(2.7.2017 – Chúa nhật 13 Thường niên, năm A) XỨNG VỚI THẦY

2,7.2017XỨNG VỚI THẦY
Lời Chúa: Mt 10, 37-42
Khi ấy, Đức Giêsu sai mười hai tông đồ đi và nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
Suy niệm:
Hai mươi sáu năm trời, vác một cây thánh giá gỗ,
dài 3,6m, ngang 1,8m, nặng 18 kg,
vượt qua 50.140 km, 227 quốc gia, 7 lục địa:
đó là điều mục sư Arthur Blessit đã làm từ Noel 1969.
Ông là người giữ kỷ lục đi bộ quãng đường dài nhất.
“Tôi đã đi qua các sa mạc, rừng rậm,
đã từng bị tấn công bởi voi, rắn, cá sấu.
Tôi đã bị bắt giam 21 lần và suýt bị hành hình…”
Chỉ còn 50 nước ông chưa đặt chân tới.
Ông hy vọng sẽ hoàn tất chuyến đi này trước năm 2000.
Như vậy ông sẽ là người đầu tiên
đưa thánh giá đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Cử chỉ của ông làm chúng ta suy nghĩ.
Vác thánh giá là chấp nhận nặng nề và bấp bênh,
nặng nề vì khúc gỗ trên vai, bấp bênh vì nguy hiểm.
Ðức Giêsu mời gọi các môn đệ
vác thánh giá của mình mà theo Ngài.
Chẳng có con đường nào tốt hơn con đường Ngài đã đi.
Con đường khó nghèo, khiêm hạ ở Bê-lem và Na-da-rét.
Con đường rao giảng trong nhọc nhằn ở phần đất xứ Galilê.
Con đường đầy đe dọa hiểm nghèo khi lên Giêrusalem.
Con đường hiến mình khi vác thánh giá lên Núi Sọ.
Chúng ta được mời gọi đi theo Ngài trên các con đường ấy,
hay đúng hơn đi theo Ngài trên nẻo đường của đời mình,
không cô đơn thất vọng, vì biết nơi mình sắp đến.
Thánh giá của chúng ta không phải là khúc gỗ,
nhưng là những gì ta phải từ bỏ, dù rất yêu mến,
những người ta phải yêu mến, dù rất muốn từ bỏ.
Chúng ta chỉ vác nổi thánh giá của mình
nếu chúng ta dám yêu thực sự.
Chỉ khi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân,
chúng ta mới dám quên mình, bỏ mình, mất mình, hiến mình.
Ðiểm mới mẻ của Tân Ước là tình yêu đối với Ðức Giêsu.
Ngài đòi ta phải yêu Ngài hơn cha mẹ, hơn con cái.
Ngài còn đòi ta chịu mất mạng vì Ngài.
Nếu Ðức Giêsu không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa,
nếu Ngài đã không chết vì chúng ta trước,
thì Ngài chẳng có quyền đòi hỏi những hy sinh như vậy.
Trải qua 20 thế kỷ, biết bao thế hệ Kitô hữu
đã dám sống đến cùng tình yêu ấy.
Truyền giáo không phải chỉ là thông truyền đức tin
mà còn là thông truyền tình yêu,
là làm cho Ðức Giêsu được mọi người yêu mến.
Nhưng trước hết, chúng ta phải cảm nghiệm được Tình Yêu
để cả cuộc đời ta là lời đáp cho Tình Yêu,
là cuộc sống sao cho xứng với Thầy (c.37.38).
Ước gì chúng ta yêu Ðức Giêsu trên mọi sự,
yêu mọi sự trong Ngài và dưới Ngài,
chấp nhận mất cái tôi nhỏ mọn, để được cái tôi triển nở.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ