I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Mục đích và ý nghĩa của Mùa Vọng là chúng ta gặp được Chúa Giêsu Thiên Chúa giáng trần. Muốn gặp được Chúa thì phải chuẩn bị, phải dọn đường. Ai trong chúng ta cũng có ít nhiều kinh nghiệm về việc chuẩn bị một biến cố hay sự kiện quan trọng đối với cá nhân, gia đình và cộng đoàn mình. Nhiều người trong chúng ta cókinh nghiệm của việc dọn đường, sửa lối để đón tiếp một nhân vật nào đó như cha tân chính xứ hay Đức Giám Mục. Kinh nghiệm ấy giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C hôm nay.
Gioan Tiền Hô là người được Thiên Chúa sai đến để giúp dân Israel đón nhận Chúa Cứu Thế là Đức Giêsu Nazarét. Sứ mạng của Gioan là “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Dọn đường cho Thiên Chúa cũng là sứ mạng và là niềm hạnh phúc của mỗi Kitô hữu chúng ta. Chúng ta hãy mau bắt tay vào công việc quan trọng này!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Bài đọc 1 (Br 5,1-9): “Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.
Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa.
Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.
Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang.
2.2 Bài đọc 2 (Pl 1,4-6.8-11): “Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Đức Kitô”.
Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô.
Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô, anh em được Ðức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
2.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,1-6): “Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Br 5,1-9) là lời của ngôn sứ Barúc kêu gọi thành thánh Giêrusalem nhận thức sứ mạng và vai trò lịch sử của mình vì Thiên Chúa đang và sẽ thay đổi số phận của thành. Thiên Chúa ra chỉ thị cho thành là: “bạt thấp núi cao và gò nổng, lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu” để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Sau này Gio-an Tiền Hô cũng hô hào dân Do-thái chuẩn bị tâm hồn đón rước Đấng Mêsia sắp xuất hiện.
– Trong đoạn văn Sách Barúc 5,1-9 trên, xuất hiện gương mặt của một Đấng Thiên Chúa trung thành với lời hứa và thích làm điều tốt đẹp cho dân, khiến dân riêng và thành thánh được vẻ vang trước mặt thiên hạ.
3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 1,4-6.8-11) là những lời tâm tình của Thánh Phaolô Tông đồ viết cho các tín hữu Philípphê. Thánh Phaolô khen ngợi những việc tốt lành mà họ đã thực hiện để thúc đẩy họ tăng cường hơn nữa đời sống yêu thương, tinh tuyền trong khi chờ đón Ngày Chúa Kitô Quang Lâm. Đối với Thánh Phaolô và các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai thì việc trông đợi Ngày/Biến Cố Chúa Kitô Quang Lâm là yếu tố chi phối tư tưởng và cách sống, có nghĩa là người Ki-tô hữu sống, hành động, hy sinh, hãm mình, phấn đấu vì Ngày/Biến Cố ấy. Nói cách khác điều người Kitô hữu mong đợi, ngóng chờ nhất là Ngày/Biến Cố Quang Lâm của Chúa Giêsu Kitô.
– Qua đoạn thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philípphê trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, tinh tuyền; Chúa Giêsu là Đấng sẽ đến để hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,1-6) là tường thuật về khung cảnh (tôn giáo và chính trị, xã hội) và những lời kêu gọi và việc làm của Gioan Tiền Hô là người được giao sứ mạng chuẩn bị các tâm hồn, chấn chỉnh nếp sống con người và cải cách cơ chế tôn giáo và xã hội, để Chúa Cứu Thế có thể đến được với hết mọi người, mọi nhà.
– Qua đoạn Phúc Âm Luca trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng muốn cứu hết mọi người nên mới giao cho ông Gioan sứ vụ rao giảng trong hoang địa, kêu gọi tội nhân ăn năn sám hối, để dọn đường đón nhận Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Hãy dọn đường cho Chúa Giê-su Ki-tô đến, không chỉ với ta mà còn đến với mọi người, mọi nhà, đến với xã hội và thế giới hôm nay!
Dọn đường không chỉ có nghĩa là đi xưng tội mà còn có nghĩa là dẹp tan tội lỗi và mầm mống của tội lỗi trong tâm hồn con người. Vì thế mà nếu trong đời sống cá nhân hay cộng đồng xã hội còn ngổn ngang bất công, thù ghét, đố kỵ, chia rẽ, phân biệt đối xử và áp bức thì dọn đường cho Chúa có nghĩa là xây dựng và bảo vệ công lý và hòa bình, yêu thương và đoàn kết giữa người với người.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng trung tín trong mọi lời hứa với tổ tiên loài người là sẽ ban Đấng Công Chính cho dân Người. Sống với Thiên Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể và đồng hành với chúng ta chỉ đường dẫn lối cho chúng ta qua gương lành và lời giảng dậy của Người.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Muốn thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến, chúng ta được mời gọi thực hiện hai việc quan trọng sau đây:
4.2.1 Canh tân đời sống cá nhân, có nghĩa là:
* thay đổi từ tình trạng tội lỗi sang tình trạng sạch tội hay ơn nghĩq cùng Chúa;
* thay đổi từ tình trạng khô khan, nguội lạnh sang tình trạng đạo đức, sốt sáng;
* thay đổi từ tình trạng khép kín, bảo thủ, vị kỷ sang tình trạng cởi mở, cầu tiến và vị tha;
* thay đổi từ tình trạng trùm chăn, không dấn thân sang tình trạng dấn thân, phục vụ tha nhân.
* thay đổi từ tình trạng u mê và thờ ơ với Lời Chúa sang tình trạng siêng năng đọc, học Lời Chúa mỗi ngày, mỗi tuần và say mê rao giảng Lời Chúa.
Chúng ta canh tân đời sống thì chúng ta trở thành một con người thánh thiện, dễ thương, hữu ích, được Thiên Chúa và mọi người yêu mến!
4.2.2 Dấn thân phục vụ một xã hội công bằng vì hai lý do khách quan và chủ quan. Khách quan là giá trị nội tại của công bằng; chủ quan là giá trị của công bằng trong mối liên hệ với con người và xã hội:
* Khách quan mà nói thì công bằng là tiền đề của bác ái, yêu thương, là điều kiện của hòa bình và hòa hợp giữa người với người và giữa các nhóm người với nhau.
* Còn chủ quan mà nói thì công bằng là một đòi hỏi bức bách của hàng chục triệu con người đang bị phân biệt đối xử, đang là nạn nhân của bất công trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng.
V. CẦU NGUYỆN CHO LOÀI NGƯỜI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho mọi dân, mọi nước để họ đón nhận những lời kêu gọi thực thi công lý và hòa bình của các vị ngôn sứ mà Thiên Chúa gửi đến trong thời đại này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Thiên Chúa sẽ dẫnIsrael đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nói chung và cho hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội nói riêng, được Thiên Chúa dẫn đi trong hoan lạc và dưới ánh sáng vinh quang của Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta, để Thiên Chúa thực hiện những kỳ công nơi mọi người và ban cho mọi người hạnh phúc thật.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người thiện chí đang tích cực xây dựng một xã hội công bằng, thịnh vượng và tự do cho mọi người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigon ngày 4 tháng 12 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.