài người lại ưa thích bóng tối hơn ánh sáng (c. 19). Có những lý do để trốn tránh ánh sáng và tìm lá chắn là bóng tối; những lý do này nằm nơi lối sống của con người. Ai làm điều ác thì tự nhiên tránh ánh sáng; ai làm điều thiện thì mới dám ra trước ánh sáng, người ấy không có gì phải che giấu. Chúng ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của hành động để bày tỏ đức tin. “Điều thiện”, đó là những gì chúng ta làm theo ý Thiên Chúa (c. 21), bằng cách lắng nghe Ngài, chân thành tìm cách thi hành ý muốn của Ngài. “Điều ác” là những gì chúng ta làm không theo các tiêu chí đó, khi chúng ta không tìm Thiên Chúa, nhưng ích kỷ tìm cách thực hiện các chương trình và ý muốn của riêng mình, thậm chí ngược lại với ý Thiên Chúa. Ai chỉ tìm chính mình, thì khép lại với Thiên Chúa và gặp nguy cơ là cũng cứ khép lại không nhận được mạc khải xán lạn về tình yêu của Ngài. Không nghiêm túc quan tâm đến ý muốn của Thiên Chúa, làm sao có thể tin vào tình yêu của Ngài? Chính tình yêu ấy lại càng đưa người ấy xa rời khuynh hướng ích kỷ và làm cho người ấy càng cảm nhận rằng mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa! Ai luôn duy trì một dây liên kết với Thiên Chúa, thì mở ra với ánh sáng của tình yêu Ngài.
+ Kết luận
Chỉ trong mấy câu Ga 3,14-21, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người được khẳng định với sự tha thiết lạ lùng và điều kiện phải theo để được hưởng nhờ tình yêu đó cũng được xác nhận hết sức rõ ràng. Đứng trước mạc khải vĩ đại và trực tiếp này về Thiên Chúa, chúng ta không còn có thể tránh né mà nói rằng Thiên Chúa chỉ là một sức mạnh mơ hồ và xa cách với chúng ta. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, cũng không phải chỉ là một tư tưởng hay một lý thuyết, một giả thuyết hoặc một chuyện hão huyền trên mây trên gió, mà là một thực tại lịch sử đích thực. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa rất thực hữu!
4.- Gợi ý suy niệm
1. Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần, chăm sóc, nỗ lực, vận dụng mọi sự. Tình yêu muốn điều hay điều tốt cho người mình thương. Người ấy không dửng dưng với con đường và định mệnh của người yêu, nhưng ra sức làm cho người kia được sống trong niềm vui và sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa thì sao? Phải chăng Ngài đã tạo thành thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm đến chúng ta và đến định mệnh chúng ta không, Ngài có để ý xem chúng ta thế nào và chúng ta đi đến đâu không? Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta, đã quan tâm đến số phận của chúng ta, đã ban Người Con Một để chúng ta được sống viên mãn ngay từ bây giờ. Chúng ta có giá đối với Thiên Chúa đến mức Ngài sẵn sàng hy sinh Con vì chúng ta (x. Rm 8,32).
2. Sau cuộc tạo dựng, sau Lề Luật, các Ngôn sứ và tất cả những hình thái ân cần săn sóc khác, Chúa Con là tiếng nói cuối cùng và ân huệ có giá trị tối cao được Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người Con sẽ quan tâm đến chúng ta riêng tư từng người, sẽ chỉ cho từng người biết con đường đưa tới ơn cứu độ, sẽ đưa ta đến chỗ hiệp thông với Người và đi đến cuộc sống muôn đời. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải là một tư tưởng hay là một lý thuyết, một giả thuyết hay một chuyện tưởng tượng, nhưng là một thực tại lịch sử đích thực. Từ đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa cũng hết sức hiện thực.
3. Thiên Chúa, “một” (độc thần) mà cũng là “ba” (ngôi), là một mầu nhiệm rất lớn lao, mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới, nếu chính Thiên Chúa không mạc khải cho chúng ta nhờ trung gian Đức Kitô. Chúng ta phải tuyên xưng các dữ kiện của mầu nhiệm này, và tiếp cận bằng những bước rất giới hạn và phiến diện, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào giáo huấn của Đức Giêsu Kitô.
4. Bản văn không nói trực tiếp đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta đã được mạc khải rằng Thiên Chúa và Đức Giêsu cứu độ chúng ta bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta (Ga 7,37-39; x. Gl 4,4-7). Dù sao mẩu đối thoại với Nicôđêmô cũng đã cho thấy những cái mốc: não trạng thiêng liêng do Thánh Thần ban cho. Thánh Thần đối nghịch lại với xác thịt (Ga 3,6), với những cái nhìn trần tục (3,12). Thiên Chúa Cha gửi Con Một của Ngài đến với chúng ta, để Người Con cứu chúng ta bằng cách thông ban Thần Khí. Và chính Thần Khí giúp ta đi lên với Chúa Cha nhờ trung gian Đức Kitô (x. Gl 4,4-7; Rm 8,15-17).
64. Chú giải của Noel Quesson
Phải mất ba thế kỷ, các Công đồng của Giáo Hội mới định nghĩa chính xác Ba Ngôi. Nhưng ngay từ lúc khởi đầu, mọi sự đã được đem đến trong Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng của Thánh Gioan. Cuộc đàm thoại với Nicôđêmô mà chúng ta đọc hôm nay là một đoạn trích ngắn, thật sự đã làm cho chúng ta khám phá một điều gì đó chủ yếu: “tranh luận” hẳn là không đi tới đâu, phải đi theo Đức Giêsu và dấn thân với Người. ông Nicôđêmô đại diện cho các môi trường trí thức Do Thái ông là bậc thầy trong dân Israel (Ga 3,10)… Tuy nhiên ông không hiểu! trước tiên Ba Ngôi không phải là một vấn đề hóc búa của trí tuệ mà một thực tại đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu! Và tình yêu này mang một khuôn mặt: Đức Giêsu trên thập giá. Gioan là tông đồ duy nhất đã dám đối mặt với cảnh tượng ấy của tình yêu điên rồ của Thiên Chúa, khi tham dự vào bi kịch trên đồi Golgotha, cả cuộc đời Ngài, thánh Gioan đã suy niệm trước Đức Giêsu “được gương cao” khỏi mặt đất trước mắt Ngài. Thánh Gioan đã nói với chúng ta sự suy niệm ấy. Đồng thời nó cũng là chân lý sâu xa nhất về căn tính của Đức Giêsu.
“Thiên Chúa yêu đến nỗi…”
Trước khi đi xa hơn trong câu này, tôi để cho những chữ ấy thấm vào người tôi.
Vậy ra đây là vấn đề tình yêu. Và một tình yêu sẽ làm những chuyện điên rồ người ta đã đoán ra điều đó trong trạng từ “đến nỗi”…
Israel biết rằng Thiên Chúa yêu thương. Toàn bộ Cựu ước là một chung cư về điều đó. Bài đọc đầu tiên cho chúng ta nghe lại mặc khải với Môsê trong sa mạc Sinai:”Ta là Đức Chúa Giavê, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,4-9). Vâng, toàn bộ Kinh Thánh đều biết tình yêu của Thiên Chúa nhưng không một ai có thể đoán được tình yêu ấy đi tới mức nào?
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…”
Từ thế gian mà trong tiếng Hy Lạp là “kosmos”, trong Tin Mừng Thánh Gioan thường có nghĩa xấu, ở đây cần biết rằng thế gian, toàn vũ trụ được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương thế gian mà Người đã làm ra. Người ta thương yêu cái gì mình đã làm ra. Nhưng cần biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người. Thiên Chúa đã yêu thương một ‘anh nọ’ và một ‘chị kia’. Và tôi đặt những khuôn mặt cụ thể được yêu thương hoặc không… trên những từ ấy. Thiên Chúa đã yêu thương anh X. đến nỗi… Thiên Chúa yêu thương chị Y đến nỗi.
‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nối đã ban…”
Hai động từ này: ‘yêu’ ‘ban’ ở thì quá khứ bất định trong ngôn ngữ Hy lạp và dịch thì quá khứ trong tiếng Pháp (trong tiếng Việt là “đã yêu” và “đã ban”). Thiên Chúa đã yêu và đã ban. Đây là một hành động chính xác, có ngày giờ nơi chốn. Quả thật! Đức Giêsu Nagiaret con của Bà Maria, con người thật đã can thiệp vào lịch sử cách nay hai mươi thế kỷ trong một xã hội của Đế quốc La mã đồng thời đó cũng là một biến cố của hoàn vũ đã biến đổi triệt để lịch sử của nhân loại. Kinh Tin Kính của chúng ta không phải là một chuỗi các ý tưởng, nhưng là một chuỗi “sự kiện”: Thiên Chúa đã sáng thế, Đức Giêsu đã được trinh thai bởi Chúa Thánh Thần; Người đã đau khổ, đã chết đã sống lại…
Phụng vụ của chúng ta không phải là những ngày lễ các ý tưởng: Chúng ta không mừng lễ công lý, tình huynh đệ và cả đức tin. Cách nói: “lễ đức tin tạo ra sự lẫn lộn. Tin Mừng không phải là sách bàn về học thuyết, là một “tường thuật kể lại các biến cố… mà tác giả là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là “chủ thể” của hành động: Người yêu… Người ban…
“Người đã ban Con Một…”
Nếu đọc lướt qua nhanh câu này, người ta có thể chỉ nghĩ đến sự Nhập Thể: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con của Người! Nhưng có một tính từ nhỏ: Con “Một” tính từ ấy xem ra có thể tầm thường với bất cứ người nào không biết Kinh Thánh. Vả lại, đối với thính giả Do Thái, hai từ ấy (Con, Con Một) nhắc đến một đoạn văn của Cựu Ước trong trí nhớ của mọi người: vị đại tổ phụ sáng lập đức tin, Abraham đã chấp nhận hiến tế con trai, con duy nhất của ông (St 22,2-22,16). Đối với Gioan điều này ám chỉ đến sự “tận hiến” trên đồi Golgotha, chứng tá cao cả nhất của tình yêu. Trong một câu trước, Gioan đã nói với chúng ta rằng: “Con Người phải được giương lên như con rắn đồng trong sa mạc” (Ga 3,14). Thánh Phaolô cũng đã viết: ‘Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Tình yêu ấy là vô cùng tận! sự điên rồ của tình yêu.
“Để ai tin vào con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Thiên Chúa đã khởi xướng trước, Người đã “yêu thương đầu tiên”. Mọi sáng kiến đến từ phía Người. Nhưng như chúng ta biết rõ, để có tình yêu, nếu chỉ có lời tuyên bố, bày tỏ, trước những bước, dấu chỉ từ một trong hai phía chưa đủ … mà phải có sự tương ứng, đón nhận, đáp trả, … đức tin là lời đáp lại của con người đối với lời tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa: người ta trao đức tin cho người khác, người ta làm cho người ấy tin tưởng, tín thác cho nhau, người ta được “đính hôn”!
Cái được mất của đức tin ấy vô cùng quan trọng: vấn đề là chết hay sống: “ai tin thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Đó là một song luận khắc nghiệt: hoặc là …hoặc là.. đó là một chọn lựa quyết định: trong trường hợp này người ta không sống, trong trường hợp kia người ta được sống… không có con đường trung bình mà là sự phân đôi triệt để khốc liệt. Hoặc người ta chấp nhận “sự ban cho của Thiên Chúa” và đi đến sự sống muôn đời là đặc tính của Thiên Chúa hoặc người ta ở lại với nhân tính của mình và dĩ nhiên là phải chết. Không thể có thái độ nghiêng ngả quanh co. Phải nói “có” hoặc “không” trước sự ban cho của Thiên Chúa. Và theo nhà văn Bernanos, Xatan muốn làm chúng ta trở thành “Ông Ouinn”… là ông vừa nói “có” (oui) và “không” (nn.. non) ông nước đôi đó nói “có” khi bắt đầu nói “không”.
“Quả vậy Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ”.
Tư tưởng này của Đức Giêsu rất cách mạng. Trong đạo Do Thái cùng thời với Đức Giêsu, người ta thường loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đến tiêu diệt thế giới tội lỗi. Các thủ bản ở Qumran chứa đầy quan niệm ấy của phái Manikêu: con cái của ánh sáng sẽ tiêu diệt con cái của bóng tối trong một cuộc chiến đấu một mất một còn, không khoang nhượng. Gioan Tẩy Giả gần với tâm thức đó, cũng chờ đợi một Đấng Mêsia trả thù và xét xử (Mt 3,10-12).
Nhưng quan điểm của Kitô giáo về thế gian thì hoàn toàn quân bình hơn. Không phải là một quan điểm lạc quan, bịt mắt trước sự xấu ác và không nghe thấy khát vọng bao la về một “thế giới tốt đẹp hơn”… cũng không phải là quan điểm bi quan luôn luôn lặp lại rằng thế giới thì xấu xa… nhưng là một quan điểm “cứu độ” thừa nhận sự xấu ác của thế gian nhưng không phải lên án nó, nhưng để cứu nó! Đức Giêsu cứu thế thật tuyệt vời!
Còn chúng ta thì sao? có phải chúng ta là những môn đệ của Đức Giêsu ấy không? chúng ta có yêu thương thế gian như Thiên Chúa không? nghĩa là bằng sự đấu tranh chống lại điều ác và tội lỗi của thế gian để cứu độ nó. Tình yêu thương của chúng ta có tính “cứu chuộc” không? nghĩa là trước hết phải thực hiện và sáng suốt trên những khuyết điểm và tội lỗi của anh em chúng ta (cả chúng ta nữa) bị lệch lạc méo mó nhưng chúng ta cũng phải có đủ lòng nhân hậu để cứu giúp họ ra khỏi tình trạng ấy và ban cho họ cơ hội để đổi mới…
Tôi còn phải cầu nguyện nhiều về hai từ: ‘không nên đoán xét’ mà hãy ‘cứu’.
“Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án…”
Đối với Đức Giêsu, đức tin thoát khỏi sự phán xét. Như thể sự phán xét đã “hiện đại hoá” vào ngày hôm nay, và đặt vào đôi tay của con người: chính con người tự phán xét mình. Và Đức Giêsu nói rằng đức tin là sự phán xét ấy: “ai tin là người được cứu, còn ai không muốn tin đã bị lên án rồi…”
“Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi”.
Chúng ta thấy những lời này rất nghiêm khắc, bởi vì chúng ta nghĩ đến bao nhiêu người không tin, trong vòng bà con hoặc trong chính gia đình chúng ta, và trong thế giới bao la đó những nền văn minh lớn hoàn toàn không có được khả năng biết Đức Giêsu. Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ ra khỏi Tin Mừng các công thức căn bản ở đó con người bị thúc bách phải chọn lựa “theo” hoặc “chống”…”có” hoặc “không”…tuy nhiên phải có sự phân biệt chủ yếu:
1. Khi gởi đến các Kitô hữu đã thật sự tuyên xưng đức tin, thì lời cảnh báo nghiêm khắc ấy tức là không được chối bỏ đức tin mà mình đã tuyên xưng là một lời mời gọi không ngừng lặp lại sự tuyên xưng ấy bằng cách mỗi ngày canh tân sự chọn lựa sống theo Đức Giêsu Kitô của mình: nghĩa là “phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!”.
2. Về phần mọi người khác, chưa bao giờ có cơ hội chọn lựa Đức Giêsu một cách thật sự có ý thức, cá nhân là trưởng thành… thì điều mà chúng ta biết về tình yêu Thiên Chúa (Đấng đã sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian mà để cứu độ nó), cho phép chúng ta hy vọng rằng nhiều người trong số những người thực tế ‘không theo Đức Giêsu cũng đã theo Người dù họ không biết điều đó (và quả là thiệt thòi cho họ) bằng cách sống làm người của họ “theo Đức Giêsu Kitô” nghĩa là “phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!”
“Vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”
Và một lần nữa chúng ta biết chọn lựa ấy khẩn thiết như thế nào… ngay từ bây giờ. Nhưng trong một đoạn văn song song khác, Đức Giêsu sẽ nói rằng một “kỳ hạn của ân sủng” sẽ được ban cho con người, bởi vì chỉ đến ngày sau hết mà “lời của Đức Giêsu sẽ xét xử những kẻ từ chối Người (Ga 12,47-50). Điều đó không loại bỏ sự khẩn thiết của ngày hôm nay… nhưng tất cả đời sống của chúng ta mỗi ngày là sự phán xét của chúng ta…
Để kết thúc sự suy niệm này, chúng ta biết rõ hơn tại sao trang Tin Mừng này được chọn cho ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Trong Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề mà người ta đề cập như một sự trình bày lý thuyết và trừu tượng… đó là một thực tại của tình yêu người ta bước vào thực tại ấy để sống tình yêu ngay từ HÔM NAY bởi đức tin trong Đức Giêsu.
65. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi…”: Công trình cứu rỗi được nối kết với nguyên lý tối hậu của nó là tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian. Việc sai phái Chúa Con, như là dấu tích tình yêu của Thiên Chúa, đã được lựa 4,9-10.16.19 làm nổi bật. Tư tưởng này, tiềm tàng trong Tin Mừng thứ tư, đã được khai triển trong chương 13 và các chương kế tiếp.
“Vì Thiên Chúa không sai Con đến trong thế gian để xử án thế gian”: Câu này xác định mục đích sứ mệnh của Chúa Con đối với thế gian: không phải để xét xử, nhưng để cứu rỗi thế gian (Ga 4,42; 1Ga 4,14). Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại quả quyết trong 9,39: “Chính để xét xử mà Ta đã đến trong thế gian”. Thưa điều Thiên Chúa muốn là cứu rỗi thế gian; tuy nhiên việc Chúa Con đến nhất thiết gây nên quyết định chọn lựa dứt khoát của con người, sự chọn lựa này làm nên việc xét xử. Quyết định chính yếu ấy của tất cả đời người, chính là việc gắn bó vào “Con Một của Thiên Chúa” (c.18) bằng đức tin, hay trái lại là sự chối từ không chịu tin. Câu 18 dịch sát chữ là “Kẻ tin vào Người thì không bị án xử (trong các câu 17-18, BJ cả 3 lần đều dịch “luận phạt”, trong lúc bản Hy lạp là “án xử”); kẻ không tin thì đã bị “xét xử rồi”. Án xử thành ra không tự Chúa Con mà đến, nhưng tự thế gian đã không chịu đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Kitô đem tới cho. Thế gian khép lòng trước tình yêu của Chúa Cha tỏ hiện trong việc sai phái Chúa Con, nó loại bỏ Đấng Trung gian duy nhất là Đấng có thể đưa nó đến sự sống. Thành ra, vì ích kỷ, thế gian đã chọn lựa ở lại trong sự chết. Một án quyết sẽ có thể long trọng công bố, xác nhận tình trạng này (x. cuộc phán xét cánh chung vào ngày Quang lâm trong các Tin Mừng Nhất lãm) nhưng sẽ không thay đổi tình trạng đó nữa.
KẾT LUẬN
Không được chần chừ lần lựa hoặc giả diếc làm ngơ trước mặc khải trực tiếp nhất, hồng ân cứu độ cao quý nhất và tình yêu tuyệt đối này của Thiên Chúa. Vì hãy nhớ rằng cái chết của Chúa Giêsu mặc cho mọi phản ứng của con người ý nghĩa cánh chung đích thực của nó.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi có được là nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về Thiên Chúa đều được chứa đựng trong con người của Chúa. Từ đó việc tin vào Chúa Con dã hàm chứa việc tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế Tin Mừng đã nói: “Phàm ai tin vào Người thì không phải hư đi nhưng được sự sống đời đời”. Sự kiện trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội chọn một bản văn có chủ ý nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, cho thấy khởi điểm lộ trình và mục đích của niềm tin đã được bao hàm trong việc gắn bó sống động vào Chúa Kitô. Ai đến với Chúa Kitô thì cũng đến với Chúa Cha và được như thế là nhờ ơn Chúa Thánh Thần.
2) Nhưng đây còn một vấn nạn khác mà Tin Mừng muốn trả lời: Thiên Chúa cứu thế gian bằng cách nào? bằng cách sai Con của Ngài đến trong thế gian. Thế nhưng ngày nay Chúa Kitô đến trong thế gian bằng con đường đặc biệt nào? Bằng Giáo Hội. Do đó Giáo Hội có sứ mệnh làm cho Chúa Kitô hiện điện trong thế gian. Giáo Hội phải thông đạt một sự hiện diện đích thực chứ không chỉ giảng dạy, đưa ra học thuyết, giáo huấn mà thôi. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tự trở nên gần gũi với nhân loại trong con người Chúa Giêsu Kitô, Đấng được mặc khải trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội.
3) Kẻ tin vào Chúa Giêsu đến nỗi sẵn sàng chia sẻ số phận tử nạn và phục sinh của Người, thì được vào trong mầu nhiệm sống động của Thiên Chúa. Điều này giải thích tại sao sứ điệp của các sứ đồ, ở thời đầu Giáo Hội, không phải là một bài giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng là lời loan báo về Chúa Giêsu Kitô. Suốt giòng lịch sử Giáo Hội, và nhất là qua các Công Đồng, Giáo Hội sẽ cố gắng công thức hóa cho mình một tư tưởng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng việc chính của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội (trong mỗi người chúng ta) là làm sao cho Giáo Hội trở thành và mãi mãi là kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô.
4) “Ai tin vào Con Người thì chẳng bị án xử; ai không tin thì đã bị án xử rồi vì đã chẳng tin”. Đây là nghịch lý của một sự tự do chỉ có thể chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Không có nhiều cách sống, nên không thể có sự chọn lựa giữa nhiều giả thuyết khác nhau. Hoặc được tất cả hoặc mất tất cả. Tình yêu của Chúa Cha biểu lộ trong Chúa Con và kích động trong ta nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, xem ra bi thảm vì có tính cách quyết định. Tình yêu không phải là cái gì có thể chọn lựa tuỳ ý giữa bao cái khác. Nó là sự sống của con người. Sự tự do mà Thiên Chúa ban cho con người là tiếng mời gọi diệu kỳ nhất, mời gọi đi đến với tình yêu, đồng thời cũng là khả năng hủy diệt nguy hiểm nhất. Nhiều kẻ đã sợ tự do; có lẽ họ thích đừng phải đương đầu với một chọn lựa như thế, vì họ coi sự chọn lựa đó dã man hơn là dịu dàng và tế nhị. Tuy nhiên, chính khi tự do yêu thương mà con người thực sự là người. Nếu không có sự chọn lựa ấy (với nhiều khía cạnh bi thảm của nó) thì con người chỉ còn là một người máy đã bị quy định trước. Nhưng đối với ai lựa chọn theo Chúa Giêsu, đối với ai nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, “đã tin vào Danh Con Một Thiên Chúa” thì thật hạnh phúc dường nào! Tất cả trở thành bình an và vui sướng trong sự hiệp thông mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện.
66. Dấu Thánh nhiệm mầu.
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Ca khúc “Làm Dấu” với giai điệu nhẹ nhàng mang tâm tình cầu nguyện, lời ca tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi khi làm dấu thánh giá. Có lẽ nhiều người thuộc lòng và ngân nga bài ca này hàng ngày.
1. Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng.
Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu.
Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc đời con.
Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm, ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời.
ĐK: Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa.
Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong con con ở trong Chúa.
2. Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ.
Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin.
Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm tin.
Giữa hiểm nguy khốn khó con làm dấu xin ơn bình an, trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường, Chúa ơi ở bên con nhé vì con đây luôn cần tới Ngài.
Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.
Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung 2011, Số 19).
Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.
1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.
Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.
Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.
Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.
Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.
2. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu.
Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.
Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.
Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.
3. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo.
Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người.
Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.
– Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.
– Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.
– Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.
– Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).
Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.
Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.
Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.
Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.
Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh.
Dấu Thánh Gía là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.
Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa. Amen.
67. Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An
“Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”.
Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung 2011, Số 19).
Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.
Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.
Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.
Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.
Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.
2. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu.
Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.
Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.
Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.
3. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo.
Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.
Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.
Dấu thánh giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu thánh giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.
Đi sâu hơn chút nữa, chúng ta càng thấy mầu nhiệm Ba Ngôi thật gần gũi và thật là cao cả. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”.
Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.
Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: ” Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: ” Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.
Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.
Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.
Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐGM Bùi Văn Đọc).
Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.
Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho chúng con biết sống yêu thương để chúng con luôn thấy Chúa hầu chúng con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen.
68. Sống hiệp thông chia sẻ – Lm Jos Nguyễn Hữu An
Có người nông dân dạy con trai mới lớn: muốn cho mướp ra nhiều trái phải bấm ngọn.
Cậu bé hỏi: tại sao?
Người cha trả lời: vì nó tức nên nó đâm trái.
Có thể cậu bé không bằng lòng với câu trả lời của cha, nhưng sau này khi vào đại học nông nghiệp, cậu sẽ biết rõ lý do.
Một em bé đứng trước thi hài ông nội, hỏi mẹ: Mẹ ơi sao ông nội chết vậy hả mẹ?
Mẹ đáp: vì ông nội già rồi.
Bé lại hỏi: thế bà nội già rồi sao không chết? Chú Tư trẻ vậy sao lại chết.
Người mẹ vui mừng vì thấy con thông minh lý sự nhưng lúng túng không tìm ra câu trả lời thoả đáng. Khi lớn lên bé sẽ hiểu lý do.
Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau: Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm.
Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất. Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta”.
Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiễu nổi. Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi? 1 là 3 và 3 là 1?.
Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?
Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt qúa mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người. Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.
Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi.
– Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi. Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước (Đnl 6, 4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung đông thời bấy giờ.
– Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga1, 32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là con Ta yêu dấu (Mt 1, 11). Tiếng nói, chim câu, Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Trong phúc âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28, 19). Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.
Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất. Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II: Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha. Chúa Cha chia sẽ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính. Đức Kitô thực hiện phần đầu. Ngài nhập thể, mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ. Phần hai dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần. Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bổng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.
Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau. Ba Ngôi là một gia đình. Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau. Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo. Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin. Thực tại Ba ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý. Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.
Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ. Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu. Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha. Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài. Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực. Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô. Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.
Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh. Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ. Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua thánh thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 34). Khi chia sẽ chén hiệp thông cuả Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một(Ga 17, 21).
Chúng ta đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa. Nói theo kiểu nói của Đức Hồng y Henry de Lubac: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương. Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng. Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến. Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa. Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn đau khổ. Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẽ, là ở lại trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần”. Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày của mình.
69. Sống yêu thương theo khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng nhất trong các mầu nhiệm của Đạo Công Giáo. Bởi vì mầu nhiệm này là mẹ sinh ra các mầu nhiệm khác, nói cách khác, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm nguồn của mọi mầu nhiệm.
Khi nói đến mầu nhiệm, người ta cảm thấy không thể lý giải được theo sự hiểu biết tự nhiên, vì thế, nó đã trở nên rào cản và cớ vấp ngã cho những ai mong thỏa mãn sự hiếu tri và đang cố gắng đi tìm cho được lời giả đáp “Ba Ngôi Một Chúa”; hay “Một Chúa Ba Ngôi”. Nhưng với những người có niềm tin, qua ánh sáng mặc khải soi chiếu, và luôn khao khát đi tìm ý nghĩa của nó, thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không xa lạ, nhưng lại rất gần gũi, mặc dù cao siêu và vượt quá sức tưởng của con người. Qua mầu nhiệm này, chúng ta khám phá được sự hiệp nhất, yêu thương nơi Thiên Chúa, và mỗi lần Giáo Hội cử hành mầu nhiệm này, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình yêu thương nhau theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa để được cứu độ.
1. Bản chất Thiên Chúa là “Tình Yêu”
Khi nhắc đến Thiên Chúa, hẳn mỗi chúng ta đều có một định nghĩa riêng về Người, tuy nhiên, thánh Gioan đã cho chúng ta biết một mặc khải rất quan trọng khi nói về Thiên Chúa, đó là: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Khi nói đến tình yêu, chúng ta ai cũng hiểu rằng tình yêu thì không “đơn phương độc mã”, không ích kỷ cũng chẳng bon chen; không quy chiếu về mình mà luôn hướng tha.
Muốn có được tình yêu, ắt phải đón nhận. Khi có cả hai chiều cho và nhận, thì tình yêu mới thực sự triển nở và ý nghĩa. Như vậy, tình yêu phải có điểm xuất phát, điểm hội tụ và mức độ lan tỏa.
Khi diễn tả ý tưởng trên, thánh Âutinh đã ví: “Nguồn mạch chính là Chúa Cha, Người chính là điểm xuất phát tình yêu; Chúa Con chính là điểm hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu; và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu và làm cho tình yêu được tỏa sáng”.
Trong lối diễn tả của thánh Âutinh cho thấy tình yêu được khởi đi từ Thiên Chúa Cha, đến với Chúa Con và qua Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Cha vì yêu nên đã trao ban tất cả, ngay cả Người Con duy nhất của mình cho nhân loại. Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là mối dây liên lạc, thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con nhờ tình yêu.
Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hướng ra để làm cho lan tỏa.
Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng Cha, Con và Thánh Thần, nhưng chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Người, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8); “… nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Như vậy, Thiên Chúa là tình yêu.
2. Thiên Chúa “yêu” đến cùng
Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua hành vi tự hiến của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16a). Từ “đến nỗi” ở đây cho thấy Thiên Chúa yêu đến tột cùng, yêu “đến nỗi” không còn gì để diễn tả, để trao ban hơn được nữa, vì thế chỉ còn cách duy nhất là trao ban chính Con của mình đến để diễn tả tình yêu cho nhân loại bằng chính cái chết mà thôi.
Tại sao Thiên Chúa lại trao ban Con Một? Thưa! “…để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16b). Như vậy, Tình yêu chân chính là mong sao người mình yêu được hạnh phúc hơn cả bản thân mình. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thế gian cách tuyệt đối và mong sao cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối là được vào ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” Ga 3,17).
3. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mời gọi ta sống yêu thương
Qua mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta được mời gọi sống yêu thương, hiệp nhất như Thiên Chúa là tình yêu. Không yêu thương nhau, chúng ta vẫn mãi là người xa lạ với mầu nhiệm này, bởi vì mầu nhiệm này là mầu nhiệm tình yêu, muốn hiểu được thì phải yêu. Nói như thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), nên “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8).
Vì thế, trong đời sống gia đình, mỗi người hãy yêu thương nhau. Chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thế nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Sự xuất hiện của người con trong đời sống hôn nhân chính là kết quả của tình yêu giữa vợ và chồng, vì thế, như một điều kiện cần để được hạnh phúc, con cái hãy yêu mến cha mẹ mình và tỏ lòng thảo hiếu với cha mẹ để đáng được hưởng sự chúc lành của Thiên Chúa.
Tình yêu ấy lại không chỉ dừng lại với chính người thân của mình, mà còn phải hướng ra xa, rộng lớn hơn tới hết mọi người, kể cả yêu kẻ thù của mình nữa.
Như vậy, để tình yêu có giá trị, cần phải có sự hy sinh, quên mình và phục vụ lẫn nhau. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì chưa phải là tình yêu thật sự.
Khi yêu như thế, tình yêu của vợ chồng và con cái cũng như với tha nhân đang phỏng chiếu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống thực tại của mình.
Muốn giữ được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mình, người kitô hữu phải luôn ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, khi thuộc về Người, thì ta cũng sẽ trở nên những người có: “… lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” Cl 3,12-13).
Mong sao, mỗi khi chúng ta đặt tay lên trán, trên ngực và ngang vai, để tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì cũng là lúc chúng ta nhớ đến bản chất của mầu nhiệm này là tình yêu; đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa ban cho chúng ta được sống trong tình yêu đó của Thiên Chúa để “… đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13,13), hầu chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”.
70. Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng
VÌ YÊU, MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI ĐƯỢC BÀY TỎ
Thánh kinh Cựu ước không nói gì rõ rệt về Chúa Ba Ngôi cho nên dân Do thái không biết Thiên Chúa có Ba Ngôi. Người Do Thái trong Cựu ước là dân tôn thờ độc thần. Vì thế nói về Ba Ngôi e rằng họ hiểu lầm về đa thần. Và như vậy sẽ làm suy yếu đức tin của họ vào Một Thiên Chúa duy nhất.
Chỉ khi Chúa Giêsu xuống thế làm người thì màu nhiệm Chúa Ba Ngôi mới được mạc khải cho nhân loại qua các tông đồ. Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho loài ngưởi về Thiên Chúa Cha: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3:16). Ở những nơi khác trong cả bốn phúc âm theo các thánh sử Mát-thêu, Mác-cô, Luca và Gioan, Thiên Chúa là Cha cũng được bày tỏ cho các tông đồ qua những lần Chúa Giêsu giáo huấn họ. Trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa xin với Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống để thánh hoá, an ủi và ban sức mạnh cho các tông đồ: Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em, một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14:16).
Lãnh nhận sứ vụ Chúa trao ban, các tông đồ đi rao giảng Phúc âm khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Ba ngôi: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Trong thư gửi giáo dân Corintô, thánh Phaolô cũng gửi lời chào họ nhân danh Chúa Ba Ngôi: Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen (2Cr 13:13). Chính lời Thánh kinh này còn được Giáo Hội dùng để cho linh mục chủ tế chào cộng đoàn dân Chúa trước khi cử hành thánh lễ. Như vậy thì người tín hữu Corintô đã quen với tín điều Ba Ngôi trong một Thiên Chúa. Từ hồi giáo hội sơ khai, các tông đồ không rao giảng có ba Thiên Chúa, nhưng là Ba Ngôi trong một Chúa, hiệp nhất với nhau theo một cách thế huyền diệu. Và người Kitô giáo thời giáo hội sơ khai chấp nhận màu nhiệm đức tin này một cách dễ dàng, không thắc mắc.
Bản thể Thiên Chúa là Ba Ngôi, một màu nhiệm giàu có nhất và sâu thẳm nhất trong các màu nhiệm Thiên Chúa giáo. Đó là điểm tột đỉnh của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa Ba Ngôi làm thành một gia đình. Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu (Ga 13:23;21:7), nhờ có cảm nghiệm về tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho mình, nên mới có thể định nghĩa về Thiên Chúa một cách rất vắn tắt, không cần dài dòng văn tự, mà lại đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8). Kết quả của tình yêu đó là Con Một Thiên Chúa (Ga 3:16) được sinh ra từ thuở đời đời (Ga 1:1) và còn được sinh ra trong thời gian để cứu chuộc nhân loại (Ga 1:14). Giữa Ngôi Cha và Ngôi Con có một sợi giây nối kết tình yêu là Chúa Thánh Thần, không phải được sinh ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con như người tín hữu tuyên xưng trong kinh Tin Kính.
Tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra cho loài người về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi? Việc bày tỏ cho loài người biết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi thì cũng không thay đổi được gì nơi bản thể Thiên Chúa, nhất là khi loài người không hiểu. Người ta thường nói: Nói chuyện với người không hiểu biết, thì thà nói với đầu gối còn hơn. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không làm như vậy, mà đã nói cho loài người về màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, mặc dù loài người không hiểu thấu. Vậy thì đâu là động lực khiến Đức Giêsu bày tỏ cho loài người về bản tính Thiên Chúa? Kể cho ai những chuyện riêng tư, bí mật về đời mình là dấu hiệu người ta có cảm tình và tín nhiệm người đó và muốn gần gũi người đó. Kể những chuyện càng riêng tư, càng bí mật, thì tình bạn càng trở nên thân mật thắm thiết. Người ta kể những chuyện riêng tư, bí mật về đời mình không những là dấu hiệu của tình bạn mà còn là cách thế để làm tăng triển tình bạn nữa. Chính động lực tình yêu đã khiến Đức Giêsu trong bữa Tiệc li bày tỏ cho các tông đồ điều bí mật về bản tính Thiên Chúa. Và đó là một ân huệ bao la mà Thiên Chúa đã dành cho loài người.
Và Thiên Chúa đã không tự đóng khung trong tình yêu của mình. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu chia sẻ và biến đổi. Thiên Chúa chia sẻ tình yêu cho loài người, bằng việc tạo dựng loài người theo hình ảnh Thiên Chúa, sai Con Một xuống thế cứu chuộc nhân loại, và sai Chúa Thánh Linh đến để thánh hoá, ban sức mạnh và yên ủi người tín hữu để biến đổi người tín hữu. Như vậy Thiên Chúa không còn xa lạ, cách biệt, nhưng rất gần gũi thân mật với loài người và còn đi vào đời sống con người nữa.
Lời nguyện xin cho được ở lại trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần!
Con xin tạ ơn Ba Đấng đã bày tỏ cho loài người biết
về bản tính Thiên Chúa và còn đi vào đời sống loài người
để làm giàu cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu.
Xin cho con biết ý thức về màu nhiệm một Chúa Ba Ngôi
khi con nhân danh Ba Đấng trong dấu thánh giá
để giúp con biết cầu nguyện, làm việc và chấp nhận vì tin yêu
Và xin cho con được ở lại trong tình yêu Ba Ngôi cực thánh.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
71. Dấu Thánh Giá
(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng)
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để bắt đầu bài chia sẻ này. Không phải riêng tôi mà tất cả mọi Kitô hữu đích thực, khi làm một việc gì đều muốn làm trong ý nghĩa đó, tức là mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta luôn làm dấu thánh giá. Một nhà văn Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, Ông Te-tu-li-a-nô, đã viết: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Lời khuyên đó cho thấy việc làm dấu thánh giá đã có ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Phao-lô cũng thường mở đầu và kết thúc các thư của ngài một cách tương tự: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.
Người Kitô hữu biểu lộ thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn vinh Chúa. Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ thầm nguyện ở trong lòng mà không làm dấu Thánh giábên ngoài. Nhưng cách này hay cách kia, chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Đặc biệt hôm nay chúng ta đề cập đến dấu thánh giá để nói về Chúa Ba Ngôi, để nói lên lòng chúng ta tin nhận một Thiên Chúa độc nhất có ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Trước hết, chúng ta phải nói ngay: Thiên Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm quan trọng vĩ đại nhất của đạo Công giáo: một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa mà con người không có quyền cũng như không có khả năng đạt tới, chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết mà thôi. Bởi vì mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệmvề đời sống thấm sâu của Thiên Chúa, tức đời sống yêu mến của Thiên Chúa, cho nên chỉ được mặc khải trong thời Tân Ước, là thời yêu mến, và do chính Con Một Thiên Chúa là hình ảnh, là tình yêu của Đức Chúa Cha.
Đại khái mầu nhiệm ấy được diễn tả như sau: Chúa Cha chiêm ngưỡng chính mình thì có một hình ảnh, một ý nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý nghĩ, hay kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Thế rồi hai ngôi chiêm ngưỡng và yêu nhau làm phát xuất ra một mối tình hay một tình yêu. Tình yêu đó là chính Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần.
Khó hiểu quá phải không? Đúng vậy, mầu nhiệm Ba ngôi rất khó hiểu và mãi mãi vẫn là khó hiểu. Chúng ta biết được như thế là do chính Chúa Giêsu đã mặc khải, các tông đồ đã truyền dạy và cả Giáo Hội không ngừng tuyên xưng như vậy. Giáo Hội toàn cầu đã nhóm họp nhiều công đồng để xác định rõ đức tin của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi. Các công đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công đồng Ni-xê-a năm 325, công đồng Côn-tăng-ti-nốp năm 381, công đồng La-trăng IV năm 1215, công đồng Li-ông II năm 1274, công đồng Fơ-lo-ren năm 1439.
Mầu nhiệm Ba ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt: từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời. Trong đời sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết rồi, biết bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và tôn kính.
72. Thiên Chúa là tình yêu
(Suy niệm của Ts. Trần Quang Huy Khanh)
Mỗi lần suy ngắm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi – một Thiên Chúa có Ba Ngôi – thì câu truyện của thánh Augustine, Giáo Phụ lừng danh của Giáo Hội lại xuất hiện như một lời nhắc nhở về cái hữu hạn của trí khôn con người và cái vô biên của mầu nhiệm cao cả này.
Lúc đó, Augustine đã muốn đo lường và phân tích Chúa Ba Ngôi. Có lẽ ông cũng muốn mon men đến cửa Thiên Đàng để nhìn vào trong đó, xem coi Chúa Ba Ngôi là ai? Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần như thế nào. Nhưng ý tưởng táo bạo ấy đã bị chận lại. Và Thiên Chúa đã thương giải thoát Augustine khỏi rơi vào điều mà được coi là còn kiêu ngạo hơn cả Evà xưa khi muốn biết lành và biết dữ. Vì thế, một thiên thần đã được sai xuống, qua hình hài một em nhỏ múc nước biển đổ vào một lỗ cáy bằng chiếc vỏ sò. Một trí khôn tuyệt vời như Augustine khi nhìn thấy hình ảnh này, chắc chắn phải hiểu thế nào về ý nghĩ của ông lúc bấy giờ. Rất may mắn là ông đã hiểu.
Việc làm của em nhỏ –thiên thần – kia tuy vô lý, nhưng nếu nhìn bằng con mắt thực tế vẫn có thể chấp nhận được. Vì dù là đại dương mênh mông hay một lỗ cáy nhỏ nhoi, nông cạn thì cả hai cũng là hữu hình, cũng lệ thuộc vào hữu hạn của nó. Nhưng hành động của Augustine thì không thể chấp nhận được, vì giới hạn của trí khôn nhân loại không cho phép con người tri thức được cái vô cùng và siêu vượt của Thượng Đế. Một việc làm chỉ có thể chấp nhận được nếu như con người dùng lý trí và trái tim mình nhìn nhận và cảm nghiệm sự hiện diện bằng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa mà thôi.
Có bao giờ bạn nhìn lên bầu trời vào một buổi tối thanh trong với ánh sáng rạng ngời của vừng trăng, và lấp lánh của muôn vì tinh tú. Những lúc như vậy, tâm hồn bạn cảm nhận được gì? Phải chăng là cái mong manh và nhỏ bé của con người giữa cái bao la, hùng vĩ của vũ trụ. Một cách tương tự, đã có lần nào bạn phóng tầm nhìn của mình vào đại dương mênh mông chưa? Những lúc như vậy, bạn hẳn cũng cảm thấy cái nhỏ bé của con người mình giữa cái vô biên của đất trời và đại dương bao la. Tất cả những cái đó cuối cùng đã cho biết một điều, đó là tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa. Qua tình yêu sung mãn của mình, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và con người. Ngài tạo dựng tất cả vì con người và cho con người. Trong ngày đầu của lịch sử tạo dựng, Ngài đã phán bảo con người: “Hãy làm chủ chim trời, cá biển, muông thú và mọi loài bò sát trên đất” (Sáng Thế Ký 1:26).
Có bao giờ bạn để lòng mình lắng dịu vào cái cô đơn, thinh lặng khi một mình đối diện với Chúa Giêsu đang bị treo trên thập tự giá tại một nguyện đường nhỏ bé, và yên tĩnh không? Trong những lúc như vậy, nếu bạn hỏi Chúa Giêsu tại sao Ngài lại chấp nhận chịu chết như thế, chắc chắn bạn chỉ nhận được câu trả lời qua cái nhìn câm nín của Ngài. Nhưng nếu thật lòng bạn muốn hiểu thế nào về cái lý do khiến Ngài phải chịu chết như vậy, lập tức bạn cảm nhận rất đầy đủ về mối tình bao la của Ngài. Vì đó là kết quả của tình yêu cứu chuộc mà Thiên Chúa đã dành cho bạn và thế gian tội tình.
Và có bao giờ bạn để tâm nhìn vào những sinh hoạt của Giáo Hội, của các tâm hồn thánh thiện. Thí dụ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, hay Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, những con người được sinh ra và lớn lên như mọi người, nhưng thật sự đã sống và đã hoạt động một cách phi thường. Sức chinh phục và thu hút của những con người này đến từ kết quả của tác động của Chúa Thánh Thần – Tình Yêu của Thiên Chúa – hay còn gọi là Thiên Chúa Tình Yêu. Mà không chỉ riêng Gioan Phaolô II, Têrêsa Calcutta, mà còn hàng hàng, lớp lớp những tâm hồn thiện chí đang hăng say trong những sinh hoạt của mình nhằm giới thiệu Chúa Giêsu với thế giới quanh mình. Và đó là tình yêu thánh hóa của Thiên Chúa hằng tuôn đổi trên Giáo Hội và các tâm hồn thiện chí.
Những dấu hiệu trên cho thấy Thiên Chúa Ba Ngôi thực sự đang hiện diện, đang có mặt trong lịch sử từng người, lịch sử thế giới, và lịch sử Giáo Hội. Và những kết quả ấy đã cho chúng ta một cảm nhận rõ ràng rằng thế giới này, nhân loại này, và từng người chúng ta không ngừng đón nhận tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa qua công trình sáng tạo, đền bù, và thánh hóa của Ngài.
Thiên Chúa Ba Ngôi hay Thiên Chúa Tình Yêu được Thánh Gioan đưa vào một định nghĩa tuy ngắn gọn những bao gồm tất cả ý nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gio 4:8). Vậy nếu Thiên Chúa là một vật thể duy nhất, một khối lượng duy nhất, hoặc một thần linh đơn lẻ, thì sao Ngài có thể yêu và được yêu. Nhưng nhờ Chúa Giêsu, chính Ngài đã mặc khải cho nhân loại về hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết, Thiên Chúa là một cộng đồng tình yêu: Tình yêu Ngôi Cha. Tình yêu Ngôi Con. Tình yêu Ngôi Thánh Thần. Cả Ba hiệp nhất, đồng nhất, và duy nhất cùng một bản thể. Và tình yêu ấy có từ muôn thuở, mãi mãi tồn tại. Nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được tạo dựng mang hình ảnh của Thiên Chúa. “Chúng ta hãy tạo dựng nên con người giống hình ảnh chúng ta” (Sáng Thế Ký 1:26). Đó là lời Ba Ngôi Thiên Chúa đã nói với nhau trong buổi đầu bình minh sáng tạo. Do đó, Thiên Chúa đã dựng nên con người, và thông ban tình yêu của Ngài cho con người để con người cũng có thể yêu và được yêu.
Do đó, chỉ khi nào con người cho đi, thông ban, và trải rộng tình yêu mình đến với anh chị em mình, lúc đó chúng ta mới hiểu thế nào là tình yêu, và mới hiểu thế nào là tình yêu Thiên Chúa đối với nhau, và đối với nhân loại chúng ta. Do tình yêu thúc đẩy, chúng ta sẽ cảm nhận được những giá trị và vẻ đẹp của công trình sáng tạo, và sẽ nhận ra bàn tay, sự hiện diện của Thiên Chúa. Cũng do tình yêu, chúng ta sẽ nhận ra tại sao Chúa Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa – phải chịu chết cho nhân loại. Điều này, những ai đã yêu và được yêu đều hiểu rất rõ, chính tình yêu đã đem lại cho họ hạnh phúc, và cũng chính tình yêu đã làm họ đau khổ. Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đau khổ vì nhân loại. Mà vì tình yêu Ngài tuyệt đối, vô biên, nên Ngài cũng đau khổ vô bờ. Và sau cùng, vì yêu thương nên chúng ta cải tiến, thăng hoa tình yêu, và đó cũng là tác động Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động trong Giáo Hội và nơi mỗi tâm hồn.
Do tình yêu nhận lãnh, do tình yêu trao ban, Kitô hữu chúng ta có thể phần nào cảm nhận được sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và trong sinh hoạt của Giáo Hội. Vì nhờ Thiên Chúa mà con người được tạo dựng, được thông ban tình yêu, được giải thoát và thánh hóa. Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu Ngôi Cha dành cho Ngôi Con. Tình yêu Ngôi Con đáp trả tình yêu Ngôi Cha phát sinh tình yêu Ngôi Thánh Thần. Và đó là hình ảnh về một Thiên Chúa Ba Ngôi, một công đoàn tình yêu.
Tóm lại, nếu trí khôn con người không thể thấu hiểu được thế nào là một Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu hữu hạn của con người không thể đo lường được vô hạn của Thiên Chúa, thì tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện qua việc sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa là những gì mà con người có thể cảm nhận được về hoạt động riêng biệt của Ba Ngôi trong Thiên Chúa, và cho thấy sự hiện hữu của Ba Ngôi.