SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C (22/12/2024) NHẬN RA CHÚA GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA

“Con lòng Bà được chúc phúc!
Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Cao điểm và cũng là trọng điểm của Mùa Vọng là mỗi người chúng ta nhận ra Đấng được Đức Maria cưu mang trong lòng và sẽ hạ sinh tai Bêlem là Con Thiên Chúa. Đấng ấy chính là Chúa Giêsu Kitô. Đó cũng chính là ý nghĩa của Thánh Lễ Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C hôm nay. Chúng ta hãy dành thời gian tìm hiểu và suy niệm về chủ đế quan trọng này.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 1,39-45: Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 3,10-18:
3.1 Câu chuyện cảm động giũa hai bà mẹ và hai người con: Bà mẹ và người con chủ nhà là bà Isave và con trẻ Gioan Baotixita. Bà mẹ và người con khách mời là Đức Maria và bào thai Giêsu. Bà mẹ Maria bước vào nhà và cất tiềng chào người chị họ thì bà ấy nhận được mạc khải của Thánh Thần lên tiếng ca ngợi Con Thiên Chúa (là Chúa Giêsu) và me Người (Maria). Bào thai Giêsu đã tác động trên bào thai Gioan và bà mẹ Isave. Giống như chuyện thần thoại hay chuyện cổ tích hay chuyện dân gian. Nhưng quả là chuyện nhiệm mầu của ơn cứu độ Kitô giáo!
3.2 Cao và trọng điểm của sự kiện hay câu chuyện là việc Chúa Giêsu được nhận ra là Con Thiên Chúa: Bà mẹ Isave đã nhận ra con trẻ trong lòng người em họ là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Thánh, là Đấng Mêsia. Tác giả Luca muốn tất cả những ai đọc câu chuyện này cũng nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, là Cứu Chúa của loài người, của mỗi người.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 3,10-18:
4.1 Chúng ta hãy đọc đi đọc lại và suy niệm sâu câu chuyện kỳ lạ này để thấy Thiên Chúa thật gần với chúng ta, và thấy kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thật kỳ diệu. Từ cảm nhận ấy chúng ta hãy thể hiện lòng yêu mến và cảm phục của mình đối với Thiên Chúa và các vị thánh của Người.
4.2 Chúng ta hãy rao truyền công trình và kế hoạch cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa: Nếu chúng ta yêu mến và cảm phục kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thì chúng ta không thể không rao truyền kế họach ấy, để nhiều người nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia là Con Thiên Chúa, là Đấng đã thành thai trong lòng Đức Maria và sinh ra trong hang bò lừa Bêlem để cứu chuộc nhân loại. Mừng Lễ Giáng Sinh cách trọn nghĩa không phải là dựng hang đá Bêlem trong hay trước cửa nhà thờ, không phải là giăng đèn sao dọc theo các dẫy phố mà là nhìn nhận Chúa Giêsu Hài Nhi là Cứu Chúa của mình và giúp người khác nhận ra Sự Thật vĩ đại ấy.
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 3,10-18:
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã đến trần gian để ở với chúng con và đưa chúng con về với Cha. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho tất cả mọi người quan tâm đến những người xung quanh mà gặp gỡ thăm viếng và giúp đỡ trong khả năng của mình như Đức Maria đã đến thăm và giúp đỡ người chị họ là bà Isave.
Xướng: Chúng ta cùn g cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy luôn noi gương bắt chước Đức Maria mà bước vào nhà của những ngưởi cần đến sự thăm viếng của các vị ấy
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu được Thánh Thần tác động mà nhận ra Chúa Cứu Thế, Con Mẹ Maria.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người thành tâm thiện chí nhận được những dấu chỉ của Thiên Chúa mà tin vào kế hoạch cứu độ kỳ diệu của Người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại chúng con.
Chúng con xin Cha ban Thánh Thần cho chúng con để Người soi sáng cho chúng con nhận ra Hai Nhi Giêsu là Con của Cha và là Cứu Chúa của chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô Con Cha Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 20 tháng 12 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

BÀI ĐỌC THÊM: SỨC MẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG
(Suy niệm Tin mừng Chúa nhật thứ tư mùa Vọng năm C (Luca 1, 39-45)

Sứ điệp: Tình thương là động cơ thôi thúc con người sẵn sàng hy sinh phục vụ người khác.
***
Sau khi được sứ thần Gáp-ri-en báo tin cho biết bà Ê-li-sa-bét được ơn Chúa cho cưu mang trong tuổi già, Mẹ Maria vội vã lên đường hướng về miền Giu-đa xa xôi vạn dặm để chúc mừng, thăm viếng và trợ giúp bà Ê-li-sa-bét trong những ngày sinh nở đầy khó khăn.
Độ tuổi kết hôn của các thiếu nữ Do-thái ngày xưa là từ 14 đến 16. Có lẽ Mẹ Maria cũng ở trong độ tuổi đó vào thời điểm viếng thăm bà Ê-li-sa-bét. Thế mà Mẹ dám cất bước lên đường để thăm viếng người chị họ phương xa.
Theo tính toán của các chuyên viên Kinh Thánh, quảng đường từ làng quê Na-da-rét nơi Mẹ đang sống đến xứ Giu-đa nơi bà Ê-li-sa-bét đang ở khoảng chừng 140 cây số.
Đây là cuộc hành trình đầy thử thách và rất nhiều nguy hiểm chực chờ như:
– Địa hình gồ ghề: Đường đi chủ yếu là đất và đá, với những đồi dốc và địa hình hiểm trở, làm tăng thêm sự mệt mỏi và khó khăn cho cuộc hành trình.
– Khí hậu khắc nghiệt: Thời tiết nóng bức ban ngày và lạnh lẽo ban đêm có thể làm nản lòng những người yếu đuối.
– Thiếu nước và thức ăn: Hành trình khá dài ngày, nên cần phải mang theo đủ nước và thức ăn.
– Nguy cơ từ thú hoang: Có thể gặp phải những loài thú hoang nguy hiểm như sói rừng, sư tử và gấu luôn rình rập bên đường.
– Cướp bóc: Con đường dài và hẻo lánh có thể là mục tiêu của những kẻ cướp bóc, làm tăng nguy cơ bị tấn công và mất hết tài sản.
– Căng thẳng và mệt mỏi: Hành trình dài và gian nan có thể gây ra căng thẳng và mệt mỏi về mặt thể chất và tinh thần, đặc biệt đối với Mẹ Maria, một thiếu nữ còn rất trẻ đang mang thai.
– Thiếu an toàn: Không có các phương tiện giao thông an toàn như hiện nay, phải đi bộ hoặc cưỡi lừa qua những vùng đất không được bảo vệ.
– Đây cũng là cuộc hành trình cô quạnh, vì mật độ dân số thời ấy còn rất thưa thớt, nên có khi đi cả ngày đường cũng chẳng gặp được ai.

Cuộc hành trình của Mẹ Maria là một minh chứng cho sự kiên định, sự can đảm, và niềm tin mạnh mẽ của Mẹ. Những khó khăn và hiểm nguy trên đường chỉ càng làm nổi bật lòng thương mến vô bờ của Mẹ đối với người chị họ của mình.
Động cơ nào đã giúp Mẹ vượt qua mọi thách thức để mang yêu thương đến với người chị em?
Như người xưa thường nói: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo; mấy sông cũng lội, vạn đèo cũng qua,” chính lòng yêu thương luôn dào dạt trong tim đã thôi thúc Mẹ Maria dám vượt qua tất cả để đến thăm hỏi, chăm sóc, phục vụ người chị họ thân yêu.

Lạy Chúa Giê-su,
Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi dám trao ban Con Một xuống trần cứu độ thế gian; và không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu của Chúa đã hiến mạng sống, chết thay cho mọi người.
Và cũng do lòng yêu thương thúc đẩy mà Mẹ Maria đã vượt qua mọi gian nguy khó nhọc để thăm viếng, hầu hạ người chị họ cao niên.
Xin đổ đầy tình thương của Chúa vào tâm hồn chúng con, để mọi người chúng con biết yêu như Chúa đã yêu thương. Amen.
Linh mục Inha-xi-ô Trần Ngà