I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Dù loài người đã bước sang thế kỷ XXI và có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến thì vẫn vẫn chưa giải quyết được hai nhu cầu cơ bản nhất là đói và khát. Nhu cầu được ăn no và được khỏi khát không chỉ được hiểu về phương diện vật chất mà còn phải hiểu về phương diện tinh thần, tâm linh nữa. Để khỏi đói khỏi khát con người đã dùng hết mọi cách nhưng vẫn chưa được toại nguyện. Câu chuyện của người phụ nữ Samaria thời Chúa Giêsu trong bài Phúc âm Chúa Nhật III Mùa Chay năm A hôm nay (Ga 4,5-42) là một điển hình. Vì thế chúng ta nên đọc đi đọc lại và suy gẫm những gì Chúa Giêsu đã muốn mạc khải cho chúng ta hôm nay.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM (Ga 4,5-42): Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa”. Chúa Giêsu bảo: “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây”. Người đàn bà đáp: “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Bà nói ‘tôi không có chồng’ là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”.
Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: “Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?” Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?” Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: “Xin mời Thầy ăn”. Nhưng Ngài đáp: “Thầy có của ăn mà các con không biết”. Môn đệ hỏi nhau: “Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?” Chúa Giêsu nói: “Của Thầy ăn là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Đúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA BÀI PHÚC ÂM Ga 4,5-42: Sau khi xác định không gian (thành Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp) và thời gian (lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu tức khỏang gữa trưa) của sự kiện, Thánh Gioan tường thuật diễn tiến của sự kiện như sau:
3.1 Chúa Giêsu đã chủ động xin người phụ nữ Samaria cho nước uống vì Người dang khát: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn).
3.2 Người phụ nữ Samaria phản ứng: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).”
3.3 Chúa Giêsu chuyển nội dung cuộc nói chuyện với người phụ nữ Samaria: “Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
3.4 Người phụ nữ Samaria thắc mắc và liên hệ với lịch sử: ”Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
3.5 Chúa Giêsu hé mở cho người phụ nữ Samaria nhận ra cơn khát thiêng liêng: ”Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
3.5 Người phụ nữ Samaria tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng Mêsia: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”.
3.6 Chúa Giêsu lật bài với người phụ nữ Samaria và mạc khải về mình cho bà ấy: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
3.7 Một số đông ngừoi Samaria tin vào Chúa Giêsu nhờ lời chứng của người phụ nữ: ”Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”.
3.8 Họ xin Chúa Giêsu ở lại với họ và Chúa Giêsu đã ở lại hai ngày và giảng dạy cho họ: ”Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”.
IV. THỰC THI SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 4,5-42: Có hai việc chúng ta phải làm để thực thi sứ điệp Lời Chúa:
4.1 Một là chúng ta hãy bắt chước người phụ nữ Samaria trong cách đối xử cởi mở chân tình với Chúa Giêsu và những người chúng ta gặp.
4.2 Hai là chúng ta hãy mở lòng đón nhận mặc khải về mình của Chúa Giêsu như người phụ nữ Samaria
4.3 Ba là chúng ta hãy làm chứng về Chúa Giêsu như người phụ nữ Samaria: ”Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã tỏ mình ra cho người phụ nữa Samaria và cho chúng con. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
1.- «Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu. Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho càng ngày càng có nhiểu người gặp được Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình như người phụ nữ Samaria trong Phúc âm.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Xin bà cho tôi uống nước» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy luôn đáp ứng lời thỉnh nguyện cầu xin của mọi người, nhấg là của người nghèo.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu biết cách tôn thờ Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã dậy.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho tất cả những người thành tâm thiện chí có cơ hội được nghe giảng/nói về Chúa Giêsu.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu cho chúng con; Người đã tỏ mình ra cho người phụ nữ Samaria trong Phúc âm và cho chúng con hôm nay.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con một lòng tin mạnh mẽ để chúng con đón nhận mặc khải về Người và mạnh dạn làm chứng về Người cho những người xung quanh như người phụ nữ Samaria trong Phúc âm. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 11 tháng 03 năm 2023
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội