SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B (30/6/2024) SỰ SỐNG CON NGƯỜI LÀ THÁNH THIÊNG [1 Kn 1,13-15;2,23-24; 2 Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trên các phương tiện truyền thông chúng ta thấy hằng ngày có những cái chết “lãng xẹc”, có những cái chết “vô nghĩa” và có những cái chết vô cùng “bất công” khiền chúng ta cảm thấy rằng mạng sống con người thật mong manh, thật mỏng dòn. Suy nghĩ kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rắng sự sống của con người thời nay không chỉ bị đe dọa bởi Covid-19 mà còn bị đe dọa bởi nhiều thứ khác như nạn phá thai, chủ nghĩa vô thần duy vật, cách sống thực dụng và ích kỷ, nạn ham hố quyền lực và cai trị độc tài của một số nhà cầm quyền v.v… Vì thế nhân loại nói chung, các Kitô hữu nói riêng, rất cần được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô soi sáng để nhận ra rằng sự sống của con người là vô cùng quý giá, là thánh thiêng
Bài Phúc âm Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B (tuần trước) với câu chuyện Chúa Giêsu dẹp tạn sóng gió, gửi chúng ta thông điệp là Chúa Giêsu Kitô là Đấng làm chủ mọi sự kiện tự nhiên và thống trị quỷ vương. Còn thông điệp của bài Phúc âm Chúa nhật XIII Thường Niên Năm B hôm nay lại là Chúa Giêsu Kitô là Đấng chữa lành mọi thứ bệnh tật của loài người và làm chủ sự sống và sự chết qua hai câu chuyện chữa lành của Chúa Giêsu Kitô, một là người phụ nữ bị bệnh băng huyết nhiều năm và hai là cô con gái đã chết của ông trưởng hội đường được sống lại.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Kn 1,13-15; 2,23-24): “Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian” Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian.
Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 8,7.9.13-15): “Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó” Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.
Vì anh em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: “Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu”.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 5,21-43): “Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy” Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con b không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa
1o) Bài đọc 1 (Kn 1,13-15; 2,23-24) là một đoạn văn của Sách Khôn Ngoan cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng Phò Sự Sống: từ ý định cho đến chương trình và hành động của Thiên Chúa đều là vì Sự Sống, ủng hộ Sự Sống! Cái chết, sở dĩ có mặt, là do quỷ dữ ganh tỵ mà ra. Vì ganh tỵ, quỷ dữ mới cám dỗ nguyên tổ phạm tội bất tuân mà ăn trái cấm nên cái chết mới xâm nhập vào thế gian.
2o) Bài đọc 2 (2 Cr 8,7.9.13-15) là một đoạn văn của thư 2 Côrintô trong đó Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Côrintô hãy noi gương bắt chước Chúa Giêsu là Đấng vô cùng quảng đại, mà tích cực tham gia cuộc lạc quyên mà ngài đang vận động nhằm giúp anh chị em đồng đạo ở Giêrusalem đang gặp cảnh khó khăn. Lý lẽ mà Thánh Phaolô Tông đồ đưa ra để thuyết phục các tín hữu Côrintô là “của cải dư giả là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu” tức cứu sống những người đang bị cái chết đe dọa.
3o) Bài Tin Mừng (Mc 5,21-43): là bài tường thuật của Phúc Âm Máccô về hai phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong cùng một chuyến đi: trong khi đi đường Chúa đã chữa lành người phụ nữ bị băng huyết lâu năm và khi đến nhà ông trưởng hội đường Giaia, Chúa đã làm cho cô con gái của ông sống lại. Cả hai câu chuyện đều được kể lại cách sinh động với nhiều tình tiết cụ thể và tinh tế. Cả hai câu chuyện đều làm nổi bật “lòng tin” của những người chạy đến cầu cứu Chúa và nhất là lòng cảm thông sâu sắc và hành động cứu chữa của Chúa Giêsu, là Đấng đã đến trong thế gian để con người “được sống và sống dồi dào” như lời khẳng định của Người trong Phúc Âm theo Thánh Gio-an (x. Ga 10,10).

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo ra sự sống và là Đấng luôn bảo vệ và bênh vực sự sống ấy, vì sự sống là thánh thiêng vô cùng quý giá, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người là để bênh vực, bảo vệ và phục hồi sự sống bằng chính cái chết và sự phục sinh của Người!

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng cho chúng ta sự sống thánh thiêng cao quý và đã giao cho chúng ta sứ mạng bênh vực, bảo vệ và phát huy sự sống ấy.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay bằng nhiều cách sau đây:
* Một là biết trân trọng sự sống của chúng ta cũng như sự sống của những người khác vì đó là quà tặng vô cùng quý giá của Thiên Chúa. Sự sống được hiểu là sự sống thể lý cũng như sự sống tinh thần và tâm linh.
* Hai là có tâm tình và lời kinh cảm tạ đối với Thiên Chúa là Đấng đã ban sự sống cho chúng ta và cho muôn người, muôn vật.
* Ba là cố gắng bênh vực, bảo vệ và phục hồi sự sống ở nơi ta cũng như ở quanh ta, bằng cách chống lại các thế lực hủy diệt và hỗ trợ các nỗ lực phò sự sống trong gia đình và cộng đồng xã hội.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Phải Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho nhân loại ngày hôm nay, nhất là cho những người, hoặc vì không nhìn nhận sự thánh thiêng của sự sống, hoặc vì lợi ích vật chất mà hủy diệt sự sống.
Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!

5.2 «Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các linh mục và phó tế, luôn trung kiên với sứ mạng rao giảng sự thánh thiêng của sự sống và đem hết khả năng Chúa ban mà bảo vệ và bênh vực sự sống.
Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.3 «Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho tất cả giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là những người đang phải đau khổ, bệnh tật, thất vọng…, để mọi người biết đặt lòng tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa Ngôi Hai mà được cứu chữa.
Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!

5.4 «Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người đang nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và bác ái để những người nghèo được tôn trọng và giúp đỡ mà có một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá của con cái Thiên Chúa.
Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!

Sàigòn ngày 26 tháng 6 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.