Khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, Phụng vụ nhắc nhớ chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Tình yêu ấy thể hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Phụng vụ cũng nhắc nhớ chúng ta, Thiên Chúa Ba Ngôi là đích điểm của đời sống Kitô hữu.
Nói đến Chúa Ba Ngôi là chúng ta nói đến đời sống nội tại của chính Thiên Chúa. Thật vậy, khi cử hành các mầu nhiệm khác như Giáng sinh, Phục sinh, là chúng ta tôn vinh những điều Chúa đã làm vì yêu thương con người; còn khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, là chúng ta tìm hiểu và suy tư xem Chúa là ai và Ngài như thế nào. Lý trí con người hữu hạn, nên chỉ có thể suy tư về Chúa, dựa trên những kinh nghiệm trần gian. Chúng ta có thể hiểu phần nào về Chúa Ba Ngôi, từ những lời giáo huấn của Chúa Giêsu. Trong cuộc đàm đạo với ông Nicôđêmô, một thành viên của Công nghị Do Thái, Chúa Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Người là Đấng Thiên Sai. Việc Người đến trần gian là bằng chứng về tình yêu Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa yêu thế gian. Vì thế Ngài đã tạo dựng thế gian và sai Con của Ngài đến cứu thế gian (Bài Tin Mừng).
Lòng yêu thương của Chúa cũng là một điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn của Cựu ước. Vì tình yêu thương, Ngài đã dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập. Ngài đã chăm sóc họ như một người cha. Ngài bao dung tha thứ khi họ lỗi lầm. Qua trung gian ông Môisen, Ngài còn ban cho họ lề luật để giúp họ sống theo đường ngay nẻo chính (Bài đọc I). Tất cả những gì Chúa đã làm trong lịch sử là bằng chứng tình yêu thương vô bờ của Ngài.
Lời Chúa Giêsu trong Ga 3,16 được coi như tóm lược toàn bộ nội dung của Tin Mừng Thánh Gioan. Bởi lẽ nó diễn tả chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Giêsu Kitô. Câu Tin Mừng này cũng diễn tả cho chúng ta đời sống phong phú nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Khác với giáo lý của Do Thái giáo và của Hồi giáo, cũng là hai tôn giáo độc thần, Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi mà duy nhất. Đó là sự duy nhất không đơn độc. Trong khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về Chúa Cha, là Đấng đã sai Người đến thế gian. Chúa Giêsu cũng nói về Chúa Thánh Thần, là Thần Chân Lý, sẽ đến để tiếp tục công việc Người đã khởi đầu, tức là hướng dẫn Giáo Hội để Giáo Hội loan báo giáo huấn của Chúa Giêsu. Tất cả những hoạt động của Thiên Chúa, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đều xuất phát từ tình yêu của Ngài đối với thế gian.
Khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, Phụng vụ nhắc nhớ chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Tình yêu ấy thể hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Phụng vụ cũng nhắc nhớ chúng ta, Thiên Chúa Ba Ngôi là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Điều đó có nghĩa, nếu chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu và tuân giữ lời Người, chúng ta sẽ được hòa mình vào dòng chảy hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, ngay khi chúng ta còn sống ở đời này. Đó cũng là bảo đảm chắc chắn rằng, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi trong hạnh phúc vĩnh cửu, như lời Chúa Giêsu đã hứa.
Lời chào của thánh Phaolô đối với cộng đoàn tín hữu Côrinhtô (Bài đọc II) đã diễn tả những điều kỳ diệu thiêng liêng của Giáo Hội: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em”. Lời chào này đã trở thành công thức mở đầu thánh lễ. Là thành viên của Giáo Hội, mỗi người tín hữu đang sống trong ân sủng của Chúa Giêsu, trong tình yêu của Chúa Cha và trong sự thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, chúng ta được bao bọc bởi tình yêu Chúa Ba Ngôi. Nhờ đó, cuộc sống của chúng ta không còn buồn chán thất vọng hay lầm lạc tội lỗi. Chúa Ba Ngôi không chỉ là một lý thuyết xa vời, nhưng rất cụ thể trong đời sống chúng ta, gần gũi với chúng ta như hơi thở, nước uống, khí trời và những nhu cầu khác. Thánh Phaolô cũng nói đến điều kiện để được Chúa Ba Ngôi che chở, đó là luôn đồng tâm nhất trí và hòa thuận với nhau. Một cộng đoàn được liên kết bằng mối giây yêu thương sẽ có Chúa Ba Ngôi hiện diện. Hơn nữa, chính Chúa Ba Ngôi là mối dây yêu thương này.
“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Mỗi ngày, chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần, mà ít khi ý thức đây là lời tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đây cũng là một lời cầu nguyện ngắn. Dấu thánh giá vừa nhắc cho chúng ta: Thiên Chúa yêu thương thế gian; vừa mời gọi chúng ta: hãy nhân danh Chúa Ba Ngôi trong mọi hành xử, suy nghĩ, nói năng và trọn vẹn cuộc đời. Nếu thực sự “nhân danh Chúa Ba Ngôi” trong cuộc sống, chúng ta sẽ tiến dần tới sự hoàn thiện, nhờ đó, sự thánh thiện của Chúa tỏa sáng nơi cuộc đời chúng ta.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên