Các bài suy niệm LỄ CHÚA BA NGÔI – Năm B
Lời Chúa: Dnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20
MỤC LỤC
1. Chúa Ba Ngôi 2
2. Chúa Ba Ngôi. 4
3. Hiệp nhất trong yêu thương – Lm. Ignatiô Trần Ngà 6
4. Một Thiên Chúa – Lm. Giuse Trần Việt Hùng 9
5. Chúa Ba Ngôi. 13
6. Mầu nhiệm tình yêu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt. 16
7. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần 19
8. Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu 24
9. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. 27
10. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi – Noel Quesson. 30
11. Vinh danh Ba Ngôi. 33
12. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần 37
13. Bài Giảng Lễ Chúa Ba Ngôi 40
14. Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. 46
15. Chúa Ba Ngôi. 48
16. Tình yêu. 51
17. Hiệp thông. 53
18. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. 56
19. Mầu nhiệm tình yêu. 59
20. Ở cùng anh em. 62
21. Cửa sổ. 64
22. Tình yêu. 66
23. Lễ Chúa Ba Ngôi 68
24. Thừa kế – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực 72
25. Thiên Chúa đo lường trái tim chúng ta. 77
26. Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi 80
27. Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long 84
28. Chú giải của Noel Quesson. 100
1. Chúa Ba Ngôi
Kinh Thánh đã nói gì về Chúa Ba Ngôi. Có lẽ câu văn nổi tiếng nhất bàn về Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Phúc Âm thánh Matthêu, khi Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Tuy nhiên hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là hình ảnh khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lúc đó, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, rồi từ trời có tiếng nói: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi.
Thánh Phaolô cũng bàn về Chúa Ba Ngôi khi viết: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.
Còn thánh Luca trong sách Tông đồ Công vụ, cũng như trong Phúc Âm, đã nhìn nhận lịch sử cứu độ mang chiều kích của Chúa Ba Ngôi. Thời Cựu Ước là thời của Chúa Cha. Thời rao giảng Phúc Âm là thời của Chúa Con và thời hiện nay là thời của Chúa Thánh Thần. Kinh Tín Kính chúng ta đọc trong thánh lễ cũng đã tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo. Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá, trao ban nguồn sống.
Tuy nhiên chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Chúa Cha ở đâu, thì Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ba Ngôi luôn luôn là mầu nhiệm thâm sâu, vừa đơn nhất lại vừa đa dạng.
Tuy nhiên có cách nào giúp chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời chúng ta hay không. Tôi xin giới thiệu một phương pháp vừa đơn giản lại vừa hữu ích đó là trong giờ cầu nguyện ban tối trước khi đi ngủ chúng ta hãy dành ba phút để hồi tâm.
Phút thứ nhất, chúng ta hãy rút ra những việc tốt trong ngày, chẳng hạn như giữ được sự bình tĩnh khi bị vu khống. Và chúng ta hãy thưa lên cùng Chúa Cha và cảm tạ Ngài về những điều tốt đẹp ấy.
Phút thứ hai, chúng ta hãy rút ra những việc làm sai trái, chẳng hạn như đã dửng dưng, không giúp đỡ cho một người khổ đau. Và chúng ta hãy thưa lên cùng Chúa Con, để xin Ngài tha thứ.
Phút thứ ba, hãy nhìn đến một ngày sắp tới với những khó khăn phải đương đầu và chúng ta hãy thưa lên cùng Chúa Thánh Thần, cầu xin Ngài ơn khôn ngoan và lòng can đảm để xử lý cho thích đáng. Và như vậy, cuộc đời chúng ta là một sự gắn bó mật thiết với Chúa Ba Ngôi trong mọi cảnh huống gặp phải.
2. Chúa Ba Ngôi.
Đoạn Tin Mừng ngắn ngủi vừa nghe đã hé mở cho chúng ta thấy mối quan hệ cũng như vai trò của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện tình thương cứu độ đối với con người. Tình thương ấy xuất phát từ Chúa Cha là nguồn gốc và là Đấng khởi xướng. Tình thương ấy được thực hiện cho con người qua Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá. Tình thương ấy được thấm nhập vào trong tâm hồn mỗi người chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Đức Kitô đã trình bày và giới thiệu Chúa Thánh Thần như là Đấng sẽ tiếp nối sứ vụ của Ngài bằng cách giúp cho các môn đệ đi sâu vào ý nghĩa của những lời Ngài đã nói và những việc Ngài đã làm.
Thế nhưng không phải chỉ có dân chúng mà ngay cả các môn đệ đã không hiểu nổi những lời Ngài nói và những việc Ngài làm, bởi vì những lời nói và những việc làm ấy không phải chỉ cao siêu uyên bác mà còn vì chúng diễn tả một trật tự khác với trật tự các ông đang sống.
Hôm ấy bên bờ giếng Gacob, sau khi Chúa Giêsu tiếp chuyện một người phụ nữ Samaria thì các môn đệ mang thức ăn về và mời Ngài dùng. Nhưng Ngài đã bảo họ: Có thứ lương thực Ta phải ăn mà các con không biết. Các môn đệ bèn nói với nhau: Phải chăng có ai đã đem thức ăn lạ cho Ngài. Một lần kia, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng về bánh bởi trời, các môn đệ đã phản ứng: Lời chi mà chướng tai thế. Ai nghe cho nổi. Hay trong bữa tiệc ly, Phêrô đã không hiểu nổi cử chỉ Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, nên đã ngăn cản Ngài: Thầy mà lại rửa chân cho con ư? Và Chúa Giêsu đã đáp lại: Điều Ta làm nay con không hiểu, nhưng sau này con sẽ hiểu.
Phúc Âm còn ghi lại nhiều bằng chứng của sự không hiểu này. Chẳng hạn sau phép lạ bánh hoá nhiều lần thứ nhất, thánh Marcô đã ghi nhận: Họ không hiểu gì và lòng họ ra như chai đá. Còn lần thứ 2 thì chính Chúa Giêsu đã lên tiếng quở trách các môn đệ: Tại sao các con lo ngại rằng không có bánh. Các con chưa hiểu được hay sao? Cuối cùng một điều các môn đệ đã không hiểu nổi, đó là cuộc khổ nạn của Ngài. Theo thánh Marcô thì Chúa Giêsu đã 3 lần thông báo và giải thích và cả ba lần các ông đều tỏ ra không hiểu gì cả. Lần thứ nhất Phêrô đã lên tiếng can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời. Còn hai lần kia các ông thinh lặng nhưng thầm nghĩ rằng Thầy của mình sẽ lên ngôi trị vì và các ông ngấm ngầm tranh nhau chỗ nhất.
Như chúng ta đã thấy mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm lớn trong đạo, vượt qua cái giới hạn nhỏ bé của trí khôn con người. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là nhờ Chúa Giêsu đã tỏ lộ. Điểm cốt yếu không phải là bàn luận xem thế nào là 3 và thế nào là 1. Nhưng chính là tình thương của Thiên Chúa. Đúng thế mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Được khởi xướng do Chúa Cha, được thực hiện do Chúa Con và được tiếp nối do Chúa Thánh Thần. Tình thương ấy ngày nay vẫn còn được tiếp diễn qua từng người Kitô hữu, cũng như qua từng cộng đoàn, qua từng giáo xứ bằng những nỗ lực, những cố gắng liên kết mọi người lại trong công bình, yêu thương và hợp nhất. Cuộc sống của Chúa Ba Ngôi là tình thương. Ước chi cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng phải ngập tràn tình thương để trở nên một phản ảnh trung thực của Chúa Ba Ngôi.
3. Hiệp nhất trong yêu thương – Lm. Ignatiô Trần Ngà
Từ ngày cắp sách vào lớp một, mỗi học sinh đều được học bài toán: 1+1+1 = 3 và nếu làm đúng như vậy thì lúc nào cũng được điểm tối đa. Trái lại, nếu có em nào làm phép tính: 1 + 1 + 1 = 1 thì sẽ bị cô giáo cho điểm O và bị phê là ngu xuẩn.
Thế nhưng trong một gia đình đầm ấm yêu thương thì 1 + 1 + 1 không còn là 3, mà chỉ là 1.
Hiệp thông trong gia đình
Trước đây, anh Bắc ở Hà-nội, chị Nam ở Sai-gòn, hai người ở hai phương trời cách biệt. Anh và chị là hai “ngôi vị” hoàn toàn xa lạ.
Về sau, hai người cùng vào làm trong cùng một công ty nên có nhiều cơ hội gặp gỡ và đôi bên cảm thấy ý hợp tâm đầu. Tình yêu của anh chị lớn lên từng ngày và với thời gian, anh chị yêu thương nhau sâu đậm đến nỗi người nầy không thể sống hạnh phúc nếu thiếu vắng người kia.
Do tình yêu thúc đẩy, anh chị tiến đến hôn nhân. Lúc nầy hơn bao giờ hết, anh chị cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về nhau: cùng chung một tổ ấm, chung một tình yêu, chung niềm vui nỗi buồn, chung một ước mơ và một niềm hy vọng… Họ không còn là hai mà là một đúng như nhà thơ Tản Đà nhận định: “Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai.”
Chính Chúa Giêsu cũng nhìn nhận rằng họ chỉ còn là một mà thôi: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mt 19, 5-6)
Rồi tình yêu của anh chị đơm bông kết trái: một đứa con yêu quý chào đời!
Giờ đây tuy trong nhà có ba người hay ba “ngôi” (=ba vị), nhưng tình yêu thương thắm thiết đã nối kết cả ba nên một. Họ cảm thấy hoàn toàn thuộc về nhau. Họ cảm thấy mình không còn là ba nhưng chỉ là một: hạnh phúc của người nầy cũng là hạnh phúc của người kia; khổ đau của mỗi người cũng là nỗi đau chung của cả gia đình.
Mặt khác, tình yêu và mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với nhau: khi càng yêu thương nhau hơn thì mức độ hiệp thông càng bền chặt hơn và ngược lại, khi ghét bỏ nhau, người ta cảm thấy hoàn toàn xa cách dù sống chung dưới một mái nhà. Lúc ấy, vợ, chồng và con cái trong nhà không còn là một mà là ba.
Như thế tình yêu là phép mầu nối kết nhiều người nên một. Những người yêu thương nhau được liên kết nên một với nhau nhưng vẫn không đánh mất bản ngã của mình.
Hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa
Hình ảnh một gia đình đầm ấm yêu thương hiệp nhất thường được Giáo Hội sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở các tín hữu rằng: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 6)
Khi nhìn vào một gia đình có “ngôi cha”, “ngôi mẹ” và “ngôi con” hiệp thông với nhau cách mật thiết, chúng ta hiểu được phần nào sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tuy nhiên, vì tình yêu giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần mênh mông như đại dương, trong khi tình yêu của các ngôi vị trong gia đình chỉ bằng giọt nước; và vì mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với mức độ yêu thương, nên sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là vô cùng mật thiết so với sự hiệp thông còn quá mong manh giữa các thành viên trong gia đình.
Chúa Giêsu mời gọi sống hiệp thông theo mô hình Ba Ngôi
Được hiệp thông nên một trong yêu thương là một hạnh phúc tuyệt vời nên Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người chung chia hạnh phúc ấy. Vì thế, hôm xưa trong bữa tiệc ly, Người thành khẩn cầu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một”. (Ga 17, 20-23)
Và hôm nay, Chúa Giêsu hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.”
Rồi Người cũng hướng về mỗi tín hữu trong Hội Thánh và tha thiết khẩn cầu: “Lạy Cha, xin cho các tín hữu nầy được gắn bó nên một trong yêu thương như Chúng Ta là một.”.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con cảm nhận rằng bí quyết để được hạnh phúc tuyệt vời là cùng nhau sống yêu thương gắn bó nên một như Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn sẵn sàng xoá bỏ những bất hoà chia rẽ để tiến tới đời sống yêu thương hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi.
Xin cho tình yêu của Ba Ngôi liên kết chúng con nên một, để đời sống gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi.
4. Một Thiên Chúa – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Mừng trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta tôn thờ Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hoá. Qua lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người nhận biết về sự sáng tạo vũ trụ và muôn loài. Con người là loài cao quý nhất được chính Con Một Thiên Chúa ban ơn thanh tẩy và cứu độ. Trước khi rời khỏi các Tông đồ, Chúa Giêsu đã trao quyền tái tạo con người qua Bí tích Rửa Tội. Chúa Giêsu phán: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta tuyên xưng Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Thiên Chúa an bài mọi sự cách lạ lùng trong vũ trụ thiên nhiên. Tất cả mọi loài được Thiên Chúa quan phòng tạo dựng để tiếp nối sự hiện hữu qua việc truyền sinh các giống nòi. Tác giả sách Đệ Nhị Luật đã viết: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?” (Đnl 4,32). Từ những loài thực vật, động vật đến loài người đều được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Một sự di chuyển sống động không ngừng trong vũ trụ giúp chúng ta nhân biết một quyền năng phi thường.
Từ xa xưa, khát vọng tâm tư của loài người đã kiếm tìm nguồn cội có uy quyền. Sống giữa vũ trụ bao la, cha ông tổ tiên đã nhiều lần tìm dựa dẫm và nương nhờ chở che vào những đối tượng giả. Họ đã tôn thờ mọi thứ thần lạ do trí tưởng tượng của con người tạo nên. Họ đã phong thần cho tất cả các nguồn sức mạnh tự nhiên như: thần sông, thần núi, thần sấm sét, thần mưa, thần gió, thần mặt trời, mặt trăng, các con vật, và con người cũng được phong thần và đi đến thờ đa thần. Con người tôn thờ những Thần mà họ không hề biết, người Dothái cũng bị ảnh hưởng bởi các thần dân ngoại, đã có thời họ đúc bò vàng để thờ lạy. Thiên Chúa đã chọn riêng dân Dothái để mạc khải về Thiên Chúa độc thần và chương trình cứu độ.
Từng bước Thiên Chúa đã mạc khải cho Dân mà Chúa đã chọn tìm về nguồn chính thật để tôn thờ Một Thiên Chúa. Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: “Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4,39). Trải qua biết bao thăng trầm và thanh luyện, lòng người không dễ buông bỏ những sự thờ phượng bụt thần bằng gỗ đá vô hồn. Thiên Chúa đã dùng các tiên tri để nhắc nhở, dạy dỗ và hướng dẫn dân quay trở về với một Thiên Chúa có ngôi vị và yêu thương.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng trong đạo. Mầu nhiệm cao trọng nhất nhưng cũng gần gũi với đời sống của các tín hữu. Chúng ta có thể tuyên xưng mầu nhiệm qua việc làm Dấu Thánh Giá nhiều lần trong ngày. Đã có rất nhiều suy tư thần học về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nhưng con người vẫn đắm chìm trong thao thức. Có rất nhiều nhà thần học đã dùng những hình ảnh, tỉ dụ và ẩn dụ để giải thích một chút về Chúa Ba Ngôi; giúp chúng ta dễ hiểu qua các biểu tượng như hình tam giác ba cạnh, ngọn lửa và tia nắng, lá Shamrock, ba thể khí, lỏng và đặc và nhìn xem cây, cành và lá liên kết… Tất cả những giải thích cũng chỉ như giọt nước trong đại dương bao la. Trí khôn con người chỉ còn biết chìm đắm trong nhiệm mầu và quy phục bái lậy tôn thờ.
Khi chúng ta mở mắt chào đời thì mọi sự đã hiện hữu trong vũ trụ. Chúng ta được hít thở bầu khí quyển, được nuôi sống bằng của ăn thức uống và được ngắm nhìn vũ trụ vạn vần đổi thay. Đại đa số con người được sinh ra có đầy đủ giác quan để chiêm ngắm và thưởng thức tất cả những vẻ tươi đẹp của cuộc đời. Khi chúng ta càng ý thức và suy tư sâu thẳm, chúng ta sẽ nhận diện có một sự trật tự lạ lùng trong vũ trụ muôn loài. Từ sự di chuyển của đại vũ trụ tới những chuyển động của tiểu vũ trụ trong từng tế bào li ti, chúng ta nhận ra có một nguyên nhân đệ nhất.
Có rất nhiều vấn đề xảy ra trước mắt trong cuộc sống hằng ngày, thế mà các nhà chuyên môn cũng chưa thể giải đáp thích đáng mọi sự. Đôi khi có người dùng những sự suy luận hiểu biết thiển cận và mơ hồ để đưa ra những giả thuyết nhằm thách thức não trạng con người. Bởi thế, những điều gì chưa biết, chưa học và chưa hiểu, chúng ta không nên chối bỏ, phủ nhận và loại trừ. Chúng ta gắng công suy tư và học hỏi tìm tòi những bài học hữu dụng trong thiên nhiên. Các môn khoa học mới chỉ đi những bước đầu khám phá, tìm ra một số những nguyên lý và định luật chung về sự kết cấu của vũ trụ vật chất bao la. Mầu nhiệm sự sống vẫn còn nhiều vấn đề sâu thẳm, con người từng bước phát hiện những cái mới và cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Dựa vào nguyên lý nhân qủa, trông qủa thì biết cây. Chúng ta có thể quan sát và dùng lý trí để tìm ngược về dấu vết của các loài thụ tạo. Chúng ta không thể đi ngược tới vô tận, phải có một nguyên nhân đệ nhất. Chúng ta có thể gọi nguyên nhân đó là Thiên, Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Thành, Chủ Tể Vạn Vật, Chúa Trời và Thiên Chúa. Niềm tin của người tín hữu, Thiên Chúa là Đấng tự hữu, thiêng liêng, hằng có đời đời, quyền phép, thánh thiện, tốt lành, nhân từ, công bằng và chân thật vô cùng. Trong sách Giáo Lý Công Giáo cũ có câu hỏi: Ta làm thế nào mà biết có Đức Chúa Trời? Thưa: Ta nhìn xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ, liền biết có Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành và an bài mọi sự.
Có rất nhiều người chưa tìm hiểu vấn đề đã vội chối từ và phủ nhận nguyên cội. Họ giống như những chiếc bình gốm tuyệt đẹp nói với chủ nhân rằng tôi không biết ông là ai. Với một trí khôn hạn hẹp, nông cạn và vô thường, nhiều người tưởng rằng họ đã nắm bắt được chân lý. Đã có biết bao nhiêu các nhà triết học, thần học, thần bí và các nhà khoa học đã đang gắng công tìm về nguồn vũ trụ. Trong đó có những Đạo giáo chỉ tập trung vào đời sống con người mà quên đi nguyên lý của vũ trụ bao la hiện hữu. Một số người cố gắng chọn con đường tịnh tâm, tu tâm và luyện tâm để tinh tấn giác ngộ. Những vị này giác ngộ tâm trí nhưng còn rất nhiều thiếu xót trong chức vị và ơn gọi làm người. Họ đã đặt mình là trung tâm của vũ trụ và phủ nhận quyền lực sáng tạo.
Qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã nhận được tinh thần nghĩa tử. Chúng ta không còn tinh thần nô lệ sợ hãi mà là con cái: “Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết trong tình yêu. Mỗi khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá trên mình, là chúng ta đang được kết hợp mật thiết với tình yêu Chúa Ba Ngôi. Tình yêu hiến thân hy sinh. Tình yêu của sự tha thứ bao dung.
Chúng ta cùng nguyện rằng: sáng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Amen.
5. Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm đức tin mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay, đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Ngài có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa. Nhưng vì cùng chung một bản tính, nên chỉ làm nên một Thiên Chúa. Không một trí khôn nào có thể hiểu thấu. Vì vậy chúng ta hãy khiêm nhường mà thưa lên: Lạy Chúa, chúng con tin và xin giúp đỡ đức tin nhỏ bé của chúng con.
Thế nhưng, tại sao chúng ta lại mừng kính vào ngày Chúa nhật hôm nay. Ngày lễ này chính là ngày lễ kết thúc cho những mầu nhiệm mà chúng ta đã mừng kính, từ đầu niên lịch phụng vụ cho đến bây giờ. Ba Ngôi cộng tác với nhau trong công trình cứu độ. Chúa Cha đã sai Con Một Ngài xuống thế như lời thánh Gioan đã viết: Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã trao ban chính Con Một của Ngài. Ngài đã kêu mời chúng ta bước vào đời sống đức tin. Chúa Con, Đấng cứu độ đã làm người, đã chịu chết vì chúng ta, để nhờ đó chúng ta được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
Còn Chúa Thánh Thần, sau khi Chúa Giêsu về trời, Ngài chính là Đấng thủ lãnh, Đấng hướng dẫn, Đấng an ủi của chúng ta. Vì những lợi ích cao cả ấy, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa. Thực vậy, lễ Chúa Ba Ngôi phải là một lời kinh tạ ơn vang lên trong Giáo Hội. Nó bao gồm biến cố Giáng Sinh, Hiển Linh, Phục Sinh, Lên Trời và Hiện Xuống. Sở dĩ Giáo Hội đặt ngày lễ hôm nay vào Chúa nhật đầu tiên sau lễ Hiện Xuống là vì Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta nhớ rằng mỗi ngày Chúa nhật phải là một ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi. Mỗi ngày Chúa nhật phải là một ngày thánh hiến cho Chúa Ba Ngôi. Mỗi ngày Chúa nhật phải là một ngày dành riêng để chúng ta cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha đã tạo dựng và kêu mời chúng ta. Chúa Con đã Phục sinh và cứu chuộc chúng ta. Chúa Thánh Thần đã thánh hóa và biến chúng ta trở nên đền thờ cho Ngài. Hơn nữa, chính Ngài hiện diện vào ngày thứ nhất mà khai sinh ra Giáo Hội. Vì thế ngày Chúa nhật phải là một ngày dành riêng để tôn kính Chúa Ba Ngôi.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy cuộc đời của chúng ta đã thấm nhuần biết bao ơn trọng đại của Chúa Ba Ngôi. Các bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận đều được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi. Với Bí tích Rửa Tội, chúng ta nghe thấy lời đọc: Ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Với Bí tích Giải tội, chúng ta nghe thấy lời đọc: Vậy Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Đời sống người Kitô hữu được bắt đầu và hoàn tất trong Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi khởi sự hay kết thúc một công việc nào đó, chúng ta thường làm dấu và đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Phần nhiều các kinh Giáo Hội đọc, đều được dâng lên cho Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn kinh Sáng danh. Đây cũng là một lời kinh thường đọc Giáo Hội sử dụng nhiều hơn cả. Mỗi một giờ kinh đều được bắt đầu bằng kinh Sáng danh, mỗi một thánh vịnh đều được kết thúc bằng kinh Sáng Danh. Kinh Sáng Danh chính là tiếng chuông vang lên đều đều nơi nhà Chúa.
Rồi kinh: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, kinh Tạ ơn, đều là những lời kinh dâng tiến Chúa Ba Ngôi. Và còn nhiều lời kinh khác nữa, chẳng hạn kinh Tin kính và những lời đọc trong thánh lễ….
Xem đó, chúng ta thấy từ sinh hoạt cá nhân đến sinh hoạt Giáo Hội, tất cả đều tuôn chảy tới Chúa Ba ngôi, ước gì cuộc đời chúng ta cũng sẽ được diễn ra trong tình thương yêu của Chúa Ba Ngôi, để tất cả chúng ta xứng đáng là con của Chúa Cha, là em của Chúa Giêsu và là chiến sĩ của Chúa Thánh Thần.
6. Mầu nhiệm tình yêu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình yêu thương.
Từ đời đời, Chúa Cha yêu Chúa Con. Tình yêu ấy lớn lao đến nỗi Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con giống hệt như mình. Con là hình ảnh hoàn hảo, nguyên tuyền của Cha. Con là chính Cha, nên Đức Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Cha có gì thì ban tất cả cho Con. Nên sau này Đức Giêsu đã nói: “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15). Tình Cha yêu Con thật lớn lao, kỳ diệu. Tình Con đáp lại tình Cha cũng nồng nàn tha thiết không kém. Những gì Con nhận được do tình yêu của Cha thì Con dâng lại cho Cha tất cả. Đức Giêsu vì yêu mến Chúa Cha, nên đã vui lòng xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Trọn cuộc đời, Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha để thi hành. Người luôn tâm niệm: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy” (Ga 4,34). Người từ bỏ hết ý riêng mình để chỉ làm theo ý Chúa Cha. Người nên một với Đức Chúa Cha trong tâm tình, trong tư tưởng, trong hành động. “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10). Trong giờ hấp hối, dù sợ hãi cái chết đến độ mồ hôi máu tuôn ra, nhưng Đức Giêsu vẫn luôn vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho Con khỏi uống chén này. Xin đừng theo ý Con, nhưng theo ý Cha mà thôi” (Mt 26,39). Thánh Phaolô đã tóm tắt về cuộc đời Người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2,6-8). Tất cả thái độ vâng phục nói lên sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần.
Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn. Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào. Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc là ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Hôm nay, khi truyền cho ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Người mong ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những gọc tối t8am chiến tranh, chia rẽ. Người mong ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng tình thương tha thứ. Người muốn cho tình yêu lên ngôi ngự trị trong hết mọi tâm hồn.
Phần ta, những môn đệ của Chúa, mỗi khi ta làm dấu Thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi, ta hãy xin Ba Ngôi Thiên Chúa in tình yêu thánh thiện của Người vào tâm hồn ta. Xin cho ta được tham dự vào tình yêu vô cùng sung mãn của Người. Xin cho ta trở nên một đốm lửa trong lò lửa yêu thương của Người. Được cháy trong lò lửa tình yêu Chúa Ba Ngôi, ta sẽ trở nên giống như Người, luôn biết cho đi, luôn biết dâng hiến, luôn mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Khi cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Bạn có cảm thấy Thiên Chúa là người Cha yêu thương và gần gũi không?
2- Bạn có mong muốn được tham dự vào luồng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không?
3- Thiên Chúa dựng nên bạn giống hình ảnh Người. Bạn đã thực sự là hình ảnh tình yêu thương của Chúa đối với những người chung quanh chưa?
4- Sau khi đã hiểu rõ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bạn sẽ có thái độ nào đối với Chúa và đối với anh em?
7. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
(Suy niệm của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)
Với người công giáo, còn gì gần gũi thân quen cho bằng làm dấu thánh giá trên mình cùng với lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ấy thế mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dường như lại thật xa lạ và trừu tượng. Có chăng những từ ngữ “ngôi vị” và “bản tính”, vốn rất cần thiết để minh định tín điều, lại là bước cản cho sự gặp gỡ Đấng Thiên Chúa sống động? Có chăng những suy tư thần học về Ba Ngôi thật phong phú về tư duy nhưng lại thiếu tiếp cận mục vụ và linh đạo? Từ góc độ thực hành của đời sống đức tin, xin gợi ý về lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” như một cảm nghiệm gặp gỡ Đấng Thiên Chúa duy nhất và là Đấng ở trên, ở với và ở trong con người cũng như lịch sử.
Đấng Thiên Chúa ở trên, ở với và ở trong
Cảm nghiệm đầu tiên của con người về Thiên Chúa: Ngài là Đấng “ở trên”, “Ông Trời”, “Ông Thiên”. Thánh Phaolô tuyên xưng chỉ mình Thiên Chúa là “Đấng trường sinh bất tử, ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tim 6,16). Vì Thiên Chúa vượt lên trên vũ trụ và nhân loại nên “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Mt 16,23). Nếu ai nói rằng mình hiểu được Thiên Chúa thì chắc chắn vị Thiên Chúa ấy không còn là Thiên Chúa đích thực nữa.
Những khám phá khoa học ngày nay không những không làm tiêu hao niềm tin vào Thiên Chúa mà trái lại, càng làm cho chúng ta cảm nhận rõ hơn tính bất khả đạt thấu của Thiên Chúa. Ngân hà mà trái đất chúng ta là một thành phần đã là vĩ đại rồi, nhưng nó chìm nghỉm trong hằng tỉ giải ngân hà của vũ trụ. Chính sự vĩ đại ấy của vũ trụ lại càng làm nổi bật tính vô biên và bất khả đạt thấu nơi Thiên Chúa: “Chúng ta không thể khám phá Thiên Chúa đang điều khiển thế giới cách ngây ngô như trước. Chúng ta không thể làm thế, không phải vì Thiên Chúa đã chết, nhưng vì Ngài là Đấng vĩ đại hơn nhiều, Đấng không thể gọi tên, Đấng bất khả đạt thấu, Đấng là nền tảng mọi sự” (Karl Rahner, Science as a Confession, 389).
Cảm thức về tính bất khả đạt thấu nơi Thiên Chúa giúp các Kitô hữu tránh được nguy cơ rơi vào tình trạng mà một nhà tư tưởng phê phán: “Không phải Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nhưng chính con người đã làm nên Thiên Chúa theo hình ảnh của mình”. Một trong những điều răn đầu tiên Thiên Chúa ban bố là: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Dân Chúa trong thời Cựu Ước lại chẳng rơi vào tình trạng đó sao khi họ lấy vàng đúc thành con bê rồi sụp lạy tung hô: “Đây là vị thần đã đưa chúng ta ra khỏi đất Ai Cập” (Xh 32,7)? Và cơn cám dỗ ấy vẫn không ngừng tái diễn trong lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thiên Chúa là Đấng “ở trên” nhưng đồng thời lại là Đấng “ở với” loài người. Đây là mạc khải trung tâm và độc đáo của Kitô giáo. Kinh Thánh tràn ngập cụm từ “ở với”. Hầu như khi sai bất cứ ai đi thi hành sứ mạng, Thiên Chúa cũng chỉ hứa điều quan trọng nhất là: “Ta ở với ngươi”. Từ Môsê đến Đức Maria đều thế cả (Xh 3,12; Lc 1,28). Cho đến thời của Hội Thánh, lời hứa của Chúa Kitô Phục sinh dành cho các môn đệ vẫn là: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Danh thánh Thiên Chúa mạc khải cho Môsê (Xh 3,14) được dịch nhiều cách: “Ta là Đấng hằng hữu”, “Ta là Đấng hiện hữu”, “Ta là Đấng Ta là”. Nhưng cũng có một cách dịch khác mang tính hiện sinh hơn: “Ta là Đấng hằng ở với anh em” (trong mọi hoàn cảnh, mọi bước đường, mọi biến cố). Lời hứa “ở với” ấy đã vươn đến cao điểm trong Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa-ở-với-chúng ta (Mt 1,23). Thiên Chúa ở với loài người không những bằng sự hiện diện mà còn chia sẻ phận người, kể cả những trạng huống bi thảm nhất, để trong mọi hoàn cảnh, kể cả sự chết, ta có thể cảm nhận được tiếng nói: Cha ở với con.
Ratzinger có trang sách đẹp về trải nghiệm sự chết khởi đi từ hình ảnh đứa bé bị lạc lối trong rừng sâu và màn đêm buông xuống. Cùng với bóng tối vây bủa chung quanh là nỗi hoang mang sợ hãi tràn ngập tâm hồn. Trong giây phút ấy, điều mà cậu bé mong chờ nhất không phải là bài học địa lý về cánh rừng hoặc bài hướng dẫn khoa học tìm tọa độ. Điều mong chờ nhất chỉ là có một bàn tay chạm lấy và tiếng nói bên tai: “Cha đây, nào chúng ta đi”. Không có giây phút nào con người cảm nhận nỗi cô đơn tột cùng cho bằng khi đối diện với sự chết. Kể cả những người thương yêu ta nhất cũng không thể đồng hành. Mọi lý thuyết về thế giới mai sau dường như vô nghĩa. Điều mong đợi duy nhất là sự hiện diện và đồng hành của một ai đó trên con đường tăm tối. Và Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã kinh qua sự chết và đã sống lại, chính là Đấng duy nhất đáp trả nỗi ước mong sâu thẳm về một bàn tay nắm lấy và tiếng nói bên tai “Ta đây, nào chúng ta cùng đi”. Thiên Chúa ở với.
Thiên Chúa không chỉ ở với con người mà còn ở trong họ. Theo quan điểm công giáo, lương tâm là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong lòng họ” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 16).
Tin Mừng Gioan, Tin Mừng của đời sống chiêm niệm, tràn ngập cụm từ “ở trong”: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Ngài” (15,9-10); “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14,16-17).
Có chuyện kể về một guru đánh mất chìa khóa vào nhà và quanh quẩn đi tìm chìa khóa ở bãi cỏ trước nhà. Đám học trò thấy thế bèn hỏi, “Thưa thầy, thầy tìm gì vậy?” “Thầy mất chìa khóa vào nhà rồi”. “Để chúng con tìm giúp”. Thế là ai nấy hăng hái bới từng gốc cây, lật từng ngọn cỏ để tìm. Tìm mãi không thấy, một học trò sốt ruột hỏi: “Thầy có nhớ loáng thoáng là đánh rơi ở đâu không?” “Có chứ, thầy nhớ rõ là mình để quên ở trong phòng rồi sập cửa lại”. Đám học trò la lên: “Trời ơi, sao bây giờ mới nói, mất chìa khóa trong nhà mà lại tìm ở ngoài này, làm sao thấy được!” Ông thầy có dịp cho học trò một bài học để đời: chúng ta đánh mất chìa khóa của ngôi nhà hạnh phúc. Chìa khóa ấy ở trong tâm hồn nhưng chúng ta lại mải tìm ở ngoài. Tìm đủ thứ, chiếm hữu đủ thứ, hưởng thụ đủ thứ… mà hạnh phúc vẫn biệt tăm. Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc, ở thâm sâu lòng người, nhưng chúng ta mải tìm ở thế giới bên ngoài.
Đúng là “Chúa ở trong con sâu hơn chính con” và “Con đi tìm Chúa bên ngoài mà quên mất rằng Chúa ở trong con”. Không chỉ là cảm nghiệm của các nhà thần bí mà còn là trải nghiệm của mỗi người nếu chân thành nhìn lại chính mình.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Hội Thánh có sứ vụ giới thiệu và loan báo cho con người Đấng Thiên Chúa ở trên, ở với và ở trong con người cũng như lịch sử. Nghĩa là phải loan báo Thiên Chúa trong tính toàn thể. Xem ra không dễ dàng giữ được sự quân bình và tính toàn thể ấy. Có khi người Kitô hữu nhấn mạnh đến Thiên Chúa ở trên (chiều kích siêu việt) và ở trong (chiều kích nội tại) mà không quan tâm đến Thiên Chúa ở với phận người, nên bị người ta chê trách là lãng quên những thực tại trần thế. Lại có khi nhấn mạnh đến Thiên Chúa ở với (chiều kích dấn thân xã hội) mà quên Thiên Chúa ở trên và ở trong, nên biến Hội Thánh thành cộng đoàn xã hội thuần túy với chân trời và đường lối hành động không khác gì những tập thể xã hội khác. Làm thế nào để giữ được sự quân bình và tính toàn thể của mầu nhiệm Thiên Chúa, để có thể “ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian” (Ga 17,14-16), để là “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-16). Sẽ mãi là một thách đố, nhưng ít ra ý thức được điều ấy cũng đã là lời nhắc nhở cần thiết cho sứ vụ, lời nhắc nhớ mỗi ngày khi làm dấu thánh giá trên mình và đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
8. Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu giáo lý về Một Chúa Ba Ngôi trong sách bổn đồng ấu ngày xưa. Hỏi Đức Chúa Trời có mấy ngôi? Thưa Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.
Một câu giáo lý quen thuộc mà hết thế hệ này đến thế hệ khác đều học thuộc lòng một cách đầy đủ và chính xác từng lời và từng dấu chấm, dấu phẩy. Điểm đặc biệt là không ai thắc mắc tại sao Một Chúa mà lại Ba Ngôi? Có lẽ chúng ta không thắc mắc, không phải vì chúng ta đã hiểu mà vì cha mẹ chúng ta tin, và vì Hội thánh dạy chúng ta như thế. Thực vậy đức tin của chúng ta được trao ban từ Hội thánh và qua cha mẹ cùng người đỡ đầu tiếp tục bảo vệ, vun trồng đức tin của chúng ta.
Rồi dần dà theo thời gian, đức tin của chúng ta thêm kiên vững và được củng cố nhờ những ngày tháng học giáo lý và học hỏi lời Chúa. Chúng ta tin Một Chúa Ba Ngôi không do trí óc tưởng tượng của con người mà dựa trên thế giá lời chứng của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết. Chính Chúa Giêsu là lời mạc khải tròn đầy về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ngài cho chúng ta biết, Ngài từ Chúa Cha mà đến. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha, và khi hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó, Ngài đã về trời và ban Thánh Thần đến thánh hóa thế gian trong ân sủng và tình yêu của Chúa.
Có một bà cụ đi xe lửa lần đầu tiên nên rất bỡ ngỡ sợ lầm tàu và lạc đường. Bà quay sang hỏi một hành khách ngồi bên cạnh:
– Thưa ông, tàu này có phải là tàu đi Roma không?
Ông ấy trả lời ngay:
– Vâng, đây là tàu đi Roma. Bà đừng lo, vì Roma là nhà của tôi, tôi phải về đó.
Nhưng bà ấy vẫn chưa thỏa lòng, cứ miên man nghĩ ngợi: Nhỡ ông kia cũng lầm tàu thì sao? Làm sao mà mình biết được? Vừa lúc ấy người tài công bước vào, bà hỏi:
– Bác tài công ơi, tàu này là tàu đi Roma phải không?
Người tài công trả lời:
– Vâng, đây chính là tàu đi Roma. Tàu sẽ chạy trong vài phút nữa. Bà cứ việc ngồi thoải mái đừng lo lắng gì cả, sẽ tới Roma an toàn.
Tới lúc ấy bà mới yên tâm, vì bà đã hỏi người có thẩm quyền trên tàu. Bà ấy đã nhận được câu trả lời từ một người có thẩm quyền nên không còn lo sợ nữa.
Mỗi người chúng ta cũng đang đi trên hành trình đời sống, một hành trình vào cõi vĩnh hằng. Có rất nhiều tôn giáo. Có rất nhiều con đường của người này kẻ kia chỉ chúng ta con đường về trời. Nhưng chỉ có một người đáng chúng ta tin cậy, vì Ngài là Thiên Chúa. Ngài có đủ thẩm quyền để chúng ta tin lời Ngài là chân lý, là sự thật. Đó chính là Chúa Giêsu.
Thực vậy, chúng ta tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và các mầu nhiệm khác trong đạo đều dựa vào lời chứng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên lời chứng của Ngài đáng để chúng ta tin. Chính Ngài đã làm nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa và phép lạ lớn nhất đó là tự mình sống lại sau ba ngày chôn cất nơi huyệt mộ. Chính Ngài không chỉ nói về Chúa Cha mà cả cuộc sống của Ngài là để tôn vinh Chúa Cha và Ngài hằng sống đẹp lòng Chúa Cha.
Bên cạnh đó, với phương pháp loại suy chúng ta cũng có thể hiểu phần nào về mầu nhiệm Một Chúa ba Ngôi. Tựa như bóng đèn điện: có dòng điện, có ánh sáng và có hơi nóng. Hoặc như cùng một dòng nước chảy nhưng có thể hiện hữu dưới ba hình thái: thể hơi, thế rắn và thể lỏng, nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng và dạng mưa.
Nhìn vào Thánh Kinh và lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa đã tỏ bày tình yêu của mình qua ba cách khác nhau: Chúa Cha đã tỏ mình ra qua việc tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người. Cho dù con người có bất trung phản loạn Chúa vẫn yêu thương, yêu thương đến nỗi ban chính Con Một của mình là Đức Giêsu Kytô làm Đấng cứu chuộc trần gian. Cứu là giải thoát. Chuộc là cái gì của mình đã mất nay phải chuộc lại. Ngôi Hai Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết, và chuộc lại chúng ta trở về làm cho cái Thiên Chúa bằng giá máu trên đồi Golgotha. Chúa Thánh Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa đã thánh hóa chúng ta thành con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa là người cha nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Chúa có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương tới cùng. Cho dù chúng ta có yếu đuối bất toàn, Chúa vẫn yêu thương. Chúa không đoán phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội. Chúa như người cha luôn ngong ngóng chờ đợi đứa con tội lỗi trở về để được ôm con vào lòng và lại ban muôn ân huệ dư tràn. Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa bằng đời sống sám hối và canh tân cho xứng đáng là con cái Chúa và xứng đáng là Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.
9. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy niệm
“Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất, bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa. Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn, bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.”
Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư. Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa, cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài. Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.
Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Phải là Đấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa, Đấng ấy là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Nhờ Đức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Ngài mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài duy nhất nhưng không đơn độc.
“Ta và Cha là một” (Ga 14,10).
“Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 16,15).
Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần.
Trong niềm hạnh phúc sung mãn, Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.
“Đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần”: đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23). “Cha sẽ ban cho các anh một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các anh luôn mãi” (Ga 14,16).
Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi!
Chúa Cha, Đấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.
Chúa Con, Đấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.
Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong Tình Yêu vì “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân xác: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân vẫn còn là ước mơ Đức Giêsu chờ ta thực hiện.
Gợi Ý Chia Sẻ
Khi cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! Có khi nào trong đời, bạn thấy Thiên Chúa thật là người Cha nhân từ không? Có khi nào bạn gặp khủng hoảng đến nỗi mất niềm tin rằng Cha yêu mình không?
Một thi sĩ Pháp – Jacques Prévert – đã viết hai câu thơ ngắn:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời,
xin Cha cứ ở yên trên ấy!”
Theo bạn, Thiên Chúa có phải là kẻ làm phiền con người không?
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.
10. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi – Noel Quesson.
Trên chuyến xe lửa Lyon-Paris, một thanh niên sang trọng ngồi bên một ông già ăn mặc thô sơ, có vẻ quê mùa. Thấy cụ già cầm xâu chuỗi, miệng lẩm bẩm đọc kinh, chàng thanh niên gợi chuyện:
– Tôi thấy ông vẫn còn tin tưởng ở tập quán thời trung cổ. Chắc ông cũng tin Đức Mẹ Đồng Trinh và những chuyện ghi trong sách Thánh, được nhai đi nhai lại trong các nhà thờ chứ gì?
Ông già trả lời:
– Đúng vậy đó cậu ạ. Còn cậu thì sao?
Chàng thanh niên cười rộ:
– Tôi mà lại tin theo những chuyện vớ vẩn ấy à? Tôi đã tìm được sự thật đầy đủ ơ trường Đại học. Ông cũng nên từ bỏ xâu chuỗi, để có giờ mà đọc các sách khoa học tân tiến.
– Tôi cũng muốn thế, nhưng sợ không hiểu nổi khoa học.
– Được rồi, tôi sẽ gửi biếu ông một số sách. Ông có biết đọc không?
– Cám ơn cậu, tôi có biết đọc.
– Thế thì tốt rồi, nhưng xin ông cho địa chỉ để tôi gửi sách.
Ông già rút trong túi ra một tấm danh thiếp, và cậu thanh niên tròn đôi mắt đọc thấy trên đó ghi: Louis Pasteur –Viện nghiên cứu khoa học–Paris. Đó là người đã viết nhiều sách khoa học mà người thanh niên say mê nghiền gẫm.
Trong đạo Công giáo có nhiều mầu nhiệm, cao sâu trên hết là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đã là mầu nhiệm thì trí khôn con người khó mà thấu hiểu được. Nhưng nếu khiêm tốn cầu nguyện và tìm hiểu, ta vẫn có thể tiếp thu những mầu nhiệm đó mà không thấy nghịch lý chút nào. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được chính Chúa Giêsu, một trong Ba Ngôi diễn tả và dạy dỗ chúng ta bằng những lời lẽ minh bạch. Vì thế mầu nhiệm này đã được mọi người, kể cả những nhà bác học, những người coi trong lý trí phải suy nghĩ, và tin nhận.
Trong lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội cho ta đọc lại năm câu cuối cùng của Tin Mừng theo Thánh Matthêu, đây là những lời kết thúc và tóm gọn toàn bộ giáo lý của Thánh Matthêu. Thấy Chúa tới, các môn đệ đã sụp lạy suy tôn Người. Đó là thái độ trước nhan Thiên Chúa, thái độ của những người nhận ra Thiên tính của Đức Giêsu (Mt 14,33; 2,11; 15,25). Tuy vậy vẫn có một số còn hoài nghi. Giáo Hội Chúa luôn là tập đoàn tội nhân. Niềm tin các tông đồ cũng như niềm tin của mọi người chúng ta luôn pha trộn nghi ngờ, hoang mang, một niềm tin trên đường đi tới. Giáo Hội tiếp đón Chúa, luôn là Giáo Hội “những người chỉ mới có chút ít đức tin” (Mt 14,31).
Tuy nhiên Chúa Giêsu vẫn không ngần ngại tiến lại gần họ, như Chúa đã lại đến bên họ sau cuộc biến hình trên núi (Mt 17,7). Cũng như Chúa vẫn tiến lại gần những người chưa có thể hoặc chưa muốn tuyên xưng một đức tin toàn vẹn, rõ ràng.
Khi đã lại gần bên ta, Chúa trao cho ta nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của Người. Nhiệm vụ đó là biến đổi toàn nhân loại thành môn đệ Chúa để mọi người đều tuyên xưng cùng một niềm tin. Tin vào Chúa là Cha vì đã tự bỏ mình và trao tặng tất cả cho Chúa Con. Tin Chúa Con đã tự hủy bỏ và hiến dâng tất cả cho Chúa Cha; Tin Thánh Thần là tình yêu chuyển thông giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Điều Chúa muốn là “tập hợp mọi người trong một tình yêu”. Thiên Chúa là một cộng đồng tình yêu hiệp nhất. Phải tìm bản tính của Giáo Hội nơi bản tính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kính lạy Chúa Ba Ngôi cực Thánh, xin kết hiệp chúng con trong tình yêu của Chúa để chúng con lấy hành động đức tin và cuộc sống bác ái yêu thương, minh chứng mầu nhiệm Tình Yêu hiệp nhất của Ngài.
11. Vinh danh Ba Ngôi.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Biến cố lớn đã được khơi động trong Giáo Hội là mừng năm sinh thứ 2000 của Chúa Giêsu. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Tông Thư “Tiến đến Thiên niên kỷ thứ ba”. Chủ đề học hỏi của ba năm chuẩn bị là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Năm 1997 dành cho suy tư về Đức Kitô, Ngôi Lời của Chúa Cha, làm người do hoạt động của Chúa Thánh Thần (số 40). Năm 1998 dành cho Chúa Thánh Thần… Đấng đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con, trong mầu nhiệm tuyệt đối của Thiên Chúa vừa là một vừa là ba, là Ngôi vị tình yêu, tặng phẩm vĩnh hằng, nguồn mạch vĩnh cửu của mọi ân huệ Chúa ban… (số 44). Năm 1999, năm thứ ba và là năm cuối cùng, hướng đến Cha trên trời, Đấng đã sai Đức Kitô và là Đấng mà Ngài đã trở về (x. Ga 16,28. Số 49).
Trong các Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta đều tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất. Tôi tin kính một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra trước muôn thuở muôn đời. Tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người là Chúa và là Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con”. Đó là lời tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính, một công thức thần học súc tích, mang nặng tính chất lý luận dài dòng và khó hiểu.
Thế nhưng, đây là một mầu nhiệm tuyệt đối nhất trong các mầu nhiệm: Mầu nhiệm hiệp thông sự sống và tình yêu.
Thiên Chúa là tình yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là chính Chúa Thánh Thần.
Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả ra ngoài trên khắp vũ trụ và đến nhân loại: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian quà tặng quí giá nhất là Người Con chí ái của Ngài, nghĩa là chính sự sống của Thiên Chúa”. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng lại trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa: “Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8), còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, “vì Thiên Chúa là Tình yêu”.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của những người yêu nhau sẽ được thực hiện nơi người con họ cho nhau. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó là chúng ta, là tình yêu chung mà họ có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vi thứ ba: Họ trở thành tình yêu chung trong môt ngôi vị thứ ba: Họ trở thành một gia đình. Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi-gọi là phần nào, bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn không thể diễn đạt tương xứng được sự khác biệt nhưng lại duy nhất vô biên nơi Thiên Chúa. Có thể nói Thiên Chúa là một gia đình: Cha, Con và Thánh Thần. Yêu thương chính là bản tính thần linh chung của Ba Ngôi, là lời lý giải cho mầu nhiệm cao cả mà chúng ta tuyên xưng.
Mầu nhiệm đức tin không bao giờ là một trò chơi và thách đố trí tuệ, nhưng luôn hàm chứa lời mời gọi sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi là một thực tại sống động trong đời sống người kitô hữu. Thật vậy, đời sống kitô hữu được khai sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Lời cầu nguyện luôn luôn là lời nguyện “với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần”. Thánh Lễ, trọng tâm của đời sống kitô hữu, cũng được khai mở và kết thúc trong Danh Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi đang sống trong lòng mỗi người, đời sống Ba Ngôi đang diễn ra trong mỗi tâm hồn. Từng giây từng phút, người Kitô hữu được liên kết chặt chẽ với Chúa Con, đến độ khi được tràn đầy Thánh Thần của Ngài, người kitô hữu trở thành con của Cha trên trời. Vì vậy, phúc lành vĩ đại nhất cho kẻ tin là “được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần” (1Cv 13,13). Do đó, sự nhận biết Thiên Chúa là tình yêu và là tình yêu cứu độ phải là sức đẩy cho chúng ta yêu thương mọi người anh em như Thiên Chúa yêu thương.
Như nơi Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban, chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi rũ bỏ não trạng ích kỷ vốn tiềm tàng ngay trong suy nghĩ, ước mơ, và tính toán để thực sự biết quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác, biết nhìn nhận người khác ngay trong cái khác biệt của họ.
Liệu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có là nền tảng cho sự hiệp thông trong cộng đoàn chúng ta không? Mỗi người trong cộng đoàn- từ cộng đoàn họ đạo đến khu phố, gia đình – có cảm thấy mình “yêu và được yêu” không? Có biết cho và nhận cách khiếm tốn không? Dấu Thánh Giá được ghi trên người “nhân Danh Chúa Ba Ngôi” có tác động gì trong đời sống chúng ta không? Có là tấm gương cho chúng ta soi bóng tình yêu hiến dâng của mình trong quan hệ với tha nhân không?
Tuy nhiên, không chỉ là tôi mở ra hướng về anh và anh hướng về tôi, để rồi lại tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Tinh thần bè phái và phe nhóm lại chẳng có mặt trong cuộc sống của chúng ta đó sao? Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tinh yêu đã chẳng tự khép kín trong gia đình Ba Ngôi, nhưng trào vọt và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ trong lòng mọi người. Cũng vậy, niềm tin thúc bách tình yêu đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cản của màu da, chủng tộc, tôn giáo, ý thức hệ, để tình yêu lan toả khắp nơi. Và tình yêu làm nên hơi thở của sự sống. Cứu độ là ở đó. Nước Trời cũng là ở đó.
Chúng ta hãy cầu xin tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi cho chúng ta từ bỏ thái độ cô độc khép kín, cùng nhau xây dựng một thế giới anh em bốn bể một nhà, cho nhân loại nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa chúng ta như Ngài đã tỏ hiện cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ngài hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần muôn đời.
12. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. HK)
Tại Melbourne, nước Úc, Mẹ Têrêxa đi thăm một người già chẳng ai quan tâm để ý đến. Nhìn thấy căn phòng của ông tồi tệ và dơ bẩn, Mẹ muốn lau chùi và quét dọn cho ông, nhưng ông cản lại:
– Tôi còn khoẻ mạnh.
Trong căn phòng của ông có một cây đèn tuyệt đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm. Mẹ Têrêxa hỏi ông:
– Tại sao ông không thắp đèn cho sáng?
– Tôi thắp đèn cho ai đây? Chẳng có ai đến thăm tôi cả, còn tôi, tôi chẳng cần phải thắp đèn.
– Ông có thắp đèn không nếu như có các sơ đến thăm ông?
– Có chứ, nếu tôi nghe thấy một tiếng người, tôi sẽ thắp đèn lên.
Sau đó một thời gian, Mẹ Têrêxa nhận được một lá thư ngắn gọn của ông với dòng chữ sau: “Xin hãy nói với các bạn hữu của tôi rằng ngọn đèn bà thắp sáng trong đời tôi sẽ còn cháy sáng luôn mãi”
Mẹ Têrêxa rồi cũng trở về Ấn độ, nhưng ngày nào ngọn đèn của ông lão còn cháy sáng ngày ấy Mẹ như vẫn còn đó trong nhà ông.
Trước khi gặp Mẹ Têrêxa, ông lão chỉ sống trơ ra đó như là không hề hiện hữu trên đời, như người ta nói đùa là ông phải sống vì chưa tìm ra lý do để chết. Nay ông có lại được “sự sống”, ngọn đèn đã được thắp lên.
Descartes, một triết gia Pháp nổi tiếng, đã có một luận đề triết được nhiều người thán phục: “Tôi suy tư nên tôi hiện hữu” (Cogito sum), người ta biết mình hiện hữu khi biết mình đang suy tư; còn câu truyện trên như mang lại cho ta một luận đề khác: “Tôi yêu nên tôi hiện hữu”, người ta cảm nhận sự hiện hữu của mình khi yêu thương.
Hai cách hiện hữu trên được diễn tả trong văn hoá Á Đông với hai chữ trí và tâm. Con người có trí, có tâm. Trong cuộc sống, tâm và trí có sự sống riêng, hiện diện độc lập bên nhau, không thể thiếu vắng trong sự sống của con người toàn thể, đã phản ánh được phần nào sự sống và hiện hữu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thánh Augustinô cũng cho thấy sự giống nhau giữa hai tiến trình hoạt động trong bản tính Thiên Chúa so với hoạt động của tư tưởng và ý chí nơi linh hồn con người (De Trin., IX, iii, 3; X, xi, 17) mà Ngôi Lời là tư tưởng – sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và Thần Khí là ý chí – tình yêu của Thiên Chúa.
Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nên sự sống của con người không chỉ phản ánh phần nào mà còn có thể được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Sự sống Thiên Chúa được thông ban cho con người qua Đức Kitô, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa: “đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 24), và qua Thần Khí, Tình yêu của Thiên Chúa: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Bởi đó, có thể nói được là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mạc khải về sự cao trọng của ơn gọi làm người: Đích nhắm sau cùng của ơn gọi làm người là chính sự sống của Thiên Chúa: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); và cuộc sống tại thế hôm nay là để chuẩn bị cho sự sống vinh hiển được xếp đặt từ đời đời cho nhân loại: “chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1Cr 2,7)
Valencia mồ côi cha lúc mới lên 5, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Sau Thánh lễ hằng ngày, cậu vào các tiệm ăn đánh giầy cho khách. Mỗi khi nhận tiền công, cậu đều làm dấu thánh giá tạ ơn Chúa.
Tụi bạn trông thấy to nhỏ với nhau: “Gạo không lo mà lo giữ đạo!” Valencia vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy.
Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ mượn đóng vai thằng quỉ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Sang màn thứ hai, trời đột nhiên đổ mưa, sấm sét nổi lên ầm ầm. Nghe sét đánh, “thằng quỉ” quên mất mình đang đóng kịch, vội quì gối làm dấu thánh giá. Khán giả cười rộ lên, tưởng thằng quỉ làm hề, không ngờ Valencia cầu nguyện thật!
Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Valencia ăn học. Đến sau, Valencia đỗ tiến sĩ lúc vừa mới 30 tuổi … nhờ dấu thánh giá!
Mỗi ngày và cả đời tôi được bắt đầu với dấu thánh giá: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” để nhắc tôi nhớ rằng Chúa là con đường và thành đạt thực của đời tôi.“Thật vậy, tất cả các dân đều bước đi nhân danh thần của mình; còn chúng ta, chúng ta tiến bước nhân danh Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, đến muôn thuở muôn đời” (Mk 4,5).
13. Bài Giảng Lễ Chúa Ba Ngôi
(Msgr. Edward Peter Browne)
Tôi tin là hầu hết qúi vị đã tham dự Thánh Lễ Phục Sinh. Thường thì rất đông người tham dự trong ngày Lễ Phục Sinh. Lễ Giáng Sinh cũng đông như vậy. Tất cả những người Công Giáo bề ngoài hay nghĩ mình là người Công Giáo thì đi dự lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Quí vị đã có mặt ở đây trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh và nếu qúi vị nhớ lại, trong Thánh Lễ ngay sau bài giảng, quí vị đã được yêu cầu canh tân lại những lời hứa của Bí Tích Thanh Tẩy. Tôi hỏi, “Anh chị em có từ bỏ Satan không?” “Thưa có.” “Và từ bỏ tất cả những công việc và các lời hứa của qủi Satan không?” “Thưa có.”
Tuyên Xưng Đức Tin
Có một lời tuyên xưng đức tin nữa và tôi sẽ hỏi anh chị em một trong những câu hỏi trong lời tuyên xưng đức tin này. Tôi sẽ hỏi để anh chị em trả lời. Câu hỏi sẽ là: “Anh chị em có tin Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Dựng nên trời đất không?” và câu trả lời của anh chị em sẽ là, “Thưa có.” Bây giờ chúng ta sẽ thử bắt đầu, “Anh chị em có tin Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Dựng trời đất không?” “Thưa có.” Tôi nghi là nếu tôi hắt xì hơi khi anh chị em đang trả lời, không ai sẽ nghe thấy câu trả lời của anh chị em bởi vì người ta trả lời theo kiểu máy móc. “Có, tôi tin.” Anh chị em đang tuyên xưng sự thật là, “Thưa có, tôi tin vào Thiên Chúa!” Hôm nay là ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi và chúng ta công bố sự thật là: TÔI TIN VÀO THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG, TÔI TIN VÀO CON MỘT THIÊN CHÚA, TÔI TIN VÀO CHÚA THÁNH THẦN. Tôi vững vàng tin tưởng. Anh chị em phải trả lời, “TÔI TIN, TÔI VỮNG VÀNG TIN! TÔI THỰC SỰ TIN! Nhưng đa số người ta nói cách nhỏ nhẹ, “Tôi tin, tôi vững vàng tin, tôi thực sự tin.”
Chúng ta sẽ không giải thích về Chúa Ba Ngôi bởi vì tôi không thể giải thích được. Đó là một mầu nhiệm. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ. Chúng ta biết Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Chúng ta biết Chúa Thánh Thần ngự trên chúng ta mỗi khi chúng ta lãnh nhận các Bí Tích và Thánh Thần ngự trong chúng ta. Chúng ta tin như thế, hay ít nhất chúng ta nói là chúng ta tin như thế.
Trong bài đọc thứ nhất của Thánh Lễ hôm nay, Mai-sen nói rằng Đây là lý do tại sao các ngươì phải biết lúc này và ghi khắc vào lòng rằng Chúa là Thiên Chúa trên trời và dưới đất và không có Chúa nào khác. Các người phải tuân giữ các lề luật và các giới răn ta nói với các người hôm nay, các người và con cháu các người sẽ thịnh vượng, các người sẽ sống trường thọ trong miền đất mà Chúa là Thiên Chúa của các người, ban cho các người mãi mãi. Anh chị em phải ghi tạc vào lòng của anh chị em: “Tôi phải tin và tuân giữ các lề luật và giới răn.” Anh chị em nói là anh chị em yêu mến Thiên Chúa, anh chị em nói là anh chị em tin vào Thiên Chúa. Cách mà anh chị em tuyên xưng đức tin của anh chị em nơi Thiên Chúa là anh chị em ghi tạc trong lòng của anh chị em rằng Chúa là Thiên Chúa trên trời, trên đất và dưới lòng đất. Rồi anh chị em tuân giữ lề luật và các giới răn. Đây chính là cách anh chị em tuyên xưng đức tin nơi Thiên Chúa.
Tin Giữ Giới Răn
Nếu chúng ta đọc lại qua các giới răn, nhiều người sẽ nghĩ rằng các giới răn thật là tiêu cực. Nhưng thực sự các giới răn là những lời công bố tích cực.Thí dụ, giới răn Thứ Nhất nói anh chị em phải thờ lạy một Thiên Chúa duy nhất. Ta là Chúa, các ngươi không được tôn thờ bất cứ chúa nào khác. Đó không phải là lời tiêu cực. Ngài nói với anh chị em là hãy có đức tin, “tin tưởng vào ta.”
Các ngươi không được xúc phạm đến danh thánh của Thiên Chúa, các ngươi phải tôn kính danh ta. Các ngươi phải sống nhân danh ta. Các ngươi phải tuyên xưng danh ta suốt đời. Đó là niềm tin nơi Thiên Chúa. Đó không phải là điều tiêu cực nhưng là tích cực.
Khi giới luật Thứ Ba nói là các anh chị em phải nhớ giữ ngày Chúa Nhật, đó là vì anh chị em tin vào Đức Giêsu Kitô Đấng là Con Thiên Chúa. Anh chị em tin là Chúa Giêsu Kitô hiện diện nơi bàn thánh. Anh chị em tin, hay ít nhất anh chị em nói là anh chị em tin rằng đây là Bí Tích Thánh Thể thật tuyệt diệu. Tuy thế, có người lại đến ăn mặc cách bê bối, vào trễ ra sớm. Anh chị em có thật tin không? Anh chị em nói là có, anh chị em tin, nhưng anh chị em lại qúa bận rộn để đến tham dự, qúa bận rộn để đến chia sẻ bí bích bởi vì anh chị em có việc khác phải làm. Anh chị em có tin không? Có chứ, anh chị em tin, nhưng anh chị em lại không thực hành niềm tin. Đức tin không thực hành thì có ích lợi gì?
Giới Luật Thứ Tư nói là anh chị em phải thảo kính cha mẹ nhờ đó anh chị em có thể sống trường thọ ở đời này. Anh chị em có thảo kính cha mẹ vì anh chị em tin tưởng vào Thiên Chúa không? Hay bởi vì đó chỉ là điều tiện lợi? Hay bởi vì chúng ta luôn làm như thế, đó là điều đáng làm. Nó phải được thi hành vì tôn kính đối với Thiên Chúa. Chúng ta phải tôn kính Thiên Chúa Cha của chúng ta và cha mẹ chúng ta là bậc đại diện của Thiên Chúa. Chúng ta phải tôi kính các ngài giống như tôn kính Thiên Chúa Cha.
Chúng ta có Giới Luật thứ Năm dạy rằng, “Các ngươi không được giết người.” Tại sao? Bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên ta. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống. Thiên Chúa đã ban cho chúng tất cả các tạo vật. Ngài đã đặt hàng triệu các vì sao trên giải ngân hà. Ngài ban cho chúng ta sự sống. Ngài truyền hãy tôn trọng sự sống đó bởi vì đó là sự sống của Thiên Chúa nơi chúng ta. Tuy thế, nhiều người mẹ lại giết con mình. Có những trẻ em giết các trẻ em khác. Và anh chị em lại nói, có tôi tin nơi Thiên Chúa. Điều đó không nói lên là anh chị em tin.
Chúng ta có Giới Răn Thứ Sáu: “Các ngươi không được phạm tội tà dâm ngoại tình, không được xúc phạm đến sự sống ta đã ban cho các ngươi.” Đó không phải là điều tiêu cực mà là vấn đề dâng lại cho Thiên Chúa sự tôn trọng đời sống của anh chị em. Ngài đòi anh chị em phải thi hành sự trong sạch thanh khiết, bởi vì đây là những món qùa vô giá được Thiên Chúa ban cho chúng ta và chúng ta không muốn phá hủy đi, chúng ta không muốn phung phí, chúng ta không muốn gây trở ngại, chúng ta muốn bảo vệ niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa. Tuy vậy, hãy nhìn vào xã hội ngày nay. Chẳng ai thực sự tin những điều này là qùa tặng của Thiên Chúa. Chúng chỉ là những thứ đồ chơi. Người ta nói có đấy, họ tin vào Thiên Chúa.
Các giới răn truyền rằng “Các ngươi không được lấy của người khác.” Điều đó có nghĩa là thi hành tinh thần công bình. Đó không phải là điều tiêu cực mà là điều tích cực. Tôi sẽ sống công bình. Tôi sẽ trao cho người khác cái thuộc về họ. Tuy thế người ta lại lấy của Thiên Chúa, không phải chỉ lấy của tha nhân, họ lấy trộm của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói, “Hãy dâng lại cho ta một số những cái Ta đã ban cho các ngươi.” Có bao nhiêu người dâng lại cho Thiên Chúa? Bao nhiêu người đóng góp? Có bao nhiêu người dâng hơn một phần trăm lợi tức của họ cho Thiên Chúa? Anh chị em nói có, anh chị em tin tưởng vào Thiên Chúa, anh chị em tin sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời sống. Anh chị em tin. Anh chi em nói anh chị em tin, nhưng anh chị em làm điều gì? Anh chị em có tuân giữ các lề luật và các giới răn mà “Ta đã trao cho các ngươi hôm nay”?
Người ta nói dối, làm chứng dối, phá hại người láng giềng, đổ lỗi không đúng sự thật cho người khác, và họ nói họ tin nơi Thiên Chúa nhưng họ lại phá hại người hàng xóm của họ. Họ không tôn trọng đời sống của người khác. Tất cả những điều này là sự bày tỏ niềm tin của chúng ta. Chúng ta bày tỏ niềm tin của chúng ta bằng cách chúng ta hành động. Nếu anh chị em nói là anh chị em tin vào Thiên Chúa, thì hãy hành động như anh chị tin nơi Thiên Chúa. Hãy tuân giữ các giới răn và các lề luật. Hãy trung tín với Thiên Chúa, tin tưởng nơi Thiên Chúa, tôn kính Ngài. Hãy đến với các Bí Tich cách tôn kính và mong mỏi Chúa Giêsu Kitô đến với mình trong Bí Tích Thánh Thể. Tôi phải cung kính trong cách đón nhận Ngài vào trong đời sống của tôi. Tôi có tin như thế không? Nếu tôi tin, thì tôi sẽ thực hành.
Thực Hành Điều Mình Tin
Chỉ đơn giản nói, “Lạy Chúa, lạy Chúa,” sẽ không đưa anh chị em vào nước trời. Chỉ có một điều là nếu tôi tin thì tôi thực hành. Nếu anh chị em tin rằng anh chị em đã có sự thành công trên đời, có thể nuôi nấng gia đình, lo cho sức khỏe của mình, đó chính là vì anh chị em đã phải làm một số điều. Nếu anh chị em tin nơi Thiên Chúa thì anh chị em cũng phải làm một số điều. Đây chính là lý do tại sao anh chị em biết và ghi tạc trong lòng rằng Chúa là Thiên Chúa trên trời và dưới đất, và không có chúa nào khác. Các ngươi phải tuân giữ các huấn lệnh và giới răn mà Ta ban cho các ngươi hôm nay để nhờ đó các ngươi được trường thọ trong đất mà Chúa là Thiên Chúa của các ngươi đã ban cho các ngươi. Đất mà Thiên Chúa ban cho anh chị em vĩnh viễn là ơn cứu độ muôn đời. Anh chị em có tin như thế không? Anh chị em có thực lòng tin rằng chỉ có một Thiên Chúa Ba Ngôi không? Có tin Thiên Chúa đó đến để cứu chuộc anh chị em không? Nếu anh chị em tin như thế thì anh chị em sẽ tuân giữ các huấn lệnh và các giới răn của Ngài.
Ngay khi tôi giảng giải xong, chúng ta sẽ đứng lên để cùng đọc kinh Tin Kính. Chúng ta tin vào một Thiên Chúa duy nhất, chúng ta tin vào Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta tin điều này, tin điều kia, chúng ta tin vào nhiều điều khác, nhưng anh chị em có sống niềm tin đó không? Hay đó chỉ là cách chúng ta trả lời, “Có” khi được hỏi “Anh chị em có tin vào Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Thành trời đất không?” Đó có phải là cách mà anh chị em bày tỏ lòng tin của mình không?
Đây chính là điều chúng ta được mời gọi để thực hiện. TÔI TIN VÀO THIÊN CHÚA Và bởi vì tôi tin vào Thiên Chúa, tôi tin như là người con nhỏ của Thiên Chúa nhờ đó sự sống viên mãn của thiên Chúa có thể trở thành của tôi và dành cho tôi mãi mãi! Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn.
14. Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Christophoro Columbo, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: “Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh”.
Lần kia, khi Columbo trình bày về thuyết “Trái đất tròn” trước một nhóm học giả được gọi là Hội Đồng Salamanca, một tổ chức quy tụ những nhà khoa học và thần học danh tiếng nhất thời bấy giờ, ông đã khởi đầu như sau: “Hôm nay tôi được hân hạnh đứng trước mặt các ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì hoàng đế đã truyền lệnh cho tôi đệ trình lên sự khôn ngoan của quý vị một dự án mà tôi xác tín là Chúa Thánh Thần Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi hứng cho tôi”.
Trong cuộc hành trình thứ ba của ông khởi hành năm 1948, Columbo đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm Tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là “Trinidad”, tức là Chúa Ba Ngôi.
Trong suốt cuộc đời, người Kitô hữu chúng ta luôn kinh nghiệm sự gần gũi của Ba Ngôi Thiên Chúa: lúc vừa mở mắt chào đời, chúng ta được nhận lãnh Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi. Trong suốt ngày sống, chúng ta thường ghi dấu thánh giá trên mình với lời chúc tụng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, cũng như mỗi lần chúng ta dùng bữa hay khi khởi đầu mọi sinh hoạt.
Cộng vào đấy mỗi lần chúng ta vấp ngã và khiêm nhượng đi xưng thú những lỗi lầm trong tòa cáo giải, chúng ta được giao hòa lại với Thiên Chúa và cộng đoàn nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và cũng nhân danh Người các đôi trai gái yêu nhau được nối kết để chung sống đời hôn nhân.
Rồi cả các bệnh nhân cũng được ban ơn sức mạnh nhờ danh Thiên Chúa Ba Ngôi để khi nhắm mắt xuôi tay, các Kitô hữu chúng ta cũng được tiễn đưa vào cuộc sống đời sau và được chôn cất nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mặt khác, Chúa Ba Ngôi cũng là trung tâm và mục đích mọi hoạt động của những kẻ tin kính Người. Bởi thế chúng ta thường kết thúc nhiều Kinh và những sinh hoạt bằng câu: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.
15. Chúa Ba Ngôi.
Khi dựng nên Adong, Thiên Chúa đã phán: Chúng ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh chúng ta. Tại sao Thiên Chúa lại bảo: Chúng ta hãy dựng nên. Sở dĩ như vậy là vì Thiên Chúa có Ba Ngôi cùng nói và làm. Qua đó Ngài đã trao phó cho con người một công việc cao trọng, đó là chúc tụng Ba Ngôi trong cuộc sống của mình.
Nhưng con người đã chống lại ý định muôn thuở của Thiên Chúa. Vì sự bất tuân lệnh truyền mà con người đã phá hủy mất cái hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn mình.
Nhưng may thay, Chúa Giêsu đã đến, nhờ việc nhập thể, Ngài đã sửa lại điều sai lỗi của ông bà nguyên tổ, Vì thế, trong đêm Giáng sinh, các thiên thần đã hát vang ngoài đồng vắng Bêlem: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình dan dưới thế cho người thiện tâm.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn tô lại hình ảnh của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta dâng lên Chúa Ba Ngôi lời chúc tụng tôn vinh. Cuộc canh tân nội tâm, cuộc đổi mới tự bên trong này được thực hiện cho chúng ta, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, vào lúc chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
Chính vì thế, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta sẽ nói, không phải chỉ ở trên môi miệng mà còn ở thẳm sâu cõi lòng: Sáng danh Đức Chúa Cha Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
Bởi đó, ngày lễ Chúa Ba Ngôi phải là một ngày lễ giúp chúng ta tưởng nhớ đến Bí tích Rửa tội, vì nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con của Chúa Cha, em của Chúa Giêsu và đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Hơn nữa, Bí tích Rửa tội còn nói lên mối dây liên hệ giữa chúng ta và Chúa Ba Ngôi. Đây cũng là điều mà dấu thánh giá nhắc nhở cho chúng ta.
Thực vậy, khi làm dấu thánh giá, chúng ta hãy nhủ thầm: Tôi đã được rửa tội nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế, tôi phải chu toàn thánh ý Chúa Cha, thực hiện những lời giảng dạy của Chúa Con và thánh hóa bản thân với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.
Đồng thời, ngày lễ Chúa Ba Ngôi ngày hôm nay, còn đem lại cho chúng ta niềm an ủi và khích lệ. Chúa Cha luôn nhìn xem chúng ta, yêu mến và giúp đỡ chúng ta. Chúa Con luôn khuyên nhủ chúng ta noi gương bắt chước Ngài, quảng đại chấp nhận những hy sinh, những gian khổ. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta làm lành tránh dữ, trao ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh.
Tại sao trong ngày hôm nay chúng ta không cầu xin cho được trung thành với những lời chúng ta đã đoan hứa trong ngày chịu phép rửa tội. Nếu chúng ta đã tuân giữ, thì thật là may mắn vì hạnh phúc nước trời đang chờ đón chúng ta, bằng không, thì thật là bất hạnh vì án phạt đời đời sẽ đè nặng trên chúng ta. Hãy nhớ lại lời đoan hứa mà cha mẹ đỡ đầu, thay mặt cho chúng ta đã nói lên trong ngày chúng ta chịu phép rửa tội. Tôi muốn là người con ngoan của Chúa Cha, người môn đệ trung thành của Chúa Giêsu, và người học trò nhỏ của Chúa Thánh Thần.
Ngày hôm nay, chúng ta không có cơ hội lấy máu đào, lấy mạng sống để làm chứng cho tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta có quá nhiều vấn vương, qúa nhiều níu kéo, quá nhiều cám dỗ, đòi buộc chúng ta phải thắng vượt, nếu chúng ta muốn trung thành với Chúa.
Chúng ta hãy tập cho mình có thói quen làm dấu thánh giá một cách trang nghiêm và sốt sắng, để tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cũng như mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế và cứu độ chúng ta. Đồng thời hãy nhớ lại và tuân giữ nghiêm chỉnh những gì chúng ta đã đoan hứa trong ngày chúng ta chịu phép rửa tội.
Xin Chúa Cha toàn năng gìn giữ chúng ta. Xin Chúa Con đổ đầy tình yêu của Ngài trong lòng chúng ta và xin Chúa Thánh Thần luôn luôn soi sáng và hướng dẫn chúng ta trên đường nẻo dẫn tới quê trời.
16. Tình yêu.
Giáo lý về Chúa Ba Ngôi là một phần giáo lý rất cao siêu. Nhưng Kinh Thánh không dạy một giáo thuyết khi nói về Thiên Chúa. Qua các câu chuyện Kinh Thánh nói cho chúng ta biết về một Thiên Chúa là Cha nhân từ, nhưng cũng là một Đấng Tạo Hóa Toàn Năng đã dựng nên trời đất muôn vật. Một vài đoạn Kinh Thánh khác cũng cho thấy Thiên Chúa như một người mẹ hiền. Thiên Chúa đã trở nên một con người trong Đức Giêsu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa, và Ngài cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha. “Người Con” này nói cho chúng ta biết về Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ được Chúa Cha và Chúa Con cử đến.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tìm thấy công thức mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Như vậy, Kinh Thánh mạc khải Thiên Chúa như một cộng đồng của tình yêu.
Vì Thiên Chúa là tình yêu nên Thiên Chúa không hiện hữu trong sự cô độc. Chúa Cha trao ban tất cả cho Chúa Con và Chúa Con Dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết giữa Cha và Con để hình thành một cộng đồng Ba Ngôi. Trong cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu của Chúa Cha được Chúa Con đón nhận và dâng hiến trở lại. Tình yêu hỗ tương giữa Cha và Con được trải rộng nhờ Chúa Thánh Thần để tạo nên một cộng đồng của tình yêu.
Bản chất của tình yêu là lan tràn. Vì thế, việc tạo dựng vũ trụ được xem như kết quả của tình yêu tràn trề của Thiên Chúa. Tất cả mọi thụ tạo và đặc biệt là con người được coi như đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Trong tất cả mọi loài thụ tạo, con người gần gũi với Thiên Chúa hơn cả trong cách sống và tình yêu.
Nhưng con người vì một phần được tạo nên bởi vật chất, nên không có khả năng mở ra trọn vẹn cho người khác trong một tình yêu vị tha hoàn hảo được. Vì thế, Thiên Chúa đã trở nên con người trong Đức Giêsu Kitô để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần mà cho con người vượt lên, đi vào một tương quan tình yêu tự do và vị tha với Thiên Chúa và với người khác. Được tái sinh trong phép rửa nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta được trao phó nhiệm vụ là trở nên tấm gương phản chiếu cộng đồng tình yêu của Chúa Ba Ngôi trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của chúng ta, một trách nhiệm lớn lao.
Lạy Chúa Ba Ngôi, con cảm tạ Chúa đã lôi kéo con vào trong tình yêu của Chúa. Xin cho con cũng biết yêu thương như Chúa đã yêu thương.
17. Hiệp thông.
Sau khi mùa Phục Sinh chấm dứt với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội dành riêng để mời gọi người Kitô hữu suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Trước hết, chúng ta có thể quả quyết: Chúng ta không thể biết gì về Chúa Ba Ngôi nếu chính Chúa Giêsu không dạy bảo cho chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không giảng bài nào, cũng không dùng hình ảnh nào để giải nghĩa cho chúng ta về đời sống hiệp thông giữa Ba Ngôi, nhưng có những sự việc và hoạt động cụ thể bày tỏ cho chúng ta biết có ba ngôi, hoạt động của từng ngôi và đời sống hiệp thông giữa ba ngôi, dựa theo diễn tiến cuộc đời Chúa Giêsu.
Công việc đầu tiên trong Tin Mừng cho biết về Chúa Ba Ngôi là khi sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho chúng ta biết: Đấng tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giocđan thì trời mở ra, Thánh Thần như chim bồ câu đậu xuống trên Ngài và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Chim bồ câu chính Kinh Thánh đã cho biết là Chúa Thánh Thần, còn tiếng từ trời cao là tiếng Chúa Cha xác nhận và giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Trong hội đường ở Nagiarét, Chúa Giêsu đọc Kinh Thánh: “Thần Khí của Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi…” Thần Khí là Chúa Thánh Thần, còn tiếng “của Chúa” là Chúa Cha, cả hai sai Đức Giêsu đi loan báo Tin Mừng.
Khi 72 môn đệ đi truyền giáo về vui mừng báo cáo kết quả, thì Chúa Giêsu được Thánh Thần tác động, nên phấn khởi thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, là Chúa tể trời đất…” có đầy đủ ba ngôi.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bào Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bào Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Rửa tội cho muôn dân nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, nghĩa là làm phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, để được hiệp thông với sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ngoài ra, sách Tin Mừng còn nói đến sự hiệp thông giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha trong việc cầu nguyện và thi hành ý Chúa Cha, và sự hiệp thông giữa Chúa Giêsu với Chúa Thánh Thần như: “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần… và Thánh Thần dẫn vào hoang địa, hoặc Chúa Giêsu thổi hơi vào các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Qua những sự việc và hoạt động diễn tả mối hiệp thông giữa ba ngôi như trưng dẫn trên, Chúa Giêsu cho chúng ta biết: có ba ngôi, ba ngôi cùng một bản tính, mỗi ngôi có tương giao khác nhau với hai ngôi kia và có sứ mệnh riêng biệt, nhưng ba ngôi không tách rời nhau trong bản tính cũng như trong hoạt động, nên ba ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất chứ không phải là ba Chúa. Như vậy, chúng ta tin chỉ có một Thiên Chúa trong ba ngôi, và ba ngôi chỉ là một Thiên Chúa, và có cùng một bản tính, nhưng ba ngôi khác biệt nhau thực sự chứ không phải chỉ là ba danh hiệu. Mỗi ngôi có tương giao với hai ngôi kia cùng thực hiện những công trình sáng tạo và cứu độ, nhưng Ngôi Con là Đức Giêsu thì nhập thể cứu chuộc, và ngôi Thánh Thần thì nối tiếp công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, để đem mọi người về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Những điều trên đây là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm về bản tính của Thiên Chúa và cũng là tâm điểm của đức tin và đời sống người Kitô hữu. Quả thực, chúng ta đã được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi; tội lỗi chúng ta được tha thứ nhân danh Chúa Ba Ngôi; vợ chồng kết hôn do sự chúc phúc của Chúa Ba Ngôi; Chúa Ba Ngôi hiện diện trong hình bánh khi chúng ta rước lễ, vì ở đâu có Chúa Con thì ở đấy cũng có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; chúng ta đón nhận sức mạnh của Chúa Ba Ngôi khi chịu phép Thêm sức; linh mục ban phép lành cho chúng ta cũng nhân danh Chúa Ba Ngôi; trên giường chờ đợi sự chết đến, linh mục phó linh hồn chúng ta cho Chúa Giêsu. Ngoài ra, Giáo hội còn dạy chúng ta trước khi làm hay sau khi làm một công việc gì chúng ta hãy làm nhân danh Chúa Ba Ngôi, để cầu xin, chúc tụng hay cảm tạ Chúa. Vì thế, Giáo hội tập họp chúng ta nhân danh Chúa Ba Ngôi, Giáo hội khởi đầu và kết thúc mọi kinh nguyện nhân danh Chúa Ba Ngôi, hoặc như ông Te-tu-liên nói: “Dầu khi thức dậy hay đi ngủ, dầu khi ăn hay làm một việc gì, anh em hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Dấu thánh giá là biểu hiệu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bất cứ điều gì đã gọi là mầu nhiệm, tức là đã khó hiểu rồi, về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi lại càng khó hiểu hơn. Nhưng khó hiểu mà chúng ta vẫn tin, và cũng vì thế mà mọi việc làm của chúng ta và cả cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và có giá trị. Xin Chúa cho chúng ta luôn tin vững chắc mọi điều Chúa và Giáo hội dạy.
18. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Nếu hiểu rằng mầu nhiệm là những gì chúng ta chưa thể hiểu thấu, thì quả thực đời sống của chúng ta bị chìm đắn, bị bao phủ bởi biết bao nhiêu mầu nhiệm.
Thực vậy, chúng ta băn khoăn thắc mắc về tương lai hậu vận, để rồi có người đã đi hỏi ông thày bói, thế nhưng như tục ngữ đã diễn tả:
– Bói ra ma, quét nhà ra rác.
– Tay cầm tiền quí bo bo,
Đưa cho thày bói, thêm lo vào mình.
Rốt cuộc cũng chẳng giải quyết được gì. Hậu vận thì vẫn mịt mù, còn tương lai thì vẫn là một mầu nhiệm.
Chúng ta suy nghĩ về tình yêu, mà rồi cũng chẳng biết được cái tình là cái chi chi. Bao nhiêu người tôi gặp, bao nhiêu người tôi quen, mà sao trái tim tôi vẫn lạnh lùng băng giá. Thế rồi tới một lúc nào đó, trái tim tôi lại “lúc lắc” và chỉ lúc lắc với một người nào đó. Và tình yêu mãi mãi vẫn còn là một mầu nhiệm.
Ngoài ra, còn biết bao mầu nhiệm khác nữa. Nào là mầu nhiệm về sự sống, mầu nhiệm về sự chết, mầu nhiệm về thiên nhiên, mầu nhiệm về con người…Chúng ta cố gắng tìm tòi để thỏa mãn phần nào nhu cầu hiểu biết, cũng như để hạnh phúc cuộc đời được bảo đảm hơn.
Thế nhưng, có một mầu nhiệm rất quan trọng, khả dĩ có thể đem lại cho chúng ta lời giải đáp về số mệnh, về cuộc sống, mà chúng ta lại quên lãng, đó chính là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Đây quả thực là một mầu nhiệm tuyệt vời, đến nỗi thánh Phaolô đã phải kêu lên:
– Ôi thẳm sâu thay sự khôn ngoan và phong phú của Thiên Chúa. Đường lối của Ngài cao cả lắm thay.
Ngày nay, mặc dù nhiều người không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng lại coi Thiên Chúa như là đã chết, không còn tác động và ảnh hưởng tới sinh hoạt của cá nhân và xã hội. Đó chỉ là một vị Thiên Chúa vừa trừu tượng lại vừa xa lạ, bị đóng băng vào trong những ý niệm mang tính cách triết học.
Nhưng với chúng ta thì khác. Thiên Chúa vẫn còn mãi và Ngài luôn hiện diện. Ngài đã vén bức màn che phủ để hé mở cho chúng ta được hiểu biết về Ngài. Việc mạc khải, việc hé mở này được thự hiện nhờ Đức Kitô.
Thực vậy, nhờ Đức Kitô, chúng ta biết được rằng có một Thiên Chúa và Ngài có ba ngôi. Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, Đng đã dựng nên chúng ta. Ngôi thứ hai là Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc chúng ta và Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa chúng ta.
Hơn thế nữa, cũng nhờ Đức Kitô chúng ta còn biết được rằng Thiên Chúa chính là một người cha hằng yêu thương, chăm sóc chúng ta cũng như lo lắng đến tương lại của chúng ta.
Phải chăng tâm trạng của chúng ta cũng giống như tâm trạng của các tông đồ khi lên tiếng hỏi Chúa Giêsu:
– Xin Thày chỉ cho chúng con biết Chúa Cha.
Và Chúa Giêsu đã trả lời:
– Ai thấy Thày là thấy Cha.
Như vậy, Thiên Chúa Cha đã tỏ mình ra nơi Đức Kitô. Và cùng với Đức Kitô, chúng ta có thể mừng vui kêu lên rằng: Abba, cha ơi.
Trong một trận cuồng phong, con thuyền chao qua đảo lại, khiến mọi hành khách đều khiếp sợ, tuy nhiên có một em nhỏ vẫn bình tĩnh ngồi chơi trong một xó góc. Người ta hỏi em:
– Tại sao em không sợ hãi.
Em trả lời:
– Làm sao cháu có thể sợ hãi khi chính ba cháu là người đang điều khiển con tàu.
Cũng thế, tại một thành phố nọ đã xảy ra động đất dữ dội, mọi người đều run sợ kinh hoàng. Thế nhưng, có một bà cụ rất bình tĩnh đi lại chăm sóc cho các nạn nhân, mặc dù nhà của bà cũng đã bị sụp đổ. Người ta hỏi bà tại sao, bà trả lời:
– Không khi nào tôi run sợ, trái lại tôi luôn bình an, bởi vì Thiên Chúa là Cha của tôi, Ngài có thể lay chuyển cả nền móng trái đất.
Hãy xác tín rằng: Thiên Chúa là Cha nân từ. Ngài nắm giữ toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta trong bàn tay đầy quyền năng và yêu thương của Ngài.
19. Mầu nhiệm tình yêu.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo, Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von. Thậm chí con người nói rằng; là như thế là đùa bỡn với Thiên Chúa, còn tệ hơn phủ nhận Ngài.
Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào, dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm này. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần, tức là Ngài đã dần dần vén lên bức màn của mầu nhiệm này.
Ngài cho biết; Chúa Cha là Thiên Chúa, còn ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, nghĩa là Ngài cùng bản tính với Chúa Cha, Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng Ngài và Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.
Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm và mãi mãi vẫn là mầu nhiệm. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tượng chặn đứng suy luận và óc tưởng tưởng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, nghĩa là ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban con yêu dấu của Ngài để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời, Ngài đã sai Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.
Cho nên, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội Không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa không khép kín lại trong Ba Ngôi, nhưng đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.
Ngày kia, có một đan viện phụ tìm đến một thiền sư. Vị đan viện phụ buồn rầu cho biết tình trạng bi đát của tu viện mình và xin ý kiến. Trước đây, tu viện là một trung tâm hành hương lớn, thu hút không biết bao nhiêu tâm hồn mộ đạo. Nhưng bây giờ tu viện gần như đã trở thành ngôi chùa trống vắng. Nghe xong vị thiền sư nói: “Tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn là tội vô tình. Thiên Chúa đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài”. Khi biết điều đó, trong tu viện, mọi người đều thắc mắc không biết ai trong số những thành viên của tu viện là Thiên Chúa đã cải trang. Và từ đó ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện.
Mạc khải lớn nhất mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, đó là Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta vô cùng. Tình yêu của Ngài là một lời mời gọi. Ngài muốn chúng ta lên đường, nói theo Con Một của Ngài: sống yêu thương nhau, vì tất cả đều là anh chị em, con cùng một Cha. Thiên Chúa hằng mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc sống của Ngài, cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, một cuộc sống của tình yêu thương, có nghĩa là Ngài kêu gọi chúng ta hãy sống hiến thân cho anh em, đừng sống ích kỷ cho riêng mình, nhưng hãy mở rộng đôi tay, mở rộng tầm nhìn, nới dài đôi chân và mở rộng tấm lòng đến với mọi người chung quanh.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống yêu thương nhau. Và sống yêu thương nhau là cách thế tuyên xưng mầu nhiêm Chúa Ba Ngôi vậy.
20. Ở cùng anh em.
Đôi khi, một người chăm sóc có thể làm cho một người nào đó, chỉ là sự hiện diện bên người này mà thôi. Nhưng đây là một điều quan trọng, bởi vì giúp cho người đang đau khổ có được một quan hệ đồng hành vững vàng. Để nhận biết được điều này, chúng ta phải nhận biết có một Đấng luôn săn sóc con người, làm cho thế giới khác biệt hẳn, giải thoát người đau khổ khỏi cảm giác bị bỏ rơi.
Đức Giêsu ủy thác cho các tông đồ của Người sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, Người còn nói với họ là sẽ luôn luôn ở cùng họ. Đó là tất cả những gì mà Người có thể hứa hẹn với họ. Người nói một cách đơn giản “Thầy sẽ luôn ở cùng anh em… cho đến tận thế”. Không còn lời đảm bảo nào khác nữa, mà chỉ là “Anh em hãy tin tưởng vào Thầy. Thầy sẽ luôn ở cùng anh em”.
Nhưng đây là lời đảm bảo quan trọng nhất, mà Người có thể ban cho họ. Mặc dù lời nói này không đảm bảo tránh cho họ một cuộc sống khỏi bị rắc rối, và cũng không mang lại cho họ một cuộc sống thành công; họ biết rằng miễn là Đức Giêsu ở với họ, thì họ sẽ có lòng can đảm và sức mạnh, để đương đầu với bất cứ khó khăn nào ở phía trước.
Đối với chúng ta, cảm giác về sự hiện diện của Đức Giêsu ở với chúng ta không làm thay đổi được thế giới, nhưng sự hiện diện của Người có thể ban cho chúng ta lòng can đảm để đương đầu với thế giới. Chúng ta không cầu xin Thiên Chúa thay đổi thế giới, để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn đối với chúng ta, trong khi chúng ta đang đối phó với một số hoàn cảnh khó khăn mà thôi. Sự gần gũi của Thiên Chúa che chở chúng ta khỏi cảm giác bị bỏ rơi thất vọng.
Theo truyền thống Kinh Thánh, Credo (Kinh Tin Kính) của những người đạo đức là niềm tin vững vàng của họ vào sự hiện diện của Thiên Chúa nơi họ. Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ những người ngay chính, nhưng Người ban cho họ phần thưởng ở cuộc sống mai sau.
Theo thời gian, không phải lúc nào những người đi theo Đức Giêsu cũng luôn luôn cư xử với nhau theo cách thế mà các Kitô hữu nên làm. Đã có những cuộc cãi vã nhau giữa họ, đưa đến hậu quả là ngày nay, chúng ta không chỉ có một Giáo hội Công giáo, mà còn có đến mấy Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, bất chấp những sa ngã của những kẻ đi theo Người, và nhiều cuộc bắt bớ khủng khiếp. Tin Mừng vẫn đến với chúng ta qua 2000 năm. câu giải nghĩa cho điều này chắc chắn nằm ở lời hứa của Đức Giêsu “Thầy sẽ luôn ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng ở với Thiên Chúa. Cuộc sống bận rộn của chúng ta làm cho chúng ta mất quan hệ với Thiên Chúa. Khi mất quan hệ với Người, thì nơi chúng ta, xảy ra một sự mất mát rất lớn. Chúng ta nên chú tâm vun xới ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, và nuôi dưỡng ý thức này bằng lời cầu nguyện.
21. Cửa sổ.
Một người đàn ông bị bắt giam vào nhà tù. Ông ta chỉ được nhìn ra thế giới bên ngoài, thông qua một cửa sổ nhỏ cao trên tường. Lúc đầu, ông ta ghét cảnh bị giam hãm, và coi thường tầm nhìn khốn khổ mà ông ta có về thế giới bên ngoài, đó là thế giới duy nhất mà ông ta tin tưởng.
Nhưng thời gian qua đi, và cái cửa sổ nhỏ đó đã trở thành một người bạn của ông. Thật vậy, mặc dù nó chỉ cho ông một mẩu cuộc sống nhỏ xíu – một làn mây, một máy bay vụt bay qua, một chiếc lá rơi, một giọt nước mưa, một bông tuyết…, nhưng ông nhận ra rằng nó không phải là một đồ vật xấu xa gì. Ô cửa sổ đó bắt buộc ông phải tập trung vào những điểm đặc biệt, và biến cái nhỏ nhoi trở thành cái lớn lao. Ông kinh ngạc khám phá ra rằng thông qua một mẩu vật nhỏ bé như thế, làm thế nào mà cuộc sống lại có thể thật phong phú đến thế. “Nhìn qua một khe hở, không lạ gì khi có cả một bầu trời quá rộng lớn ở đó” (Patrick Kavanagh).
Đôi khi, khung cảnh từ cửa sổ lại nông cạn và mờ đục. Dường như thế giới kết thúc ngay tại khung cửa sổ. Nhưng những lúc khác, cửa sổ lại mở ra một bầu trời trong xanh và trống trải. Thế rồi cửa sổ còn mở vào cõi vô biên, và ông cảm thấy bên trong con người ông bừng tỉnh những ước muốn siêu việt, mà ông không bao giờ biết rằng những ước muốn này muốn có ở đó. Vì thế, cái cửa sổ đó đã giúp ông đánh giá được những sự vật ở trên cõi trời, cũng như ở dưới mặt đất.
Cuối cùng, ông được phóng thích. Tất nhiên là khi được phóng thích, ông sẽ có được nhiều thứ. Bây giờ, tất cả mọi sự đều sẵn có đối với ông. Nhưng ông lại có khuynh hướng nhìn vào tất cả mọi sự một cách chung chung, và không có gì là đặc biệt cả. Và ông cũng cảm thấy là mình bị mất mát. Ở trong tù, ông có được một chiều kích siêu việt về cuộc sống của mình. Thế giới, “bên ngoài” rất quan trọng đối với ông. Ông gia tăng tình yêu đối với cảm giác rằng có một thế giới khác vĩ đại hơn nhiều, so với thế giới hiện tại của ông. Hiện nay, ông e sợ rằng một khi đã bị nhận chìm do sự tầm thường, thì cảm giác này, ước muốn này sẽ quay trở lại với giấc ngủ im lìm, hoặc sẽ chết đi vì sự thờ ơ.
Đức tin cung cấp cho chúng ta một khung cửa sổ để nhìn ra bên ngoài. Đức tin mở ra cho chúng ta một lối đi đến một thế giới khác – thế giới của cõi đời đời, thế giới của Thiên Chúa. Nhưng sự bận bịu của chúng ta đối với cuộc sống tại – đây – và – trong – lúc này có thể tước đoạt của chúng ta “bên ngoài”, có thể kéo một bức màn che mất khung cửa sổ. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta có thể chôn vùi những ước muốn siêu việt của mình, nhưng chúng ta không thể dập tắt chúng được.
Khi chúng ta tự cho phép mình đánh mất quan hệ với Thiên Chúa, thì sẽ xảy ra một sự mất mát rất lớn. Tác giả salman Rushdie nói “Khi tôi còn trẻ, tôi sống đạo đức một cách không có ý thức. Nhưng hiện nay thì không, tôi đã có ý thức về khoảng không gian nơi Thiên Chúa ngự”.
Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta có ước muốn chiếm hữu được một cái gì đó ở bên ngoài thế giới mà chúng ta đã biết, bên ngoài bản thân chúng ta, thậm chí vượt ra khỏi sức tưởng tượng của chúng ta. Đây là nơi mà đức tin của chúng ta vươn tới.
Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Thiên Chúa là Cha, chúng ta có một Người Cha luôn quan tâm săn sóc chúng ta, chúng ta có một Người Anh Cả đã chịu chết vì chúng ta, và có một Đấng An ủi luôn hướng dẫn chúng ta đến với vương quốc vĩnh cửu.
22. Tình yêu.
Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Hay nói cách khác Thiên Chúa chính là nguồn gốc của mọi tình yêu, Thiên Chúa là mẫu mực cho mọi tình yêu.
Thiên Chúa là tình yêu có nghĩa là không có nơi nào tình yêu được trọn vẹn hoàn hảo cho bằng tình yêu nơi Thiên Chúa. Vì thế suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa có thể giúp ta rút ra được những gương mẫu cho tình yêu loài người.
Vậy hôm nay, dịp lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa có những đặc điểm gì?
1. Đặc điểm thứ nhất là tình yêu của Thiên Chúa không cô độc.
– Thiên Chúa không phải chỉ có một Ngôi tự yêu thương mình, nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi yêu thương nhau.
– Điều đó cho thấy yêu thương phải có đối tượng. Yêu thương thì là phải yêu thương ai khác mình, ngoài mình. Yêu thương không có đối tượng là yêu thương chính mình, đó là ích kỷ, nếu không muốn nói là bệnh hoạn. Ngày xưa có một anh chàng tên là Narcisse không yêu thương ai hết ngoài chính bản thân anh ta, anh yêu mình đến nỗi một hôm nhìn thấy bóng dáng mình phản chiếu trên mặt nước một cái giếng, anh xúc động quá nhảy tùm xuống giếng để ôm lấy hình ảnh của mình và phải chết đuối. Về sau người ta đặt tên chứng bệnh tự yêu thương mình là chứng bệnh Narcisse.
– Nhưng tại sao yêu thương cần phải có đối tượng? Thưa cần có đối tượng để mà chăm sóc, phục vụ, âu yếm, ban phát… nói tóm lại để mà cho đi. Yêu thương là cho đi. Khi ta yêu thương ai, ta thích cho người đó hoặc cái này hoặc cái nọ: khi thì cho một món quà, khi thì cho một sự chăm sóc, khi thì cho một cử chỉ âu yếm, yêu thương cao độ nhất là cho người ấy chính bản thân mình. Cho đi thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận. Vì thế ai yêu thương thật thì thích cho đi, trái lại kẻ nào thích lãnh nhận hơn thì là dấu kẻ đó còn ích kỷ chưa yêu thương thật.
2. Đặc điểm thứ hai của tình yêu Thiên Chúa là vừa có sự khác biệt vừa có sự hợp nhất.
– Chỉ có một Thiên Chúa nhưng lại có Ba Ngôi. Tuy có 3 Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa.
– Có câu thơ “Mình với ta tuy 2 mà 1, ta với mình tuy 1 mà 2”.
Ap dụng vào tình yêu Thiên Chúa thì câu này có thể đổi lại là: Mình với ta tuy 3 mà 1”, hơi gượng ép một chút nhưng cũng đồng một ý nghĩa.
– Ý nghĩa đó là: Thiên Chúa có ba Ngôi hoàn toàn riêng biệt nhau: Ngôi Cha là Đấng tạo dựng vũ trụ, Ngôi Con là Đấng cứu chuộc loài người và Ngôi Thánh Thần là Đấng thánh hóa loài người. Nhưng dù khác biệt nhau mà Ba Ngôi không đối nghịch nhau, trái lại hoàn toàn hợp nhất với nhau đến nỗi cả 3 chỉ là 1 Thiên Chúa.
– Điều đó có nghĩa là: Yêu thương thì phải chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau. Tuy nhiên những kẻ yêu thương nhau thì cho dù khác biệt nhưng không được đối nghịch xung khắc với nhau, mà phải hòa hợp với nhau.
Xin tóm lại những gì đã phân tích được từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi:
. Yêu thương là cho đi.
. Yêu thương là chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau.
. Yêu thương là dù có khác biệt nhưng vẫn hòa hợp với nhau.
23. Lễ Chúa Ba Ngôi
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Chúa Nhật ngay sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu là Đấng mặc khải Thiên Chúa và con người. Chính nhờ Đức Giêsu, mà con người biết Thiên Chúa Ba Ngôi Vị.
I. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Thiên Chúa Duy Nhất
Trong sách Đệ Nhị Luật, người Do Thái đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng duy nhất: “Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đấng duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực ngươi” (Dnl. 6, 4-5). Chính Thiên Chúa là Đấng đã dẫn dân Do Thái ra khỏi Aicập qua Môsê. Thiên Chúa đã đồng hành với dân Do Thái qua cột mây lửa trong sa mạc. Trên núi Sinai, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân và đã ban thập giới như điều kiện giao ước. Thiên Chúa tỏ lộ Ngài cao cả siêu việt và là Đấng yêu thương dân Do Thái vô cùng.
Trong Tân Ước, khi người ký lục hỏi Đức Giêsu về giới răn trọng nhất, Đức Giêsu đã trích dẫn Ngũ Kinh để trả lời cho ông và các bạn của ông ta. “Giới răn trọng nhất là: Hỡi Israel hãy nghe đây. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đấng duy nhất, hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Giới răn thứ hai là: hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mc.12, 29-31). Đức Giêsu đã dạy cùng một điều mà người Do Thái đã được dạy dỗ và đã biết.
Thiên Chúa là Đấng duy nhất, Đấng trổi vượt trên tất cả. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên tất cả, là Cha của tất cả. Ngài là Thiên Chúa của tất cả mọi dân tộc, không gì có mà lại không do Thiên Chúa mà có. Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Ngài tạo dựng và làm cho tất cả tiếp tục tồn hữu. Thiên Chúa làm mưa xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người.
II. Đức Giêsu Mạc Khải về Thiên Chúa
Khi hài nhi Giêsu được sinh ra tại Bêlem, không ai biết Ngài là Thiên Chúa, không ai biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Ngay khi Đức Giêsu đi rao giảng, cả các tông đồ là những môn đệ thân tín của Ngài, cũng chưa nhận biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Họ có cùng ý nghĩ với dân chúng, Đức Giêsu là một tiên tri, và một cách đặc biệt hơn, Ngài là Đấng Kitô (Mt.16, 16). Khi Đức Giêsu chết trần trụi ô nhục trên thập giá, các tông đồ chán nản sợ sệt, thậm chí có môn đồ đã bỏ về quê (hai môn đệ trên đường Emmau). Những người giết Đức Giêsu cũng không biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể, vì nếu họ biết đâu họ có giết Ngài. Chính Đức Giêsu trên thập giá cũng nghĩ rằng người ta không biết về Ngài một cách thực sự nên đã xin với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, ). Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm quá cao vời mà lý trí con người không thể suy biết được trước khi Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.
Khi Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, các tông đồ nhận ra Ngài là Đấng rất đặc biệt. Ngài đến từ Thiên Chúa, Ngài là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai, và có lẽ còn là Đấng có gì đặc biệt hơn nữa. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói, đã dạy dỗ khi còn ở với các ông trên trần thế, về quyền tha tội (Mc.2, 7), về trước khi có Abraham đã có Ngài (Ga.8, 58), về việc Ngài và Cha là một (Ga.10, 30), về việc Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc.14, 62). Các tông đồ nhận ra Đức Giêsu là người rất đặc biệt của Thiên Chúa, là Đấng thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa, đến độ có thể nói, Ngài là Đấng ngang hàng với Thiên Chúa.
Con người đứng trước mầu nhiệm Đức Giêsu, đã cố gắng tìm những từ ngữ để diễn tả thực tại này, chẳng hạn như nói: Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể, Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa. Công đồng chung Nicea (325) dạy: Đức Giêsu là Đấng “đồng bản tính” với Thiên Chúa. Nói bằng một ngôn từ khác, Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Những thánh công đồng chung tiếp theo sau đã tiếp tục dạy về thực tại Đức Giêsu. Đức Giêsu là Đấng đồng nhất với Thiên Chúa, là một với Thiên Chúa. Không phải Đức Giêsu là Thiên Chúa “khác” độc lập với Thiên Chúa, nhưng Ngài kết hiệp với Thiên Chúa đến độ chỉ là một Thiên Chúa. Từ ngữ ngôi vị (persona) của ngày hôm nay làm cho người ta tưởng rằng Đức Giêsu là một thực tại hiện hữu độc lập bên cạnh Thiên Chúa, như thể nhiều người khác biệt nhau nhưng đều có cùng bản tính người. Người ta không được hiểu như vậy về Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa nhưng không là ba thực tại hiện hữu độc lập khác nhau. Khi nói Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, là chúng ta đang diễn tả nét khác nhau giữa Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu, giữa Thiên Chúa Cha và Thánh Thần, và giữa Đức Giêsu và Thánh Thần.
III. Thánh Thần là Thiên Chúa
Chỉ nhờ Đức Giêsu mà người ta nhận ra Thánh Thần là một ngôi vị Thiên Chúa. Đức Giêsu nói về Thánh Thần như một ngôi vị. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng Bầu Chữa, Đấng đến từ Thiên Chúa Cha, Đấng được Cha và chính Đức Giêsu sai gởi tới (Ga.14, 16.26; 15, 26; 16, 13-16).
Ngay khi còn tại thế, Đức Giêsu đã giảng dạy về Thánh Thần như vậy, nhưng các tông đồ chưa hiểu được, phải chờ đến khi Đức Giêsu phục sinh và với tác động của Thánh Thần, các tông đồ mới nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể; và một khi nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, các tông đồ mới nhận ra Thánh Thần là Ngôi Vị Thiên Chúa. Chính nhờ Đức Giêsu và nhờ Thánh Thần, mà con người mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa, mới biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị.
Thiên Chúa sáng tạo mọi loài, tạo dựng mỗi người qua cha mẹ mỗi người. Thiên Chúa nhập thể làm người để mặc khải cho con người biết hơn về Thiên Chúa, để chỉ cho con người biết sống như thế nào để hạnh phúc thật, để trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Thánh Thần được sai đến để ở với con người, để thánh hóa con người, để làm con người thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đức Giêsu và Thánh Thần là Ba Ngôi Vị khác biệt nhau, nhưng vẫn luôn là một Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng duy nhất trong ba ngôi vị.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có cảm thấy Thiên Chúa gần gũi với bạn không? Xin chia sẻ kinh nghiệm.
2. Bạn có cảm nhận gì về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?
3. Bạn thường cầu nguyện với ngôi vị nào hơn cả? Bạn có biết tại sao?
24. Thừa kế – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực
Sống trong một thế giới đầy thất vọng và sợ hãi, con người tìm đâu chỗ dựa vững chắc cho hiện tại và tương lai ? Mầu nhiệm Ba Ngôi có thể mạc khải tất cả sự thật và soi sáng cho con người vượt qua bóng tối trần gian.
Mầu nhiệm lớn nhất
Đức Giêsu đã mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi khi kêu gọi các môn đệ: làm phép rửa cho muôn dân “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28,19) Đây là một mầu nhiệm cao cả nhất được mạc khải rõ ràng nhất trong một công thức vắn tắt nhất. Một chấm chót đã tóm lược toàn bộ mạc khải về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Mầu nhiệm Tuyệt đối đã tự mạc khải và giao tiếp với loài người nhờ Thánh Linh và qua lịch sử cứu độ. Nhờ ân sủng, Thiên Chúa hiện diện và đi vào tận thâm cung lòng người. Khi hiện diện trong lịch sử cứu độ, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trở thành nhiệm cục Thiên Chúa cứu độ. Vĩnh hằng hóa thành thời gian. Nhờ Thánh Linh, mạc khải trở thành biến cố hiện tại. Đức Giêsu thành hiện thực cho cuộc sống hôm nay.
Chính vì thế, Đức Giêsu mới sai các môn đệ đến với muôn dân và hứa “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 16:20) để thực hiện công cuộc cứu độ đó. Nhờ Thánh Linh, Người hiện diện và hành động với tất cả sức mạnh vô biên, vì “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (Mt 28,18) Với sức mạnh đó, Giáo hội có thể hoàn thành sứ mệnh cứu độ một cách vẻ vang. Không gì có thể cản trở bước chân người môn đệ đến với muôn dân. Vì chính Người hành động trong họ, khi họ “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19) uốn nắn muôn dân “tuân giữ mọi điều Thày đã truyền.” (Mt 28:20) Trước bao quyến dũ trần gian, Kitô hữu không dễ dứt bỏ quyền lợi mà nghe theo Lời Chúa. Phải có sức mạnh kinh hồn mới lôi họ ra khỏi những đam mê tầm thường và dai dẳng. Sức mạnh đó chính là Thánh Linh.
Nhưng như thế không có nghĩa họ phải dứt bỏ những bận tâm hằng ngày và những thăng trầm trong cuộc sống trần gian để đạt tới một tình trạng đạo đức cần thiết cho sứ mạng tông đồ, mặc dầu “Kitô hữu được kêu gọi nên thánh. Ơn gọi này bắt nguồn từ bí tích thanh tẩy và canh tân bằng các bí tích khác, nhất là bằng bí tích Thánh Thể.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 08/06/2003) Sự thánh thiện tùy thuộc Kitô hữu có nhờ Thánh Linh mà sống trong Đức Kitô hay không. Sự thánh thiện này vô cùng cần thiết cho sứ mạng cứu độ. Lý do vì chỉ trong Đức Kitô, họ mới có thể đi vào cuộc hiệp thông thân mật với Thiên Chúa và với những ai đón nhận ơn cứu độ nhờ cái chết của Đức Kitô. Chỉ trong cuộc hiệp thông này, người ta mới có thể tìm được một ngôn ngữ diễn tả mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa cứu độ. Nói khác, sứ mệnh cứu độ được hoàn thành trong cuộc hiệp thông lớn lao đó.
Sứ mệnh đó nhắm tới “muôn dân”. Chiều kích phổ quát này bao trùm mọi dân tộc và văn hóa. Sứ mệnh đó phát xuất từ lời Thày chí thánh mời gọi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28:19) Phải “đi” ra khỏi nơi lối mòn và tới tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng. Không ra khỏi lối mòn đó, không thể thấy chiều kích lớn lao của sứ mệnh cứu độ. Thật vậy, sứ mệnh này bắt nguồn từ tương quan Ba Ngôi. Chúa Con đã được sai đến trần gian để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và hiệp nhất mọi người với nhau. Chúa Thánh Linh cũng được sai đến qui tụ các tín hữu thành một thân thể để hiệp thông và thi hành sứ mệnh cứu độ như Đức Giêsu. Bởi đấy, Giáo hội luôn hoạt động để làm cho mọi người tham dự vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu. Bản chất Giáo hội là truyền giáo, nghĩa là mời gọi mọi người vào gia đình Ba Ngôi, để từ đó họ cảm nhận và sống tình yêu Thiên Chúa và chia sẻ với mọi người tình yêu huynh đệ.
Để hoàn thành sứ mệnh đó, các môn đệ phải nỗ lực “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho anh em,” (Mt 28:20) tức là giới răn tình yêu. Khi công bố Tin mừng, họ gieo vào lòng nhân loại hạt giống “tự do và tiến bộ … tình huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình.” (A.G. 8) Theo Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971, “sứ mệnh dân Chúa là thăng tiến công lý trên thế giới.” Bởi đấy, Giáo hội cổ võ và xây dựng hòa bình.
Tin Mừng: một gia tài vô giá
Chính Thánh Linh làm cho Tin Mừng thấm sâu vào các cơ cấu xã hội và văn hóa. Tin Mừng trở thành sức mạnh giải thoát lớn lao cho toàn thể nhân loại. Giáo hội góp phần đem lại tự do như một giá trị lớn nhất cho nhân loại. Thật vậy, Kitô giáo “đã góp phần tạo nên bản chất Aâu châu. Chỉ cần đi thăm bất cứ thành phố nào trên lục địa này, vào bất cứ bảo tàng viện nào, đọc bất cứ văn chương quốc gia nào cũng thấy” sự đóng góp của Kitô giáo trong lịch sử (Giorgio Salina: Zenit 11.06.2003).
Thực tế, người ta đang muốn loại bỏ ảnh hưởng Kitô giáo khỏi bản dự thảo Hiến pháp Âu châu. Salina lưu ý, ngay trong lời mở đầu, bản dự thảo khẳng quyết “Hiến pháp theo tinh thần dân chủ vì quyền lực không nằm trong tay thiểu số nhưng toàn dân.” (Zenit 11.06.2003) Thực ra họ không muốn nhắc đến Thiên Chúa, chứ không phải nguồn gốc Kitô giáo mà thôi.” (Giorgio Salina: Zenit 11.06.2003)
Ngay cả nước Pháp theo tinh thần tục hóa cũng lên tiếng phản đối việc loại bỏ Kitô giáo ra khỏi lời mở đầu bản dự thảo Hiến pháp Âu châu tương lai. Một nhà bình luận chính trị, ông Bernard Guetta viết: “Khi bàn về nguồn gốc Kitô giáo Âu châu, tôi nhận thấy Kitô giáo bị bỏ quên. Đó là một xỉ nhục đối với trí thông minh. Với tư cách một người vô thần kiên định, tôi cương quyết phản đối. Không nhắc tới gia tài Kitô giáo tại Âu châu tức là chối bỏ chứng cứ lịch sử.” (Zenit 12.06.2003) Mất gốc, Âu châu không thể đứng vững và vươn lên được.
Muốn lấy lại bản sắc và vị thế của mình, Âu châu phải “tái khám phá và làm chứng cho mọi người thấy căn tính Kitô giáo để cổ động những giá trị làm nền tảng cho hòa bình giữa các dân tộc, công bình xã hội và tình liên đới quốc tế. Nếu Âu châu muốn liên kết con người và các dân tộc để sống hòa hợp trong sự kính trọng sâu xa và bao dung với nhau, lục địa này phải lấy Chúa Kitô làm nguồn hứng khởi.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 11.06.2003) Chỉ có Đức Kitô mới là con đường dẫn đến hòa bình và tự do đích thực. Chỉ Người mới là chân lý giải thoát và là sự sống sung mãn cho toàn thể nhân loại. Chỉ Người mới có thể khẳng quyết cho Âu châu biết rõ “chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.” (Đnl 4:39)
Âu châu muốn xa lìa nguồn gốc Kitô giáo vì phong trào tục hóa ảnh hưởng vào toàn bộ cuộc sống. Đây là dấu chỉ mãnh liệt về một nhu cầu phải gấp rút tái Phúc âm hóa Âu châu. Muốn thế, cần phải thận trọng phân tích hoàn cảnh văn hóa cụ thể đã ảnh hưởng tới Âu châu như thế nào. Hiện nay đang có một nhu cầu sâu xa đòi phải nhập thể toàn diện trong các lãnh vực thần học, linh đạo và phụng vụ. Muốn thỏa mãn nhu cầu đó, người ta phải tôn trọng toàn bộ truyền thống Tin mừng cũng như những cách biểu lộ khác nhau của truyền thống ấy.
“Khi rao giảng Tin mừng, cử hành bí tích Thánh Thể, làm chứng tá Phúc âm, cam kết cải hóa đời sống xã hội và chính trị, Giáo hội vừa là bí tích vừa là người đầy tớ phục vụ Vương Quốc Thiên Chúa.” (The New Dictionary of Theology 1989:667) Cần nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể phục hồi Aâu châu và toàn thế giới theo khuôn mẫu Vương Quốc Thiên Chúa, nơi chúng ta sẽ “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8:17) để hưởng “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17)
25. Thiên Chúa đo lường trái tim chúng ta.
(Suy niệm của Lm Hữu Độ)
Chuyện kể rằng: một hôm có chàng thanh niên vào rừng đốn củi. Đến trưa nhọc mệt anh nằm nghỉ dưới gốc cây đa cổ thụ, nhìn lên thấy cành lá rườm rà, song qủa đa nhỏ xíu. Anh thầm nghĩ, sao cây thì khổng lồ mà trái nhỏ xíu vậy tôi mà là Ông Trời thì tôi cho trái nó to như trái bí và lá nó to như lá chuối như thế mới cân xứng. Đúng là Ông Trời thiếu khôn ngoan, không biết tính toán gì cả. Thế rồi anh ngủ đi lúc nào không hay. Đang ngủ say thì một cơn gió lớn thổi mạnh làm một qủa đa rớt vào mặt anh ta. Anh giật mình thức dậy vừa xoa mặt vừa nghĩ: May quá, nếu trái đa lớn bằng trái bí thì mặt mình đã dập ra như cái bánh bao rồi. Qủa là Ông Trời khôn ngoan, biết lo liệu hơn là mình nghĩ.
Thiên Chúa sáng tạo mọi sự hài hòa và có tính toán của Chúa. Nhìn vào chính thân thể mình, chúng ta thấy là cả một công trình vừa tỉ mỉ vừa tài khéo không có đầu óc phàm nhân nào hiểu thấu. Thí dụ như chỉ trong một square inch da của chúng ta mà thôi thì trong đó có chứa tới 19 triệu tế bào của da, 60 sợi lông, 90 tuyến mỡ, 19 feet mạch máu, 625 tuyến mồ hôi và 19,000 tế bào cảm giác.
Sách Giáo Lý Công Giáo số 292 cho chúng ta biết Sáng Tạo là công cuộc của Chúa Ba Ngôi, “Được ám chỉ trong Cựu Ước, được mạc khải trong Tân Ước, hành động sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là một và không thể tách rời hành động sáng tạo của Chúa Cha… Sáng tạo là công cuộc chung của Ba Ngôi Thiên Chúa.”
Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm vượt trên mọi trí khôn thụ tạo. Mầu nhiệm này là mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin và của sinh hoạt Kitô giáo. Nếu dùng đầu óc để tìm hiểu mầu nhiệm này thì chắc chắn chúng ta thất vọng. Nhưng may mắn chúng ta có Trái Tim để cảm nghiệm được một phần nào không phải cái “lý lẽ” của mầu nhiệm nhưng thứ “tình yêu” bao la mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta. Nghĩa là vì yêu thương mà Thiên Chúa Ba Ngôi dựng nên chúng ta, vì yêu thương mà sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa không bỏ mặc nhưng hy sinh Người Con duy nhất của Ngài để cứu chuộc chúng ta, rồi cũng vì yêu thương mà Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta, tức là Chúa Thánh Thần tiếp tục công trình cứu chuộc của Chúa Con nơi mỗi người cho tới khi thành đạt là được hưởng Nước Trời.
Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên khi đo lường con người thì Chúa đo ở Trái Tim chứ không ở Cái Đầu. Có nghĩa là Chúa đo mức độ chúng ta mến Chúa và yêu anh chị em chứ không đo mức độ chúng ta hiểu biết khoa học nhiều hay thông suốt nhiều ngôn ngữ.
Cứ trở lại Phúc Âm chúng ta thấy rõ điều đó: để định đoạt số phận đời đời của mỗi người thì Chúa hỏi chúng ta có làm hay không làm cho những anh chị em nghèo đói, trần truồng, lao tù, đau yếu? Để xác định chúng ta được tha nhiều hay ít thì Chúa cũng đo ở tình yêu, “Chị này được tha nhiều bời vì chị yêu mến nhiều.” Để giao trách nhiệm liên quan đến người khác thì Chúa đo lường ở tình yêu, “Phêrô, con có yêu mến Thầy hơn những người này hay không?.. . hãy chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Thầy.” Để xác định chúng ta là môn đệ Chúa hay không thì Chúa cũng dựa vào tình yêu, “Các con cứ yêu mến nhau để thiên hạ nhìn thấy mà biết các con là môn đệ Thầy.” Như vậy “đồng phục” của người Công Giáo là Đức Bác Ái, Yêu Thương.
Ngày nào đó con người sẽ trở về nguồn gốc của mình là tro bụi. Tất cả những hành trang chúng ta gom góp và nâng niu như: kiến thức, sức khỏe, sắc đẹp, thông minh, tài khéo.. . khi chạm tới quan tài đều biến thành con số không. Chỉ có một thứ hành trang duy nhất chúng ta có thể mang đi với mình là Tình Yêu Thiên Chúa và tha nhân.
Trong ngày lễ trọng tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta nhắc nhở mình cái chân lý này: Tôi đã được Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nên Ngài dựng thành, cứu chuộc và thánh hóa. Vậy tôi phải có nghĩa vụ đáp trả lại tình yêu đó. Nợ tình phải trả bằng tình. Cuối cùng chỉ có Đức Mến là thiên thu.
Đã nhiều lần tôi trộm nghĩ, nếu bây giờ mình ra khỏi thế gian này, đứng trước tòa Chúa phán xét thì điều gì tôi hối hận nhất? Tôi không cần suy nghĩ lâu để tìm ra câu trả lời, “Điều tôi hối hận nhất là khi còn sống trên trần gian này tôi yêu mến Chúa qúa ít. Từ cái nhược điểm đó nó kéo đi theo bao nhiêu vấn đề xấu hay tiêu cực khác.” Rất may chúng ta còn có thời giờ, chúng ta biết phải làm gì để bớt hối hận nhiều ở đời sau.
26. Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi
(Suy niệm của Lm. Anphong Trần Đức Phương)
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi được mừng vào Chúa Nhật sau Chúa Nhật Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Các Bài Đọc chu kỳ Năm B: Bài Đọc I (Đệ Nhị Luật 4: 32-34, 39-40): Ông Môsê nói với Dân Chúa: Thiên Chúa là Chúa duy nhất trên trời dưới đất; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa, không có Chúa nào khác. Bài Đọc II (Thơ Rôma 8:14-17): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta , nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta được làm con cái Chúa và có thể xưng với Chúa là Cha. Bài Phúc Âm (Matthêu 28:16-20): Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Hãy đi giảng dạy muôn dân và ban phép Thánh Tẩy cho họ “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”
Thiên Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm, nghĩa là một Tín Điều mà chúng ta không thể nào cắt nghĩa được bằng lý trí; nhưng chúng ta tin và lãnh nhận do Chúa Giêsu đã giảng dạy, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng (Gioan 16:12) để nhận biết: Chỉ có một Thiên Chúa mà Ngài có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần; Ba Ngôi cùng một bản thể, cùng là một Thiên Chúa duy nhất.
Người ta nói khi Thánh Patrick giảng dạy về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài đã dùng một lá có ba nhánh để làm thí dụ. Giáo sư Tiến sĩ Phan Văn Ngọc, sau khi tìm hiểu Thánh Kinh kỹ càng và được ơn Chúa soi sáng, đã tin nhận Thiên Chúa và chịu phép Thánh Tẩy. Khi tìm hiểu giáo lý, ông cảm thấy điều khó hiểu nhất là về Thiên Chúa Ba Ngôi; nhưng sau cùng, ông suy nghĩ: dù chỉ là nước, nhưng vẫn có thể ở thể lỏng, thể rắn (nước đá) hay thể hơi (hơi nước).
Tuy nhiên, tất cả những so sánh, những biểu tượng bề ngoài chỉ để tạm thời giải thích Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; vì ‘Mầu Nhiệm’ là điều vượt quá mọi sự suy nghĩ của lý trí con người. Con người dù thông minh thế nào, cũng không thể hiểu hết được những ‘bí ẩn’ trong vũ trụ, huống chi làm sao hiểu được hết mọi điều siêu việt của Thiên Chúa. Thánh Augustinô (354-430) là một nhà Thần Học và Triết Gia, Ngài luôn muốn cắt nghĩa mọi sự theo lý trí, kể cả Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Một ngày kia, Ngài đi đi lại lại trên bờ biển để vừa cầu nguyện vừa cố suy nghĩ trong tâm trí xem có cách nào để hiểu và cắt nghĩa được tường tận mọi điều về Thiên Chúa Ba Ngôi. Đang lúc vừa đi đi, lại lại trên bờ biển, vừa suy nghĩ mung lung, chợt ông thấy có một em bé trông rất khôi ngô và thông minh, đang dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ nhỏ trên bờ biển. Thánh Augustinô liền dừng lại hỏi em đang muốn làm gì vậy. Em bé mỉm cười trả lời: “Cháu đang muốn múc hết nước đại dương để đổ vào cái lỗ nhỏ này.” Thánh Augustinô liền cười và nói: “Sao cháu làm một việc vô ích như vậy… Làm sao cháu có thể múc nước cả đại dương này để đổ hết được vào cái lỗ nhỏ như thế?” Em bé liền cười nói: “Việc của cháu đang làm có vẻ khờ dại thật, nhưng việc bác đang suy nghĩ còn khờ dại hơn…”
Thiên Chúa là cả một đại đương mênh mông, tâm trí con người chỉ là một giới hạn nhỏ bé, làm sao có thể thông hiểu tường tận hết mọi điều về Thiên Chúa. Chỉ với đức tin và tâm hồn khiêm nhường và sự kết hiệp với Chúa qua lời cầu nguyện, chúng ta mới có thể được Ơn Chúa soi sáng và tin nhận được các Mầu Nhiệm về Thiên Chúa, nhất là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chứ không phải qua suy nghĩ của lý trí hạn hẹp của chúng ta.
Như vậy, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một điều ‘huyền nhiệm’ chỉ các nhà Thần Học mới hiểu được. Một nhà Thần Học thế kỷ 19, ông Thomas Hancock nói: “Một người đàn ông hay một người phụ nữ dù quê mùa không thể lý luận về Thịên Chúa Ba Ngôi, nhưng vẫn có thể nhận thức được về Thiên Chúa Ba Ngôi một cách hoàn hảo hơn một nhà Thần Học uyên bác, thông hiểu các tác phẩm của Thánh Athanasius hay Thánh Augustinô và tất cả những tranh luận của sáu thế kỷ đầu của Giáo Hội!” (trích trong Preaching the Lectionary, Reginald H. Fuller). Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta: “Đức tin của chúng ta không dựa vào những lý lẽ khôn ngoan của con người…nhưng nhờ mạc khải của Thiên Chúa qua sự soi sáng của Chúa Thánh Thần (Xin xem 1 Cr, chương 2; hoặc Ga 14,26). Trong một lần cầu nguyện, Chúa Giêsu đã nói: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã không soi sáng cho những kẻ khôn ngoan thế gian biết những điều ấy, nhưng cho những người đơn sơ, hèn mọn!” (Lc 10,21; Mt 11,25). Chính vì vậy, Pascal, một nhà tư tưởng lớn trong thế kỷ 17, đã luôn cầu xin cho mình được có một Đức Tin mạnh mẽ của một bà nhà quê ở xứ Bretagne!
Chúng ta tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi đọc kinh Tin Kính. Mỗi khi chúng ta đọc kinh: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, chúng ta cúi đầu để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba ngôi: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.” Chúng ta được chịu phép Thánh Tẩy để gia nhập Gia Đình Hội Thánh Chúa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi trong công thức: “Cha rửa con, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng kính mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta luôn được ơn Chúa soi sáng để chúng ta có thể có một đức tin sáng suốt và mạnh mẽ, không phải chỉ dựa vào lý trí, nhưng bằng chính đời sống thực hành đức tin hàng ngày của chúng ta qua đức Bác Ái.
Với lời cầu nguyện của Thánh Phaolô, chúng ta hãy cùng “nguyện xin Ân Sủng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình Yêu của Chúa Cha, và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng mỗi người, mỗi gia đình chúng ta!” (2 Cr 13,13).
27. Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long
SỨ MẠNG PHỔ QUÁT
1.- Ngữ cảnh
Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến ngữ cảnh trực tiếp, đó là mộ trống với hai sứ điệp, một tích cực, một tiêu cực:
a) Sứ điệp tích cực
Sứ điệp tích cực được gửi đến trong hai thì:
– bởi sứ thần khi ngài giao phó cho các phụ nữ hai sứ mạng là làm chứng về sự Phục Sinh của Đức Giêsu và loan báo cho các môn đệ lệnh triệu tập của Đức Giêsu (28,1-8). Đây là kinh nghiệm tiêu cực về sự Phục Sinh.
– bởi chính Đức Giêsu Phục Sinh (28,9-10): Người cho các phụ nữ sống một kinh nghiệm thực hữu về sự Phục Sinh của Người và giao cho họ cùng một sứ mạng, là triệu tập các môn đệ về Galilê.
Đoạn văn Mt 28,16-20 cho hiểu rằng các phụ nữ đã chu toàn hai sứ mạng được giao: khi quy tụ về quả núi đã được chỉ định tại Galilê, các môn đệ chứng tỏ các ông đã tin vào chứng tá của các phụ nữ liên hệ đến cuộc Phục Sinh để cũng có thể tin vào lệnh triệu tập được các bà chuyển cho.
b) Sứ điệp tiêu cực
Sứ điệp tiêu cực là truyện sai lạc về Đức Giêsu, được toán lính tung ra theo trò bịp bợm của các thủ lãnh Do-thái.
Đoạn văn này nêu bật sự tương phản (c. 16: de) giữa các thủ lãnh Do-thái và toán lính một bên, và bên kia, là Đức Giêsu và các môn đệ Người, giữa sứ điệp do người Do-thái tung ra và thực tế; vậy đoạn văn này chính là một lời phi bác tin đồn thất thiệt đã được phổ biến. Đối với người Do-thái, Đức Giêsu là một xác chết, còn các môn đệ Người là những tên trộm cắp và dối trá; trong thực tế, Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết, đã sống lại, được ban cho toàn quyền của Thiên Chúa và đảm bảo bằng sự hiện diện đầy uy lực của Người; các môn đệ Người không tìm cách đánh cắp thi hài, nhưng đã đi về Galilê, đi xa ngôi mộ, để gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Mừng sẽ đi đến với “mọi dân tộc”, chứ không như tin đồn thất thiệt kia, chỉ được loan truyền “giữa người Do-thái” mà thôi. Giáo huấn phổ quát (didaskontes) mà các môn đệ của Đức Giêsu, vị Tôn Sư tuyệt đối (didaskalos, 23,8), sẽ cống hiến cho mọi dân tộc sẽ hoàn toàn vượt xa những gì toán lính phổ biến, vì họ đã làm theo lời “các thượng tế dạy” (edidachthêsan, 28,15). Các môn đệ sẽ được che chở và nâng đỡ “cho đến tận thế”, không phải bởi một quyền bính nhân loại như quyền bính của các thượng tế, nhưng bởi uy quyền của Đấng Phục Sinh, Chúa tể vũ hoàn.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Cuộc diện kiến của Nhóm Mười Một với Đức Giêsu (28,16-17);
2) Các lời nói của Đức Giêsu (28,18-20):
a) Mạc khải về quyền năng (18),
b) Lệnh truyền giáo (19-20a),
c) Hứa hiện diện hỗ trợ (20b).
3.- Vài điểm chú giải
– Về phần mười một môn đệ (16): Ở đầu c. 16 này, có tiêu từ de (“và”, “rồi”; “nhưng”; “về phần”) hẳn là để nêu lên sự tương phản giữa báo cáo sai lạc của toán lính với sự thật về cuộc hiện ra của Đức Giêsu với mười một môn đệ.
– Mười một môn đệ (16): Trong Mt, Đức Giêsu có một nhóm các “môn đệ” (mathêtês: Mt 73 lần, Mc 46 lần, Lc 37 lần, Ga 78 lần. Có 65 trong Mt ở số phức) luôn luôn được xác định bằng quán từ (article) hoi (x. 5,1; 8,21; 9,10; 12,1; 13,10; 14,15; 15,2; 16,5; 28,7). Điều này khẳng định rằng họ được biết rõ trong tư cách đó và họ không phải là nhóm “bảy mươi hai” của Lc (vả lại, Lc không gán cho nhóm “bảy mươi hai” cái tên “môn đệ”, mà là “bảy mươi hai người khác”, x. Lc 10,1). Các ông là những người sống hiệp thông với Thầy mình (“einai meta” [“ở với”]), tháp tùng Thầy trong sứ vụ của Người (9,19), cùng làm việc với Người để phục vụ các đám đông (9,36-37), được nêu ra làm gương cho các đám đông và được giới thiệu như là gia đình đích thực của Đức Giêsu (12,46-50). Mt xác định rằng các ông là “mười hai môn đệ” ( 10,1; 11,1; hay là “Nhóm Mười Hai”: 20,17; 26,20; ở c. 10,2, các ông cũng được gọi là “mười hai tông đồ” cùng với tên của các ông).
Con số “mười một” nhắc đến sự vắng mặt thê thảm của Giuđa, “một trong Nhóm Mười Hai” (26,14.47; x. 10,2.4): sự hư hỏng đã xảy ra ngay trong nhóm, tức là đây không phải là một nhóm toàn vẹn; với lại, tất cả các ông khác đều đã té ngã (x. hoi mathêtai: 26,56b; Phêrô: 26,69-75). Nhưng sứ điệp mà Đức Giêsu ban cho các ông nhờ trung gian các phụ nữ đã là một dấu cho thấy Người tha thứ và hòa giải; Người gọi các ông là “anh em của Thầy” (28,10). Bây giờ, cuộc hành trình của các ông tiến về với Đức Giêsu và sự hiện diện của các ông tại nơi Người đã chỉ định là một dấu chứng tỏ các ông đón nhận sự tha thứ và hòa giải.
– ngọn núi (16): To oros (danh từ với quán từ) khẳng định rằng chính là trên một quả núi mà Đức Giêsu và các môn đệ đã biết, nhưng không cung cấp một xác định nào khác.
– Bái lạy (17): Mt chỉ dùng động từ proskyneô (Mt 13 lần; Mc 2 lần; Lc 2 lần) cho những ai đã nhìn nhận phẩm giá của Đức Giêsu và diễn tả sự nhìn nhận đó ra bằng hành vi này (x. các hiền sĩ: 2,2.8.11; người phong cùi: 8,2; ông trưởng hội đường: 9,18; các môn đệ trên thuyền: 14,33; bà Canaan: 15,25; mẹ các con ông Dêbêđê: 20,20; các phụ nữ tại mồ: 28,9).
– Nhưng có mấy ông lại hoài nghi (17): Trong Tân Ước, động từ distazein chỉ xuất hiện ở 14,31 (Phêrô đi trên mặt nước) và ở đây. Động từ này nhắc đến những gì Tin Mừng đã nói biết bao lần về phẩm chất của đức tin của các môn đệ: ở 6,30; 8,26-27; 14,31; 16,8; 17,20 (x. câu 17). Mt là tác giả duy nhất ghi nhận “đức tin lớn (megalê hê pistis)” của bà Canaan (15,28). Cùng với đề tài đức tin, Mt trình bày đề tài sự hiểu biết (synienai) và không hiểu biết: ở 15,16; x. 16,12; 17,13.
– Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (18): Động từ edothê ở thì aorist thái bị động trần thuật (passive indicative): Thì aorist nhắm đến một sự kiện đã hoàn tất, chứ không phải là một lời hứa hay một niềm hy vọng; hẳn là ta có thể nghĩ đến một quan hệ mặc nhiên với sự phục sinh. Thái bị động đây là một thái bị động thay tên minh nhiên của Thiên Chúa. Hơn nữa, cách thức khẳng định cách tuyệt đối như thế gợi ý rằng Thiên Chúa là tác giả (so sánh c. 18b với 11,25).
Đề tài exousia cũng là một đề tài quan trọng của Mt (9 lần: 7,29; 8,9; 9,6; 9,8; 10,1; 21,23; 21,24; 21,27; 28,18). Từ ngữ có nghĩa là “quyền hành”, “uy quyền”, “quyền lợi”, “khả năng”, là những đặc tính của giáo huấn và cách hành động của Đức Giêsu: phân đoạn 5,1–7,29 (Bài Giảng trên núi) giới thiệu Đức Giêsu như là “Đấng Mêsia có uy quyền trong lời nói” (x. 7,28), còn phân đoạn 8,1–9,38 giới thiệu Người như là “Đấng Mêsia có uy quyền trong hành động” (x. 11,2) (Đức Giêsu khẳng định rằng Người có exousia này: 9,6; dân chúng: 7,29; viên sĩ quan: 8,9; khi thấy người bại liệt được chữa lành, dân chúng tôn vinh Thiên Chúa: 9,8; Đức Giêsu nói về quyền của Người và từ chối cho biết nguồn gốc của quyền ấy: 21,24.27). Câu 28,18 là như tổng hợp về đề tài này và là một câu trả lời cho nhà chức trách tôn giáo: Đức Giêsu không phải là một người mất trí hay một kẻ tiếm quyền; Người đã nhận được quyền bính này trọn vẹn, trên toàn vũ trụ, từ Thiên Chúa (chứ không phải từ tay ma quỉ, x. 9,34). Ở đây, điều được khẳng định là quyền (exousia) đã được Thiên Chúa ban.
– hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (19): Trong các Tin Mừng, động từ mathêteuein chỉ được sử dụng ở Mt (13,52; 27,57; 28,19) với hai nghĩa: 1) nghĩa nội động (intransitive): trở thành môn đệ (13,52; 27,57); 2) nghĩa ngoại động (transitive): làm thành môn đệ; làm cho ai thành môn đệ (28,19; x. Cv 14,21). Đây không phải là chỉ trình bày, cống hiến sứ điệp, loan báo Tin Mừng, nhưng là kiến tạo một quan hệ chặt chẽ và riêng tư. Kiểu mẫu của quan hệ này chính là quan hệ của Đức Giêsu lịch sử với các môn đệ đã được Người kêu gọi (môn đệ đi theo [akolouthein, x. 4,20.22; 8,23; 19,27.28], Thầy đi trước [proagein, x. 26,32; 28,7]).
– nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (19): Công thức “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” một công thức phép rửa. Qua công thức này, ta găp thực tại chúng ta có trong các Tin Mừng Nhất Lãm: đó là quan hệ chặt chẽ giữa đời sống và công trình của Đức Giêsu với Cha Người trong Chúa Thánh Thần. Cựu Ước biết đến vị Thiên Chúa tạo thành trời đất, đây là vị Thiên Chúa mà họ đến trình diện trong tư cách là các thọ tạo hoàn toàn khác với Ngài và không có quyền đi vào đối thoại với Ngài. Đức Giêsu loan báo vị Thiên Chúa có một người đối thoại trong bình diện thần linh. Chúa Con ở trước mặt Chúa Cha, và hai Đấng được liên kết với nhau, biết nhau, hiểu nhau và yêu thương nhau trọn vẹn và hoàn hảo nhờ Chúa Thánh Thần. Bí tích Rửa tội nhận chìm chúng ta vào trong vùng quyền lực của vị Thiên Chúa này.
– Này đây Thầy (20): Mt chuộng thức mệnh lệnh idou này. Nên ghi nhận là công thức long trọng idou egơ luôn luôn có quan hệ với ý tưởng sứ mạng: 10,16; 23,34 et 28,20.
– Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (20): Khi nói minh nhiên pasas tas hêmeras (tất cả các ngày), Đức Giêsu khẳng định Người sẽ ở thường trực và trọn vẹn với các môn đệ. Heôs tês synteleias tou aiônos (cho đến tận thế) có nghĩa mục tiêu, nơi đến: nhắm đến tận thế. Từ ngữ synteleia (hoàn tất; kết cục) luôn được sử dụng với aiôn có nghĩa là “thời gian hiện tại”, “tình trạng hiện nay của tạo thành” (x. 13,22; 12,31). Synteleia tou aiônos có nghĩa là “khi kết thúc thời gian của thế giới này”. Người ta chờ đợi một kết thúc thời gian này với việc Đức Giêsu ngự đến (x. 24,3).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Cuộc diện kiến của Nhóm Mười Một với Đức Giêsu (16-17)
Phần thứ nhất kể lại các hành vi của các môn đệ trong quá khứ (aorist) (đi tới, c. 16; bái lạy, c. 17; hoài nghi, c. 17). Bản văn cũng ghi nhận một hành vi của Đức Giêsu, “đã truyền” (etaxato, c. 16), nhưng chắc chắn đây là một hành vi Đức Giêsu đã làm trước các hoạt động của các môn đệ được kể lại trong đoạn văn này; hành vi này lại chỉ là một mệnh lệnh, một hành vi nói. Ngược lại, trong các bản văn khác về hiện ra, Đức Giêsu hành động cùng nhịp với những người có mặt, chẳng hạn, ở Mt 28,9, Đức Giêsu đến gặp (hypêntêsen) các bà. Phải chờ đến c. 18 để gặp được một hành vi của Đức Giêsu, nhưng cả hành vi này cũng chỉ là một hành vi nói (elalêsen).
Các nhân vật chính của phần thứ nhất là hoi hendêka mathêtai, “mười một môn đệ”. Con số này nhắc đến sự phản bội của cả nhóm. Nhưng sứ điệp mà Đức Giêsu ban cho các ông nhờ trung gian các phụ nữ đã là một dấu cho thấy Người tha thứ và hòa giải; Người gọi các ông là “anh em của Thầy” (28,10). Bây giờ, cuộc hành trình của các ông tiến về với Đức Giêsu và sự hiện diện của các ông tại nơi Người đã chỉ định là một dấu chứng tỏ các ông đón nhận sự tha thứ và hòa giải. Các môn đệ tiến về một nơi đã được Đức Giêsu xác định trước và theo thông tin của các phụ nữ (lệnh của sứ thần (28,7) và lệnh của Đức Giêsu ban cho các phụ nữ).
Trong Mt, ta không thấy có một lệnh minh nhiên của Đức Giêsu là đi đến một ngọn núi được xác định, nhưng có những chi tiết liên hệ đến Galilê. Tất cả các chi tiết này, khi được đặt vào trong bối cảnh là cuộc Thương Khó và Phục Sinh, thì giống như những tia chớp hy vọng được ban cho các môn đệ (tại núi Ô-liu, Đức Giêsu đã nói đến Galilê: 26,32; tại mộ, vị thiên thần đã nhắc đến Galilê: 28,7; Đức Giêsu xác nhận sứ điệp: 28,10). Chuyến đi đưa các ông về nơi Đức Giêsu đã chỉ định cho thấy rằng họ vừa thi hành lệnh Đức Giêsu truyền, họ vừa ý thức rằng họ đang được trở vào trong tình bằng hữu với Người, tình bằng hữu mà Người đã mời họ đến khi gọi họ là “anh em của Thầy” (28,10).
Như thế, câu truyện sẽ kết thúc ngay tại nơi mà sứ vụ của Đức Giêsu đã bắt đầu: tại “Galilê, miền đất của dân ngoại”, đã xuất hiện ánh sáng có sức thắng vượt bóng tối của tử thần (4,15-16) và giúp cho có thể bắt đầu việc rao giảng cho muôn dân (28,19). Ở đây tầm quan trọng của Galilê đặc biệt có tính thần học: Đấng Phục Sinh gặp lại các môn đệ Người tại nơi chính của hoạt động trần thế Người (nhất là theo Mc và Mt); điều này giả thiết có một sự tiếp nối giữa Đức Giêsu trần thế và Đức Kitô Phục Sinh, một sự tiếp nối mà c. 20a sẽ nêu bật minh nhiên (“[bằng cách] dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”). Do chính sự kiện này, Người xác nhận việc loan báo đầu tiên của Người, hoặc đơn giản hơn, xác nhận trọn vẹn sứ mạng của Người và giới thiệu sứ mạng ấy như mẫu mực cho các môn đệ.
Lời Đức Giêsu nói với các phụ nữ (28,10), “họ phải đi đến Galilê”, là một mệnh lệnh, còn “họ sẽ được thấy Thầy ở đó” là một lời hứa. Vậy bản văn của chúng ta là sự hoàn tất mệnh lệnh ấy và sự thực hiện lời hứa ấy.
“Ngọn núi” không phải là một nơi mà người ta hẳn là có thể xác định theo địa lý; đây là nơi tiêu biểu cho mạc khải (5,1: “Bài Giảng trên núi”; 15,29: mạc khải của Đấng cứu thế, Đấng nuôi dưỡng dân Người như Môsê xưa kia trong hoang địa; 28,16: “ngọn núi” xuất hiện lần thứ ba, để cũng nêu bật tầm quan trọng của mạc khải như thế).
Sự kiện các môn đệ “thấy” Đức Giêsu được kín đáo giới thiệu bằng một vị tính từ (participle), lệ thuộc động từ chính: “các ông bái lạy”. Việc “thấy Đức Giêsu” chỉ được nhắc đến ngắn ngủi ở đây, khác với các bài tường thuật khác về hiện ra, nhưng nó chẳng còn giá trị gì khi nói về niềm tin Phục Sinh. Sự kiện quan trọng đối với Mt là “các ông bái lạy” (prosekynêsan), đây là cách tôn kính mang tính tôn giáo và thậm chí phụng vụ. Thái độ này diễn tả trước những gì sẽ được lời tuyên bố ở c. 18b loan báo về quyền của Đức Giêsu. “Nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (c. 17). Ở đây, nỗi ngờ vực đã xảy đến idontes, “khi thấy Người” như là Đấng Phục Sinh. Chúng ta phải ngạc nhiên khi thấy phát sinh nỗi ngờ vực, nghĩa là một tình trạng ngần ngại, lưỡng lự, trong bối cảnh lại quá đậm đặc và tiêu biểu này. Phản ứng này xuất hiện nhiều lần trong các bài tường thuật khác về hiện ra. Nỗi hoài nghi được thắng vượt mỗi lần một cách: Đấng Phục Sinh xin các ông cho ăn (Lc 24,41tt); Đức Giêsu hiện ra một lần nữa với các môn đệ lúc đầu không tin (Mc 16,14tt); Tôma có thể chạm tới các vết thương của Đức Giêsu (Ga 20,24-29). Ta không thấy có gì tương tự ở đây cả. Có lẽ sự hoài nghi này liên hệ đến một thời đại muộn màng hơn: cộng đoàn hôm nay không còn thấy Đức Giêsu bằng mắt thịt nữa, họ có thể rơi vào hoài nghi; họ phải thắng vượt khó khăn này nhờ dựa vào lời của Đấng Phục Sinh. Các lời nói của Đức Kitô Phục Sinh và sự vâng phục của các môn đệ với lời Người là cách thế duy nhất giúp vượt qua nỗi hoài nghi.
* Các lời nói của Đức Giêsu (18-20)
Đứng trước đức tin xen lẫn hoài nghi của các môn đệ, lời Đức Giêsu nói cung cấp câu trả lời. Đấng Phục Sinh không trách các ông về sự bất trung hoặc về nỗi hoài nghi; thậm chí Người cũng không xua tan nỗi hoài nghi bằng một cử chỉ hoặc một chứng từ bổ sung. Người đến gần các ông và nói. Người từ xa đến với những người là các môn đệ Người, vâng phục Người và đang cung kính bái lạy Người. Chỉ mình Người có thể vượt qua khoảng cách bằng cách đi đến với các ông. Proserchomai là một động từ được Mt ưa chuộng (Mt 52x; Mc 5x; Lc 10x; Ga 1x), nhưng chỉ có hai lần ông diễn tả một hành vi chủ động của Đức Giêsu (ở đây và ở 17,6-7: hai đoạn riêng của Mt): trong trường hợp này, Đức Giêsu đến gần là để nâng đỡ những người đang hoài nghi hoặc đang sợ.
Vấn đề ở đây là một lời nói, vấn đề ở đây là nghe chứ không phải là thấy. Chính lời nói của Đức Giêsu tạo được sự trấn an diễn tả ra bằng hành vi đến gần: Người tự tỏ mình ra trong lời Người nói như là Đấng được đặt để trong quyền bính và nói với uy quyền. Trong tư cách đó, Người hiện diện trong thời gian của thế giới, trong Giáo Hội cho đến tận thế.
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (18b). Được đặt ở đầu bài diễn từ, mạc khải này đỡ nâng các khẳng định tiếp sau: lệnh truyền và lời hứa. Đức Giêsu khẳng định quan hệ của Người với Thiên Chúa và vị trí hiện nay của Người: chính Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu (so sánh với 9,6.8; 11,27 và Đn 7,14), đã ban cho Người tất cả các quyền hành trên trời dưới đất.
Theo lời rao giảng tiên khởi (kêrygma) của các tông đồ, do Phục Sinh, Người đã được đặt làm Đức Chúa (Kyrios) trên vũ trụ và làm Thẩm phán vào lúc tận thế. Trong thực tế, bản văn không nói cho biết là Người đã được Chúa Cha đặt để như thế khi nào, nhưng nhấn mạnh rằng quyền lực tối thượng này của Đấng Phục Sinh là vô biên (pasa) tự nó trong sự viên mãn và trong cường độ của nó: trong không gian, Đấng Phục Sinh hiển trị trên vũ hoàn (trời và đất), như trong Cựu Ước, Thiên Chúa được nhìn nhận là Chúa tể trời đất, nghĩa là Đấng Tạo hóa và Bảo toàn tất cả vũ trụ; và trong thời gian, Người hiển trị bây giờ và cho đến tận thế.
Bây giờ, trong tư cách là Đấng đại diện toàn quyền của Thiên Chúa, Đức Giêsu là Đấng mạc khải cánh chung cho biết ý muốn của Thiên Chúa và là Đấng thực hiện dự phóng cứu độ của Ngài. Các môn đệ có thể hoàn toàn chắc chắn rằng họ được ban cho quyền này.
Từ oun, “vậy”, gợi ý là lệnh truyền này là hậu quả của tuyên bố về quyền vũ hoàn của Đức Giêsu, là sứ mạng của Nhóm Mười Một phát xuất từ quyền bính của Đức Kitô. Tuy nhiên, lệnh truyền được ban cho toàn nhóm, điều này cho thấy rằng bổn phận truyền giáo là một nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn chứ không của một vài cá nhân. Uy quyền (c. 18) và sự hiện diện của Đức Giêsu (c. 20) sẽ cho các ông đủ tư cách và uy tín mà chu toàn bổn phận này.
Khi đi rao giảng, các môn đệ không chỉ trình bày, chỉ cống hiến sứ điệp, loan báo Tin Mừng (keryssein), nhưng là kiến tạo một cộng đoàn có quan hệ chặt chẽ và riêng tư. Tương quan của các môn đệ với Đức Giêsu là kiểu mẫu cho sự hiệp thông với Người mà mọi dân tộc đang được đưa dẫn tới. Kể từ nay, kiểu mẫu này là chuẩn mực cho mọi ki-tô hữu: “môn đệ” có thể nói là định nghĩa ngắn nhất của ki-tô hữu. Được giao sứ mạng “làm ra các môn đệ”, Nhóm Mười Một đang hiện diện ở đây sẽ có thể rút ra từ đó biết bao hệ luận: một đàng, kinh nghiệm sống với Đức Giêsu phải luôn luôn là điểm qui chiếu cho họ trong hoạt động; đàng khác, tư cách môn đệ không phải là của riêng thuộc về những bạn đồng hành lịch sử của Đức Giêsu trần thế, trái lại đây là tư cách mà kể từ nay mỗi người được mời gọi đi vào. Tất cả đều được mời gọi trở thành”môn đệ Đức Giêsu”, vị Thầy duy nhất (x. 23,8.10).
Chiều hướng phổ quát đã được báo trước trong lời nhắc đến Abraham (1,1), trong truyện các đạo sĩ (2,1-12), vị sĩ quan Caphácnaum (8,5-13), bà Canaan (15,21-28), viên sĩ quan canh giữ Đức Giêsu trên đồi Sọ (27,54). Đi đến với các dân tộc đã là chọn lựa của Đức Giêsu, cho dù trong diễn từ truyền giáo (ch. 10), Người đã truyền các môn đệ là chỉ đi đến với các chiên lạc Israel thôi. Tính phổ quát truyền giáo này còn được báo trước ở 24,4 và 26,13, và bây giờ được khẳng định như là ý muốn chính xác của Đức Giêsu. Điều bị cấm trước đây ở 10,5 (anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại) bây giờ được khuyến cáo thi hành (hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ): như đại đa số các lần xuất hiện, từ ethnç trong Mt có nghĩa chữ là Dân ngoại, lệnh này chỉ liên hệ đến Dân ngoại. Nhưng nếu Israel không còn là đối tượng của một sứ mạng đặc biệt, điều này không có nghĩa là Israel bị loại ra khỏi chân trời Phục Sinh. Rất có thể vào thời của cộng đoàn Mt, đã có một sự đoạn tuyệt giữa Giáo Hội và Hội đường; nhưng người Do-thái tiếp tục là một thực tại của cộng đoàn Mt. Nếu Israel bị kết án, mỗi người Do-thái vẫn có thể đến với cộng đoàn các môn đệ. Sẽ xuất hiện một cộng đoàn phổ quát trong đó mỗi người có một quan hệ trực tiếp và thân tình vừa với Đức Giêsu vừa với những người khác. Hoạt động của các môn đệ là một sự tiếp nối hoạt động của Đức Giêsu (4,23; 9,35; 11,1).
Để làm cho muôn dân thành môn đệ, hai việc các môn đệ phải làm là “làm phép rửa” nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và “giảng dạy”. Căn tính mới của Thiên Chúa là căn tính Cha, Con và Thánh Thần, mà người môn đệ bắt đầu quan hệ với qua bí tích thánh tẩy. Lệnh truyền giảng dạy đã được đặt vào cuối Tin Mừng, có thể là vì Mt coi nhiệm vụ giảng dạy như là nhiệm vụ cao nhất trong Hội Thánh. Nhóm Mười Một không được phép mở trường, nhưng tiếp tục học ở “trường” Đức Giêsu: các ông phải giảng dạy, như chính Đức Giêsu đã giảng dạy. Cho dù các ông đã nhận lãnh bổn phận giảng dạy, các ông sẽ phải mãi mãi duy trì chân tính môn đệ, bằng cách nhìn nhận và chấp nhận uy quyền của Đức Giêsu, bằng cách bây giờ tin vào Đức Giêsu như tin vào chính Thiên Chúa.
Đề tài giảng dạy đã có sẵn: các lệnh truyền của Đức Giêsu. TM Mt chứa biết bao lời giảng dạy của Đức Giêsu (trong năm diễn từ), nhưng nhất là giáo huấn của Bài giảng trên núi đáng được xét đến. Trong lệnh truyền giáo, Đấng Phục Sinh đã nói với các môn đệ là “dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (c. 20). Câu này chắc chắn qui về tất cả mọi lời nhắn nhủ, tất cả giáo huấn của Đức Giêsu trong TM Mt, nhưng đặc biệt qui về các lời nhắn nhủ trong Bài Giảng trên núi bởi vì Bài Giảng này chứa phần lớn những gì Đức Giêsu đã dạy các môn đệ và có một giọng thôi thúc người ta thực hiện các lời nhắn nhủ này (x. 7,13-27).
Tuy nhiên, Đấng nói đây không còn là vị Thầy trần thế nữa, nhưng là Đức Chúa Phục Sinh, “Đấng đã được ban cho toàn quyền trên trời dưới đất”. Bây giờ, với uy quyền của Đấng là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” trong mức viên mãn của sự Phục Sinh, Đức-Giêsu-đang-sống lấy lại giáo huấn của Bài Giảng trên núi và nhắc lại cho các thế hệ tương lai.
Mục tiêu không còn phải là chu toàn Lề Luật hoặc các Ngôn sứ, nhưng tuân giữ “tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em”. Như thế, chính Đức Giêsu đặt mình vào vị trí của “Lề Luật hoặc các Ngôn sứ” (x. ngay ở 5,21-48 với các công thức “Anh em đã nghe [Luật] dạy người xưa / Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”), Người là Đấng lập pháp tối cao, diễn tả trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa. Thái độ này khi đó và lệnh truyền hiện nay gửi trở lại với các công thức khác nhau của Cựu Ước trong đó chính Yhwh truyền lệnh cho dân Ngài là tuân giữ điều răn của Ngài (x. 2 Sb 33,8; Xh 34,32; Đnl 4,2; 12,14). Bây giờ Đức Giêsu thay thế Yhwh khi khẳng định ý muốn của Người. Và chắc chắn ý muốn thần linh này được tập trung nơi điều răn yêu thương, đỉnh cao và sự hoàn tất của Kinh Thánh (“Lề Luật hoặc các Ngôn sứ”: x. 22,40).
Tuy nhiên, hẳn là ta có thể nới rộng ý nghĩa của “tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em” cho cả bốn bài diễn từ khác, bởi vì tác giả đã xác định rằng chúng cũng là những “chỉ thị/dụ ngôn/những điều” của Đức Giêsu (x. công thức kết luận mỗi bài diễn từ: 11,1; 13,53; 19,1; 26,1; x. 7,28-29). Vấn đề ở đây là các giáo huấn của Thầy về các điều kiện và bản chất của đời sống đích thực của người môn đệ và về nẻo đường thánh ý chân thực của Thiên Chúa, “nẻo đường công chính” (21,32).
Khi nói “tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em”, Đức Giêsu xác định giáo huấn của Người là như một lệnh truyền, như một đòi hỏi cấp bách (trong một ngữ cảnh tương tự, Mc nói đến “tin mừng”: 13,10; 14,9; Lc thì nói đến “hoán cải và tha thứ tội lỗi”: 24,47). Đấng Phục Sinh biến lời của Đức Giêsu trần thế thành chuẩn mực cho Hội Thánh mọi thời và “cho đến tận thế”. Sứ điệp của Đấng Phục Sinh được coi là đồng nhất với sứ điệp của Đức Giêsu trần thế.
Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (20b). Egô meth’ hymôn eimi. Giới từ meta + thuộc cách có nghĩa là “với” nhằm diễn tả sự hiệp thông, sự hiệp nhất (cơ bản là riêng tư cá nhân), sự cộng tác, khi đó là tương quan của Đức Giêsu với những người khác: Đặc biệt 28,20 đáp lại khởi đầu Tin Mừng, khi mà Đức Giêsu được giới thiệu lúc chào đời như là Đấng mà “người ta sẽ gọi tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (1,23). Ở đây chúng ta có một thể đóng khung rất lớn bung mở ra chiều kích vũ hoàn của bản thân Đức Giêsu trên toàn thể lịch sử nhân loại, đồng thời vẫn nêu bật sự bám rễ của Người về phương diện xác thịt trong thời gian và không gian. Thực tại Emmanuel này được diễn tả xuyên qua toàn thể Tin Mừng: Vào lúc chào đời của Đức Giêsu (1,23); trong khi hoạt động, Người hiện diện giữa nhóm môn đệ (9,15; 26, 18. 20. 36. 38. 40; x. “Đức Giêsu dẹp yên biển động”, 8,23-27; egô eimi, 14,27); những lần Người tiếp xúc với người tội lỗi (9,11) và qua cái chết ban ơn cứu chuộc (26,28; x. 1,21; 17,17 so với Mc 9,19). Mt 28,20 hẳn là câu trả lời chung cuộc cho câu hỏi ấy. Bây giờ Người hứa ở với họ mãi mãi.
Trong Cựu Ước, bằng những thuật ngữ tương tự Ta sẽ ở với các ngươi mãi mãi, Yhwh thường đảm bảo với một tín hữu, một ngôn sứ, một thủ lãnh, toàn dân, nhất là trong bối cảnh một cuộc sai phái, là Người sẽ hiện diện, nghĩa là giúp đỡ tận tình, với lòng từ bi thương xót, để cứu độ. Đấng Kyrios ban cho các môn đệ cũng một đảm bảo như Yhwh đã ban cho dân Ngài trong Cựu Ước. Người không thế chỗ cho các môn đệ, nhưng sẽ hiện diện với họ để nâng đỡ họ bằng sức mạnh, không do các đức tính hay các thành tích của các môn đệ, nhưng do sự trung tín hữu hiệu của Đấng đã đưa các lời hứa trong Kinh Thánh đến chỗ hoàn tất. Khi nói “tất cả các ngày”, Đức Giêsu khẳng định Người sẽ ở thường trực và trọn vẹn với các môn đệ, và nhắm đến tận thế, “lúc kết thúc thời gian của thế giới này”.
+ Kết luận
Trên núi Galilê (28,16; x. 5,1), Đức Giêsu Phục Sinh, đại diện toàn quyền của Thiên Chúa, tỏ mình ra như là Đấng mạc khải tối hậu của Thiên Chúa và Đấng lập pháp vĩnh viễn, nay cử các môn đệ đi đến với mọi dân tộc. Trong Cựu Ước, núi Sinai xuất hiện ra như là quả núi của mạc khải và của Giao ước, trên đó Thiên Chúa tự tỏ mình ra và thông ban các điều răn của Ngài (Xh 19,1–24,11). Từ Sinai, dân Israel bắt đầu cuộc hành trình tiến về Đất hứa; trên núi Galilê, Đức Giêsu đích thân, trong tư cách Đấng Phục Sinh, tức đã đi vào trong đời sống Thiên Chúa, cho thấy đâu là mục tiêu của mỗi người trong “tất cả các dân tộc”.
Các lời kết thúc của Đức Giêsu đã đón nhận lấy các nội dung chính của TM Mt về sứ vụ không biên giới của các môn đệ. Điều này còn cho thấy một lần nữa chiều hướng tổng hợp hướng về sứ vụ phổ quát như là nét tiêu biểu của Tin Mừng này.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm
Không dễ gì mà tiếp cận với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Đây là một trong những đại lễ dường như ở hơi xa đời sống chúng ta. Tuy vậy, chúng ta vẫn nhớ những bài học giáo lý khi còn bé bảo rằng Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm trọn vẹn đời sống chúng ta; và ý tưởng này vẫn cung cấp sức mạnh và sự tin tưởng cho chúng ta và nhắc chúng ta nhớ rằng đây là một thực tại sống động. Các bài Lời Chúa hôm nay có góp phần làm sáng tỏ mầu nhiệm này. Trong bài đọc thứ nhất, Môsê đã mời gọi dân chúng: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa”. Nếu tôi đi ngược lại thời gian cho đến “những thời xa xưa”, tôi cũng sẽ sống lại kinh nghiệm của dân Israel: tôi ghi nhận sự hiện diện thường trực của Thiên Chúa, Đấng đã chọn lựa tôi từ thuở đời đời, rồi vẫn hiện diện trong cuộc sống thường ngày tầm thương của tôi, tỏ mình ra qua những dấu chỉ, nâng đỡ tôi trong các thử thách, bung mở các việc kỳ diệu ra trong thế giới.
2. Ở trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi ở trong lòng
Khi đó, ở trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi ở trong lòng, có nghĩa là trước tiên ý thức rằng lịch sử chúng ta có gốc rễ rất xa, từ bao đời vẫn ở trong tay Thiên Chúa, Ngài vẫn dẫn dắt cuộc sống chúng ta, vì trung thành với lời đã hứa.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô nhắc lại rằng vị Thiên Chúa này, Đấng ban sự sống, đã thổi Thần Khí của Ngài vào chúng ta, để nhờ Thần Khí, Ngài giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ và nỗi sợ hãi, và làm cho chúng ta thành conc ái Ngài, khiến chúng ta có thể gọi Ngài là Cha. Ở trong lòng Ba Ngôi và có Ba Ngôi trong lòng, khi đó, cũng có nghĩa là ý thức về ân huệ Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ban cho ta, để cho Ngài dẫn dắt và biến đổi đời sống chúng ta, sống kinh nghiệm tự do nội tâm, một kinh nghiệm phát sinh từ cảm nhận chúng ta được yêu thương như là những người con và là kinh nghiệm mạnh hơn mọi nỗi sợ hãi, mọi đau khổ.
3. Đức Giêsu Phục Sinh sai phái các tông đồ
Cuối cùng, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các tông đồ, truyền họ ra đi và tiếp nối công trình của Người nhân danh Ba Ngôi vị thần linh, bảo đảm với họ rằng Người sẽ hiện diện với họ mọi ngày cho đến tận thế. Ở trong lòng Ba Ngôi và có Ba Ngôi trong lòng, cuối cùng, có nghĩa là có cặp mắt có khả năng nhận ra Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người, ngay tại những nơi của đời sống mà Người cho ta làm điểm hẹn, và ra đi trong Thánh Thần, để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho mỗi người, để làm cho mọi người sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa.
28. Chú giải của Noel Quesson.
Mười một môn đệ đi tới miền Galilê
Riêng câu này cũng đủ nói cho chúng ta biết “Giáo Hội là ai”. Đó là Hội Thánh của những quốc gia ngoại giáo. Những môn đệ được chính Chúa Giêsu mời gọi rời bỏ Giêrusalem (Mt 28,7), cho đến lúc bấy giờ vẫn là trung tâm địa lý của Đức Tin, nơi Thiên Chúa hiện diện. Theo Thánh Matthêu, không có sự hiện ra “chính thức” với các tông đồ tại Giêrusalem. Chúa trao phó sứ mạng cho các phụ nữ một cách riêng tư, Người triệu tập các tông đồ đến “miền Galilê của chư quốc”, một tỉnh có nhiều dân tứ xứ vãng lai – Hội thánh bắt đầu tại Galilê, vùng này thay thế cho Giêrusalem và trở thành trung tâm phát triển của cộng đoàn mới. Trong những chương đầu, Matthêu cho thấy tính cách bí nhiệm của các “Đạo sĩ phương Đông”, họ đến từ những vùng ngoại giáo, sấp mình thờ lạy Giêsu Hài Nhi, trong khi đó, Giêrusalem lại không đón tiếp Người.
Phải chăng tôi có quan niệm như thế về Giáo Hội?
Một Giáo Hội mở rộng loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới, chứ không đóng kín trong những bức tường.
Đến những ngọn núi Chúa Giêsu đã hẹn với các ông
Chữ “Eklésia”(Giáo Hội) trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “tập họp những người được triệu tập”. Kitô hữu là những người được Đức Giêsu Phục Sinh triệu tập. Mỗi Chúa Nhật khi đến với Bí tích Thánh Thể, tôi có ý thức rằng, không phải tôi có sáng kiến này, mà Đức Giêsu đã triệu tập tôi. Tôi đáp lại lời mời trước tiên, đức tin của tôi không phải là một mớ kiến thức, mà là sự đáp trảvới đấng đã kêu gọi tôi “trên núi”.
Trong Tin Mừng của Matthêu, người ta không bao giờ nói núi đó là núi nào. Nhưng trái lại, phải chăng là tình cờ, núi là địa điểm tốt nhất cho sự mạc khải của Thiên Chúa. Chính ở trên “núi cao”, Đức Giêsu đã tuyên bố diễn văn khai mạc tức là “Bài giảng trên núi”(Mt 5,1–8,1). Người cũng đã cầu nguyện, hoá bánh ra nhiều và biến hình trước mặt các tông đồ của người ở trên núi cao.
Tôi để biểu tượng này in sâu trong tôi.
Tôi để cho Đức Giêsu triệu tập tôi trên núi cao.
Tôi chấp nhận mở rộng nhãn giới của tôi. Phong cảnh Đức Giêsu mời gọi tôi thật hùng vĩ.
Người ta thoải mái hít thở không khí ở trên đỉnh cao.
Khi thấy Người các ông sụp lạy
Đó là cử điệu Phụng vụ mà những người trẻ sẽ thực hiện lại, và dân chúng phương Đông thường làm một cách tự phát: Nằm dài trên mặt đất hay ít nhất là cúi rạp, trán chạm đất. Đây là cử chỉ tôn thờ long trọng. Cử điệu cao quí nhất mà con người có thể làm hiện được. Trong tin mừng Thánh Matthêu, sự sụp lạy này cũng được các tông đồ thực hiện trong chiếc thuyền, khi thuyền đã được cứu khỏi cơn phong ba bão táp (Mt 14, 33). Đó cũng là cử điệu của ba nhà Đạo sĩ ngoại giáo (2,11), của người bệnh phong (8,12), và của một phụ nữ Canaan, một người ngoại đạo khác (15,25).
Tôi có bao giờ thờ lạy như thế không? Nghĩa là thầm lặng suy niệm về sự oai nghi của đấng đang ở trước mặt tôi chăng?
Nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần
Giáo Hội dâng lễ tế để tôn thờ Thiên Chúa vẫn còn là một Giáo Hội của những người tội lỗi. Đức tin của những con người. Đức tin của những tông đồ đầu tiên (cũng như đức tin của chúng ta) vẫn còn là một đức tin pha trộn hoài nghi và nước đôi, đó là một đức tin còn đang di hành. Giáo hội đón tiếp Đức Giêsu vẫn là một Giáo Hội của những người “yếu đức tin” (Mt 14,31), bị hư mất một người, chỉ còn 11 trong số 12 người đã được chọn. Đức Giêsu không ngạc nhiên về điều này. Người đến gần họ như ngày người đã biến hình (Mt 17,7). Lạy Chúa xin hãy đến. Xin Chúa hãy đến gần hơn. “Maranatha”. Lạy Chúa xin thương xót chúng con và tất cả những người đã không tuyên xưng Đức tin một cách hoàn toàn và rõ ràng. Xin Chúa thương xót biết bao bạn trẻ, biết bao con người thời nay “không đạt đến đức tin”. Xin Chúa thương xót con, vì đôi khi đức tin của con cũng hoài nghi.
Người nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi đến muôn dân và kết nạp môn đệ … Dậy họ tuân giữ những điều răn… Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Lời của Đức Giêsu phục sinh nói trên đây oai nghi biết bao!
Sau cuộc sống khiêm nhường thành Nagiarét, giờ đây sự thật đã tỏ lộ. Bên ngoài, đây có vẻ như là tramg cuối của một câu truyện, giai đoạn kết thúc của cuộc sống một con người, nhưng thực ra đây là khởi đầu của một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất trong các thời đại, không thể giải thích được bằng những tiêu chuẩn bình thường của lịch sử.
Chúng ta nên lưu ý đến tầm quan trọng của tất cả tĩnh từ “tất cả, toàn thể” đã được lập lại tới bốn lần. Nhắc lại bốn lần từ “toàn thể”, nhắc lại bốn lần từ “trọn vẹn” là để biểu lộ hành động của Đức Giêsu. Đó là tính trọn vẹn – toàn diện trong hành động của Thiên Chúa, Đấng đã chấp nhận thân xác trong toàn diện hành động của con người, theo suốt dòng thời gian trôi chảy! Nên đọc lại tư tưởng của Cha Teihard de Chardin. Dưới đây là là một trích đoạn: “xét về mặt vật lý, Đức Kitô là Đấng choán phủ tất cả: Không có một yếu tố nào trong vũ trụ, vào bất cứ một giây phút nào của trần gian, chuyển hành mà lại không di chuyển, và không bao giờ được vận hành ngoài tầm hướng dẫn của Người cả. Không gian và thời gian đã ngập đầy sự hiện diện của Người. Cũng xét về mặt thể lý, Đức Kitô là Đấng “tiêu thụ” tất cả: trọn vẹn vũ trụ chỉ được hoàn tất trong một tổng hợp cuối cùng, mà ở đó có một ý thức siêu việt sẽ biểu lộ trên mọi yếu tố phức tạp cho dù đã được cấu tạo một cách tuyệt vời. Mọi con người sẽ hội tụ và cùng kết nối lại với nhau trong Người. Chính Đức Kitô sẽ tạo cho toàn bộ công trình vật chất và tinh thần độ bền vững mãi.
Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chúa Cha chỉ là “Cha”, vì Người quên mình hoàn toàn, để chuyển trọn vẹn sang Ngôi Con. Chúa Con chỉ là “Con” vì Người quên mình để trọn vẹn “tự hiến dâng” cho Chúa Cha – Chúa Thánh Thần sẽ không là gì cả nếu Người không phải là tình yêu hỗ tương của Chúa Cha và Chúa Con, Thiên Chúa là Tình yêu.
Chương trình lớn lao của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đã giao cho các tông đồ, cho Giáo Hội, nhằm “nhận dìm” (đấy là nghĩa chữ Hy Lạp baptizô) nhân loại trong tương quan tình yêu liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Dấu” rửa tội đúng là dấu Thánh Giá; đó là “cuộc sống cho tha nhân”. Chúng ta được rửa tội nhân danh tình yêu. Chúng ta được “nhận dìm” trong nguồn tình yêu đó – Đấy là “chương trình” của Giáo Hội.
Đôi khi người ta tự hỏi Đức Giêsu đã muốn sáng lập Giáo Hội nào? Chắc chắn, Đức Kitô đã không nghĩ đến nước Vatican, đến các vị Giám mục đội mão, đến những văn phòng hành chánh, những kiến trúc tôn giáo hay những nghi lễ trọng thể của Giáo Hội, giống như những triều đình vua chúa ngày xưa.
Nói điều này để chúng ta đừng đóng khung Giáo Hội sống động trong những bộ mặt trần thế mà Giáo Hội đã có trong một số thời đại. Điều Đức Kitô muốn đó là “Tập hợp tất cả mọi người trong tình yêu” – Chúa là tình yêu – Chúa là cộng đồng những người thương yêu nhau tronh hiệp nhất của Chúa Thánh Thần – phải tìm điều cốt yếu của Giáo hội trong bản tính của Chúa Ba Ngôi.
Những người thấy tôi sốt sắng, tôi được “nhận dìm”, “được rửa tội” trong Chúa Ba Ngôi tình yêu, những người quan sát những nhóm mà tôi đang sống: Gia đình, nhóm làm việc với tôi, họ có thể cảm thấy “tôi đã được rửa tội nhân danh ai”?
Anh em hãy dạy bảo họ giữ những điều Thầy đã dạy cho anh em.
Đức Giêsu đã truyền dạy những điều răn nào? Đó là giới răn tình thương. “Người ta sẽ nhận các con là môn đệ của Thầy, ở điều này, nếu các con yêu thương nhau”. Không phải cứ được rửa tội là đủ – phải tỏ ra là “môn đệ” của Đức Giêsu bằng mọi hành động trong cuộc sống. Đối với Đức Giêsu, giáo lý không phải là một bài phải học mà là một tập luyện sống “theo tình thương”
Và đây; Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Lời hứa “Thầy ở cùng” trên đây rất mạnh nghĩa. Cũng như trong Tin Mừng Thánh Gioan, ta đoán nhận ra trong lời phát biểu đó, cung cách của “Giavê”trong Cựu ước. Hơn nữa, theo lối hành văn của người Sêmít, ở đây ta nhận thấy, để kết thúc Tin mừng của mình, Matthêu đã lập lại tư tưởng đã đề cập ở đầu sách: “Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Khi báo tin cho Thánh Giuse (Mt 1,23), Thiên sứ đã nói con trẻ sẽ được gọi là Emmanuel, vậy mà Thánh Giuse đã đặt tên Chúa là Giêsu: Nhưng trong dòng cuối của Tin Mừng, Thánh Matthêu đã giải thích bí mật này: Đức Giêsu Phục sinh, chính là “Chúa ở cùng chúng ta”.
“Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa”.