Sáng thứ Tư, ngày 3/1, Đức Thánh Cha đã có buổi Tiếp kiến chung hằng tuần với bài giáo lý thứ hai trong loạt bài giáo lý về những thói xấu và những nhân đức. Bài giáo lý thứ hai có tựa đề “Chiến đấu thiêng liêng”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: trong thân phận con người, ai cũng gặp cám dỗ, nhưng Chúa luôn đồng hành để chúng ta chiến đấu và chiến thắng những cám dỗ, bởi vì Chúa luôn luôn tha thứ và trợ giúp chúng ta, bất chấp những tội lỗi nghiêm trọng của chúng ta.
Buổi tiếp kiến chung mở đầu với dấu Thánh Giá và đoạn trích Tin Mừng theo thánh Matthêu (3, 13-15):
Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” 15Nhưng Đức Giê-su trả lời : “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Tuần trước chúng ta đã giới thiệu về chủ đề các thói xấu và các nhân đức. Nó gợi lại cuộc chiến đấu thiêng liêng của Kitô hữu. Thực ra, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu không hề bình lặng, thẳng tắp và không có thử thách, trái lại, đời sống Kitô hữu đòi hỏi phải chiến đấu liên tục. Không phải ngẫu nhiên mà việc xức dầu đầu tiên mà mọi Kitô hữu lãnh nhận trong bí tích Rửa tội – việc xức dầu dự tòng – không có bất kỳ loại hương liệu nào và báo hiệu một cách biểu tượng rằng cuộc sống là một cuộc chiến đấu. Thật vậy, thời xa xưa, các đô vật được xức dầu toàn thân trước trận đấu, vừa để làm săn chắc cơ bắp, vừa giúp cơ thể thoát khỏi sự tóm bắt của đối thủ. Việc xức dầu cho các dự tòng ngay lập tức làm sáng tỏ rằng người Kitô hữu không tránh khỏi cuộc chiến: ngay cả sự hiện hữu của họ, cũng như của mọi người, sẽ phải bước vào đấu trường, bởi vì cuộc sống là một chuỗi những thử thách và cám dỗ.
Một câu nói nổi tiếng của thánh Tổ phụ Antôn, người cha vĩ đại đầu tiên của đời sống đan tu, như thế này: “Hãy loại bỏ các cám dỗ và chẳng ai sẽ được cứu”. Các vị thánh không phải là những người thoát khỏi cám dỗ, nhưng đúng hơn, con người ý thức rõ ràng rằng trong cuộc sống họ phải liên tục đối diện với những cám dỗ về cái xấu, để vạch trần và đẩy lùi nó. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này, tất cả chúng ta: rằng một ý nghĩ xấu đến với bạn, rằng ước muốn làm điều này hoặc nói xấu người khác đến với bạn… Mọi người, mọi người đều bị cám dỗ, và chúng ta phải chiến đấu để không thua cuộc trước những cám dỗ này. Nếu ai trong anh chị em không bị cám dỗ thì xin nói cho tôi biết, vì đó thật là một điều phi thường! Tất cả chúng ta đều có những cám dỗ và tất cả chúng ta đều cần học cách đối phó với những tình huống này.
Có nhiều người tự hoá giải cho mình, nhiều người cho rằng mình “ổn”, nói rằng: “Không, tôi tốt lắm, tôi chẳng có những vấn đề này”. Nhưng chẳng ai trong chúng ta đã ổn rồi; nếu ai cảm thấy ổn rồi, thì có lẽ đang mơ; mỗi người trong chúng ta có nhiều điều cần phải điều chỉnh, và ngay cả phải cảnh giác. Và đôi khi chúng ta đến với bí tích Hoà Giải, và nói bằng sự chân thành rằng: “Thưa cha, con chẳng nhớ, con không biết là con có tội hay không…”. Đây là sự thiếu sót về sự nhận biết những gì xảy ra trong trái tim mình. Tất cả chúng ta là tội nhân, tất cả. Và việc xét mình, nhìn lại nội tâm của mình sẽ giúp chúng ta tốt hơn. Nếu không, chúng ta có nguy cơ sống trong bóng tối, bởi vì cuối cùng họ đã quen với bóng tối và không còn biết phân biệt tốt xấu. Isaac ở Nineveh nói rằng trong Giáo hội, người biết tội lỗi của mình và than khóc chúng thì lớn lao hơn người làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn nhận ra mình là những tội nhân đáng thương, cần hoán cải, giữ trong lòng niềm tin tưởng rằng không có tội lỗi nào quá lớn đối với lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha. Đây là bài học vỡ lòng mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta.
Chúng ta thấy điều đó trong những trang đầu tiên của Tin Mừng, trước hết khi chúng ta được nghe kể về phép rửa của Đấng Messia trong dòng nước sông Giođan. Trình thuật này tự nó có một điều gì đó gây hoang mang: tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa như vậy? Người là Thiên Chúa, là Đấng hoàn hảo. Chúa Giêsu cần phải ăn năn tội lỗi nào? Chẳng có. Ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng bị sốc, đến mức bản văn viết: “Ông Gioan muốn ngăn cản Người và nói: ‘Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” (Mt 3,14). Nhưng Chúa Giêsu là một Đấng Mêsia rất khác với cách Gioan đã trình bày về Người và người ta tưởng tượng về Người: Người không là hiện thân của Thiên Chúa giận dữ và Người không triệu gọi để phán xét, nhưng trái lại, Người xếp hàng với những tội nhân. Sao như vậy được? Vâng, Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta, tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi. Người không phải là tội nhân, nhưng Người ở giữa chúng ta. Và đây là một điều thật đẹp. Chúng ta có thể nói: “Thưa cha, con có quá nhiều tội lỗi!” – “Nhưng Chúa Giêsu ở cùng bạn: hãy nói về điều đó, Người sẽ giúp bạn thoát khỏi nó”. Chúa Giêsu không bao giờ để chúng ta cô đơn, không bao giờ! Hãy nghĩ kỹ về điều này. “Thưa Cha, con đã phạm những điều nghiêm trọng rồi!” – “Nhưng Chúa Giêsu hiểu bạn và đồng hành với bạn: Người hiểu tội lỗi của bạn và tha thứ”. Đừng bao giờ quên điều này! Trong những lúc tồi tệ nhất, trong những lúc chúng ta sa vào tội lỗi, Chúa Giêsu ở bên cạnh để giúp nâng chúng ta lên. Điều này mang lại sự an ủi. Chúng ta không được đánh mất sự chắc chắn này: Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta để giúp đỡ, bảo vệ chúng ta, thậm chí giúp chúng ta đứng dậy sau tội lỗi. “Thưa Cha, có phải Chúa Giêsu tha thứ tất cả không?” – “Tất cả. Người đến để tha thứ, để cứu rỗi. Chỉ có điều Chúa Giêsu cần trái tim của bạn mở rộng”. Người không bao giờ quên tha thứ: chính chúng ta nhiều khi mất khả năng cầu xin sự tha thứ. Hãy lấy lại khả năng này để cầu xin sự tha thứ. Mỗi người chúng ta có nhiều điều cần xin tha thứ: mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó trong lòng mình và hôm nay nói chuyện đó với Chúa Giêsu. Hãy thưa với Chúa Giêsu về điều này: “Lạy Chúa, con không biết điều này có đúng hay không, nhưng con chắc chắn rằng Chúa sẽ không rời xa con. Con chắc chắn rằng Chúa tha thứ cho con. Lạy Chúa, con là một tội nhân, nhưng xin đừng quay mặt đi”. Đây sẽ là một lời cầu nguyện tuyệt vời dâng lên Chúa Giêsu hôm nay: “Lạy Chúa, xin đừng lìa xa con”.
Và ngay sau phép rửa, các Tin Mừng kể rằng Chúa Giêsu rút lui vào sa mạc, nơi Người bị Satan cám dỗ. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta cũng tự hỏi: tại sao Con Thiên Chúa lại phải chịu cám dỗ? Ngay cả trong trường hợp này, Chúa Giêsu thể hiện tình liên đới với bản chất con người mong manh của chúng ta và trở thành gương mẫu vĩ đại của chúng ta: những cơn cám dỗ mà Người nếm trải và vượt qua giữa những tảng đá khô cằn của sa mạc là bài học đầu tiên Người dạy cho đời sống môn đệ của chúng ta. Người đã nếm trải điều mà chúng ta cũng phải luôn chuẩn bị để đối mặt: cuộc sống được tạo nên từ những thách đố, thử thách, những ngã rẽ, những cái nhìn đối lập, những cám dỗ tiềm ẩn, những tiếng nói trái ngược nhau. Một số tiếng nói thậm chí còn có sức thuyết phục cao, đến mức Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-su bằng cách dùng đến những lời trong Kinh thánh. Chúng ta phải giữ gìn sự sáng suốt bên trong để chọn con đường thực sự đưa chúng ta đến hạnh phúc và sau đó cam kết không dừng lại trên cuộc hành trình.
Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta luôn bị giằng xé giữa những thái cực trái ngược nhau: niềm kiêu hãnh thách thức sự khiêm nhường; hận thù tương phản với lòng bác ái; nỗi buồn cản trở niềm vui đích thực của Thánh Thần; sự cứng lòng từ chối lòng thương xót. Kitô hữu liên tục bước đi trên những rặng núi này. Vì vậy, điều quan trọng là phải suy ngẫm về những thói xấu và những nhân đức: nó giúp chúng ta thắng vượt văn hóa hư vô, nơi đó ranh giới giữa thiện và ác vẫn còn mập mờ, đồng thời, nó nhắc nhở chúng ta rằng con người, không giống bất kỳ thụ tạo nào khác, có thể luôn vượt lên trên chính mình, mở lòng ra với Thiên Chúa và tiến tới sự thánh thiện.
Do đó, cuộc chiến thiêng liêng khiến chúng ta nhìn kỹ vào những thói xấu đang xiềng xích chúng ta và bước đi, với ân sủng của Thiên Chúa, hướng tới những nhân đức có thể làm nở hoa trong chúng ta, mang nguồn suối Thánh Thần vào cuộc sống của chúng ta.
Nguồn : Vatican News