SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM B (18/04/2021) Ý ĐỊNH VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA THIÊN CHÚA [Cv 3,13-15.17-19; 1 Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Điều quan trọng nhất đối với Ki-tô hữu chúng ta là hiểu biết, yêu mến và sống phù hợp với Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa đã được thể hiện trong lịch sử Cứu độ và nhất là trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, – tức trong cái chết và sự phục sinh – của Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa. Có như thế chúng ta mới có thể đi vào mối hiệp thông với Thiên Chúa: hiệp thông trong tư tưởng và hiệp thông trong hành động.
Các bài Thánh Kinh hôm nay giúp chúng ta nhận ra Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Chúng ta hãy chăm chú đọc các bài Sách Thánh ấy, lắng nghe và đón nhận sứ điệp của Lời Chúa để thực thi cho trọn tình trọn nghĩa với Thiên Chúa Tình Yêu.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 3, 13-15.17-19): “Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại” Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Đấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.
“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ”.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Ga 2,1-5a): “Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian” Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 24,35-48): “Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho” Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa:
(1°) Bài đọc 1 (Cv 3, 13-15.17-19) là bài giảng của Tông đồ Trưởng Phêrô về sự kiện Chúa Giê-su được Thiên Chúa tôn vinh sau khi Người bị người Do-thái và Rôma giết chết trên thập giá. Thánh Phêrô nói rằng: vì không biết, không ý thức mà những người đồng hương đã giết hại Đấng Thánh của Thiên Chúa. Nhưng để được Thiên Chúa thứ tha, xóa bỏ tội lỗi thì những người này phải biết ăn năn sám hối về những tội họ đã phạm, quay về với Thiên Chúa và nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô và là Con Một Thiên Chúa.
Vậy chúng ta có thể kết luận được rằng: Thiên Chúa là Đấng từ bi lân ái, giầu lòng xót thương và thứ tha. Người thực hiện Ý Định và Đường Lối cứu độ của Người trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của Người.

(2°) Bài đọc 2 (1 Ga 2,1-5a) là một trích đoạn trong Thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ trong đó ngài nêu rõ hai mục tiêu của Thư:
(a) một là để con cái ngài không phạm tội mất lòng Chúa và
(b) hai là để họ tuân giữ các giới răn, nhất là giới răn bác ái là giới răn riêng của Thầy Giêsu.
Vậy chúng ta có thể quả quyết điều này: Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Tình Yêu. Là Đấng Thánh nên Thiên Chúa không thể yêu thích tội lỗi. Là Tình Yêu nên Thiên Chúa muốn cho mọi người được hạnh phúc nhờ việc tuân giữ giới răn yêu thương của Người.

(3°) Bài Tin Mừng (Lc 24,35-48) là tường thuật của Thánh Luca vể lần hiện ra của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh với các tông đồ, trong đó chân dung Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh được phác họa rất đậm nét. Vẫn là khung cảnh quen thuộc của các tường thuật Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ: cửa đóng kín, các môn đệ sợ sệt, bán tín bán nghi về chính Thầy của mình. Cảm thông với tâm trạng và hoàn cảnh đặc biệt ấy của các tông đồ, Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã tìm mọi cách để đánh tan mối nghi ngờ trong lòng các ông và giúp các ông nhận ra Người:
– Trước hết Người đã ăn miếng cá nướng mà các tông đồ đưa cho Người để chứng tỏ Người là người chứ không phải là ma.
– Kế đến Người đã cho các ông xem cạnh sườn và dấu tích của cuộc thương khó để chứng tỏ Người là Thầy Giêsu của các ông chứ không phải là ai khác.
– Sau cùng Người đã mở lòng, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, để các ông hiểu và sống phù hợp với ý định và đường lối của Thiên Chúa.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”
Đó là Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa về Chúa Giêsu Kitô mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta đón nhận!
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay còn là: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”
Đó là ý định và đường lối của Thiên Chúa về các Kitô hữu mà tất cả và mỗi người chúng ta được Thiên Chúa mời gọi sống sao cho phù hợp.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương nên đã sai Con Một xuống thế làm người và đã ban Thần Khí Người. cho cộng đòan kẻ tin. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chết trên thập giá và phục sinh để đền bù mọi tội lỗi của nhân lọai và làm cho loài người trở thành gia đình của Thiên Chúa. Thánh Thần đã được ban cho các tín hữu để họ làm chứng cho Chúa Giê-su chết và phục sinh.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là mỗi người/cộng đoàn Giáo hội (giáo xứ, giáo phận, hội đoàn tông đồ, dòng tu) kiểm điểm cách sống của mình, xem:
(a) mình/cộng đoàn mình đã thấu hiểu Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa về Chúa Giêsu Kitô như thế nào?
(b) mình/cộng đoàn mình đã thấu hiểu Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa về sứ mạng và vai trò rao giảng Tin Mừng và làm chứng của mình / cộng đoàn mình như thế nào?
(c) mình/cộng đoàn mình đã sống phù hợp với Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa như thế nào trong đời sống cá nhân và cộng đoàn?

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 “Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su…” Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban các dân tộc trên thế giới mau chóng nhận ra Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ nhân lọai mà Cha đã ban cho hết mọi người, mọi dân tộc.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa trở thành chứng nhân của Chúa Giê-su Ki-tô là Cứu Chúa của toàn thể nhân loại.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy đều biết mở lòng và cuộc sống đón nhận quà tặng của Đấng Phục Sinh là Thánh Thần.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 “Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tội nhân biết ăn năn hối cải để được Chúa Kitô tha thứ và cứu chuộc.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Sàigòn ngày 13 tháng 04 năm 2018
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.