Sau khi gặp các nghệ sĩ, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng ghe đến trước Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Sức khoẻ để gặp gỡ các bạn trẻ. Khoảng 1500 bạn trẻ đứng tại quảng trường Đức Mẹ Sức khoẻ để chờ chào đón Đức Thánh Cha. Trong bài nói chuyện với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha không chỉ dùng bản văn đã được soạn sẵn, nhưng nhiều lần bỏ giấy để đối thoại với các bạn trẻ. Ngay từ lời chào đầu, ngài dí dỏm nói: “Ngay cả mặt trời cũng cười!”
Với vẻ đẹp của thành phố Venezia, Đức Thánh Cha nói rằng: “Hôm nay chúng ta ở đây để tái khám phá vẻ đẹp của chúng ta trong Chúa và vui mừng nhân danh Chúa Giêsu, Thiên Chúa trẻ, Đấng yêu người trẻ và là Đấng luôn làm chúng ta ngạc nhiên”. Và ngài đã dùng hai động từ nói về mẹ Maria để nói với các bạn trẻ: “đứng dậy và lên đường” (Lc 1:39).
Trước hết là đứng dậy. Đứng dậy khỏi mặt đất, vì chúng ta được tạo dựng cho Trời cao. Đứng dậy khỏi nỗi buồn để ngước nhìn lên cao. Trỗi dậy để đứng trên đôi chân đối diện với cuộc sống, không ngồi trên ghế sofa. Đứng dậy để nói “dạ con đây!” với Chúa, Đấng tin tưởng chúng ta. Đứng dậy chào đón món quà mà chúng ta có, để nhận ra, trước bất cứ điều gì khác, rằng chúng ta quý giá và không thể thay thế. Đó không phải là tự kỷ ám thị, nhưng đó là sự thật! Nhận ra rằng đây là bước đầu tiên cần thực hiện vào buổi sáng khi thức dậy: ra khỏi giường và chào đón bản thân như một món quà.
Đức Thánh Cha đề nghị: Bạn thức dậy và trước khi bắt tay vào làm những việc cần làm, hãy nhận ra mình là ai bằng cách tạ ơn Chúa. Bạn có thể nói với Người: “Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì sự sống. Lạy Chúa, xin cho con yêu cuộc sống của con. Lạy Chúa, Ngài là sự sống của con”. Sau đó, cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, trong đó lời đầu tiên là chìa khóa của niềm vui: Bạn nói “Lạy Cha” và bạn nhận ra mình là người con được yêu thương. Bạn hãy nhớ rằng đối với Chúa, bạn không phải là một hồ sơ số, mà là một người con, rằng bạn có Cha trên trời và do đó bạn là con của trời cao.
Tuy nhiên, chúng ta thường thấy mình đang phải chiến đấu chống lại một lực hấp dẫn tiêu cực đang kéo chúng ta xuống, một quán tính cưỡng bức muốn chúng ta nhìn mọi thứ màu xám. Những lúc như thế thì phải làm thế nào? Để đứng dậy – đừng quên – trước hết chúng ta phải để mình đứng dậy lần nữa: hãy để mình được Chúa nắm lấy tay, Chúa không bao giờ làm thất vọng những ai tin tưởng vào Người, Đấng luôn nâng đỡ và tha thứ. “Nhưng bạn có thể nói – tôi không đạt đến đó: tôi tự nhận mình mong manh, yếu đuối, tôi thường xuyên vấp ngã!”. Khi bạn cảm thấy như vậy, hãy thay đổi “cái khung hình” của mình: đừng nhìn mình bằng con mắt của mình nhưng hãy nghĩ đến ánh mắt của Chúa. Khi bạn mắc sai lầm và sa ngã, hãy nghĩ Chúa sẽ làm gì? Người ở đó, bên cạnh bạn và mỉm cười với bạn, sẵn sàng nắm lấy tay bạn. Bạn không tin ư? Hãy mở Tin Mừng ra và xem những gì Người đã làm với Phêrô, với Maria Magdalena, với Giakêu, với nhiều người khác: những điều kỳ diệu với sự mỏng manh của họ. Bởi vì Chúa biết rằng, ngoài vẻ đẹp, chúng ta còn mong manh, và hai thứ đó đi đôi với nhau: nó hơi giống Venezia, vừa lộng lẫy vừa mỏng manh. Thiên Chúa không trói những lỗi lầm của chúng ta vào ngón tay của Người, nhưng đưa tay ra cho chúng ta.
Người là Cha và khi chúng ta ngã, Người thấy chúng ta là người con cần được nâng dậy chứ không phải kẻ ác phải bị trừng phạt. Chúng ta hãy tin cậy nơi Người!
Và, một khi đã đứng dậy, đến lượt chúng ta đứng trên đôi chân. Thật không dễ, nhưng đó là bí quyết. Đúng vậy, bí quyết để đạt được những thành tựu to lớn là sự kiên trì. Ngày nay chúng ta sống với những cảm xúc nhanh chóng, những cảm giác nhất thời, những bản năng kéo dài trong chốc lát. Nhưng nếu theo cách đó thì không đi xa được. Các nhà vô địch thể thao, cũng như các nghệ sĩ và nhà khoa học, đều cho thấy rằng những mục tiêu lớn lao không thể đạt được tức thời, không thể có được tất cả ngay lập tức. Và nếu điều này đúng cho thể thao, nghệ thuật và văn hóa, thì nó còn đúng hơn cho điều quan trọng nhất trong cuộc sống: là tình yêu, là niềm tin. Để lớn lên trong đức tin và tình yêu thì cần có sự kiên trì. Ngược lại, nguy cơ ở đây là để mọi việc tùy hứng: tôi cầu nguyện nếu tôi thích, tôi đi lễ khi tôi thích, tôi làm việc tốt nếu tôi thích… Điều này không mang lại kết quả: chúng ta cần phải kiên trì, ngày này qua ngày khác. Và chúng ta làm điều đó cùng nhau. Những việc lớn mà làm một mình thì không ổn. Đó là lý do đừng cô lập mình, nhưng hãy tìm người khác, cùng nhau có kinh nghiệm về Chúa.
Về việc sử dụng điện thoại di động, Đức Thánh Cha khuyên rằng: điện thoại hữu ích trong việc thông tin, nhưng đừng để nó cản trở việc gặp gỡ người khác. Ai cũng biết một cái ôm, một cái hôn, cái bắt tay là như thế nào. Đừng để điện thoại cản trở việc gặp gỡ người khác.
Với hình ảnh chèo thuyền của Venezia, Đức Thánh Cha nói rằng, để đi xa thì phải chèo đều đặn và liên tục. Với sự mệt nhọc của việc chèo thì sự kiên trì sẽ được đền đáp. Đặc biệt là hãy để Chúa nắm tay các bạn và cùng nhau bước đi!
Điều thứ hai Đức Thánh Cha đề cập đến, sau đứng dậy, là bước đi. Bước đi là trao ban chính mình cho người khác, là trở thành món quà cho người khác. Hãy nhìn xem Cha của chúng ta, Đấng đã tạo thành mọi sự cho chúng ta. Và chúng ta là con cái, cũng được mời gọi trở nên những người sáng tạo nên vẻ đẹp mà trước đó chưa từng có. Như những người trẻ, tuổi trẻ thật đẹp, và rồi khi lấy vợ, lấy chồng và sinh con, thì tình phụ tử và mẫu tử là vẻ đẹp chưa từng có trước đó.
Điều Đức Thánh Cha nhấn mạnh với các bạn trẻ là sự nhưng không, vô vị lợi. Người ta phải làm việc để sống, nhưng trung tâm của cuộc sống phải là sự cho đi vô vị lợi. Hãy làm cho cuộc sống trở thành một bản giao hưởng của sự vô vị lợi trong một thế giới luôn tìm lợi ích. Vậy nên chúng ta phải làm một cuộc cách mạng: Đứng dậy, trao ban chính mình mà không sợ hãi.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ một lần nữa lắng nghe lời kêu gọi “đứng dậy và lên đường”, lặp lại và giữ nó trong lòng.
Sau buổi gặp gỡ các bạn trẻ, ngài di chuyển bằng xe lăn dọc theo các con đường nhỏ của thành phố nổi Venezia, đến quảng trường thánh Máccô để dâng thánh lễ với các tín hữu.
Nguồn : Vatican News