Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

fx16VATICAN. ĐTC khuyến khích các pháp quan thi hành công lý chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội khác, đồng thời ngài cảnh giác chống cám dỗ tham nhũng.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều ngày 3-6-2016, trong buổi gặp gỡ hơn 150 thẩm phán và các quan chức tư pháp của nhiều quốc gia, tham dự hội nghị do Hàn lâm viên Tòa Thánh về các khoa xã hội tổ chức tại Vatican trong hai ngày mùng 3 và 4-6-2016.
ĐTC đề cập đến các vấn đề được ngài quan tâm từ lâu như nạn buôn người, những hình thức mới của nạn nô lệ như cưỡng bách lao động, mại dâm, buôn bán cơ phận người để ghép, buôn bán ma túy và các tổ chức bất lương. Ngài đề cao vai trò không thể thay thế của các vị thẩm phán trong lãnh vực này và nhấn mạnh rằng và các thẩm phán phải được tự do, không phải chịu sức ép của các chính phủ, các tổ chức tư nhân, và nhất là được tự do đối với các cơ cấu tội lỗi, các tổ chức tội phạm tạo áp lực và xe dọa.
ĐTC nói: ”Tất cả chúng ta đều biết những chế riễu đối với ngành tư pháp công lý bị bịt mắt và bịt miệng. Nạn tham ô hối lộ là một trong những vấn đề thời sự lớn hiện nay, làm suy yếu nền dân chủ và công lý”.
Trong diễn văn, ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác với LHQ để thực hiện dự án hợp với tinh thần nhân bản và Kitô, đó là giải thoát nhân loại khỏi nạn buôn người và các tổ chức tội phạm. Ngài cũng cổ võ sự hợp lực giữa các thẩm phán và chuyên gia, thành lập một liên mạng giữa họ với nhau để trao đổi kinh nghiệm, giúp bài trừ những hình thức mới của nạn nô lệ.
Trong bối cảnh này, ĐTC nói đến vai trò của Giáo Hội: ”Giáo Hội phải dấn thân để trung thành với con người, và càng phải làm hơn nữa, nếu ta xét tới những tình trạng trong đó có những tai gương và đau khổ thê thảm nhất.. Giáo Hội không thể chiều theo châm ngôn không muốn Giáo Hội xen mình vào chính trị. ĐTC nói: ”Giáo Hội phải xen mình vào nền chính trị cao cả, vì như ĐGH Phaolô 6 đã nói, chính trị là một trong những hình thức bác ái cao cả nhất” (RG 4-6-2016)
G. Trần Đức Anh OP
radiovaticana.org