Thứ Năm, ngày 11/4, Đức Thánh Cha tiếp các thành viên Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học nhân Đại hội thường niên. Ngài mời gọi xây dựng một văn hoá hội nhập, trong đó người khuyết tật không phải là người tiếp nhận thụ động nhưng tham gia vào đời sống xã hội như những nhân vật chính của sự thay đổi.
Đi từ chủ đề của Đại hội tập trung vào người khuyết tật, Đức Thánh Cha nhắc lại học thuyết xã hội của Giáo hội về điều này: Người khuyết tật có đầy đủ mọi quyền và nghĩa vụ; Mỗi người đều có quyền sống xứng nhân phẩm, ngay cả khi họ có những hạn chế; Phẩm giá của mỗi người không dựa trên hoàn cảnh nhưng dựa trên giá trị sự hiện hữu.
Theo Đức Thánh Cha, tính dễ bị tổn thương và yếu đuối là một phần tình trạng con người, và không chỉ liên quan đến người khuyết tật. Sự quan tâm của Giáo hội dành cho người khuyết tật hiện thực hoá nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người dễ bị tổn thương này.
Trước hết, Chúa tiếp xúc trực tiếp với những người khuyết tật và thay đổi ý nghĩa tình trạng của họ. Đối với Chúa Giêsu, mọi thân phận con người, cả những người có những giới hạn thể lý là một lời mời gọi dệt lên một tương quan với Thiên Chúa và giúp con người tìm lại chính mình, như trường hợp anh mù Batimê trong Tin Mừng (Mc 10, 46-52).
Đức Thánh Cha nói tiếp, đề cập đến văn hoá vứt bỏ không biên giới trong xã hội ngày nay. Chống lại thứ văn hoá này có nghĩa là thúc đẩy một nền văn hoá hội nhập, tạo ra và củng cố các liên kết xã hội. Những người tham gia vào hành động liên đới này là những người cảm thấy đồng trách nhiệm vì lợi ích của mỗi người, làm việc cho công bằng xã hội và loại bỏ những rào cản làm cho nhiều người không được hưởng các quyền tự do cơ bản.
Vấn đề là xây dựng một văn hoá hội nhập, trong đó người khuyết tật không phải là người tiếp nhận thụ động nhưng tham gia vào đời sống xã hội như những nhân vật chính của sự thay đổi. Trong ánh sáng này, vai trò của các hiệp hội và phong trào là rất quan trọng.
Về điểm này, Đức Thánh Cha khen ngợi và cảm ơn các thành viên Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học vì những đóng góp dành cho người khuyết tật. Thực tế, cơ quan này của Toà Thánh đã có những nghiên cứu và thảo luận trong cộng đồng khoa học và nâng cao nhận thức trong các môi trường xã hội và Giáo hội về lĩnh vực này.
Nguồn : Vatican News