SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B (23/6/2024) SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN VÀ LỜI CẦU NGUYỆN

“Thưa Thầy, chúngg con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nhiều người, thậm chí nhiều dân tộc đang lao đao khốn khổ vì xung đột chiến tranh tàn phá. Dù văn minh hay thiện chí con người cũng không sao thóat khỏi cảnh khốn khổ do bản thân mình hay đồng loại tạo nên. Bài Phúc Âm Máccô 4,35-40 kể lại việc Chúa Giêsu đẹp tan sóng gió trên biển hồ, để cứu các môn đệ trong cơn hoảng loạn cho chúng ta thấy quyền năng của Chúa Giêsu và sức mạnh của lời cầu nguyện Câu chuyện cũng cho thấy Thiên Chúa luôn có mặt trong cuộc sống con người và sẵn sang can thiệp để cứu những người gặp hoạn nạn.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 4,35-40: Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 4,35-40:
Ý nghĩa của câu chuyện trong Mc 4,35-40: Câu chuỵện Chúa Giêsu thị uy với sóng biền khi Người ngồi trên thuyền với các Tông Đồ khiến các ông thán phục mà thốt lên: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” có nhiều ý nghĩa:
Ý nghĩa thứ nhất là Chúa Giêsu có quyền năng thống trị trên các sự kiện của tự nhiên. Sóng gió trên biển hồ có thể được hiểu là những khó khăn chướng ngại như bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh.
Ý nghĩa thứ hai là Chúa Giêsu có quyền năng thống trị sức mạnh của ma quỉ và các thế lực làm tôi cho chúng. Theo quan niệm phổ biến của người Do-thái thời Chúa Giêsu thì núi là ngai tòa Thiên Chúa ngự (Chúa Giêsu giảng trên núi, hiển dung trên núi, chịu chết trên núi, thăng thiên trên núi), còn sông biển là thế giới của ma quỉ thống trị.
Áp dụng ý nghĩa trên vào hoàn cảnh của Giáo Hội thời sơ khai và là dụng ý của Thánh Máccô khi ghi lại câu chuyện trên là dù con thuyền Giáo Hội lúc bấy giờ (khoảng năm 60-70) đang bị các thế lực chính trị và quân sự tấn công và bách hại thì con thuyền Giáo Hội vẫn vững vàng vượt qua sóng gió, các tín hữu vẫn bằng an vô sự chẳng có gì phải âu lo vì có Chúa Giêsu ở cùng.
Áp dụng 2 ý nghĩa trên vào hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội hay của các tín hữu thì là dù có bị các thế lực của ma quỉ tấn công Giáo Hội và các tín hữu chúng ta cũng không phải lo sợ gì, miễn là chúng ta có Chúa Giêsu ở cùng trong con thuyền của mình (tức là trong tâm hồn, trong gia đình và trong cộng đoàn) và chúng ta biết chạy đến cầu cứu với Người như các Tông Đồ xưa: “Thưa Thầy, chúngg con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 4,35-40:
4.1 Đời là bể khổ, sống là cuộc chiến: Bất cứ ai cũng có trải nghiệm ấy. Ngoài bệnh tật, tai nạn, xui rủi xẩy ra thường xuyên, mọi người còn phải cuộc vật lộn vì cơm áo gạo tiền hay quyền chức danh vọng khiến cuộc sống ngạt thở. Ngày nay sống tư tế lương thiện không phải là chyện dễ. Nếu là Kitô hữu chúng ta còn phải chiến đấu với ba thù là xác thịt, thế gian và ma quỉ. Đó là những gì xẩy ra cho mỗi người trên bình diện cá nhân.
4.2 Giáo Hội là con thuyền mong manh trên dòng nước: Còn trên bình diện tập thể thì Giáo Hội được ví như con thuyền mong manh trên dòng nước, thường là nước dữ. Ngay từ khi mới khai sinh cho đến ngày nay Giáo Hội của Chúa Kitô hữu luôn là tập thể/cộng đoàn bị ghen ghét và bách hại nhiều nhất. Thời nào Giáo Hội cũng có những vị thánh Tử Đạo. Ở quốc gia nào Giáo Hội cũng bị phân biệt đối xử và vu khống tội này tội nọ.
4.3 Giáo Hội và các Kitô hữu luôn cần có Chúa Giêsu ở cùng và phải biềt chạy đến cầu cứu với Người: Đó là thông điệp chính của Bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B hôm nay. Chúng ta dừng quên là Danh Xưng xinh đẹp nhất của Chúa Giêsu Kitô là EMMANUEL = THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA. Vậy thì tại sao chúng ta lại không làm hết sức mình để có Chúa ở cùng? Tại sao chúng ta lại không chạy đến cầu cứu với Chúa khi chúng ta đang phải gian nan khốn khó vì Covid-19?
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 4,35-40:
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô là Đấng làm chủ tư nhiên và chiến thắng thần dữ là ma quỉ và các thế lực đên tối. Chúng con xin tha thiềt dâng lên Cha lời cầu nguyện của chúng con.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho ngày càng có nhiều người được nghe nói về Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công giáo, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để Hội Thánh và các vị ấy luôn có Chúa Giêsu ở cùng.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu tin tưởng chạy đến cầu cứu với Chúa Giêsu trong mọi cơn gian nan khốn khó.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho chính chúng ta và những người thân của chúng ta để mọi người được chứng kiến quyền uy của Chúa Giêsu trên dịch bệnh và ma quỉ.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.- «Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các bác sĩ điều dưỡng y tá để họ thấy được quyền năng và tình thương của Chúa Giêsu Kitô trên các bệnh nhân.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con rất yêu dầu của Cha cho chúng con. Người đã thể hiện cho chúng con thấy quyền năng và tình thương của Người đối với chúng con và Giáo Hội.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con lòng trông cậy phó thác để chúng con được Chúa Giêsu Kitô Con Cha giải thoát khỏi những tai ưong khốn khó của đời người. Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã chu toàn sứ mạng Cha giao phó.
Sàigòn ngày 21 tháng 06 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

BÀI ĐỌC THÊM:
TẠI SAO THIÊN CHÚA ĐỂ CHO SÓNG GIÓ XẢY ĐẾN TRONG CUỘC ĐỜI ? (Suy niệm Tin mừng Mác-cô (4, 35-41) Chúa nhật XII thường niên B)

Khi Chúa Giê-su cùng các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ, một trận cuồng phong nổi lên dữ dội, nước xô ập vào thuyền. Các môn đệ hoảng hốt đối phó với sóng to gió lớn. “Trong khi đó, Chúa Giê-su dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” như chẳng có gì xảy ra.
Khi viết như thế, có lẽ thánh Mác-cô ám chỉ Chúa Giê-su muốn để cho các môn đệ tự mình đương đầu với nghịch cảnh và tự tìm cách giải quyết vấn đề.
Trước tình thế nguy nan, các môn đệ sợ hãi đánh thức Chúa Giê-su dậy và lên tiếng trách móc: “Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?”
Bấy giờ, Chúa Giê-su truyền cho gió im biển lặng làm an lòng mọi người và Ngài khiển trách các ông đã không biết vận dụng lòng tin để đối phó: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Vì thiếu lòng tin nên các môn đệ đâm ra hốt hoảng. Vì thiếu lòng tin mà các ông đã không đẩy lùi được sóng gió. Chúa Giê-su đã dạy: “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, thì dù anh em bảo núi nầy: “Rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì anh em không làm được”, thế nhưng bài học nầy vẫn chưa thấm nhập vào tâm hồn các ông. (Matthêu 17,20; Mt 9,22; Mt 15, 28; Mt 21, 21-22)
Lắm khi trong cuộc đời, chúng ta gặp phải nhiều gian truân sóng gió: bị thất bại trong công việc làm ăn, gặp nhiều rủi ro trong cuộc sống… khiến chúng ta buồn phiền, thất vọng. Chúng ta kêu van với Chúa nhưng chẳng thấy hồi âm. Thế là chúng ta trách móc Chúa như các môn đệ gặp sóng gió trong Tin mừng hôm nay: “Lạy Thầy, chúng con chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng quan tâm sao?”
Thực ra, Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta, nhưng Ngài để cho khó khăn xảy đến để rèn luyện chúng ta trưởng thành.
Trong nhà nọ, cha mẹ quá nuông chiều con cái, con xin gì cha mẹ cho ngay; lúc nào cũng đùm bọc, che chở con cái, lo cho con hết mọi sự từ A đến Z. Thế là đứa bé lớn lên mập mạp trắng trẻo, nhưng rất yếu ớt, không thể tự lo cho mình mà phải cậy dựa hoàn toàn vào cha mẹ… Giáo dục như thế là làm hại con, làm cho con mình lệ thuộc, mềm yếu và rất khó trưởng thành.
Trong khi đó, phụ huynh nhà bên cạnh để con vừa đi học, vừa phải lo làm việc cần cù giúp đỡ gia đình, vừa tự liệu lấy những nhu cầu bản thân.
Nhiều năm sau, cha mẹ của cả hai qua đời. Người con được nâng niu chiều chuộng trong thời niên thiếu cảm thấy hụt hẫng như người què mất cặp nạng, không thể tự đứng trên đôi chân của mình, không biết nương tựa vào ai mà sống. Còn người con kia, nhờ quen lao động cần cù, nhờ được trui rèn trong gian khổ, nay trở thành người đầy bản lĩnh, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào.
Thiên Chúa cũng rèn luyện chúng ta theo hướng đó.
Khi chúng ta cầu xin lương thực, Chúa không cho ngay con cá mà trao cần câu để ta tự câu cá nuôi mình.
Khi chúng ta xin nhà ở, Chúa không cho trúng số để có ngay một ngôi nhà khang trang cho ta trú ngụ, nhưng Ngài trao cho chúng ta khối óc và đôi tay để lao động. Nhờ thế, không những ta có nhà ở mà còn có thêm nhiều tiện nghi khác.
Chúa không thích ban bố theo kiểu người giàu sang bố thí nắm xôi cho kẻ ăn mày, vì làm như thế là hạ thấp nhân cách và phẩm giá người nhận, nhưng Ngài cung cấp những điều kiện cần thiết giúp ta lao động và phát minh, tạo ra những tiện nghi cần thiết cho đời sống và phát triển toàn diện con người.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa để cho sóng to gió lớn xảy đến trong cuộc đời không phải vì ghét bỏ chúng con, nhưng đó là những bài tập rất cần thiết để rèn luyện chúng con nên người.
Xin cho chúng con sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn trong đời và quyết chí vượt qua, nhờ đó, mỗi ngày chúng con càng trưởng thành, giàu bản lãnh và khôn ngoan hơn. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà