Tác giả Marcô tóm kết toàn bộ sứ điệp của Đức Giê-su vào một câu tuyên bố long trọng: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!” Chắc chắn lời công bố này có một nội dung mạnh mẽ lắm đối với các thính giả thời đó, cách riêng đối với các môn đệ tin theo Người, và rồi cả đối với các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai nữa. Ngày nay, ngoài một số nhà thần học và Thánh Kinh đào sâu ý nghĩa từ vựng Hy Lạp ‘Kairos’ (= đã đến thời, thời kỳ đã mãn), tôi thiết nghĩ: có rất ít Kitô hữu, thậm chí cả linh mục tu sĩ, nhận ra được tầm quan trọng và sâu sắc của sứ điệp nòng cốt này của Đức Kitô Giêsu.
Đức Giêsu long trọng công bố: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!” tức là đã đến thời điểm chín mùi trong kế hoạch của Thiên Chúa; đã đến thời Thiên Chúa ra tay hành động. Người gọi đó là ‘Kairos’, là cao điểm, là thời kỳ quyết định của toàn bộ lịch sử – lịch sử của toàn nhân loại nói chung, cũng như lịch sử của từng cá nhân con người nói riêng. Lịch sử cũ đã hoàn toàn chấm dứt, và một kỷ nguyên mới đã thực sự mở màn, kỷ nguyên không do con người mà là do chính Thiên Chúa chủ động. Theo Catholic Dictionary (Tự Điển Công Giáo): trong Tân Ước từ vựng ‘Kairos’ gắn với một hành động mang tính quyết liệt. ‘Kairos được coi là ‘Krisis’ trong nội dung của từ vựng, có nghĩa là bước ngoặt, một cuộc đổi đời, giây phút mà một người hoàn toàn thoát khỏi cái cũ để đi vào cái mới. Đức Giêsu thậm chí khẳng định mạnh hơn: đó là một cuộc sinh lại (chứ không chỉ là một cuộc tái sinh – làm mới theo nghĩa phổ thông) (Ga 3:3-6). Điều này được Phaolô gọi là cuộc tạo dựng mới, một trời mới đất mới, tạo vật mới, Ađam mới…; chính vì điều này mà Phaolô đã không ngần ngại gọi các tín hữu Côrintô vừa mới được rửa tội là ‘các người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta.’ (1 Cr 1:2), cho dầu ngay sau đó, gần như trong suốt lá thư thứ nhất gửi cho họ, ông không ngừng nêu lên những tội lỗi tầy trời họ phạm. Chắc hẳn ông đang nhấn mạnh trên con người mới thánh thiện của họ, trước cả khi kêu gọi họ sửa đổi con người cũ tội lỗi.
Lối nhìn này không thể bị cho là suy tư thần học viển vông mà chính là một nhãn quan rất triệt để và căn bản về ơn gọi Kitô hữu và sứ điệp Tin Mừng. Các Kitô hữu thời đầu đã từng coi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ không như một tiến trình lâu dài tiệm tiến, ngược lại như một điều đang xảy ra tức thời, hơn nữa trong một mức độ nào đó được coi như đã thành sự rồi. Vì ơn cứu độ không như một chỉnh sửa luân lý tiệm tiến, nhưng là như một cuộc cách mạng toàn diện, đảo lộn tới tận gốc rễ; còn nếu có lời kêu gọi sửa đổi nào, thì cũng luôn mang tính cấp bách phải làm ngay, vì đã tới ‘Kairos’, ‘thời kỳ đã mãn’. Tư tưởng này nơi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi mạnh tới nỗi, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ngày nay có ấn tượng: các tín hữu thời đó đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng: giờ cánh chung, ngày quang lâm đã điểm tức thời, ngay trong thế hệ của họ.
Nguyên nhân của hai nhãn quan đối kháng nhau này phải chăng đơn giản chỉ vì có hai khuynh hướng trái nghịch: hoặc gom hai vế của câu ‘hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ lại thành một, hoặc tách rời chúng ra? Ngày nay có nhiều người bó gọn Tin Mừng vào việc ‘hãy sám hối’, thậm chí họ còn coi ‘tin vào Tin Mừng’ chỉ là một khởi sự, thậm chí một phương tiện cho việc tu thân tích đức. Người ta đã quên mất rằng: ‘thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần’ thì, với sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, nhất là với sự chết và sống lại của Người, ‘Kairos’ thực sự đã điểm. Không may, suy nghĩ phổ thông của rất nhiều tín hữu ngày nay vẫn là: một người được cứu độ chính yếu là do đã sửa lỗi, đã ăn năn hoán cải và trở nên tốt lành, với sự hỗ trợ của các bí tich ban ơn sủng…, hơn là do chính ơn cứu chuộc Đức Kitô đã thực hiện qua Nhập Thể và Thập Giá. Nói nôm na bình dân, người ta nghĩ: được lên thiêng đàng là do công nghiệp mình đã thu tích, hơn là do lòng nhân hậu xót thương vô bến bờ, đồng thời cũng hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa từ nhân. Ôi! cùng là Kitô hữu mà sao hai thế hệ lại có thể hiểu nội dụng nền tảng của Tin Mừng nghịch nhau đến như vậy?
Là linh mục, trong vai trò lãnh đạo tôn giáo, tôi đã chu toàn tốt khi giúp các tín hữu ăn năn sám hối để sửa chữa các lỗi lầm đã phạm, nhưng trong tư cách mục tử của Đức Kitô, tôi sẽ phải làm gì đây? Chính bản thân mình, tôi vẫn thường tự hào chau chuốt về trình độ tốt lành đạo đức mình đạt được (qua thời gian dài được đào tạo trong chủng viện), hay vui mừng trông cậy vào ơn cứu độ Chúa đổ xuống tràn lan trên tôi? Và như Phaolô, tôi có thật sự tôn trọng sự thánh hiến mà các tín-hữu đã lãnh hội từ ngày họ lãnh bí tích Rửa Tội, trong khi vẫn nỗ lực nhắc nhở họ vươn lên từ những khuyết điểm của đời sống thường ngày? Tôi có thật sự xác tín “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” phải được áp dụng cho chính tôi trước hết, một linh mục của Đức Kitô, rồi sau đó cho mọi tín hữu Kitô khác?
Lạy Thiên Chúa từ nhân cứu độ, Chúa đến trần gian để chỉ lối và dẫn dắt các chiên đi vào con đường thẳng tắp của ơn cứu độ dẫn tới Chúa Cha; thế nhưng con, một mục tử của Chúa, lại đưa chúng đi trên con đường vòng vo lê thê của luân lý và đạo hạnh; lý do là vì: chính con chưa dám tin vào lối tắt đó. Xin dạy con biết xác tín rằng: hoàn toàn do lòng từ nhân Chúa đã thánh hiến con trước cả khi con được nên hoàn thiện. Xin cho con hiểu: ‘thời kỳ đã mãn’ cho chính con, và cho hết thảy mọi tín hữu, khi đón nhận ơn cứu độ của Đức Kitô. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB