“Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày 12/1/2025, nhật báo “Tương lai” (Avvenire) của Hội đồng Giám mục Ý đã đăng một phần trong cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha. Phần trích đăng này có tựa đề: “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Đức Thánh Cha nói rằng hài hước giúp chúng ta có sức mạnh đối mặt với khó khăn và vượt qua chúng. Ngài mời gọi hãy tìm lại khả năng vui cười như trẻ thơ và sống thật lòng mình.

Cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô với tựa đề “Hy vọng”, dày 400 trang, được viết chung với ông Carlo Musso, đã được nhà xuất bản Mondadori của Ý xuất bản và phát hành tại hơn 100 quốc gia vào thứ Ba ngày 14/1/2025. Đây là cuốn tự truyện đầu tiên của một Giáo hoàng còn đương nhiệm. Ban đầu, Đức Thánh Cha chỉ muốn xuất bản tự truyện sau khi ngài qua đời. Nhưng do Năm Thánh Hy vọng được công bố vào năm 2025 và do nhu cầu của thời đại, ngài đã quyết định trao tặng di sản quý giá này ngay năm nay. Ngài muốn đặt tên cho tự truyện là “Hy vọng” nhân dịp Năm Thánh.

“Biết cười, men tạo nên niềm vui”

Phần tự truyện về sự hài hước bắt đầu như sau:

Hy vọng cũng là sự hài hước. Nó biết rằng sự hài hước và nụ cười chính là chất men của cuộc sống và là công cụ để đối mặt một cách kiên cường với khó khăn, thậm chí là thử thách. Sự châm biếm, trong trường hợp này, có thể đúng với một định nghĩa khôn ngoan của nhà văn Romain Gary, đó là một tuyên bố về phẩm giá, một “khẳng định về sự cao vượt của con người so với những gì xảy ra với họ”. […]

Trong gia đình, khi tôi còn nhỏ, đây cũng là những đề tài mà cha mẹ dạy dỗ chúng tôi. Đối với tất cả anh em chúng tôi, phương pháp sư phạm về ý nghĩa của sự vui vẻ, sự trêu chọc lành mạnh, sự đùa giỡn được coi là điều quan trọng.

[…] Cuộc sống gia đình tôi đã trải qua nhiều khó khăn, đau khổ, nước mắt, nhưng ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất, chúng tôi đã cảm nghiệm được rằng một nụ cười, một tiếng cười có thể mang lại năng lượng để bắt đầu lại. Trên hết, cha chúng tôi đã dạy chúng tôi rất nhiều điều. Vấn đề không phải là loại bỏ, giả vờ như không có gì xảy ra, giảm nhẹ các vấn đề – vì hài kịch thực ra là bi kịch được nhìn từ phía sau – nhưng đúng hơn là giữ trong lòng mình một không gian vui vẻ mang tính quyết định để đối mặt và vượt qua các vấn nạn […].

Chính để nhấn mạnh mối liên kết không thể tách rời này, cuộc kết hợp may mắn giữa hy vọng và niềm vui mà trong những tháng trước khi mở Cửa Thánh của Năm Thánh mới, tôi đã muốn gặp gỡ tại Vatican một nhóm hơn một trăm nghệ sĩ từ giới hài kịch, thuộc nhiều quốc tịch và ngành nghề khác nhau. Một số người chỉ ra rằng đây là một bước nhảy vọt so với thời điểm khi các diễn viên và những chú hề chỉ được chôn cất ở mảnh đất không được thánh hiến, nhưng nếu một người chọn mang tên Phanxicô, “chú hề của Thiên Chúa”, thì đó có lẽ là điều tối thiểu mà người đó có thể làm. Không lâu sau đó, một người trong số họ dí dỏm nói với tôi rằng thật tuyệt khi cố gắng làm cho Thiên Chúa cười… ngoại trừ việc, vì Người là Đấng toàn tri, Người luôn biết trước tất cả các câu đùa, khiến cho chuyện cười của bạn không còn hài hước nữa. Chính đây là loại hài hước tốt cho tâm hồn.

Cuộc sống tất yếu có những cay đắng của nó, chúng là một phần của mọi hành trình hy vọng và hoán cải. Nhưng bằng mọi giá chúng ta phải tránh chìm đắm trong nỗi buồn và không để nó ám ảnh trong tâm hồn. […] Đây là những cám dỗ mà ngay cả những người tận hiến cũng không tránh khỏi. Và thật không may là chúng ta gặp một số người cay đắng, u sầu, độc đoán hơn là có thẩm quyền, giống “những ông khó tính” hơn là các vị hôn phu của Giáo hội, giống viên chức hơn là mục tử, hoặc nông cạn hơn là vui tươi, và điều này chắc chắn cũng không tốt. Nhưng nhìn chung, những linh mục chúng tôi có khiếu hài hước và cũng khá quen thuộc với những câu chuyện cười và câu chuyện mà chúng tôi, ngoài việc bị trở thành đối tượng, thường là người kể chuyện hay.

Ngay cả các giáo hoàng cũng có tính hài hước. Đức Gioan XXIII, người nổi tiếng là hay đùa, trong một bài phát biểu, đã nói đại khái rằng: “Tôi thường bắt đầu suy nghĩ về một loạt các vấn đề hệ trọng vào ban đêm. Do đó, tôi đưa ra quyết định can đảm và kiên quyết là sẽ đến gặp Đức Giáo hoàng vào sáng mai. Sau đó, tôi tỉnh dậy, người ướt đẫm mồ hôi và nhớ ra mình là Giáo hoàng”. Và Đức Gioan Phaolô II cũng không ngoại lệ. Trong các phiên họp chuẩn bị cho một mật nghị, khi ngài vẫn còn là Hồng y Wojtyła, một Hồng y lớn tuổi và khá cứng nhắc đã đến gặp ngài với ý định khiển trách ngài, vì ngài đã đi trượt tuyết, leo núi, đạp xe, bơi lội… “Tôi không nghĩ rằng những hoạt động này phù hợp với vai trò của ngài”, Đức Hồng y đó nói nhỏ với ngài. Đức Giáo hoàng tương lai trả lời: “Nhưng ngài có biết rằng ở Ba Lan, đây là những hoạt động chung của ít nhất 50 phần trăm các Hồng y không?” Khi đó ở Ba Lan chỉ có hai Hồng y.

Sự châm biếm chính là thuốc chữa lành, không chỉ nâng cao và khai sáng cho người khác, mà còn đối với chính mình, bởi vì tự châm biếm là một công cụ mạnh mẽ để vượt qua sự cám dỗ của tính tự luyến ái. Những người mắc chứng tự luyến ái thường xuyên nhìn mình trong gương, tô vẽ, ngưỡng mộ bản thân, nhưng lời khuyên tốt nhất khi đứng trước gương là hãy luôn cười vào chính mình. Điều đó sẽ có lợi cho chúng ta. Điều đó sẽ chứng minh sự đúng đắn của câu châm ngôn cổ của Trung Quốc rằng chỉ có hai người hoàn hảo: một người đã chết và người kia chưa bao giờ được sinh ra. […] Về việc này, Giáo hội cũng có một loạt các phân loại không chính thức về các câu đùa và truyện cười theo các dòng tu, hội dòng và nhân vật. […] Những câu chuyện cười về Dòng Tên và do Dòng Tên sáng tác thực sự là một thể loại riêng biệt, có lẽ chỉ có thể so sánh với những câu đùa về các cảnh sát ở Ý, hay về những bà mẹ Do Thái trong truyện cười bằng tiếng Yiddish, [là ngôn ngữ vùng Tây Đức, được người Do Thái gốc Trung Âu hay Đông Âu sử dụng].

Có thể ngăn ngừa nguy hiểm của chứng tự luyến ái bằng cách tự mỉa mai bản thân đúng cách. Tôi nhớ đến câu chuyện về một tu sĩ dòng Tên hơi kiêu ngạo, mắc bệnh tim và phải nhập viện. Trước khi vào phòng phẫu thuật, vị tu sĩ Dòng Tên này hỏi Thiên Chúa: “Lạy Chúa, giờ của con đã đến chưa?”. – “Không, con sẽ sống ít nhất bốn mươi năm nữa,” Thiên Chúa nói với tu sĩ đó. Ngay khi hồi phục, tu sĩ này tận dụng cơ hội để cấy tóc, nâng mặt, hút mỡ, chỉnh sửa mí mắt, răng… nói tóm lại, khi ra khỏi đó tu sĩ này trở thành một người khác. Nhưng ngay bên ngoài bệnh viện, một chiếc xe đã đâm vào tu sĩ này và tu sĩ này đã tử vong. Ngay khi đến trước mặt Thiên Chúa, tu sĩ này phản đối: “Lạy Chúa, nhưng… Chúa đã bảo con sẽ sống thêm bốn mươi năm nữa!” Và Thiên Chúa nói: “Ồ, xin lỗi… Ta không nhận ra con…”.

Và họ cũng kể cho tôi một câu chuyện liên quan trực tiếp đến tôi, đó là câu chuyện về Đức Giáo hoàng Phanxicô ở Mỹ. Câu chuyện diễn ra đại khái như thế này: ngay khi vừa xuống sân bay New York để thực hiện chuyến tông du tới Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô thấy một chiếc xe limousine to lớn đang đợi ngài. Ngài hơi bối rối vì tất cả sự xa xỉ đó, nhưng rồi ngài nghĩ rằng mình đã không lái xe trong nhiều năm, và chưa bao giờ lái một chiếc xe như thế, và tóm lại ngài tự nhủ: ừ, khi nào mình mới có cơ hội khác… Ngài nhìn ngắm chiếc xe limousine và hỏi người lái xe: “Anh có thể cho tôi thử không?” Và người lái xe trả lời: “Thưa Đức Thánh Cha, tôi thực sự xin lỗi, nhưng tôi không thể làm được, ngài biết các thủ tục, các nghi thức mà…”. Nhưng bạn biết đấy, người ta vẫn nói rằng khi Đức Giáo hoàng nảy ra ý định gì đó, ngài sẽ khăng khăng đòi cho đến khi người kia chịu nhượng bộ. Sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô ngồi vào ghế lái trên một trong những con đường rộng lớn đó và… nếm trải cảm giác đó, bắt đầu nhấn ga: 50 dặm một giờ, 80, 120… Cho đến khi ngài nghe thấy tiếng còi báo động và tiếng xe cảnh sát đến bên cạnh ngài và chặn ngài lại. Một cảnh sát trẻ tiến đến gần cửa sổ tối màu, Đức Giáo hoàng hơi xấu hổ và hạ cửa xuống, còn người đàn ông thì tái mặt. Anh ta nói: “Xin lỗi chờ một lát”, rồi quay lại xe để gọi về trung tâm. “Thưa sếp… tôi nghĩ là tôi gặp vấn đề rồi”. Và ông sếp hỏi: “Có vấn đề gì vậy?” “À, tôi đã chặn một chiếc xe chạy quá tốc độ… nhưng trong xe có một người rất quan trọng”. “Quan trọng thế nào? Ông ấy có phải là thị trưởng không?”. – “Không, thưa sếp, còn hơn cả thị trưởng nữa…”. – “Ngoài thị trưởng ra còn có ai nữa? Thống đốc à?” -“Không, hơn nữa…”. -“Nhưng liệu ông ấy có thể là tổng thống không?”. -“Tôi nghĩ là còn hơn nữa…”. -“Vậy ai có thể quan trọng hơn tổng thống?”. -“Thưa sếp, tôi không biết chính xác ông ta là ai, nhưng tôi có thể nói với ông rằng Đức Giáo hoàng là tài xế của ông ta!”

Tin Mừng khuyên chúng ta hãy trở nên như trẻ thơ (Mt 18,3), vì ơn cứu độ của chính chúng ta và cũng bằng cách này nhắc nhở chúng ta tìm lại khả năng mỉm cười của các trẻ em, những người mà theo các nhà tâm lý học, có khả năng cười nhiều gấp mười lần người lớn.

Ngày nay không có điều gì làm tôi vui hơn việc được gặp các trẻ em: nếu như khi còn nhỏ tôi có những người thầy dạy tôi cách cười, thì giờ đây khi đã lớn tuổi, trẻ em thường là người thầy hướng dẫn tôi. Đây là những cuộc gặp gỡ khiến tôi phấn khích nhất, khiến tôi cảm thấy tốt nhất. Và rồi những người lớn tuổi: những người lớn tuổi chúc lành cho cuộc sống, gạt bỏ mọi oán giận, những người có niềm vui của thứ rượu càng lâu ngày càng ngon, thật không thể cưỡng lại. Họ có ơn khóc và cười, như trẻ thơ.

Khi tôi bế các em bé trên tay, trong những buổi tiếp kiến ở Quảng trường Thánh Phêrô, hầu hết các em đều luôn mỉm cười; tuy nhiên, một số em khác khi thấy tôi mặc đồ trắng đã nghĩ rằng tôi là bác sĩ đến tiêm thuốc cho chúng, và rồi chúng khóc. Các em là những tấm gương của sự tự nhiên, của nhân tính, và các em nhắc nhở chúng ta rằng ai từ bỏ bản chất người của mình tức là từ bỏ tất cả, và khi chúng ta thấy khó có thể khóc một cách nghiêm túc hay cười một cách say mê, thì đó chính là lúc chúng ta thực sự bắt đầu suy thoái. Chúng ta trở nên vô cảm, và những người lớn vô cảm không làm được điều gì tốt cho chính họ, cho xã hội hay cho Giáo hội.

Nguồn : Vatican News