“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 39-45).
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Niềm Vui Trong Thánh Thần ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
“Xin Vâng” Lm. Hiền Lâm Trg 4
Nét Đẹp Của Sự Vội Vã Lên Đường Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hiện Diện Bên Nhau Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Mở Đường Hạt Nắng Trg 9
Ngôn Sứ Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Noi Gương Mẹ M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Vầng Trăng Yêu Thương Nắng Sài Gòn Trg 12
Tình Yêu Vẫy Gọi A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
———————————-
Niềm Vui Trong Thánh Thần
Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.
Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.
Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.
Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.
Thánh Thần là tình yêu. Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ. Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt. Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán. Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại. Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.
Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.
Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình. Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”. Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân. Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng. Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu. Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.
Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.
Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ. Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth. Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ. Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người. Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.
Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.
Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.
Gợi ý chia sẻ:
1. Có những dấu chỉ nào cho thấy ơn Chúa Thánh Thần?
2. Nhờ đâu cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth tràn đầy niềm vui?
3. Những cuộc viếng thăm gặp gỡ của bạn có đem lại niềm vui cho người khác và cho chính bạn không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————-
“Xin Vâng”
Bài Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm B hôm nay, tường thuật về một cuộc đối thoại quan trọng nhất cho vận mạng loài người – cuộc đối thoại giữa Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel với cô thôn nữ làng Nazareth là Đức Maria. Cuộc truyền tin này mang một ý nghĩa sống còn khi tạo vật nín thở chờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria để Con Thiên Chúa nhập thể đi vào trần gian.
Truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình, ban tặng cuộc sống thiên linh của mình cho toàn thể thụ tạo, đặc biệt là cho con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thật vậy, mầu nhiệm này là đỉnh cao của tất cả hồng ân trong lịch sử nhân loại và của cả vũ trụ. Đức Maria được “đầy ân sủng” vì việc nhập thể của Ngôi Lời: sự liên kết của Con Thiên Chúa với nhân tính trong một bản vị được thực hiện và hoàn tất nơi Mẹ.
“Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn Đấng được tiền định làm mẹ phải nói lên sự ưng thuận của mình trước khi mầu nhiệm nhập thể được thực hiện; để như một người nữ sẽ phục vụ cho sự chết, thì một người nữ sẽ phục vụ cho sự sống. Điều này lại càng thích ứng hơn nữa trong trường hợp của Mẹ Đức Giêsu: Mẹ sẽ sinh Sự Sống cho thế gian; Sự Sống này sẽ canh tân tất cả; vì thế Mẹ được Thiên Chúa tặng ban nhiều hồng ân để có thể đáp ứng cho một phận vụ cao trọng như thế” (GH 56).
Ngay giây phút tượng thai, Đức Maria đã được Thiên Chúa trang điểm bằng sự thánh thiện cao vời; nên lúc truyền tin, Mẹ cũng được thiên thần chào kính là “Đấng đầy ân phúc”, và Mẹ đã đáp lời thiên sứ rằng: “Là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng”. Như thế, Đức Maria là con cháu Ađam, khi vâng nghe tiếng Chúa, đã trở thành Mẹ Đức Giêsu. Với trọn tâm hồn và không một tội lỗi nào ngăn cản, Mẹ đón nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, tự nguyện làm nữ tỳ của Chúa để phục vụ cho con người và công trình của Thiên Chúa, tùy thuộc vào liên kết với Đức Kitô nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, để hoàn toàn phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ. Trọn lịch sử cứu độ, và theo một nghĩa nào đó, trọn lịch sử loài người, đều được liên kết với biến cố truyền tin. Thật vậy, nếu kế hoạch của Thiên Chúa Cha là quy tụ tất cả trong Đức Kitô (Ep 1, 10), thì cả vũ trụ đều được ân huệ thần linh tác động, với ân huệ này, Thiên Chúa Cha đã đoái nhìn đến Đức Maria để làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu Con của Người. Về phần mình, cả nhân loại như được gói trọn vào trong tiếng “xin vâng” (fiat), qua đó Đức Maria đã mau mắn nói lên sự ưng thuận của mình đối với ý định của Thiên Chúa.
Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.
Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse chưa biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (Đnl 22, 22- 23). Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do. Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. Khi chương trình Thiên Chúa liên can đến con người mà Thiên Chúa trang bị cho được tự do, thì có thể nói, chương trình ấy phần nào lệ thuộc vào sự cộng tác của con người (như thánh Augustino từng nói). Nếu Thiên Chúa sử dụng con người như những “con tốt” trên bàn cờ hay như những vật vô tri trong vũ trụ, thì mọi sự sẽ diễn ra trong trật tự và ổn định, nhưng Thiên Chúa đã không muốn thế, vì như vậy sẽ tước đi sự tự do -điều quí giá nhất trong tình yêu- con người, làm cho sự đáp trả mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Cũng thế, Đức Maria, với cả “nhân vị” của mình, Người đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.
Như vậy, khi nói lời “XIN VÂNG”, Đức Maria trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đức Maria được tràn ngập ân sủng và nhờ Người- trong Đức Kitô- ân sủng được tuôn đổ cho nhân loại. Đức Maria đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Đức Maria đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người. Cũng thế, ân sủng, khiêm tốn và xin vâng là căn bản mà mỗi Kitô phải có, vì để trở thành khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa hầu đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Lạy Mẹ Maria, xin mẹ cầu bầu cho chúng con luôn bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa trong sự vâng phục thánh ý Người, để nên hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn. Amen
Lm. Hiền Lâm
———————————————
Nét Đẹp Của Sự Vội Vã Lên Đường
Hôm nay, chúng ta cùng suy niệm đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 1,39-45), trong đó, Mẹ Maria vội vã lên đường thăm viếng bà Êlisabeth sau khi đón nhận lời mời gọi kỳ diệu từ Thiên Chúa.
Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria đến với bà Êlisabeth mang một vẻ đẹp sâu sắc, bởi đó là sự thôi thúc của tình yêu, lòng tin, và trách nhiệm. Sự vội vã ấy không phải là dấu hiệu của hối hả hay lo âu, mà là hành động tự nguyện, xuất phát từ con tim tràn đầy ân sủng, mang theo sự hiện diện của Chúa đến cho người khác.
Trong nét đẹp của sự vội vã lên đường, chúng ta nhận ra tình yêu không đợi chờ, không cân nhắc thiệt hơn, nhưng luôn tìm cách biểu lộ qua hành động. Khi ta vội vã vì yêu thương, đôi chân ta bước đi nhẹ nhàng, gương mặt rạng ngời niềm vui, và hành trình trở thành lời ca tụng dâng lên Thiên Chúa. Sự vội vã ấy làm bừng sáng đời sống, nối kết tâm hồn, và gieo rắc niềm hy vọng nơi những mảnh đời cần được sẻ chia.
Ở thời đại chúng ta có lẽ ai cũng biết về Mẹ Têrêsa Calcutta, một môn đệ chân chính của Đức Kitô, một gương mẫu sống tinh thần vội vã lên đường theo tin mừng như Mẹ Maria.
Một lần nọ, tại thành phố Calcutta, Mẹ Têrêsa nhận được tin báo về một người đàn ông vô gia cư đang nằm bất động gần một con hẻm nhỏ. Người qua đường e ngại và không dám lại gần, vì ông ta quá dơ bẩn và mùi hôi thối bốc lên từ vết thương nhiễm trùng trên cơ thể.
Khi nghe tin, Mẹ Têrêsa lập tức rời công việc đang làm, vội vã đến nơi người đàn ông ấy đang nằm. Với dáng vẻ nhỏ bé nhưng đầy sự mạnh mẽ, Mẹ quỳ xuống cạnh ông, chạm vào người ông với tất cả sự dịu dàng và yêu thương. Không chút ngần ngại, Mẹ nhẹ nhàng lau rửa các vết thương lở loét, thậm chí không màng đến việc máu và mủ từ vết thương dính vào tay mình.
Mẹ đỡ ông vào một chiếc xe kéo nhỏ và đưa ông đến nơi chăm sóc của các chị em dòng Thừa Sai Bác Ái. Tại đó, Mẹ chăm sóc ông như thể ông là chính Chúa Giêsu đang chịu đau khổ. Nụ cười của Mẹ làm dịu đi nỗi đau, và sự hiện diện của Mẹ mang đến niềm hy vọng. Trước khi qua đời, người đàn ông ấy đã mỉm cười và nói: “Cả đời tôi chưa từng được ai yêu thương như thế.”
Sự vội vã của Mẹ Têrêsa không chỉ là một hành động cứu giúp về thể xác, mà còn là biểu hiện sống động của tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người. Qua đôi tay đầy lòng thương xót, Mẹ đã làm sáng lên dung mạo của Chúa Giêsu giữa những góc tối cùng cực của xã hội.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria, hãy tiếp tục đôi chân của thánh Têrêsa Calcutta, hãy mạnh dạn lên đường, đừng chần chừ trước nhu cầu của tha nhân. Hãy vội vã lên đường, mang tình yêu của Chúa đến cho thế giới bằng những hành động cụ thể. Đừng sợ hãi hay ngần ngại, vì Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mỗi bước đường.
Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và Thánh Têrêsa Calcutta, ban cho chúng ta lòng tin mạnh mẽ, trái tim biết yêu thương và đôi chân sẵn sàng bước đến nơi cần tình yêu của Ngài. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————-
Hiện Diện Bên Nhau
Khi đang lâm bệnh ngặt nghèo, thập tử nhất sinh hay đang cơn hấp hối mà có người thân yêu ở kề bên chia sẻ cảm thông thì đó là niềm an ủi lớn lao không gì sánh được.
Khi gặp cô đơn sầu não không kẻ đoái hoài mà có một người bạn chân tình hiện diện bên cạnh thì không gì quý báu hơn.
Trong những trường hợp đó, người ta mới cảm nhận được nhu cầu có người thân sống-với mình hay hiện-diện-bên-cạnh mình cần thiết xiết bao!
Vì thế, Đức Cha Gaillot, một giám mục Pháp, đã nhận định rất xác đáng rằng:
“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn;
Việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh cần thiết hơn.”
Như thế, chấp nhận sống-với tha nhân, hiện-diện-bên-cạnh tha nhân, nhất là trong hoàn cảnh đau thương, thì tốt hơn mọi hình thức trao ban, giúp đỡ khác.
Thiên Chúa sống-với con người
Thiên Chúa là Người Cha nhân lành rất yêu thương nhân loại nên Ngài muốn sống với, muốn hiện diện bên cạnh nhân loại luôn mãi. Chính vì thế, Thiên Chúa tự xưng mình là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa hằng ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách vô tận giữa trời và đất để đến ở với loài người.
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Chúa Giêsu đã sống kiếp phàm nhân suốt ba mươi ba năm để chia sẻ vui, buồn, sướng, khổ của phận người.
Và khi đã sống lại, lên trời vinh hiển, Chúa Giêsu vẫn không rời xa các môn đệ. Ngài nói với họ:
“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
“Thầy đi để dọn chỗ cho các con… Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó” (Mt 14,3).
Vì mong muốn ở lại mãi với các môn đệ, nên Chúa Giêsu khấn nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Mt 17,24).
Thế rồi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh thể để không những ở với, ở cùng, hiện diện bên cạnh mà còn ở trong chúng ta và nên một với chúng ta.
Mẹ Maria sống-với con người
Vì biết rằng nhu cầu được thăm viếng, được sống với, được hiện diện bên cạnh là rất cần thiết nên khi hay tin người chị họ cao niên của mình được Chúa đoái thương cho cưu mang quý tử, Đức Maria đã không quản ngại thân gái dặm trường, sẵn sàng băng rừng vượt núi tiến lên miền sơn cước để chúc mừng, để phục vụ và nhất là để sống – với, để hiện diện bên cạnh người chị họ cao niên suốt ba tháng trời (Lc 1, 39. 43. 56).
Về sau nầy, khi tâm hồn các môn đệ hoang mang xao xuyến sau biến cố Chúa Giêsu về trời, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện bên các môn đệ, củng cố niềm tin đang chao đảo của các ngài.
Và rồi trong suốt dòng lịch sử Hội thánh, Giáo hội phải nhiều phen trải qua gian lao sóng gió, Mẹ Maria luôn có mặt trong những thời điểm khó khăn đen tối, để hiện diện và đồng hành với đoàn con cái trong lúc gian nan, để ủi an khích lệ họ trong cảnh u sầu như Mẹ đã thực hiện tại La-vang, Fatima, Lộ-đức và nhiều nơi khác.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con noi gương Chúa là Emmanuen, là Đấng hằng ở với loài người để chia sẻ ngọt bùi với bao người chung quanh; xin cho chúng con bắt chước Mẹ Maria là Đấng luôn hiện diện bên con cái mình để che chở ủi an họ trong những lúc gian truân khốn khó; xin giúp chúng con trở nên những Emmanuen khác, để viếng thăm, an ủi, để sống-với, để hiện-diện-bên-cạnh những người đang gặp hoàn cảnh đau thương.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————
Mở Đường
CN IV MV-C – (Lc 1, 39 – 45)
Niềm vui chia sẻ phúc hồng ân
Hưởng lộc ơn thiêng của Thánh Thần
Gặp gỡ, ủi an thành nghĩa thiết
Tương giao, giúp đỡ tạo tình thân
Khiêm nhường, phục vụ nên môn đệ
Bác ái, quên mình xứng chứng nhân
Thăm viếng anh em trong khốn khó
Mở đường Chúa đến giữa gian trần.
Hạt Nắng
————————————–
Ngôn Sứ Tình Yêu
CN IV MV-C – (Lc 1, 39 – 45)
Cuộc gặp gỡ tràn đầy ơn thánh sủng,
tỏa yêu thương cùng minh chứng niềm tin.
Hai tâm hồn đầy ơn Chúa Thánh Linh,
hòa cùng nhịp điệu tạ ơn Tình Đức Chúa.
Isave, thân cằn khô, héo úa,
nụ mầm non vui nhảy múa trong lòng.
Maria, nhành huệ trắng trinh trong,
Ngôi Hai Cứu Thế, ngự cung lòng Trinh Nữ.
Cuộc hạnh ngộ, đã đi vào lịch sử,
Thiên Chúa Tình Yêu cư ngụ giữa Dân Ngài.
Ánh hừng đông chiếu rọi nắng ban mai,
giải thoát nhân loại những tháng ngày tăm tối.
Ơn Cứu Độ, ngày đất trời mong đợi,
phận nữ tỳ Mẹ bối rối, phân vân.
Lòng khiêm cung, “Xin Vâng” Mẹ thông phần,
sống đức ái, tình tha nhân san sẻ.
Lửa tình yêu cháy lên trong lòng Mẹ,
phục vụ tha nhân, luôn xem nhẹ phần mình.
Ơn quên mình, hòa quyện đức hy sinh,
trao nhau hạnh phúc trong tâm tình nhân ái.
***
Cuộc thăm viếng, bằng con tim quảng đại,
đem yêu thương đến đồng loại quanh mình.
Mẹ dạy con, bài học giữa nhân sinh,
men bác ái, khiêm nhường, quên mình trong phục vụ.
Xin Mẹ đồng hành cùng con,
trên bước đường lữ thứ,
Nên tôi tớ trung thành,
sống trọn vai trò Ngôn Sứ Tình Yêu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————–
Noi Gương Mẹ
CN IV MV-C – (Lc 1, 39 – 45)
Mẹ vội vã ra đi,
bất chấp lời thị phi,
không ngại đường gian khó,
đến thăm người chị họ,
Mẹ khăn gói lên đường,
tim rộn ràng yêu thương.
Cuộc gặp gỡ giao duyên,
cung chúc tình linh thiêng,
thai nhi tràn ơn thánh,
phúc thay người đạo hạnh,
Mẹ đem Đấng cứu đời,
viếng thăm người đơn côi.
Mẹ ơi! Lòng Mẹ đầy nhân ái,
trái tim Mẹ quảng đại,
quên mình giúp nhân sinh,
phục vụ không toan tính,
yêu thương rất chân tình.
Mẹ ơi! Tình Mẹ đầy lửa mến,
như trăng thanh diệu huyền,
như dòng suối khiết trinh ,
tặng niềm vui công chính,
của Đấng ban an bình.
Cuộc đời bớt thương đau,
thăm viếng, đừng quên nhau,
trao nhau niềm vui sống,
trái tim lòng mở rộng,
cùng chia sớt ngọt bùi,
sống như Mẹ, an vui.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————–
Vầng Trăng Yêu Thương
CN IV MV-C – (Lc 1, 39 – 45)
Trái tim mù lòa, che khuất ánh sáng tâm linh,
lạc vòng u minh, tim con hẹp hòi, khép kín.
Nghĩa nhân nhận chìm, hờ hững thế nhân sầu đau,
lãng quên tình nhau, mặc cho tim người rướm máu.
Trái tim ân tình, Mẹ đến viếng thăm người thân,
nhịp nhàng bước chân, con tim tràn đầy hưng phấn.
Dấn thân hành trình, lửa mến sáng soi niềm tin,
yêu thương tìm nhau, hy sinh phục vụ quên mình.
Mẹ Maria! Vầng trăng tỏa sáng niềm vui.
Mẹ Maria! Vầng trăng thanh khiết dịu hiền.
Đường chông gai truân chuyên,
Mẹ tin yêu trung kiên, niềm vui tình dâng hiến.
Mẹ Maria! Mẹ luôn chiếu sáng niềm tin.
Mẹ Maria! Mẹ đem hạnh phúc cho đời.
Thuyền con đang chơi vơi,
Mẹ buông neo ra khơi, dìu con vững bước hành trình.
Sống vui tình người, theo dấu bước chân Mẹ yêu,
thoát vòng cô liêu, con tim rộng mở, dâng hiến.
Thánh Linh mở đường, thăm viếng sẻ chia tình thương,
xua tan sầu vương, yêu thương phục vụ can trường.
Nắng Sài Gòn
————————————-
Tình Yêu Vẫy Gọi
CN IV MV–C – ( Lc 1, 39 – 45)
Lửa bác ái cháy bừng trong dạ,
Mẹ hân hoan tất tả lên đường.
Nữ nhi dầm dãi gió sương,
quên mình phục vụ tình thương dạt dào.
Mẹ đem Chúa Trời cao nhập thể,
trao niềm vui nhân thế đợi mong.
Đêm tàn ló dạng hừng đông,
xua tan lạnh giá lửa hồng sáng soi.
Cuộc giao hoan đất trời hội ngộ,
phút hoan ca cứu độ cho đời.
Gioan diện kiến Ngôi Lời,
reo mừng kính bái Vua Trời ghé thăm.
Phận nữ tỳ thành tâm cung kính,
cất lời ca công chính khiêm cung.
Ngợi khen Thiên Chúa cửu trùng,
đoái nhìn phận mọn tương phùng thế nhân.
Theo gót Mẹ dự phần cứu chuộc,
sống yêu thương nguyện ước thủy chung.
Tim yêu, yêu đến tận cùng,
viếng thăm, gặp gỡ, vui mừng sớt chia.
A.P Mặc Trầm Cung