SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 902, CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN – B, LỄ CHÚA BA NGÔI, 26/05/2024

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 28, 16-20)

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Mầu Nhiệm Tình Yêu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con Và Chúa Thánh Thần Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Chúa Ở Khắp Mọi Nơi Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hiệp Thông Nên Một Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Tam Vị Nhất Thể Nắng Sài Gòn Trg 9
Tình Chúa Ba Ngôi Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Chúc Tụng Ba Ngôi Thiên Chúa M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Tôn Vinh Ba Ngôi Tình Yêu Nắng Sài Gòn Trg 12
Mầu Nhiệm Yêu Thương A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

 

————————————

 

Mầu Nhiệm Tình Yêu

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình yêu thương.
Từ đời đời, Chúa Cha yêu Chúa Con. Tình yêu ấy lớn lao đến nỗi Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con giống hệt như mình. Con là hình ảnh hoàn hảo, nguyên tuyền của Cha. Con là chính Cha, nên Đức Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Cha có gì thì ban tất cả cho Con. Nên sau này Đức Giêsu đã nói: “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15). Tình Cha yêu Con thật lớn lao, kỳ diệu. Tình Con đáp lại tình Cha cũng nồng nàn tha thiết không kém. Những gì Con nhận được do tình yêu của Cha thì Con dâng lại cho Cha tất cả. Đức Giêsu vì yêu mến Chúa Cha, nên đã vui lòng xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Trọn cuộc đời, Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha để thi hành. Người luôn tâm niệm: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy” (Ga 4,34). Người từ bỏ hết ý riêng mình để chỉ làm theo ý Chúa Cha. Người nên một với Đức Chúa Cha trong tâm tình, trong tư tưởng, trong hành động. “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10). Trong giờ hấp hối, dù sợ hãi cái chết đến độ mồ hôi máu tuôn ra, nhưng Đức Giêsu vẫn luôn vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho Con khỏi uống chén này. Xin đừng theo ý Con, nhưng theo ý Cha mà thôi” (Mt 26,39). Thánh Phaolô đã tóm tắt về cuộc đời Người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2,6-8). Tất cả thái độ vâng phục nói lên sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần.

Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn. Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào. Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc là ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Hôm nay, khi truyền cho ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Người mong ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những gọc tối tăm chiến tranh, chia rẽ. Người mong ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng tình thương tha thứ. Người muốn cho tình yêu lên ngôi ngự trị trong hết mọi tâm hồn.

Phần ta, những môn đệ của Chúa, mỗi khi ta làm dấu Thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi, ta hãy xin Ba Ngôi Thiên Chúa in tình yêu thánh thiện của Người vào tâm hồn ta. Xin cho ta được tham dự vào tình yêu vô cùng sung mãn của Người. Xin cho ta trở nên một đốm lửa trong lò lửa yêu thương của Người. Được cháy trong lò lửa tình yêu Chúa Ba Ngôi, ta sẽ trở nên giống như Người, luôn biết cho đi, luôn biết dâng hiến, luôn mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Khi cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Bạn có cảm thấy Thiên Chúa là người Cha yêu thương và gần gũi không?
2- Bạn có mong muốn được tham dự vào luồng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không?
3- Thiên Chúa dựng nên bạn giống hình ảnh Người. Bạn đã thực sự là hình ảnh tình yêu thương của Chúa đối với những người chung quanh chưa?
4- Sau khi đã hiểu rõ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bạn sẽ có thái độ nào đối với Chúa và đối với anh em?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

————————————

 

Nhân Danh Chúa Cha
Chúa Con Và Chúa Thánh Thần

Câu 19 chương 28 trong Phúc Âm Matthêu là đoạn văn duy nhất trong toàn bộ sách Tin Mừng đặt ‘công thức’ Chúa Ba Ngôi vào môi miệng Đức Giêsu. Điều rủi ro trầm trọng nhất chính là ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ này thường chỉ được hiểu như công thức trang trọng của các nghi lễ, để rồi cái ý nghĩa rất thâm sâu và nặng ký của nó nhiều khi biến mất, hoặc bị coi nhẹ tới độ nó mất hết tác động trên đời sống Kitô hữu, thậm chí cả đời sống Giáo Hội nữa. Thực tế thì Đức Giêsu muốn nói gì khi người yêu cầu “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”? Nói cách khác, trọng tâm của lệnh truyền Người ban nằm ở ‘làm phép rửa’ hay là ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’? Do đó tôi cần tìm hiểu rõ hơn nội dung của thuật ngữ ‘nhân danh’ để nắm bắt được một trong những điều căn bản nhất nơi niềm tin Kitô hữu của tôi.

Trong Kinh Thánh, thuật ngữ ‘nhân danh’ như ‘nhân danh Đức Giêsu Kitô’ mang nhiều nội dung rất khác nhau: nó có thể là ‘thay mặt cho, dưới sự điều động của’ (2Tx 3:6), hoặc ‘vì ích lợi, nhằm phục vụ cho’ (xem Mc 9:18-20), hoặc ‘được chủ động bởi’ (Mt 18:20), hoặc ‘hướng tới, trong tinh thần vì’ (Cl 3:17), hoặc nội dung phổ thông hơn hết là ‘trong sức mạnh, trong quyền lực của’ (Cv 4:7-10). Ngay trong bài giảng đầu tiên Phêrô đã kêu gọi dân chúng “Anh em hãy sám hối, mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội” (Cv 2:38) ‘nhân danh’ đây có thể mang ý nghĩa sau cùng này (‘In the name of’ = by the authority of, in the power of, on behalf of…); tương tự như trong Luca chương 9 câu 49, khi Gioan phát biểu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỉ”. Tôi thiết nghĩ hạn từ ‘nhân danh’ trong lệnh truyền “làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” không những chỉ có cùng một nội dung trên, nhưng còn hàm chứa một điều gì rất khác nữa?

Giai thoại Phêrô tại nhà Cônêliô, được sách Công Vụ Các Tông Đồ tường thuật, cho thấy; ‘lãnh nhận phép rửa’ không phải là điều quan trọng nhất, điều chính yếu hơn là ‘được đưa vào sức sống thần linh’ (Cv 10:44-48); trường hợp cụ thể ở đây là ‘Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa’. Phép rửa không chỉ được hiểu như xóa sạch tội lỗi do quyền năng của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng còn mạnh mẽ hơn nhiều… là được tham gia vào chính Bản Thể tình yêu vô biên. ‘Nhân danh’ ở đây mang một nội dung sống động và hiện sinh sâu sắc hơn rất nhiều. Nếu trong ngôn ngữ Do Thái – rất khác với ngôn ngữ phổ thông chúng ta ngày nay – ‘tên’ hay ‘danh’ nói lên chính bản chất của hữu thể (St 32:28 hay Ga 1:42), thì eis to onoma (= trong tên, in the name of) rất có thể không chỉ mang ý nghĩa ‘nhân danh’ bóng bảy, mà thực sự hàm ý một cuộc sinh lại (born again), hay thay đổi toàn bộ hữu thể (change of being), trở thành con người mới của tình yêu, trong hữu thể của Cha, Con và Thánh Thần. Phải chăng trong cuộc đàm thoại với Nicôđêmô đêm nào, Đức Giêsu đã từng đề cập tới sự sống mới, mạnh mẽ và phong phú này (Gioan chương 3)? Và nếu Ba Ngôi Thiên Chúa được hiểu như một cơn lốc tình yêu vĩ đại, như một cuộc trao ban và tự hiến khôn lường giữa Cha, Con và Thánh Thần, thì phép rửa chính là cửa ngõ đưa ta đi vào vòng xoáy vĩ đại của tình ái thần linh. Hiểu như thế ta sẽ thấy được tất cả sức mạnh và nội dung sâu sắc nhất của ‘công thức’ ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’, đồng thời cũng nắm bắt được phần nào: đời sống Kitô hữu không chỉ hệ tại ‘được thanh tẩy’, sống trong sạch chính trực, hay sống đạo đức thánh thiện…, cho dầu có nhờ sức mạnh hay trong quyền năng của Thiên Chúa đi nữa, mà còn phải là một cuộc sống mới, đậm chất thần linh chí ái.

Mọi Kitô hữu, kể cả linh mục hay tu sĩ chúng ta, nhờ phép rửa mà được tham gia vào Hữu Thể Tình Yêu Thần Linh này, cho nên chắc chắn sống lương thiện đạo đức theo nghĩa thông thường mà thôi là chưa đủ! Chúng ta nhất thiết còn phải biến đổi tận căn cuộc sống mình trong sức mạnh thần linh của Thiên Chúa, ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, và điều này chúng ta thực hiện không ngừng mỗi khi chiêm ngắn và nhất là cử hành mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho con thấu hiểu rằng, kể từ ngày ‘chịu phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thành Thần’, con đã được trọn vẹn cuốn hút vào cơn lốc tình yêu vĩ đại. Ba Ngôi Thiên Chúa đối với con không thể chỉ là một thực tại thần linh cao siêu nhưng xa vời, mà chính là sức sống và sự phong phú khôn lường con đang được hưởng và được sống. Xin cho con, cùng với mọi tín hữu, biết không ngừng cảm tạ và ngợi khen Ba Ngôi cực thánh vì hồng ân cao cả này, một hồng ân trổi vượt trên mọi thứ tốt lành thánh thiện của trần gian. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

————————————–

 

Chúa Ở Khắp Mọi Nơi

Gần đây trên mạng chia sẻ clip của một Thầy Đạo Phật đăng đàn nói những lời mỉa mai Đạo Công Giáo và đề cao Đạo Phật như là: tu bên Phật thì thành Phật chứ tu bên Đạo Công Giáo chỉ thành “chiên” thôi, “thích thì nó chiên”. Thầy còn mỉa mai rằng: “Chúa ở khắp mọi nơi, vậy Chúa có ở chỗ “đó” không?”…

Thực ra, khi nói Chúa ở khắp mọi nơi ta không thể hiểu là Ngài đang ở trong cái này hay cái kia. Nếu Chúa bị giới hạn trong một nơi chốn thì Ngài không còn ở khắp mọi nơi nữa. Chúa ở khắp mọi nơi nghĩa là ở nơi nào ta cũng thấy sự hiện diện của Chúa. Giống như một rừng xanh mới trồng, một công viên mới làm thì ta nói công ty A hay B làm ra nó, vậy nên, khi ta nhìn xem vũ trụ vạn vật này ta cũng thấy có Đấng tạo thành là Thiên Chúa. Ngài tạo thành nên Ngài ở bên ngoài vạn vật Ngài tạo thành. Ngài như một hoạ sỹ thiết kế bức tranh vũ trụ vạn vật hùng vĩ rạng ngời, và Ngài đứng ngoài bức tranh để xem xét sản phẩm do mình tạo nên. Thánh Kinh nói rằng: Ngài nhìn xem công trình của mình và hài lòng về nó. Đồng thời, là thụ tạo, chúng ta đứng ở đâu trong vũ trụ cũng thấy sự hiện diện của Ngài qua kỳ công tạo dựng và nhờ đó, ta tin vào sự hiện diện của Đấng tạo thành.

Thực ra, khi nói Chúa ở khắp mọi nơi ta không thể hiểu là Ngài đang ở trong cái này hay cái kia. Nếu Chúa bị giới hạn trong một nơi chốn thì Ngài không còn ở khắp mọi nơi nữa. Chúa ở khắp mọi nơi nghĩa là ở nơi nào ta cũng thấy sự hiện diện của Chúa. Giống như một rừng xanh mới trồng, một công viên mới làm thì ta nói công ty A hay B làm ra nó, vậy nên, khi ta nhìn xem vũ trụ vạn vật này ta cũng thấy có Đấng tạo thành là Thiên Chúa. Ngài tạo thành nên Ngài ở bên ngoài vạn vật Ngài tạo thành. Ngài như một hoạ sỹ thiết kế bức tranh vũ trụ vạn vật hùng vĩ rạng ngời, và Ngài đứng ngoài bức tranh để xem xét sản phẩm do mình tạo nên. Thánh Kinh nói rằng: Ngài nhìn xem công trình của mình và hài lòng về nó. Đồng thời, là thụ tạo, chúng ta đứng ở đâu trong vũ trụ cũng thấy sự hiện diện của Ngài qua kỳ công tạo dựng và nhờ đó, ta tin vào sự hiện diện của Đấng tạo thành?

Con người ai cũng tin vào thần thánh, và ai cũng tin vào vạn vật đều có nguồn gốc để hình thành. Và tận cùng của cội nguồn tạo dựng là Đấng tạo thành để nhờ đó mà vạn vật vận hành trong trật tự của Đấng tạo thành xếp đặt. Nếu chúng ta tin vào phương pháp biện luận thì mọi vật đều phải có người làm ra nó. Từ đồ ăn, thức uống đến các phương tiện đi lại từ thô sơ đến hiện đại đều có bàn tay sáng tạo. Đó là lý do chúng ta tin vào Đấng Tạo thành là Thiên Chúa. Chắc chắn sẽ có người hỏi rằng: Vậy ai làm ra Chúa? Đây là câu hỏi sẽ không có câu trả lời. Nó giống như câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước?

Đối với Kitô giáo thì niềm tin không do chúng ta tự nghĩ ra mà do Thiên Chúa mạc khải cho con người. Ngài mạc khải qua Thánh Kinh suốt dọc dài lịch sử ơn cứu độ. Và lời mạc khải trọn vẹn nhất là qua Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Ngài đã làm nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa. Phép lạ vĩ đại nhất là tự mình trỗi dậy từ cõi chết. Ngài là Thiên Chúa nên lời Ngài nói đáng cho chúng ta tin.

Hôm nay lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta ca tụng tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tỏ tình yêu qua Ngôi Cha tạo dựng, Ngôi Con cứu đời, Ngôi Ba thánh hoá. Đây là niềm tin do mạc khải nên chúng ta không thể chứng minh dựa theo kiến thức con người. Niềm tin cho chúng ta lẽ sống, cách sống sao cho phù hợp với tình thương quan phòng chở che của Thiên Chúa, Đấng tạo thành.

Hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa cũng là kiểu mẫu của tình yêu cha – mẹ – con cái. Tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu trao ban, tình yêu mở ra, thông ban giữa Cha, Con, Thánh Thần. Tình yêu của mọi thành viên trong gia đình cũng phải yêu nhau bằng tình yêu trao ban, tình yêu hiến thân, tình yêu mở ra cho người mình yêu. Tình yêu gia đình đòi hỏi có nhau, cho nhau và vì nhau. Nếu một thành viên nào trong gia đình chỉ biết có bản thân mình, chiều chuộng mình, tình yêu đó đang phản lại kiểu mẫu của tình yêu Ba Ngôi. Không thể chấp nhận được một người chồng, một người cha quên trách nhiệm của mình, chỉ biết có say xỉn, còn vợ con có khổ, có đói không đoái hoài tới!

Cũng không ai có thể chấp nhận được một người vợ, một người mẹ thiếu hy sinh cho gia đình mà chỉ biết vui chơi, nhảy nhót thâu đêm suốt sáng để thỏa đam mê của mình. Chúng ta cũng không thể chấp nhận hình ảnh một đứa con trả treo với cha mẹ. Có khi bất chấp cha mẹ có khả năng hay không, nó đòi cho bằng được điều mà nó muốn có!

Tất cả những hình ảnh trên đều đi ngược lại tình yêu Ba Ngôi. Vì đó chỉ là một thứ ích kỷ, vụ lợi cho bản thân. Trên hết mọi sự, hãy bắt chước tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu là cho đi, là rộng ban, là mở ra. Hãy sống làm sao để gia đình trở thành cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Ba Ngôi. Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống như tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa để hy sinh và mang lại hạnh phúc cho gia đình và cộng đoàn mình đang sống. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

—————————————-

 

 

Hiệp Thông Nên Một

Gia đình Thiên Chúa . Ba Ngôi nên một
Nhân ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng chiêm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa như một “Gia Đình” huyền nhiệm. “Gia Đình” nầy có ba vị hay ba ngôi riêng biệt: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, ngôi thứ hai là Chúa Con, ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng: “Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần thực sự phân biệt với nhau… Chúa Con không phải là Chúa Cha và Chúa Cha không phải là Chúa Con, Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con” (GLHTCG số 254).
Mặc dù Chúa Cha không phải là Chúa Con, nhưng cả hai hiệp nhất nên một trong tình yêu thương như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Vì thế, “Ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).
Còn Chúa Thánh Thần tuy không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con, nhưng được xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, là một với Chúa Cha và Chúa Con.
Từ “một” ở đây không nhằm chỉ số lượng ít nhiều, nhưng có ý nói đến sự hiệp nhất. Chẳng hạn như khi Chúa Giêsu nói: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mc 10,8). Hai vợ chồng tuy trở nên “một” do tình yêu thương nối kết, nhưng xét theo số lượng, họ vẫn là hai.
Cũng thế, trong “Gia đình Thiên Chúa”, tình yêu thương sâu đậm giữa ba Ngôi đã liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một, thế nên Hội thánh dạy rằng dù có ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa.
Chúa Giêsu mong muốn gia đình chúng ta yêu thương hiệp nhất như Gia Đình của Ba Ngôi Thiên Chúa
Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa là trung tâm của tình yêu thương, hoan lạc và hiệp nhất, là mẫu mực tuyệt vời nhất cho các gia đình khác noi theo.
Vì thế, hôm xưa, trước khi rời xa các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu mong ước các môn đệ Ngài yêu thương gắn bó nên một với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa hằng hiệp nhất trong yêu thương, nên Ngài tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một…” (Ga 17, 20-23).
Và hôm nay, Chúa Giêsu cũng mong ước gia đình của mỗi chúng ta luôn sống trong yêu thương và hiệp nhất như Gia Đình của Ngài nên Ngài hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để họ được nên một như Chúng Ta là một.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con quyết tâm chọn “Gia Đình” của Chúa làm mẫu mực lý tưởng để xây dựng gia đình chúng con, xây dựng giáo xứ chúng con thành gia đình yêu thương và hiệp nhất bền chặt như “Gia Đình” ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi gia đình sẽ trở nên hình ảnh sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.”

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

—————————————-

 

Tam Vị Nhất Thể
Lễ Chúa Ba Ngôi – B – (Mt 28, 16 – 20)

Một Chúa Ba Ngôi thật diệu kỳ

Hiệp thông hạnh phúc bất phân ly

Tình yêu sung mãn hằng trao tặng

Ân sủng dồi dào mãi hiến đi.

Ngọn lửa ân tình khai định huệ

Suối nguồn thánh sủng diệt sân si

Nhiệm mầu linh thánh toàn năng trí

Ánh sáng Tin Mừng nhân thế tri.

Hạt Nắng

 

————————————-

 

Tình Chúa Ba Ngôi
Lễ Chúa Ba Ngôi – B – (Mt 28, 16 – 20)

Tình Chúa Ba Ngôi thật dạt dào,
nhiệm mầu thánh thiện rất thanh cao.
Hiệp nhất nên Một tình dâng hiến,
Cha – Con – Thánh Thần nghĩa tình trao.

Tình Chúa Ba Ngôi, lò lửa yêu,
dựng nên vũ trụ đẹp mỹ miều.
Tác tạo nhân sinh nên họa ảnh,
thông truyền sự sống thật huyền siêu.

Tình Chúa Ba Ngôi mạch suối trong,
rửa sạch nhân sinh mối bận lòng.
Tội Nguyên Tổ xưa – Ơn Cứu Chuộc,
Ngôi Hai nối kết tình hiệp thông.

Tình Chúa Ba Ngôi gió ân tình,
thánh hóa tâm hồn hết u minh.
Sức mạnh thông ban, thông trí hiểu,
hành trình nhân chứng, bước trung trinh.

Tình Chúa Ba Ngôi tình rạng ngời,
bầu khí yêu thương chẳng hề vơi.
Khuôn mẫu tình yêu tình sung mãn,
thắp sáng gọi mời khắp muôn nơi.

Tình Chúa Ba Ngôi vẫn đợi chờ,
chờ con tham dự dệt tình thơ.
Gieo vần dâng hiến vần tín thác,
hạnh phúc cho người gieo ước mơ.

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

—————————————

 

Chúc Tụng Ba Ngôi Thiên Chúa
Lễ Chúa Ba Ngôi – B ( Mt 28, 16 – 20)

Từ thưở hồng hoang, Ba Ngôi Thiên Chúa chí nhân,
tình yêu ngút ngàn, thông truyền sự sống chứa chan.
Dựng nên hoàn vũ – điểm trang cho đất trời,
dựng nên con người, cùng Ngài giao kết tình thân.

Bội phản vong ân, Ngôi Hai Thiên Chúa cứu đời,
lễ dâng đền bồi, giao hòa, hoa máu thắm tươi.
Hồi sinh sự sống – tặng ban Chúa Thánh Thần
Chứng nhân đáp lời, Tin Mừng gieo rắc muôn nơi.

Chúc tụng Danh Ngài – Ba Ngôi Thiên Chúa chí tôn,
nồng nàn lửa thiêng – bừng sức sống,
nguồn mạch suối trong – tưới mát lòng,
gió mát, nắng hồng – sưởi ấm kiếp người long đong.
Dịu dàng, khoan dung – tình tha thứ,
dung mạo tình yêu – mãi rạng ngời,
chúc tụng Danh Ngài – Ba Ngôi Thiên Chúa Tình Yêu.

Ngài gọi con đi, Nhân Danh Thiên Chúa nghìn trùng,
bước chân oai hùng, hành trình nhân chứng tín trung.
Vinh hoa trần thế tặng ban, không thay lòng,
Trái tim ấm nồng, hướng về hạnh phúc thiên cung.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

—————————————–

 

Tôn Vinh Ba Ngôi Tình Yêu
Lễ Chúa Ba Ngôi – B – (Mt 28, 16 – 20)

Nhân danh Tình Yêu – Chúa Ba Ngôi con bước vào đời,
giữa bao hiểm nguy sống cho Tình Yêu đến với mọi người.
Giới thiệu về Cha quá yêu trần gian nhân loại tội lỗi.
hiến dâng Con Một giáng trần giá máu hy sinh.

Mê say phù vinh thích sa hoa con đã bội tình,
đua tranh lộc – danh, lãng quên Tình Yêu lạc bước hành trình.
Mãnh lực cuồng phong nhân danh trần gian sa lầy tăm tối.
suối trong xá tội đắm chìm tình Chúa Ba Ngôi.

Xin tôn vinh, tôn vinh Ngôi Cha thắm tình nồng,
tác tạo muôn loài tinh tuyền thông truyền sự sống.
Xin tôn vinh, tôn vinh Ngôi Hai uống cạn chén đắng,
ý Cha nên trọn đường thập giá máu hồng đơm bông.
Xin tôn vinh, tôn vinh Ngôi Ba ánh lửa hồng,
thanh luyện tâm hồn khô cằn, khơi nguồn sức sống.
Xin tôn vinh, tôn vinh Ba Ngôi kết hiệp linh thánh,
thánh ân tuôn trào Lòng Thương Xót suối mạch trinh trong.

Nhân danh Tình Yêu – Chúa Ba Ngôi nhân chứng giữa đời,
sóng xô bão giông vững tâm cậy trông tín thác cuộc đời.
Sức mạnh Thần Linh vững một niềm tin gieo mầm chân lý,
trái tim hướng thiện tôn thờ Một Chúa Ba Ngôi.

Nắng Sài Gòn

 

—————————————-

 

Nhiệm Mầu Yêu Thương
Lễ Chúa Ba Ngôi – B – (Mt 28, 16 – 20)

Chúa Ba Ngôi nhiệm mầu linh thánh,
lò lửa hồng nguồn mạch tình yêu.
Dồi dào sung mãn huyền siêu,
tình yêu nối kết tình yêu nguyên tuyền.

Chúa Ba Ngôi thông truyền sự sống,
tình chan hòa sống động thần linh.
Tạo dựng vũ trụ hữu tình,
con người vạn vật đẹp xinh bội phần.

Chúa Ngôi Hai hiến thân cứu chuộc,
vâng lệnh Cha từ khước vinh quang.
Xuống trần gánh tội nhân gian,
Tin Mừng cứu độ bình an cho đời.

Chúa Ngôi Ba rạng ngời lửa mến,
Bảy Nguồn Ơn gởi đến cho người.
Chứng nhân đi khắp muôn nơi,
loan báo chân lý Nước Trời yêu thương.

Đưa trần gian về đường sự sống,
Lửa Tình Yêu xóa bóng hận thù.
Thắp sáng góc tối âm u,
nắng hồng rọi chiếu mây mù u minh.

Nguyện xin Ba Đấng uy linh,
thương ban thắp ngọn lửa tình trong con.
Trung trinh, dâng hiến, sắt son …

AP. Mặc Trầm Cung