VATICAN. Sáng 1-3-2018, Bộ giáo lý đức tin đã công bố thư gửi các GM trên thế giới về một số khía cạnh của ơn cứu độ Kitô giáo.
Văn kiện mang tựa đề ”Placuit Deo”, lấy từ đoạn 1 câu 9 trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô, dạy rằng: ”Trong sự từ nhân và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn tỏ mình và cho biết mầu nhiệm thiên ý của Ngài” (Ep 1,9). Thư tái khẳng định giáo huấn của Đức tin Kitô đứng trước những quan niệm chỉ tin vào sức riêng và kế hoạch phàm nhân trong việc tìm kiếm ơn cứu độ, đồng thời bác bỏ lập luận của người tin vào sự cứu độ nội tâm và phủ nhận Thân Mình Chúa Kitô là Cộng đoàn Giáo Hội.
Trong lời giới thiệu Văn kiện tại cuộc họp báo, Đức TGM Ladaria Ferrer, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cho biết sau khi Tuyên ngôn Dominus Jesus Đức Giêsu là Chúa, được công bố hồi năm 2000, một số nhà thần học đã yêu cầu Bộ giáo lý đức tin đào sâu một số khía cạnh đã nói đến trong Tuyên ngôn ấy và đề nghị công bố một Văn kiện mới về ơn cứu độ Kitô giáo. Vì thế, sau khi đào sâu kỹ lưỡng đề tài quan trọng này với sự cộng tác của các chuyên gia cố vấn của Bộ, hôm nay Thư Placuit Deo được công bố.
Văn kiện gửi đến các GM trong Giáo hội Công Giáo và tới tất cả các tín hữu nói chung, đã được ĐTC phê chuẩn ngày 16-2 vừa qua (2018), và yêu cầu công bố càng sớm càng tốt.
Thư nhắm ”Tiếp nối đại truyền thống đức tin, đặc biệt là giáo huấn của ĐGH Phanxicô, nhắm làm nổi bật một số khía cạnh của ơn cứu độ Kitô giáo mà ngày nay người ta có thể thấy khó hiểu vì những biến chuyển văn hóa gần đây” (cap. I,n.1)
Hai chủ thuyết sai lầm
Vậy đâu là những biến chuyển văn hóa làm lu mờ sự tuyên xưng đức tin Kitô vốn công bố Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất và đại đồng? ĐTC Phanxicô, trong giáo huấn thông thường của ngài, thường nhắc đến hai xu hướng, dưới một số khía cạnh, giống hai lạc giáo cổ xưa, đó là thuyết Pelage và thuyết ngộ giáo (gnosticisme), tuy rằng có một sự khác biệt lớn giữa nội dung lịch sử bị tục hóa ngày nay với nội dung của những thế kỷ thời đầu Kitô giáo”.
”Thời nay có chủ thuyết tân Pelage lan tràn, cho rằng mỗi người hoàn toàn tự trị, có thể cứu độ chính mình mà không cần nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa và tha nhân trong thẳm sâu con người của mình. Vì thế việc cứu độ là điều tùy thuộc nỗ lực của mỗi người, hoặc những cơ cấu hoàn toàn phàm nhân, và không có khả năng đón nhận sự mới mẻ của Thánh Thần Chúa” (n.2). Trong nhãn giới này, Chúa Kitô bị coi như một gương mẫu nên noi them nhưng không phải là ”Đấng biến đổi thâm phần phàm nhân bằng cách tháp nhập chúng ta vào một cuộc sống mới đươc hòa giải với Chúa Cha và giữa chúng ta với nhau, nhờ Thánh Linh”.
Đàng khác, ”có một thứ tân thuyết ngộ giáo trình bày việc cứu độ hoàn toàn nội tâm, khép kín trong thái độ chủ quan. Người ta chủ trương giải thoát con người khỏi thân xác và vũ trụ vật chất, trong đó ta không còn khám phá những dấu vết bàn tay quan phòng của Đấng Tạo Hóa, nhưng chỉ thấy một thực tại vô nghĩa, có thể lèo lái được theo lợi ích của con người” (n.2). Xu hướng này quan niệm ”một sự cứu độ hoàn toàn nội tâm, sự cứu độ này khơi lên một xác tín bản thân mạnh mẽ, hoặc một tâm tình mạnh, được kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng không đảm nhận, chữa lành và canh tâm những tương quan của chúng ta với người khác và với thế giới được tạo dựng”.
Trong bối cảnh trên đây, thư của Bộ giáo lý đức tin muốn đương đầu với những xu hướng thu hẹp ấy, đang đe dọa Kitô giáo ngày nay và tái khẳng định rằng ơn cứu độ, theo kế hoạch Giao Ước của Chúa Cha, hệ tại sự kết hiệp của chúng ta với Chúa Kitô (Cap. II, nn. 2-4).
Về bố cục, sau chương nhập đề, qua tổng động 15 đoạn, thư Placuit Deo lần lượt đề cập đến:
– Chương II: Ảnh hưởng của những biến đổi văn hóa ngày nay đối với ý nghĩa ơn cứu độ Kitô giáo
– Chương III: Khát vọng của con người đối với ơn cứu độ
– Chương IV: Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế và ơn cứu độ
– Chương V: Ơn Cứu độ trong Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô
– Sau cùng chương VI là phần kết luận nói về việc thông truyền đức tin, trong khi chờ đợi Đấng Cứu thế. (Rei 1-3-2018)
G. Trần Đức Anh OP
vi.radiovaticana.va