Có một vấn nạn không dễ gì lý giải: địa điểm Chúa lên trời thực sự ở đâu: Galilêa hay Giêrusalem, hai địa điểm cách xa nhau tới vài trăm cây số? Tác giả Luca khẳng định rất rõ ràng: tại Giêrusalem, địa điểm đó gần Bêtania (Lc 24, 47.50; Cv 1, 4-12), trong khi Matthêu lại xác định: một ngọn núi miền Galilêa (Mt 28, 16). Tôi đã đặt câu hỏi này cho hướng dẫn viên chuyến hành hương Đất Thánh năm 2005, giáo sư Coffele của đại học UPS, và tôi nhận được câu trả lời lấp lửng: ‘truyền thống’ luôn xác định là Giêrusalem (lúc đó chúng tôi đang viếng đền thờ Thăng Thiên do người Hồi Giáo quản lý, có cả tảng đá in vết chân Chúa khi Người được cất lên trời!). Điều đó cho thấy: khi Kinh Thánh đề cập tới bất cứ biến cố nào thì điều quan trọng nhất cần lưu tâm vẫn là nội dung của sứ điệp hơn là chính sự kiện; đoạn Tin Mừng hôm nay cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Về biến cố Đấng phục sinh thăng thiên thì: chỉ có Luca mới tường thuật cách tương đối chi tiết, trong khi các tác giả khác, hoặc không đề cập gì (Gioan và Matthêu), hoặc chỉ thoáng qua mà thôi (Marcô).
Tin Mừng Matthêu chúng ta đọc hôm nay, thay vì mô tả chính biến cố Chúa về trời, thì chỉ đơn giản ghi lại những lời căn dặn và trăn trối đầy tâm huyết cuối cùng Đức Giêsu gửi gấm các môn đệ thân yêu trước khi vĩnh viễn rời xa họ.
Trong giờ phút ly biệt chấm dứt sự hiện diện trần thế của mình, Đức Giêsu long trọng công bố: Vương Quốc Người chính là quyền lực yêu thương của Thập Giá đã được vĩnh viễn xác lập và bao trùm; “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Đồng thời Người cũng căn dặn các môn đệ còn ở lại, và truyền cho họ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Như vậy Thăng Thiên, như Matthêu mô tả, trước hết phải được hiểu như một ‘lệnh lên đường’ ra đi để mở rộng vương quốc Kitô. Chúa về trời là để tạo điều kiện cho các môn đệ có thể tự do lên đường; “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em hơn” (Ga 16:7); Chúa về trời là để vương quốc tình yêu của Người được mở rộng tới mọi nơi, tới mọi cõi lòng. Hướng nhìn của biến cố ‘Chúa lên trời’ không phải là đưa tầm mắt về không gian vũ trụ vô tận, mà là đi sâu vào niềm tin bên trong tâm hồn mỗi con người; “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” (Cv 1:11) Sự hùng vĩ và huy hoàng của ‘lên trời’ không phải là một thứ ánh sáng chói lòa của tinh tú hay mây trời, nhưng là “anh em nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em… anh em là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Như vậy việc mừng ‘Chúa lên trời’ đối với Kitô hữu sẽ phải đồng nghĩa với việc xác định lại niềm tin vào quyền lực yêu thương của Thầy Giêsu, và khẳng định lại quyết tâm mở rộng vương quốc tình yêu đó tới mọi tâm hồn và cho tới tận cùng trái đất. Do đó Thăng Thiên chính là một biến cố nội tâm sâu xa nhất, một lệnh truyền dõng dạc và một đòi hỏi khắt khe nhất đối với niềm tin của mỗi chúng ta.
“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” – lời trăn trối tâm huyết làm sao, chính vào lúc hình bóng Thầy Giêsu Kitô lặng lẽ bị mây trời che khuất! ‘Xa mặt thì cách lòng’, thói đời vẫn thế…! Đức Giêsu thì khẳng định ngược lại, khi ‘các ông không còn thấy Người nữa’ thì lại là lúc Người ‘cận lòng’ và gần gũi thắm thiết với từng môn đệ hơn bao giờ hết. Thậm chí sự gần gũi thắm thiết này còn được hiện thân hóa bằng cả một nhân vật kỳ diệu được Người sai phái đến: Thần Khí – Đấng Bảo Trợ – Thần Chân lý. Các môn đệ mừng vui là phải, bởi vì ‘Chúa về trời’ đâu phải là mất mát, là xa cách; các ông được lợi, lợi rất nhiều, nhiều tới mức sung mãn nhất! Các ông được sở hữu Thầy Giêsu cách trọn vẹn và vĩnh viễn, qua sự hiện diện phong phú tột cùng của Thánh Thần đổ tràn vào tâm hồn: “Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em…” (Ga 14:17). Câu Đức Giêsu nói với tông đồ Tôma ngày nào: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20:29) đang lộ rõ nội dung cụ thể, phong phú và thâm sâu nhất, có giá trị cho hết mọi thời… tới tận thời đại chúng ta hôm nay.
Như thế mừng Chúa Thăng Thiên không phải là: mừng vì Đức Kitô được vinh thăng, mà thực chất là mừng cho người môn đệ, vì… qua biến cố đó, mỗi Kitô hữu chúng ta đều được cất nhắc lên cách tuyệt diệu. Niềm vui đó ta có được, không phải vì chăm chú nhìn lên trời cho dầu đó là thiên đàng đi nữa, để mà mơ ước mà chờ đợi, nhưng là vì đi sâu vào nội tâm – nơi Thần Khí Đức Kitô Giêsu hiện diện và tác động, để nghiệm thấy tình yêu mạnh mẽ của Người, và sẵn sàng để cho tình yêu đó thúc bách ta lên đường công bố niềm vui Phục Sinh cho hết mọi tạo vật.
Lạy Chúa Thăng Thiên vinh hiển, con xin được ca ngợi Chúa đã lên trời trong âm thầm lặng lẽ hơn là trong hoành tráng phô trương. Con cảm tạ Chúa đã ra đi vĩnh viễn để niềm tin con tập trung hơn vào Thần Khí đã được Người sai đến, và đang ngự trị trong thẳm sâu cõi lòng con. Do đó, xin cho con luôn xác tín rằng: Chúa hằng ở cùng con, và sức mạnh tình yêu của Người luôn thôi thúc con lên đường rao giảng Tin Mừng cứu độ. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB