SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM A (05/07/2020), “HÃY ĐẾN CÙNG TÔI, TÔI SẼ CHO NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG” [Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Có lẽ chưa bao giờ loài người phải lao đao vất vả và cực khổ như mấy tháng vừa qua với dịch cúm corona virus. Riêng tại Việt Nam cũng có rất nhiều người chịu ảnh hưởng do mất việc hay kế sinh nhai khiến cuộc sống nặng nề hơn. Trong bối cảnh ấy ước gì mọi người, lương cũng như giáo, nghe được tiếng nói dịu dàng của chính Chúa Giêsu Kitô: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặ,ng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”
Quả thật Lời Chúa nêu trên có sức nâng đỡ an ủi, khi con người lâm vào cảnh túng thiếu hay nghèo khổ. Chúng ta hãy để lắng đọng tâm hồn mà nghe lại lời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Dcr 9,9-10): “Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi” Đây Chúa phán: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Đấng công chính và là Đấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất”.
2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 8,9.11-13) “Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống” Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 11,25-30): “Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. – Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.
“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
– Là Đức Vua mà Thiên Chúa gửi đến với con cái nhà Ít-ra-en để giải thoát họ khỏi sự đe dọa và giết hại của kẻ thù. Người là vị sứ giả khiêm tốn, hiền hòa nhưng là Đấng Toàn Thắng. Người không chịu được bất công, áp bức mà những kẻ cậy của cậy quyền đàn áp con dân của Thiên Chúa vì Người là Đấng Chính Trực!
– Là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mạc khải đưòng lối hay cách hành động của Thiên Chúa Cha cho chúng ta. Đường lối hay cách hành động đó là Thiên Chúa Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều cao siêu của Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn biết những điều ấy. Chúa Giêsu Kitô còn cho chúng ta biết là Chúa Cha đã giao phó hết mọi sự cho Người và vì thế Người trở thành con đường và phương thế để người ta đến cùng Thiên Chúa và hiểu biết Thiên Chúa. Sau hết Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã dành cho những người nghèo khổ một sự ưu ái đặc biệt: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
– Là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và tác động trong tâm hồn người Kitô hữu để làm cho người ấy thuộc về Chúa Kitô, sống bằng tinh thần và sự sống mới của Chúa Kitô Giêsu và sau này được sống lại với Chúa Kitô.

3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm ba việc:
– Một là chúng ta biết cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa Cha vì Người đã chọn chúng ta làm người Kitô hữu và đã bộc lộ cho chúng ta thấy và đã ban cho chúng ta bí mật Nước Trời.
– Hai là chúng ta biết chạy đến với Chúa Giêsu Kitô để được nâng đỡ ủi an (trong cơn gian nan thử thách) và nhất là để được Người dẫn đưa đến cùng Thiên Chúa Cha.
– Ba là chúng ta biết chọn mang ách của Chúa Kitô (là lề luật, là giới răn yêu thương) và biết học với Người vì Người có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuân phục! Đặc biệt là sống với Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường s8ãn sàng chia sẻ mọi nỗi nhọc nhằn của chúng ta.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay giáo huấn của Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải xem xét lại cách sống của chúng ta dưới ba góc độ khác nhau:
– Một là chúng ta hãy kiểm điểm xem chúng ta có cảm nhận được ơn huệ đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban cho khi được là người Kitô hữu không? (chỉ cần so sánh con số 6-7 triệu công giáo (trong đó có chúng ta) với số 86 triệu người Việt Nam). Chúng ta có biết dâng lời cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa về ơn huệ này không? Chúng ta thể hiện lòng biết ơn như thế nào?
– Hai là chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có thường xuyên chạy đến với Chúa Giêsu Kitô khi vui cũng như lúc buồn để được Người bổ sức và dẫn đến với Thiên Chúa Cha không?
– Ba là chúng ta hãy nhìn lại xem mình có chọn sống theo Chúa Giêsu Kitô, có biết học với Người để sống yêu thương, bác ái, hiền lành và khiêm nhường không?

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho các dân tộc nhỏ bé và chậm phát triển, để mọi dân sớm đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa yêu thương.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô – nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi Ki-tô hữu luôn ý thức và sống xứng đáng với căn tính cao quý của mình.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 “Thưa anh em, anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Chúa Kitô, thì không thuộc về Chúa Kitô” Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết sống và hành động theo Thần Khí của Chúa Kitô.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” Chúng ta hãy câu nguyện cho những người nhỏ bé, túng nghèo và khổ cực trong xã hội để họ được Thiên Chúa nâng đỡ và ủi an.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Sàigòn ngày 30 tháng 06 năm 2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.