I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 17,11-19
(11) Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. (12) Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong cùi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (13) và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” (14) Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đang khi đi thì họ đã được sạch. (15) Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. (16) Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. (17) Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? (18) Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (19) Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay cho thấy trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã chữa cho mười người phong cùi được khỏi do đức tin của họ vào Người, biểu lộ qua lời cầu xin tha thiết và qua thái độ vâng lời Người dạy. Tuy nhiên trong 10 người được khỏi bệnh chỉ có một người Sa-ma-ri biết trở lại tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giê-su. Người đã trách những kẻ còn lại và nói với người Sa-ma-ri: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
3. CHÚ THÍCH:
– C 11-13: + Trên đường lên Giê-ru-sa-lem: Đây là lần thứ ba thánh Lu-ca nói tới việc Đức Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9,51;13,32). Thành Giê-ru-sa-lem là đích điểm của cuộc hành trình, và cũng là nơi kết thúc cuộc đời Đức Giê-su trước khi Tin mừng được rao giảng đi khắp thế giới (x. Lc 24,47). + Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê: Để lên Giê-ru-sa-lem, phải đi ngang qua vùng đồng bằng sông Gio-đan và thành Giê-ri-khô (x. Lc 18,35). + Người vào một làng kia thì có mười người phong hủi đón gặp Người: Để tránh cho nhiều người khỏi bị lây bệnh, Luật Mô-sê buộc những người bệnh cùi phải sống cách xa chỗ ở của dân chúng (x. Lc 13,46). + Họ dừng lại đằng xa: Bệnh cùi không những là bệnh đáng sợ về thể xác, mà còn được coi là hình phạt của Đức Chúa dành cho những tội nhân (x. Đnl 28,27). Thời xưa vì khoa học chưa tiến bộ, nên khi thấy một số triệu chứng nghi ngờ trên da bệnh nhân, các tư tế dễ hiểu lần là họ bị mắc bệnh này (x. Lv 13,9-17). Người mắc bệnh phong cùi bị buộc phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và khi thấy có người đến gần thì phải kêu lên “Ô uế! Ô uế!” để người ta biết mà tránh xa (x. Lv 13,45). + “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi”: Chữ Thầy ở đây bày tỏ một lòng tin tưởng sâu xa. Chữ này chỉ thấy trong Tin mừng Lu-ca và do các môn đệ sử dụng (x. Lc 5,5; 8,24.45). Mười người cùi này đã làm trái với quy định của Lề Luật, vì họ tin vào tình thương của Đức Giê-su dành cho bệnh nhân.
– C 14-16: + “Hãy đi trình diện với các tư tế”: Thay vì trực tiếp chữa bệnh, Đức Giê-su lại ra lệnh cho họ đi trình diện với các tư tế, để được các vị này khám xét và công nhận họ đã được khỏi bệnh cùi (x. Lv 13,49). Và quả thật, nhờ tin vào Lời Đức Giê-su mà các người cùi đang khi đi đường đã được lành sạch. Qua phép lạ này, Đức Giê-su chứng tỏ Người vừa là Đấng quyền năng, lại vừa trung thành tuân giữ Lề luật (x. Lv 14,2-3). + Lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa: Lu-ca thích ghi nhận thái độ tôn vinh Đức Chúa của người nhận được phép lạ (x. Lc 5,25-26; 7,16). + Anh ta lại là người Sa-ma-ri: Người Do thái khinh thường người Sa-ma-ri. Thế nhưng ở đây chỉ một người Sa-ma-ri biết ơn để quay trở lại với Đức Giê-su mà tôn vinh Thiên Chúa. Điều này cho thấy Đức Giê-su đến cứu chuộc mọi người không phân biệt Do thái hay dân ngoại.
– C 17-19: + “Không phải cả mười người đều được sạch sao?”: Đức Giê-sumuốn cả 10 người đều trở lại. Nhưng chỉ có người Sa-ma-ri. Chín người kia là người Do thái đã không trở lại cám ơn, có lẽ do không có thói quen ấy hoặc do họ nghĩ mình là dân ưu tuyển, có quyền đòi Chúa phải ban ơn và không cần phải cám ơn Người. + “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”: Đức Giê-su tỏ lòng ưu ái đặc biệt đối với người Sa-ma-ri ngoại đạo, vì anh đã bày tỏ lòng biết ơn. Người cho biết: ơn cứu độ được ban cho người ta không căn cứ trên nguồn gốc Do thái hay dân ngoại, nhưng căn cứ trên lòng tin. Một lòng tin thực sự phải được biểu lộ, không những bằng lời xin ơn, mà còn bằng việc cảm tạ tôn vinh Chúa sau khi được ơn suốt cả cuộc đời.
4. CÂU HỎI: 1) Luật Mô-sê quy định về sinh họat của các người bị bệnh phong cùi ra sao ? 2) Mười người phong cùi đã cầu xin với Đức Giê-su thế nào ? 3) Qua việc ra lệnh cho mười người cùi đi trình diện với tư tế, Đức Giê-su cho thấy quan điểm của Người đối với Luật Mô-sê ra sao ? 4) Câu nào cho thấy Đức Giê-su muốn người ta phải tỏ thái độ biết ơn Thiên Chúa ? 5) Ta phải tạ ơn thế nào khi được ơn Chúa ban nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ và các thánh ?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại đạo này?” (Lc 17,17-18).
2. CÂU CHUYỆN:
1) TẠ ƠN CHÚA KHÔNG NGỪNG:
Thi sĩ LA-MÁC-TIN (Lamartine), người Pháp đã kể lại một giai thoại vui như sau: một hôm khi đi ngang qua một cánh rừng, ông chợt nghe thấy một âm thanh lạ: cứ kèm mỗi tiếng búa đập đá chan chát là câu nói “Tạ ơn Chúa !”. Thi sĩ tò mò đến gần thì thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa nện vào phiến đá trước mặt là ông lại thốt ra câu nói “Tạ ơn Chúa !”. Thi sĩ nấn ná đến gần hỏi chuyện, bấy giờ ngưởi thợ đá mới giải thích như sau: ”Tôi đang tạ ơn Chúa !” Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống xem ra khá vất vả, thi sĩ liền bảo ông kia: “Giả như bác được giầu có thì tôi hiểu tại sao bác luôn “Tạ ơn Chúa”. Đàng này Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần khi dựng nên bác trong lòng mẹ. Sau đó Ngài chỉ ban cho bác có một cái búa này và không ngó ngàng gì tới bác nữa để bác phải hằng ngày vất vả đập đá. Vậy tại sao bác lại cứ phải tạ ơn Ngài như thế ?”
– Ông nghĩ rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi hay sao ? Người thợ đá hỏi lại.
– Dĩ nhiên – Lamartine nhắc lại: “Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần mà thôi !”
Bấy giờ người thợ đập đá liền nói với ông khách:
– Ông nói như vậy cũng phải thôi. Nhưng ông cũng hãy nghĩ lại mà xem: Thiên Chúa vô cùng lớn lao lại thương nghĩ đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, và cho dù Ngài chỉ nghĩ đến tôi một lần mà thôi, lại không đủ để tôi phải tạ ơn Ngài luôn mãi hay sao ?”.
Nói xong, người thợ đá bỏ mặc ông thi sĩ đứng đó, rồi quay lại vừa đập đá vừa tiếp tục nói: “Tạ ơn Chúa !”; “Tạ ơn Chúa !”; “Tạ ơn Chúa !”…
2) PHẢI LUÔN TẠ ƠN CHÚA:
BAI-ƠN ĐEO (Byron Dell) kể lại câu chuyện liên quan đến ông hồi còn nhỏ như sau: “Tôi đã lớn lên tại một nông trại miền Nê-bát-ca (Nebraska). Khi lên 8 tuổi, tôi có nuôi một con ngựa nhỏ tên là Phít-ki (Frisky). Một buổi sáng kia, khi tôi đang ngồi trên lưng con ngựa thân yêu và tiến đến gần mấy con bò cái đang ăn cỏ, thì bỗng nhiên chú ngựa con tôi đang cưỡi nổi hứng lên, và vùng chạy như điên mà tôi không sao ghìm cương cho nó đứng lại được. Mấy lần tôi sắp bị té lăn xuống đất, nhưng may sao tôi đã kịp gượng ngồi lại được trên yên ngựa. Ba tôi cùng mấy người giúp việc vội vàng leo lên mấy con ngựa khác đuổi theo. Sau mấy cây số băng rừng lội suối. Khi bắt kịp tôi, ông nắm chặt giây cương con ngựa của tôi và bắt nó phải dừng lại. Sau đó ba tôi bồng tôi sang ngồi trên yên ngựa của ông và dắt con ngựa của tôi chạy theo phía sau. Nó ngoan ngoãn theo chân con ngựa của chúng tôi quay về nông trại. Tối hôm đó, ba tôi đã theo tôi lên tận chỗ tôi nằm trên gác. Ông yêu cầu tôi cùng ông quì trên sàn cạnh giường để tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho tôi được an toàn sau sự cố ban chiều. Sau đó ông đã dâng một lời nguyện tự phát để cảm tạ Chúa thay cho tôi”.
Biến cố ấy xảy ra cách đây đã 55 năm. Thế mà Bai-ơn vẫn không bao giờ quên được. Nó làm cho ông cảm thấy xúc động và cảm phục ba ông rất nhiều. Nhất là biến cố đó đã dạy cho Bai-Ơn bài học về lòng biết ơn đối với Chúa. Từ ngày ấy, mỗi tối trước khi đi ngủ, ông đều quì bên giường thưa với Chúa một lời cầu nguyện tự phát để cám ơn Người đã ban các ơn lành cho ông trong một ngày qua, và cầu xin Chúa gìn giữ hồn xác mình qua đêm bình an.
3) TẠ ƠN CHÚA!
Cha xứ bán con ngựa của mình cho một người khách. Nhận tiền xong, ông dặn dò:
– Tôi cần lưu ý ông, muốn thúc nó chạy thì nói “Tạ ơn Chúa”, còn muốn nó đứng lại thì nói “Alléluia” (hãy hoan hỉ lên).
– Được thôi, tôi đã quen với ngựa cả đời rồi.
– Nhảy lên lưng con ngựa mới mua, ông khách thử nói khẽ: “Tạ ơn Chúa!”
– Chưa dứt lời, con ngựa đã vọt đi. Đến tiếng “Tạ ơn Chúa” thứ hai thì nó phóng nước đại. Chợt nhìn thấy một vực sâu thăm thẳm ngay phía trước, ông ta hoảng hốt hét lên : “Alléluia!”
– Con ngựa kịp dừng lại ngay sát bên mép vực sâu. Lau mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, kỵ sĩ làm dấu thánh và thốt lên: “Tạ ơn C…h…ú…a!”
4) PHẢI BIẾT CÁM ƠN CHÚA:
David đang đi đường thì gặp một người ăn xin. Anh cho người ấy một số tiền rồi tiếp tục đi, lòng rất sung sướng. Nhưng chỉ một lát sau, anh cảm thấy bực bội khi chợt nhớ là hồi nãy người ăn xin kia đã không nói lời cám ơn anh. Anh đem chuyện ấy kể cho một vị Rabbi nghe.
Vị Rabbi chăm chú lắng nghe, rồi hỏi :
– Khi anh cho tiền người ăn mày, anh thấy thế nào ?
– Con cảm thấy lòng mình rất vui.
– Thế đó không phải là phần thưởng cho con rồi hay sao ?
– Nhưng con nghĩ rằng dù sao thì người ấy cũng phải nói lời cám ơn con mới phải.
– Thế con đã nói lời cám ơn Chúa chưa ?
– Tại sao con lại phải cám ơn Chúa ?
– Vì Chúa đã ban cho con cơ hội trở thành dụng cụ để Người thực hiện tình thương của Người là ban ơn trợ giúp cho một người đang bị khốn khổ. (FM)
5) NGUỒN GỐC LỄ TẠ ƠN TẠI HOA KỲ:
Hằng năm, cứ vào những ngày cuối của tháng 11 người Mỹ có thói quen mừng lễ Tạ ơn gọi là THANKSGIVING. Nguồn gốc Lễ Tạ ơn này như sau: Trên con tàu Mayflower mang theo 102 người đầu tiên từ Anh. Do bị đàn áp về tín ngưỡng tôn giáo, họ đã di cư đến miền đất Mỹ tự do. Trong cuộc hành trình họ gặp nhiều gian nan khốn khó. Chính các cơn giông bão, cái đói và rét đã làm cho 46 người trên thuyền bị thiệt mạng, đến nỗi thuyền trưởng nản chí muốn quay đầu trở lại nước Anh. Nhưng mọi người trên thuyền khi được hỏi ý kiến lại muốn tiếp tục cuộc hành trình. Cuối cùng Chúa đã cho họ đặt chân được đến miền đất Mỹ tự do. Nhưng trên vùng đất mới khai phá, họ lại gặp nạn hạn hán khiến bị mất mùa, họ lại hiệp nhau cầu xin Chúa giúp. Chúa đã cho dân da đỏ hướng dẫn họ biết kỹ thuật trồng cấy cây lúa hợp thổ nhưỡng nên họ đã đạt được mùa gặt bội thu. Năm 1621, để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã cho sống sót qua các cơn phong ba trên biển cả và còn ban lương thực nuôi sống trong vùng đất mới tự do, những người di cư đã tổ chức Lễ Tạ ơn Chúa kéo dài ba ngày. Đồ ăn trong lễ này đơn giản chỉ gồm các món gà tây, khoai tây và bí ngô. Về sau, mỗi năm cứ đến thứ năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11, người Mỹ đều tổ chức ăn mừng Lễ Tạ Ơn trên phạm vi cả nước.
3. SỐNG LỜI CHÚA: Bạn có ý kiến thế nào về câu nói sau: “Tất cả đều là hồng ân: Cuộc đời của chúng ta, dù được may lành như ý hay gặp rủi ro trái ý cũng đều không ngòai thánh ý Chúa quan phòng, và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của ta. Nên ta phải luôn nói lời cảm tạ tri ân Chúa” ?
4. SUY NIỆM:
Biết ơn là thái độ của một người có giáo dục và nhân cách. Người xưa đã dạy về lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ như sau: ”Uống nước nhớ nguồn; Làm con phải hiếu; Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… Về phạm vi đức tin, người tín hữu cũng cần ý thức về công ơn vô cùng lớn lao của Thiên Chúa, để từ đó biết tỏ lòng biết ơn Ngài giống như đứa con hiếu thảo biết ơn cha mẹ. Vậy tại sao chúng ta lại phải tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình ? Ích lợi của sự biết ơn ra sao ? Mỗi người chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa và tha nhân ?
1) Những lý do của lòng biết ơn :
a) Vì biết ơn là thái độ hợp với đạo làm người: Khi chịu ơn ai chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn họ mới hợp đạo lý như người ta thường nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Kẻ không biết ơn sẽ bị khinh dể và bị coi là phường “vô ơn bạc nghĩa”; “Ăn cháo đá bát”; “Vắt chanh bỏ vỏ”, “Qua cầu rút ván”…
b) Vì biết ơn là biểu hiện một người có giáo dục, có văn hóa: Một người biết nói lời “cám ơn” cho thấy họ có một nhân cách tốt, có trình độ văn hóa cao và sẽ được mọi người kính nể như câu ca dao của người xưa như sau: “Công ai một chút chớ quên. Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”.
2) Ích lợi của lòng biết ơn:
-“Lời nói không mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”: Thái độ biết ơn sẽ gây được thiện cảm của người làm ơn và hy vọng sẽ được họ tiếp tục giúp ta sau này.
-Đặc biệt nếu cha mẹ, thầy cô, thủ trưởng… mà biết nói lời “cám ơn” người dưới như con cái, học trò, người làm công, nhân viên thuộc cấp… chắc sẽ làm cho họ vui và họ sẽ kể lại cho nhiều người khác biết về phẩm chất tốt đẹp của chúng ta.
-Tuy nhiên cần tránh thái độ “công thần”, nghĩa là giúp ai được điều gì thì công bố cho mọi người được biết và đòi người chịu ơn phải đền ơn đáp nghĩa cho mình. Chúng ta nên coi việc giúp đỡ tha nhân là một nhiệm vụ phải làm mà không cần sự trả ơn của họ, thì người chịu ơn sẽ lại càng cảm phục về lòng khiêm hạ của chúng ta, và chính Chúa sẽ thay họ trả ơn cho chúng ta trước tòa phán xét sau này, như lời Chúa Giê-su: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
3) Hãy tạ ơn Thiên Chúa và tha nhân:
a) Thái độ tạ ơn Thiên Chúa biểu lộ một đức tin chân thành:
-Ngay từ thời Cựu ước, tác giả thánh vịnh đã dạy loài người phải biết tạ ơn Thiên Chúa như sau: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). Thời kỳ Xuất hành, dân Ít-ra-en cũng đã bắt đầu truyền thống tạ ơn Đức Chúa qua việc dâng lễ vật đầu mùa lên để tạ ơn Ngài (x. Đnl 26,1-10).
-Đến thời Tân ước, Đức Giê-su nhiều lần nêu gương cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha. Chẳng hạn: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn…” (Mt 11,25-26). Đức Giê-su cũng đòi những ai nhận được ơn phải biết cám ơn Thiên Chúa như sau: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17,17-18).
-Hội Thánh Công Giáo cũng biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa qua việc cử hành thánh lễ và gọi là Thánh Lễ Tạ Ơn. Trong thánh lễ, Hội Thánh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa bằng việc dâng bánh rượu là kết quả của lao công của con người và sau đó bánh rượu ấy sẽ trở thành Mình Máu thánh Chúa Ki-tô khi truyền phép. Rồi nhờ lễ vật rất cao trọng này, Hội Thánh sẽ dâng lên Chúa Ba Ngôi tâm tình cảm tạ và xin ơn qua lời kinh Vinh Tụng Ca: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.- AMEN.
b) Những cách tỏ lòng biết ơn:
-Cuộc sống chúng ta là một chuỗi những hồng ân của Chúa: Có những ơn do Thiên Chúa trực tiếp ban và cũng có những ơn Chúa ban cho chúng ta nhờ tay người khác. Vậy chúng ta cần phải làm gì khi nhận được những món quà ấy ? Thánh Bê-na-đô đã dạy: ”Tôi xin anh em điều này là hãy tránh thói xấu lớn lao là sự vô ơn. Chớ gì đời chúng ta là một lời cám ơn liên lỉ… Tuy nhiên chúng ta đừng chỉ nói lời cám ơn suông, nhưng hãy biết sử dụng những ơn lành Chúa ban. Đó là điều Chúa đòi hỏi chúng ta”.
-Phải biết cám ơn bằng hành động: Bài đọc I trong thánh lễ hôm nay cho thấy lòng biết ơn phải được biểu lộ bằng hành động noi gương viên tướng Na-a-man người xứ A-ram (x. 2 V 5,14-17).
-Phải vui vẻ đón nhận mọi điều xảy đến: Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý của mình thì dễ, nhưng cám ơn về những điều rủi ro trái ý mình lại không dễ chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta: vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh trái ý… Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã xác quyết: “Tất cả đều là hồng ân”.
-Cần tập thành thói quen cám ơn: Cha mẹ công giáo cần tập cho con cái biết cám ơn những người làm ơn cho mình ngay từ khi chúng bập bẹ nói. Mỗi tối, chúng ta cũng hãy nhớ lại những ơn tinh thần vật chất nhận được trong ngày, rồi dâng lời tạ ơn Chúa như thánh Phao-lô đã viết: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su” (1 Cr 1,4).
4. NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Thánh I-nha-xi-ô đã nói: “Tội lớn nhất nơi con người là tội vô ơn”. Đời con được dệt bằng biết bao hồng ân của Chúa mà nhiều khi con chưa ý thức được. Có lẽ chẳng khi nào con tạ ơn vì đã được Chúa cho được làm người và làm con Chúa. Có lẽ chưa khi nào con tạ ơn vì Chúa đã ban cho con khí trời để thở, cơm ăn nước uống nuôi dưỡng con, vũ trụ thiên nhiên tươi đẹp để giúp con được sống vui tươi. Cũng chưa bao giờ con tạ ơn Chúa vì con đã được Chúa ban cho có sức khỏe, thân xác lành lặn, tâm hồn bình an… Quả thực, đó là những ơn to lớn mà con lại cho là chuyện đương nhiên, nên đã coi thường và đã vô ơn với Chúa. Từ nay xin Chúa cho con nhận ra những ơn lành Chúa đã thương ban và không ngừng dâng lời cảm tạ tri ân Chúa. Tri ân bằng lời ca tụng Chúa và nhất là bằng việc sử dụng ơn lành Chúa ban để mưu ích cho phần rỗi đời đời của con và mang lại hạnh phúc cho mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM