Ai yêu mến nhiều thì được tha nhiều”. “Yêu mến” mà Chúa Giêsu nhắc tới ở đây, chính là Đức tin và tâm tình sám hối. Người phụ nữ đã nhận ra tội lỗi của mình. Chị đã ăn năn và được Chúa tha thứ khi Người tuyên bố: “Tội con đã được tha rồi!”.
Năm Thánh Lòng Thương Xót là dịp để chúng ta đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Những bài đọc Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay đều diễn tả lòng bao dung của Chúa đối với các tội nhân. Tự bản chất, con người dễ dàng sa ngã phạm tội. Lịch sử cứu độ cũng là lịch sử ghi lại lòng thương xót của Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ nếu con người thành tâm sám hối trở về.
Đavít là vua Do Thái. Tuy vậy, ông không ăn ở xứng đáng với bậc “phụ mẫu chi dân”. Ông đã cướp vợ của ông Uria, là một viên tướng trung thành tận tụy. Tàn nhẫn hơn, Đavít đã lập mưu giết ông Uria bằng cách đưa ông vào nơi mặt trận xung yếu. Ngôn sứ Nathan đã được Chúa sai đến quở trách Đavít.
Qua câu chuyện vua Đavít, Lời Chúa muốn khẳng định với chúng ta: tội lỗi không chỉ là xúc phạm đến cá nhân một con người, nhưng là xúc phạm đến Chúa, là “khinh thường Chúa và làm những điều gian ác trước mặt Ngài” (Bài đọc I). Chúa trừng phạt Đavít, vì ông xúc phạm đến người nghèo và đã có những hành động bất công. Dù là bậc vua chúa, Đavít không được cậy quyền mà xúc phạm người yếu thế. Chúa là Đấng công minh, Ngài bênh vực những kẻ nghèo hèn và trừng phạt những ai ức hiếp họ.
Qua lời ngôn sứ Nathan, vua Đavít đã nhận ra tội lỗi của mình và thành tâm sám hối, nên được Chúa thứ tha. Tâm tình sám hối của Đavít sau này được diễn tả qua các Thánh vịnh, nhất là qua đời sống đạo đức. Đến cuối đời, ông vẫn một niềm kính sợ Chúa. Đavít đã phạm tội và đã ăn năn sám hối, nên xứng đáng đón nhận tình thương của Chúa. Đối với những tội nhân được ơn hối cải, Chúa chóng “quên” quá khứ của họ. Người không chỉ tha thứ tội lỗi của quá khứ, mà còn ban cho họ được phục hồi và hội nhập cuộc sống bình thường.
Nếu Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, bao dung tha thứ, thì con người lại quá ích kỷ. Ông Simon, người đã mời Chúa Giêsu đến nhà dùng tiệc, là đại diện cho lối suy nghĩ nhỏ nhen này. Khi thấy người phụ nữ tội lỗi đến và xức dầu thơm chân Chúa, ông đã tỏ ra khó chịu và thắc mắc trong lòng. Ông bực mình người phụ nữ tội lỗi xuất hiện tại nhà ông. Ông cũng không vui vì thấy Chúa Giêsu làm thinh cho chị xức dầu. Dường như ông muốn mọi việc phải được phân biệt tốt xấu rõ ràng. Ông không thấy được rằng, đối với người phụ nữ, việc gặp Chúa Giêsu sẽ giúp chị sang trang mới của cuộc đời, được ơn tha thứ và làm lại từ đầu. Dưới ánh mắt của ông Simon là một người biệt phái, chị chỉ là đồ rác rưởi phải xa lánh như một thây ma hay một đồ vật gây ô uế.
Thái độ kỳ thị của ông Simon cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Có người đã một lần lầm lỗi, nay muốn hoàn lương trở về cuộc sống bình thường, nhưng dư luận xung quanh không cho họ cơ hội để tái hòa nhập cuộc sống. Những dị nghị, dèm pha; những ánh mắt nghi ngờ chế giễu, làm họ tổn thương và bi quan chán nản. Một tác giả đã viết: “Các thánh đều có một quá khứ, và tội nhân đều có một tương lai”. Điều đó có nghĩa chúng ta đều là những con người còn nhiều yếu đuối và khuyết điểm, nếu biết từ bỏ quá khứ tội lỗi thì có thể trở thành thánh nhân. Cũng vậy, một người dù tội lỗi, nhưng cánh cửa tương lai vẫn không khép lại trước mặt họ, nếu họ biết can đảm chỗi dậy và làm lại từ đầu, họ sẽ có cơ hội thành công.
“Ai yêu mến nhiều thì được tha nhiều”. “Yêu mến” mà Chúa Giêsu nhắc tới ở đây, chính là Đức tin và tâm tình sám hối. Người phụ nữ đã nhận ra tội lỗi của mình. Chị đã ăn năn và được Chúa tha thứ khi Người tuyên bố: “Tội con đã được tha rồi!”. Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu đã giúp chị tìm lại tâm hồn thanh thản và bình an.
Tin vào Chúa sẽ giúp chúng ta đón nhận lòng thương xót của Ngài. Nhờ tin mà con người được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã quả quyết “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Bài đọc II). Đây cũng là lý tưởng của người tín hữu. Mỗi ngày sống trên đời là một bước đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, đến mức chúng ta nên một với Ngài.
Đón nhận lòng thương xót của Chúa, mỗi chúng ta hãy trở nên những chứng nhân rao truyền lòng nhân hậu của Ngài. Đó chính là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh này.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên