Chủ Nhật Lễ Ba Ngôi, Năm B
Bài đọc: Deut 4:32-34, 39-40; Rom 8:14-17; Mt 28:16-20.
1/ Bài đọc I: 32 Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?
33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?
34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?
39 Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.
40 Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.”
2/ Bài đọc II: 14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! “16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.
3/ Phúc Âm: 16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
________________________________________
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất để lo liệu cho con người.
Vua David, tác giả Thánh Vịnh 8, sau khi đã suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa và sự bất xứng của con người, đã phải thốt lên: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” Không phải chỉ có một ngôi, mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã cùng cộng tác để lo liệu cho con người. Điều này nhắc nhở cho con người biết họ có địa vị cao quí trước Thiên Chúa; và họ phải biết sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người. Trong Bài Đọc I, ông Moses nhắc lại hai đặc quyền mà dân tộc Israel được hưởng: Thiên Chúa đã chọn họ làn dân riêng và ban Thập Giới cho họ. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu đặc quyền được làm con Thiên Chúa qua niềm tin vào Đức Kitô, và họ sẽ được thừa hưởng gia tài của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trước khi Ngài về trời: Các ông phải đi khắp nơi thu nhận môn đệ và dạy bảo họ tuân giữ những gì Ngài đã dạy dỗ các ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.
Chúng ta phải hiểu tình yêu Chúa dành cho dân tộc Do-thái, trước khi chúng ta có thể hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho hết mọi người.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho dân tộc Do-thái: Người Do-thái rất hãnh diện được Thiên Chúa chọn làm dân tộc riêng của Ngài từ muôn dân tộc trên thế giới. Họ cũng hãnh diện về Thập Giới, vì không một dân tộc nào được thần minh của họ thân hành hiện đến để ban Lề Luật cho. Trình thuật hôm nay nhắc nhở cách đại cương tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân tộc Do-thái:
(1) Thiên Chúa tỏ mình cho dân tộc Israel: Sau khi đã vượt qua Biển Đỏ, Moses dẫn dân chúng vào trong sa mạc để được thử luyện bởi Thiên Chúa. Trước khi vào Đất Hứa, Ngài muốn ban cho dân Thập Giới; nhưng để tỏ uy quyền của Ngài cho dân biết kính sợ, Ngài đã làm cho cả ngọn núi cháy bừng như lửa, và Ngài nói chuyện với Moses từ đám lửa. Chứng kiến cảnh tượng này, dân Do-thái thất kinh vì mắt và tai họ không chịu đựng nổi uy quyền của Thiên Chúa. Họ xin Moses để Thiên Chúa nói với mình ông thôi, rồi ông sẽ nói với họ những gì Thiên Chúa muốn. Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa hay thiên sứ mà còn sống, như ông Moses nhắc nhở cho dân chúng: “Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?”
(2) Thiên Chúa chọn họ là dân riêng của Ngài: Ông Moses hỏi dân: “Có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập là biến cố đáng ghi nhớ, vì Thiên Chúa tỏ tình yêu và uy quyền của Ngài cho dân tộc Do-thái, để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của người Ai-cập.
1.2/ Bổn phận của người Do-thái: Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel là một giao ước, được ký kết giữa hai bên: Thiên Chúa sẽ yêu thương, bảo vệ, và ban ơn cho họ; đổi lại, họ cũng phải chu toàn hai bổn phận sau:
(1) Con người phải thờ phượng một mình Thiên Chúa: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.” Thờ bụt thần khác hay không thờ phượng Chúa trên hết mọi sự, là vi phạm giao ước với Thiên Chúa.
(2) Con người phải tuân giữ các giới răn của Người: Ông Moses long trọng truyền lệnh cho dân: “Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.” Không tuân giữ Lề Luật, dù nhỏ mọn đến đâu chăng nữa, cũng vi phạm giao ước này.
Từ một dân tộc Do-thái, tình yêu Thiên Chúa lan rộng đến mọi dân tộc khác, khi Đức Kitô xuất hiện. Từ nay, ơn được làm con Thiên Chúa và được sống muôn đời là của mọi người.
2/ Bài đọc II: Ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, người đó là con cái Thiên Chúa.
2.1/ Vai trò của Chúa Thánh Thần: Ngài soi sáng và hướng dẫn các tín hữu.
Chúa Cha là Người ban Thánh Thần: khi Chúa Cha ban Thánh Thần của Người cho ai, kẻ đó là con cái Thiên Chúa, như Phaolô xác quyết: “Quả vậy, phàm ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.”
Có nhiều thần khí khác nhau trong thế gian; nhưng chỉ có một Thánh Thần duy nhất. Thần khí mà con người sở hữu trước khi lãnh nhận Thánh Thần, là thần khí của nô lệ và sợ hãi; nhưng khi đã được lãnh nhận Thánh Thần, con người trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, và Thánh Thần thúc đẩy để con người có thể kêu lên hai tiếng “Abba! Cha ơi!” với Chúa Cha.
Thánh Phaolô xác quyết: “Chính Thánh Thần cùng chứng thực với thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.” Khi chúng ta tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa (Rm 3:28, Jn 1:12). Chúng ta có một nhân chứng khác nữa là Thánh Thần; vì không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần hướng dẫn (I Cor 12:3). Một lần nữa, chúng ta thấy niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
2.2/ Các Kitô hữu là những người thừa kế gia tài của Thiên Chúa:
(1) Quyền làm con: Như đã nói trên, con người trở thành con cái Thiên Chúa là nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không nhờ bất cứ lý do nào khác (Jn 1:13).
(2) Đồng thừa kế gia tài của Thiên Chúa với Đức Kitô: Thánh Phaolô lý luận: “Vậy đã là con, thì cũng là người thừa kế; mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô.” Đây là một hồng ân vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho con người: Tất cả những gì Thiên Chúa có, con người đều được hưởng; tất cả những gì Đức Kitô có, con người đều có; tất cả những gì Thánh Thần biết, con người đều có thể biết. Dĩ nhiên, để được hưởng hồng ân này, con người phải sống hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, và trung thành với nghĩa vụ làm con của mình.
(3) Chung phần đau khổ, chung phần vinh quang: Khi đồng thừa kế gia sản với Đức Kitô, con người không chỉ chung phần vinh quang, nhưng cũng chung phần với những đau khổ Ngài chịu. Đau khổ Ngài đang chịu bây giờ là nơi thân thể của Ngài là Giáo Hội; mà Giáo Hội là tất cả các tín hữu, những chi thể của một thân thể. Điều này mở ra nhiều lộ trình mới để chúng ta có thể chung phần đau khổ với Đức Kitô:
– Làm vơi đi đau khổ của anh chị em là làm vơi đi đau khổ cho Chúa;
– Giúp anh chị em yêu thương Chúa và đừng phạm tội là làm vơi đi đau khổ của Chúa;
– Chịu đựng gian khổ để đưa anh chị em về với Chúa là làm vơi đi đau khổ của Chúa …
3/ Phúc Âm: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
3.1/ Tiếng gọi truyền giáo: Các ông phải tiếp tục làm cho tất cả mọi người trở nên môn đệ của Chúa Ba Ngôi. Hai bổn phận quan trọng nhất các ông phải làm:
(1) Làm Phép Rửa cho họ: Điều kiện để chịu Phép Rửa là tin vào Đức Kitô. Để một người tin vào Đức Kitô, cần có những người rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bổn phận quan trọng hàng đầu của người môn đệ là rao giảng Tin Mừng trước khi con người có thể tin và chịu Phép Rửa để trở thành những người môn đệ mới của Chúa.
(2) Dạy bảo họ tuân giữ các giới răn: Để chứng tỏ niềm tin, các tín hữu cần giữ các giới răn. Vì thế, bổn phận thứ hai của người môn đệ là tiếp tục dạy bảo để các tín hữu giữ các giới răn của Chúa. Khi giữ các giới răn, người tín hữu tiếp tục ở lại trong tình thương của Thiên Chúa.
3.2/ Lời hứa bảo đảm cho các môn đệ: Lúc nào họ cũng có Ba Ngôi Thiên Chúa ở với họ.
(1) Chúa Giêsu đã được Chúa Cha trao toàn quyền trên trời cũng như dưới đất: Ngài có toàn quyền trên tất cả mọi biến cố xảy ra trên thế gian. Nếu chúng ta nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, chúng ta sẽ không sợ thua cuộc trước bất cứ một quyền lực nào của con người, thế gian, và quỉ thần. Điều này sẽ giúp chúng ta hăng hái trong việc rao giảng Tin Mừng.
(2) Chúa Giêsu ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Giêsu không vắng mặt trong cuộc đời các môn đệ sau khi Chúa về trời. Các môn đệ không những có Chúa Thánh Thần làm việc từ bên trong, để các ông hiểu thấu những gì Chúa Giêsu đã nói, và hướng dẫn để các ông am hiểu mọi sự thật. Các môn đệ còn có Chúa Giêsu trợ giúp và bảo vệ từ bên ngoài. Ngài thấy rõ mọi sự việc xảy ra cho các môn đệ, vì Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu những trợ giúp cần thiết cho các môn đệ. Điều gì, các môn đệ xin nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ không bao giờ từ chối (Jn 16:23-26). Nếu các môn đệ xác tín sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời, họ sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời, và kiên trung làm chứng cho Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Con người chúng ta có phẩm giá cao quí trước Thiên Chúa; vì thế, chúng ta phải luôn biết sống làm sao cho xứng với địa vị cao quí này.
– Nếu chúng ta cùng chung phần đau khổ của Chúa Kitô, chúng ta cùng chung phần vinh quang với Ngài, và ngược lại.
– Tiếng gọi truyền giáo phải luôn thôi thúc chúng ta là những môn đệ của Chúa. Chúng ta đã làm gì để đáp lại lời mời gọi của Chúa?
– Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời. Ý thức này sẽ giúp chúng ta có sức mạnh chu toàn các bổn phận của người tín hữu.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP