Phúc Âm: Mc 13, 33-37
“Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Có bao nhiêu thời gian sống ở đời
được chúng ta dành cho việc chờ đợi?
Có sự chờ đợi làm ta căng thẳng, mệt mỏi;
nhưng cũng có sự chờ đợi
đem lại hương vị và ý nghĩa cho cuộc sống.
Người mẹ tần tảo nuôi con, chờ ngày con thành tài.
Người vợ chờ đợi ngày chồng trở về từ biên ải.
Con người không chỉ sống bằng quá khứ
nhưng còn bằng những ngóng đợi về tương lai.
Cái tương lai tưởng như mơ hồ, xa xôi
mà lại lôi kéo được cái hiện tại đi về một hướng.
Biết sống là biết chờ đợi
Chờ đợi làm nên cuộc sống.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng mời ta chờ.
Không phải là chờ mừng Lễ Chúa Giáng Sinh,
mà là chờ đợi Ngày Chúa Giêsu Quang Lâm.
Sau khi Chúa chết và về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa,
các kitô hữu đầu tiên đã bắt đầu chờ ngày Chúa trở lại.
Đó là niềm tin của họ, được diễn tả trong Kinh Tin Kính:
“Và Người sẽ trở lại trong vinh quang,
để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
Trải qua hai mươi thế kỷ, các kitô hữu vẫn tiếp tục chờ,
dù không ai biết khi nào ngày đó đến (câu 33).
Nhưng chắc chắn nó sẽ đến, và đến một cách bất ngờ.
Các kitô hữu chờ như người giữ cửa thức trắng đêm,
vì không biết giờ nào chủ trở về.
Nhưng chờ không phải là thụ động khoanh tay
mà là vuông tròn sứ mạng được giao phó.
Ông chủ đi xa, để lại ngôi nhà,
giao quyền cho các đầy tớ, mỗi người một việc (câu 34).
Việc của người giữ cửa là canh thức.
Ông chủ có thể trở về bất cứ lúc nào:
lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
Điều quan trọng là đừng để khi chủ về bất thần
lại thấy người giữ cửa đang ngủ.
Mùa Vọng là thời gian của đợi chờ, của tỉnh thức.
Chúng ta ai cũng là người giữ cửa chờ Chủ về.
Có lẽ từ lâu ta thấy mình không cần chờ đợi Chúa,
vì chúng ta đã có đầy đủ mọi sự,
hay vì chúng ta có quá nhiều điều khác để chờ mong,
những điều gần gũi hơn, thiết thực hơn, cấp bách hơn.
Tỉnh thức trong đêm tối đâu phải chuyện dễ dàng.
“Ngài trở lại và thấy các môn đệ đang ngủ…
Rồi Ngài lại đến và thấy họ vẫn đang ngủ,
đôi mắt họ li bì nặng giấc” (Mt 26, 40-45).
Chiến đấu chống lại sự buồn ngủ của mắt
còn dễ hơn chống lại sự mê ngủ của tinh thần.
Cuộc sống vật chất ngày càng cao
cung ứng cho con người biết bao thứ ru ngủ
và đưa con người vào cơn mê mà họ không hay biết.
Ma túy để chích, để hút, để ngửi, đe dọa giới trẻ hôm nay.
Nó cho người ta sống lâng lâng trong một thế giới ảo,
để rồi không còn khả năng sống đời thực của mình nữa.
Nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, cần sa.
Tiền bạc, tiếng tăm, tình dục, tiện nghi…
vẫn là những thứ ma túy mê hoặc lòng người,
khiến con người thành nô lệ và đánh mất chính mình.
Mùa Vọng là thời gian đặt câu hỏi:
Điều gì đang ru ngủ tôi?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê
mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con
bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,
nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,
những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J