Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 21/8/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng hương thơm của Chúa Kitô tỏa ra từ “hoa trái của Thần Khí”, đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22). Ngài thúc giục các Kitô hữu hãy lan truyền hết sức có thể hương thơm của Chúa Kitô trong môi trường sống của mình bằng chứng tá của những việc tốt lành.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 21/8/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Giêsu bằng dầu Chúa Thánh Thần để Người thi hành sứ mạng. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, Kitô hữu được thông truyền Chúa Thánh Thần từ Chúa Kitô để noi gương Người. Các Kitô hữu có sứ mạng mang hương thơm Chúa Kitô vào thế giới.
Hương thơm của Chúa Kitô tỏa ra từ “hoa trái của Thần Khí”, đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22). Đức Thánh Cha thúc giục các Kitô hữu hãy lan truyền hết sức có thể hương thơm của Chúa Kitô trong môi trường sống của chúng ta bằng chứng tá của những việc tốt lành.
Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu Thánh Giá và chào phụng vụ, cộng đoàn nghe đoạn Kinh Thánh
Công vụ Tông đồ (10,34.37-38):
Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói: “[…] Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng; Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta suy tư về Chúa Thánh Thần, Đấng đến với Chúa Giêsu trong phép rửa ở sông Giođan và từ Người lan tỏa vào thân thể của Người là Giáo hội. Trong Tin Mừng Thánh Marco, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa được mô tả như sau: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’”. (Mc 1,9-11).
Tất cả Ba Ngôi đã gặp nhau vào lúc đó trên bờ sông Giođan! Có Chúa Cha hiện diện qua tiếng nói của Người; có Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu và có Đấng được Chúa Cha công bố là Con Yêu dấu của Người. Đó là thời điểm vô cùng quan trọng của Mặc khải, một thời điểm quan trọng của lịch sử cứu độ. Thật tốt khi chúng ta đọc lại đoạn Tin Mừng này.
Chúa Cha “đã xức dầu Thánh Thần” thánh hiến Chúa Giêsu
Điều gì đã xảy ra trong phép rửa của Chúa Giêsu và quan trọng đến mức mà tất cả các Thánh sử đều tường thuật lại? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong những lời Chúa Giêsu tuyên bố, một thời gian ngắn sau đó, tại hội đường ở Nadarét, đề cập rõ ràng đến biến cố sông Giođan: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi; vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Luca 4,18).
Tại sông Giođan, Chúa Cha “đã xức dầu bằng Thánh Thần”, nghĩa là Người đã thánh hiến Chúa Giêsu làm Vua, Ngôn Sứ và Tư Tế. Thực ra, trong Cựu Ước, các vị vua, các ngôn sứ và các tư tế đều được xức dầu thơm. Trong trường hợp của Chúa Kitô, thay vì dầu vật lý, Người được xức dầu thiêng liêng là Chúa Thánh Thần; thay vì biểu tượng, ở đây có thực tại: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu.
Kitô hữu là “những người được xức dầu để noi gương Chúa Kitô”
Chúa Giêsu được tràn đầy Chúa Thánh Thần ngay từ giây phút đầu tiên khi Người nhập thể. Tuy nhiên, đó là “ân sủng cá nhân”, không thể thông truyền; nhưng giờ đây, với việc xức dầu này, Người nhận được trọn vẹn hồng ân của Chúa Thánh Thần để thực hiện sứ mạng, sứ vụ mà với tư cách là đầu, Người sẽ thông truyền cho thân thể của Người là Giáo hội và cho mỗi người chúng ta. Vì lý do này, Giáo hội là “dân tộc vương đế, dân tộc ngôn sứ và dân tộc tư tế” mới. Thuật ngữ tiếng Do Thái “Mêsia” và thuật ngữ “Kitô” tương ứng trong tiếng Hy Lạp đều đề cập đến Chúa Giêsu, có nghĩa là “người được xức dầu”: được xức dầu của niềm vui, được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần. Chính danh xưng “Kitô hữu” của chúng ta sẽ được các Giáo Phụ giải thích theo nghĩa đen: Kitô hữu có nghĩa là “những người được xức dầu để noi gương Chúa Kitô”[1].
Trong Kinh Thánh có một Thánh Vịnh nói về một loại dầu thơm, được xức trên đầu thầy thượng tế Aaron và chảy xuống gấu áo của ông (xem Tv 133,2). Hình ảnh dầu chảy xuống đầy chất thơ này, được dùng để diễn tả niềm hạnh phúc được sống chung với nhau như anh chị em, đã trở thành một thực tại thiêng liêng và huyền nhiệm nơi Chúa Kitô và Giáo hội. Chúa Kitô là đầu, Thượng Tế của chúng ta, Chúa Thánh Thần là dầu thơm và Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô mà trong đó dầu thơm lan tỏa.
Được xức dầu thánh, Kitô hữu trở nên hương thơm của Chúa Kitô
Chúng ta đã hiểu tại sao Chúa Thánh Thần, trong Kinh Thánh, được biểu tượng bằng gió và thực sự, Người nhận tên từ nó, “Ruah” – gió. Cũng đáng để chúng ta tự hỏi tại sao Người lại được tượng trưng bằng dầu, và chúng ta có thể rút ra những bài học thực tế nào từ biểu tượng này. Trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, thánh hiến dầu được gọi là “Dầu thánh”, khi đề cập đến những người sẽ được xức dầu trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, Đức Giám mục nói: “Xin cho việc xức dầu này thấm nhập vào họ và thánh hóa họ, để khi được tẩy sạch vết nhơ của sự sinh hạ tự nhiên và được thánh hiến thành đền thờ vinh quang của Người, họ lan tỏa hương thơm của một cuộc sống thánh thiện”. Những lời này bắt nguồn từ Thánh Phaolô, người đã viết cho giáo đoàn Côrintô: “Vì chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô trước mặt Thiên Chúa” (2 Cr 2,15). Việc xức dầu làm chúng ta trở nên hương thơm và ngay cả một người sống cách vui mừng việc xức dầu của mình cũng tỏa hương thơm cho Giáo hội, cho cộng đoàn và gia đình bằng hương thơm thiêng liêng.
Sứ mạng của Kitô hữu: lan truyền hương thơm của Chúa Kitô vào thế giới
Chúng ta biết rằng, thật không may, đôi khi các Kitô hữu không lan tỏa hương thơm của Chúa Kitô, mà lan truyền mùi hôi của tội lỗi của chính họ. Và chúng ta đừng bao giờ quên: tội lỗi làm chúng ta xa cách Chúa Giêsu, tội lỗi khiến chúng ta trở thành thứ dầu hôi. Tuy nhiên, điều này không được làm chúng ta xao lãng cam kết thực hiện, hết sức có thể và mỗi người trong môi trường của chúng ta, ơn gọi cao cả là trở thành hương thơm của Chúa Kitô trong thế giới. Hương thơm của Chúa Kitô tỏa ra từ “hoa trái của Thần Khí”, đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22). Thánh Phaolô đã nói điều này, và thật đẹp biết bao khi tìm thấy một người có những đức tính này: yêu thương, một người có tình yêu thương, một người vui vẻ, một người kiến tạo hòa bình, một người rộng lượng, không keo kiệt, một người nhân hậu chào đón tất cả mọi người, một người tốt. Thật tốt khi tìm được một người tốt, một người trung thành, một người nhu mì, không kiêu ngạo, hiền lành. Và người khác sẽ ngửi thấy mùi thơm của Thánh Thần của Chúa Kitô xung quanh chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ý thức rằng chúng ta là những người đã được Người xức dầu.
[1] X. San Cirillo di Gerusalemme, Catechesi mistagogica, III, 1.
Nguồn : Vatican News