HÃY LẦN CHUỖI MÂN CÔI

Jos. Lương Tùng, CSsR.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã viết rằng: “Việc thực hành Kinh mân côi là một phương tiện hữu hiệu nhất để cổ võ các tín hữu dấn thân chiêm ngưỡng mầu nhiệm Kitô giáo. Kinh Mân côi là một trong những con đường truyền thống của lời cầu nguyện Kitô giáo hướng đến việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô…” và nói thêm rằng “chuỗi kinh Kính mừng làm thành khung cửi trên đó đan dệt việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm.”

Thế nhưng, có những anh em tôn giáo bạn cảm thấy khó chịu và đã thắc mắc về cách lần chuỗi Mân Côi của người Công giáo dựa trên lời dạy này của Đức Giê-su: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhậm lời.”(Mt 6,7). Khi Chúa Giê-su dạy các môn đệ “đừng cầu nguyện lải nhải như dân ngoại” có phải Ngài đang lên án cách thế cầu nguyện bằng chuỗi kinh Mân Côi hay không?

1. Việc lặp đi lặp lại lời cầu nguyện có phải là vô ích?

Đức Giê-su nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại…”. Động từ βατταλογήσητε (battalogēsēte) ở đây có nghĩa là nói huyên thuyên, dài dòng, nói suông, nói lắp bắp, lặp đi lặp lại. Gốc từ được ghép bởi battos và logos: nói lắp, tức là nói lảm nhảm các từ ngữ một cách xáo rỗng, máy móc.

Đối với người ngoại giáo thời xưa, việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình thường nhằm mục đích xoa dịu các vị thần để mong các vị thần mang lại sự an ổn trong cuộc sống. Người ta phải cẩn thận “chăm sóc” đầy đủ tất cả các vị thần bằng việc khẩn cầu danh của các vị thần ấy và dùng những lời thích hợp, dùng các câu bùa chú, việc cúng tế trang trọng nếu không sẽ lãnh lấy những lời nguyền rủa cho chính mình. Tuy nhiên, trong việc thực hành như vậy, thường không có mối liên hệ giữa lời cầu nguyện và đời sống đạo đức. Đối với Đức Giê-su thì khác, việc cầu nguyện luôn phải đi liền với tâm tình sám hối ăn năn và khiêm tốn đặt mình trước thánh ý nhiệm mầu và tốt lành của Thiên Chúa (x. Mt 6,14 ; Lc 11,13 ; 18,13-14).

Chúa Giê-su còn nói tiếp: “Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

Như thế, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ một lời cầu nguyện để đọc thuộc lòng và đọc liên lỉ, hơn nữa, Người còn nhấn mạnh đến việc họ cần phải thực hành những lời cầu nguyện ấy. Đây là một lời cầu nguyện cần được đọc đi đọc lại, nhưng rõ ràng đây không phải là những từ ngữ xáo rỗng máy móc hay là sự lải nhải vô ích.

Chúng ta cũng có thể bắt gặp nhiều đoạn Kinh Thánh khác đề cập đến việc liên lỉ lặp đi lặp lại lời cầu nguyện:

Lời cầu nguyện “ngày đêm” của các thiên thần trong sách Khải Huyền: “Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt. Ngày đêm chúng không ngừng hô lên rằng: Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến!” (Kh 4,8). “Bốn Con Vật” này ám chỉ bốn vị thiên thần, hoặc các Sê-ra-phim, mà ngôn sứ Isaia đã được thị kiến trong một mạc khải của Thiên Chúa.

Ngoài ra, trong thánh vịnh 136, chúng ta có thể thấy câu đáp “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” được lặp lại 26 lần trong 26 câu thi vịnh. Hơn nữa, chính Đức Giê-su nơi vườn Giêt-si-ma-ni đã lặp lại nhiều lần lời cầu nguyện khẩn thiết với Chúa Cha: “Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: ‘Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14,35-36). Ngài cũng đã dạy các môn đệ hãy cầu nguyện không ngừng và đừng sờn lòng nản chí (x. Lc 18,1-14).

2. Lời cầu nguyện từ khẩu–tâm-ý

Trong gia đình, chắc không có người vợ nào sẽ nói với chồng mình rằng: “Thôi, anh đừng nói ‘anh yêu em’ nữa, ngày hôm nay em nghe đã ba bốn lần rồi.” Bởi vì, vấn đề ở đây không do số lần nói ra nhưng là lời nói đó có xuất phát từ trái tim chân thành của chúng ta hay không, và đó là ý nghĩa thật sự mà Đức Giê-su muốn nhấn mạnh. Nếu chỉ có những từ ngữ của lời kinh như “lạy Cha chúng con” hoặc “kính mừng Maria” không thể làm cho chúng ta thiện toàn hơn, mà điều quan trọng là chúng ta phải để cho những lời kinh ấy đi từ môi miệng vào trong trái tim và thấm nhập tâm trí mình từng giây từng phút.

Đối với những người chưa biết về việc lần chuỗi Mân Côi, lời kinh này không phải là lặp đi lặp lại một cách máy móc vô hồn để mong Chúa nghe lời chúng ta cầu xin. Việc lặp lại những lời cầu nguyện của chuỗi Mân Côi giúp người cầu nguyện giữ tâm trí tập trung trong khi suy gẫm về những mầu nhiệm quan trọng nhất của Đức tin. Nói cách khác, đó là một cách thế tuyệt vời để chúng ta có thể tập trung vào chính Chúa, vì quả thật, “kinh Mân Côi của Đức Maria là mối dây êm ái liên kết chúng ta với Thiên Chúa.”

3. Lời kinh của mối dây liên kết tình yêu

Với kinh nghiệm ngàn đời của Hội Thánh, việc cầu nguyện trong phụng vụ và những lời cầu nguyện do lòng đạo đức bình dân khỏi xướng, cách riêng là chuỗi Mân Côi, luôn mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng to lớn. Những lời cầu nguyện này xuất phát từ nguồn Thánh Kinh và Thánh Truyền, từ tâm hồn vĩ đại của những vị thánh đã đi trước chúng ta. Họ là những người có cảm thức sâu xa về Thiên Chúa và trực giác phong phú trong đời sống tâm linh. Cho nên, việc cầu nguyện với những lời kinh, như kinh Mân Côi, là phương thế hữu hiệu đưa người ta đi vào trong kinh nghiệm thiêng liêng, kinh nghiệm kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong tình yêu. Đồng thời, nó giúp giúp chúng ta tránh khỏi nguy cơ hạ thấp sự cầu nguyện chỉ gói gọn trong một danh sách những lời cầu xin cho các nhu cầu nào đó mang tính cá nhân.

Thứ đến, chuỗi Mân Côi không chỉ liên kết chúng ta với Thiên Chúa, với Đức Trinh Nữ Maria, nhưng còn mở rộng tới “những mối tương quan của chúng ta, tới những người trong mối giây hiệp thông và huynh đệ kết hiệp tất cả chúng ta trong Đức Kitô.” Cách cụ thể, kinh Mân Côi là phương thế hữu hiệu liên kết tình thân giữa các thành viên trong một gia đình và giữa các gia đình với nhau. Bởi lẽ, “các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn về Đức Kitô, thì cũng có được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ lẫn cho nhau và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thần Khí Thánh của Thiên Chúa.” Mở rộng hơn, kinh Mân Côi còn đưa chúng ta đến với người khác nơi những “vùng ngoại biên” của thế giới, bởi vì lời kinh ấy “dẫn chúng ta đến gặp gỡ Đức Kitô trong các mầu nhiệm của Người, và vì thế, ta không thể không quan tâm tới dung nhan Đức Kitô nơi những người khác, nhất là nơi những người đau khổ nhất.”

KẾT

Chúng ta hãy nghe những lời thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II nhắn nhủ: “Hãy cầm lấy lại chuỗi mân côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh mân côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em.” Trong cuộc lữ hành trần gian nhiều gian nan khốn khó, lời kinh Mân Côi giúp chúng ta gắn bó hơn với Đức Maria, ngôi sao Mai của niềm hy vọng, đang tỏa sáng phản chiếu ánh huy hoàng của Ngôi Lời hằng hữu để dẫn đưa con người vượt qua giông bão cuộc đời, đêm tối của những đau khổ và thất vọng, ngõ hầu cập đến bến bờ bình an, đến cõi phúc thật. Niềm hy vọng của chúng ta được tìm thấy nơi đây: loài người thấp kém của chúng ta sẽ có thể trở nên như Thiên Chúa nhờ công cuộc cứu độ của Đức Giêsu. Chúng ta hãy mượn lời của chân phúc Bartolo Longo mà ca khen rằng: “Nguyện Mẹ được chúc phúc ở mọi nơi, hôm nay và mãi mãi, dưới trần gian và trên các tầng trời.”